Trang chủ » Truyện

THANH CẦU HOEN GỈ

Nguyễn Tiến Hoá
Thứ hai ngày 27 tháng 9 năm 2010 6:27 PM
 
Hiền đang rơi, nhẹ tênh như chiếc lá tre lìa cành chao xuống. Hai mắt cô nhắm nghiền, khoả lấp sự hụt hẫng trong khoảnh khắc hiếm hoi khắc nghiệt này. Người cô bồng bềnh, chao lên, liệng xuống, rồi lao vun vút trong đường hầm, hun hút tối om. Một cú va đập kinh hồn. Anh sáng chói loà lâng lâng lan toả. Thế là hết, chấm dứt, bước sang, toại nguyện. Một thứ ánh sáng diệu kỳ mời gọi, quyến rũ. Cô lao vào hướng đó, nhưng rồi lại dừng. Cô nán lại thêm chút nữa, muốn nhìn xuống dưới một lần, một lần cuối cùng trước khi cất bước. Cô nhìn thấy một toà nhà pha lê trong suốt. Có nhiều người đang khóc. Họ lăn lộn, cào cấu, đau đớn. Trong họ có nhiều người thân của cô, lại còn cả những thằng đểu, con đểu đang khóc. Lạ thật! Người thân của cô than khóc đã đành, đằng này lại có cả bọn đểu, bọn giàu. Chúng đang sám hối hay là chúng đang diễn kịch đời, tiếp tục lừa những người đã chết và những người đang sống. Hiền nhìn thấy rõ thằng Lạc, mụ Hanh, lão Sở, lũ  giàu sang, bụi đời… đang khóc suớt mướt như bố chúng chết không bằng. Hạng người như chúng làm gì có tâm, làm gì có huyết. Hiền tiếc là đã không có gan để giết chúng nhiều lần. Trong tâm cô, chúng đã chết rồi. Từng sự kiện, ký ức cuộc đời  hiến hiện như trong một cuôn phim.
*     *      *
                                                               
   Đã mười năm, hai mẹ con Hiền bỏ làng ra đi. Quê Hiền là vùng đồng chiêm, quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời.Thời bao cấp quê Hiền đói lắm, đói chóng cả mặt, đói vàng cả mắt. Chuyện ăn một bữa là chuyện thường nhật trong làng. Bọn trẻ được lưng cơm độn, còn nhầng nhầng như Hiền thì chỉ có khoai. Nhà Hiền có bốn mẹ con, Hiền là chị cả. Người ta bảo  sinh con một bề là mất phúc. Đối với người ngoài, không biết có đúng không nhưng với Hiền thì đúng thật. Năm Hiền bỏ học đúng vào lúc quê Hiền áp dụng khoán mười. Chính sách  mới làm đời sống quê Hiền thay đổi, không còn bữa đói bữa no, nhà có chút của ăn của để, có nhà  mua được ti vi. Đời sống vật chất có khá lên nhưng tình người lại giảm xuống. Hai mặt này đối lập nhưng lại song hành  như kiểu mở cửa cho sinh khí lùa vào nhưng lại kéo theo cả côn trùng độc hại. Không mở chẳng còn khí đâu mà thở. Tiêu cực, tệ nạn lấn vào vào từng ngõ ngách. Cờ bạc, hút  sách, đĩ điếm đang từ phố về  làng. Hiền đang tuổi dậy thì, cô lớn bồng lên, phổng phao sắc thắm như bông hoa đồng nội. Người Hiền tầm thước, dung dị, da trắng mịn màng, hông nàng nở nang. Khuôn mặt trái xoan ưa nhìn, đoan trang đằm thắm.Hai trái hồng đào tròn chịa lấp ló, phập phồng sau chiếc cổ áo không cài. Những đường cong thân thể uốn lượn làm nhiều trai làng thẫn thờ, ngơ ngẩn. Nhiều người đánh tiếng dạm hỏi nhưng Hiền không ưng. Thế rồi chả biết ma sui quỉ khiến thế nào Hiền lại phải lòng cậu Lạc, nhà có con xe kim vàng giọt lệ xịn nhất làng. Không phải  Hiền tham giàu, đơn giản Hiển yêu Lạc, yêu theo cảm tính, yêu kiểu học trò. Hiền có ngờ đâu vừa lấy nhau tuần đầu Lạc đã thượng cẳng tay hạ cẳng chân với vợ. Rồi Lạc suốt ngày cờ bạc rượu chè. Hiền lựa lời khuyên bảo nhưng chỉ được dăm ngày, rồi tính nào vẫn tật ấy. Lấy Lạc