Trang chủ » Truyện

TỰ THÚ DƯỚI HOA HỒNG

Dương Phương Toại
Thứ tư ngày 3 tháng 11 năm 2010 8:34 PM

 

 Truyện ngắn


Con đường mới trải nhựa. Những làn gió bấc thổi lướt trên ngọn cây. Chiếc xe Toyota màu bạc bon nhẹ trong ánh nắng hanh vàng. Đến đoạn hồ Công trình nước sạch nông thôn làng Phong Mỹ, xe dừng lại, chầm chậm rẽ vào sân trường Tiểu học, đậu dưới tán cây bàng. Đám học trò reo ầm ĩ, chạy túa tới vây quanh:
-A! Xe trên thành phố đã về! Có lẵng hoa đẹp lắm chúng bay ơi! Chúng còn đọc rành rọt: -Công ty tê en hát hát Thương mại Đại Vân...
Một người đàn ông bệ vệ trong bộ comle sang trọng bước ra khỏi xe. Các cô giáo cũng vừa tới ríu rít chào hỏi. Ông cầm tay các cô rất chặt:
-Chào các cô giáo! Chào các cháu!
Tiếng ông trầm và rung rung như chiếc loa bị bong màng. Bọn trẻ đang ồn ào như bầy ong trên đõ đã trật tự trở lại, chỉ còn tiếng mấy đứa đứng vòng ngoài thì thào, chỉ trỏ với nhau.
- Tôi là Viên, giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Đại Vân.
- Dạ vâng! Chúng em có được nghe tên bác. Bác trẻ và phong độ quá!
-Cảm ơn các cô. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng tôi mang hoa và quà chúc mừng “những người thợ trăm năm trồng người” luôn trẻ đẹp và hạnh phúc... Ông cùng người lái xe trẻ nâng lên lẵng hoa đầy ắp những đoá hồng nhung tươi thắm sực nức hương thơm: -Các cô đón giùm. Trông cô nào cũng hoa ghen sắc thắm liễu hờn kém xanh! Quả là cụ Nguyễn Du ngày xưa nói cấm có sai! Ai là hiệu trưởng trường ta?
-Dạ! Cô Hồng My! Cô đang ở tầng trên.
-Bác giám đốc vui tính quá!
-Kia, cô hiệu trưởng đang đi xuống!
Cô hiệu trưởng trên cầu thang đã vội vã ra sân, đon đả:
-Chào anh! Hôm qua nhận được điện Công ty các anh sẽ xuống thăm trường, chúng em phấn khởi quá!
Vừa giơ tay ra bắt, bỗng cả hai người cùng sững lại:
-Ôi!... Ông là...
-Ô ! Chị... có phải... chị... Chị là... chị My? Đúng rồi! Chị My!
-Vâng! Tôi đây! My đây! Sao ông...? Ông là... cậu Viên?...
-Thế mới tài chứ! Quả đất bao giờ cũng xoay tròn! Dễ mấy chục năm rồi đấy nhỉ? Tôi có đọc một số bài báo viết về chị. Khách cười, hấp háy đôi mắt và gõ gõ trán: -Phải rồi... Bài Người hiệu trưởng mẹ hiền. Rồi Một nữ hiệu trưởng giỏi việc trường, đảm việc nhà... Tưởng Hồng My nào. Không ngờ là chị...
-Ơ... hoá ra hai người biết nhau? Các cô giáo ngạc nhiên.
-Ư! Chúng tôi còn là người nhà nữa kia! Có lẽ ba mươi mốt năm đấy chị nhỉ?
-Vâng! Đúng ba mươi mốt năm! Kể từ hôm tôi đi khỏi nhà! Cậu... vẫn nhớ?
-Nhớ chứ chị! Người nhà quên nhau sao được? Lâu nay chị ở đâu mà hiện giờ lại ở đây?
-Chuyện rất dài. Ta cho qua đi. Mời cậu và cả nhà ta vào phòng khách đã!
Đang trong tâm trạng háo hức về thăm ngôi trường mà Công ty sẽ tài trợ, Viên không ngờ lại gặp ngay tình huống khó xử khi chạm mặt bà hiệu trưởng. Khuôn mặt đầy đang hồng hào rạo rực với đôi mắt dài, cái miệng rộng, đôi môi mọng ướt của ông ta ngả dần tai tái. Đang sôi nổi pha lẫn bông đùa, tự nhiên giọng ông lạc hẳn đi. Hình như ông chuyển sang thái độ giữ ý. Thoạt đầu, người ta dễ lầm tưởng ông giám đốc bị bà hiệu trưởng xinh đẹp hút hồn.
