Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CÁC BẬC MINH VƯƠNG NƯỚC TA CHIÊU HIỀN VÀ LẮNG NGHE SĨ PHU THẾ NÀO ?

Đắc Trung
Thứ ba ngày 20 tháng 4 năm 2021 8:20 AM


Giới sĩ phu (trí thức) vốn được coi là "nguyên khí quốc gia". Họ là tầng lớp ưu tú của xã hội, yêu nước nồng nàn, trung thành tuyệt đối với Tổ quốc và Nhân dân, lao động trí óc, học vấn cao (chứ không chỉ bằng cấp, học hàm học vị (thật chứ không dởm hoặc giả) cao. Khổng Thử, Lão Tử, Bác Hồ đều là các bậc minh triết nhưng có bằng cấp học hàm học vị gì đâu), phương pháp tư duy khoa học, tích lũy bề dày kinh nghiệm, đặc biệt luôn coi chức năng phản biện và dự báo tương lai là bổn phận. Vì thế, từ xưa đến nay, các bậc minh vương đều hết sức tôn trọng lắng nghe. Không bao giờ vô hiệu hóa trí thức. Bất kỳ thể chế chính trị nào chất lượng đào tạo - cập nhật thông tin - tự do tư tưởng và sáng tạo cũng là các yếu tố tạo ra sức mạnh của trí thức. Dù chỉ thiếu một thôi, trí thức cũng không thể phát huy tài năng và sức mạnh. Trí thức đã bị vô hiệu hóa thì làm sao trở thành "nguyên khí quốc gia", làm sao xây dựng nền kinh tế tri thức ở thời đại 4.0 này, làm sao "sánh vai với các cường quốc năm châu" (Bác Hồ)?

Một trong những tiêu chí để đánh giá bản chất một thể chế chính trị là thái độ đối với trí thức và đạo lý với các bậc khai quốc công thần. Tại sao hiền tài được coi là "nguyên khí quốc gia"? Vì họ là bộ óc của xã hội, đại diện cho dân trí cả quốc gia dân tộc chứ không chỉ một tổ chức chính trị nào, bởi thế rất cần phải tôn trọng và chiêu mộ. Nếu quản lý xã hội mà chủ trương một người có tội liên lụy cả ba họ, "lý lịch thiếu trong sạch" ba đời phải gánh chịu hậu họa; một người làm quan con cháu anh em cũng làm quan thì làm sao chiêu hiền đãi sĩ, sử dụng nhân tài được.

Triều Trần, đời Trần Thánh Tông, do công lao to lớn với đất nước, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn được nhà vua trao ông có quyền phong tước cho người khác từ "Minh tự" trở xuống, còn tước "Hầu" thì phong trước rồi tâu sau. Tuy nhiên, Hưng Đạo Đại vương không bao giờ sử dụng quyền đó phong tước cho ai dù là thân thích hay ruột thịt. Ngay cả lúc giặc vào cướp, ông huy động thóc gạo tiền bạc của người giàu nuôi quân đánh giặc. Nhưng sau đó để ghi công, ông cũng chỉ cho họ chức "Giả lang tướng" mà không cho "Lang tướng" thực. Chức quyền thực ông chỉ trao cho những ai có đức, có tài hết lòng vì nước vì dân và đủ khả năng quản lý điều hành xã tắc. Ông luôn biết giữ mình, rất khiêm nhường, không bao giờ cậy quyền lực, lạm dụng thậm chí lộng quyền, độc quyền kiểu hôn quân bạo chúa coi thường pháp luật chà đạp thậm chí đảo lộn kỷ cương phép nước. Cuối đời ông về nghỉ ngơi trong thái ấp tại Kiếp Bạc (Hải Dương).

Khi Hưng Đạo Đại vương lâm bệnh trọng, rời Kinh đô Thăng Long, vua Trần Anh Tông thân hành về tận tư dinh của ông thăm và xin được ông bày cho kế trị quốc. Nhà vua hỏi: "Chẳng may giặc phương Bắc lại sang xâm lược thì kế sách nên thế nào?". Ông trả lời: "... Vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức giặc phải bị bắt... Nó cậy trường trận, ta dựa vào đoản binh. Dùng đoản binh chế trường trận là sự thường của binh pháp. Nếu thấy quân nó kéo đến như lửa, như gió thì dễ chế ngự. Nếu nó tiến chậm như cách tằm ăn, không cầu thắng chóng, thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế, có được đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được. Vả lại phải khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy".

