Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nguyễn Phan Quế Mai :Tìm một lối đi riêng mình

PvVNT
Chủ nhật ngày 22 tháng 2 năm 2009 2:14 PM
 
Năm 2008, một tập thơ có nhan đề “Trái Cấm” ra mắt bạn đọc. Chỉ ít lâu sau, tập thơ đã được tái bản. Tác giả của tập thơ này là Nguyễn Phan Quế Mai - sinh năm 1973. Dưới đây là cuộc trò chuyện giữa PVVNT và tác giả của “Trái Cấm”

 Tình yêu là đề tài có sức hấp dẫn rất lớn với các thi sĩ, tuy nhiên vì chính sức hấp dẫn của nó cũng là thử thách với người làm thơ, khi mà luôn có sức ép tâm lý vô hình về những “cái bóng thi ca” trước đó như Xuân Quỳnh, Nguyễn Thị Hồng Ngát,Đòan Thị Lam Luyến … Với chị thì sao? 

Đúng như bạn đã nói, tình yêu là đề tài muôn thưở của thi ca. Như trong bài thơ Kỵ Mã, tôi đã từng trăn trở “Con ngựa thi ca vút qua, trên lưng chở hàng triệu điều em muốn nói. Người ta đã viết bằng biển trời sông suối. Còn đâu nguồn thơ cho em?”. Tìm lối đi riêng cho thơ mình đã khó, để cho những bài thơ tình thóat khỏi những cái bóng của những bài thơ tình say đắm mà bao thi nhân đã viết nhiều thế kỷ nay càng khó hơn. Tuy vậy, tình yêu với muôn vàn cung bậc cảm xúc và sắc màu của nó đã thôi thúc tôi viết. Tôi là người mắc nợ với những mối tình rất đẹp và phải trả nợ bằng những bài thơ. Tôi chưa bị sức ép tâm lý khi viết, vì trước tiên, tôi viết cho mình, chứ không phải cho ai.   

 Năm 2008, chị đã ra mắt tập thơ đầu tay của mình có nhan đề “ Trái cấm”. Đây là  một tập thơ tình say đắm và cũng rất mãnh liệt . Tập thơ đã ra đời như thế nào, thưa chị? 

“Trái Cấm” là một món quà bất ngờ mà thượng đế ban tặng cho tôi. Tất cả các bài thơ trong tập thơ này được viết trong 2 năm gần đây. Bạn biết không, tôi đã có gần 10 năm xa xứ, sống trong nỗi nhớ quê hương xứ sở. Năm 2006, tôi trở về Việt Nam, và cảm xúc trong tôi bùng nổ. Tôi viết, viết và viết. Viết để thỏa cơn khát! Viết để tri ân với vẻ đẹp của ngôn ngữ Việt! Viết khi chuyến bay nhấc tôi lên không trung, bắt tôi phải rời xa Sài Gòn yêu dấu, nơi cha mẹ đang ngước mắt dõi theo tôi (Chiếc máy bay xuyên qua tầng mây xám. Kéo tuột em khỏi anh và khỏi Sài Gòn. Thành phố ngước nhìn em không nói. Nỗi nhớ vỡ òa, chật cả không gian) (Bài thơ viết từ tầng mây). Viết hộ cho những phút giây yếu mềm phụ nữ (Trí khôn bảo em thôi đừng yêu anh. Vậy mà con tim vẫn cứ dùng dằng. Cỏ thì quá non, mùa thì cứ trẻ. Đồi thì cứ xanh, sóng nồng nàn thế) (Trái Cấm). Quỳ xuống mà viết trước tình yêu chân thành của chồng dành cho tôi (Trăng chọn dòng sông làm bến đợi. Em chọn anh bến đỗ trái tim mình. Em ước là trăng rằm mười tám tuổi. Yêu anh dịu dàng mà vẫn mãi lung linh) (Bến Trăng). 
 
 Điều có ý nghĩa nhất mà thơ mang đến cho chị là gì?

