Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NƠI XA XANH ẤY CÓ MỘT NGƯỜI TÔI NHỚ…

Nguyễn Thị Hồng
Thứ sáu ngày 31 tháng 12 năm 2021 9:07 AM



( một nén tâm nhang thắp lên hương hồn nhà thơ Trúc Thông- Thương quí tặng em Đỗ Minh Nguyệt và các cháu Linh- Vân)

Các anh chơi với nhau một hội từ lâu lắm, từ giữa những năm 50 của thế kỷ trước, lúc các anh mới mười lăm, mười bẩy tuổi.Từ anh Tạ Đức Phương ở Hải Phòng, rồi anh Hoàng Quốc Hải lúc đó cũng ở Hải Phòng, anh Tô Hà cũng ở Hải Phòng lên… tất cả đều là người tứ xứ đến Hà Nội, chỉ có anh Trúc Thông là có nhà ở Hà Nội, nhà dù nhỏ cũng vẫn là có nhà, có mẹ, có chị lo cho , nên các anh đều chụm lại nhà anh. Bà cụ anh Trúc Thông coi các anh như con, chăm lo cho từng tí. Anh Hoàng Quốc Hải kể khi anh ấy đi làm báo ở Quảng Ninh nửa đầu những năm 60, bà cụ làm ruốc, làm hành muối cho anh Trúc thông đem xuống tận nơi cho anh Hải. Cụ bảo anh Hải ở vùng mỏ kham khổ lắm. Khi anh Hoàng Quốc Hải chuyển từ báo Vùng mỏ về Hà Nội năm 1966 chưa có chỗ ở, cụ đã cho về ở nhà cụ 6 tháng trời cho đến khi có chỗ ở 90 Thợ Nhuộm của trụ sở Hội Văn nghệ Hà Nội. Rồi cái đận năm 1975 anh Hoàng Quốc Hải lấy vợ, tối hôm trước đám cưới, anh Trúc Thông phải đến 90 Thợ Nhuộm, đèo anh Hải về nhà mình ngủ, vì chỗ ở của anh Hải chỉ vỏn vẹn có 9 mét vuông, là tầng hầm của nhà Bảo tàng Trần Phú, lại phải làm chỗ qua đêm cho hai bên nội ngoại, bạn bè từ tỉnh xa về dự đám cưới. Anh Trúc Thông bảo phải bảo vệ sức khỏe cho chú rểnên đã có sáng kiến như vậy. Bây giờ người ra đi, người còn lại đều đã ngoài 80. Suốt cuộc đời, các anh đã dành cho nhau tình thân quí, sự quan tâm kể cả lúc còn độc thân cho đến lúc lập gia đình, có vợ con cho đến khi con cái trưởng thành. Riêng với tôi, hình như nhà thơ Trúc Thông còn dành cho một sự quan tâm riêng nào đấy, có lẽ là vì cùng “ nòi thơ” với anh chăng.

