Trang chủ » Truyện

CHUYỆN LẠ VỀ MAO TÔN ÚC (7)

Trần Nhương
Thứ hai ngày 22 tháng 11 năm 2010 9:55 PM
Bảy
Thursday, November 18, 2010
Kim Thánh Phán vướng vào đại kỵ
Ngài Chu Lin men sới văn nhân

   Lại nói về Kim Thánh Phán. Cuộc đời tiên sinh gặp những tai ương bất kỳ. Trước đây vì viết mấy tác phẩm phạm phải huý kỵ, nhất là thiên truyện Cây cau nhà La mà bão táp đổ xuống đầu ông liên miên trong gần 20 năm trời. Tuy ông không bị giam cầm, khởi tố gì cả nhưng bao nhiêu bài viết của đám nịnh thần buộc tội ông là kẻ xấu xa, bệnh hoạn. Ông như có lại như không, đinh tráng, nhân khẩu người ta không kê khai ông.Từ ấy bao nhiêu bài viết của ông không một tờ nhật trình, bán nguyệt san, nguyệt san nào dám in. Không có án nhưng ông như một người bị tù lỏng, không ai dám giao du, thăm viếng. Bên ngoài nhà ông luôn luôn có mấy người khi thì ông nặn tò he, khi thì một bà bán bánh giày quán Gánh, bán thịt bò khô. Tất cả mọi việc đi thăm viếng, đi lên phố hàng Bút mua mực giấy đều có người âm thầm theo dõi. Hàng tháng ông lý trưởng phường sở tại lại gọi ông lên hỏi dăm câu ba điều hoặc kê khai nhân thân bổ sung thuế thân, thuế điền thổ.
  Từ một người lấy nghề viết sinh nhai ông thành ra thất nghiệp. Khốn khổ cái thân văn sỹ chỉ biết moi óc ra ít chữ kiếm tiền thì nay mất trắng nguồn thu. Ông bần hàn. Văn hữu đôi người thi thoảng tiếp tế nay đấu gạo, mai quan tiền cho ông sống lần hồi. Vì vậy mà cô thôn nữ cửa thành phía Tây ngày nào đi bán bánh khúc vẫn thường qua chỗ ông vừa bán vừa cho, nhiều hôm bán chịu.
   Mãi sau này khi năm tháng qua đi, việc thiên truyện của ông phạm đại kỵ có đôi phần quên lãng, ông được văn sỹ Phục Bạch Đầu bày ra một kế kiếm đôi ba đồng. Chả là Phục Bạch Đầu có người anh em xa làm nghề hàng mã trên phố Hàng Mã. Nhà hàng mã rất cần giấy lộn để bồi mặt nạ, bồi đầu sư tử. Luật của triều đình thì cấm dùng giấy trắng để làm hàng. Dân ít học chả mấy ai dùng giấy trắng làm chi nên giấy trắng lại rẻ hơn giấy lộn. Phục Bạch Đầu lấy tiền của người bà con làm hàng mã đi mua giấy trắng rồi về giao cho Kỳ Nhân Kim Thánh Phán viết bậy viết bạ lên đó. Cứ một tuần thì thằng nhỏ trên cửa hàng xuống nhà Kim tiên sinh thu giấy lộn. Viết linh tinh mãi cũng chán, sẵn văn chương ăm ắp trong bụng thỉnh thoảng Kim viết đôi bài thơ tự trào, viết dăm câu tuỳ bút về cảnh, về người kẻ chợ. Có một lần Kim Thánh Phán tức cảnh sinh tình ngẫu hứng một bài thơ như sau:

  Cái kiếp con tằm tớ nhả tơ
  Khi thì tùy bút lúc thì thơ
  Bọn chó gâu gâu không biết chữ
  Nhìn vào trang giấy mặt ngơ ngơ…
 
Viết rồi Kim Thánh Phán vứt vào mớ giấy lộn. Khi cửa hàng trên hàng mã thu giấy về bồi đầu sư tử bán rằm trung thu, chẳng ngờ bài thơ ấy dán vào bên trong vẫn còn đọc được. Không biết vận hạn thế nào mà người nhà Tử Y Trưởng Thượng mua về cho cháu. Tử y cầm chiếc đầu sư tử giấy lên xem. Ngài đọc được bài thơ ấy. Ngài đỏ bừng mặt, cơn tức tối nổi lên khiến ngài suýt ngạt thở. Ngài vặn hỏi gia nhân xem mua cái đầu sư tử ở đâu. Trưởng thượng sai tay chân tới cửa hàng bán đầu sư tử thì biết giấy lộn từ chỗ Kim Thánh Phán. Trưởng thượng từ lâu vẫn biết tâm địa của Kỳ Nhân nên không nói gì nữa.
  Mấy ngày sau thì chi phủ Hoài Sơn cho lính điệu Kim Thánh Phán lên công đường. Chi phủ cũng là người có chữ, từ lâu vẫn nể tài Kim. Ông nói:
- Lệnh trên bắt tôi gọi ông lên giáo huấn. Tôi cũng có lúc làm đôi ba bài thơ rất hiểu tâm trạng ông. Nhưng ông nói chó không biết chữ thì ý nói triều đình vô học nhìn vào văn chương là ngơ ngơ cái mặt. Bài thơ của ông không nói đích danh ai nhưng lại chửi vỗ mặt bề trên. Ngày trước ông đã phạm đại kỵ mà treo bút đến giờ, ông cứ gây rắc rối cho bản phủ.
- Dạ bẩm quan lớn, tôi có phát tán tờ rơi hay in trên nhật trình gì đâu. Chẳng qua ngồi viết biến giấy trắng thành giấy lộn mãi cũng chán nên ngẫu hứng vài câu.
- Ô hay ông này, sao ông không mang Tam Tự kinh gì gì đó mà viết, chẳng hạn như “ Khuyển chó, dương dê, quy về, tẩu chạy “ thì ai làm gì ông. Bây giờ thì nhà chức trách phạt hành chính, ông nộp 100 quan.
Kim Thánh Phán toát mồ hôi vì trong túi không có một cắc nào. Ông nghĩ bụng nó mà phạt tiền, hay nọc ra đánh còn tai hại hơn. Đang lúc gạo không tiền hết tốt nhất là ở tù. Kim Thánh Phán thưa:
- Bẩm quan phủ, tiền tôi không có một chinh, lâu nay nhờ có mối viết chữ để bán giấy lộn kiếm đôi đồng qua ngày. Ngài bắt tôi nộp tiền thì tôi xin ở lại phủ đường quyét dọn như một gia nhân để trừ vào tiền phạt.
Quan phủ thấy khó nghĩ quá bèn lui vào phòng trong bấm con Sam Sung liên lạc với đâu đó. Một lát thì chi phủ quay ra, nói:
- Bản phủ câu lưu ông nửa tháng. Hằng ngày ông ngồi viết cho tôi kiểu như biến giấy trắng thành giấy lộn ông vẫn làm, nhưng chỉ viết một câu thôi.
- Dạ thưa viết câu gì ạ ?
- Câu đó là :  Chót vì chàm đã nhúng tay,Tấm lòng trinh bạch từ nay xin chừa. Hàng ngày ông phải viết đủ 5 cân giấy.
Toát mồ hôi hột, Kim vội thưa:
- Dạ không tài nào viết nổi đâu ạ.
- Tôi không biết, việc đó là do ông, ông phải phát huy nội lực.
Ngừng một lát, quan chi phủ đến sát Kim Thánh Phán hỏi nhỏ:
- Cái chỗ bán giấy lộn ấy ở chỗ nào ? Bản phủ muốn biết để kiếm thêm đôi tý, ở công đường nhiều hôm chẳng có việc gì làm…!
Kim Thánh Phán nghĩ thầm trong bụng thế là có tý cơm chim người nhà quan lại muốn cướp nốt.
  Lính lệ dẫn Kim Thánh Phán xuống dưới nhà ngang để thực hiện việc thực thi phạt hành chính. Bút nho, nghiên mực, mực tàu đã bày sẵn. Kim tiên sinh mài mực rồi bắt đầu viết câu mà quan quy định, chán thì lôi Tam Tự kinh ra viết:    
                     
                    Nhân chi sơ tính bản thiện
                    Dưỡng bất giáo, Phụ chi quá
                    Giáo bất nghiêm, Sư chi đạo
                    Tử bất học, phi sở nghi
                    Ấu bất học, lão hà bi
                    Ngọc bất trác bất thành khí
                    Nhân bất học, bất tri lý…
 
