Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THƯ GỬI NHÀ VĂN VŨ XUÂN TỬU

Hà Lâm Kỳ
Thứ năm ngày 4 tháng 2 năm 2021 9:01 AM




Nhà văn Thành Tuyên thân mến

Năm Mậu Tý (2020) có quá nhiều chuyện.

Chuyện thế giới: “giặc” Cô vít tung hoành khắp các châu lục. Ông “Đô la Trăm" học En Sin, nã "pháo" vào Quốc hội Mỹ.Nước mình sướng nhất là các nhà văn Việt Nam đi dự Đại hội VII,Ban tổ chức phát khẩu trang nhưng chỉ để... trong túi áo,bởi Chính phủ kiềm chế nạn Covis - Corona rất giỏi. Phải mang ơn Chính phủ. Thủ tướng vẫn luôn nhắc: Không được chủ quan.

Còn như,Chi hội Nhà văn Sông Chảy ta, vừa Đại hội nhiệm kỳ. Sơ sơ thấy văn sỹ bốn tỉnh mình (Yên Bái, Tuyên Quang, Lao Cai, Hà Giang) đều đặn công bố tác phẩm, ghi đậm dấu ấn vào danh mục văn học Việt Nam hiện đại. Thể như giải A, giải thưởng Quốc gia, danh giá, đến với các tiểu thuyết: Thạch trụ huyết (của Nguyễn Trần Bé). Đinh Tiên Hoàng (Vũ Xuân Tửu), Rễ người (Đoàn Hữu Nam), Cánh cung đỏ (Hà Lâm Kỳ)....... và cả loạt giải chính thức của nhiều thể loại, của nhiều cấp hội khác. Thế chứ. Tác giả miền núi, tỉnh lẻ, kém gì tỉnh chẵn, kém gì phố thành! Nhưng thôi,đấy là chuyện của các nhà quản lý, các nhà đường lối. Còn bây giờ Hà Lâm Kỳ muốn trò chuyện với Vũ văn nhân xung quanh cuốn sách mới ra lò (Quý 3/2020) của nhà văn Hoàng Thế Sinh - tiểu thuyết Chúa đất miền Khau Sưa - Một tác phẩm đang rộn sóng trên miền đất cùng tên. Cũng nói thêm, tiểu thuyết được trao giải nhất giải thưởng Văn học nghệ thuật của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái năm 2020 đấy.

Đương nhiên khỏi phải bàn về dung nhan Chúa đất miền KhauSưa, bởi nó đã được Tổng cục chính trị trao tặng “Cúp” sách đẹp hàng năm giành cho Nhà xuất bản Quân đội. Với 271 trang in, tác giả dụng công ngót năm trời. “Khởi thảo tại Nhà sáng tác Tam Đảo tháng 10/2017, hoàn thành bên dòng Sông Mẹ - Hồng Hà, tháng 8/2018”. Tác giả ghi cuối sách. Không phải nghiễm nhiên đâu nhé,thời gian nào có dài, tập sách cũng không dài, nhưng sức công phá của tác phẩm văn học này, Hà Lâm Kỳ cho là mạnh, rất mạnh. Vì nó nhắm đúng vấn đề “nóng” - Quốc nạn, của xã hội Việt hôm nay. Cụ Phan Huy Chú xưa, dạy: “Sức ngòi bút quét sạch vạn quân”. Còn Cụ Đồ Chiểu thì răn: “Đâm mấy thằng gian, bút chẳng tà!”. Nếu được vận vào bối cảnh thực trạng đất nước mình thập kỷ 2010 thì Chúa đất miền Khau Sưa và tác giả của nó đến tai các tiền nhân Phan Huy Chú, Nguyễn Đình Chiểu, chắc sẽ làm hai Cụ bằng lòng.

Vũ Tử Pín, nhân vật chính, từ một kẻ phường săn vô học, nhờ gian manh, biết cấu kết với trùm quyền lực và trở thành đại gia trong băng đảng xã hội đen.

