Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGUYỄN HUY THIỆP những buổi chiều mờ tối

Nguyễn Quang Thiều
Thứ tư ngày 28 tháng 1 năm 2009 2:35 PM

 
Tôi thấy Nguyễn Huy Thiệp không già đi một chút nào, nhưng trong suốt những ngày của năm 2008, tôi luôn cảm thấy như ông rét hơn. Ông ngồi thu mình và càng chìm sâu hơn trong chiếc sô-pha. Những câu chuyện của ông rời rạc, ít cảm hứng, đôi lúc có vẻ thận trọng, đôi lúc vẻ yếu đuối, đôi lúc có vẻ như không biết gì đang xảy ra trong đời sống và đôi lúc như một con báo rình mồi trong sự im lặng và bất động nhưng lại tỏa ra một thứ quyền lực nào đó. Thứ quyền lực đó có thể chỉ là dư âm của quá khứ. Có thể là sự báo trước những bất ngờ.
 
 
NGUYỄN HUY THIỆP 2008
 
Trong vòng 20 năm nay, Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn được nói đến nhiều nhất. Ông xứng đáng được như vậy, cho dù ông nằm trong bất cứ tầm ngắm nào và cách đọc nào của bạn đọc và những người nghiên cứu văn học. Tôi đọc truyện ngắn đầu tiên của Nguyễn Huy Thiệp khi còn đang học ở Cuba. Đó là truyện ngắn Vàng lửa. Đó không phải là truyện ngắn hay. Nhưng tôi thấy, trước đó các nhà văn Việt Nam, những người mà tôi đã đọc, không ai viết như thế. Sau khi về nước, tôi đã đọc tất cả những truyện ngắn của ông. Và tôi nhận thấy những truyện ngắn đó giống như một ngọn gió lạ chợt thổi trong một đêm khuya quen thuộc. Ngọn gió ấy hình như có mang một cái gì đó đầy ma mị. Nó làm cho những người khi thấy gió thổi qua đều giật mình tỉnh giấc nhìn ra xung quanh. Họ thấy một điều gì đó bất ổn.
Không ít người sau này hỏi nhau: nếu mang truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp dạy cho học sinh thì các thầy cô sẽ nói gì với học sinh của họ? Với tôi, truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp không phải là thứ văn học để dạy trong nhà trường. Đó là thứ văn học để những người đã trải qua nhiều sáng tối trong đời sống đọc. Trong đó, người ta thấy những ngọn lửa ấm nóng, những ngọn gió lạnh ma mị, những cay nghiệt u uất, những thức tỉnh ám ảnh, những tuyệt vọng trào nước mắt... với một thứ ngôn ngữ giống như Hồ ly tinh. Thế giới ấy dễ đẩy những người thiếu bản lĩnh vào một chốn u mê và hoang mang đến mức có thể tự vẫn.
Sau khi đọc xong những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, tôi muốn nhìn thấy người đàn ông này. Tôi muốn tìm thấy một cảm nhận khác ngoài ngôn ngữ và những câu chuyện của ông. Lần đầu tiên tôi gặp ông ở chính ngôi nhà của ông. Bây giờ ông đã xây lại và nghe nói hiện đại hơn nhiều. Nhưng ngày đó, bức tượng trong vườn nhà ông chưa được dựng, những cây ổi ta đâu đấy trong vườn luôn mang đến một không khí lãng đãng và yên tĩnh của ngôi nhà. Theo tôi, bức tượng Phật khá lớn trong khu vườn là một thứ xa xỉ phẩm thời thượng đáng nói nhất mà Nguyễn Huy Thiệp vướng vào. Tôi tin rằng đến một lúc nào đó, chính Nguyễn Huy Thiệp sẽ lúng túng với sự hiện diện của bức tượng này.
 Ông mang một chiếc rổ đựng những quả ổi chín mới hái trong vườn mời chúng tôi. Rồi mãi khi làm phỏng vấn ông cho tờ An ninh Thế giới cuối tháng, tôi mới gặp lại ông. Ông làm cho tôi vừa ngạc nhiên vừa xúc động khi ông đã chuẩn bị một mâm cơm đãi chúng tôi. Tôi bắt đầu thấy một Nguyễn Huy Thiệp không đi ra từ những ngọn gió ma mị và bất ổn thổi trong những đêm khuya khoắt. Nhưng cả hai lần gặp ông một cách rời rạc đó không để lại cho tôi một cảm xúc rành mạch về ông. Vẫn chỉ là cuộc gặp của một nhà báo với một nhà văn.
