Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Mùa Xuân đôi điều nghĩ về thơ

Đặng Thị Anh Đào
Thứ hai ngày 2 tháng 2 năm 2009 5:34 AM

 
Mùa xuân, ôi mùa xuân ! Những cái tết mà đời tôi đã trải qua cộng lại có lẽ tới hơn mười năm chứ không ít. Hơn mười năm ấy tôi đã phải đón mùa xuân, đón tết một mình. Có ai muốn thế đâu, có hay gì đâu! Bởi mình có thế nào thì đời mới không chấp nhận chứ…?
Năm nay cũng vậy, cũng như những năm trước, khi hoa đào nở và nhà nhà náo nức đón giao thừa, tôi lại ngồi một mình. Buồn cho cái thân mình, giận cho cái thân mình, rồi lại bồi hồi cầm bút…

TA KẺ ĐỚN HÈN
Ôi màu đen!
Màu đen “vĩ đại”
Cứ bôi đi
   bôi mãi
    cũng vẫn chỉ màu đen
Ta đớn hèn sinh ra là màu trắng
Một chút đen thôi, cũng thổn thức trong lòng
Nên cõi đời
  chờ mong
    còn chờ mong gì nữa?
Một kiếp người lẻ bóng đơn côi!
Đọc bài thơ này bạn nào thương thì xin ban cho câu “tạm được”. Còn người khác có ban cho câu “Kiêu căng học đòi, đớn hèn điệu bộ hay chẳng ra gì đi nữa”. Tôi cũng không dám giận. Bởi vì bài thơ được dẫn ra chỉ nhằm một mục đích là:
Trong lúc cô đơn hay vô vọng nhất, thậm chí sung sướng nhất, lúc ấy chỉ duy nhất có NÀNG THƠ là người bạn chung thủy với ta. Nàng giúp ta nhìn rõ ta qua đó ta nhìn rõ ra thế giới xung quanh, để rồi ta trò chuyện được với chính ta và ta bồi hồi… Cầm bút! Trong phút giây thiêng liêng ấy những câu thơ giản dị, trong sáng và sâu thẳm chắc chắn sẽ làm rung động trái tim người khác, thường được thai nghén, thậm chí được ra đời…
Những người sống không có khát khao, không có mơ ước lớn. Những người không trung thực được ngay với chính bản thân mình, trong lòng họ không trong, không sáng để nhìn được ra chính bản thân họ, thì làm sao mà họ có thể… BỒI HỒI được. Những dòng mà họ CỐ GẮNG viết ra chỉ là cách hô to, nói lớn, đánh bóng, mạ kền mà thôi chứ đâu có phải là THƠ. Những dòng ấy chỉ có thể đánh lừa được những người giống như họ, hoặc những người vì lý do nào đó mà trình độ cảm nhận thấp kém.
Như thế có nghĩa là: THƠ là sự độc thoại giữa mình với chính mình. Sự độc thoại ấy nếu nó mà đi cùng đường với loài người tới cái đích CHÂN, THIỆN, MỸ thì nó sẽ được loài người ghi nhận, thậm chí dựng bia. Thế nên người xưa mới nói: Thơ là những hình ảnh, hình tượng chọn lọc điển hình nhưng lại có tính chất phổ biến. Những điều nêu ở trên chỉ là những điều chung nhất của thơ, chứ nói về thơ thì còn nhiều lắm không sao mà nói hết được. Ví như:
Buồn trông phong cảnh quê người
Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa
Đó là một trong những câu thơ hay vào loại bậc nhất trong truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Những câu thơ ấy: Buồn mênh mông, sâu thẳm tới mức không thể nói hết được và không dịch được hết nghĩa ra tiếng nước ngoài, kể cả bằng ngôn ngữ của phương tây, và tôi bạo phổi mà suy đoán rằng: Chắc vì ở phương tây họ không có các tình cảm tương ứng ở mức độ đó, ở kiểu đó. Dẫn chứng những câu thơ như thế ở Việt Nam và phương đông thì còn nhiều và đó chính là cái đặc trưng SÂU THẲM MÊNH MÔNG của thơ phương đông trong đó có Việt Nam.
