Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Phạm Ngọc Khuê – ông là ai?

Nguyễn huy Thắng
Thứ bẩy ngày 28 tháng 2 năm 2009 4:36 PM
 
Nguyễn Huy Thắng
 Như một nghịch lý, nếu như tôi có đủ tự tin và sự thôi thúc để viết về tình bạn giữa ông với cha tôi, thì, thú thực, tôi lại không biết gì mấy về bản thân ông. Ông là bác sĩ Phạm Ngọc Khuê, tác giả cuốn Nguồn sinh lực có vị trí xứng đáng trên văn đàn đầu thế kỷ 20. Còn cha tôi tuy hơn ông một tuổi, nhưng lại đến với văn đàn sau ông. Năm 1939, khi soạn tập thơ “Nhất điểm linh đài” và còn đang băn khoăn không biết thơ mình hay dở thế nào, liệu có nên xuất bản, cha tôi đã tâm sự với ông Khuê và thật mừng được ông nhận lời đọc hộ. Năm 1941, khi xuất bản bộ sách “Sức khỏe mới”, ông Khuê cũng đồng thời làm chủ nhiệm một tờ báo tên là Ngòi bút. Không quên lòng sốt sắng với thi ca của bạn, ông đã cho đăng trên số ba của tờ này bài thơ Quan Âm của cha tôi. Tiếc rằng ngay sau đó tờ Ngòi bút bị đình bản. Muộn mằn lận đận nghiệp văn chương, cha tôi đã nghĩ, hay là do cái số hẩm hiu của mình mà tờ báo của bạn bị vạ lây!
 Tôi không rõ do đâu mà cha tôi quen biết bác sĩ Phạm Ngọc Khuê. Năm 1939, khi cha tôi bắt đầu ghi trong nhật ký về người bạn mới này, ông Khuê đã là một trí thức có tên tuổi, thuộc giới những người học rộng đỗ cao (bằng bác sĩ lúc bấy giờ hiếm lắm). Còn cha tôi thì chỉ là một chân thư ký quèn ở nha Thương chính, hay còn gọi là sở Đoan. Song có điều chắc chắn, hai ông đều có chung một sở đắc thơ ca, và về phương diện này, ông Khuê lại tỏ ra có nhiều trải nghiệm. Dễ hiểu vì sao cha tôi đã đưa tập thơ nhờ cậy bạn đọc giùm. Ông Khuê xem ra đã góp ý cho cha tôi khá kỹ – chê hơn là khen – và nhân đấy các ông đã thổ lộ nhiều điều như cha tôi có ghi lại trong nhật ký: “Chúng tôi cùng mong mỏi làm những bậc tài hoa. Có lẽ trong bọn không ai muốn làm một nhà triết học, một nhà thông thái, ai cũng thích thi nhân cả”. Ông Khuê còn tuyên bố quả quyết: “Một người thi nhân chân chính - thì nước mất một người công dân - bố mẹ mất một người con - vợ con mất trông cậy”. Theo quan niệm của ông Khuê, người đã gọi là tài hoa phải là một kẻ say mê, phải có những phút ngông cuồng, vì vậy nên ông chê cha tôi tỉnh nhiều lắm (22-2-1939).
 Cái dở của cha tôi – “tỉnh nhiều lắm” – cũng lại là cái may cho ông, bởi vì không lâu sau đấy ông đã nhận ra sở trường của mình không phải là thơ, mà là văn, cũng không phải văn xuôi, mà là kịch, lại không phải kịch mêlô – hài kịch, mà là bi kịch, như vở kịch Vũ Như Tô nổi tiếng của ông. Với ông Khuê, thi ca không phải là không đem lại cho ông những phút giây thăng hoa, sảng khoái. Cuối những năm 30 của thế kỷ trước, khi tham gia Ban biên tập báo ích hữu do nhà văn Lê Văn Trương làm chủ bút, ông đã chịu ảnh hưởng mạnh bởi những nhân vật người hùng của họ Lê. Nguồn cảm hứng ấy đã khơi gợi ông viết nên những ý thơ mãnh liệt, khá được phổ biến lúc bấy giờ, thậm chí còn được nhiều người lấy làm phương châm sống:
Lấy chí ngang tàng và lòng quyết thắng
Làm hơi rượu mạnh để say sưa.