được hai năm  Hiền sinh con gái. Những tưởng có con Lạc sẽ bớt chơi bời lêu lổng, nào ngờ Lạc ngày càng tệ hơn. Lạc ngã vào các ổ hút chích, là con nghiện chính hiệu có đẳng cấp. Chiếc xe máy đã không cánh mà bay. Mỗi lần lên cơn, Lạc đòi vợ đưa tiền. Không có tiền Lạc lao vào đánh vợ như con thú. Hiền cắn răng chịu đựng. Đồ đạc trong nhà cứ đội nón ra đi. Người ta bảo thằng Lạc này dám bán cả vợ để lấy tiền chích choác. Hiền bán tin bán nghi. Một hôm có kẻ đến nhà Hiền đòi nợ, số tiền Lạc vay tới chục triệu đồng. Hiền không tin vào mắt mình nữa. Số tiền này có bán cả nhà cả vườn, cũng không đủ trả. Sau khi nghe Hiền trả lời về gia cảnh mình, tay chủ nợ ôn tồn:
-  Anh không như người ta tất cả vì tiền, mà mất cái tình. Nếu em đồng ý, anh có cách  trừ nợ giúp em.
-  Anh có cách gì, em sẽ đội ơn anh
-  Không phải là em mà là anh
-  Anh nói gì em không hiểu
Gã chủ nợ đưa cô tờ giấy gán vợ do chính chồng mình ký. Hiền đổ rụp, trắng tay.
                                               *       *       *
Ngôi nhà cấp bốn cũ ký bốc lên mùi ẩm mốc khó chịu. Cả một không gian chỉ vỏn vẹn mừơi thước vuông mà chứa đủ các “tiêu chí”  của một căn phòng đa năng, được che chắn bằng những tấm vải đã ngả mầu thời gian vàng ệch. Trong nhà chất đống các đồ phế liệu, đồng nát. Chỉ còn một chỗ kê đủ  chiếc giường cá nhân cho hai mẹ con nằm. Ngôi nhà được gia chủ cất tạm trên chiếc ao tù được san lấp qua quýt bằng đủ loại phế thải, rồi lát  gạch rẻ tiền. Bởi vậy gặp lúc trời nồm nền nhà ướt như vãi nước. Mùi xú uế theo các kẽ nẻ bốc lên ngột ngạt. Mà đâu chỉ có một loại mùi, nó là thứ mùi hỗn tạp từ người thải ra đan quyện với mùi đặc trưng của ao tù. Nhưng rồi ở mãi thành quen. Người ta bảo có thằng sợ mùi hôi người tới mức nôn oẹ, lại lấy phải bà hôi nách. Lúc đầu còn né, còn ngại, sau dần thành nghiện cứ gối đầu vào vú vợ, gí mũi vào nách mới ngủ được. Ngôi nhà này được lợp bằng phe rô xi măng thanh lý từ chợ tạm. Mỗi tháng Hiền phải trả ba trăm ngàn. Tường nhà xây con kiến cao hai met, không có tấm cách nhiệt nên nhà nóng như đổ lủa. Khí nóng bốc từ dưới lên, từ trên dội xuống hầm hập  như nồi hơi tàu hoả. Chiếc quạt tai voi ì ạch chạy như đuổi ruồi, như muốn rã cánh ra. Từ khi bỏ làng vào thành phố hai mẹ con Hiền tá túc trong cái “biêt thự” sang trọng này. Nó chỉ cách cây cầu thành phố không đầy nửa cây số. Cây cầu hiện đại dài rộng khang trang. Nó dài đến nỗi người ta bảo dưỡng từ đầu đến cuối cầu rồi quay về đầu cầu, lại đến kỳ bảo dưỡng. Bảo dưỡng những gì Hiền nào có biết, chỉ có điều lần nào lên cầu Hiền cũng gặp người thợ quét sơn. Người ta chăm chỉ quét sơn để giữ mầu cho nó. Chiều chiều Hiền dắt con lên cầu hóng mát. Dòng sông  phù sa đục ngầu cuồn cuồn. Cây cầu  sừng sững, uy nghi. Nó là biểu tượng của thời kỳ mở cửa. Là thành quả, là niềm tự hào của thành phố. Hàng ngày Hiền lóc cóc đạp xe các ngõ ngách để thu mua phế liệu. Với thu nhập một vài chục nghìn một ngày, bù trừ ngày nắng ngày mưa  Hiền vẫn trả đủ tiền nhà và lo cho con bữa no bưa đói. Nhưng rồi, chó lại cắn áo rách: Một kẻ bụi đời lang thang đã đột nhập vào “biệt thự”, lấy đi chiếc xe đạp- phương tiện sinh nhai- và mấy trăm nghìn Hiền tằn tiện đươc. Hiền trắng tay rời “biệt thự”.
