Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nhà thơ Hữu Thỉnh và nỗi đau nhân thế

Trần Song Hoàng
Thứ tư ngày 4 tháng 3 năm 2009 1:01 PM
 TNc: Bài viết về nhà thơ Hữu Thỉnh trên tờ Nhà báo và Công luận chúng ta chưa được biết nhiều. Riêng bức ảnh kèm bài thì gây nhiều ý kiến khen chê. Trannhuong.com xin cóp bài viết ấy để mọi người cùng đọc và hiểu thêm nhà thơ Hữu Thỉnh - một thi sĩ với tất cả nỗi buồn nhân thế
 
Nhà thơ Hữu Thỉnh nổi tiếng từ khi tôi mới tập tọng bước vào làng văn chương, nghĩa là thi thoảng lắm mới có được một bài in trên tuần báo chuyên ngành hay tờ tạp chí 2  - 3 tháng/kỳ của Hội Văn nghệ tỉnh. Tôi đã đọc, yêu thơ anh và cũng như không ít người làm thơ trẻ khác, tôi luôn mong muốn gặp các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng lớp trước để được giao lưu, học hỏi đồng thời cũng là để thỏa lòng mến mộ. Và các cuộc gặp gỡ lần đầu tiên với họ luôn để lại trong tôi những  ấn tượng khó có thể phai mờ. Thế nhưng với Hữu Thỉnh thì lại khác. Tôi không nhớ gặp anh lần đầu khi nào, ở đâu và trong hoàn cảnh nào. Lần gặp gỡ để lại ấn tượng trong tôi về anh lại là một câu chuyện bé cái nhầm.Những kỉ niệm cười ra nước mắt
 
 Vào khoảng cuối năm 1999 hay đầu năm 2.000, khi còn phụ trách trang Văn nghệ ở  tờ báo của Hội Nhà báo Việt Nam, nghe tin Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức lễ kết nạp hội viên mới, tôi sang để làm cái tin còm cho bản báo. Đang loay hoay ở sân Văn phòng Hội thì thấy Hữu Thỉnh từ cổng đi vào. Nhìn thấy tôi, anh bước nhanh tới, giơ tay bắt và nói giọng đầy hồ hởi:       - Chúc mừng! Chúc mừng!Tôi ngớ người không biết anh chúc mừng gì vì khi đó, tôi chẳng có điều gì đáng để chúc mừng cả. Đoán có lẽ anh nhầm tôi có tên trong danh sách được kết nạp vào Hội lần này nên định đính chính vì thật ra khi đó, tôi chưa làm đơn, thậm chí chưa xuất hiện cả ý nghĩ xin gia nhập Hội.  Để chữa cho sự nhầm lẫn của anh, tôi cám ơn anh và tìm cách chuồn đi chỗ khác. Từ đó, tôi không hay gặp anh phần vì không muốn gợi nhớ lại chuyện này.Từ khi được phân công theo dõi mảng thời sự chính trị nên tôi thường gặp anh tại các kỳ họp Quốc hội. ở đây, anh luôn lảng tránh trả lời phỏng vấn báo chí. Đã hơn một lần, tôi buồn bực mà thốt lên rằng tại sao ngồi vào chỗ đó mà không mấy khi anh lên tiếng giúp cho những người mà anh đại diện? Công bằng mà nói ở hai nhiệm kỳ Quốc hội, anh đã phát biểu khá tâm huyết về Luật Di sản văn hóa, Luật Giáo dục, Luật Xuất bản, Luật Báo chí. Anh tham gia ý kiến với Bộ Luật Hình sự khá sâu sắc khi có những liên hệ với Bộ luật Hồng Đức. Trong các lần phát biểu tại nghị trường, theo nhận xét của tôi, anh có 2 ý chính chưa được thỏa đáng khi anh nói về sách giáo khoa.ý thứ nhất, anh kể câu chuyện bộ sách giáo khoa nhà anh mấy anh em, người nọ truyền người kia để học mà vẫn tốt, sao bây giờ năm nào cũng phải thay, phải sửa. ý anh muốn là sách giáo khoa cần sửa một lần cho cơ bản, đề in sách năm trước có thể sử dụng cho các năm sau, đỡ tốn kém đối với học sinh nghèo. Chuyện anh kể là đúng với sự thật nhưng không đúng với sự biến động của khoa học kỹ thuật hiện nay. Bởi thủa anh em nhà anh cắp sách đến trường tức là nó đã diễn ra cách đây khoảng nửa thế kỉ. Ngày đó, người ta đi bộ hoặc đi xe đạp là chính. Trên cánh đồng làng anh, người nông dân gặt bằng cái liềm