Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Người đàn bà không nhìn đời bằng ảo giác

Vũ Nho
Chủ nhật ngày 15 tháng 2 năm 2009 2:47 PM
 
 Cho đến  thời điểm này ( 2008), Tuyết Nga viết không nhiều và in lại càng rất ít. Chỉ có hai tập thơ mỏng mảnh in riêng. Viết trước tuổi mình gồm 19 bài và ảo giác cũng 19 bài ( dĩ nhiên, mỗi tập có một bài chùm gồm 3 bài  là Độc thoại màu thu và Viết cho chíp, vậy tổng cộng hai tập là 42 bài). Trường hợp Tuyết Nga gợi nhớ đến nhà thơ đồng hương Nghệ Tĩnh là Chính Hữu. Nhưng có khác là Tuyết Nga còn trẻ và sức viết khá dồi dào. Thơ mới viết của chị vẫn xuất hiện đều đều trên báo, trên Blog cá nhân, và có lẽ cũng đã đủ cho một tập…
 Viết không nhiều, in khá ít, nhưng nếu tính hiệu quả thì Tuyết Nga có một kỉ lục đáng nể. Chị đã tạo dựng được thương hiệu riêng của thơ mình.
 Thơ Tuyết Nga cuốn hút bằng sự giản dị, chân thành, “thành thực” của tâm hồn người viết. Không điệu đà, không màu mè, không cố ý làm duyên làm dáng, không cố công phô diễn cách tân, Tuyết Nga thành thực :
 Không thể nói là em không hờn dỗi
 Khi anh qua ngõ nhà em như mọi khách qua đường
 Không thể nói là em không hạnh phúc
 Khi giữa bạn bè em có thêm anh
    Thành thực
Chị đã bày tỏ rất chân thành và tinh tế tâm trạng người con gái trước sự kiện quan trọng của đời mình, khi rời bỏ tuổi thơ để làm người lớn, rời bỏ nơi nguồn cội để đến với chân trời xa thẳm như một nghĩa vụ, một quy luật, một định mệnh “ Không thể nào chối bỏ”:
 Chưa đủ lớn để được thành từng trải
 nhưng cũng chẳng còn đủ dại khờ để vẫn trẻ thơ
 như giọt nước xa nguồn, xa cả biển
 sớm mai nay em chợt giữa đời mình.
 Lối về nhà mạn hảo đã kín sân
 đã khuất mất đâu con chuồn cánh đỏ
 tiếng mẹ chỉ còn trong thương nhớ
 na rụng vào năm tháng đã thành cây
   Viết trước tuổi mình
Ai cũng có một người mẹ, nhưng những câu thơ Tuyết Nga dành cho mẹ thật ám ảnh. Phải chăng, căn nguyên là vì tình cảnh mồ côi của chị hay chính vì trái tim nhạy cảm, giàu yêu thương, cũng một phận đàn bà? hoặc là vì tất cả? Người mẹ ấy hiện lên trong cuộc đối thoại với hoa tầm xuân:
 Hãy nói với ta hương bưởi thơm ra sao ngày Mẹ 18 tuổi
 18 tuổi tóc dài vai nhỏ mắt huyền trong
 …
 Và Mẹ đã giấu hoa cùng với giọt nước mắt ở đâu để nuôi ta khôn lớn?