Mang danh Giám đốc Công ty kiểm định Thạch Thổ thành phố Mã Sơn, Vũ Tử Pín mập mờ ép dân bản Cò Nòi và Nà Lai bán đất, bán rừng cho công ty để lấy chỗ làm thủy điện, “Công trình tôi làm là vì nhân dân, vì Khau Sưa, vì đất nước” (trang 56). Ý đồ thôn tính đất đai của Tử Pín bị trưởng bản Cò Nòi Tềnh yêu cầu kéo dài thời gian “để hôm nào sẽ bàn tiếp”. Lập tức trùm lưu manh Tử Pín “Gọi Rô và Báo, cùng làm việc xử lý lão trưởng bản Tềnh”. Kết quả, trưởng bản Cò Nòi Tềnh "bị ba tên xúm vào vật ngửa, dìm ông xuống nước. Ông Tềnh sặc nước sắp ngạt chết. Chúng kéo ông lên, dọa dẫm một lát rồi lại đẩy ông ngã soài ra bờ suối….! Nó vung dao sáng loáng kề vào tận cổ ông Tềnh (Trang 59).

Vũ Tử Pín đến bản Nà Lai. “Giọng Tử Pín rõ rành, rằng: Không có rừng thì không có ô xi để thở, con người sẽ chết !”. Tử Pín mưu mẹo lừa lãnh đạo bản Nà Lai phá hết rừng nguyên sinh để trồng mới từ dự án trồng rừng được chị gái Kim Hy và anh rể Vương trên tỉnh gợi ý “sẽ nhanh giàu hơn”. Việc o ép của Pín làm ông Sa Thổ trưởng bản phân tâm: “Muốn dân làm giàu mà chặt hết rừng già thì có phải không? Chặt phá hết rừng già thì Suối Be làm gì còn nước chảy? Sông Chảy cũng sẽ cạn thôi. Hồ Thác Bay cũng sẽ cạn thôi, chả còn thủy điện nữa à. Cánh đồng Nà Lai này cũng không còn nước cho cây lúa..." (trang 95). Cựu chiến binh trưởng bản Sa Thổ thẳng thừng từ chối bán Núi Chúa nơi“quê cha đất tổ của dân Nà Lai”. Tử Pín vùng vằng, hậm hực: “Hừ, rồi ông và dân Nà Lai cũng phải bán Núi Chúa cho tôi, chờ đấy !” Chủ tịch Lin, quản gia Miêu lấm lét im lặng, vừa như sợ, lại như hùa theo vì đã ăn lộc của trùm xã hội đen. Tự cho mình đứng trên công quyền, Tử Pín tiếp tục thúc ép, không xong thì trắng trợn hành hung đến nỗi “Bác sĩ xác định ông Sa Thổ bị nứt sọ nhẹ, gãy hai xương sườn trái,dập xương đùi, mặt sưng viêu…” (trang 128).

Thôn tính được đất, được rừng, được suối nguồn. Nhờ có chị gái Kim Hy và anh rể Vương ở trên tỉnh. Tử Pín toàn quyền cai quản hồ Hoang Thủy. Trận mưa bão dữ dội. Mặt hồ đầy ắp nước. Giám đốc Vũ Tử Pín gạt phăng lời can ngăn của kỹ sư Hàn mà ra lệnh “- Xả lũ ngay”. “-Thưa: Nguy hiểm lắm dân Cò Nòi…”. Pín trợn mắt “-Mặc xác dân Cò Nòi với dân Nà Lai!”. Thế là “quả bom nước” nổ, làm ngập trắng, tất cả mọi thứ nổi lềnh phềnh, trôi dạt, năm người chết!

Chưa hết. Vũ Tử Pín điện cho chị Kim Hy về việc thu hồi đất làng Cò Lả để xây dựng khu sinh thái. Chỉ một đêm, hơn trăm ngôi mộ và miếu thần hoàng làng Cò Lả bị “bốc” bay đi nơi khác, mất cả danh tính người quá cố, khiến dân làng nổi giận kéo đến dinh thự Pín ở Khau Sưa. Quản Miêu lo sợ, vội thưa. Tử Pín lạnh lùng: “-Dân đông cũng mặc! Tôi cho dân Cò Lả về mo ráo, biến dân Cò Lả thành zê rô tuốt. Xem dân làm gì được tôi nào?!” (Trang 227).

