Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRẦN HUY QUANG, MƯỜI NĂM HƯƠNG LỬA…

Hoàng Minh Tường
Thứ ba ngày 20 tháng 12 năm 2022 1:41 PM




Ấy là cái đận tôi và Trần Huy Quang cùng nhau làm trang văn xuôi, báo Văn Nghệ. Mười năm ấy, (1987 – 1998), mười năm hương lửa…

Năm 1987, báo Văn Nghệ ghi một mốc son: Tiara đang từ hơn hai ngàn bản tăng vọt lên mấy chục ngàn bản, mở đầu thời hoàng kim của báo giấy.Trang văn xuôi (gồm truyện ngắn và bút ký, phóng sự) trước đây êm ả, lờ lờ, nhợt nhạt một thứ văn chương tủ kính, bỗng sôi réo như biển lửa, với sự xuất hiện truyện ngắn “Tướng về hưu” của Nguyễn Huy Thiệp, phóng sự “Cái đêm hôm ấy đêm gì” của Phùng Gia Lộc. Rồi, phóng sự “Câu chuyện về một ông “Vua lốp” của Trần Huy Quang , “Làng giáo có gì vui” của Hoàng Minh Tường , “Người đàn bà quỳ” của Lê Khắc, “Đất trắng” của Hoàng Hữu Các… và một loạt bài vở chuyên mục khác. Nhà văn Ngô Ngọc Bội trẻ lại mấy chục tuổi. Đi đâu ông cũng khoe: Thay Tổng biên tập, báo Văn Nghệ mới có đất diễn. Nước Việt đâu phải “nhân tài như lá mùa thu?” Rồi chính Ngô Ngọc Bội tham mưu với Ban biên tập, đề nghị tăng cường quân tinh nhuệ cho trang văn, biên tập viên phải là phóng viên xông xáo, giỏi tay nghề. Đích thân Tổng biên tập Nguyên Ngọc và phó tổng Võ Văn Trực đánh xe đến tận cơ quan báo Người giáo viên Nhân Dân và báo Độc Lập “xin” chúng tôi về Ban Văn xuôi báo Văn Nghệ.

Trần Huy Quang hơn tôi năm tuổi, quê Quỳnh Minh, Quỳnh Lưu, Nghệ An, có đôi tai Phật, chỉ dấu sẽ giàu nứt đố đổ vách. Quang có truyện ngắn đăng báo Trung ương từ 1968 khi còn đang là sinh viên Tổng hợp Sử, thời lính pháo chiến đấu ở đất lửa miền Trung, Quang viết “ Khe Cò”, chiếm ngôi Bảng nhãn cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ Quân Đội, 1981. Tiếp chuyện, thấy nói năng chậm rãi, có lúc lầu bầu khó nghe, lại như chẳng có tí tẹo gì kẻ cả, lên mặt dạy đời, chẳng có vẻ gì xứ Bọ, từ giọng nói đến tính cách, trái lại ông xưng hô bỗ bã, mày tao, khiến bao nhiêu năm tôi cứ nghĩ ông ngang hàng, bằng vai phải lứa. Ban văn, khi ấy có ba người, Ngô Ngọc Bội trưởng ban, thêm hai nhân viên, thành bộ ba, thế chân kiềng vững chãi. Hai chúng tôi lính mới, khi Ban biên tập hoặc độc giả phát hiện vụ việc, điển hình mới, thấy có vấn đề là lên đường tác chiến. Công việc thường trực vẫn là biên tập. Bài vở ùn ùn gửi về. Hai chúng tôi được phân bài đọc phá, phân loại, phần biên tập cuối cùng do anh Bội hoàn chỉnh và đưa lên duyệt. Cuộc họp tổ ba người lần nào anh Bội cũng mang gói thuốc vụn mua trước khu Cao-Xà-Lá ra chiêu đãi, thường phải cuốn giấy báo, có lần cuốn giấy từ điển Liên Xô, sang nhất là một tệp giấy cuốn thứ thiệt. Ba cái lò nhả khói mù mịt. Anh Bội nhìn hai thằng tôi tự đắc, bảo: “Hai cậu là nhà văn thứ thiệt, lại là nhà báo có số má, về Văn Nghệ vừa là duyên vừa là nghiệp. Tớ tình nguyện gác gôn cho các cậu đi viết. “Lời khai của bị can”của Trần Huy Quang có thể ăn giải nhất của Hội nhà báo năm nay. Còn “Anh hùng khi đã sa cơ” của thằng Tường đang làm Bộ Giáo Dục đau đầu. Dám xóa sổ trường Thanh niên Lao động XHCN Hòa Bình, trường Anh hùng, thì báo Văn Nghệ to gan thật…”