Năm 2008, tôi gặp ông nhiều hơn. Bởi tôi thường đến ngôi nhà của họa sĩ Lê Thiết Cương. Ông cũng thường xuyên đến đó. Ông và Lê Thiết Cương rất yêu quý nhau. Một trong những người được Cương yêu chiều nhất là Nguyễn Huy Thiệp. Ngoài ra, hai con trai ông đều là họa sĩ. Và họa sĩ Lê Thiết Cương là người đã nâng đỡ những bước đi đầu tiên của hai họa sĩ trẻ này. Thi thoảng, Nguyễn Huy Thiệp lại nói với tôi như một sự kinh ngạc thì thầm: Hôm qua, chính tôi chứng kiến Cương nó bán một lúc cả chục ngàn đô tiền tranh. Bọn họa sĩ sướng thật. Sự kinh ngạc của ông là có lý do, bởi ngay trong năm 2008, Nguyễn Huy Thiệp nhận được hai giải thưởng quốc tế. Một giải do Sứ quán Pháp trao. Một giải do Thụy Sĩ trao. Nhưng một buổi chiều, một nhà văn đến chơi nhà Lê Thiết Cương nói nhỏ với tôi một điều bí mật: giải thưởng của Pháp đấy nhưng có xu nào đâu.
Cuộc mưu sinh ở xứ sở chúng ta ngay trong thế kỷ XXI này vẫn mang đến cho chúng ta một sự đau đớn và nhiều lúc tủi hổ. Lẽ ra một người như Nguyễn Huy Thiệp chỉ có một việc duy nhất là viết những cuốn sách rồi tiếp xúc công chúng để nói về văn chương và số phận con người, mà không cần phải nhìn thật gần và thật lâu vào những tờ tiền mặt. Có lẽ thế mà khi hai con trai ông đã bán được tranh khá đều đặn thì ông đã không kìm được hạnh phúc. Nguyễn Huy Thiệp là thế hệ nhà văn phải đi qua những năm tháng đói khát ghê ghớm. Trong truyện ngắn của ông, nhiều lúc tôi thấy cái nghèo đói làm rối loạn tâm trí của con người và bắt con người phải nhắm mắt đạp lên đức hạnh của mình.
Thời gian mà tôi gặp ông thường vào cuối chiều. Vì khi ấy tôi mới có thể rời công sở để đến nhà Lê Thiết Cương. Có lúc đến chẳng với một lý do gì hay một công việc gì. Nhiều lúc mệt mỏi quá, trống rỗng quá, tôi quyết định phải đi đâu đó, đến một nơi nào đó. Và tôi lại đến nhà Lê Thiết Cương. Đến để ngồi lút sâu trong chiếc sô-pha mềm. Ngồi im lặng nghe một bản nhạc bằng cách của mình, cho dù Cương vẫn chê bọn nhà văn không chịu nghe nhạc. Ngồi và thi thoảng nói một câu vu vơ chẳng có nguồn gốc gì.
 Nguyễn Huy Thiệp cũng hay đến giờ đó. Trong căn phòng mà Lê Thiết Cương đôi khi chỉ để một ngọn đèn nhỏ tỏa một vầng sáng khiêm tốn xuống mặt bàn. Còn các gương mặt của những người khách lại được treo lơ lửng trong khoảng tối ngôi nhà. Nhiều lúc, cả ba chúng tôi như không thấy nhau ở đó, tôi thấy Nguyễn Huy Thiệp không già đi một chút nào. Nhưng trong suốt những ngày của năm 2008, tôi luôn cảm thấy như ông rét hơn. Ông ngồi thu mình và càng chìm sâu hơn trong chiếc sô-pha. Những câu chuyện của ông rời rạc, ít cảm hứng, đôi lúc có vẻ thận trọng, đôi lúc vẻ yếu đuối, đôi lúc có vẻ như không biết gì đang xảy ra trong đời sống và đôi lúc như một con báo rình mồi trong sự im lặng và bất động nhưng lại tỏa ra một thứ quyền lực nào đó. Thứ quyền lực đó có thể chỉ là dư âm của quá khứ. Có thể là sự báo trước những bất ngờ. Trước kia, đọc những tiểu luận hay những trả lời phỏng vấn của ông, tôi thấy đó là kẻ không biết sợ bất cứ ai và bất cứ điều gì. Nhưng khi ở giữa đám đông ồn ào thì ông lại luôn tìm cách lẩn trốn. Nếu thân xác ông không lẩn trốn được thì ông lẩn trốn bằng cách im lặng hoặc có cất tiếng cũng chỉ là một tiếng nói yếu ớt và như lúc nào cũng sẵn sàng đầu hàng vô điều kiện những người đang oang oang xung quanh ông.