Còn hiệu trưởng My, sau một thoáng bàng hoàng, cố nén một điều gì đó rất ghê gớm vừa ập đến trong lòng, nét mặt đã rạng rỡ trở lại. Chiều qua, trong điện thoại, nghe giọng nói, chị mường tượng ra một ông giám đốc già trầm tĩnh và khả kính. Ai biết được lại là Viên! Con người này dễ thành đạt thế ư? Song, chị đã bình tĩnh được ngay bởi sự từng trải, chịu đựng một thời đau khổ đã cho My sức mạnh sẵn sàng đón nhận và bản lĩnh ứng phó. Gương mặt ngày thường đã tươi tắn, lúc này càng sáng ngời, càng thêm vẻ đẹp quý phái, trí thức. Xua nhanh nỗi lấn bấn, chị chủ động hỏi thăm mọi chuyện thường ngày của Công ty và mời ông giám đốc tạm nghỉ, sau đó dự cuộc giao lưu với nhà trường. Với nụ cười hiền hậu và phong cách nói năng đĩnh đạc, My càng tự nhiên bao nhiêu, Viên càng lóng ngóng, ấp úng bấy nhiêu. Những giây lát đối diện, ông ta cứ nhìn đi đâu như kẻ nhìn rau gắp thịt. Đoán biết tâm trạng ông ta, My động viên: -Đồng chí giám đốc rất nhiệt tình với chị em chúng tôi. Chúng tôi không biết nói gì hơn để cảm ơn?
-Không có gì! Đây chỉ là thiện cảm nhỏ bé của Công ty chúng tôi
Những ngày chiến tranh chống Mỹ các liệt. Máy bay Mỹ từng bầy bay vào bắn phá Hồng Gai, Hải Phòng, Uông Bí. Bom và tên lửa của chúng vãi xuống cả bến đò quê My. Mẹ My đang chèo đò trên sông bị trúng bom. Phải hai ngày sau người ta mới tìm được xác mẹ trôi vào bãi sú ven đê. Lúc đó bé My mới năm tuổi. Nó vừa khóc vừa bò lùng quanh cỗ quan tài, vỗ vào thành gỗ: “Mẹ ơi! Dậy đi mẹ ơi... Mẹ ơi...” Tiếng nó khản đặc khiến ai cũng không cầm được nước mắt. Nó túm chặt vạt áo bố theo bố đưa mẹ ra đồng. Người ta phải bế nó lên. Nó lại trườn xuống, nhao hai tay về phía trước.
Bố My là đội trưởng đội thuỷ lợi xã. Hàng ngày đi làm xa, đắp đê biển dưới Đầm Bầu, bố phải gửi My nhờ bà cụ Cang trông hộ. Thương cảnh gà trống nuôi con, bà cụ liền làm mối cho một người cháu gái họ ở làng dưới. Cô này trong tổ dân quân trực chiến ngoài cánh đồng, léng phéng thế nào lại tằng tịu với anh chàng trung đội trưởng, bị đồng đội bắt được. Trận địa trực chiến bị trúng bom. Tay trung đội trưởng chết tại chỗ. Bụng cô gái mỗi ngày một to. Khi cô đẻ, Trung đội dân quân và Hội phụ nữ đến vận động gia đình anh ta nhận đứa bé cho ổn thoả. Nhưng chị vợ nhất quyết từ chối: “Nhà tôi thiếu người thật, nhưng không chứa đồ lang chạ!” Cô gái cũng không phải hạng vừa: “Đã thế, bà để bà nuôi, chứ cần gì con nào. Đã trót thì trét. Thách đời cười được ba năm!”
Bố My cùng bà cụ Cang đến dạm ngõ cô gái nhỡ thì. Cô ta nhận lời ngay và tối hôm ấy cũng dắt luôn thằng bé lên ba theo bố My về nhà. Bố bảo My: Từ nay con có dì Đanh làm mẹ và em Viên đây là em trai!... Ban đầu My cũng thích lắm. My cõng nó đi chơi khắp xóm. Ai cũng bảo: Bố con cái My tốt phúc! Được cả trâu lẫn nghé! Nhưng khốn nỗi... Tính tình bà mẹ kế lại khác hẳn mẹ My. Mới được vài tháng bà ta đã tốc tác, ngạo ngược. Làm đồng về, bà ta ngồi vén đùi chỉnh chện trên phản sai My nấu nướng, quét tước sân nhà, cho gà cho lợn ăn. Mới tối đã ôm con lên giường vùi đầu. Sáng trắng chửa buồn dậy, bà nằm trong buồng véo von: -Con My đâu? Cơm nước xong chưa?... Mỗi khi thấy con gái mặt mũi đen nhẻm, nước mắt nước dãi dầm dề vì khói bếp, bố My chỉ biết xót thầm.