Nhà vua lĩnh hội trung ý của vị lão tướng khai quốc công thần, trí tuệ uyên bác và trân trọng tiếp thu. Ngài quả xứng là bậc minh vương. Điều ấy phần nào lý giải vì sao triều Trần đã đưa quốc gia Đại Việt tới chói lọi vinh quang.

Năm 1438, đời Lê Thái Tông, nhà vua có chiếu như sau:

"Mấy năm nay hạn hán, sâu bệnh liên tiếp xảy ra, tai họa luôn xuất hiện, nhiều lần sét đánh vào cây trước cửa Thái Miếu ở Lam Kinh. Cứ nghiệm xét những việc ấy nhất định có nguyên do trong đó. Phải chăng vì trẫm không lo sửa đức để mọi việc bê trễ, chẳng hay là do quan tể phụ bất lực không biết dùng người, tốt xấu, tài hèn lẫn lộn. Hay do hối lộ mà việc hình ngục có nhiều oan trái... Trẫm tự trách tội mình và đại xá cho thiên hạ. Tất cả các đại thần, các quan văn võ và tất thảy mọi người hãy chỉ ra các lỗi lầm của bề trên. Cứ thẳng thắn mà nói hết không kiêng nể gì. Nếu có điều tiếp thu được sẽ ban thưởng, cất nhắc. Dẫu có ngu đần sai sót cũng không bắt tội. Ngõ hầu có thể lay chuyển lòng Trời, chấm dứt tai ương để nước nhà mãi mãi hưởng phúc lớn vô cùng vậy" ("Đại Việt sử ký toàn thư" - T.2).

Nhà vua kêu gọi mọi người "chỉ ra các lỗi lầm của bề trên. Cứ thẳng thắn nói hết không kiêng nể gì. Nếu tiếp thu được sẽ ban thưởng cất nhắc", nếu "sai sót cũng không bắt tội". Tuyệt nhiên Ngài không yêu cầu các cấp thuộc hạ phải xử lý trừng trị hoặc trả thù những ai có lời nói chưa đúng hoặc trái ý nhà vua. Như thế mới xứng là bậc minh vương.

Lê Thánh Tông, con út Lê Thái Tông, vị vua nổi tiếng anh minh trong tất cả các triều đại phong kiến Việt Nam. Dưới thời trị vì của ông việc học rất được coi trọng. Trong thiên hạ không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, nam nữ, tuổi tác, thành phần xuất thân, ai muốn trở thành người có ích cho quốc gia xã tắc đều có quyền theo học. Quốc Tử Giám không chỉ là nơi cho con em thuộc Hoàng tộc, quan lại, mà mở rộng cho tất cả những người thi đỗ trong các kỳ thi Hội. Một hôm vua cải trang vi hành đến Quốc Tử Giám. Trời đã khuya mà vẫn thấy một giám sinh trạc 50 tuổi đang ngồi học. Người ấy húp bát cháo loãng đến muối cũng không có. Sáng hôm sau ông ta nhận được gói quà của vua ban. Gói quà là lọ muối bên trong để nén bạc. Câu chuyện nhà vua thương quý người nghèo có chí lớn nhanh chóng lan truyền khiến cả nước ai cũng ham học.

Nhà vua khuyến học, coi trọng hiền tài như thế, quả xứng bậc minh vương. Điều đó cũng lý giải vì sao quốc gia thời ấy xuất hiện những nhân vật kiệt xuất như Lương Thế Vinh, Ngô Sĩ Liên, Phan Phù Tiên... cùng nhiều danh sĩ nổi tiếng khác.