 Nhưng rồi ông cũng hiểu thơ phú không phải là sở trường của mình. Là bác sĩ, mang sứ mệnh trị bệnh cứu người, lại là một thanh niên luôn bận bịu nghĩ suy, đầy nhiệt huyết với những tư tưởng mới, ông đã sớm trở về với cái căn cốt trí thức của mình. Liên tiếp trong năm 1941, ông cho ra mắt hai cuốn sách của bộ “Sức khỏe mới” – cuốn đầu là Một sức khỏe mới và cuốn sau mang tên Nguồn sinh lực. Với kiến thức của một người tây học, ông đưa ra một nhận định có tính khái quát: Một người khỏe phải khỏe về thể chất và tinh thần. Phân tích thực trạng dân mình, ông nhận xét: ở nước ta sức khỏe của mọi người thường chỉ là một “sức khỏe thụ động”, ít là một sức khỏe tác động. Người mình yếu đuối lại đổ tại ảnh hưởng của khí hậu, của di truyền...
 Tựu trung, tư tưởng chủ đạo của họ Phạm nằm ở mấy chữ: “Sức khỏe là biểu dương của sinh lực”. Vậy trước hết phải hiểu “Sinh lực là gì?” Theo ông Khuê, sinh lực là lửa sống, là linh khí, là tinh anh, và sống chỉ có nghĩa là giải thoát sinh lực. Cho nên ta phải suy xét về cách giải thoát ấy. Hay nói cách khác, ta phải tìm cách vượt qua những trở lực của sự sống, dù trở lực ấy có khuynh hướng duy vật (thiên về cuộc đời hình sắc, lôi kéo người ta đến với chủ nghĩa khoái lạc), duy tâm (khiến người ta chìm đắm trong mơ mộng, quên cả đời thực tại), hay duy thần (làm tê liệt ý chí, khiến người ta “phó thác cuộc đời cho những cái xa xăm huyền bí”). Tóm lại, tác giả đi đến kết luận sống là điều hòa các năng lực thăng bằng, chớ “quá thiên về xác thịt, về tình cảm, hay về lý trí”.
 Hai cuốn sách, mà đặc biệt là cuốn sau – Nguồn sinh lực – với các giá trị khoa học, nhân văn và văn chương của nó, đã nhanh chóng lọt vào mắt xanh của nhà báo Đinh Gia Trinh, một cây bút có hạng trên Thanh nghị. Không lâu sau khi sách ra đời, ông Trinh có bài “Đọc sách Một sức khỏe mới và Nguồn sinh lực”, với những lời đánh giá rất cao: “Hai tác phẩm ấy có một tính cách đặc biệt: nó đại diện cho một loại sách đứng đắn, nghiêm trang, cần phải mong mỗi ngày một nhiều lên, loại sách triết lý và khoa học trong văn chương ta”, và “... ông P.N. Khuê cho ta tin rằng văn chương Việt Nam có thể đi đến rõ rệt và đẹp đẽ để mang những tư tưởng mới mẻ của thời đại” (Thanh nghị, số 6, 1941).
 Dễ có thể hình dung, cha tôi đã cảm thấy vinh dự thế nào khi vào một ngày thu năm 41, ông được gặp ông Khuê tại đám cưới một người bạn thân –  Vũ Tuân Sán. Ông Sán cũng là một người đỗ đạt, mới lấy bằng cử nhân luật học. Đương nhiên đám cưới của ông có mặt nhiều vị khách quý, những đốc tờ, đốc học, học giả… Có thể kể ra những Trần Văn Tuyên, Trần Văn Giáp, Nguyễn Hữu Vượng, Nguyễn Khắc Kham cùng nhiều người khác nữa “có tiếng trong văn đàn”. Cha tôi không khỏi cảm thấy choáng ngợp trước họ, nhưng liền cảm thấy an tâm khi thấy trong bọn có Phạm Ngọc Khuê, “tác giả Nguồn sinh lực”! Ông lại càng cảm động khi nghe ông Khuê, ngay giữa bữa tiệc, ân cần nhắc tới mấy bài thơ của ông mà bạn vẫn giữ và định sẽ đăng trên một tờ báo sắp ra. (Ông Khuê vốn là bác sĩ, nhưng khả năng làm báo của ông đã khiến cho nhiều tờ phải mời ông làm chủ nhiệm, kể cả tờ tạp chí Văn mới nổi tiếng của nhà Hàn Thuyên.) Chịu ơn tác giả Nguồn sinh lực, cha tôi những muốn làm bài “Lên đường” tặng bạn (để bày tỏ sự dấn thân?), nhưng rồi thấy kém đã cương quyết bỏ đi!