Mang tiếng có mẹ kế mà trăm thứ nặng nhẹ vẫn vào tay My. My trở thành đầu sai. Mẹ kế nghễu nghện thành bà chủ hét ra lửa trong ngôi nhà vốn yên ả bấy nay. Mới sáu, bảy tuổi đầu, ngày hai bữa bốn bận My phải ì ạch bê cái mâm gỗ to như tấm phản để dọn cơm, cầm cái chổi xể dài hơn người để quét cái sân rộng như sân kho hợp tác. My dắt con trâu mộng ra đồng y thằng bệu đội cái nón le te đứng cạnh con voi. Chiếc quần lửng, tấm áo cộc tay vá chằng vá đụp.
Rồi bà ta cứ sòn sòn năm một, liền bốn đứa, một trai nữa cùng ba gái ra đời. Ngần ấy đứa em đều qua tay My trông giữ, bế ẵm vẹo mạn sườn. Nghe chúng khóc, chả cần hiểu mô tê gì, bà ta sồn sồn nạt nụa và quất cho My những trận đòn không tiếc tay. Một lần, My trượt chân chỗ cổng ngõ làm ngã thằng em. Bà hộc tốc chạy ra chẳng nói chẳng rằng, cứ thế tát tới tấp vào mặt My, đến nỗi những lằn ngón tay in trên đôi má mấy ngày vẫn chưa tan. Mấy đứa gái còn có chút thương chị. Còn thằng Viên càng lớn càng nghịch như quỷ sứ. Suốt ngày lê la, bò toài, vày đất vày cát, đánh chửi nhau với bọn trẻ hàng xóm. My ra can, nó quay lại chửi luôn cả My. Nó và thằng em vào hùa với mẹ, coi My như kẻ ngoài lạc đến. Hễ My bị đòn là chúng vỗ tay reo, càng đổ dầu vào lửa cho cơn tam bành của mẹ chúng bốc lên. Mười lăm mười sáu tuổi, My vẫn còn phải chăn trâu. Suốt ngày, My lặn lội ngoài đồng hết cắt cỏ, cắt rạ, phát bờ cuốc góc, lại tập bừa tập cày, nhổ mạ cấy lúa... nhặt công nhặt điểm ngang với người lao động chính. Có lần My hót phân trâu bằng xẻng thay cặp đũa gắp, bà Đanh xỉa xói: “Người nhà quê đồ lề hàng phố! Lấy tay mà bốc, vét cho nhẵn kẻo ruồi muỗi nó bâu. Trâu gầy, mày chết với tao!” My không dám cãi. Cứ lầm lũi làm. Mùi phân trâu ám cả vào quần áo. Ra lớp học, bọn trẻ còn khịt mũi, nhăn mặt trêu My bằng khóc. Đến khi cái Hân vạch lưng áo My lộ những vết roi tre còn ri rỉ máu, chúng mới buông tha. My tủi thân chạy vào góc tối khóc rấm rứt. Một hôm, nửa đêm My đang chìm trong giấc ngủ sau một ngày đi cấy đau gẫy cả lưng nách thì nghe có tiếng gọi lúc bềnh bồng xa đắm, lúc gần cạnh mang tai. My choàng dậy mắt nhắm mắt mở:
–Dì gọi con ạ?
–Còn chó nào? Đồ bị thịt. Ngủ gì mà như chết để tao gọi hồn từ sớm đến giờ, rát cả họng. Đem cái chậu vào dọn cho thằng bé! Mày nấu nướng những gì mà nó bị miệng mửa trôn tháo thế này? Giống cái con đẻ mày ăn no ngủ kỹ chổng tỹ lên giời!
-Dì không được động đến mẹ tôi! Không ngăn nổi uất ức, My cãi chặn lại .
-Bà động chứ bà sợ thằng nào con nào! Bố con mày không gặp bà có mà mục xương. Giời cao đất dày ôi! Con chồng dả deo với tôi thế này! Nuôi ong tay áo, nuôi cáo trong nhà... Này thì động!
Thoắt cái, mụ cầm cả cái chậu đổ hắt vào mặt My. Không kịp tránh, đầu tóc, quần áo My nhoè nhoẹt những hoa cà hoa cải. My ôm mặt chạy ra ngõ. Hôm sau bố về thì đã không thấy My đâu. Mụ vợ xéo xon: -Con ông là đồ ăn hại đái khai!