Đại chí sĩ Lê Quý Đôn (1726 - 1784) đã tổng kết có bốn nguyên nhân dẫn đất nước đến suy vong: "Trẻ không kính gìa. Binh kiêu ngạo, tướng thoái hóa. Xã tắc tham nhũng tràn lan. Sĩ phu ngoảnh mặt đi trước thời cuộc". Triều nhà Mạc, thời kỳ đầu coi trọng hiền tài, thành công trong việc thi tuyển sử dụng được đông đảo đội ngũ trí thức, những tên tuổi lớn như Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trạng nguyên Giáp Hải, Nguyễn Dữ, Lê Quang Bí, Nguyễn Quyện, Nguyễn Miện, Nguyễn Hải Khang, Lê Khắc Thận, Bùi Vịnh, Nguyễn Lương Bật, Nguyễn Thị Duệ... sẵn sàng phò vua giúp nước góp phần quan trọng tạo thành công cho nhà Mạc. Nhưng sau khi đã củng cố được quyền lực họ đi theo vết xe đổ của Tần Thủy Hoàng (Trung Quốc) coi thường trí thức khiến nhân tài "ngoảnh mặt đi...". Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm kiên quyết bất hợp tác với triều đình (đời Mạc Phúc Hải) bỏ chốn quan trường về quê ở ẩn kéo theo nhiều nhân sĩ trí thức lớn noi gương ông. Sai lầm của nhà Mạc đã khiến triều đại này mất đi cơ hội để có được những bậc hiền tài vốn là chỗ dựa vững chắc và quan trọng cho sự tồn vong quốc gia.

Đó chính là một trong những nguyên nhân khiến triều Mạc mau chóng suy tàn sụp đổ. Mới biết vai trò của hiền tài (sĩ phu) đối với việc giữ và dựng nước quan trọng thế nào.

Từ bài học lịch sử quá khứ, Hoàng đế Quang Trung ngay sau khi lên ngôi đã giao cho chí sĩ Ngô Thì Nhậm soạn thảo và lập tức hạ "Chiếu cầu hiền" để thu hút nhân tài chung tay dựng nước:

"Trẫm luôn để ý lắng nghe, mong mỏi, thường tự hỏi: tại sao những người trí cao học rộng chưa thấy đến? Hay là do trẫm kém tài, ít đức không xứng đáng được phò tá hay sao? Trẫm lo lắng nghĩ rằng: dù một ngày, hai ngày cũng có hàng vạn sự việc xảy ra, cái nhà to sức một cây cột làm sao chống nổi. Sự nghiệp thời bình, an dân quốc thái sức một người không thể đảm đương... Chiếu này ban xuống các bậc quan viên lớn nhỏ cùng với thứ dân trăm họ, người nào có tài năng học thuật, mưu hay hơn đời, cho phép được dâng sớ tâu bày sự việc. Lời nói nào có thể chọn dùng được thì cất nhắc không kể thứ bậc, chỗ nào không dùng được thì gác lại, không vì lời nói sơ suất mà bắt tội. Còn người nghề hay nghiệp giỏi có thể cống hiến giúp đời, thì cho phép các quan văn, quan võ được tiến cử dẫn vào ra mắt tùy tài lực dụng. Hoặc người nào từ trước đến nay tài năng còn bị che kín chưa được người đời biết đến thì cũng cho phép dâng sớ tự tiến cử...".

Theo gương minh vương Lê Thái Tông, Hoàng đế Quang Trung kêu gọi "thứ dân trăm họ dâng sớ tâu bày sự việc. Lời nào dùng được thì cất nhắc không kể thứ bậc. Chỗ nào không dùng được thì gác lại, không vì lời nới sơ suất mà bắt tội". Tuyệt nhiên Ngài không yêu cầu thuộc hạ phải xử lý, trừng trị, trả thù những ai có lời nói chưa đúng hoặc trái ý vua. Như thế mới xứng là bậc minh vương.