Người phương đông ăn cơm cầm đũa gắp thức ăn của người phương đông. Cho nên người Việt Nam ta đa số hầu hết là yêu cái chất thơ Á đông: Gợi cảm, man mác, mênh mông, sâu thẳm. Thơ cổ điển thì hiển nhiên là như thế rồi. Nhưng kể cả những bài thơ trong phong trào thơ mới cũng vậy:
Xuân Diệu với:
  Mây trắng về đâu bay gấp gấp
Con cò trên ruộng cánh phân vân
  Đã nghe rét mướt luồn trong gió
Đã vắng người sang những chuyến đò
Huy Cận với:
       Tai nương giọt nước mái nhà
Nghe trời nằng lặng, nghe ta buồn buồn
Những câu thơ trên khi đọc chưa cần đợi… để hiểu được người nghe đã thích rồi. Người ta thích bởi cái cảm giác man mác, các nỗi buồn sương khói. Sương khói tới mức mênh mông và cả cái nhạc điệu… của nó nữa. Và còn …v.v. Tất cả những cái đó gộp lại người đời thường gọi là CHẤT THƠ hay đúng hơn là chất thơ Á đông. Thơ phải có chất thơ mới được gọi là thơ. Những câu thơ của các nhà thơ hiện đại gần đây nhất:
Xuân Quỳnh với:
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu về đâu
Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mông nhường nào
Hữu Thỉnh với:
Biển cậy mình dài rộng thế
Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn
Tuy là thơ HIỆN ĐẠI, ý tưởng của các câu thơ đã rất rõ ràng. Nhưng âm điệu thơ phương đông vẫn là đặc trưng. Bởi thế người Việt ta, trong đó có cả tôi rất yêu thích, nghe đọc thật là “sướng tai”, nghĩ rồi thì thật là xúc động!
Như tác giả bài này đã viết trong cuốn CẢM NHẬN THI CA in ở nhà xuất bản Văn học năm 1999 và được nhà xuất bản Thanh niên tái bản năm 2006 là: “Thế giới đang hình thành một nền thi ca của chung nhân loại còn mỗi nước cũng đang cố giữ lấy cái riêng của mình và tiếp thu những tinh hoa của thế giới…”.
Xuân Diệu ông hoàng thi ca của thế kỷ 20, viết rất thành công những câu thơ đậm chất Á đông như trên đã dẫn. Và cũng có những câu thơ có một ít, một ít thôi cái: Ấn tượng và mãnh liệt, điều đặc trưng của thơ phương tây. Trong các câu thơ ấy cái chất tây hòa hợp được với chất Á đông:
Yêu là chết ở trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu
hay:
Trái đất ba phần tư nước mắt
Trôi như giọt lệ giữa không trung.
Tới đây xin bạn đọc cho phép tôi được nói ra ngoài đề một chút, nhân dẫn hai câu thơ: “Trái đất ba phần tư nước mắt/ trôi như giọt lệ giữa không trung”. Hai câu thơ ấy có người bảo là do Huy Cận cho Xuân Diệu. Nếu biết thế sao người biết không nói từ lúc Xuân Diệu còn sống đi? Lại đợi lúc người ta đã chết lâu rồi mới dám nói, thật là không minh bạch chút nào. Còn từ TRÔI hay hơn, hay từ ĐI thơ hơn, hay hơn “Đi như giọt lệ giữa không trung”. (Ở đây tôi chỉ giới hạn trong góc độ hay, hay không hay chứ không muốn tranh cãi có đúng hay không đúng bản gốc). Trái đất (loài người) đau khổ quá, đau khổ tới mức “… ba phần tư (là) nước mắt” rồi, đã trở thành GIỌT LỆ rồi. Hãy để cho giọt lệ TRÔI để biểu hiện đúng sự đau khổ gần như không TỰ CHỦ được. Chứ đừng bắt giọt lệ ĐI đừng bắt giọt lệ phải có chân, dù là đôi chân trừu tượng.