My chạy sang nhà dì Mai ở làng bên, định sẽ không bao giờ về ngôi nhà có mụ phù thuỷ tác oai tác quái ấy nữa. Nhưng bố sang đón, dỗ dành My: “Bố cũng chẳng muốn cảnh dì ghẻ con chồng thế này đâu. Con còn bé dại, bố cần phải có người trông nom nhà cửa. Con có về bố mới yên tâm đi làm”. Nghĩ thương bố, My lại gạt nước mắt về nhà, lẳng lặng ra chuồng trâu dọn phân... Bố My hiền lành, ít nói, đi làm vắng suốt ngày. Tối về, mệt mỏi, ít hỏi han mọi người. Sáng sớm ông đã sổ sách cắp nách vội vã ra công trường. Biết con gái bị mẹ ghẻ phân biệt đối xử, nhưng cả nể, ông không dám can ngăn. Những lúc có hai bố con, ông chỉ biết an ủi: -Thôi, một câu nhịn chín câu lành con ạ! Mẹ con bốp chát vậy, nhưng bà ấy lo toan. Chẳng qua là do túng thiếu, đâm bẳn tính. Còn hơn cảnh nhà không có tiếng đàn bà...
Viên! Chính nó đã gây cho My nỗi đau đớn khó phai mờ, buộc My như con chim non phải rời khỏi tổ! Viên lại là ông giám đốc kia ư? Cuộc đời sao lại trêu ngươi tạo nên cuộc hội ngộ này? Dưới sân, tiếng trống báo giờ bỗng vang lên giòn tan đập vào ngực nghe tưng tức. Mọi ngày My có cảm giác thế này đâu. Dòng ký ức xa xăm như một thứ nham thạch căng chứa hàng triệu năm trong lòng đất lại ứa ra...
My học sáng dạ. Chẳng đủ sách vở để viết. Bố My phải ngâm những tờ giấy viết rồi vào thạp nước vo gạo đem phơi cho My có giấy làm bài. Còn thằng Viên thì mẹ nó sắm cho quần lành áo tốt, sách vở, cặp bút tinh tươm. Năm ấy, ngày mai là tết Trung Thu, My vẫn còn phải cắt ba gánh cỏ do mẹ ghẻ khoán đem về dự trữ cho con trâu mới đẻ và lo cấy đám rau muống trên mảnh ruộng phần trăm. Môn thủ công, cô giáo cho các em làm đèn ông sao để thi trong hội rước đèn. Bạn bè đứa nào cũng háo hức rủ nhau chẻ nan chuốt nứa, mua giấy, mua nến... Riêng My vẫn chưa làm được thứ gì. Mờ sáng, em đánh bạo hỏi bố:
-Bố cho con xin năm hào mua giấy dán đèn ông sao... Bà Đanh đã nói đổng trong buồng:
-Không đèn đóm gì cả. Rỗi hơi đâu mà bì với con cái người ta!...
Buổi trưa, công việc đã thu vén gọn gàng. Có cái Hân đem cho mấy tờ giấy màu, My cùng nó tranh thủ dưới chuồng trâu hí húi bẻ nứa. Một chốc sau, chiếc đèn ông sao đã hiện lên khá đẹp. Hai đứa đang hý hửng ngắm đi ngắm lại thì anh em thằng Viên, thằng Vung ló mặt vào. Nó chạy vút lên nhà trên khoe mẹ: -Cái My có đèn ông sao đẹp lắm mẹ ơi. Mẹ lấy cho con đi! Nó lại xuống vòi My: -Cho tao cái đèn này!... Cái Hân trừng mắt: -Của cái My nó làm chứ của mày ư mà đòi? Đồ nhận vơ!... Thằng Viên liền lăn đùng ra sân nằm giãy, tru tréo ăn vạ: -ứ ừ... đèn của tao! Mẹ ơi lấy đèn cho con... Bà Đanh khuỳnh tay hạ lệnh: -Cho nó! Nó còn bé. Anh em nó là cái giống của nhà mày. Mày lớn phải biết nhường em! Chỉ chờ có thế, thằng Viên vùng đứng dậy, cả thằng Vung cùng xông tới giằng chiếc đèn trên tay My. Chúng chạy ra ngõ. My lặng người, hai dòng nước mắt lăn dài trên gò má.
