Trang chủ » Truyện

CÂY LỘC VỪNG TRỔ HOA

Vân Hạc
Thứ sáu ngày 5 tháng 11 năm 2010 10:11 PM

 
Chú tôi mất. Đấy là tổn thất vô cùng to lớn của gia đình. Chỉ có điều rất lạ là cây lộc vừng chú tôi yêu quí và gắn bó từ lâu cũng tự nhiên héo úa.
Chú tôi là công nhân lâm nghiệp, cả cuộc đời gắn bó với rừng. Có thể nói rừng là một phần không thể thiếu trong cuộc đời chú. Bàn chân chú đã từng in dấu trên nhiều cánh rừng của Tổ Quốc. Ở đâu khó khăn hoặc cần là chú có mặt.
Anh em tôi được chú cưu mang từ nhỏ khi mẹ tôi không may bị tai nạn mất sớm. Chú coi anh em tôi như con, còn anh em tôi coi chú vừa như cha, vừa như một người bạn lớn. Chú luôn dang tay che chở cho anh em tôi, bên chú chúng tôi thấy yên tâm và thanh thản. Mỗi lần về thăm nhà chú đều có quà cho chúng tôi, khi thì chùm quả vả căng đầy những mật, khi lại chùm dâu da đỏ rực… Ngày ấy chúng tôi rất thích nghe chú kể chuyện. Khi chú kể về khu rừng mới trồngđã lên xanh tốt, trong ánh mắt chú như có hai đốm lửa sáng ngời. Còn những hôm bắt gặp những cánh rừng bị bọn lâm tặc tàn phá, chú xót xa đau đớn như chính cơ thể mình bị tổn thương….
Có lần chú cho tôi vào rừng cùng. Tôi như đứa trẻ lạc vào khu rừng cổ tích. Rừng xanh đầy những bất ngờ, đây đó những cây cổ thụ to đến mấy người ôm không xuể, cao vút, bạnh cây gân guốc, tán lá rậm rạp, ánh nắng xuyên qua thành những tia vàng óng. Những chùm dây leo như bầy rắn khổng lồ đang gồng mình cuồn cuộn. Dưới thấp là thảm cây rậm rạp, nhiều lòai hoa đủ sắc mầu rất lạ mắt. Những con sóc chuyền cành nhanh thoăn thoắt, một tiếng chim lảnh lót trong tán lá, thỉnh thoảng một chú chim từ bụi cây bên cạnh bay vút lên khiến tôi giật mình thích thú. Tiếng gió reo trong lá tạo thành những âm thanh ru dương trầm bổng. Tôi bắt trước chú áp tai vào thân cây, lắng nghe tiếng nhạc rừng đang ngân rung những giai điệu bất tận của tình yêu cuộc sống, trong lồng ngực non trẻ bỗng dâng lên một cảm giác xốn xang rất lạ.
Chú đưa tôi đến một cánh rừng mới trồng, chú bảo đây là nơi bọn lâm tặc đã khai thác trộm, chú và anh em mới trồng lại. Có mấy cây con bị gió thổi ngã rạp xuống, chú nhẹ nhàng nâng dậy và cứ xuýt xoa mãi. Nhìn tôi đang vụng về lấy cành cây cắm xuống đất làm điểm tựa cho những cây yếu, chú xoa đầu trìu mến:
- Cháu ạ, cây cũng có đời sống và tình cảm như người, chỉ có những người
yêu rừng, yêu cây và hết lòng vì nó mới có thể cảm nhận được.
 
 
           Chú tôi nói về rừng về cây một cách say sưa. Rừng là lá phổi xanh của trái đất, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất… rồi cây cũng biết vui biết buồn, biết giận. Nhiều điều chú nói sau này được học trong nhà trường tôi càng thấm thía hơn. Còn lúc đó trong trí óc non nớt của mình, tôi cứ tưởng tượng có một cô gái xinh đẹp như cô tiên ẩn trong thân cây. Khi cô khỏe, cây vui cứng cáp mỡ màng, mỗi khi cô yếu hay buồn là cây lại ủ rũ…
Hai chú cháu dừng chân bên một gốc vả, quả sai trĩu từng chùm mọng căng quanh gốc. Chú lựa mấy quả chín đỏ bổ cho tôi ăn, lát vả thơm lựng dâng đầy mật ngọt làm bao mệt nhọc tan biến. Nhìn ra phía rừng xa, chú vui vẻ:
Lộc của rừng đấy cháu ạ. Còn nhiều thứ quí và của ngon vật lạ lắm, nếu ta biết trân trọng nâng niu, rừng sẽ cho ta hưởng lộc.