*
*  *
Cha tôi thân với ông Phạm Ngọc Khuê có lẽ trước hết là do mối cảm tình cá nhân. Trong những dòng nhật ký về ông Khuê những năm trước Cách mạng, đã có không ít lần ông thốt lên với đầy thiện cảm. Lần thì: “Gặp Phạm Ngọc Khuê, người bạn mà tôi rất thích” (7-2-1939); lần thì: “Nói chuyện với Phạm Ngọc Khuê… Thấy yêu anh chàng này” (17-8-1941). Đến khi chuẩn bị đám cưới của mình, cha tôi cũng đã nghĩ ngay đến việc nhờ ông Khuê làm phù rể. Hiềm nỗi ông Khuê đang có tang nên không thể nhận lời. Thế rồi cha tôi tham gia Việt Minh, hoạt động trong tổ chức Văn hóa cứu quốc bí mật. Còn ông Khuê, có tài liệu nói rằng ông cũng tham gia hoạt động, nhưng là trong nhóm đệ tứ quốc tế có khuynh hướng tờ-rốt-kít – hồi ấy những thanh niên có tâm huyết với non sông, chủng tộc, nhất là tầng lớp trí thức ưu thời mẫn thế thường đều chọn cho mình một hoạt động nào đó ít nhiều có tính cách cấp tiến, nhưng cũng có khi cực đoan. Có tài liệu nói rằng, sau Cách mạng tháng 8-1945, ông Khuê đã giúp Hồ Hữu Tường, một yếu nhân được coi là lý thuyết gia của đệ tứ quốc tế, lánh về Nam Định tránh nguy cơ bị bắt, do lo sợ Việt Minh sẽ tiêu diệt các phần tử đệ tứ. Chuyện này không biết thực hư ra sao, song có điều, giữa cha tôi và ông Khuê vẫn giữ mối quan hệ bình thường, thậm chí ông Khuê còn đủ sự tin cậy để nói thẳng với cha tôi những ý kiến trái chiều của mình về công tác báo chí mà cha tôi là một người có trách nhiệm (hay có thể nói, một đồng tác giả). Chúng ta biết rằng, sau Cách mạng thành công, các sách báo đều cố gắng hướng vào mục đích tuyên truyền phục vụ chế độ mới, chế độ dân chủ nhân dân. Đây vừa là trách nhiệm, vừa là nhiệt tình rất đáng quý của người cầm bút. Tuy nhiên, trước sự đổi thay quá lớn quá nhanh của đời sống xã hội, không phải dễ gì các tác phẩm văn chương, báo chí mới – mà người ta gọi chung là sách báo “mặt trận” – đã đáp ứng được những đòi hỏi của công chúng, nhất là về phương diện thẩm mỹ. Bản thân cha tôi, trong một lần nói chuyện với các bạn văn đồng thời cũng là đồng chí của ông, đã chua chát ghi lại những ý kiến thu nhận được: “Các nơi đều chê văn chương mặt trận là văn chương khẩu hiệu”. Riêng ông Khuê thì nói hình tượng hơn, nhưng cũng chua cay hơn: “Một thằng bị giam muốn cho nó chết chỉ việc cho nó đọc báo mặt trận” (nhật ký 24-5-1946). Cha tôi đã không phản ứng, không bao biện cũng không thanh minh, ông chỉ cảm thấy thất vọng ghê gớm về phần mình, nỗi thất vọng đã dẫn ông đến ý định quyên sinh: “Có tư tưởng muốn chết, muốn tự tử”.