Chuyến công tác đầu tiên tôi và Quang đi chung cùng nhau là chuyến lên Thổ Tang, quê hương ông phủ Vĩnh Tường, ông tổng cóc của nữ sỹ Hồ Xuân Hương. Tổng biên tập dẫn cả ban văn đi xe commangca do Đào Ngọc Chi lái, thăm và làm việc với người bạn văn, bí thư huyện ủy Lê Ngọc Quán, rồi về Thổ Tang, một điển hình nông - công - thương xuất sắc của huyện và cả tỉnh Vĩnh Phú. Sau buổi gặp huyện ủy, báo cắm hai đứa tôi ở lại, ăn ngủ tại nhà ông Khen, bí thư đảng ủy xã. Quang được phân công viết bài, lúc nào cũng cắm cúi vào cuốn sổ tay, còn tôi nhởn nhơ ngắm cảnh ngắm người. Thổ Tang những năm cả nước đói kém ấy, vẫn là một xã giàu, giống như Ninh Hiệp, Đình Bảng, hàng hóa từ khắp nơi ùn ùn đổ về, rồi lại từ Thổ Tang đi khắp nước. Đêm đầu tiên tôi khó ngủ. Nửa đêm vẫn thấy Quang ngồi bên của sổ đốt thuốc đỏ lòe, chắc anh đang nghĩ đến bài phóng sự. Rồi ba giờ sáng đã thấy anh khoác áo ra đường. Thì ra anh đi ra quan sát chợ người. Sau này đọc bút ký “Người biết làm giàu” về chuyến đi ấy, tôi giật mình nhận ra, trong bài ký, lần đầu tiên Quang phát hiện ở Thổ Tang có sáu loại chợ. Ấy là chợ người, chợ mua bán lao động từ ba giờ sáng mỗi ngày. Rồi chợ bán phân, cỏ, rác (chất thải loại) từ khoảng năm giờ, tiếp đến là chợ nông sản từ bảy giờ, chợ chính họp từ tám giờ, đủ loại hàng hóa, một đại bách hóa ngoài trời, trong nhà, đón đủ khách hàng trong huyện trong tỉnh và cả nước, ô tô tải rầm rập. Rồi phiên chợ chiều. Và cuối cùng là chợ tối, từ chín giờ cho tới đêm. Trần Huy Quang bảo dân Thổ Tang hầu như không ngủ. Suốt ngày họ mải miết lao động, mải miết làm giàu. Đọc bút ký, chứng kiến sức làm việc, thái độ làm việc với câu chữ văn chương, tôi thực sự kính nể một lực điền phóng sự.

Ngày cuối cùng, Trần Huy Quang bỗng rủ tôi: Đến Thổ Tang mà không thăm nhà người anh hùng Nguyễn Thái Học, và nhân vật huyền bí Vũ Hồng Khanh thì chúng mình chỉ là anh bổ củi. Chúng tôi đi lang thang khắp làng. Tiếc rằng những kỷ vật của lãnh tụ Nguyễn Thái Học tại quê nhà không còn nữa, càng tiếc khi hậu thế chưa xây cho ông một nhà lưu niệm hay một một biểu trưng gì đó xứng tầm con người, mà theo tôi, vào hàng anh hùng vĩ đại bậc nhất của nước Việt với câu châm ngôn: “Không thành công cũng thành Nhân”. Đến thăm ông Vũ Hồng Khanh, yếu nhân của Quốc dân đảng, sau khi thoát khỏi án chém của Thực dân Pháp ở Yên Bái đã làm mưa làm gió trên chính trường chính trị và quân sự suốt mấy mươi năm. Tôi thực sự kinh ngạc, sao con người huyền bí này lại trở về được quê nhà Thổ Tang sau bao nhiêu biến thiên tang hải, bao nhiêu sóng gió, chìm nổi mà người thường không giải thích nổi. Ông già hơn chín mươi tuổi, giờ nhỏ bé, yếu ớt, hiền lành và có vẻ ngu ngơ tiếp chúng tôi trong một trạng thái mộng du. Trần Huy Quang bảo: “Thổ Tang có hai người con vĩ đại, nhưng hầu như chính người thân yêu, người xóm giềng của họ cũng không hề biết. Buồn thay cái môn lịch sử mà mình đã theo học”.


