Trang chủ » Truyện

HAI TRUYỆN NGẮN CỦA HUỲNH VĂN ÚC

Huỳnh Văn Úc
Thứ hai ngày 4 tháng 10 năm 2010 10:10 PM
TNc: Tôi nhận được chùm truyện ngắn của bác Huỳnh Văn Úc đã lâu. Do nhiều bài nên đã lưu trong laptop mà quên mất. Hôm nay bất ngờ tôi tìm thấy và đọc. Tôi không ngờ đó là những truyện rất xúc động, nỗi niềm mà bác Úc, môt cựu chiến binh, đã ghi lại. Xing giới thiệu cùng các bạn. Xin Bác Úc cho Trần Nhương số điện thoại và địa chỉ để liên hệ. Gửi qua email truongnhan_hnv@yahoo.com

Huỳnh Văn Úc, sinh năm 1936, quê Bồng Sơn, Hoài Nhơn, Bình Định. Nhập ngũ 1955.
 Vào Đảng CSVN 1965. Về hưu 1989. Nguyên giảng viên Học viện Kỹ thuật quân sự.
 
ĐỪNG ĐỐT
 
 
Hoàng hôn buông xuống làm cho ánh lửa bập bùng trước sân ngôi nhà ba tầng ngả sang màu vàng sẫm. Khi những nén hương trên bàn thờ bắt đầu tàn, người ta ném vào lửa chăn và chiếu mà ông Ban đã dùng. Theo phong tục hay một niềm tin nào đó, cũng có thể do lời khuyên của thày bói hay thầy cúng, sau lễ cúng ba ngày, con cháu mang đi thiêu hoá những vật dụng mà người quá cố đã dùng rồi mang tro rắc xuống sông. Ông Ban mất đến hôm nay đã được ba ngày. Tôi và con trai cả của ông là bạn đồng học, sự học hành của anh hanh thông và thành đạt, trên thư từ giao thiệp hay công văn trước tên của anh là những từ viết tắt PGS.TS để chỉ học hàm học vị. Tôi bâng khuâng ngắm nhìn ngọn lửa và suy nghĩ miên man về kiếp người, khi đã ngoài sáu mươi tuổi thì thời gian còn lại trên cõi đời tính bằng năm, bảy mươi tính tháng, tám mươi tính ngày. Vậy mà tin ông Ban ra đi ở tuổi tám mươi mốt đối với tôi vẫn là đột ngột, vì tháng trước đến chơi nhà ông vẫn còn khoẻ, còn cho tôi xem tập thơ, những vần thơ ông viết ra khi cao hứng. Thơ ông làm, đa số theo thể lục bát; suốt đời mê mải làm thơ/tìm câu lục bát ngẩn ngơ gieo vần; đề cập đến cuộc sống và chiến đấu của người lính, đến những sự bâng khuâng của tuổi già khi nhớ lại những kỷ niệm xa xưa; có đôi câu tôi vẫn còn nhớ, chẳng hạn tả hai người lính cùng quê gặp nhau trên đường ra trận : thân nhau từ độ chăn trâu/đường ra trận lại gặp nhau giữa rừng. Thơ ông viết về lính vì ông là một người lính, hơn nữa là một chiến sĩ Điện Biên, một lão chiến sĩ mà tôi hằng kính trọng. Vì quý ông nên năm ngoái, trong ngày mừng ông thọ tám mươi tuổi, dù trình độ thơ thẩn của tôi hãy còn lẩm cẩm nhưng tôi cũng viết mừng ông bài thơ chúc thọ, tôi còn nhớ mấy câu: “chúng tôi là những kẻ hậu sinh/hôm nay quây quần vui mừng chúc thọ/tám mươi tuổi vàng ngày vui rạng rỡ/con cháu đông vui, đất nước hoà