Trang chủ » Truyện

CHUYỆN VỀ MỘT CÁI TÁT

Phạm Mạn
Thứ tư ngày 17 tháng 11 năm 2010 10:29 AM
 
 Trong cuộc đời mỗi người, nhiều sự việc xẩy ra thời thơ ấu thường lãng quên dần theo năm tháng. Nhưng cũng có sự việc ám ảnh ta suốt cả cuộc đời.
Chuyện sau đây đối với tôi hẳn là chẳng thể nào quên, bởi đã qua gần bẩy mươi năm rồi, nó vẫn luôn hiện hữu trong óc tôi, như chỉ vừa mới xẩy ra hôm nào!..
Giống như mọi gia đình thời đó, khi bố mẹ đi làm vắng thì anh em chơi với nhau, đứa lớn trông đứa bé. Ba anh em chúng tôi cũng vậy. Anh tôi 13 tuổi, tôi 8 tuổi, em tôi mới chưa đầy 3 tuổi. Mỗi lần ra đường làng chơi, anh tôi thường cõng thằng em đi trước, tôi lẽo đẽo theo sau.
Anh tôi có nhiều trò chơi lắm, nào đi câu, nào đá bóng, nào tìm bắt chim non... Nói là đá bóng cho nó oai, chứ trẻ con thời đó, làm gì có tiền mua bóng? Bóng của chúng tôi là một trái bưởi non, được anh tôi nướng lên cho mềm. Vậy mà hào hứng, thích thú lắm! Thú chơi mà anh tôi mê mải nhất là trèo cây tìm tổ chim để bắt chim non về nuôi. Không chỉ giỏi phát hiện trèo bắt chim, anh tôi còn tỏ ra rất "thiện nghệ" trong việc nuôi chúng. Có những con chim mới nở, chưa mở mắt, mình còn trần trụi như đứa bé mới đẻ nằm trong chậu tắm, thế mà dưới bàn tay chăm bẵm của anh, nó vẫn lớn lên mọc lông, rồi mọc cánh, rồi tập bay... Trong khi đó, mấy đứa bạn anh chỉ nuôi được vài ngày đã đến báo "Con chim của tao chết mất rồi!".
Lúc chim còn non nớt, anh thường bắt những con châu chấu mới lột, mềm nhũn cho chim ăn. Anh cũng thường bỏ chim vào túi áo và lý giải: "Cho nó có hơi ấm". Thi thoảng anh tôi còn trìu mến bụm hai bàn tay ôm chú chim non đưa lên miệng mớm nước bọt vào chiếc mỏ xinh xinh của nó. Anh giải thích: "Tao làm thế này để nó quen hơi chủ". Quen hơi rồi thì sau này có đủ lông đủ cánh, chim cũng không bay đi mất. Đến bữa cơm, anh tôi dù đói, cũng thường không ăn ngay mà dùng đũa cả, khều những hạt cơm sốt dẻo cho chim ăn trước. Anh tôi chăm chút chim tỉ mỉ đến như vậy đấy. Thỉnh thoảng, anh bỏ chim vào lồng đem treo ở cây cam ngoài vườn rồi ngồi trong nhà nhìn ra quan sát con chim mẹ bay đến mớm mồi cho chim con. Đối với tôi, cảnh tượng đó thật cảm động...
Theo thời gian, chim lớn dần. Anh tôi bắt đầu "luyện" chim như một nhà dạy xiếc động vật. Anh huýt sáo gọi nó từ xa, nó nhảy lon ton tới. Anh chìa tay ra, nó nhảy lên lòng bàn tay. Rồi nhảy tiếp lên vai đứng nghiêng ngó. Lúc sau, anh đặt con chim xuống đất, vờ bước đi và không quan tâm đến nó, nó vẫn lon ton nhảy theo anh. Tụi trẻ con trong làng thán phục anh lắm. Hẳn là những lúc ấy, anh tôi hãnh diện lắm, bởi đến tôi là em anh, còn thấy thế nữa là... Cho đến lúc chim gần đủ lông cánh, anh tôi lấy mực xanh bôi vào cánh, mực tím bôi vào đuôi và nghệ bối vào ngực nó. "Tao làm thế thì mẹ nó chịu không thể nhận ra con nữa, không rủ nó bay theo...".