Tất nhiên, đó chỉ là ý nghĩ nhất thời, thoảng qua, do một cảm giác bất lực thường vẫn thấy ở những người làm công việc sáng tạo. Là người có trách nhiệm với bản thân và sự nghiệp chung, cha tôi luôn tìm cách tự điều chỉnh mình theo hướng tích cực, hay nói theo phương châm của bác sĩ Phạm Ngọc Khuê bạn ông trong cuốn Nguồn sinh lực, sống là điều hòa các năng lực thăng bằng. Với ông, cách điều hòa tốt nhất là lao vào công việc, hòa mình với tập thể. Tháng 9 năm ấy, nhân 7 năm ngày mất Vũ Trọng Phụng, một lễ tưởng niệm nhà văn đã được tổ chức khá trang trọng, có lẽ do Hội Văn hóa cứu quốc mà cha tôi là một người phụ trách chủ trì. Bác sĩ Phạm Ngọc Khuê cũng được mời tới phát biểu, cùng với những tên tuổi như Nguyễn Tuân, Thế Lữ, Trương Tửu, Nguyên Hồng. Điều này vừa chứng tỏ ông là một gương mặt trí thức lớn lúc bấy giờ, vừa cho thấy sự trọng thị của cha tôi đối với người bạn bác sĩ của mình. Sự trọng thị còn tiếp tục được duy trì cho đến sau Toàn quốc kháng chiến, khi các ông đã mỗi người một nẻo. Mùa thu năm 1947, ở Việt Bắc, cha tôi lo công việc trù bị cho Đại hội Văn hóa toàn quốc dự kiến sẽ được tổ chức vào năm tới. Ông thảo thư mời các đại biểu dự cuộc họp trù bị, lên danh sách các vị sẽ mời tham dự Đại hội nay mai. Trong danh sách ấy, giới y học có ông Phạm Ngọc Khuê bên cạnh những bác sĩ nổi tiếng khác như Vũ Văn Cẩn, Trịnh Đình Cung, Trịnh Văn Tuất, Trần Hữu Nghiệp, Trần Hữu Tước...
*
*  *
Những năm kháng chiến chống Pháp, ngoại trừ một lần duy nhất ghi tên ông Khuê trong danh sách nói trên, cha tôi không hề viết một dòng nào về ông trong nhật ký. Vậy nên tôi không thể biết được gì về mối liên hệ giữa hai ông thời kỳ này. Rất may, bằng những phương tiện tìm kiếm trên mạng, tôi cũng đã có được ít nhiều thông tin về bác sĩ Phạm Ngọc Khuê. ở các bài viết về nhà thơ Quang Dũng, tác giả bài thơ Tây Tiến nổi tiếng, về họa sĩ - người lính Văn Đa bạn với nhà thơ, hay về ông Hùng Thanh, Chính ủy Trung đoàn 52 Tây Tiến, có một người thường chỉ được nhắc qua nhưng bao giờ cũng với sự trân trọng đặc biệt. Đó là một vị trí thức trong trung đoàn, người được cán bộ, chiến sĩ kính nể vì đã “từ bỏ cuộc sống giàu sang theo tiếng gọi của non sông, đất nước đi tham gia kháng chiến”, người trước cảnh anh em ai nấy tóc tai bù xù nơi rừng thiêng nước độc, đêm đêm thường phải đốt đuốc để giết rệp đã khuyên mọi người cạo trọc đầu đi cho đỡ chấy rận... Từ đấy mà nhà thơ Quang Dũng đã cảm tác viết nên câu thơ hùng tráng “Tây Tiến đoàn quân không mọc tóc”. Người ấy chính là bác sĩ Phạm Ngọc Khuê, vị bác sĩ mà trong ký ức của những người từng biết ông, dù thân hay sơ, dù chỉ là thoảng qua hay cùng gắn bó trong binh đoàn Tây Tiến, luôn nhìn nhận như một “nhân vật đặc biệt” đáng kính. Nhưng cũng phần nào đầy bí ẩn!