Đêm Trung Thu, nhìn các bạn rung rinh những chiếc đèn như những vì sao sa trên đường làng, My buồn phát khóc. Cô giáo Nụ hỏi: -Đèn em đâu? My ôm mặt nấc lên, nghẹn ngào: -Thằng Viên nó cướp mất rồi!... Vầng trăng như một chiếc mâm vàng treo trên ngọn tre. ánh sáng toả vằng vặc xuống làng quê. Chiếc mâm vàng rung rinh trong tiếng trống rộn ràng. Anh em thằng Viên tí tởn diễu qua. Bộ mặt thật đáng ghét ngẩng lên nhìn chiếc đèn lung linh đốm nến. Chúng còn nhại tiếng trống và dư dứ chiếc đèn vào mặt My: Tùng tình tùng tình, cắc cắc tùng tình... My căm tức muốn chạy tới giật lại: “Đồ dơ! Của tao chứ!” Nhưng những lằn roi dưới lần áo sau lưng My như cựa quậy, nhói lên đau nhức. My nhớ tới mẹ. Mẹ ơi! Giá mẹ còn sống trên cõi đời. Mẹ là ngôi sao nào? Có thấu lòng con thì xuống đây đi. Hãy thả cho con một ngôi sao thật đẹp đi...
Đám trẻ như những củ khoai lăn lóc lớn lên. Thằng Viên đã biết bắt chước mấy anh thanh niên trong xóm xấp nước lên tóc, chải đầu đít vịt. My đã phổng phao dáng thiếu nữ. Hôm ấy, vụ cấy chiêm... Đi cấy về, My xay thóc, giã gạo từ chập tối. Bọn đàn em nhộn nhạo giúp chị được một chốc rồi đứa bỏ đi chơi, đứa đi ngủ. Chỉ còn một mình My cặm cụi trong căn nhà bếp đến tận khuya. Đêm yên ả. Thỉnh thoảng tiếng bom ùng ùng, tiếng đạn pháo nổ mãi đâu đó dội tới chuyển cả mặt đất, làm đứt đoạn chuỗi gáy reng reng của chú dế dưới vách tường. Buồn ngủ díp mắt. Chân My vẫn bước đều đều trên chiếc cần cối giã gạo bằng gỗ sến nặng trịch. Tiếng chày nện thùm thụp từng nhịp đằm mịn xuống cối gạo. Hương gạo, hương cám bốc thơm nưng nức. Hết mẻ này hót lên, lại mẻ khác đổ xuống. Gạo trắng hồng đầy ắp chiếc nia. Vừa lên giã, vừa xuống vun gạo, lưng áo My ướt đẫm mồ hôi. Còn mẻ gạo cuối nữa thì xong. Thằng Viên đi chơi, chắc là tụ họp với bọn tau nhau hàng xóm ở đâu về. Nó khom lưng qua cửa, bước vào túp nhà mờ tỏ ánh đèn dầu hoả, hất hàm hỏi bằng cái giọng ồm ồm:
-Chưa xong à? Chịu khó thế nhỉ? Này! Để đây giã với cho vui!
-Thôi! Không cần! Đi ngủ đi. Để chị làm!
-Thấp đến vành tai người ta mà cũng đòi làm chị! Nó bỉu môi, nhảy qua nia gạo, rồi phốc lên đằng sau My, vịn dây, nhún chân đạp cần cối tăm tắp. My bị cuốn theo muốn đứt hơi. Nó đã cao hơn My nửa cái đầu. Hơi thở nó hùng hục ngay sau gáy tóc. My định chờ một nhịp chày hạ, để nhảy xuống đất. Bỗng Viên nhấn thật mạnh. Chiếc cần gỗ đột ngột chạm xuống hốc đít cối. Còn đầu mỏ giã hếch ngược lên. My bất ngờ mất đà, trượt chân tụt lại đằng sau, đổ vào người nó. Nó vội ôm chầm lấy My, thơm túi bụi vào tóc, vào má My. Hai cánh tay nó khoá ngực My đến nghẹt thở. Rồi nó bóp, nó sờ nắn, buồn rồn rột. My hốt hoảng giãy giụa:
-Buông ra... buông ra... Đồ khốn nạn! Đồ chó chết! Tao mách bố cho mày!
Viên bị hất ngã xuống đít cối, đau điếng. Nó lồm cồm bò dậy, cười nhăn nhở: -Hề... hề hề... Một tý một tem ấy mà! Tao thích... Cho tao... từ nay... tao quí... Viên chồm đến, ôm được My. Đang chớm độ lớn, nó rất khoẻ. My phải ra sức cào cấu, giằng giọ, đạp chân vào bức vách. Cả hai ngã ngay vào nia gạo. Gạo vãi tung toé. Chợt nó kéo quần My tụt khỏi mông. My nhanh trí vục liền mấy nắm gạo ném vào mặt nó. Vậy là vùng thoát được. My vừa túm chặt cạp quần bị đứt dây chun, vừa chạy lên nhà trên gọi trong nước mắt: -Dì Đanh! Dậy mà xem thằng Viên con dì... Nó khốn nạn!...