Đêm ấy trùm biệt phủ Thác Mây núi Cò Lả Vũ Tử Pín nằm mơ thấy lũ ma trươi, xương trắng, khập khễnh kéo đến tư dinh, đòi mồ mả tổ tiên, rằng, hại cả người chết! Tử Pín trợn mắt quát" "- Chết rồi cũng giết, giết hết! Xương trắng khóc rũ!". Ôi chao ôi. Chúa đất Vũ Tử Pín ma cô gấp nhiều lần, tàn bạo gấp nhiều lần Cậu giời Đặng Lân mà nhà văn Nguyễn Huy Tưởng dựng trong "Đêm hội Long Trì" ấy chứ?

Ác giả ác báo. Luật đời dạy thế. Vũ Tử Pín đâm bệnh hoảng loạn, ma dại. Thầy cúng Khổng Xích Tồ đến chữa bệnh, hoà nước đất đỏ cho uống. Bệnh nhân đại gia Pín "Tu một hơi, cạn. Khà. Thuốc đất ngọt lịm!" (Trang 213). Mà rồi Tử Pín có phần bình phục thật. Hoá ra. Mơ nhiều đất. Ác vì đất. Sắp chết, sống lay sống lắt cũng bởi vì đất. Đất là tiền mà cố sống!

Nhà văn Vũ Xuân Tửu ơi. Truyện hư cấu đấy. Tác giả viết thế có được không? Trước, trong, và sau thời cô vít, Việt Nam mình liệu có người ngoài đời nào như Tử Pín không nhỉ? Hình hài, tính khí, mưu mô, tâm địa... ở nhân vật Vũ Tử Pín mà Hà Lâm Kỳ nhắc đến trên đây chỉ là vài ba chấm có trong tiểu thuyết. Còn nhiều, nhiều lắm. Tỉ như, Pín liên kết tạo thành đồng đảng mà ngày nay gọi là xã hội đen. Pín móc nối lôi đổ loạt cán bộ lãnh đạo các cấp: tỉnh, ngành, xã. Pín triệt hạ cả bạn bè, cả ân nhân khi họ nói trái ý mình. Rồi Pín ép hiếp gái trẻ con nhà lành giữa ban ngày. Nơi quyền lực làm ngơ, nhưng trời thì không tha thứ. Với Hoàng Thế Sinh, từ Thuốc phiện và lửa, Ma tiền, đến Chúa đất miền Khau Sưa, Hà Lâm Kỳ có cảm giác, bút pháp của tác giả có gì gần với văn hào Xec Van tec, ở chỗ, nhân vật, sự kiện, không gian, thời gian, bối cảnh... trong các tiểu thuyết trên, là sự hư cấu, một sự "bịa như thật" (Chữ d`ùng của nhà văn Nguyễn Công Hoan). Bịa, mà như thể gã ma cô lưu manh Tử Pín kia đang nghiến răng chỉ trực lao về phía người đọc. Bút pháp ấy, gây ám ảnh làm sao.

Hoàng Thế Sinh, tác giả văn học Việt Nam hiện đại đã bền bỉ làm nên thương hiệu "Nhà tiểu thuyết miền núi thời đổi mới". Thư này, Hà Lâm Kỳ chỉ muốn trò chuyện với bạn văn về chuyện nhân vật của một người viết trong lúc ngồi nhâm nhi li cà phê Tây Nguyên. Thế thôi mà bạn!

Sắp sang năm Tân Sửu rồi. Những mong đồng nghiệp Thành Tuyên viết khoẻ, viết hay, tiếp tục giành cho "bạn đường" nhiều trang văn có sức nóng, bạn nhé.

Thân mến.