*
*  *
 Hòa bình lập lại, tung tích của bác sĩ Phạm Ngọc Khuê cũng không bớt bí ẩn hơn – ít nhất thì những thông tin ít ỏi tôi có được đã cho thấy như vậy. Trong Cải cách ruộng đất gia đình ông đã phải chịu nhiều nỗi đau mất mát. Nhật ký của cha tôi đầu tháng 9-1956 có ghi, đại ý: Bố Phạm Ngọc Khuê bị giam chết. Mẹ 75 tuổi bị bắt đi lao động cải tạo. Con chỉ có ruộng xấu, nhưng bị người ta kích diện tích và sản lượng lên để quy địa chủ. Đi lấy củi không được, đi bắt tôm, bắt cua cũng không cho...
 Nhưng cũng như nhiều người Việt Nam khi ấy, ông chấp nhận thực tế phũ phàng, coi như đất nước bị một cái nạn chung mà mọi người dân cùng phải gánh chịu. Song là một trí thức chân chính, ông luôn thiết tha mong đợi một sự thay đổi tích cực. Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ 20 với chủ trương xem xét, sửa đổi lại đường lối (mà ta vẫn quen gọi là xét lại) đã đem lại cho ông cũng như cha tôi một sự khích lệ to lớn. Chủ nhật ngày 16-9-1956, cha tôi sang gặp ông Phạm Ngọc Khuê, vừa để thăm bạn ở Hải Phòng lên, vừa để nhờ bạn xem bệnh hộ. Qua câu chuyện, ông Khuê đặt rất nhiều hy vọng vào Đại hội 20 của Liên Xô, khi trước thấy bế tắc, nay con đường đã mở. Nhân bàn về một số trí thức Việt Nam thiếu nhân phẩm, hai ông cho rằng vấn đề chính vẫn là ở mình, xem mình góp được phần gì của người trí thức, không thể ỷ lại vào Trung ương. Nghĩ lại hồi thuộc Pháp, người trí thức có khí thế, nay không được như thế nữa. Đặc biệt là quá thiếu văn hóa!
Về bệnh của cha tôi, ông Khuê cho rằng căn bản vẫn là do tư tưởng. Ông khuyên cha tôi cần phải bình tâm, không thì óc mệt là nguồn tật bệnh. Cha tôi cũng biết thế lắm, như ông đã ghi lại trọng nhật ký: “Ta khổ sở chỉ vì đầu óc nhọc mệt, không có lối thoát. Cần phải cho thư thái đầu óc”.
 Những chia sẻ với ông Khuê về trách nhiệm của người trí thức, sự kỳ vọng của bạn vào những diễn biến tích cực ở Liên Xô, chắc chắn đã góp phần khiến cha tôi quả quyết hơn, trong suy nghĩ cũng như hành động. Thế rồi xảy ra sự biến ở Hungary, Hồng quân Liên Xô phải vào can thiệp. Sự kiện này đã tác động đến cha tôi rất mạnh. Nhưng suy cho cùng, nó chỉ là cái cớ để cha tôi viết ra những bức xúc lâu nay của mình về nhiều vấn đề xã hội, từ việc cải cách ruộng đất gây rối ren ở nông thôn đến thực trạng đình đốn về kinh tế, văn hóa... ở thành phố. Biết rằng viết ra những điều ấy sẽ bị phản ứng, bị đập – thực tệ là khi viết, bút ông có “run run”, như ông đã ghi trong nhật ký, – nhưng làm sao ông có thể làm khác được một khi đã nhận ra những sai lầm đòi hỏi mình phải có tiếng nói phản biện. Chả phải chủ nhật nào ông đã cùng ông Khuê phê phán những trí thức “thiếu nhân phẩm” đó ư? Cho nên, có thể nói, bài tùy bút Một ngày chủ nhật của cha tôi ra đời là một sự tất yếu, một lựa chọn của tác giả và một sẻ chia cùng bạn bè!
*
*  *
 Bài tùy bút này sau đó đã gây cho cha tôi nhiều hậu quả không nhỏ. Ông bị đả kích, bị phê bình, bị quy là hữu. Trong vụ việc Nhân văn Giai phẩm, ông buộc phải làm kiểm điểm, nhận khuyết điểm. Trong số những điều ong tiếng ve về cha tôi, có người đã bới việc bác sĩ Phạm Ngọc Khuê ở dưới Hải Phòng hồi ấy hay lên chơi với ông, như nhà văn Tô Hoài đã thuật lại trong hồi ký Cát bụi chân ai. Thậm chí, vẫn theo nhà văn Tô Hoài, người ta còn nâng tầm quan điểm: “Khi còn trẻ, Nguyễn Huy Tưởng mê và phục thuyết Sinh lực mới của anh bạn có khuynh hướng tờ-rốt-kít này”.
