Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nhà văn Đỗ Bích Thúy - Sự mềm mại quyết liệt

Dương Bình Nguyên
Thứ tư ngày 4 tháng 3 năm 2009 1:05 PM


Chị là người phụ nữ không quá nồng nhiệt, có gì đó thu mình trước đám đông. Trong văn chương, Đỗ Bích Thúy cũng không quá ồn ào, những câu văn của chị như những dòng chảy ký ức, mãnh liệt và bản năng. Nhưng nếu tiếp xúc với chị, cảm nhận thật rõ sự chân thành, và cũng cảm nhận thật rõ sự mạch lạc trong tư duy của chị. Thế nên bạn văn không quá bất ngờ khi chị nhận quyết định Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội khi mới ngoài 30. Nhưng, tất cả những điều ấy nằm ngoài đích đến của cuộc đời chị, người đàn bà viết văn...
1.Tôi vẫn luôn hình dung về Đỗ Bích Thúy với chiếc áo sơ mi đuôi tôm bạc thếch và mái tóc đen cặp ngay ngắn sau lưng. Và làn da mịn màng, đôi mắt mở to và đặc biệt kiệm lời. Chị giống những cô gái miền núi quê tôi, có gì đó kiêu hãnh, phá phách, bất cẩn sống cùng sự chịu đựng và thua thiệt. Nhưng những cô gái ấy theo đuổi hạnh phúc của mình quyết liệt. Và chấp nhận sự hy sinh...
Đỗ Bích Thúy bây giờ không mặc áo sơ mi đuôi tôm và quần jeans bạc thếch nữa. Chị đã thành bà mẹ của hai con nhỏ. Và đẹp đến không ngờ, mộc mạc và mặn mà. Vẻ đẹp vốn không có nhiều trong làng văn chương nữ. Nên chị là một “ngoại lệ” nào đó mà ông trời đã ưu ái thì phải. Thế nhưng, cách nói chuyện thì vẫn như xưa. Kiệm lời, khiêm tốn, nhưng tự tin. Chị khiến người khác hình dung về mẫu phụ nữ hiện đại, hiểu biết, thông minh, và có thể điều khiển được người khác. Và cũng có người đã hình dung về chị theo cách ấy. 
 
