Trang chủ » Truyện

TRANG ĐỜI

Bùi Thị Sơn
Thứ năm ngày 16 tháng 9 năm 2010 9:01 PM
Truyện ngắn
 
       Cô  M.C duyên dáng ngập ngừng tạo sự hồi hộp, rồi bất ngờ vút lên một thanh âm reo ca: “Và bây giờ… người đạt giải nhất… truyện ngắn hay năm 2009 toàn thành phố… là… là… là chị Ngô Thanh Hương! Xin quý vị cho một tràng pháo tay chúc mừng sự thành công của chị Ngô Thanh Hương! ”.
     - Xin kính mời đồng chí Vũ Thiên Anh- phó chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố lên trao bằng khen và tặng phẩm…
Hương trôi bồng bềnh trong cảm xúc ngập tràn hạnh phúc. Tuấn- chồng nàng ôm bó hoa ly rực rỡ lên tặng vợ. Bạn bè, các cây bút trẻ  ùa vây quanh, nhìn nàng vẻ thán phục, ngưỡng mộ. Hương đảo mắt nhìn khắp một lượt tìm cô con gái yêu mà chẳng thấy Kiều Thương đâu. Rõ ràng, sáng nay Kiều Thương đã dậy sớm, trang điểm thật đẹp để mừng mẹ. Cả bố, cả mẹ đều là giáo viên văn, Thương lại đang theo học trường Đại học Văn hóa nên cả nhà đoán chắc thể nào mẹ cũng được giải nhưng thật không ngờ là đạt giải nhất.
  Một tốp phóng viên quay quanh, vây bọc nàng để ghi hình, phỏng vấn. Mắt nhìn xa xăm, giọng nhỏ nhẹ khiêm tốn, Hương  rưng rưng nói:
 - Tôi nghĩ: Muốn phản ánh được cuộc sống bình thường và vĩ đại  của những người sống ở quanh ta, ta phải thật sự gần gũi, cảm thông, xẻ chia với họ như bà con, anh em ruột thịt…
2.
 Loay hoay mãi mới khóa xong cổng, như có linh tính mách bảo, Kiều Thương vừa ngước mắt nhìn sang ô cửa sổ  nhà cụ Thoan bỗng thấy một cánh tay cụ vươn ra ngoài, chới với. Ngó đầu vào ô cửa, Thương thấy cụ khuỵu xuống mép giường, tay vẫn cố trườn dậy.Thương vội chay sang gọi mấy nhà hàng xóm phá cửa vào cứu cụ, nhưng thân thể cụ đã lạnh cóng. Chắc cụ ra đi từ trận mưa tầm tã đêm qua.
…Lúc ấy khoảng hai mươi tư giờ. Trong cơn mơ màng, Thương nghe như có tiếng gọi yếu ớt và tiếng đập cửa sổ của bà cụ hàng xóm. Thương gọi với sang phòng bố mẹ:
- Mẹ ơi! Hình như cụ Thoan gọi!
- Ngủ đi! Con mơ ngủ đấy! Mai còn có việc quan trọng! Mưa  gió sấm chớp thế này…
 Mắt díp lại. Cơn buồn ngủ ập tới! Thương trôi đi trong giấc mơ êm đềm. Cô thấy mẹ trong bộ áo dài màu phấn hồng, duyên dáng lên nhận giải thưởng…
Gục bên chiếc thành giường đóng bằng gỗ tạp, Thương nức nở:
 - Bà ơi! Mẹ con cháu có lỗi với bà…
3.
Gia đình Thương mới chuyển vào khu “vườn trong phố” được sáu tháng nay. Mẹ Thương mới bốn mươi chín tuổi nhưng đã xin nghỉ chế độ 132 để đầu tư thời gian, sức khỏe cho việc viết lách - một công việc mẹ hằng yêu thích. Mẹ mơ ước không chỉ dừng lại ở danh hiệu “nhà văn cấp thành phố”. Bán căn nhà mặt phố, bố đã chọn cho mẹ một khu nhà vườn thoáng đãng, không khí trong lành.
Vừa chuyển nhà được hôm trước, hôm sau mẹ đã tranh thủ thời gian đi thăm các gia đình hàng xóm. Mẹ bảo hai bố con:
- Buổi chiều, hai bố con cứ tham gia thể thao, mình ăn cơm muộn một chút…
để em giao lưu với hàng xóm. “Bán anh em xa, mua láng giềng gần” mà!
