Trang chủ » Truyện

ÚT LÊ

Trần Ngọc Dương
Thứ sáu ngày 24 tháng 9 năm 2010 10:10 PM

Lần này, ngoài việc trở về thăm quê ngoại, tôi còn muốn tiến hành đợt khảo sát: Hậu quả của chất độc màu da cam đối với những thế hệ sinh vật.
Đón vợ chồng tôi tại phi trường Tân Sơn Nhất là má Hai Thuỳ - Người đã nuôi dưỡng, chăm sóc tôi gần hai mươi năm sống ở Việt Nam. Cũng như những lần trước, chúng tôi về thẳng nhà má.
Căn phòng khách quen thuộc mà tôi yêu thích vẫn  không hề thay đổi. Vật trang trí  duy nhất là tấm ảnh chụp cả trường được phóng to treo ở vị trí trang trọng. Cái con bé có mái tóc vàng óng, mũ tai bèo đội trễ sau gáy, ngồi chỗm chệ trên vai ba Hạnh, nghiêng  nghiêng mặt về phía má Thuỳ, chun chun mũi cười là tôi. Còn các bạn cùng lớp đeo bồng đứng xúm xít chung quanh. Bức ảnh được chụp trước khi rời cứ.
Trong khi má mang sổ hộ khẩu đi xin tạm trú, chúng tôi xách túi quà sang chào bà con hàng xóm. Vẫn cái quyển sổ hộ khẩu ngày trước: Má đứng  chủ hộ, còn tôi mang tên Nguyễn Cần Lê. Ở đây, mọi người gọi tôi là út Lê - Cái tên ba, má đặt cho từ ngày ở rừng. Đến tận bây giờ, cả xóm vẫn ngỡ tôi do má sinh ra. Không ít người hỏi lý do má có tôi. Có lần, vô tình tôi nghe được câu hỏi : “ Tại sao một cán bộ cộng sản như má, lại có đứa con lai.” Má chỉ cười trừ, gốc tích của tôi luôn  được giữ kín .
Thủa học trò, mỗi bận bị trêu trọc tôi đều chạy về xà vào lòng má khóc. Chẳng bù cho hồi ở cứ, đố ai dám bắt nạt tôi, cục cưng của Ba Hạnh - Má Thuỳ.
Ngày ấy, tôi  hồn nhiên khoe với tất cả mọi người: Tôi là con đẻ của họ. Nếu ai tỏ vẻ không tin, tôi mang ngay tờ giấy chứng sinh ra chỉ vào các mục: Tên ba, tên má, tên tôi và người đứng ra khai. Giấy ghi rất rõ tôi mang tên Nguyễn Cần Lê, con ông Nguyễn Văn Hạnh và bà Trần Thị Hai Thuỳ. Tôi tự hào, vì không có một đứa trẻ trong xóm, cùng lứa tuổi có giấy chứng sinh được đóng dấu của chính quyền cách mạnh trước giải phóng.
Tôi tồ, dậy thì vào năm mười hai tuổi. Cơ thể nhanh chóng phát triển. Quần áo cộc liên tục. Má phải giành hết số tiêu chuẩn tem vải cho tôi.
Một bận, đi học về đến đầu phố gặp một tốp người cả “Ta lẫn Tây” từ cổng nhà tôi đi ra. Họ nhìn tôi chỉ trỏ. Tôi chợt hiểu những điều nghe được loáng thoáng từ mấy ngày trước. Những điều được rỉ tai:  “ Sắp được đi nước ngoài, sướng nhé – Kỳ này má   mày sẽ giàu to nhờ phi vụ làm ăn này – Cháu không phải con đẻ của bà Thuỳ ”
Tôi kéo cửa khóc:
- Má muốn làm ăn phải đợi ba Hạnh con ngoài Bắc vô đã.
Tôi gào to hơn khi nhận ra sự có mặt của ba:
- Cả ba cũng muốn con phải đi hay sao.
 Ba đứng dậy giang tay:
 - Út Lê lớn ghê! Gặp ngoài đường ba chẳng thể nhận được ra con.
 Tôi xà tới ôm chặt lấy ba nức nở. Má nghiêm khắc:
 - Con không thấy ba đang mệt hay sao mà còn nhõng nhẽo.
 Tôi phớt lờ:
 - Sao ba ra Bắc lâu quá vậy, mãi tới hôm nay mới vô. Hay ba có vợ Bắc rồi quên hai má con.
 - Con ngồi xuống đây. Đã đến lúc con cần biết sự thực về bản thân mình.
 Tôi cong cớn:
 - Sự thực con là đứa Mỹ lai chứ gì? Bây giờ người ta làm giàu bằng cách tìm con lai bán cho người nước ngoài.