***

Hồi đó, ban Văn đang là con cưng của báo. Đích thân Tổng biên tập nắm ban Văn. Cuộc hội thảo văn học nông thôn ở Thái Bình đích thân Nguyên Ngọc dẫn đầu, theo sau là một thê đội trong tòa soạn, gồm toàn bộ ban văn, ban thơ, ban nghệ thuật và một số cây bút viết ký có nghề như Vũ Bão, Vũ Đình Minh, Hoàng Hữu Các, Trần Quang Quý… Trước khi qua phà Tân Đệ, đoàn dừng ở Nam Định, gặp giám đốc nhà máy dệt Nam Định, thăm thú khảo sát nhà máy đang bắt đầu chuyển đổi theo quy mô đại công nghiệp. Tôi được phân công viết phóng sự “Ngày mai ta mặc bằng gì?”, Trần Huy Quang sẽ sang Thái Bình làm tổng thuật bàn tròn về Văn học và nông nghiệp, nông thôn thời mở cửa. Vũ Bão ghé tai tôi: “Nếu Nguyên Ngọc cao to hơn chút nữa và có thêm nửa vành trăng trên trán thì hai thằng chúng mày khác nào Trương Long, Triệu Hổ”.

Đang vui, bỗng đứt dây đàn. Cuối năm 1989, báo Văn Nghệ có sự kiện động trời. Có người bảo: Văn Nghệ như con diều đang gặp gió, tưởng bay tít lên thiên đình, bỗng Ngọc Hoàng nhìn thấy, quở phạt, bắt kéo xuống. Có người lại bảo: Không khéo mà Văn Nghệ dẫn dắt dân chúng theo kiểu cách mạng màu. Phải dẹp. Thế là trên có lệnh rút nhà văn Nguyên Ngọc khỏi báo Văn Nghệ.

Trước khi Ban cán sự Đảng Hội Nhà văn xuống họp công bố quyết định về tổ chức mới của báo một tuần, thì Trần Huy Quang lâm bệnh. Một sáng, tôi nhận được điện thoại của nhà văn Nguyên Ngọc: Quang nó đang nằm trong Việt Xô, vào thăm nó một tí. Tôi tức tốc vào thăm Quang. Thì ra anh bị dị ứng da, khắp người nổi mề đay. Quang bảo, bệnh xoàng thôi, có điều tôi phải gặp ông để ta bàn việc ủng hộ anh Nguyên Ngọc ở lại. Không ai thay được Nguyên Ngọc lúc này. Thay Tổng biên tập là sập tiệm. Chỉ một ngày sau buổi gặp đó, một đơn kêu cứu gửi Hội Nhà văn và các cơ quan cấp trên có cữ ký của hầu hết anh chị em biên tập viên, phóng viên, nhân viên báo Văn Nghệ được gửi đi. Nội dung chính của đơn kêu cứu: 1,Từ ngày có Tổng biên tập Nguyên Ngọc, báo Văn Nghệ trở thành diễn đàn văn chương hàng đầu cả nước, tăng gấp bội lượng phát hành, được bạn đọc cả nước tìm đọc. 2, Nội bộ Ban biên tập và tòa soạn chưa bao giờ gắn kết và đồng lòng nhất trí như hiện nay. 3, Nếu muốn tờ báo tiếp tục góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới, vào sự phát triển của nền văn học thì nên để nhà văn Nguyên Ngọc tiếp tục ở lại lãnh đạo tờ báo.

Đích thân trưởng ban Lý luận Phê bình Thiếu Mai và Phó Tổng Biên tập Võ Văn Trực, trưởng ban Văn Ngô Ngọc Bội… ký trước và gửi cho mọi người cùng ký. Anh Nhật Quang chồng chị Thiếu Mai còn tình nguyện đi vận động hành lang các cơ quan chỉ đạo cấp trên. Thật không ngờ. Lập tức lá đơn lại có tác động ngược lại. Một cuộc làm reo. Một âm mưu chống đối. Nhất định có bàn tay của thế lực thù địch. Ai? Những ai? An ninh vào cuộc. Bóng aó xanh và những gương mặt bí hiểm xuất hiện dọc đoạn phố Trần Quốc Toản, từ phố Huế đến Bà Triệu, ngày càng nhiều. Bên quán nước chè chén nhà Thức lúc nào cũng có một hai người lạ mặt, mũ mỏ vịt che nửa mặt, mắt gườm gườm nhìn sang nhà đối diện số 17.

