Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Trong nhà có sẵn ngọc quý, đừng tìm đâu xa

TS. Nguyễn Trọng Bình
Chủ nhật ngày 25 tháng 1 năm 2009 5:34 AM

Đức vua Trần Nhân Tông có câu thơ gia trung hữu bảo hưu tầm mịch (Trong nhà có sẵn ngọc quý, đừng tìm kiếm ở đâu xa). Chân lý ấy, tưởng cũng nên được nhắc lại trong chặng đường phát triển tiếp theo của dân tộc - chúng ta phải mạnh lên bằng chính nội lực của mình. 
 Trần Nhân Tông và bài học tư tưởng giải phóng nội lực
 
Thời thơ ấu, mỗi độ xuân về dù gia đình vất vả lao động quanh năm để mưu sinh, cha mẹ luôn cố gắng để may cho con trẻ một tấm áo mới. Tấm áo vừa với cơ thể của trẻ hơn, vừa là niềm vui đón xuân mới.
Tiếp nối từ năm 2008, năm nay 2009 VN vẫn còn duy trì vai trò và trách nhiệm của mình với quốc tế trong Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và tiếp nhận thêm vai trò chủ tịch ASEAN từ Thái Lan để điều hành tổ chức này. Như vậy là trong những năm qua, Việt Nam đã và đang đạt được những thành quả, tạo được một  tư thế quốc tế quan trọng, như cậu bé Phù Đổng vươn vai đứng dậy.
Để củng cố tư thế đó, Việt Nam cần phải có (thực) lực! Đó chính là sự củng cố nội lực để có thể phát triển bển vững dựa trên trí tuệ của toàn dân tộc là chính và tiếp thu những cái mới cùng sự hỗ trợ của bè bạn năm châu. Chúng ta cần dám nhìn thẳng vào sự thật để dẹp bỏ những khuyết điểm đang vướng mắc và thay bằng những giải pháp hữu hiệu là điều cần thiết. 
Ảnh: vietnet.no

Có nhiều nguyên nhân để cắt nghĩa cho những yếu kém mà báo chí thường nhắc đến: giáo dục, các chương trình liên quan đến việc công nghiệp hoá/hiên đại hoá, sự tham gia đóng góp tri thức khoa hoc kỹ thuật và giải trừ vấn nạn tham nhũng là những thử thách lớn  của đất nước.
Nhưng có lẽ vướng mắc cơ bản nhất vẫn là trong cơ cấu tổ chức từ những đơn vị nhỏ cho đến tập hợp các đơn vị cao hơn theo hình cấu trúc kim tự tháp, nếu ví như một ban nhạc giao hưởng, ta thấy thiếu hẳn sự điều phối một vị nhạc trưởng, đặc biệt là một vị nhạc trưởng có tài, có khả năng và có trách nhiệm với công việc. Thiếu vai trò và trách nhiệm của vị nhạc trưởng này, các nhạc công chơi nhạc tuỳ thích sẽ xảy ra tình trạng hỗn loạn trồng đánh xuôi, kèn thổi ngược.
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, chúng ta đã từng ghi lại, nhân dân ta đã từng nhiều lần tổ chức những cuộc kháng chiến dành độc lập vĩ đại và đã đạt những kết quả thần thánh rạng ngời trong lịch sử nhân loại. Lịch sử cận đại với hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh nhịp trước ban nhạc Việt Nam trong bài ca kết đoàn là hình ảnh khẳng định khả năng làm nhạc trưởng của người Việt Nam mà thế hệ con cháu ngày nay cần phải học tập.
Không nên nhầm lẫn sự hỗn nhịp của đất nước là do những nhạc công không điều khiển được nhạc cụ, hoặc không đủ nhạc công (chuyên gia) mà nguyên nhân chính là ban nhạc thiếu hẳn vị nhạc trưởng có khả năng điều phối và có trách nhiệm tạo ra những dòng nhạc đậm tình dân tộc.
Trong công nghiệp sản xuất, đất nước còn nghèo, người nông dân sản xuất những sản phẩm nông nghiệp vẫn chưa được hưởng đẩy đủ những thành quả tạo ra và hưởng lợi ích từ những tri thức khoa học như những quốc gia khác trong khu vực đang áp dụng.
Cụ thể là những sản phẩm nông nghiệp làm ra từ lao động cực nhọc của nông dân có những lúc rất phí phạm như sản phẩm dầu sinh học tử cây Jatropha sản xuất ra không có đầu ra hoặc sữa bò tươi sản xuất ra không có nơi bảo quản (ở nhiệt độ thấp) và phân phối kịp thởi để phải đổ làm phân bón, sữa đổ trắng mương! Bò sữa phải bán làm bò thịt.
Những thông tin trên báo như vậy cho thấy người tổng chỉ huy các công trình này không có hoặc có mà không làm tròn trách nhiệm!
Nhìn về giáo dục, có những điểm còn yếu kém như nhiều ý kiến đã nêu qua báo chí trong và ngoài nước khá chính xác, nhưng chúng ta không thể phủ nhận những thực tế các sinh viên và chuyên gia VN khi ra nước ngoài học tập hoặc trao đổi khoa học, kỹ thuật đều theo kịp được và đóng góp rất tốt vào giáo dục, khoa học kỹ thuật nơi họ làm việc.
Hiện nay tại các nơi trên thế giới những Việt kiều (thế hệ thứ nhất)  thành đạt trong ngành giáo dục (Đại học) và khoa học công nghệ phần lớn là những người đã được học tập và đào tạo tại VN. Phải chăng vì thiếu nhạc trưởng có tài mà chúng ta không phát huy được khả năng của các chuyên gia do chúng ta đã đào tạo? Mà khi những chuyên gia này ra ngoài làm việc lại thành đạt.
Trong nghiên cứu khoa học tuy có một số những phát minh có  ý nghĩa nhưng nằm ngủ trong ngăn kéo hồ sơ lưu trữ, không đựơc đưa đi xin bản quyền, đưa ra nghiên cứu sản xuất (Developmental Research)  đóng góp cho phát triển kinh tế, hoặc phát biểu quốc tế. Phải chăng vì không có nhạc trưởng điều phối cho những kết quả này thăng hoa?
Vì vậy, trước mắt, quan trọng hơn cả có lẽ chúng ta phải biết tự đánh giá lại khả năng mình đang có, gia trung hữu bảo hưu tầm mịch (Dịch nghĩa: Trong nhà có sẵn ngọc quý, đừng đi tìm kiếm ở đâu xa,tho Trần nhân Tông). Từ đó để phát huy và nhanh chóng bổ sung những gì yếu kém, phải thay đổi và tiếp thu những tiến bộ từ bên ngoài hầu nhanh chóng hoàn chỉnh và hiện đại hoá ngành giáo dục, để nâng cao khoa học kỹ thuật, góp phần vào việc phát triển kinh tế bền vững.   
Để truy tìm những ưu điểm, và những yếu kém, vai trò của báo chí, truyền thông rất quan trọng, được ví như những giác quan  giúp bộ óc nhận chân được sự thật. Đó chính là việc dám nhìn thẳng vào sự thật để đánh giá và tìm ra giải pháp để nâng cao giá trị cuả cuộc sống .
Việc đưa được những người tài vào đúng vị tri điều hành đó chính là việc giúp cho ban nhạc giao hưởng có được vị nhạc trưởng xứng tầm và đó cũng chính là tấm áo giáp cho Thánh Gióng Việt Nam.