Càng ngày giữa con vật và anh tôi càng gắn bó thân thiết. Họ như một đôi bạn thân sinh ra để có nhau vậy.
Rồi một hôm như bao hôm khác, anh tôi cõng em tôi đi chơi với con chim trong túi áo, tôi lẽo đẽo theo sau. Tới một khu vườn cỏ mọc tốt, có rất nhiều cào cào, châu chấu. Anh đặt đứa em xuống, móc túi lấy con chim đưa cho tôi: "Tao đi bắt cào cào châu chấu làm thức ăn cho nó, mày phái trông nom nó cẩn thận đấy nghe!". Mặc dù anh dậm doạ như thế, nhưng tôi vẫn thấy thích thú đón lấy con chim từ tay anh: "Thế là lúc này mình đã được làm chủ nó, cho dù chỉ tạm thời chốc lát". Nhưng sự thích thú ấy của tôi cũng chóng vánh lắm, chơi một lát với chim, tôi bỏ nó xuống đất, bắt chước anh tôi, vừa đi vừa huýt sáo gọi, nó lách chách nhảy từ đám cỏ này sang đám cỏ khác để theo tôi. Và... tai hoạ đã ập đến: Trong một thoáng lơ đãng, tôi quay lại không thấy chim, bước tiếp, một vật gì mềm mềm, âm ấm cùng một tiếng kêu nghẹt ngắn ngủi dưới bàn chân tôi. Tôi giật mình nhấc vội chân lên. Nhưng muộn mất rồi, con chim đã chết mất rồi! Cùng lúc anh tôi quay trở lại với nắm châu chấu đã vặt trụi cánh và chân. Tôi sợ quá kêu lên: "Anh ơi chim chết rồi!..". Mặt anh biến sắc, đau đớn như người mẹ mất con. Anh quát lên: "Mày làm thế nào để nó chết?!.". Tôi sợ hết hồn, nhưng lúng túng chưa biết trả lời anh thế nào, thì thằng em chưa đầy ba tuổi của chúng tôi đã bi bô nói: "Em làm ... chết!..". Anh tôi nghi ngờ, quát tiếp tôi: "Nó làm thế nào mà chim của tao chết?". Nhìn thấy trong tay đứa em đang có hòn đất, tôi chỉ vào đó nói bừa: " Nó ném...". Thấy tôi nói có cả vật chứng kèm theo, anh tôi tin ngay, thế là thằng bé lãnh ngay một cái tát rất mạnh từ tay anh tôi. Nó ôm lấy má, kêu toáng lên: "Ái! Đau quá!...". Ở cái tuổi ấy, nó chưa biết cãi và cũng chưa đủ ngôn ngữ để làm việc đó. Thế là tội lỗi của tôi đã bị che lấp, còn em tôi do bị đánh oan uổng, hôm ấy nó còn cứ khóc mãi, mặc cho chúng tôi vỗ về an ủi nó thế nào. Sau này, tôi cứ tự hỏi: "Tại sao lúc ấy thằng bé lại nhận "em làm ... chết"? Chỉ có thể lý giải: Do phát âm chưa chuẩn, đúng ra là nó nói "Anh - tức tôi, làm chim chết", nhưng từ "ANH" không rõ, lẫn thành từ "EM", thành cứ tưởng nó nói "Em làm ... chết"!.. Như vậy là tôi thì do quá sợ hãi, đã hèn nhát không dám cất lời nhận lỗi, còn thằng em tôi thì do quá bé bỏng, chưa đủ ngôn từ để bảo vệ sự vô tội của mình!...
Đó là nỗi ám ảnh, nỗi ân hận... đi theo tôi cho đến tận bây giờ, khi mà thằng bé 8 tuổi hồi đó, nay đã thành ông già gần bát thập, là tôi!... 
PHẠM MẠN (Nam Định)