                               
                                              *     *      *
Hai mẹ con Hiền dắt dúi vào nhà hàng bà Hanh ở ven đô, xin làm chân rửa bát, lau bàn. Bà Hanh răng vẩu, giọng đục, đụn thịt núng nính trên người. Hàng ngày Hiền làm từ năm giờ sáng đến mười giờ tối. Làm luôn chân luôn tay, mệt đến đứt hơi, lả người, mà vẫn bị bà chủ rầy la. Một lần không may Hiền vô ý vấp, làm vỡ chiếc cốc trên bàn,  bà chủ cầm cốc nước nóng hắt vào mặt Hiền. Mặt Hiền bỏng rát, cô cắn răng không nói nửa lời. Chiều về Hiền buồn rượi, hai mẹ con lại dắt díu lên cầu. Mai hỏi:
- Mẹ ơi cây cầu có bị ốm không hả mẹ?
- Nó cũng như người, nếu người không chăm sóc nó.
- Có lần con mơ thấy cầu đổ.
- Phi phủi miệng con, đừng có nói gở.
 Hiền ngắm cây cầu, nước chảy lờ lững về xuôi, nhưng đời Hiền thì không biết về đâu. Đời Hiền luôn làm điều thiện. mà cái ác vẫn không buông tha. Họa vô đơn chí: Một kẻ vô lại vào nhà hàng. Hắn nhìn thấy Hiền- gái một con- như mèo thấy mỡ. Mượn cớ  say rượu, hắn giở trò ong bướm, trêu ghẹo sàm sỡ. Bị Hiền phản ứng, hắn vẫn xông vào. Hiền đẩy, sức đẩy cô gái lực điền làm thân hình  lẻo khẻo của hắn ngã vào bàn ăn, cốc đĩa rơi loảng xoảng. Mụ Hanh chẳng thèm bênh Hiền lại còn rít lên: Cái ngữ này có cho chó nó cũng chả thèm lại con làm bộ. Hình như bà quí khách hơn cả người nhà. Nói đúng hơn bà  quí tiền hơn quí người. Hiền là con mồi, là cá kiếm, lại không biết chức phận thì bà nuôi để báo cô à? Không cần biết nếp tẻ phải trái gì, mụ đuổi việc và trừ hết tiền công. Hiền  trắng tay lang thang
                             
                                          *    *     *
Lại những ngày vật vờ trên phố, khi thì bốc hàng, gánh nước, khi thì giặt giũ lau nhà, tối về lấy gầm cầu làm nơi tá túc. Có lẽ số Hiền gắn kết với cây cầu, là nơi an ủi vỗ về khi trở trời trái gió. Lúc vui Hiền thấy cây cầu bay bay, lúc buồn Hiền thấy nó gồng mình oằn oại. Nắng mưa, giông bão cây cầu vẫn đứng, trơ gan cùng tuế nguyệt. Nó không bao giờ ngơi nghỉ, ngày ngày  hàng vạn chuyến xe qua. Trời hè oi ả người trong phố đổ đến cây cầu nườm nượp, vừa đón gió trong lành, vừa  xua đi cái nóng và ngắm nghía dòng sông khi hoàng hôn buông xuống. Hiền không nhớ đã bao lần dạo bước trên cầu này. Một ngày mưa rào nặng hạt Hiền gặp được người đàn ông tốt bụng trên cầu. Thương mẹ con Hiền, ông cho về nhà ở. Ông  bảo: Đã  tìm mấy người qua các trung tâm tư vấn mà vẫn không ổn. Chỉ được tháng đầu là họ tìm cách bỏ đi. Thời buổi bây giờ Ôsin chọn chủ chứ không phải chủ chọn Ôsin. Ông ta nói vậy chứ Hiền có biết mô tê  răng rứa gì đâu. Người ta cho ở, cho ăn, cho làm là quí lắm rồi. Bà chủ thấy tìm được người nhà quê được nết, được người như Hiền thì tỏ ra hoan hỉ lắm. Nhưng lúc bà đi vắng ông chủ tận tình chỉ bảo Hiền lau nhà, giặt