 Tôi nín bặt khi thấy nước mắt chảy dài trên khuôn mặt má. Lần đầu tiên má nhỏ lệ trước mặt tôi. Tôi vội nắm tay má:
 - Cho con xin lỗi.
 Ba đẩy khay nước về phía tôi:
 - Rót nước mời má đi con, nghe xong chuyện rồi hãy nói.
* *
 …Hôm đó, sau bốn tiếng hành quân, đoàn an dưỡng của ba đến gần cầu Cần Lê. Cây cầu nằm giữa Lộc Ninh và Bình Long. Nước uống hết, là người khoẻ nhất trong đoàn ba tìm đường xuống sông. Bầy kỳ đà đang ăn xác chết ven bờ thấy động nhào hết xuống nước. Mùi hôi thối xông nên nồng nặc. Cố gắng kìm không nôn oẹ, ba đi ngược dòng. Lấy xong nước, xác định phương hướng ba cắt rừng trở về nơi dừng chân. Chỉ còn một đoạn ngắn nữa là tới mép lộ. Đang sải bước ba chững lại, trước mặt có một cô gái dân tộc ngồi dựa lưng vào gốc cây cổ thụ, hai tay ôm gùi, mắt mở to vô định. Núp sau ụ mối ba nhặt một hòn sỏi đáp mạnh. Im lặng. Ném đi ném lại nhiều lần, thấy cô gái không có sự phản hồi. Ba thận trọng bước tiếp, tới nơi mới hay, cô ấy chẳng còn hơi thở. Ba tự nhủ: “Đồng bào di tản đây”.
 Chiếc gùi động đậy, ba bỏ tấm khăn che. Một đứa trẻ có mái tóc vàng, đôi môi phồng rộp đang trong tình trạng suy kiệt, thoi thóp. Đổ chút nước ra nắp bình tông, ba thận trọng cho nó uống từ từ từng tí một. Đưá trẻ mở mắt túm chặt sợi dây buộc nắp.
 Những tiếng nổ chát chúa của loạt đạn pháo tăng tốc ngay trên đỉnh đầu, nhắc ba đây còn là nơi mặt trận. Ba chần chừ, nhìn đứa trẻ, rồi, xoay người. Bàn tay nhỏ xíu của nó chẳng chịu rời sợi dây, hai mắt nhìn ba không chớp. Sợi dây căng ra, ba bất lực không còn đủ sức tháo gỡ.
 Hàng tràng tiểu liên cực nhanh AR15 kéo dài, xen lẫn tiếng AK điểm  xạ dồn dập vọng tới làm ba chẳng dám nghĩ tiếp, vội kéo chiếc gùi về phía mình. Hình như chỉ đợi có vậy, cô gái buông tay ngã vật xuống đất. Ba xốc chiếc gùi lên vai, cắt rừng lao về trước.
 Khi nghe báo cáo, các đồng chí trong đoàn cho ý kiến: “Mặc dù từ đây tới Lộc Ninh mất gần hai giờ. Nhưng liệu chúng ta có đủ sức mang cháu bé theo không.  Lại còn bom đạn dọc đường nữa – Sức nó kiệt rồi, chắc gì sống nổi khi về tới đích – Lộc Ninh là vùng mới giải phóng, tình hình vô cùng phức tạp. Người thì căm thù Mỹ. Người dính líu đến chính quyền Sài Gòn còn hoang mang lo sợ bị trả thù – Cuộc chiến vừa qua đã tàn phá tất cả cơ sở kinh tế, sản xuất chưa ổn định.  Tìm đâu ra một người dám nhận nuôi một đứa bé lai Mỹ.”
 Ba nêu ý kiến: “Cháu  bé yếu quá, bỏ nó ở đây không được. Thôi tôi chịu trách nhiệm mang cháu. Tới nơi mình tính sau. Mà tôi nghe nói : Ở binh trạm YV32 có trại trẻ của giải phóng, được giao nhiệm vụ, thu nạp nuôi dưỡng số trẻ em thất lạc do chiến tranh. Bất kể lũ nhỏ là con ai, thuộc thành phần nào.” 