Rồi cái ngày ấy cũng đến. Một ngày rét cuối năm. Đầu giờ chiều, toàn cơ quan tập trung ở gian phòng tầng hai, nơi vẫn dùng làm nơi hội họp và giao ban cơ quan. Nhà thơ Hữu Thình trong bộ áo lính rộng trùm phủ một dáng hình cao gầy thanh mảnh với vẻ thư sinh, với đôi mắt ngơ ngác thi sĩ, đến sớm, chào mọi người, rồi khép nép ngồi vào góc trái phòng, nơi quay lưng ra phố có một hàng các nhân vận quen thuộc của báo: Triều Dương, Trần Ninh Hồ, Bế Kiến Quốc, Nguyễn Đăng Bẩy, Phạm Đình Ân, Thành Chương, Phạm Minh Hải, Hoàng Minh Tường, Trần Huy Quang. Tiếp dãy bên là Mai Nhi, các nhân viên phòng trị sự và Thế Hùng, nhà nhiếp ảnh nghệ sỹ không lúc nào ngơi tay ngơi mồm với chiếc máy lắp ống canon hiện đại. Quanh chiếc bàn dài kê giữa phòng, bộ biêp tập báo với các nhà văn nhà thơ Nguyên Ngọc, Hoàng Minh Châu, Võ Văn Trực, Nguyễn Thị Ngọc Trai. Rồi hàng các trưởng ban: Ngô Ngọc Bội, Ngô Vĩnh Viễn, Hồng Phi, Phạm Tiến Duật, Thiếu Mai vv… Không khí căng thẳng, ngột ngạt, như trong một thùng nổ. Dưới kia, một đoạn phố từ đường Bà Triệu đến cổng sau Bưu điện, có lệnh cấm người qua lại. Bóng người bí hiểm thoắt ẩn thoắt hiện với máy bộ đàm đầu đường Bà Triệu. Rồi hai nhân vật của lịch sử xuất hiện: Nhà văn lừng danh Tổng Thư ký Nguyễn Đình Thi và nhà thơ Chính Hữu. Có cảm giác như một phiên tòa đại hình mà bị can là Nguyên Ngọc. Ông vốn nhỏ bé, hôm ấy tôi thấy ông càng nhỏ bé. Không còn vẻ oai phong như Bao Chửng trước công đường. Ông ngồi lút trong chiếc ghế kê chính giữa chiếc bàn dài mà hàng tuần ông vẫn ngồi giao ban toàn cơ quan. Còn đâu dáng vẻ như viên tư lệnh trước một trận đánh lớn, vẫn xoài hai tay ra nhìn bao quát từng phương án phân trang, chọn tít, minh họa, ảnh tư liệu… do hai họa sỹ Thanh Chương và Phạm Minh Hải trình bày, do các trưởng ban thuyết trình về bài vở. Ông đang thúc thủ trước nghiệp văn trận bút.

Sau lời giới thiệu hai vị quan chức về lý do buổi họp với toàn cơ quan, nhà văn Nguyên Ngọc ngồi xuống, dáng vẻ bỗng khác hẳn, bỗng nhiên gương mặt đanh lại, khí tiết. Nhà văn Nguyễn Đình Thi cao lớn, râu hùm hàm én, nhưng đôi mắt lim dim quyễn rũ, nhìn xéo Nguyên Ngọc như sắp đến giờ hạ gục đối thủ, lừng lững như Từ Hải đứng lên, sau khi đã ghé tai Chính Hữu nói điều gì. Ông nhỏ nhẹ : Chúng tôi, Đảng đoàn và lãnh đạo Hội nhà văn chiều nay đến đây là để lắng nghe anh em nói… Chúng tôi đã đọc kỹ đơn … Xin mời…