từ thủa vua Hùng dậy con cháu trồng lúa nước và vẫn kéo cày bằng cái con trâu từ thủa Trí khôn của ta đây. Thế nhưng giờ đây, với sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật, thế giới đang biến đổi từng giờ, từng phút mà vẫn giữ nguyên tư duy truyền nhau thế hệ này sang thế hệ khác một bộ sách giáo khoa đương nhiên sẽ là quan niệm không phù hợp. ý thứ hai, anh đưa ra nhận xét đại để là đất nước đã thống nhất cần có bộ sách giáo khoa thống nhất, sao sách giáo khoa vẫn còn phân chia vùng miền. Với nhận xét này, anh tỏ ra ít hiểu biết đối với thực tế giáo dục. Đất nước ta trải dài hàng ngàn kilômet, bị ảnh hưởng của các nền văn hóa khác nhau, chịu sự tác động của môi trường kinh tế, xã hội khác nhau nên trình độ dân trí có khoảng cách cách biệt nhau. Bắt một cậu bé ở Hà Nội hay TP.Hồ Chí Minh cùng ăn một thực đơn với một cậu bé ở Mù Cang Chải, Mèo Vạc hay một học sinh ở xã vùng sâu, vùng xa của Đồng bằng sông Cửu Long là không nên, vì như vậy sẽ bất công với cả hai. Chuyện sau đây là chuyện về Hữu Thỉnh mà không trực tiếp có Hữu Thỉnh (nói theo ngôn ngữ đời sống, nó là chuyện sau lưng). Trong Chân dung và Đối thoại, Nhà thơ Trần Đăng Khoa viết có đoạn: Nhà văn Nguyễn Khắc Trường bảo tôi: Cha Hữu Thỉnh làm việc đễ đến 20 giờ một ngày. Suốt đêm duyệt bài, duyệt cả mấy tờ báo, mà lão đọc kỹ lắm, soi đến từng chữ. Ngày thì lại họp hành, phát biểu hội thảo, chúc thọ người già, thăm mon người ốm, rồi ma chay, phúng viếng, giỗ chạp, Hữu Thỉnh không quên ai cả... Hữu Thỉnh là người khổ nhất Hội Nhà văn. Đọc đến đoạn này, tôi rất buồn, nói với nhà văn Lê Lựu: Sao Trần Đăng Khoa nịnh bác Thỉnh thế anh?. Nào ngờ Lê Lựu bảo tôi: Ngu, đọc như thế là ngu - Nhìn thẳng mặt tôi, Lê Lựu nói - Làm cái thằng viết văn, làm thơ, khi nhắc đến mình mà nó không nói một câu nào về văn chương, về tác phẩm mà chỉ khen mình tốt tính, đẹp mã, mình cần cù. Thế là nó mắng cho đấy chứ khen với nịnh cái gì. Chú đọc ngu bỏ mẹ lên. Tôi giật mình vì cái sự thâm nho của đám văn chương.
Lối “mạt sát” không nên và không đúng Những chuyện đại loại như thế cứ ám ảnh tôi mãi cho đến gần đây, đọc một cuốn hồi ký được lan truyền trên mạng của một nhà phê bình văn học mà từ nhiều năm nay, tôi hằng kính trọng. Thậm chí, tôi vẫn tôn ông làm thầy dù có thể ông chẳng thèm nhận tôi là trò và trên thực tế, tôi cũng chưa một lần trực tiếp học ông. Chính cái ngôn ngữ thiếu điềm tĩnh của nhà phê bình văn học có tiếng là sắc sảo này khiến tôi suy nghĩ lại nhiều điều, kể cả thái độ với nhà thơ Hữu Thỉnh. Về cảm giác đọc cuốn hồi ký nói chung, tôi hi vọng chí ít thì ông cũng giữ được sự trung thực cỡ trung bình, nghĩa là không sa vào cái công thức mà tôi gọi là nguyên tắc vàng của không ít hồi ký hiện nay: Tranh (hoặc khoe) công - Chối tội - Đổ lỗi - Thanh minh. Tiếc là trong hồi ký của ông, cái công thức này không chỉ hiện diện khá rõ mà ông còn không tiếc lời mắng mỏ những người từng phản đối mình, nhất là trong câu chuyện về sách giáo khoa năm nào, đặc biệt là với nhà thơ Hữu Thỉnh. Có vẻ như ông thâm thù Hữu Thỉnh đến mức ông không từ cả việc sử dùng những lời lẽ rất đời sống. ông chế diễu niềm tin vào thần phật của nhà thơ Hữu Thỉnh một cách khá sâu cay. Đây là điều không nên và cả không được phép bởi đi lễ Phật có lẽ là việc làm bình thường của rất nhiều người Việt Nam