My băng một mạch qua cánh đồng sang nhà dì Mai. Dọc đường, ngã dúi dụi xuống cả lỗ huyệt do người ta bốc cải táng chưa kịp san lấp. Phen này My phải thoát khỏi cái ổ ác nghiệt của mẹ con thằng Viên! Thấy cháu quá cực khổ, dì Mai bảo: -Đã vậy, ở đây với dì! Từ đêm đó, dẫu thương bố đến mấy, My cũng quyết từ giã ngôi nhà thân yêu nơi đã chào đời.
Chịu khó vừa làm vừa học, My tiếp tục lên được hết cấp ba. Nhờ chồng là cán bộ huyện, dì Mai xin cho My đi học trường Sư phạm Đông Triều. Tốt nghiệp, My xung phong lên một huyện miền núi công tác. Là một cô giáo dạy cấp Một có năng lực, chịu khó học tập, phấn đấu, My được đồng nghiệp, học trò cùng các bậc phụ huynh yêu mến và được cấp trên chú ý cất nhắc. Khi lập gia đình, cô được chuyển về huyện vùng biển này và được đề bạt làm hiệu trưởng trường Tiểu học Phong Mỹ. Có điều lạ là mỗi lần về thăm quê, thăm nhà, lần nào My cũng không thấy mặt Viên. My chỉ nghe qua lời bố và mẹ kế kể: “Nó đi suốt ngày. Đến bữa ăn mới ở đâu mò về. Nghĩ mà chán nó!” Có lần My nghe tin: Viên theo một bọn người thu góp vàng đóng một con tàu gỗ lắp máy vượt biển chạy ra nước ngoài. Bố, rồi mẹ kế qua đời, đều không có Viên. Ngày mẹ kế ốm liệt giường, đám em đi tìm My. My lại dành thời gian về chạy thuốc thang, tận tuỵ chăm sóc bà ta. Trước khi mất, bà thều thào trăng trối: -Con có biết... thằng Viên... nó sống... chết ở đâu? Đừng hận dì... con nhá!...
Dạo đó, Viên nằm trong trại tỵ nạn Hồng Kông. Mấy năm trời chờ đợi, đánh nhau chán chê, vẫn chưa đi được nước thứ ba. Bản tính liều lĩnh và những trận xô xát, tranh chấp miếng ăn để tồn tại đã tôi luyện Viên thành kẻ chai sạn và tinh quái như một con rắn. Con rắn biết len lỏi bằng một lối đi riêng. Nhiều cao thủ bị gái gú và ma tuý hạ gục. Viên lại bước qua được vòng sa đoạ. Viên xin hồi hương với ít vốn do Cao uỷ Liên hợp quốc cấp cho người tỵ nạn để làm ăn. Về nước, Viên khôn ngoan luồn lọt mọi cửa. Được cái lợi khẩu, khéo mồm khéo mép, Viên nói có kẻ nghe, có bạn bè góp vốn chung hội chung phường. Đường buôn bán và danh lợi cứ từ đâu mang đến. Làm ăn chỗ nào Viên cũng gặp may. Từ một tay cò cói chạy hàng trên các chuyến tàu đi Hải Phòng, Móng Cái, Viên lọt vào làm cho một hãng buôn lớn chuyên chở hàng trên tàu sắt Thống Nhất Hà Nội-Sài Gòn... Có của ăn của để, Viên giao lưu rộng rãi, sống rất thoáng đãng và được bạn bè vì nể: Liền anh rất chi phong độ, rất chi ga lăng!...
Trong một đêm dạ hội, cặp nhảy với một cô gái xinh đẹp và được biết cô là con gái ông chủ tịch quận ở một thành phố, Viên quyết chí mở đường chinh phục. Cuối cùng trời đã chiều Viên! Tài cao không bằng tốt số! Có lẽ của tìm người chứ đâu người tìm của. Nên Viên mới phát nhanh đến vậy! Có vốn, có lực nhờ dựa vào thanh thế của bố vợ, hai vợ chồng liền lập Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Đại Vân. Gặp thời cơ, Công ty phất lên như diều được gió. Và hôm nay, Viên là một nhà doanh nghiệp nổi danh, một nhà tài trợ cho trường Tiểu học Phong Mỹ. Trong chương trình liên kết, Công ty Đại Vân sẽ đầu tư xây dựng một khuôn viên gồm nhà ở giáo viên, vườn cảnh, sân thể thao, hệ thống cổng trường, tường bao cho ngôi trường hoàn thiện cơ sở vật chất phấn đấu thành trường chuẩn quốc gia. Bước đầu, Viên về gặp mặt các cô giáo.