Mọi người nhìn nhau. Không khí dãn ra, chùng xuống. Có thế chứ. Cấp trên người ta dân chủ chứ không có áp đặt. Trần Huy Quang, ra viện từ mấy hôm trước, ngồi sát tôi, ấp tay lên đùi tôi, lấy chân đá vào chân tôi liên tục. Hữu Thỉnh tít góc phòng như nhổm người nhìn khắp lượt. Dãy bàn giữa, Ngô Ngọc Bội quay lại đưa mắt về phía tôi và Quang. Thành Chương bên kia nhấp nhổm. Thời gian trôi đi như chờ quả penalty bóng đá. Bỗng Quang đạp mạnb tôi một cái, như chiếc lò xo, tôi vụt đứng dậy. Nguyễn Đình Thi hàng mi dài chớp chớp nhìn tôi như người tình, đầy khích lệ. “Thưa nhà văn Nguyễn Đình Thi đáng kính - Tôi nói dõng dạc nhưng vì quá xúc động nên hơi run - Chắc ông không biết tôi, vì tôi và anh Trần Huy Quang là lính mới của báo Văn Nghệ…” Tôi nói những điều như chúng tôi đã viết và ký trong đơn. Tiếp đến là Thành Chương đứng lên. Rồi Ngô Ngọc Bội đứng lên, Thiếu Mai đứng lên… Rồi xôn xao, rất nhiều ý kiến tranh nhau nói. Người làm tất cả bất ngờ nhất lại là nhà thơ Chính Hữu. Khi ấy ông đang phụ trách Tổ chức Hội nhà văn, ủy viên Đảng đoàn. Trông ông trí thức, thanh cao với vầng trán hói và đôi kính trắng nhiều đi-ôp. Khi thấy nhiều ý kiến tranh nhau nói thì ông đứng dậy, đi lại trong phòng. Chiếc túi quần sau ông lấp ló một cuộn giấy. Rồi ông đưa hai tay đề nghị dừng phát biểu. Hội đã nghe quá đủ. Các phương tiện truyền thông và dư luận từ các nơi trong cả nước về báo Văn Nghệ khiến Hội rất đau đầu, cấp trên không yên. Đã đến lúc chúng ta phải quyết định, phải giữ cho nền văn học đi đúng định hướng. Phải chung tay làm cho tờ báo Văn Nghệ hay hơn, xứng đáng là diễn đàn của nền văn học. Nhà văn Nguyên Ngọc có công lao rất lớn, không ai phủ nhận. Nhưng Hội Nhà văn cần Nguyên Ngọc ở vị trí quan trọng hơn. Đừng nghĩ rằng đây là một phiên tòa, một cuộc kỷ luật. Không. Các nhà văn nhà thơ yêu mến của chúng tôi ạ. Chúng tôi cần Nguyên Ngọc ở một vị trí cao hơn. Báo Văn Nghẹ sẽ có một Tổng Biên tập mới là nhà thơ Hữu Thỉnh, một đồng chí đồng nghiệp xuất sắc của Nguyên Ngọc…

Chính Hữu rút tờ quyết định từ túi sau ra, tuyên đọc.

Căn phòng tầng hai báo Văn Nghệ lặng đi hàng phút, như mặc niệm.

Rồi nhà văn Nguyên Ngọc đứng lên. Ông khóc. Một vị đại tá (nhưng có khác gì tướng), từng xung trận từ năm 14 tuổi khắp các chiến trường Trung Bộ, Tây Nguyên, đặc biệt đất lửa Quảng Đà, từng xung phong làm Bí thư chi bộ xã để chỉ huy chiến đấu, để phân thân từ nhân vật ngoài đời thành nhân vật trong tiểu thuyết Đất Quảng của ông, một con người tưởng làm bằng đá, bằng sắt, mà lúc ấy bỗng khóc thổn thức. Có lẽ ông khóc vì thấy anh chị em trong tòa soạn báo Văn Nghệ yêu mến ông thật lòng, lo cho tờ báo thật lòng, ông khóc vì tình người. Sau này, khi về làm báo Du Lịch, người thủ trưởng thứ hai tôi chứng kiến khóc trước mặt các đồng sự trong buổi họp giao ban Tổng cục là Nữ anh hùng Võ Thị Thắng. Bà khóc và trình bày nỗi oan ức trong vụ án mà bà bị nghi làm gián điệp cho CIA, những năm bà bị tù ở Chí Hòa và Côn Đảo.