Cả xóm ai cũng quý gia đình Thương, nhất là mẹ. Mẹ dịu dàng, khiêm tốn. Nghỉ hưu non, mẹ được thanh toán thêm khoảng tám chục triệu. Mẹ thuê người xây hòn non bộ đẹp y chang cảnh phim Hồng Lâu Mộng, rồi trồng hoa, nuôi chim… Về hưu, nhiều người - nhất là những người có chút chức quyền thường lâm vào tình trạng chơi vơi, hụt hẫng… Mẹ thì ngược lại, ngày càng trẻ đẹp, vui tươi, duyên dáng… Những cuộc giao lưu thăm bà con hàng xóm láng giềng là đề tài cho mẹ viết những truyện ngắn mùi mẫn hoặc dí dỏm, mang tính tư tưởng và tính giáo dục cao - dạng bài dễ được đăng trên trang Văn nghệ Thành phố. Nhân vật chính mẹ viết trong truyện ngắn  mang tựa đề: “Đẹp” dự thi đợt này lấy nguyên mẫu từ bà Thoan - người đàn bà cô đơn đã để lại tuổi thanh xuân và mối tình duy nhất ở chân đỉnh Trường Sơn.
… Bà Thoan gặp được mẹ thì vui như gặp được tri âm tri kỷ. Bao tâm tư, buồn tủi suốt mấy chục năm qua dồn nén trong lòng bà tuôn trào kể hết với mẹ. Mẹ lắng nghe chăm chú, khích lệ. Kiều Thương luôn thán phục và tự hào về mẹ…
Khi đã có đủ tư liệu viết một truyện ngắn dự thi, mẹ đóng cửa im ỉm ngồi viết. Nhưng bà Thoan thì lại khác, một ngày không gặp mẹ là bà bứt dứt ăn không ngon, ngủ không yên. Bà tìm đủ mọi cớ để được gặp mẹ, để con cà con kê đủ thứ chuyện trên đời… Lúc  đem cho mẹ mấy củ khoai, lúc bà sang mượn báo… ban đầu mẹ còn cố kiên nhẫn, lịch sự tiếp chuyện bà… rồi lo viết kiếm thêm nhuận bút, lo chuẩn bị bài đi trại viết , rồi tham dự các cuộc thi thơ, truyện và ký từ trung ương đến cơ sở…gần đây mẹ còn tham gia nhóm sưu tầm văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số…Mẹ tỏ ra bận rộn thái quá, khiến bà Thoan cũng phải đứng vậy ra về: “Tôi về xem cái con mèo đen nó chạy đâu?” - Bà nói.giọng rụt rè, ngượng nghịu…
- Hàng xóm ơi!
Bà Thoan đứng ngoài cổng, gọi í éo…
Kiều Thương đon đả:
- Cháu mời bà vào nhà cháu chơi! Chắc giờ này mẹ cháu chưa đi chợ…
- Thôi đừng gọi mẹ nữa, cứ để yên cho mẹ viết cháu ạ… Bà vào chơi bây giờ e làm mất mạch cảm xúc của mẹ cháu…
“Mạch cảm xúc”? Kiều Thương há hốc mồm nhìn bà già hàng xóm nom khắc khổ, quê kệch… Không ngờ bà dùng được từ ngữ văn hoa như thế!
- Tôi chỉ muốn hỏi lại mẹ cháu: Nếu truyện này được gửi đi, tôi có hy vọng tìm lại được những người thân trong gia đình anh ấy không?
“Anh ấy”- bà nói về người yêu đầu tiên, duy nhất đã hy sinh cách đây hơn 40 năm với một âm sắc nhẹ và sâu lắng, da diết lạ thường…
Cuộc nói chuyện cuối cùng giữa Kiều Thương và bà Thoan mới cách hôm nay có 2 ngày…
Mãi sau này, cô và mẹ cô mới biết:
Bố mẹ, các em trai, em gái của bà Thoan đều ra đi trong trận B52 Mỹ ném bom Khâm Thiên - Hà Nội.
Lúc đó -Thoan, cô nữ sinh năm thứ hai trường Đại học sư phạm Hà Nội đang cùng bao bạn trẻ mở đường ra tiền tuyến…
Lúc đó, mẹ Kiều Thương mới  học lớp 4 ở một tỉnh miền núi heo hút và lạc hậu.
Lai Châu, ngày 16/9/2010
B.T.S