Thơ cho tôi sự tự do, giúp tôi thóat khỏi vòng quay khốc liệt của cuộc sống này. Khi làm thơ, tôi trở lại với chính mình, trầm xuống, thư giãn, lắng nghe cảm xúc của mình, và viết. Thơ như là một khu vườn yên tĩnh mà tôi trải ra những hòai niệm của quá khứ, gieo những hạt mầm ước vọng cho thảm cỏ tương lai. Thơ cũng cho tôi rất nhiều sự sẻ chia. Có nhiều bạn trẻ nói với tôi rằng, họ đã nhìn thấy họ trong thơ tôi. Điều đó làm tôi cảm thấy hạnh phúc! 
 Tôi rất muốn nghe chị kể về tuổi thơ của mình. Tuổi thơ luôn có để lại một dấu ấn sâu đậm trong tâm hồn mỗi người. Và với người làm thơ, dường như nó càng có ý nghĩa hơn?

Tôi hay hòai niệm về tuổi thơ. Viết về tuổi thơ, tôi được sống trong những ngày hè rợp trời hoa gạo đỏ của miền Bắc, cánh đồng lúa trù phú gió lộng của miền Nam. "Giấc mơ tôi trở về tuổi thơ. Vấp vào tiếng cười bạn bè đang chơi trò đuổi bắt...ngã vào những trong trẻo, hồn nhiên trên từng khuôn mặt. Những đôi chân trần, những chiếc áo rách...những mái tóc vàng hoe nắng gió phong trần" (Sắc màu hạnh phúc). Tôi sinh ra ở Ninh Bình, nhưng tuổi thơ gắn liền với sông nước Đồng Bằng Sông Cửu Long. Sự thâm trầm của người Bắc Bộ, tính phóng khóang của người Nam Bộ ít nhiều ảnh hưởng đến cá tính của tôi. Tôi có một tuổi thơ nhiều thăng trầm, gian khổ. Sau những buổi bán thuốc lá dạo trên đường phố, bán rau ngòai chợ, tôi đã tìm về cánh đồng lúa để tìm sự an ủi cho chính mình. Mùi thơm của đồng lúa xanh vỗ về tôi, gột rửa tôi. Và vòng tay của mẹ luôn an ủi tôi "Giấc mơ tôi trở về tuổi thơ. Vấp vào lời Mẹ ru ầu ơ...ngã vào vòng tay dịu dàng, bao dung, hiền từ của Mẹ...một vòng tay nhỏ bé...mà ôm trọn hòai-bão-cuộc-đời-tôi" (Sắc màu hạnh phúc). 
• Có ý kiến cho rằng: chỉ khi người ta trải qua nhiều trải nghiệm, thăng qua nhiều những vui – buồn – đau khổ, thơ mới hay. Chị nghĩ sao về điều này ? 

Tôi đã đọc đâu đó rằng "hãy sống trước khi viết". Sự trải nghiệm chính là vốn quý của một người cầm bút. Tôi đã đi qua nhiều cung bậc của cuộc đời, và chỉ thực sự bắt đầu làm thơ khi đã bước qua tuổi 30, ở tuổi tôi bắt đầu hiểu mình. Tuy nhiên, tôi đã gặp nhiều tác giả trẻ có những bài thơ rất hay. "Cánh đồng tuổi nhỏ" của Lệ Bình Quan là một ví dụ. Tôi nghĩ rằng, nhà thơ là những người tinh tế. Họ có thể tích lũy vốn viết của mình qua sách vở, qua bạn bè, qua sự quan sát. Họ có thể viết hộ một câu chuyện của một người khác, nhưng họ cũng phải vui, buồn, trăn trở, đau khổ cùng nhân vật trong bài thơ của họ. Khi làm thơ, người viết không thể giả tạo.
 