Cái cuộc Chính Hữu tuyên đọc thôi chức Tổng biên tập báo Văn Nghệ, kéo dài tới tám giờ tối. Chán nản quá, tôi không thiết về nhà. Tôi theo Phạm Minh Hải về nhà Thành Chương ở Ngõ Cống Quỳnh uống rượu. Tối ấy Chương và Hải tiếp tục phải lên maket báo cho kịp sáng hôm sau đưa nhà in, tôi được bố trí ngủ tạm trong phòng vợ chồng anh. Nhưng kìa, đầu giường là bức sơn dầu minh tinh màn bạc Thanh Quý, người đẹp nức tiếng và đang ăn khách nhất làng điện ảnh Việt Nâm. Bức chân dung đứng, xoãi chân, to hơn người thật, trong tư thế nuy toàn phần khiến tôi nhức mắt, phải toài ra ngoài. Tôi kêu lên với Thành Chương: “Ông Trần Huy Quang đá tôi suýt gãy chân, giờ ông lại yểm vợ trong buồng để hãm hại người lương thiện. Thà ông giết tôi đêm nay còn hơn…”


***

Sau buổi tối lịch sử ấy, nhà thơ Hữu Thỉnh được điều về làm Tổng biên tập báo Văn Nghệ. Ngô Ngọc Bội tuyên bố xanh rờn: “Ban văn không thuộc phe nào. Ai làm cho báo Văn Nghệ giữ vững và phát triển thì chúng tôi cúc cung phụng sự”. Quả nhiên, thập niên tiếp theo, trang Văn của báo Văn Nghệ và các trang chuyên mục khác vẫn được bạn đọc đón đợi. Các cuộc thi truyện ngắn và bút ký liên tiếp ba năm một lần, ngoài việc khảng định những tác giả tên tuổi: Vũ Bão, Nguyễn Quang Thân, Nguyễn Bản, Đặng Văn Sinh, Lưu Nghiệp Quỳnh… đã phát hiện những tác giả mới: Hòa Vang, Lại Văn Long, Phạm Ngọc Tiến, Quý Thể, Ngô Phan Lưu, Đoàn Ngọc Hà, Hoài Tố Hạnh, Minh Chuyên, Nguyễn Văn Đệ, Trần Văn Thước, Mac Can vv… Sau khi nhà văn Ngô Ngọc Bội về hưu, ban Văn chỉ còn tôi và Trần Huy Quang, hai anh em thay nhau trực và đi viết. Mỗi ngày đọc hàng chục bản thảo để mong tìm ra được một truyện, ký để in. Nhiều tuần thiếu bài đinh, chúng tôi lại phải gọi điện, viết thư, hoặc đến tận nhà các nhà văn tên tuổi quen biết xin bài. Vì thế, văn xuôi của báo Văn Nghệ vẫn được bạn đọc đón đợi mỗi tuần và là món ăn tinh thần không thể thiếu của độc giả văn chương cả nước.

Nhưng rồi tai nạn nghề nghiệp ập đến. Số báo Văn Nghệ ngày 4/7/1992 đăng truyện ngắn “Linh nghiệm”, của Trần Huy Quang, một truyện ngắn sẽ gắn bó với tên tuổi ông mãi mãi.

Dịp ấy thuộc phiên ba tháng Quang trực biên tập. Tôi xin nghỉ phép lên Tuyên Quang đón vợ về nghỉ hè, kết hợp thực tế sáng tác. Những trận mưa mùa hạ triền miên dai dẳng. Tuyến đường sắt Hà Nội - Yên Bái bị ngập. Cả vùng Việt Bắc, Tây Bắc sũng nước. Sông Lô dâng nước lên ngang trời. Chợ và phố Tam Cờ phải di chuyển bằng thuyền. Không có cách nào về Hà Nội. Vả lại, tôi phải bám trụ xứ Tuyên cùng vợ giúp mẹ già chạy lụt.

Hết lụt, tôi về tòa soạn thì Trần Huy Quang đã bị ngừng công tác, chờ xử lý. Nghe đồn vụ này phạm thượng tới tận thiên đình. Dân Nghệ An quê Quang kéo đến nhà tác giả biểu tình. Nhẹ nhất, nếu không bị tù thì chuyến này Quang phải đuổi khỏi biên chế. Có tin đồn rằng Quang đã có lệnh bắt, chỉ chờ ý kiến Hội Nhà văn… Có ai đó tâu với Tổng biên tập rằng tôi cố tình tạo hiện trường giả, hùa với Quang để in truyện ngắn kia, rằng tôi bỏ nhiệm sở, trong lúc nước sôi lửa bỏng đã trốn tránh trách nhiệm...