Nói một cách nào đấy, anh là người “dẫn dắt “tôi vào nghiệp thơ. Chuyện là thế này. Dạo ấy, vào năm 1983, trong một chuyến đi công tác dẫn một số nhà văn đi Tây Nguyên viết sách cho Nhà xuất bản Phụ Nữ là nơi tôi làm việc. Vì đi với các nhà văn nên tôi cũng lây máu sáng tác. Lúc về, tôi có một bài bút ký và một chùm thơ. Tôi nhớ bài bút ký có tên “ Y- A - Ma nỗi nhớ của tôi” viết về một bản người Ba-na . Bạn tôi là Đỗ kim Tỉnh đem về đọc ở Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam.Tỉnh còn cứ trêu tôi giá mà Hồng thêm vào là Y-A- Ma- Ha có phải tốt hơn không, bởi vì Y-A- Ma –Ha lúc ấy là thương hiệu nổi tiếng xe máy của Nhật đang được ưa chuộng. Còn chùm thơ tôi chỉ khoe với anh Hải và Tỉnh. Thế rồi Tỉnh đem đến Ban Văn nghệ nhà Đài khoe các anh, lúc đó có các nhà thơ Trúc Thông, nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà thơ Bùi Vợi làm ở đó. Rồi anh Trúc Thông lặng lẽ đem chùm thơ của tôi gửi dự thi cuộc thi thơ của Tạp chí văn Nghệ quân đội lúc bấy giờ. Chùm thơ có bài “Lời tượng nhà mồ” , bài “Bình dị” và bài thơ tình “Lá cỏ”. Thế rồi mọi người biết đến một bút danh lạ hoắc Nguyễn Thị Hồng , mọi người đặc biệt thích bài “Lời tượng nhà mồ”, nhưng bài được giải thưởng của cuộc thi lại là bài “ Bình dị” ca ngợi chiến tranh nhân dân của người phụ nữ Tây Nguyên. Tất cả những chuyện đó sau này tôi mới biết vì chính bản thân tôi không hề biết có cuộc thi và không tự mình gửi bài dự thi. Giải thưởng đó đã như một cú hích giúp tôi có bè có bạn trong làng thơ và thêm nhiệt huyết với “chàng thơ”. Sau này anh luôn theo sát con đường thơ của tôi, chia sẻ, động viên hoặc nhẹ nhàng góp ý. Anh là người toàn tâm toàn ý với văn chương nên anh cũng yêu cầu người thân của anh điều đó. Một lần anh đến nhà tôi, ngôi nhà hiện giờ chúng tôi đang ở, còn dạo ấy thì mới dọn về. Anh đến tình cờ và thấy nhà tôi tiệc vừa tàn, rõ là có sự đãi đằng bạn bè hoành tráng. ( anh Hải có tính hiếu khách từ khi còn độc thân, khi có gia đình riêng lại càng có cớ bạn bè gần xa ba miền tụ họp). Thế là anh Trúc Thông nghiêm giọng “chỉnh đốn” cho hai chúng tôi một “trận”. Thật ra là anh khuyên: bây giờ hai bạn đã làm được cái nhà khang trang, có chỗ ở đàng hoàng rồi, phải biết dồn thời gian cho việc viết lách, sáng tác, đừng đãi đằng thái quá lãng phí thời gian. Phải biết tiết kiệm thời gian cho văn chương. Chúng tôi thấy anh nói thật chí lý, chí tình chí nghĩa. Nhưng cho đến bây giờ cái tính thích tụ họp đãi đằng đã thành tật cố hữu của chúng tôi rồi, thật có lỗi với anh, thôi thì cuộc đời này vui là chính mà anh ( mà anh nói thế chứ anh cũng có đến một nghìn người bạn chứ không ít ạ.)