 Sức ép của sự quy kết chắc chắn là không nhỏ. Không khí của những cuộc đấu tranh tư tưởng trong giới văn nghệ chắc hẳn rất quyết liệt. Kết quả là, vào một ngày tháng giêng năm 1958, cha tôi khi kiểm thảo tại hội nghị văn nghệ Đảng đã liên hệ đến hai người là Trần Đức Thảo và Phạm Ngọc Khuê. Người đầu là nhà triết học trứ danh và cũng là duy nhất của Việt Nam. Người sau là vị bác sĩ trí thức bạn ông. Không rõ cha tôi đã “liên hệ” những gì, vì ông đã không ghi rõ trong nhật ký, nhưng có thể đoán được rằng đó không phải là những điều tốt cho bạn. Vì thế ông đã rất hối hận, đến mức tự sỉ vả mình trong nhật ký: “Thấy hèn” (nhật ký tháng 1 và nửa tháng 2/1958).
 Nhật ký của cha tôi về ông Khuê dừng ở đây, cho đến khi qua đời không thấy ông viết gì thêm về người bạn bác sĩ này. Về phần ông Khuê cũng không thấy viết gì, nói gì, về mình cũng như về cha tôi. Cho nên tôi không thể biết trong thời kỳ Nhân văn Giai phẩm ông đã nghĩ gì về cha tôi, và về sau này có còn nghĩ gì về người bạn một thời của mình. Hy vọng vào những nguồn thông tin khác, tôi có dùng đến các công cụ tìm kiếm trên internet, như từ điển Wikipedia, phần mềm google... Kết quả gần như bằng không! Trong hàng loạt mục từ “Phạm Ngọc Khuê” xuất hiện, chỉ có dăm ba từ ít nhiều liên quan đến bác sĩ Phạm Ngọc Khuê, còn thì phần lớn là về ca sĩ Phạm Ngọc Khuê, người thể hiện bài Bên bờ ao nhà mình nổi đình đám năm nào. Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, điều này thật khó hiểu, nhất là khi sự thể liên quan đến một tên tuổi như bác sĩ Phạm Ngọc Khuê. Nhưng dần dần tôi cũng có được “tiểu sử trích ngang” của ông: Sinh năm 1913, quê huyện Mỹ Hào, Hưng Yên. Năm 1927, học trường Bưởi, sau đó học trường Albert Sarraut. Vừa học Albert Sarraut vừa đi dạy tư thục Thăng Long. Thời gian dạy tư thục Thăng Long, kết bạn với Võ Nguyên Giáp, Vũ Đình Hòe. Thi đỗ trường đại học Y khoa Đông Dương. Năm 1941 ra sách “Sức khỏe mới”. Kháng chiến, phục vụ trong quân ngũ, tham gia Trung đoàn 52 Tây Tiến. Sau hòa bình, làm giám đốc bệnh viện lao Cầu Niệm, Hải Phòng. Mất năm 1995 (hay 1996), thọ 83 tuổi ta (hoặc tây).
 Cũng cần nói cho sòng phẳng, những thông tin này tôi có được là từ một bạn sinh viên Sư phạm năm thứ ba. Anh bạn đang quan tâm tìm hiểu về nhóm Hàn Thuyên, và tất cả những gì có liên quan. Đương nhiên trong đó có bác sĩ Phạm Ngọc Khuê. Kể cũng phải thôi, làm sao một người như thế có thể mất dấu tích được, nhất là khi người đó lại là tác giả Nguồn sinh lực...
Chú thích ảnh:
Bác sĩ Phạm Ngọc Khuê cùng vợ và con gái, năm 1949. (ảnh do tiến sĩ Phạm Ngọc Thái, con trai của bác sĩ, cung cấp.)
(3840 từ)