ga, lau máy. Ông mặc quần đùi hùng hục làm chả khác gì Hiền mới lạ. Nhiều lúc Hiền thấy ông nhìn Hiền đắm đuối thẫn thờ. Ông bảo: Hiền có thân hình vệ nữ. Hiền chột dạ làm sao ông biết được. Ông bảo ông thương mẹ con Hiền lam lũ. Đời ông bề ngoài thì sướng mà bề trong thì khổ, chưa bao giờ ông có hạnh phúc. Hiền nghe ông nói chỉ biết vậy, thật hay không, Hiền sao hiểu được. Ông thường mua quà cho con Hiền, cho cả Hiền nữa. Ông hay thở dài như có điều gì u uẩn. Dần dà Hiền cũng cảm nhận được sự không hoà hợp của cặp vợ chồng này. Ông nói trước sau ông và bà sẽ chia tay, có điều ông chưa gặp được người. Ông rất sợ típ đàn bà như vợ ông. Hiền thấy mủi lòng. Hiền không còn gì để mất, Hiền đã hiến dâng. Cuộc đời sắp mỉm cười với mẹ con Hiền, nêu không có  ngày đen đủi ấy. Cái ngày bà chủ đi công tác nửa đêm đột ngột về nhà. Bà bắt gặp quả tang gian phu dâm phụ đang quấn quýt trên giường. Bà xô vào túm tóc tát liên tiếp vào mặt Hiền, đòi gọt đầu bôi vôi, đòi dẫn Hiền về quê. Hiền rập đầu van lạy mà bà vẫn không tha. Bà quyết cho con sen này một bài học nhớ đời. Nó dám lừa bà, dám cướp chồng bà. Bà đã nuôi ong trong tay áo. Bà rít lên: Có phải ông phải lòng nó không? Ông ú ớ: Không! Không ! Nó quyến rũ tôi. Hiền đổ quị. Bà chủ lồng lộn cấu xé. Ông chủ không dám can ngăn, bao nhiêu nhuệ khí của ông tan biến ( mà ông làm gì có nhuệ nhí). Mặt ông xanh mét, ông lẳng lặng lên tầng  đóng cửa. Bà chủ gọi điện cho lũ con bà chuẩn bị ngày mai đưa Hiền về quê bêu riếu. Nhục nhã ê chề, không thể nấn ná được nữa. Hiền trắng tay lặng lẽ dắt con đi.
                         
                                     *           *          *
Hiền đi mà không biết đi đâu, loanh quanh thế nào lại lên được mặt cầu. Hiền ôm con khóc, khóc cho số phận hẩm hiu, cho cuộc đời oan nghiệt- Một kiếp người hồng nhan  phận bạc. Chả biết kiếp trước làm sao mà kiếp này Hiền lại chịu nhiều oan khiên đến thế. Số phận Hiền duyên nợ, run rủi với cây cầu. Nhìn dòng nước cuồn cuộn chảy, mấy lần Hiên bế con đứng lên rồi đặt xuống. Cái số kiếp mình đã vậy nhưng con mình thì có tội tình gì? Hiền tức tưởi khóc không thành tiếng. Có bàn tay ai níu lại khi cô bế con rướn lên một lần nữa. Hiền thảng thốt: Buông tôi ra - Không được! Cô hãy nghĩ đến con. Hiền như bừng tỉnh cô theo người đàn ông về nhà. Ông ta tuổi trạc bốn mươi, nhà cửa tuyềnh toàng như kiểu sống độc thân. Ông pha mỳ tôm cho hai mẹ con rồi bảo: Tôi sống một mình, cô về đây mà ở, chả sợ ai ghen tuông hành hạ đâu. Nói rồi ông lên giường ngủ liền. Hàng ngày trước khi đi làm ông đưa  năm mươi nghìn khẩu phần ăn  ba người cho Hiền đi chợ. Hiền chấp nhận cuộc sống vợ nhặt này. Gặp người chất phác bộc trực, ân nhân cứu mạng cho mình là may rồi.  