Một buổi trưa tôi đang ăn cơm trong phòng (lúc này báo Văn Nghệ đã xây dãy nhà mới hai tầng phía sau, tôi được phân chín mét vuông trên góc tầng hai), thì Phó Tổng biên tập Nguyễn Khắc Trường hé cửa vào bảo từ hôm nay tôi nghỉ biên tập, nghỉ chức trưởng ban Văn, giao hết bản thảo cho nhà văn Hồng Phi lúc ấy là trưởng Ban nghệ thuật. Tôi Oke, trao hết bản thảo cho Hồng Phi, lòng thầm sướng vì được nghỉ thêm không phải đọc và biên tập. Những ngày ấy tôi rất thương Trần Huy Quang mà không biết cách nào an ủi ông. Ông vật vờ như một cái bóng, hằng ngày vẫn đi bộ từ ngôi nhà 56 Bà Triệu sang tòa soạn để đợi án kỷ luật. Họa sỹ Thành Chương chép miệng thở dài: “Người trông hiền lành thế kia mà trong gan có thép”. Trần Ninh Hồ bảo: “Chất xứ Nghệ đấy. Nguyễn Biểu ngày xưa dám ăn đầu người trước giặc Minh cơ mà”. Võ Thanh An nhếch miêng cười: “Rồi các vị xem, lời nói đọi máu nhé. Được nghỉ vài năm, dân bọ có liền vài cuốn tiểu thuyết để đời cho coi”. Quả nhiên, đó là thời gian Trần Huy Quang thai nghén các tiểu thuyết “Nước mắt đỏ”, “Thánh ca Truông Bồn”, “Những cô gái Đồng Lộc”, và những trang viết da diết về làng Mơ, về Quỳnh Lưu máu thịt cuả ông.

Buổi sáng ấy, Tổng biên tập Hữu Thỉnh gọi tôi lên phòng làm việc. Ông trách tôi đã bỏ cơ quan, bỏ rơi ông trong lúc nước sôi lửa bỏng. Tôi trình bày, rằng ban Văn đã phân công kíp trực rõ ràng. Tháng sáu ban văn có kế hoạch để tôi đi Tuyên Quang kết hợp việc ra đình. Vả lại đang mùa mưa bão, thị xã Tuyên Quang chìm trong lũ sông Lô… Đang từ một gương mặt đau khổ, thiểu não, thoắt cái mặt Tổng biên tập đỏ rực, hai mắt dựng xếch lên. “Anh đã báo cáo tôi chưa? Sao tôi không biết?” Hữu Thỉnh bỗng gầm lên. Tôi lập cập trở về phòng mang lên tờ giấy giới thiệu công tác và giấy đi đường. “Dạ thưa anh, đây, anh đã ký và phòng hành chính đã đóng dấu”. Hữu Thỉnh bỗng chồm lên, cầm tờ giấy giới thiệu xé đôi, vo tờ giấy công lệnh vứt xuống đất. Động tác ấy đã kích hoạt con người thật của tôi, như ông vừa châm một quả bom nổ chậm. Lướt nhanh qua óc tôi một đánh giá: Hữu Thỉnh không sợ người tử tế, chỉ sợ thằng khùng. Tôi vội cúi xuống nhặt tờ giấy bị xé và bị vò lên. Nếu có nhà nhiếp ảnh Thế Hùng ở đây chắc ông sẽ có một bức chân dung tôi thật dữ tợn. Mắt tôi như rỉ máu, miệng tôi xủi bọt, khắp người tôi run lên. “Tôi sẽ báo cáo việc này lên Hội Nhà văn và các cấp trên. Chính ông cấp công lệnh cho tôi đi công tác, cố tình điều tôi đi để ông Trần Huy Quang toàn quyền phụ trách trang văn trong tháng sáu, mà bây giờ ông lại dẵm đạp lên chữ ký của mình…”

Tôi hét lên và cầm tang vật, đi ra ngoài.

Chỉ vài tuần sau, một buổi trưa, Hồng Phi, râu tóc lởm chởm ôm lặc lè chồng bản thảo đến phòng tôi và bảo: “Tôi trả cho cậu. Cả chức trưởng ban văn xuôi ôm rơm dặm bụng nữa. Đọc không nổi. Đãi cát lấy vàng mà toàn cát, mệt và chán lắm.” Tôi biết Hữu Thỉnh đã nghĩ lại. Ông đã có hẳn một buổi làm lành với tôi. Ông không muốn đụng đến tôi, một anh giáo khổ nhưng cũng có chút máu Chí Phèo.