Kế thừa truyền thống các bậc tiền bối, Bác Hồ thấm thía sâu sắc vai trò quan trọng của hiền tài trong sự nghiệp cách mạng, ngay khi khai sinh nước Việt Nam độc lập, ngày 14-11-1945 Bác viết bài "Nhân tài và kiến quốc", tiếp đó Bác viết "Tìm người đức tài" và nhấn mạnh "Kiến quốc rất cần nhân tài". Đó chính là "Chiếu cầu hiền" của người đứng đầu quốc gia. Chính Phủ lâm thời do Bác làm Chủ tịch, Quốc Hội khóa đầu tiên và Ủy Ban nghiên cứu kế hoạch kiến thiết đã thu hút nhiều hiền tài là nhân sĩ, trí thức nổi tiếng. Hầu hết họ không phải đảng viên cộng sản nhưng hết lòng vì nước vì dân, như các ông Nguyễn Văn Tố, Trưởng Ban thường trực Quốc Hội (Chủ tịch Quốc Hội), các Ủy viên Thường vụ Quốc Hội như Bùi Bằng Đoàn, Hoàng Văn Đức, Nguyễn Tấn Ghi Trọng, Hoàng Minh Giám, Dương Đức Hiền... Cụ Huỳnh Thúc Kháng được Bác mời giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ và khi Bác đi sang Pháp đàm phán cụ được cử tạm quyền Chủ tịch nước. Luật sư Phan Anh đã từng tham gia Chính phủ Trần Trọng Kim cũng được Bác trọng dụng bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng ông Đặng Thai Mai (Bộ trưởng Bộ Giáo dục), Trần Đăng Khoa (Bộ trưởng Giao thông - Công chánh), hoặc các ông Dương Đức Hiền, Nguyễn Mạnh Hà, Vũ Trọng Khánh, Vũ Đình Hòe, Phan Kế Toại, Đào Trọng Kim, Đặng Phúc Thông, Dương Bạch Mai, Hồ Đắc Liên, Chu Bá Phượng, Ngụy Như Kon Tum, Cao Xuân Huy, Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh... Ông Nguyễn Bình (Phạm Phương Thảo) trước đó từng là đảng viên Quốc Dân đảng được Bác phong hàm Trung tướng cử làm Tư lệnh chỉ huy lực lượng vũ trang cách mạng Nam Bộ. Bác không chỉ có đôi "mắt thần" phát hiện nhân tài, mà còn có sức cảm hóa đặc biệt và nghệ thuật sử dụng họ. Năm 1946, sau khi kết thúc hội nghị Phông-ten-blo tại Pa-ri, nhiều trí thức Việt Nam nổi tiếng du học tại Pháp đã tự nguyện cùng về nước với Bác tham gia kháng chiến, như: Giáo sư - Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, nhà Toán học Tạ Quang Bửu, Tiến sĩ văn khoa - Cử nhân luật Nguyễn Văn Huyên, các bác sĩ Trần Hữu Tước, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Kỹ sư hóa học Võ Quý Huân...

Tham gia Chính Phủ lâm thời do Bác Hồ làm Chủ tịch có ông Nguyễn Văn Huyên, được giữ chức Tổng Giám đốc Đại học vụ, sau làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Ông có nhiều công lớn trong phong trào "Diệt giặc dốt". Chỉ một thời gian ngắn mà 90 % người không biết chữ của cả nước đã đọc thông viết thạo, được Bác Hồ rất tin tưởng và mọi người quý trọng. Thế mà một hôm ông Nguyễn Văn Huyên đến gặp Bác xin từ chức Bộ trưởng chỉ với lý do ông không phải đảng viên cộng sản. Bác Hồ ân cần nói: "Không cốt là đảng viên cộng sản hay không đảng, mà cốt là làm việc có tốt hay kém, có hiệu quả hay không hiệu quả. Điều đó mới quan trọng". Nghe lời khuyên của Bác Hồ, ông Nguyễn Văn Huyên yên tâm tiếp tục làm Bộ trưởng và làm rất tốt suốt cho đến cuối đời. Năm 1960 chi bộ Văn phòng Bộ Giáo dục đề nghị kết nạp ông vào Đảng, Trung ương cũng đồng ý, nhưng Bác Hồ lại khuyên: "Để chú Huyên ở ngoài Đảng có lợi hơn là ở trong Đảng".

Ông Huyên vô cùng xúc động biết ơn Bác Hồ vì thấy Bác rất am hiểu những trí thức như ông. Điều họ quan tâm là tích lũy đức tài để trọn đời cống hiến cho Tổ quốc và Nhân dân chứ không phải được vào Đảng hay không. Họ khát khao tự do sáng tạo và thoải mái khi trình bày tư tưởng, không muốn và cho rằng trong xã hội mà người có quyền nói cứ nói, người bị nghe cứ phải nghe, không cần biết đúng sai, thật giả, phải trái; cấm và trừng trị mọi sự phản biện, đó chính là đất sống cho dối trá, lừa lọc thì không thể trọng dụng hiền tài được và chắc chắn sẽ không thuyết phục họ được.

Bác Hồ của chúng ta quả rất xứng là bậc minh vương.

Đó mới đúng là hồng phúc của Quốc gia Dân tộc.