Hiền còn mơ còn mộng gì nữa. Đời Hiền coi như đã hết. Hiền chỉ còn sống vì con. Cháu Mai đã đi học lớp bốn, xinh tươi như mẹ ngày xưa. Mấy tháng nghỉ ngơi tĩnh dưỡng  Hiền như trẻ lại, da thịt hồng hào, trông chẳng khác gi người phố. Có thể thuyền trôi đã đến bờ, sóng gió đã lặng chăng. Ngày chủ nhật Hiền dẫn con đi phố mua cho cháu búp bê, nhưng cháu lắc đầu bảo có rồi. Hiền hỏi:- ai cho con.? - Bác Sở cho con đấy, bác ấy còn tắm xà phòng cho con, thơm vào môi, vào cả  bím con nữa. Con thích bác ấy lắm. Hiền tái mặt  dặn con lần sau không được cho bác tắm. Con bé cãi lại: Sao mẹ lại không cho?- Lớn lên rồi con hiểu. Hiền ngồi xuống bãi cỏ, măt trắng bệch như phải gió. Cháu Mai hốt hoảng:- Mẹ làm sao thế ? - Mẹ không sao cả? Một chốc sẽ qua. Mai ơi ! Làm sao con hiểu được lòng mẹ bây gìơ, con là chỗ bấu víu chỗ dựa  của  mẹ trên đời. Con có mệnh hệ gì thì mẹ còn thiết sống làm gì nữa. Một năm phẳng lặng qua đi, năm mới hứa hẹn điều tốt lành. Hiền tin là thế. Sông có khúc, người có lúc. Chả nhẽ đời Hiền cứ khổ triền miên. Hiền đi chợ Tết sắm cho con bộ quần áo mới. Hiền đinh ninh nó sẽ sung sướng, nhảy cẫng lên ôm ghì lấy mẹ, hôn mẹ vì món qùa bất ngờ này. Nhưng rồi người bị bất ngờ lại chính là cô. Hiền đổ sụp khi thấy con trần truồng đang nằm trên giường cho lão Sở tầm quất. Cô lao vào như cơn bão kéo con ra. Con bé hất tay mẹ chạy ngựơc lại vùng vằng:  Bác ấy có làm gì đâu mà mẹ sợ. Thôi thế là Hiền mất con thật rồi. Tất cả chỉ tại Hiền. Tại sự cả tin và sự ngộ nhận của Hiền. Tại cả cái nhân tình thế thái cuộc đời này mà Hiền không ngờ tới. Chỗ vịn cuối cùng của đời Hiền đã rời ra, đã kết thúc. Hiền chạy ra sông Cái. Hiền bước lên cầu, nơi cô đã bao lần cùng con hóng mát. Cô bước nhẹ ra lan can, ngắm nhìn cây cầu lần cuối. Bỗng dưng thanh cầu dưới chân cô  rạn nứt đổ rụp, một bóng người lao theo. Thanh cầu gẫy, tai hoạ chẳng ai ngờ. Người ta vẫn quét sơn đều mà không biết bên trong cầu đã mục. Có tiếng kêu thét thất thanh. Thuyền cấp cứu lao ra giũa dòng nước xoáy.
                                 
                                      *      *      *
 Hiền nhìn thấy mẹ cô, em cô và nhiều người thân đang vật vã than khóc. Hiền muốn nói lời an ủi, tạm biệt, nhưng không ai nghe thấy. Từ trong đám đông một đứa trẻ chạy ra lao vào Hiền, miệng gào thét: Mẹ ơi! Mẹ về với con đi, mẹ hãy tha thứ cho con. Hiền ôm chầm lấy con u ớ  không thành tiếng. Có tiếng ngươi nói vọng ra: Cô ấy tỉnh rồi. Rồi có tiếng kêu khe khẽ: Tôi đang ở đâu? Sao lại cứu tôi? Cho tôi đi cùng với cây cầu. Tiếng chân tay người quật quã va đập  xuống thành giường. Hiền thiếp đi.
                                                                               NTH
Địa chỉ liên Lạc: Nguyễn Tiến Hoá
                             Nhà 55, ngõ 82. Tràn Cung
                             Cầu Giấy, Hà Nội
                             Tel: 0983365409