Cũng may, ít ngày sau đó, Trần Huy Quang lại được đọc biên tập cùng với tôi. Ông có án miệng là cấm không được ký tên trên bất cứ ấn phẩm báo chí văn chương nào, nhưng vẫn được ngầm làm việc. Trong việc này Tổng biên tập Hữu Thỉnh thực sự là người lớn và nhân hậu. Ông báo cáo với cấp trên sẽ xử lý rất nặng, nhưng kỳ thực là luôn tìm cách cứu người. Vậy là ban Văn xuôi khi ấy có trưởng ban là tôi và một nhân viên án lưu là Trần Huy Quang.

Thế rồi tôi và Trần Huy Quang cũng sống với nhau được mười năm. Cùng nhau là bà đỡ cho bao nhiêu áng văn chương. Cho đến năm 1998, nhà văn Triệu Bôn giới thiệu tôi về làm báo cho Tổng cục Du lịch. Tôi chia tay Quang đi nhận nhiệm vụ mới. Cũng là lúc nhà văn Trần Huy Quang qua cơn bĩ cực, đến hồi thái lai, cũng được phong cái chức Trưởng ban Văn xuôi. Lúc ấy ban có thêm Phạm Thị Minh Thư và nữ văn sỹ Dạ Ngân mới từ trường Nguyễn Du về.


***

Khi đã về hưu rồi mới càng thấy quý “mười năm hương lửa ấm nồng” ấy.

Có lần Tôi và Trần Huy Quang rủ nhau lên Cẩm Khê, Phú Thọ thăm ông anh Ngô Ngọc Bội đang trí sĩ quê nhà. Anh Bội ôm chầm lấy chúng tôi cười ha hả mà nước mắt ngấn ướt: Ba thằng chúng ta có mười năm với nhau ở báo Văn Nghệ. Tao với Quang có thời gian làm báo Văn Nghệ hơn gấp hai thằng Tường. Đáng sống, đáng viết lắm. Hai chú em thua thiệt vì văn và người chúng mày khảng khái khí phách quá. Cả anh chúng mày cũng thế. Không khí phách làm sao viết được “Chị Cả Phây” với “Ác mộng”?

Chúng tôi cùng cả cười.

Những năm về hưu, chúng tôi có thời gian chơi với nhau. Tôi và Nguyễn Bắc Sơn về Quỳnh Minh chơi, ngủ trong căn nhà tổ phụ của Quang dưới gốc nhãn gốc khế xanh rì, rồi ra bãi biển hóng mát, lên thắp hương đền Cờn. Tôi nhớ mãi cái lần Quang về thăm nhà tôi ở quê. Tinh mơ đã thấy Quang ngồi hút thuốc ngoài hè. Quang bảo: Có một ngôi nhà ở quê để đi về là hạnh phúc nhất đấy ông ạ. Tôi tính, hai vợ chồng sẽ về quê ở hẳn. Làng Mơ quê tôi giờ vui lắm rồi.

Hai tháng trước, trung tuần tháng 10, Trần Huy Quang ra Hà Nội bảo con rể lái xe đưa tôi và Nguyễn Bắc Sơn thăm bạn văn Mạc Khải trên Yên Thế. Chúng tôi đi thăm Phồn Xương, tượng đài Hoàng Hoa Thám và thắp hương khu mộ vợ chồng nhà văn Nguyên Hồng. Hình như đây là chuyến đi thăm thú cuối cùng của Trần Huy Quang. Về quê được bốn tuần, ông đã từ Nghệ An ra bệnh viện Việt Xô.

Chúng tôi đến thăm. Bà Huệ bảo: “Ông ấy vẫn tin đợt này bị mất tiếng là do cảm lạnh. Chờ kết luận của bác sỹ, chúng tôi lại về Nghệ An để xem trận chung kết World Cup. Tôi quen sống ở quê rồi. Thích lắm.” Trần Huy Quang cười hiền, nói không ra tiếng: “Dẫu có việc gì cũng chẳng làm sao. Trải nghiệm đủ rồi các ông ạ”.

Khí phách và lạc quan cho đến lúc ra đi. Nhà văn Trần Huy Quang về trời mà chưa kịp về làng Mơ để xem trận chung kết World Cup Achentina – Pháp sau ba ngày nữa.


Ngày đưa THQ về Trời, 17, 18 /12/2022.

HMT

( Rút từ tập:” Mệnh vô chính diệu”)