 Ta, vị hoàng đế lên ba trong vương quốc riêng Cuộc -Đời-Của –Mẹ  nhưng Mẹ đã vĩnh biệt ta vào một sáng trong đời
 ta thành kẻ hành khất không nước mắt
    Hoa tầm xuân
Yêu quý mẹ, thương mẹ vô cùng, nhưng người con gái ấy có số phận riêng, con đường riêng. Không có mẹ ở bên để dạy dỗ, khuyên nhủ, con gái phải
“tự mình tin yêu, tự mình nhầm lẫn / đếm tuổi bằng thất vọng đi qua”. Chẳng rõ là nên vui hay nên buồn, nên thương hay nên giận, nên  khen hay nên chê khi Con gái mẹ bây giờ không giống mẹ. Nhưng cuộc đời là thế, đành phải chấp nhận. Đứa con mồ côi ấy thầm thì với mẹ :
  Mũ cói đội đầu, túi vải khoác vai
  rộng dài niềm vui
  rộng dài nỗi khổ
  mẹ ơi, con gái mẹ bây giờ
  chẳng còn giống mẹ…
   Con gái mẹ
Niềm biết ơn mẹ sâu sắc nhất được thể hiện ở một trong những bài thơ hay nhất của tập ảo giác. Đó là bài thơ Nói với con về bà ngoại.  Hình ảnh của đứa cháu với bà ngoại chính là ảo giác từ hình ảnh thực của nhà thơ khi nhỏ với mẹ, với bà ngoại của mình. Bởi vì  đến cuối bài thơ tác giả hé lộ : “ Con sinh ra bà đã không còn nữa”. Những câu thơ đẹp rưng rưng kết tinh từ tình mẹ con, bà cháu:
  Con sẽ như giọt nắng
  Trước hiên bà mùa đông
  Giọt nắng tìm kim
  Giọt nắng quét nhà
  Giọt nắn sún răng lò cò quanh cửa
  Giọt nắng ỉ eo theo bà đi chợ
  Lễ mễ khiêng cả chiếc bánh đa tròn
  …
  Con sẽ như
  như chú cún còi
  ăn một bát cơm hết ba câu chuyện cổ
  hạt dẻ, thảm bay, đèn thần, chổi quỷ
  thế giới thần tiên nấp phía lưng bà
Bà ngoại là thế đấy, nên dù con không biết mặt bà, nhưng tình yêu của bà dành cho con thông qua mẹ là vô cùng, vô tận: “bà gửi cho con/ mẹ/ và câu hát…/ mai con lớn rồi vẫn đủ yêu thương”. Lòng biết ơn mẹ được truyền sang thế hệ cháu con thật giản dị mà thiêng liêng, sâu nặng.
 Những gì nhà thơ quan tâm là những gì có thực ở trong đời, gần gũi trong ngày thường gặp. Cái không gian không xác định này là không gian có thật của những người đang yêu:
 không gian màu lửa cháy
 không gian mùi rượu nồng
 bao nhiêu là chống chếnh
 trong mắt người nhìn nhau
   Đổi mùa
Sự thèm khát này là nỗi thèm khát có thực của mỗi người khi  chia xa muốn mang theo những kỉ niệm thân thiết nhất của mình, chỉ có mới ở chỗ cách thực hiện là bằng ước mong đóng gói:
 Thèm đóng gói được mùi đất ải cánh đồng hoàng hôn chim ngói bời bời
 đóng gói được dáng con đò uể oải
 cả lối mòn phơ phất bóng cau
 Đóng gói được một trời sao rụng trong mắt anh phút khuất nẻo chân trời
 đóng gói được nỗi nhớ em run rẩy
 ngưng long lanh trên mí mắt âm thầm
   Nhật kí cuối thế kỉ
 
Một trận bão không lớn được nhà thơ cảm nhận theo cách riêng mình, tỉ mỉ, cụ thể  không kém đánh giá của Ban chỉ huy phòng chống bão lụt, nhưng khác với họ là đầy cảm xúc :
 Không bình yên
 nhưng cũng không đổ nát
 thành phố bão tan tái nhợt màu trời
 nhà long cửa, cây xiêu và trái rụng
 chim bóng nhỏ vật vờ
 xộc xệch không gian
Và từ trận bão ấy, một điều không thể không suy nghĩ, mà chỉ có nhà thơ mới suy nghĩ  liên tưởng và cảnh báo:
 Mọi đổ vỡ đều không báo trước
 Phải giữ gìn, che chắn những mong manh
    Bão