Phòng họp đã đông người. Tiếng đàn oócgan hoà tiếng hát vang ngân, lay động không gian. Buổi gặp mặt bắt đầu. My giới thiệu và mời giám đốc Viên lên ngồi hàng ghế đầu cùng các đại biểu địa phương và phụ huynh học sinh. Lời khai mạc rất tình cảm và chân thành của My được cả hội trường nhiệt liệt vỗ tay. Các đại biểu lần lượt lên phát biểu và tặng hoa. Lòng My lâng lâng giữa hai dòng cảm xúc. Trong không khí sôi nổi tiếng nói cười và hương sắc hoa tươi, từng trang ký ức thấm đẫm nước mắt vẫn cứ lật ra thầm lặng. My đã giấu kín, chôn chặt những chuỗi đau khổ bấy lâu trong lòng. Chị chưa hề than thở, chia sẻ với ai, kể cả chồng con và bạn thân đồng nghiệp. Chính hôm nay, các cô giáo mới mong manh biết cô hiệu trưởng của mình có một người em là chủ một doanh nghiệp tầm cỡ. Họ mừng ra mặt và vô tâm chia vui với chị. Chị mỉm cười cố nén chua xót để nở những nụ cười khác cho mọi người vui vẻ không thể biết được nỗi lòng chị đang cồn cào nửa căm ghét nửa mừng tủi như thế nào...
Cũng đoán nhận được những nỗi niềm của My, Viên cố gượng cười đợi thời gian qua đi, cuốn nhanh những bợn gợn, lúng túng ban đầu. Giờ đây Viên đã bình tâm. Dù sao ta cũng là một giám đốc! Phải đàng hoàng! Đàng hoàng! Nhưng cũng lạ thay, trước gương mặt ngời ngời, ánh mắt sáng như sao mai của My, Viên vẫn thấy mình bé nhỏ. Viên ngậm ngùi ân hận về quá khứ và vô cùng khâm phục người đàn bà đầy bản lĩnh này. Tại sao My lại không tỏ ra nao núng, căm ghét ta, một thằng em nghịch ngợm, lếu láo và cả khốn nạn nữa? Thôi, cứ đàng hoàng. Cuộc đời, ai chả một lần có những ý nghĩ và hành động non dại? Bây giờ khác với ngày xưa. Ta đâu còn là con người của quá vãng! Chị ấy đang đứng kia, một đoá hồng tươi thắm hơn mọi đoá hồng. Trông chị thật đàng hoàng và cao thượng! Thật xứng đáng một nữ hiệu trưởng xuất sắc của một trường Tiểu học tiên tiến! Đúng như những gì ta được biết qua dư luận các quan chức từng ca ngợi!
My xuống hàng ghế thứ hai. Chị ngồi thẫn thờ mở quyển sổ một cách vô thức. Những hàng chữ loè nhoè, nhuốm đẫm màn sương. Tuổi thơ mình đâu có nổi một buổi được cầm hoa đi chúc Tết các thầy giáo, cô giáo! Đâu được đi tạ nghĩa những người dưỡng dục tâm hồn! Thời nay, các em thật hạnh phúc! Hình ảnh Viên cầm chiếc đèn ông sao cướp được của My lại hiện lên rất rõ cùng những tràng chửi rủa của bà mẹ kế gớm ghê. My nhắm mắt tự hỏi: Liệu có em bé nào dưới mái trường của ta phải chịu cảnh như con bé My bất hạnh ngày xưa? Đừng xảy ra. Xin đừng xảy ra...
Cô giáo dẫn chương trình trịnh trọng giới thiệu ông giám đốc nói chuyện. My nhìn lên. Viên đã đứng trên bục, đưa mắt dõi tìm và dừng lại chỗ My ngồi:
-Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, thay mặt Công ty tôi kính chúc tập thể các cô giáo trường ta mạnh khoẻ và hạnh phúc. Chúc các cô giáo dạy thật hay để có nhiều trò giỏi. Chúc các học trò chăm ngoan, học thật tốt, mai ngày sẽ trở thành những hiền tài, những người sản xuất và kinh doanh giỏi góp phần làm giàu đẹp quê hương đất nước! Tôi xin phép được kể cho các quí vị và các cô giáo một câu chuyện...