bình”. Tôi đọc thơ và nghe kể về những ngày đơn vị ông bao vây, đào chiến hào, đánh lấn, bắn tỉa trong cuộc chiến đấu giằng co quyết liệt giữa ta và địch để giành nhau từng thước đất ở đồi C1, một vị trí án ngữ cửa ngõ phía đông Mường Thanh. Cuối tập thơ là lời những bài hát một thời vang lên trên chiến hào và đường ra trận được ông chép nắn nót bằng những hàng chữ rắn rỏi, này đây là Trên đồi Hin Lam:
Hôm qua đánh trận Điện Biên chiến hào xuất kích đồi Him Lam ta tiến vào đột phá tung thâm ta đánh vào. Đi mở đường thắng lợi ba tháng đổ mồ hôi ta tới đây quyết diệt cho hết quân thù…
còn đây là Hò kéo pháo:
Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo.  Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua núi. Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi. Vực sâu thăm thẳm vực nào sâu bằng chí căm thù…
Lúc cao hứng ông còn mang ra khoe với tôi những kỷ vật mà ông nâng niu giữ gìn như báu vật. Chiếc huy hiệu hình tròn nổi bật hình ảnh người chiến sĩ đội chiếc mũ nan trong tư thế xung phong, hàng chữ màu đỏ trên nền trắng “Xuân 1954” phía trên lá Quân kỳ Quyết Thắng và dưới cùng là hàng chữ “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” màu trắng trên nền xanh lá cây. Chiếc mũ đan bằng nan tre, nan mũ nhuộm màu thời gian đã ngả sang màu cánh dán, cốt mũ được lợp một lần vải màu xanh cứt ngựa đã bạc màu, quai mũ bằng ni lông màu nâu. Và chiếc ca sắt tráng men, chiếc bi đông, chiếc áo trấn thủ…những vật tưởng như vô tri vô giác nhưng đối với ông thân thiết biết bao!
Khi đứa cháu nội -một chàng trai khôi ngô tuấn tú với chiều cao gần mét tám- chạy từ trong nhà ra với tập thơ bìa đã ố vàng, tập thơ hôm nào ông đã khoe với tôi, trong lòng tôi đã thấy có cái gì đó bất nhẫn. Tập thơ được ném vào lửa, liệu ở cõi vĩnh hằng ông có nhận được nó để viết tiếp những câu thơ trút bầu tâm sự hay chăng? Rồi con dâu cả ông đi ra, trên tay là chiếc áo trấn thủ có cài huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ, chiếc mũ đan bằng nan tre, chiếc ca sắt tráng men, chiếc bi đông. Chị nói với chồng:
- Bố nó này! Của ông còn những thứ này đây! Hoá nốt nhé!
Tôi bất giác đưa mắt nhìn anh PGS.TS đáng kính một thời là bạn học. Có lẽ anh không để ý đến cái nhìn của tôi, nhìn vợ, khẽ gật đầu.
Tôi rời đám giỗ ông Ban với một tâm trạng nặng nề. Tôi tự trách mình, ngay tại thời điểm thằng cháu nội ông chạy từ trong nhà ra với quyển vở chép thơ trên tay, tại sao tôi không đủ tỉnh táo và can đảm để nói với nó, với cha mẹ nó:
- Đừng đốt!
Hà Nội 2010
 