Thơ Tuyết Nga không thể hiện  trực tiếp tình cảm một cách ồn ào, vồ vập. Tình cảm ấy  thường chìm trong những  biểu hiện kèm theo được hiểu như là nguyên tắc “mạch kị lộ” trong thơ cổ điển. Ví như viết về Huế, về Hoa tầm xuân, về ảo giác1…Và có lẽ vì như vậy chăng mà người ta lầm tưởng thế giới trong thơ Tuyết Nga là cõi ảo. Tôi không nghĩ rằng Tuyết Nga viết về cõi ảo, hay bắc cầu qua cõi ảo để đưa người đọc về cõi thực. Hay tại vì người ta suy diễn từ tên tập thơ là ảo giác thì chắc là viết về cõi ảo? Suy cho cùng, ảo giác chỉ là một thủ pháp, một phương tiện để nhà thơ nhìn sâu vào cuộc đời. ảo giác chứ không phải mộng mơ, không phải đi vào cõi ảo. Cõi ảo là cõi không có thực, cõi mộng mơ cũng là cõi tưởng tượng, ước vọng. Mộng ảo, mộng mơ, mộng du thiên về tiềm thức, vô thức. Còn ảo giác là cảm giác không đúng với sự thật vì sự sai lệch chủ yếu của thị giác. Con người vẫn tỉnh táo trong ý thức chứ không phải đi vào tiềm thức hay vô thức. Nguyên nhân của ảo giác thì nhiều, nhưng có thể là do tưởng tượng mạnh mẽ, do xúc cảm thái quá, ngạc nhiên thái quá. Ai cũng có thể có ảo giác. Nhưng dùng ảo giác như một biện pháp nghệ thuật thì không có mấy người, trong đó có Tuyết Nga. Khi viết về Huế, nhà thơ đã viết với tinh thần ảo giác ấy:
  Trong mỏng mảnh màu mây
  dịu mềm sắc lá
  Huế hiện ra thanh thoát đến ngỡ ngàng
  gần gũi lắm mà sao xa xưa thế
     Huế
Phải kết hợp những câu thơ viết trực tiếp này với những câu thơ trước đó : Ngỡ như không còn đến cả hơi thở nữa/ Cứ như tôi không vừa từ chỗ phố trước nhà ga/ Như không có thời gian/không còn khoảng cách/, ta mới thấy hết Huế rất thật mà cũng là rất ảo,  Huế  vừa gần  gũi mà  cũng vừa xa xưa…
Coi những gì hiện thực như ảo giác cũng là một thái độ đánh giá của chủ thể. Bởi vì nghi ngại, bởi vì không đoán được tương lai nên tốt nhất là coi như ảo giác để không quá đau khổ, không quá nuối tiếc, xót xa:
  Có thể rồi chỉ còn là ảo giác mà thôi
  Cái màu trăng đêm ấy
  cả nụ cười
  cả những lời đã nói
    Thành thực
Vận dụng ảo giác, nhà thơ nhìn thấy những điều nghịch cảnh, trớ trêu trong đám cưới của người bạn bị bạc tình:
  Hạnh phúc
  như tờ lịch được đóng đinh
  em là một thứ cây không lá
  Và em thấy mọi người là loài chim cụt cánh
  trong bữa tiệc của người bạn chán đời
  nơi niềm vui
  như đồng tiền giật tạm
    ảo giác 2
Không muốn tin là thực, không muốn nói đấy là sự thực nên mượn ảo giác, chỉ là ảo giác thôi. Trong thẳm sâu tình cảm nhà thơ đã chiêm nghiệm:
  Lễ cưới không tình yêu
  tình yêu không lễ cưới
  cuộc đời vinh quang cuộc đời lặng lẽ
  đường số phận ngả nào cũng những người đi
     Đường số phận
 vậy thì, thái độ coi “những điều trông thấy” như ảo giác là một thái độ nhân ái, bao dung.
  Trong ảo giác 1, vận dụng ảo giác kết hợp với nhân hóa, tượng trưng, nhà thơ đã kể một câu chuyện về các nhân vật Rong chơi, Cô đơn, Tham lam, Khổ đau cùng đến ngôi nhà nghèo khó, cùng được vào trong để sưởi dịu dàng bên ngọn lửa kham khổ, ngọn lửa niềm tin vừa cháy sáng. Các nhân vật có tốt, có xấu, có hay, có dở…Nhưng chúng đều là của tâm trạng con người, là phần “Phượng hoàng và rắn rết” ( Chữ của Nguyễn Minh Châu) của con người. Chúng cần được đối xử bằng niềm tin và nhân hậu.
 Cũng có khi Tuyết Nga chuyển đổi cảm giác giữa thị giác, thính giác, trộn lẫn chúng với nhau để diễn tả sâu hơn những cảm nhận tinh tế, sắc bén của mình:
 Em đã nghe
 những âm thanh làm từ màu sắc
 em đã thấy
 ánh lên màu sắc
 long lanh từ những âm thanh
 hệt như em đang nghe trong màu đen mắt anh
 nỗi cô đơn rên rỉ
 hệt như em đang thấy sau tiếng cười và những lời đùa tếu của anh
 một nỗi buồn ẩm mốc
             Lập thể
 
 Tuy nhiên, nếu nhìn tổng thể thì Tuyết Nga không dùng nhiều ảo giác, cũng không vận dụng  tràn lan ảo giác để làm mới lạ thơ mình. Thơ của chị quyến rũ, thuyết phục bằng tình cảm trong trẻo, nhân hậu, bằng ngôn ngữ thơ chắt lọc, và bằng cả một thái độ nhìn cuộc đời cảm thông, bao dung, thành thật.
       Hà Nội, 30/10/2008