Hội trường lao xao: -Hay quá! Bác ấy phát biểu khác với mọi người!... Ông giám đốc hạ giọng, run run:
-Ngày xưa... Lứa tuổi chúng tôi còn là những đứa trẻ xóm quê xấu xí và nghèo khổ. Đồng ruộng hạn hán. Con trâu đi trước cái cày theo sau. Cấy đứng gặt ngồi. Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Chia nhau... ồ không... chúng tôi... Đúng ra... ngay chính tôi là một thằng bé nghịch ngợm, tham lam, tranh cả mọi phần ăn uống của một người chị... Ông ngừng lại, xúc động. My cũng ngỡ ngàng. Kìa. Ông ta bỏ kính, rút khăn mùi xoa lau mắt: -Có một lần... trước đêm Trung Thu... chị gái tôi... Mẹ chị ấy mất sớm... Chị ở với mẹ kế... Đi chăn trâu cắt cỏ về, chị kỳ công dán được một chiếc đèn ông sao... Vừa xong, chị chưa kịp ngắm... Cậy mình có mẹ bên cạnh... tôi liền cướp chiếc đèn trên tay chị ấy... Chị tôi là người cực nhọc, ngày đêm vất vả làm lụng lấy gạo lấy cơm nuôi tôi mà tôi không hay, không biết, không mủi lòng thương. Tôi cứ tưởng cơm gạo là có sẵn trong nhà, có sẵn trên đời, mình chỉ việc ăn và rong chơi. Chị tôi đã bao lần đứng khóc trong chuồng trâu, sau những lời mắng mỏ và những lằn roi đánh chửi của mẹ kế. Tôi không hiểu chiếc đèn ông sao là niềm vui của chị. Tôi là đứa hư đốn đã từng gieo đau khổ cho chị. Chị đã phải bỏ nhà bỏ cửa ra đi, phiêu dạt để kiếm sống... Tôi cũng từng trốn ra nước ngoài, đi tìm miền đất hứa. Từng giáp mặt với cái chết, với cực nhục, gian khổ, hình ảnh người chị ấy đã kéo tôi đứng dậy vượt qua mọi hèn kém, tiểu nhân... Con người ta, khi thấm thía được những dại dột, mất mát trên đời thì thời gian đã trôi đi... thật phí hoài...
Chao ôi! Ông giám đốc nói gì vậy? Ông ta tự thuật lại quãng đời thơ ấu ư? Sao ông ta lại như người tự thú? Không khảo mà xưng? Bất ngờ quá! My không tin vào tai mình. Ngày xưa, tiếng cậu ta đâu có rè như thế? Chắc đã từng phải vật vã, lao đao?... Chị lặng người, ngã lưng vào ghế tựa: “Đêm ấy... chỉ một ly nữa... ông còn định cướp đi đời thiếu nữ trong trắng của tôi!”
Các cô giáo thì thầm: -Giám đốc nói hay quá, nghe diễn cảm như giáo viên dạy văn, như người đọc truyện đêm khuya! Nhưng các cô không thể biết lòng người đàn ông này giờ đây chợt thanh thản, vừa trút đi một cái gì đó thật nặng nề. Nắng chiều soi chếch qua cửa sổ vào phòng họp. Cả hội trường bỗng rực sáng. ánh sáng chia đều cho mọi khuôn mặt. Viên nở một nụ cười rất tươi dành về phía My:
-Tôi xin kính mời chị Lê Thị Hồng My hiệu trưởng lên nhận hoa và ngân phiếu tài trợ xây dựng trường của Công ty chúng tôi!
Một thoáng giật mình, My lách hàng ghế, bình thản lên bục. Dáng áo dài tím thướt tha như một áng mây. Nhanh nhẹn bước tới xiết chặt tay chị, ông giám đốc nâng cao lẵng hoa lên trao cho chị với tiếng cười đầy cao hứng:
-Vậy là hai nhà đã liên kết vì sự nghiệp giáo dục của chúng ta! My chưa kịp nói lời cảm ơn thì Viên đã xướng to: -Thưa các vị đại biểu. Thưa các cô giáo. Mọi người có biết không? Chắc là không thể biết... Viên trịnh trọng: -Cô giáo hiệu trưởng yêu quí của trường ta, cô giáo Lê Thị Hồng My... chính là người chị trong câu chuyện tôi vừa kể! Đây là người chị kính yêu của tôi! Sau ba mươi mốt năm ròng rã cách xa, nay chị em chúng tôi mới được gặp nhau!
Hội trường rầm rập tiếng vỗ tay cùng tiếng trống hoan hô. Viên nghẹn ngào:
-Chị ơi!... Em xin chị. Chị tha tội cho em!...
Gương mặt hai người đẫm lệ dưới lẵng hoa. Những giọt lệ ứa ra từ sâu thẳm, lóng lánh như thể những giọt nước đọng trong vắt trên lẵng hoa đầy ắp những đoá hồng nhung tươi thắm kia rơi xuống.