 Một buổi chiều, khi chúng tôi đang mỗi người một nơi trên chính những chiếc ghế bọc da mềm ở nhà Lê Thiết Cương thì Nguyễn Huy Thiệp bảo tôi: Ăn một bát cháo sườn nhé. Hỏi xong, chẳng chờ tôi đồng ý hay không, ông đã thọc tay vào túi lấy ra những đồng tiền lẻ, đếm một cách cẩn trọng rồi đưa cho một người giúp việc trong nhà Lê Thiết Cương nhờ ra phố mua hai bát cháo sườn nhỏ với một đĩa quẩy. Nếu bạn đọc và đặc biệt những người quản lý văn chương ở nước ta nhìn thấy Nguyễn Huy Thiệp ngồi ăn một bát cháo sườn giống loại cháo sườn cho trẻ nhỏ ăn sau khi cai sữa mẹ với một đĩa những chiếc quẩy bé bằng quả đậu Hà Lan, thì có lẽ họ sẽ đọc tác phẩm và nghĩ về con người Nguyễn Huy Thiệp với một tinh thần khác chăng?
Nhớ nhiều năm trước, khi ông bưng mâm cơm đãi chúng tôi ở nhà ông, tôi chỉ thấy khoảng cách giữa ông và chúng tôi bớt đi một chút xa xôi. Nhưng lần này, khi ông bảo tôi ăn một bát cháo sườn thì tôi chợt nhận ra một Nguyễn Huy Thiệp khác. Chính một Nguyễn Huy Thiệp khác này đã mở ra một ô cửa cho tôi tìm hiểu thêm nhiều phần còn lại trong những chuyện ngắn của ông. Nghe có vẻ rất trừu tượng và vô lý phải không? Nhưng điều này rất khó giải thích. Mà có giải thích thì chưa chắc mọi người đã hiểu hay đã đồng ý.
Câu nói ăn một bát cháo sườn nhé phải được nghe trực tiếp ngữ âm của nó với cùng một lúc chứng kiến biểu cảm trên gương mặt ông, mới có thể khám phá ra một khoảng sâu trong con người ông. Nó giải tỏa và lý giải những cay nghiệt, những sắc lạnh và những phũ phàng trong văn chương của ông khi viết về con người. Không ít người vẫn phê phán văn ông tàn nhẫn với con người và ít ấm nóng. Nhưng có lẽ không ít người trong chúng ta mới đọc ông như ăn những cái lá đầy nhựa đắng của một cái cây mà phần nhân văn của nó là những cái củ chứa đầy tinh bột nằm sâu dưới đất sỏi.
Và thi thoảng trong một buổi chiều ở nhà Lê Thiết Cương, tôi lại nghe câu nói ấy. Khi câu nói ấy cất lên thì ông lộ ra một người thuần Việt ở trong thế kỷ XXI này, với một vài đặc tính cố hữu mà ông không thể nào thay đổi được. Chữ thuần Việt ở đây là tôi muốn nói đến đặc tính của những người thôn quê Bắc bộ mà tôi đã chung sống với họ nửa thế kỷ nay, vừa là nạn nhân của những bi thương của những con người này, vừa là nạn nhân của những bi thương ấy. Ông đã nói thứ tiếng nói của họ bằng sự thức tỉnh ám ảnh và nỗi tuyệt vọng trào nước mắt. Không ít người gây phiền hà cho ông vì nghĩ ông là kẻ viết thứ văn chương phản kháng, và cũng không ít người chống lại ông vì nghĩ ông viết một thứ văn chương tàn nhẫn. Cả hai phía đều đã không đọc đúng ông và không công bằng với ông. Cho dù văn ông không phải lúc nào cũng thoát được cái thuần Việt với những tính cố hữu nào đó ở trong con người ông. Nói chính xác là ở trong toàn bộ dân tộc Việt. Tính cố hữu vừa làm cho chúng ta thấy ấm áp, thương cảm, vừa làm cho chúng ta tủi thân.
 Có lần tôi đã viết tại sao họa sĩ Bách, con trai cả của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, lại không vẽ gương mặt cha mình. Bách vẽ rất nhiều những gương mặt Việt. Theo tôi, trong hầu hết những nhà văn đương đại danh tiếng ở xứ sở này thì gương mặt Nguyễn Huy Thiệp là gương mặt đúng nhất của người Việt đương đại. Gương mặt ấy được vùi vào cái bể hiện thực của đời sống chúng ta đủ thời gian nhất và nó ngấm tất cả những gì đang có trong cái bể ấy. Và tôi đã đọc tác phẩm của ông với một sự chuẩn bị trước như thế.