và tự do tín ngưỡng đã được xác lập trong Hiến pháp. Việc Hữu Thỉnh thắp hương nơi hai thi sĩ là Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh tử nạn cũng bị ông lôi ra chế giễu. Thắp hương cho hai người bạn thơ cùng thời (tôi không biết sinh thời, họ có biết hoặc có chơi thân với nhau không) chẳng lẽ lại là hành động xấu xa, đen tối, vụ lợi? Đối với công việc, mọi hành động của Hữu Thỉnh đều bị ông cho là nịnh. ông viết: Đối với người già, Thỉnh tổ chức mừng thọ đầu năm. Đối với bọn làm thơ đang chẳng có ai thèm đọc, hắn tổ chức Hội thơ xuân. Ai có cha già mẹ héo, ốm đau hay gặp tai nạn gì, Thỉnh đến ngay và có phong bì. Vừa rồi, họp Đại hội nhà văn lần thứ 7, tôi bị ngã. Hôm sau Thỉnh dã đến thăm rồi.... Đọc đoạn này, tôi cứ nghĩ có lẽ ông vu khống cho Hữu Thỉnh chứ nếu tốt đến mức này thì phải nói anh quả là người nhân hậu và bao dung hiếm thấy, nhất là ở cái thời buổi mà con người ta nhiều khi vô tình đến mức vô tâm với nhau. Có lẽ vì vậy, một nhà thơ nữ đã ngậm ngùi nhận xét rằng nó (cuốn hồi ký ấy) đã làm chị “thất vọng rã rời”. Còn theo lời nhà thơ Nguyễn Thuỵ Kha, Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến, một người bạn thân thiết của ông sau khi đọc đã nhận xét về cuốn Hồi ký này rằng ông đã “từ nhà lý luận trung bình trở thành nhà viết hồi ký cũng... trung bình. Thế nhưng có lẽ vì sự mắng mỏ, mạt sát của ông đã khiến tôi bình tĩnh suy ngẫm lại những  ấn tượng không phải của mình về nhà thơ Hữu Thỉnh. Tôi cảm thấy có nhiều lúc mình (và cả một số anh em trong giới văn chương) đã khắt khe với anh và có nhiều điểm chưa thật khách quan. Ví như cái việc tôi trách anh ít trả lời phỏng vấn nhà báo và chất vấn trước Quốc hội. Giờ đây suy xét lại, tôi nghĩ có lẽ anh cũng cảm thấy cái sự mỏng manh của văn nghệ trước sự bề bộn của biết bao vấn đề quốc kế dân sinh cấp thiết trong chốn nghị trường nên anh co mình lại. Nhớ lại có lần tôi phỏng vấn Hoạ sĩ Trần Khánh Chương, ông nói đại ý rằng nên đi hỏi đại biểu khác có trọng lượng hơn vì ông chỉ là… cái anh nghệ sĩ. Việc Hữu Thỉnh lớn tiếng trong vụ sách giáo khoa có thể lý giải là vì khi đó, anh là ủy viên ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và đó cũng là lĩnh vực anh quan tâm, lo lắng nên bức xúc nhất. Thực ra từ nhiều năm nay, giáo dục luôn là vấn đề nóng bỏng không chỉ ở nghị trường mà toàn xã hội chứ không chỉ với riêng ai. Ngay cả trong ngành là Giáo sư Hồ Ngọc Đại, người dành cả đời mình gắn bó với giáo dục cũng đã hơn một lần nói với tôi rằng chúng ta đang duy trì một nền giáo dục thất đức. Anh lo, anh bức xúc và anh tưởng mình rất hiểu biết dù như đã nói ở trên, tôi thấy sự hiểu biết của anh ở lĩnh vực này có vẻ cũng vừa phải thôi. Nhưng cũng không nên vì thế mà phủ nhận tinh thần trách nhiệm của Đại biểu Hữu Thỉnh và đặc biệt là không nên chụp mũ cho rằng anh có âm mưu hay mưu đồ đen tối trong việc đó. Cũng cần nói thêm là tại kỳ họp ấy, nhiều đại biểu theo tôi là chưa hiẻu biết tường tận đã đồng tình phê phán việc biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa. Và chả lẽ cũng vì thế mà đổ cho họ có mưu đồ gì chăng? Chuyện anh nhận chức Tổng biên tập Văn nghệ cũng có thể hiểu tượng tự. Theo đánh giá của tôi,  trong xu hướng đời sống xã hội biến động lúc đó, nếu nhà văn Nguyên Ngọc vẫn tiếp tục làm Tổng biên tập thì tờ Văn nghệ cũng khó tránh khỏi sa sút. Khổ nỗi làm cái anh quản lý ở ta, không phải điều gì cũng được nói hay nói được. Họ cũng có cái khổ, cái khó của họ mà không phải ai cũng hiểu để mà thông cảm.Nịnh già, nịnh trẻ... nhưng không nịnh cường quyền Thời gian gần đây còn xuất hiện một số lời chê trách anh cả bên bàn trà cũng như trong một vài trang viết. Điều đó cũng bình thường bởi ai trên đời chẳng có người yêu, kẻ ghét. Thậm chí, trong số chê trách anh có cả những người mong muốn, hi vọng quá nhiều ở anh nhưng khi thấy anh không làm được những điều như họ mong muốn nên họ thất vọng rồi dẫn đến oán hờn mà có cái nhìn khe khắt, thậm chí sai lệch về anh chăng? Có thể Hữu Thỉnh còn điều này, điều kia đáng phàn nàn, chê trách nhưng cũng nên công bằng vớí những đóng góp của anh. Đối với những điều nhỏ như vì nịnh già mà các nhà văn lớn tuổi được tổ chức mừng thọ, vì nịnh trẻ mà các nhà thơ trẻ có sân chơi, vì nịnh trí thức mà một nhà giáo có cân đường, hộp sữa lúc tai nạn thì đó là những cái nịnh rất nên làm. Trong các đối tượng nịnh như nịnh phụ nữ, nịnh trẻ em, nịnh người già tất thảy đều là những cái nịnh tốt, chỉ có nịnh cường quyền mới nịnh xấu. Mà tôi thì chưa từng nghe thấy ai nói Hữu Thỉnh nịnh cường quyền. Ngược lại, có thể nói đây chính là sự quan tâm cần thiết, tức là cái hiệu ứng trách nhiệm của một người làm công tác quản lý, đặc biệt là quản lý một lĩnh vực nhiều nhạy cảm là văn học nghệ thuật. Suy cho cùng, đám văn nghệ sỹ chúng ta thì có quyền hành gì ghê gớm lắm đâu để phải nịnh bợ? Còn đối với những việc lớn trong văn nghệ ví dụ như trao tặng Giải thưởng Nhà nước cho 5 nhà văn Nhân văn - Giai phẩm vừa qua chẳng hạn. Đành rằng đó là chủ trương của Đảng, của Nhà nước nhưng phải có một con người cụ thể đề xuất. Có thể là Nguyễn Trí Huân hay Trần Đăng Khoa, Phan Vàng Anh, Hồ Anh Thái… nhưng dứt khoát ít nhất phải có sự đồng thuận của Chủ tịch Hội Nhà văn Hữu Thỉnh. Còn nhiều dẫn chứng khác, như việc bảo vệ tài năng Nguyễn Ngọc Tư, khôi phục cho nhà văn Vũ Bằng, nhà văn Lan Khai, đến việc lo đầu tư cho rất nhiều nhà văn trong mấy năm gần đây. Và thời sự nhất là bảo vệ cuốn tiểu thuyết Thời của thánh thần của Hoàng Minh Tường. Những nhà văn công tâm không thể quên những cố gắng của tập thể Ban chấp hành, trong đó có Hữu Thỉnh. Tết này, Hữu Thỉnh bước sang tuổi 67. Nghĩa là chỉ vài năm nữa, anh sẽ ở tuổi cổ lai hi. Cá nhân mình, tôi có phần tiếc cho thân phận của anh. Nếu anh không dồn tâm lực vì công tác của Hội mà dồn hết tâm sức cho văn chương, có lẽ khối tài sản văn chương của anh để lại sẽ khá hơn nhiều. Nếu anh chỉ chăm chú làm quản lý, với tài ấy, tâm  ấy, so với một số người cùng thế hệ, có thể anh cũng sẽ có địa vị cao hơn hiện nay. Tuy cùng ở Hà Nội nhưng dễ có đến 3 - 4 năm nay tôi không gặp Hữu Thỉnh. Cách đây ít bữa, mấy anh em văn chương ngồi uống bia hơi ở vỉa hè Hà Nội có nhắc về anh. Tuy vẫn có những hậm hụi nhưng đều tỏ sự cảm thông, sẻ chia với Hữu Thỉnh. Một nhà thơ ngày thường nóng nảy có tiếng mà bữa đó bỗng trở nên rất tư lự:- Cái lão Thỉnh bị giời đầy. Tất bật lo toan cho anh em mà giờ bị mang tiếng ác.

Ngày thơ Việt Nam Kỉ Sửu 2009, từ xa nhìn thấy anh vui vẻ trò chuyện với mọi người chợt nghĩ biết đâu sau những giây phút nói cười kia, Hữu Thỉnh đã hơn một lần xót xa một nỗi buồn nhân thế.  

Nguồn: NB&CL