 Sống ở Hà Nội không nhiều, thế nhưng mảng thơ viết về Hà nội khá nhiều và đầy ám ảnh. Chị có thể lý giải điều này?
Con đường sáng tác của tôi bắt đầu 2 năm trước, khi tôi trở về Hà nội. Hà nội luôn ám ảnh tôi với mùa hạ rực màu phượng đỏ, mùa đông lãng đãng sương phủ, mùa xuân chúm chím hoa đào, và mùa thu ngát hương sen, hương cốm. Tôi yêu thành phố này và khi đi xa, tôi khát cảm giác tóc mình được tung bay, hòa quyện vào dòng người trên đường phố (Hà nội ơi! Tôi về rồi! Mai trên phố. Tóc tôi bay) (Tan vào Hà nội). Và tôi luôn viết về Hà nội với một sự nuối tiếc của một người tình, vì tôi biết rằng, thời gian tôi ở lại Hà nội không còn nhiều nữa (Hà Nội của ai, hay Hà Nội riêng mình. Mà sao tóc em vẫn ướp hương của ngày xa xưa cũ? Để chiều nay đạp xe bên hồ Tây, cạnh ao sen cuối vụ. Một mình em xao xác gọi mùa thu" (Gọi mùa).

• Điều bất ngờ nhất sau khi “Trái cấm” ra mắt là gì, thưa chị?  
                  
Là tình cảm của bạn đọc. Có nhiều bạn chưa từng gặp mặt tôi, nhưng đã liên lạc để chia sẻ chuyện riêng của họ, vì họ biết, tôi đã có những trải nghiệm giống như họ, và có thể hiểu họ. Sự đồng hành của bạn đọc là một hạnh phúc lớn của tôi. Một bất ngờ lớn nữa là tôi nhận được sự giúp đỡ của nhiều nhà văn, nhà thơ như Lê Minh Quốc, Nguyễn Trọng Tạo, Văn Giá,  Nguyễn Thụy Kha, Trần Quang Quý, Võ Thị Xuân Hà...Nhà phê bình Chu Văn Sơn, giám đốc nhà xuất bản Văn Nghệ Nguyễn Đức Bình cũng luôn theo dõi, động viên tôi viết. Tôi tập hợp bản thảo cho tập thơ Trái Cấm vào tháng 7 năm 2008, lúc đó tôi chưa quen một nhà văn, nhà thơ nào. Chỉ hơn 2 tháng sau, tập thơ đã hòan chỉnh và ra mắt tại trường viết văn Nguyễn Du, đại học Văn Hóa Hà nội. Hiện nay, tập thơ vừa được tái bản theo yêu cầu của bạn đọc và đơn đặt hàng của nhà sách FAHASA.  
 
• Xin chúc mừng chị. Người viết nào cũng có mong muốn tác phẩm của mình nhận được nhiều sự chia sẻ đồng cảm từ phía đọc giả. Việc một tập thơ vừa ra mắt đã được tái bản là một tín hiệu rất đáng mừng cho văn hóa đọc hiên nay, khi mà đã có nhiều  người lo ngại rằng giới trẻ không còn mặn mà với thi ca. Nhân đề cập đến vấn đề này, xin hỏi: chị nghĩ sao về xu hướng làm thơ tạm gọi là “quậy phá” ở một số tác giả nữ trẻ hiên nay? Đặc biệt khi viết về tình yêu, họ không ngần ngại phơi bày các cảnh phòng the một cách trần trụi?
 

Thơ là nghệ thuật. Nghệ thuật cần có sự phá cách và sáng tạo. Tôi nghĩ, phong cách “quậy” của một số tác giả nữ trẻ hiện nay cũng góp phần tạo ra một thi đàn sôi động hơn, nhiều màu sắc hơn. Ở các loại hình nghệ thuật khác nhau, sex luôn là đề tài được quan tâm. Các bài thơ về sex thu hút độc giả, nhất là ở nước ta, nơi ít ai dám đề cặp đến chuyện phòng the ở chốn đông người. Có thể một số tác giả trẻ muốn viết về sex để thu hút sự chú ý. Nhưng cũng có một số tác giả viết về nó như một nhu cầu được giãi bày những trải nghiệm, khao khát của mình. Tôi nghĩ rằng, khi làm nghệ thuật, mỗi nghệ sĩ nên hướng tới “chân, thiện, mỹ”. Vì thế, khi viết về cảnh phòng the, nhất là trong thơ, đừng nên trần trụi quá. Nếu không, dễ dẫn tới sự phản cảm ở người đọc. Tôi mong được đọc những bài thơ đẹp về chủ đề này trong thời gian tới, nhất là của các tác giả nữ.