Xin được quay lại với vấn đề chính là: Kết hợp giữa thơ phương đông với thơ phương tây.
Cũng vẫn là thơ của Xuân Diệu, ông hoàng thi ca của thế kỷ 20: “Trăng vú mộng của muôn đời thi sĩ”. Ấn tượng đấy, mãnh liệt đấy xong cái ấn tượng và mãnh liệt, cái đặc trưng của thơ phương tây lấn hết, lấn gần hết cái sâu thẳm và mênh mông (có chút kín đáo) của chất thơ Á đông. “Cái chất tây cứ lồ lộ ra ngoài khiến người đọc Việt Nam rất là không muốn”. Trong truyện Kiều có câu:
Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Dầy dầy đúc sẵn một tòa thiên nhiên
Nguyễn Du cho nàng “tiên Kiều”, LUY ra hết đấy. Nhưng người đọc vẫn phải tưởng tượng ra (hở mà kín, kín mà hở). Chứ không VÚ MỘNG… Cứ như là đem… phô phang ra… ấn vào mặt người ta… cứ như thưởng thức vẻ đẹp của một bông hoa hồng mà lại CẦM LẤY CÁNH HOA rồi ấn vào mặt người ta mà bảo: Nó to như thế, nó mộng như thế đấy. Thật chả thơ tý nào!
Đôi gò nhũ tiên của các nàng tiên làm hầu hết những người đàn ông ước ao…thèm khát. Bởi ngoài sự quyến rũ tự thân của nó do trời ban cho, nó còn được các nàng nâng niu, che đậy một cách cẩn thận. Có lắm nàng tinh quái… chỉ để hở… một tí ti thôi, một chút, một phần nhỏ xíu thôi, khiến cánh đàn ông đêm về nằm phải mơ tưởng… dưới làn áo mỏng…
Trắng trắng ngần trinh tiết
Căng căng tròn non tơ
Rung rung đôi núm nhỏ
Áp mặt vào… giấc mơ!
Tưởng tượng… để rồi mà khát khao, khát khao cháy bỏng… khát khao tưởng có thể điên…lên được.
Xin nghìn lần xin lỗi các nàng tiên, nói ví thử bỗng dưng vì lý do nào đấy mà các nàng thôi không nâng niu đôi… nữa, không che đậy nữa bỏ hẳn ra để cánh đàn ông không mong… mà cũng được thấy. Lúc ấy chắc sẽ chẳng còn thằng đàn ông nào muốn điên… lên nữa mà làm gì đâu!
Vậy sự kết hợp giữa thơ phương đông và thơ phương tây, giữa sâu thẳm mênh mông với ấn tượng mãnh liệt thật là vô cùng khó khăn. Ai kết hợp được nhuần nhuyễn và đạt được tới mức HAY thì người đó xứng đáng là THIÊN TÀI thi ca. Bởi họ đã khơi dòng thành công cho một dòng thi ca mới!
Vậy nên người thưởng thức thơ hôm nay cũng phải tập cho mình có khiếu năng thưởng thức được cả dòng thơ đang hình thành đó. Chứ đừng có khư khư cố thủ ở phương đông rồi cho phương đông là nhất. Hay nhảy hẳn sang phương tây học lỏm, học mót rồi về tự vỗ ngực cho mình mới là người sáng tạo, thơ của mình mới là thơ hiện đại. Đã là học lỏm, học mót người ta, có nghĩa là chạy theo người ta. Mà đã là chạy theo, thì mãi mãi chỉ ở sau… lưng người ta mà thôi.
“Tuyệt đối hóa phương đông hay tuyệt đối hóa phương tây đều là NHÀ QUÊ, bởi phương đông hay là phương tây so với cả thế giới thì nó cũng mới chỉ là một nửa”. Một nhà lý luận văn chương của chính phương tây đã nói như thế.
Nhân mùa xuân xin góp mấy lời bàn về thơ, mong bạn đọc gần xa đóng góp thêm!
Xuân Đinh Hợi.