   Tạm dịch là:  Người ta sinh ra vốn lương thiện, Sinh mà không dạy cha mẹ có tội, Dậy không nghiêm thì thày bị vạ, con không học không biết làm gì, trẻ không học thì già khổ thân, Ngọc kia không mài rũa không thành đẹp, người không học không biết lý lẽ gì )
Kim Thánh Phán cứ viết như thế, bàn tay phải mỏi như sắp đứt từng ngón. Nhưng một ngày quan giao viết những 5 cân giấy thì không thể nghỉ được. Suy cho cùng thì có mỏi mệt cũng còn có cơm ăn.
   Được 7 ngày, Kim Thánh Phán biến giấy trắng thành giấy lộn được hơn 30 cân. Người nhà quan tức tốc mang lên phố Hàng Mã. Rồi quan phụ mẫu gọi Kim Thánh Phán lên:
- Lần này bản phủ phạt hành chính 7 ngày thì tha cho nhà ngươi. Nếu lần sau còn phạm huý kỵ ta cho đi bóc lịch là cái chắc. Ông có người bảo lãnh nên hôm nay tha cho ngươi tại ngoại.
Kim Thánh Thán nửa vui nửa buồn, vui vì được về nhà nhưng buồn vì chẳng còn hạt gạo, đồng tiền nào.
  Ra đến ngoài cổng công đường thì đã thấy Phục Bạch Đầu cười toe toét:
- Tôi phải bảo lãnh để ông ra ngay chứ chậm vài ngày chắc bàn tay ông hoá đá vả lại có công chuyện.
Phục Bạch đầu dẫn Kim Thánh Phán đến phố Hàng Rươi rồi vào một quán lẩu gà một chim. Lâu lắm Kim mới được ăn một bữa lẩu ngon đến thế. Hai người ăn xong thì Phục Bạch Đầu gọi một chiếc xe tay đưa Kim tiên sinh về ngôi nhà nơi phía Tây thành mà Kim vẫn ở. Sau mấy ngày Kim bị câu lưu trên phủ đường, ngôi nhà không có hơi người hôi xì xì như ông chủ của nó. Phục Bạch Đầu bàn bạc về kiếm kế sinh nhai, về thời cuộc một chặp thì ra về.
  Buồn quá, trong cảnh tiền hết gạo không, Kim Thánh Phán tìm đến nhà cô thôn nữ bán bánh khúc vay ít tiền, ít gạo. Vừa nhìn thấy Kim tiên sinh, cô thôn nữ (đã đem lòng yêu Nhương Tác Nghiệp) oà khóc kể lể sự tình tay chân bọn Trưởng Thượng vu cáo định bôi nhọ thanh danh Nhương Tác Nghiệp. Kim tiên sinh vỗ về nàng thôn nữ và bảo : Không có gì, chuyện nhỏ như con thỏ, họ có vu cáo nhưng không có bằng chứng, không có biên bản thì phỏng làm gì được nhau. Sau khi biết hoàn cảnh Kim Thánh Phán, cô thôn nữ đong cho Kim mươi đấu gạo, cho 20 quan tiền và dặn khi nào hết lại đến lấy. Kim Thánh Thán trong bụng như mở cờ, đúng là mạnh vì gạo, bạo vì tiền, có một chút trong hầu bao rồi ngài thấy trong người thư thới, đàng hoàng hơn.
  Vừa về đến cổng thì đã thấy một người đàn ông tướng ngũ đoản, trán ngắn, mũi to, tóc dễ tre, da đen đứng chờ. Ông ta vái Kim tiên sinh một cách rất lễ độ. Dẫn khách vào nhà, nghe ông ta bày tỏ khúc nhôi, thì ra đó là người chủ cửa hàng mã trên phố. Ông báo tin rằng cái việc bán giấy lộn thì đã phải hợp đồng với quan chi phủ, từ chối không được. Rồi ông thưa:
- Chả giấu gì tiên sinh tôi dân làm nghề hàng mã, thiên hạ bây giờ ham của giả cứ mang tiền thật mua về nào là ô tô, nhà lầu, kim ngân để cho người âm. Tiền thì kẻ mọn này không thiếu nhưng danh thì không ai biết đến. Đại nhân là người có học, văn chương sánh với Lý Bạch, Vương Sóc mà không viết thì cũng uổng phí, chi bằng đại nhân viết cho kẻ mọn này vài quyển.
Kim Thánh Phán nhìn ông chủ hàng mã mà rằng:
- Ông định thuê tôi viết văn cho ông ?
- Vâng thì kẻ mọn này không có văn tự, ngài viết cho vài quyển mang tên Chu Lin để kẻ mọn này được mở mặt với họ hàng thiên hạ. Thời buổi này có tiền là có tất, đến Thám huê, Bảng nhãn, chi phủ, chi huyện, tiến sỹ, giải thường này nọ đều mua được hết.
Kim Thánh Phán nén giận tên hàng mã ngạo mạn cậy có tiền coi khinh lễ nghĩa. Nhưng trong hoàn cảnh này Kim nghĩ đến lời dạy thánh hiền là ứng vạn biến.
- Tôi đang trong cảnh bần hàn, viết thì không được đăng tải mà tên tôi nhà cầm quyền để ý. Tôi thuận tình viết thuê cho ông nhưng giá cả thế nào, xin ông cho biết và viết về thể loại nào.
- Tiền nong thì đại nhân không lo, tôi có tiền mà không có danh còn ngài có danh mà không có tiền nếu ta hợp lực lại thì là duyên trời. Tôi xin chu cấp cho đại nhân thoả thuê, mỗi tuần ngài xuống Khâm Thiên hoặc Đồ Sơn mua vui một lần, ăn mặc, tiêu pha tôi lo từ A đến Z. Đại nhân cứ viết tiểu thuyết ba xu cho người bình dân dễ đọc, đề tài gì cũng được không có định hướng, không có trường phái cái con mẹ gì, miễn là đọc mùi mẫm, tươi mát…
Kim Thánh Phán chả sung sướng gì cái việc viết thuê nhưng đang túng thì phải tính:
- Chẳng hay duyên cớ nào ông lại vời đến tôi ?
- Dạ cũng nhờ ông bác họ xa là Phục Bạch Đầu bày cho để đến gặp văn nhân.
Không biết việc kết hợp giữa danh và lợi thế nào. Không biết chuyện vu cáo Nhương Tác nghiệp ra sao xin xem hồi sau khắc rõ.