 Giữa ba với má chỉ là tình đồng chí trong chiến đấu, cũng chẳng sinh thành ra con. Đến tận bây giờ ba vẫn sống độc thân như má con vậy. Lớp người như ba, má, tuổi thanh xuân đã trôi qua nơi chiến trường. Chiến tranh kết thúc, nhiều người lỡ làng, số phận không mỉm cười. Dạo đó, ba muốn ở lại Sài Gòn song chẳng được. Tổ chức không đồng ý. Lúc chia tay, ba hy vọng thời gian sau má con sẽ tìm được người bạn trai đã yêu thầm, nhớ vụng mình từ hồi hoạt động trong phong trào sinh viên. Còn Cần Lê, ba định đón về quê. Má con chẳng đồng ý với lý do:  “Phụ nữ dễ nuôi con hơn. Việc để con laị còn có hy vọng tìm được gia đình.” Tới mãi hôm rồi, ba nhận được thư của má gọi vào bàn chuyện của con …
* *
…Trước khi về phụ trách trại trẻ, má đã từng tham gia nhiều trận đánh làm rung chuyển cả Đô thành. Chính quyền Sài Gòn đặt giá rất cao cho bất kỳ ai bắt hoặc giết được má. Bị lộ, cấp trên rút má về cứ và cho ra Bắc học. Năm đó, toàn bộ đường dây đi nhờ bên đất Cam Pu Chia được chuyển về nước. Trong khi chờ hoàn thiện các binh trạm. Má xin nhận công tác: Chăm sóc các con, những đứa trẻ bơ vơ, không nơi nương tựa.
Tối hôm ấy, má vừa kiểm tra cho lũ nhỏ đi ngủ thì ba mang con đến. Trong khi nghe ba nói, má pha sữa cẩn thận đút cho con từng thìa nhỏ. Ăn xong, con nằm ngủ ngon lành. Lục chiếc gùi má thấy ngoài mấy bộ đồ trẻ con, còn có cuộn tranh vẽ cô gái mặc đồ lễ hội của dân tộc bế con, đứng cạnh là  người đàn ông châu Âu. Sau lưng họ là cảnh buôn làng người thượng. Tất cả chỉ có vậy.
Để có hồ sơ cho con nhập trại, má đề nghị đặt cho con một cái tên. Ba bảo: “ Muốn sau này gia đình cháu dễ tìm, tên sẽ là nơi đón nhận. Còn họ cứ lấy họ của tôi. Vậy cháu sẽ là Nguyễn Cần Lê.”
Sau hiệp định Pa Ri, cục diện chiến trường thay đổi nhanh chóng. Những người sức khoẻ tốt được bổ sung cho tuyến trước. Thế vào vị trí của họ là số thương bệnh binh còn đủ sức tình nguyện ở lại miền nam.
Trước khi nhập ngũ, ba con đã đứng trên bục giảng. Ba xin về cùng má trông coi trại. Lúc này sĩ số của trại đã lên tới bốn mươi năm. Đứa lớn gần chín tuổi. Nhỏ nhất là con mới đi lẫm chẫm.
Muốn xoá đi mặc cảm mồ côi nơi các con. Ba xin với trên đổi tên trại thành trường. Ba má còn bảo nhau: Xưng hô như những vị sinh thành và sự thực thì cả hai đã coi tất cả đều là con mình. Mặc dù chưa một lần sinh nở. Trường được chia thành các nhóm theo lứa tuổi.
Ngoài giờ học văn hoá, trường tổ chức tăng gia cải thiện cuộc sống. Trên chỉ cấp gạo, muối, bột ngọt, thuốc men và một số nhu yếu phẩm chủ yếu khác. Còn lại phải tự túc. Trong sinh hoạt ba má phân công cụ thể: Đứa lớn là anh, chị, có trách nhiệm phụ giúp ba má trồng rau, chăn gà, nuôi heo. Đứa coi các em bé… Sự công bằng được tôn trọng. Không thiên vị ai.  Các con ngoan ngoãn, tự giác làm việc của mình, chơi bời sạch sẽ, không bao giờ để ba má phải phiền lòng. Tối tối, ba má tập trung bọn con sinh hoạt văn nghệ, hoặc nghe kể chuyện.  Tất cả như một gia đình, nhưng những đứa bé vẫn được cả nhà ưu ái hơn. Ba không cho phép bất kỳ ai động chạm vào sự khác biệt của các con. Cứ như thế, gia đình mình tồn tại vui vẻ giữa khu rừng ở vùng giải phóng trong một thời gian dài. Con là đứa út trong cái gia đình đó.
Chiến tranh chấm dứt, trường được chuyển về thành phố Sài Gòn. Theo chính sách thương binh, ba phải ra quân. Còn má thuộc đơn vị chủ quản mới. Sau một thời gian gia đình họ hàng các con lần lượt tìm đón, số còn lại được nhận làm con nuôi. Chỉ có mình con, do sự khác biệt chẳng ai chịu nhận. Trường học giải tán, má xin  nuôi con.
Tưởng được như  vậy suốt đời, nên má dấu biệt nguồn gốc của con. Ai nói ngược, nói xuôi cũng mặc. Cùng thời gian này má trở lại trường Đại học y khoa  học nốt chương trình bỏ dở. Tốt nghiệp, được điều về bệnh viện nhi thành phố. Cho đến hôm rồi, khi phối hợp với đoàn “Thày thuốc không biên giới” về đợt phẫu thuật phục hồi chức năng cho trẻ em  bị di chứng do chất độc màu da cam. Kế hoạch có chút ít thay đổi, má đến văn phòng làm việc của bác sĩ trưởng đoàn thống nhất lại thời gian nội dung chương trình làm việc. Má sửng sốt khi nhìn thấy bức tranh treo trong phòng.