Nhưng Đỗ Bích Thúy nhìn mọi thứ đơn giản hơn rất nhiều. Chị không coi việc chị được đề bạt lên vị trí Phó Tổng biên tập tờ tạp chí Văn nghệ quân đội là một việc quá quan trọng và nhiều quyền lực.
Thực ra, không ở đâu có cái thông lệ như ở tạp chí này, nhiều nhà văn xin nghỉ chức vụ để về làm công việc sáng tác. Cũng nhiều nhà văn thở phào nhẹ nhõm khi đến tuổi nhận sổ hưu và trở về với công việc yêu thích của mình. Ở ngôi nhà đó, người ta nhìn và vị nể nhau bằng tài văn và cách sống, chứ không phải vì vị trí mà người đó ngồi. Nên, ai đó giữ chức vụ nào đó, chỉ là một cách phân công nhiệm vụ và cố gắng làm mà thôi. Không có lợi lộc bạc tiền. Cũng không có gì là “oai vệ”, bởi sự “oai” của nhà văn là cái bóng lớn của những tác phẩm mà họ viết ra chứ không phải từ cái ghế mà họ ngồi chễm trệ trên đó. Và gánh thêm một khối lượng lớn công việc không tên, những thứ công việc gắn liền với trách nhiệm và nhiều khả năng rình rập cắt nát, thậm chí triệt tiêu thời gian sáng tác.
Đỗ Bích Thúy bảo, mình không nặng nề chuyện này lắm. Đời mình, ngoài chuyện yêu và cưới và sinh con, thì mọi thứ cứ tự nhiên mà đến. Mình không quá tham vọng, cũng không bằng mọi giá đạt được điều gì đó. Có lẽ đó là một sự thật. Chị đã sống như chị tâm niệm, như người cha dặn người con trong “Sau những mùa trăng” của chị: Mày đi thì tốt cho cái thân mày chứ ở đây mãi cũng như tao, như anh mày thôi, tóc bạc, mỏi chân, cũng chỉ có chín bậc cầu thang với cái ngưỡng cửa. Cố mà học lấy cái khôn vào đầu nhưng phải nhớ giữ cái lưng cho thẳng, giữ cái đầu không cúi xuống....
Như một định mệnh, người ta đôi khi không dự tính cuộc đời mình sẽ có những khúc ngoặt như thế. Nếu không đi học đại học ở Hà Nội và không viết văn, có thể Đỗ Bích Thúy vẫn làm ở báo Hà Giang và vẫn nổi tiếng. Nếu không đoạt giải nhất truyện ngắn Văn nghệ quân đội và không về tạp chí này làm việc, có thể chị vẫn là một nhà văn, thậm chí nổi tiếng hơn ở một nơi nào đó và có khi còn giữ những vị trí quan trọng hơn, vừa có quyền vừa có tiền. Nhưng thực tế không cho phép chúng ta “giá như” và “nếu”.
Đỗ Bích Thúy rời Hà Giang, đi học báo, và viết văn, đoạt giải và nổi tiếng, rồi làm việc cần mẫn ở tạp chí Văn nghệ quân đội gần 10 năm trời. Chị là người phụ nữ thứ hai (sau nhà văn Như Trang) của tạp chí dành cho những người lính, và trở thành nữ phó tổng biên tập đầu tiên trong lịch sử hơn 50 năm của Văn nghệ quân đội. “Đời mình cũng thuận lợi nhiều”, chị nói. Như một cách biết bằng lòng, điều gì đến sẽ đến. Chị chỉ có một cách luôn đặt mình ở mé phải của cuộc sống, để được yêu và để cố tránh những tai ương.
2. Thiên Tâm, cô bạn tôi ở Tiền Giang, đã sống qua ba mùa hè khắc nghiệt (vì đơn độc) của nước Úc bằng những truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy. Và khi về Việt Nam, cô làm việc cho một tập đoàn nước ngoài, một công việc không liên quan đến văn chương, không liên quan đến núi đồi, cũng không liên quan gì tới Đỗ Bích Thúy cả. Nhưng cô đã dùng kỳ nghỉ phép đầu tiên trong đời, để đi lên Hà Giang, tận mắt nhìn dòng sông Nho Quế, leo núi và ngủ trong váy người Mông, như những trang viết của chị.
Những con chữ của Đỗ Bích Thúy, dù không cố tình, đã gây ám ảnh thực sự cho người khác. Điều đáng nói,  những truyện ngắn ấy, Đỗ Bích Thúy hầu hết viết ở Hà Nội, trong những chuyến đi về giữa hai miền đất của mình. Chị viết bằng ký ức. Và chị viết bằng cả những giấc mơ.
Khi Ngô Quang Hải tuyên bố sẽ làm phim từ truyện “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá”, rất nhiều người đọc truyện của Thúy đều cảm thấy đó là một thách thức. Bởi người ta đã bị ám ảnh khá sâu về không gian mà chị tạo ra. Thực chất, những mảnh đời, những bi kịch, những số phận éo le như những nhân vật của Thúy không phải là quá đặc biệt, quá hiếm hoi. Nó đã từng ở đâu đó, trong cuộc đời này, dường như dưới gầm trời này trên mặt đất này, mọi thứ đã không còn gì lạ lùng nữa. Nó lạ lùng và nó ám ảnh bởi góc nhìn của mỗi người mà thôi. Đỗ Bích Thúy đã đưa không gian ấy, thời gian ấy, số phận ấy vào góc nhìn của riêng chị. Và chị thành công. Và “Chuyện của Pao” cũng đã thành công từ trên nền của truyện ngắn ấy, trên nền không gian ấy.
Văn của Đỗ Bích Thúy có một điều không bao giờ thay đổi, đó là sự day dứt của con người với nơi chốn mình sinh ra. Như hầu hết những người bỏ xứ và tìm niềm vui trong đời riêng ở xứ khác, cái nỗi ám ảnh trong tâm trí của người viết luôn là một món nợ dài lâu. Và sự trở về, sự nương náu của tâm hồn ở miền đất cũ cũng tự nhiên như hơi thở.
Văn chương của Đỗ Bích Thúy đã được bàn kỹ, người yêu bảo chị đã kế tiếp và tạo một dòng chảy cho văn học đề tài miền núi, người ghét thì bảo truyện của chị lúc nào cũng ồ à, lô la một cách cố tính, như khăn áo chợ Sa Pa, một thứ thổ cẩm văn chương... Và đến lúc này, thì Đỗ Bích Thúy cũng đã đủ tĩnh tâm và đủ bận rộn để đi qua những yêu ghét trong giới văn chương, đi qua cả những sự đố kỵ thường thấy của những người viết cùng thời. Đỗ Bích Thúy đang viết sử thi, về miền đất của chị những ngày kháng Nhật. Một đề tài xa xôi với cuộc sống hiện tại của chị. Nhưng nó giống một món nợ. Và chị đang trả một cách chăm chỉ, trả hàng ngày.
3. Khi Đỗ Bích Thúy lấy chồng, bạn bè chị đều giật mình. Nhất là khi biết chị lấy một đạo diễn sân khấu, hơn chị 20 tuổi. Còn bố mẹ chị thì sửng sốt đến... bàng hoàng. Không sửng sốt mới lạ! Bởi chồng chị rất khác so với hình dung của một ông bố và một bà mẹ phần lớn cuộc đời sống trong một thung lũng nhỏ.
Bố chị từng lo sợ chị sống một cuộc đời như cuộc đời của một nghệ sỹ. Nhưng, bố chị không nhận ra, khi chị dấn thân vào văn chương, chị đã thực sự là một nghệ sỹ. Nhưng chị khác những người khác, chị luôn chắc chắn và không thích phiêu lưu.
Đỗ Bích Thúy bảo, cô bạn thân kết luận: chuyện tình yêu của chị đúng như một bộ phim. Chị và anh quen nhau trong một lớp biên kịch . Khi lớp học kết thúc thì tình yêu của họ bắt đầu. Khi ấy anh đang có hai con nhỏ và sống với mẹ già. Nhưng chị vẫn quyết tâm cùng anh. Đó là một chặng đường khó khăn. Đỗ Bích Thúy nói, vì có được hạnh phúc không dễ dàng gì, nên phải luôn gìn giữ nó...
Đến giờ, Đỗ Bích Thúy đã làm mẹ và mọi sự được khép lại khi chị khép lại cánh cửa ngôi nhà nhỏ của mình. Khi ấy chỉ có chị và niềm vui bên cạnh chồng con. Chị bảo, hôm trước chú Huân (nhà văn Nguyễn Trí Huân) qua chơi, chú bảo nhìn một bà bán nước, một ông xích lô với một ông cán bộ bụng bự, giờ cũng chẳng biết ai hơn ai. Bởi người ta nhìn sự hơn thua trong đời là nhìn vào những đứa con của họ. Câu nói ấy của người đàn ông cả đời gắn bó với nghiệp lính lẫn nghiệp văn đã khiến chị được chia sẻ rất nhiều. Đời chị, mọi nóng lạnh có thể đến và đi, nhưng hạnh phúc đang ở đó, cười khóc nhảy múa ăn ngủ mỗi ngày, rất thành thật và rất nhật thường. Hạnh phúc thường giản đơn...