Tôi nhớ năm 2001, trong đoàn dự Trại sáng tác của Hội Nhà văn Hà Nội, có anh Trúc Thông , anh Vân Long , Trương Ngọc Lan, tôi vàmột số người khác…. Tôi có đem theo tập thơ mới in và tặng anh. ( tập thơ in chung với một người bạn, tôi chỉ có khoảng 20 bài lấy tên là “Những bông hoa thiên sứ”). Anh đọc ngay và thích, rồi anh viết một bài bình nói chung là “tuyên dương’( mà được anh tuyên dương về thơ là hơi khó đấy). Rồi anh còn đem in lên báo Văn Nghệ vào đúng ngày kỷ niệm của giới phụ nữ, như một món quà tặng cho nữ đồng nghiệp của mình. Nhưng tôi xúc động nhất chuyến đi ấy là một kỷ niệm , một bài thơ anh viết tặng tôi, sau này anh đã in vào Tuyển tập thơ Trúc Thông. Chẳng là anh và tôi đều trải qua những năm tháng học Đại học ở Đại Từ, Thái Nguyên. Anh học trên tôi một khóa nhưng chúng tôi ăn chung một nhà ăn và lớp học cũng chỉ cách nhau vài trăm mét. Chúng tôi biết nhau hết. Đó là những tháng năm gian khổ khi chúng tôi phải đi rừng chặt nứa làm lấy nhà ở, làm lấy lớp học và ăn uống thì rất kham khổ. Cả nước thế mà. Thời chiến mà. Nhưng bù lại, đó là những tháng năm rực rỡ của tuổi trẻ, chúng tôi rất trẻ và đều yêu văn chương, lại được tiếp thu khối tri thức văn học đồ sộ trong nước và thế giới từ các giáo sư, giảng viên, từ kho sách vô cùng quí giá của thư viện Khoa. Nơi chúng tôi sơ tánlại rất thơ mộng, thung lũng thì tên là thung lũng Xanh vì quanh năm xanh ngắt bởi cây cối hoa trái. Con suối chảy qua thì có tên Suối Đôi. Dãy núi bao quanh thì có tên núi Tương Tư. Phía xa xa là dãy Tam Đảo xanh mờ… Thật hợp cho những tâm hồn yêu văn chương mơ mộng. Và tuổi chúng tôi mới mười tám đôi mươi, tuổi của những mối tình đầu, hầu như ai cũng có và tôi không ngoại lệ. Dạo đó ai yêu ai các bạn cùng khoa đều biết hết. Và anh cũng biết rõ về mối tình đầu của tôi, một mối tình rực rỡ như tuổi đôi mươi vậy. Trong đợt đi trại sáng tác ở Tam Đảo đó, có một buổi chúng tôi đi dã ngoại. Khi đã trèo lên Đài Truyền hình, chúng tôi đi xuống một thung phía sau. Thật bất ngờ, trải ra trước mặt chúng tôi chính là mảnh đất nơi trước kia khoa Ngữ văn chúng tôi từng sơ tán. Nào là Hồ núi Cốc, nào là núi Văn núi Võ, nào là thung lũng Xanh Vạn Thọ và nhất là ba ngọn núi Tam Đảo sừng sững trước mặt mà ngày trước khi ở nơi sơ tán chúng tôi chỉ nhìn thấy xanh mờ…Tôi choáng ngợp với rất nhiều cảm xúc, quả thật như bất ngờ gặp lại mối tình đầu mà từ khi ly biệt chưa một lần hội ngộ. Chắc là trên gương mặt tôi đã hiện ra tất cả cảm xúc ấy cùng những tiếng kêu nghẹn ngào… điều đó đã lọt hết vào mắt anh, cảm nhận của anh, và anh đã thấu hiểu những gì đang diễn ra trong tâm hồn người bạn học, người bạn thơ của mình. Hôm sau anh đưa tặng tôi bài thơ :

Trúc Thông

GẶP XƯA

Tặng bạn thơ Nguyễn Thị Hồng

dải đường lượn đỏ au như chưa từng ngót bốn mươi năm

ba đỉnh núi vẫn mềm bài ca cũ

nhà thơ đấy- nhà thơ muôn thuở

nghe xa xưa dội lại tim mình

gió cứ thổi suốt con đường rợp bóng

cây với tiếng chim dành hết cho người

xa xót lẩn tận đâu miền cay đắng

bao lạ lùng vẫn gọi phía xa xôi…

Sau đấy vài năm, vào năm 2006, nhân kỷ niệm 50 năm thành lập khoa Ngữ văn, trong một bối cảnh tâm tư riêng, tôi đã làm bài thơ mang tên “Cánh chim đã ở cuối trời”, viết về cái thời xửa xưa đó. Khi bài thơ in trên Tạp chí Thơ, anh nhắn cho tôi rằng “ Bài thơ hay nhưng buồn quá”. Tôi ngầm hiểu anh nhắc nhở tôi rằng hãy cân bằng cảm xúc và cuộc sống. Tôi cảm nhận ở anh, một người anh cả về đời cả về nghề, lại là một người thân, anh vừa quan tâm theo dõi con đường thơ của tôi, lại vừa quan tâm cuộc sống gia đình của tôi với thiên chức người phụ nữ của gia đình bạn thân anh. Mấy năm nay tôi cứ muốn làm tuyển tập thơ cho mình, nhưng loay hoay mãi vẫn chưa thành. Tôi cứ lẩn thẩn nghĩ hay tại khi chưa lâm bệnh anh đã hứa với tôi là khi nào Hồng làm tuyển tập tôi sẽ viết giới thiệu cho. Rồi anh bị bệnh hơn chục năm nay… Từ khi anh lâm bệnh, mỗi lần cùng anh Hải lên thăm, chỉ thêm thương anh, thương Nguyệt, thương các cháu. Bây giờ anh đã nhẹ bước thang mây, nhớ anh nhiều, còn với Nguyệt thì thương nhiều, rất nhiều, nhiều lắm…

Nguyễn Thị Hồng