2- Chuyện cổ tích thời nay
 

Ngày xửa ngày xưa, có hai chị em cùng cha khác mẹ là Tấm và Cám. Khi cha mất Tấm sống với dì ghẻ là mẹ của Cám. Một hôm bà mẹ bảo hai chị em Tấm và Cám ra đồng bắt cá. Bà mẹ dặn : Hễ đứa nào bắt được nhiều cá sẽ được thưởng . Ra đồng Tấm siêng năng và quen làm việc nên bắt được nhiều hơn, Cám biếng nhác nên không được con nào. Trên đường về nhà Cám tìm cách đánh lừa Tấm. Ngang chỗ ao kia Cám nói với Tấm :
- Chị Tấm ơi chị Tấm. Đầu chị lấm, chị xuống ao kia tắm về khỏi bị rầỵ
Tấm tin là thật, để giỏ cá nhờ em coi, lội xuống ao gội đầu. Trên bờ Cám trút giỏ cá của Tấm vào giỏ mình rồi chạy về nhà trước. Khi Tấm bước lên thì giỏ cá không còn. Tấm ngồi Tấm khóc, có Bụt hiện ra hỏi :
- Làm sao con khóc…
Vì tin rằng ngày nảy ngày nay, Bụt vẫn thiêng lắm nên quan bà biện một cái lễ giải hạn, tam sinh lễ vật trầu cau cùng các thứ hoa quả để chật trên điện thờ, khói hương nghi ngút, chuông mõ vang rền, bùa đỏ chữ đen, bùa đen chữ đỏ dán khắp trong ngoài. Đám con cháu dâu rể cũng thành tâm khấn vái, khiến cho Bụt thương tình và nương theo khói hương đến nhà tạm giam để thăm hỏi quan ông:
- Làm sao con khóc? Chúng bắt giam con vì tội gì?
- Lạy Bụt, từ ngày vào trại tính đến nay đã gia hạn tạm giam mấy lần rồi, vì hai tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.”
- Con có nghĩ là mình bị oan ức không?
Người ta có thể lừa dối dư luận, qua mặt cơ quan điều tra nhưng không thể nói dối Bụt được điều gì, Bụt biết hết, nói dối Bụt là phải tội. Trong thâm tâm quan ông cũng tự biết những tội mình đã phạm gây thiệt hại cho công quỹ bao nhiêu, túi mình và vây cánh nặng thêm được bao nhiêu, nhưng cứ nghĩ đến cái đoạn ra đứng trước Toà nhận bản án, công danh sự nghiệp bấy lâu gây dựng đổ hết xuống sông xuống biển, lòng quan ông đau như cắt, nước mắt đầm đìa. Quan ông thưa với Bụt, giọng nhẹ như hơi gió:
- Lạy Bụt, con chỉ dám kêu oan với người trần mắt thịt chứ với Bụt thì con không dám, các tội danh nêu trong quyết định khởi tố bị can đều đúng cả đấy ạ.
- Chỉ có hai tội thế thôi ư ?
Biết là không thể giấu Bụt được điều gì nên quan ông thành khẩn tự phê bình:
- Lạy Bụt mớ bái, còn một vài khuyết điểm nho nhỏ thuộc phạm vi sinh hoạt, con xin kể hết ra đây để Bụt soi xét. Một lần con cùng đàn em đến hát karaoke có “tay vịn”, chủ nhà hàng đổi tay vịn liên tục, nhưng cô thì con chê chân không dài, cô thì con chê thô, cô thì da không trắng mà lại có màu bánh mật, có bao nhiêu tay vịn chủ nhà hàng đã gọi hết rồi mà con chưa vừa ý, cáu quá, con thưởng cho chủ nhà hàng một trận đòn vì cái tội không biết kinh doanh và xem thường Thượng đế rồi mượn tạm của nó mấy chiếc răng.
- Những chuyện ấy bây giờ đã thương mại hoá, thuận mua vừa bán, ăn bánh trả tiền, có tiền con mua tiên cũng được, huống hồ ba cái đồ tay vịn nhãi ranh, vì vậy xét một cách toàn diện không có gì đáng ngại. Chỉ ngại con hay đi ăn bánh, ăn phở mà vợ con nó biết thì…
- Thì không việc gì, thưa Bụt! Thuở con còn hàn vi, quả thật vợ con cũng hay gầm gừ như sư tử Hà Đông, nhưng từ ngày con thăng quan tiến chức rồi tiền của chảy về nhà như nước mụ ấy đã được thuần hoá, bây giờ ngoan ngoãn, hiền lành và dễ thương như mèo con. Hơn nữa từ ngày xưa cụ Tú Xương đã có thơ rằng:
Một trà, một rượu, một đàn bà,
