Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LÊ ĐẠT và Đường Chữ lênh đênh

Lê Thiếu Nhơn
Chủ nhật ngày 8 tháng 2 năm 2009 5:18 AM
 
Nhân Ngày Thơ Việt Nam ( rằm Tháng Giêng) năm nay, một tuyển tập thơ Lê Đạt cóp tên gọi “Đường chữ” vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà Văn và Công ty sách Bách Việt ấn hành. Cuốn sách dày gần 650 trang đã phác thảo tương đối đầy đủ hành trình thơ Lê Đạt, từ những bài thơ chọn lọc cho đến đoản ngôn và tiểu luận về thơ. Tự nhận là “phu chữ”, nhà thơ Lê Đạt lao động âm thầm và tận tụy suốt cuộc đời 79 năm ( 1929-2008) nên phần di cảo trong “Đường chữ” không phải những câu, những vần được ông viết trước khi mất, mà là bản thảo tập thơ “Tỉnh mẹ” bị thất lạc 40 năm.

Đọc “Tỉnh mẹ” có thể hiểu hơn những đau đáu của Lê Đạt khi dành cho mảnh đất Yên Bái đã sinh ra mình: “Ai chẳng muốn có những lời thật xinh, thật đẹp. Nghĩ đến quê hương tấm bé của mình. Tôi yêu quê tôi như yêu người vợ già xấu xí. Từng chia sẻ với nhau nhiều cảnh sống đau buồn, nhiều sự thật, một chuỗi ngày nhạt thếch cõng trên lưng...”
Tuy nhiên, “Tỉnh mẹ” vẫn chỉ giống như những bài thơ viết thời Nhân Văn – Giai Phẩm như “Chào em chào đêm”, “Mỗi ngày mỗi lớn”, “Ý chúng ta” hay “Đón bộ đội miền Nam”. Phải đến tập thơ “Bóng chữ” thì Lê Đạt mới thật sự là Lê Đạt. Hơn ai hết, chính ông cảm nhận sâu sắc nhất điều này và kiên quyết hành động “mất gần mười năm trời vất vả để ra thoát nó, xây dựng nền dân chủ chữ chống lại đặc quyền của ý”. Và nhờ đó, công chúng có được những câu thơ mang giá trị thẩm mỹ khác, như “hội kênh đầy chân trắng ngấn sông quê, nắng mười tám má bờ đê con gái” hoặc “cây gạo già lơi tình lên điệu đỏ, la lả cành cởi thắm để hoa bay”.
Không chỉ nặng lòng với cuộc cách tân thi pháp, Lê Đạt quan niệm “nhà thơ là người phát ngôn của sự câm lặng” nên ở ông luôn thường trực những ý nghĩ lênh đênh để bật ra thành đoản ngôn thú vị. Ví dụ, ông tìm cách phân biệt rạch ròi những đối tượng đang ngày càng dễ bị nhầm lẫn trong xã hội thị phi, rằng “bậc quân tử cầu toàn với bản thân và khoan dung với người khác, kẻ tiểu nhân cầu toàn với người khác và khoan dung với bản thân”, rằng “nghệ thuật và quảng cáo là đôi vợ chồng đã ly thân nhưng chưa ly hôn và vẫn chung căn hộ”, và rằng “hài hước là phép lịch sự của thất vọng, tiếng cười có thể là cách xin lỗi của nước mắt”.
Cuốn sách “Đường chữ” ít nhiều giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về con đường dấn thân văn chương của Lê Đạt. Đọc “Đường chữ” mới thấy rằng cuộc vật lộn với Nàng Thơ cũng đầy rẫy cạm bẫy và luôn chịu đựng nỗi lênh đênh. Lê Đạt chia tay người đương thời và muốn hậu thế hiểu ông trong sự bộc bạch đầy băn khoăn: “Ở Việt Nam, người ta chưa có thói quen nói đến khuyết điểm của người đã khuất, và điều mình sợ là đọc xong hồi ký, các con bạn có thể đến chất vất “bố cháu với bác là chỗ thân tình, cả nhà cháu đều quý bác, sao bác lại “đánh” bố cháu?” Đúng là có thể chết luôn được! Nhưng điều tôi sợ nhất là chính bản thân mình. Liệu tôi có đủ can đảm giữ gìn để khỏi hạ cấp việc viết hồi ký thành một toan tính “mông má lý lịch” hoặc “tự tố điêu” thành tích nhằm đánh bóng thương hiệu?”. Dám nghĩ như thế, dám viết như thế, đã khẳng định bản lĩnh một nhà thơ đích thực!
Ngày thơ Việt Nam 2009, Lê Đạt không có mặt. Cuốn sách “Đường chữ” thay ông trò chuyện với người hâm mộ!