Thấy má nhìn chằm chặp, ông giải thích: “Đây chỉ là  phiên bản! Gốc của nó  đã thất lạc trong chiến tranh.”
Thì ra, ông từng là đại uý bác sĩ phục vụ trong một đơn vị quân Mỹ có mặt trong cuộc chiến ở Việt Nam. Ông đã kể cho má nghe về gia đình mình:
…Hết hạn ở Việt Nam, tôi muốn đưa vợ con về Mỹ. Cô ấy có một ước mong: Trước khi rời Việt Nam, được trở lại thăm buôn làng, tặng người thân bức hoạ cảnh toàn gia. Chẳng ngờ những trận đánh lớn xảy ra, kẹt không về được Sài Gòn. Đạn bom đã tàn phá buôn làng, mọi người ly tán. Hai mẹ con bặt tin trên đường di tản. Có người thân quen chạy được tới Sài Gòn cho hay: Chính họ đã thấy cô ấy mất ở chân cầu Cần Lê…Trở về nước, tôi sống trong nỗi ám ảnh kinh hoàng của chiến tranh. Tưởng rằng, những tháng năm ấy chẳng bao giờ phai mờ trong tâm trí, nó sẽ đeo đẳng bám theo tôi suốt quãng đời còn lại.
Do công việc, tôi thường bắt gặp hậu quả chất độc màu da cam trên cơ thể các cựu chiến binh Mỹ và gia đình của họ. Tôi tự hỏi: "Chúng tôi chỉ có mặt ở đấy trong một thời gian rất ngắn, trong khi những người dân Việt Nam đã và đang sống cả cuộc đời mình trên vùng đất chết đó, chắc chắn sẽ phải chịu hậu quả khủng khiếp hơn nhiều!  Tại sao cho đến bây giờ, chính phủ Mỹ chưa hề có công trình nào nghiên cứu một cách đầy đủ về tác động của chất độc màu da cam đối với sức khoẻ của con người?" Tôi tham gia tổ chức " Thày thuốc không biên giới" và tình nguyện sang Việt Nam công tác lâu dài. Qua công việc, tôi mong tìm được cho cuộc đời mình sự thanh thản.
Má thận trọng kiểm tra toàn bộ câu chuyện. Buồn vui lẫn lộn khi biết đấy là sự thật. Vui vì gốc tích của con được sáng tỏ. Buồn vì rồi đây phải xa con. Má viết thư hỏi ý kiến ba Hạnh. Ba khuyên má nên nói rõ mọi chuyện. Bây giờ cả con và cha đẻ của mình đã biết sự thật. Tuỳ hai người. Nhưng con nên nhớ một điều: Dù thế nào đi chăng nữa Cần Lê vẫn là con của đất nước này! Của ba má!
Cha chấp thuận nguyện vọng: Để tôi lấy bằng tú tài ở Việt Nam, rồi mới sang Mỹ thi Đại học. Ngày ấy, tôi còn đưa ra một yêu cầu: Chỉ đi khi ba chịu về sống cùng nhà với má. Tưởng chuyện trẻ con thách đố, ngờ đâu điều đó lại trở thành sự thực.
Giờ đây tôi đã mang quốc tịch của cha, nhưng hàng năm vẫn bay về Việt Nam thăm quê ngoại, sống với má Thuỳ, ba Hạnh.
Nhận bằng Thạc sĩ khoa học, tôi tiếp tục đề tài nghiên cứu: “Tác động của chất độc màu da cam quân đội Mỹ đã rải ở Việt Nam đối với các thế hệ sinh vật.”
Tôi hy vọng giải mã được một số gien đột biến của các nạn nhân. Trên cơ sở đó cải thiện được phần nào nỗi đau họ phải mang. Kể cả những ai đã từng đi gieo rắc tội ác ghê tởm, khủng khiếp này.
Trên con đường nghiên cứu khoa học, tôi gặp  được người bạn đời cùng chung chí hướng. Chúng tôi tổ chức lễ cưới ở Việt Nam. Ở ngay nền trường học ngày xưa. Đám cưới có đủ mặt gia đình của tôi hồi ở rừng. Khi chụp ảnh, tôi luôn được đứng giữa ba, má. Một vị trí mà nhiều người tranh nhau. Điều đó chứng tỏ: Tôi vẫn được cưng chiều như xưa.
Bởi vì trong gia đình, với mọi người tôi luôn luôn là út.