Từ ngày nghỉ hưu, chú tôi qui hoạch lại khu vườn, mùa nào cũng xanh tốt và sai trĩu quả. Chú trồng một vườn cây cảnh, đủ cả sung, si, đa, lộc vừng… Nhìn chú chăm chút khu vườn mới biết tình yêu rừng trong chú vẫn như ngày nào.
Lần ấy thấy tôi về chơi chú mừng lắm, kéo tôi ra vườn khoe:
          - Chú mới có một cây lộc vừng đẹp tuyệt vời. Cây này do anh em trong lâm trường tặng. Cả đời gắn bó với rừng mà chú chưa thấy cây lộc vừng nào đẹp đến như vậy.
 Nói rồi chú đưa tôi đến bên cây lộc vừng, đi xung quanh rồi lại ra xa ngắm. Cây lộc vừng thân to xù xì u cục nhưng tiềm ẩn một sức sống mãnh liệt, tán cây xòe rộng hình tháp, xanh mướt vươn lên kiêu hãnh, bộ rễ xum xuê vững chãi.
Nhìn chú vui tôi mừng lắm và hiểu rằng chú quí cây lộc vừng trước hết vì đó là cái tình sâu nặng của đồng đội. Mà cây lộc vừng ấy đẹp thật, càng ngắm càng thấy tỏa ra thần thái của bậc trượng phu, khí tiết của trang quân tử. Chẳng khác nào chú tôi cả đời ngay thẳng, trung thực, hết lòng vì những cánh rừng.
Chú từng kể cho tôi nghe, nhiều lần bọn lâm tặc tìm mọi cách mua chuộc chú để chú làm ngơ cho chúng khai thác gỗ trái phép, bị chú từ chối chúng tưởng chú chê ít chúng lại tăng gấp bội, nhưng chú kiên quyết không tiếp tay cho kẻ ác, chú bảo:
- Mình sống nghèo mà thanh thản, chứ ăn của rừng “rưng rưng nước mắt” đấy cháu ạ. Những lời nói chân thành mộc mạc ấy làm tôi xúc đông và nhớ mãi.      
Thế rồi chú tôi bất ngờ đổ bệnh. Khi gia đình đưa chú đi khám mới biết chú bị ung thư giai đoạn cuối. Cả gia đình đều quây quần bên chú. Nhìn hình hài bé nhỏ gầy guộc, đến trở mình cũng khó khăn của chú, mọi người đều cố kìm xúc động, ra sân khóc lén. Riêng chú là vẫn cười nói như không, chỉ khi trong giấc ngủ ít ỏi mới thoáng thấy chú rên nhè nhẹ.
Khi chú hỏi thăm cây lộc vừng và bảo đem sang gửi ở nhà người con thứ ở cuối làng, kẻo cây biết chú ốm sẽ buồn phiền, ai cũng nghĩ chú nói đùa. Cũng đến lúc đó mọi người mới để ý tới cây lộc vừng. Vẫn cái dáng cứng cáp ấy nhưng lá đã ngả vàng từ lúc nào, lác đác đã có vài chiếc lá lìa cành. Tôi nghe loáng thoáng ai đó nói rằng từ khi chú tôi đổ bệnh không chăm sóc được nên cây mới thế, chứ khi còn khỏe ngày nào cũng thấy chú bên cây, có lúc còn thầm thì như đôi bạn tâm giao, tri âm tri kỷ. Tôi bỗng ớn lạnh khi nhớ tới chuyện hồn sống của cây mà chú tôi kể ngày nào. Tôi tin rằng bằng một cách nào đó, cây lộc vừng đã cảm nhận được tình trạng sức khỏe của chú tôi.