• Được biết chị hiện là trưởng nhóm tình nguyên Chắp cánh ước mơ – chuyên giúp các trẻ em nghèo bị ung thư và tàn tật. Lý do gì khiến chị tham gia sáng lập và điều hành một nhóm làm công việc xã hội tốn công sức và thời gian như vậy – khi trong cuộc sống ai cũng luôn cảm thấy mình quá bận rộn và rất thiếu thời gian?    
        
Thú thật, công việc của tôi rất bận. Tôi phụ trách truyền thông của một tổ chức phi chính phủ, cho khu vực châu Á bao gồm 6 nước nên thường xuyên phải đi công tác xa. Tôi đã không nghĩ rằng mình có thời gian và tâm huyết để điều hành 1 nhóm tình nguyện gồm trên 70 bạn trẻ.  
Việc tôi thành lập nhóm Chắp Cánh Ước Mơ diễn ra rất tình cờ. Cách đây hơn 1 năm, tôi cùng đứng ra tổ chức tiệc Giáng Sinh cho các bé ung thư tại bệnh viện K Tam Hiệp. Khi bước chân vào thế giới đen tối của các bệnh nhi ung thư, tôi đã chạm tay vào địa ngục (Huyền! Tôi chưa kịp nắm tay em. Bàn tay ấy đã nằm trong đất lạnh....Chiếc giường vô tri nay lại chật những lưng nằm. Những ánh mắt ngước nhìn tôi thao thức đăm đăm. "Cô ơi, ngày mai cháu có chết không cô?") (Khóc Huyền).  
Tôi đã quay trở lại địa ngục đó, để mong đem đến cho các bé những giây phút bình thường của tuổi thơ. Đầu tiên là bằng các họat động vẽ, trò chơi hàng tuần. Giờ đây là tủ sách, chương trình hiến máu, sinh nhật hàng tháng, triển lãm tranh, massage vật lý trị liệu, âm nhạc trị liệu, chương trình bảo trợ cho các bệnh nhi hòan cảnh khó khăn... Tôi vẫn rất thiếu thời gian và một ngày ngủ rất ít. Nhưng sự nhiệt tình, tâm huyết của các tình nguyện viên luôn tiếp thêm lửa cho tôi. Và nụ cười của các bé, của hơn 200 bệnh nhi chúng tôi đang thường xuyên giúp đỡ luôn nhắc nhở tôi phải cố gắng, cố gắng nhiều hơn nữa.

 Tôi nghĩ rằng chị thực sự là một người biết yêu, biết sống và biết sử dụng thời gian sống của mình một cách rất ý nghĩa,. Điều ấy thực sự cần thiết với mỗi người, đặc biệt với một người cầm bút như chị. Chị đã bao giờ nghĩ tới điều này: Theo đuổi một con đường văn chương chuyên nghiệp?
 
Thú thật, tôi cảm phục những nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp. Họ quá vất vả để có thể sống được với nghề. Tôi nhớ, lần đầu tiên gặp các nhà thơ, tôi đã rất xúc động (Gặp những nhà thơ. Sáng nay họ chải đầu nhưng còn để quên vài câu thơ trên tóc. Những câu thơ bay vào mắt tôi...cay..." (Để cỏ giật mình nảy những mầm xuân). 
Nếu thi ca và bạn đọc vẫn chọn tôi, tôi vẫn sẽ viết. Tôi đã luôn viết một cách nghiêm túc với bản thân, với sự trân trọng dành cho bạn đọc. Tôi hy vọng đó là sự chuyên nghiệp trong con đường văn chương không chuyên của tôi.

• Chúc chị thành công
PVVNT