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta.
Bỏ được thứ nào hay thứ ấy,
Có chăng chừa rượu với chừa trà.
Bây giờ Bụt bảo con bỏ cơm thì con có thể nghe, chứ bỏ ba cái thứ lăng nhăng như bánh và phở thì con xin chịu, con ăn bánh ăn phở quen miệng mất rồi.
- Thế còn gì nữa ?
- Ấy! Lạy Bụt, con không hiểu tại sao những trò ăn chơi vui vẻ của bọn con lại bị đồn thổi trong dân gian nhiều đến thế: nào là người tình của con còn đang tuổi vị thành niên, nào là bọn con bắt các tiếp viên trẻ đẹp đứng hầu sòng bài, trên người chỉ được phép mặc một chiếc quần lót mỏng tang để khách được bạc nhét tờ trăm đô vào đấy, còn khách thua thì bị phạt bằng cách …ngậm đầu nhũ hoa của tiếp viên đứng gần nhất. Chuyện trong thâm cung như vậy, không hiểu bằng cách nào bị lọt ra ngoài?
- Chuyện ấy có Trời biết, ta biết, con biết, và bọn phóng viên biết…
- Cái lũ phóng viên chết tiệt, ngày con bị công an dẫn giải từ trong nhà riêng ra thì thằng leo cột điện, thằng đứng nóc ô tô, thằng chen nhau dưới đất, thằng nào cũng lăm lăm máy ảnh trong tay.
- Cái lũ phóng viên bắng nhắng ấy, thế nào cũng có ngày ta bẻ giò vài thằng, thằng nào leo cột điện ta bẻ trước, vứt nó xuống đất! Còn về phần con, có tội cứ lội xuống sông/bao giờ hết tội thì con lên bờ.
Trong giấc điệp mơ màng quan ông thấy mình lội xuống sông, và kỳ lạ thay, hết lo, hết nghĩ, trong lòng khoan khoái, đánh một giấc dài cho đến tận nửa buổi hôm sau. Sau buổi ăn trưa thì có lệnh từ trên đưa xuống, đình chỉ điều tra đối với quan ông. Tội “cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” thì đình chỉ điều tra, tội “ lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn khối tài sản khổng lồ mà quan ông đang có là do chịu thương chịu khó, bóp mồm bóp miệng, nếm mật nằm gai mà tích luỹ nên, không phải cứu xét. Đến đầu giờ chiều quan ông thảnh thơi bước ra từ trụ sở Viện Kiểm sát Nhân dân, nụ cười nhẹ nhàng, quần áo bảnh bao, phong thái điềm tĩnh, nhận bó hoa tươi của người thân rồi đĩnh đạc đếm bước ra ô tô.
Lại nói về bọn phóng viên, may cho bọn chúng, không có tên nào bị Bụt bẻ giò, chỉ có một số tên bị bẻ bút, nghĩa là rút thẻ nhà báo- xét cho cùng thì bẻ bút đau hơn bẻ giò- nhiều tên trong số đó đang đảm nhận những chức vụ quan trọng như Phó tổng biên tập, Tổng thư ký Toà soạn, Trưởng Văn phòng đại diện…
Buổi tối sau khi cơm nước xong, đứa con gái đang học lớp 4 giở chuyện cổ tích Tấm Cám ra đọc, còn mụ vợ tôi chuyện nọ dây thành chuyện kia, kể cho tôi nghe câu chuyện cổ tích thời nay, nhờ Bụt mà một quan ông thoát được đại nạn trong gang tấc như thế nào. Thấy tôi ngồi nghe câu chuyện mà không tỏ vẻ kính cẩn, ngược lại trên môi lại nở nụ cười ra tuồng chế giễu, mụ lừ mắt:
- Cười cái gì? Liệu cái thần hồn! Ông tưởng cái ghế Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường của ông vững chãi lắm đấy à? Cái thằng Trưởng phòng Quản lý đất đai dưới quyền ông lấy đất của dân phân lô bán nền, rồi giải toả, đền bù, khiếu kiện, đơn từ của dân oan cứ gọi là chất thành núi, ông cứ tưởng dễ nuốt trôi lắm hẳn? Tôi đã bảo có thờ có thiêng, có kiêng có lành, rằm mồng một ăn chay niệm Phật rồi đi lễ chùa để Bụt phù hộ cho, ông không nghe mà cứ cười, sợ rồi đến lúc muốn cười cũng không có sức đâu mà nhăn răng ra được!
Hà Nội-2008