Thế rồi chú tôi lặng lẽ ra đi, vầng trán rộng còn vương nỗi ưu tư trăn trở. Chúng tôi đem khăn tang thắt cho cây lộc vừng và những cây trong vườn, cả khu vườn trắng một mầu tang tóc. Anh em chúng tôi không ai cầm lòng được, nức nở gọi chú trong nước mắt. Hàng cây chịu tang đứng im phăng phắc bỗng rùng mình xao xác, trời không mưa mà những giọt nước trên vòm lá rơi ướt lạnh trên má anh em tôi.
Đưa chú tôi ra đồng, chúng tôi kính cẩn gửi chú vào lòng đất mẹ xong, tôi thắp hương xin phép chú rồi mấy anh em xúm lại xem xét cây lộc vừng. Cây không có biểu hiện sâu bệnh, bộ rễ vẫn từng chùm đầy sức sống, cây đã rụng hết lá, vài cành nhỏ khô cứng nhưng bấm vào nhựa vẫn ứa ra. Mấy anh em tôi tỉa cành khô, chuyển cây vào nơi dịu nắng. Trong thâm tâm mấy anh em tôi ao ước cây lộc vừng xanh tốt trở lại. Chúng tôi đã quen với hình ảnh chú bên cây lộc vừng, đến mức có lúc cứ ngỡ cây với chú đã hòa làm một.
Dịp bốn chín ngày chú tôi, chúng tôi không hẹn mà cùng ra thăm cây lộc vừng, chú em tôi nghẹn ngào:
          - Hàng ngày chúng em vẫn chăm sóc cho cây, nhiều lúc chúng em vẫn nói chuyện với cây như ngày trước bố em vẫn làm. Chúng em không muốn cây thiếu vắng tình người…
           Thế rồi cây lộc vừng xanh tốt lại thật, những chiếc lá non tơ mới nhú óng lên trong nắng sớm, những hạt nước li ti long lanh trên lá như muôn hạt châu. Cả khu vườn mơn mởn một mầu xanh. Trong gió thoang thoảng hương thơm của lá, của hoa, ngây ngất một sức sống diệu kỳ dâng lên từ đất.
Gần đến ngày giỗ đầu chú, chú em điện cho tôi giọng mừng rỡ:
          - Lạ lắm anh ạ, cây lộc vừng sai nụ lắm, em cứ cầu trời khấn phật để  cây trổ hoa đúng ngày giỗ anh ạ.
Ngày giỗ chú, dù làm việc gì thì anh em tôi thỉnh thoảng vẫn ngó về phía cây lộc vừng với một sự chờ đợi thấp thỏm. Chiều ấy khi mọi việc đã xong, mấy anh em tôi ngồi quanh cây lộc vừng, câu chuyện đưa về những kỷ niệm về người chú thân yêu đã đi xa. Mỗi người đều kể về chú với một tình cảm sâu nặng.
Trăng lên. Tán lá xanh ánh lên một mầu vàng dịu, những chùm nụ đung đưa lung linh huyền ảo. Tôi thắp một nén hương trên bàn thờ chú, khi quay ra chợt sững người lại. Trời ơi! Tôi có nhầm không, khi từ trong tĩnh lặng như có tiếng lách tách nhè nhẹ. Những cánh hoa lộc vừng bừng nở đỏ thoáng chốc ngỡ ngàng, rồi chẳng mấy chốc đã buông thành một rèm hoa tha thướt. Mấy anh em tôi không ai kìm được tiếng xuýt xoa. Thấy vậy cả nhà ùa đến, thím tôi khóc nức lên: “Ông ơi là ông ơi! Ông sống khôn thác thiêng…”
Tôi chợt cay sè sống mũi vội bước ra sân, dưới ánh trăng, những cánh rừng bạt ngàn nối nhau xa tít tắp, mùi hoa, mùi lá cây lan tỏa khắp không gian. Tôi như thấy chú tôi vẫn còn đâu đó, lưng áo bạc trắng mồ hôi, cần mẫn vì sự sống của những cánh rừng.
                                                                                                 VH