Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Bài viết của Kim Thoa

Kim Thoa
Thứ sáu ngày 6 tháng 2 năm 2009 5:08 PM
 
DH; Sau khi post thư của nhà văn Hoàng Minh Tưởng gửi ông bộ trưởng bộ thông tin truyền thông từ trang trannhuong.com về, tôi liên tiếp nhận được những ý kiến của bạn đọc và bạn Thành Nam còn gửi cả bài viết đăng trên báo Bắc Giang onlines. Thành Nam còn cho biết xuất xứ bài viết này trên báo điện tử Đảng Cộng Sản của tác giả Kim Thoa, tôi xin đưa về trang chủ để các bạn tham khảo.
 
(ĐCSVN)- Làm gì để không lọt sách đen- sách có nội dung xấu ra thị trường? Đây là bài toán khó mà từ lâu các cấp, các ngành đã quan tâm, đầu tư đi tìm lời giải, nhưng hình như mọi nỗ lực đều chưa có hiệu quả khi vài năm gần đây những sách có nội dung xấu, trái với thuần phong mỹ tục, xuyên tạc lịch sử... lại ồ ạt xuất xưởng, công khai chiếm lĩnh thị trường.
sách đen- nạn dịch huỷ hoại tâm hồn và tác động xấu tới nhận thức của người dân
Khoa học công nghệ càng phát triển, người dân được tiếp cận với nhiều loại hình giải trí, người ta lại càng lo ngại về sự mai một của văn hoá đọc. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là chất lượng tác phẩm. Đã lâu người ta chưa thấy những tác phẩm xuất hiện gây địa chấn đối với người đọc và tạo ra cơn sốt trên thị trường. Ngược lại, người ta lại thấy xuất hiện ngày càng nhiều tác phẩm gây tranh cãi, đặc biệt là những tác phẩm có nội dung kích động bạo lực, gợi dục, bôi nhọ, xuyên tạc lịch sử... Sự phát triển ồ ạt những tác phẩm này giống như một nạn dịch đang huỷ hoại tâm hồn và làm lệch lạc nhận thức của con người. Nghiêm trọng hơn, chúng đang xuất hiện ngày càng nhiều và công khai trên mạng Internet, trên các trang thông tin cá nhân bolg mà chỉ cần vài giây nhấn chuột là cùng lúc triệu triệu độc giả trên thế giới có thể tiếp cận.
Chỉ tính riêng năm 2008, Cục xuất bản đã quyết định đình chỉ, thu hồi và xử phạt hàng loạt tác phẩm, ấn phẩm và truyện tranh như: Thời của Thánh thần, Rồng Đá, Video Girl - Chuyện phim em gái 3 tập, Change 123 - Tam nữ hiệp, Chàng trai trong truyện tranh, Ichigo - kỷ niệm xanh, Hội học sinh, Girl Comics - lần đầu trải nghiệm, Crazy kiss, Good kiss - Nụ hôn đầu, Lilim kiss, Mặt trời bé con ...Ngoài ra, còn nhiều sách dịch, sách đăng tải trên mạng, bolg vì chưa đủ hành lang pháp lý nên các cơ quan chưa thể tuýt còi.
Còn nhớ những năm trước đây, để một ấn phẩm hay một cuốn sách được xuất bản đến với bạn đọc phải công phu lắm, qua bao nhiêu khâu kiểm duyệt, thẩm định. Vì thế, mỗi năm các đầu sách mới ra đời không nhiều chỉ khoảng vài trăm, vài ngàn là cùng và hiếm lắm mới có trường hợp cấp phép xuất bản rồi lại thu hồi. Nhưng những năm gần đây chuyện đó đã trở nên hết sức bình thường. Có một nghịch lý là người ta kêu ca nhiều về sự xuống cấp trầm trọng của văn hóa đọc, vậy mà hàng năm các đầu sách xuất bản vẫn tăng, lên tới hàng chục ngàn cuốn, trong đó những cuốn thật sự có giá trị gối đầu giường không nhiều. Ngược lại những cuốn gây chú ý, trở thành hiện tượng trong làng xuất bản lại chủ yếu là sách đen- độc hại, đi ngược với tiêu chí bồi dưỡng tâm hồn và hướng con người tới các giá trị chân- thiện- mỹ.
Hơn một năm trước đây khi tác phẩm Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu xuất hiện đã khiến không ít người phải sốc vì thứ văn chương dung tục, ma mị truyền tải quan điểm về quá khứ rất không bình thường. Vậy mà một thời Bóng đè đã trở thành hiện tượng, gây xôn xao làng văn, khiến giới phê bình tốn không ít giấy mực và công sức. Kẻ khen, người chê nhưng cuối cùng thứ văn chương ngược với thuần phong mỹ tục của dân tộc cũng không thể tồn tại như một món ăn tinh thần thường xuyên của mọi người. Bóng đè- Đỗ Hoàng Diệu, cũng giống như Thời của thánh thần- Hoàng Minh Tường, Đỉnh cao chói lọi- Dương Thu Hương, Rồng đá - Ngọc Tiến- Ngọc Mai ...không thể tồn tại trong một xã hội phát triển, giàu tính nhân văn, nhân bản.
(...)
Thiết nghĩ, những bất cập trong ngành xuất bản không thể đổ lỗi hay quy hết trách nhiệm cho đối tác liên kết mà cần xem xét lại trách nhiệm quản lý của các nhà xuất bản, các cơ quan chức năng. Để cuộc chiến chống vấn nạn sách đen thu được kết quả tốt, trước hết chúng ta phải có hành lang pháp lý, chế tài xử phạt nghiêm minh; đồng thời có biện pháp tăng cường quản lý, lập lại trật tự trong hoạt động xuất bản theo đúng quy định hiện hành. Cần nhất là sự phối kết hợp đồng bộ và chặt chẽ của các cơ quan, ban ngành chức năng, cũng như sự quan tâm thống nhất về nhận thức và hành động, quyết tâm bài trừ sách đen của cả cộng đồng, xã hội.
Kim Thoa
In lại từ duonghuongqn.vnweblogs.com