Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VĨNH BIỆT “NGƯỜI KHƠI SUỐI NGUỒN VĂN HỌC THIẾU NHI”!

Phạm Quang Đẩu
Thứ năm ngày 7 tháng 1 năm 2021 7:59 PM


Nhà văn Phong Thu: Không viết là thấy nhớ | Báo Công an nhân dân điện tử

Văn học thiếu nhi nước ta có lẽ chỉ mới như một dòng suối nguồn, nước róc rách, ngọt lành và trong vắt, trước khi nhập vào dòng sông chung “Văn học Việt Nam”. Dù sao cũng đã có bao thế hệ tuổi thơ được được tắm ngụp, hưởng thụ sự tươi mát, ngọt lành đó, đặng góp phần nuôi dưỡng tâm hồn họ lớn lên trở nên cao đẹp. Số người khơi nguồn không nhiều, đếm được trên đầu ngón tay thôi, đó là những Tô Hoài, Đoàn Giỏi, Võ Quảng, Trần Hoài Dương...Sẽ là một khiếm khuyết lớn nếu không nhắc đến Phong Thu, nhà văn đã dành trọn đời để dòng suối trong lành chảy mãi.

Nhà văn Phong Thu sinh ngày 10-9-1934, quê Vũ Trung, Kiến Xương, Thái Bình. Ông sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo. Thân phụ là cụ Nguyễn Đình Thâu, một chiến sĩ cách mạng, từng bị Pháp bắt tuyên án tử hình, sau hạ xuống chung thân đày ra Côn Đảo, sau giải phóng, cụ chuyển ngành, trước khi nghỉ hưu là hiệu trưởng, bí thư đảng ủy Đại học Thủy lợi, Hà Nội.

Ngày bé, cha thoát ly hoạt động, mẹ phải bươn chải trong đói nghèo nuôi đàn con thơ, cậu bé Nguyễn Phong Thu có một tuổi thơ thống khổ, cay cực. Sau này trở thành nhà văn trong Câu chuyện của mẹ, do Nhà xuất bản Phụ Nữ ấn hành, ông đã kể lại: “...chính gia đình tôi là nạn nhân của nạn đói năm Ất Dậu (1945), tôi mới 11 tuổi gày còm, ở nhà trông ba em, đứa bé nhất mới lên 3. Hôm đó mẹ về thấy bốn anh em đói lả, mà mẹ cũng chả kiếm được gì, chỉ còn bước đường cùng là dắt cả bầy con ra đường xin ăn. Bà vừa xin được cái bánh giò, mấy ‘cái mỏ chim non’ vừa há ra thì miếng bánh nhỏ nhoi liền bị một kẻ đói khác giật mất, thế là mấy đứa chưng hửng, khóc xa xả”. Có phải vì tuổi thơ bị thiệt thòi quá nhiều như thế, mà sau này khi lớn lên Phong Thu chọn nghề làm thầy giáo và định hướng con đường viết văn từ thuở đầu xanh tuổi trẻ đến mãn chiều xế bóng chỉ chuyên một địa hạt mà ở nước ta ít người chọn là viết cho trẻ em, cho tuổi thơ? Và chính tấm gương suốt đời chiến đấu, hy sinh cho đất nước của cha mình đã để lại ấn tượng không phai với nhà văn, trong truyện Hoa của ông, nhà văn kể câu chuyện có liên quan đến việc cha bị địch tra tấn dã man đổ xăng lên bụng đốt ở nhà tù Côn Đảo: “...hôm ấy cậu cháu nội chợt nhìn thấy bụng ông vết sẹo chằng chịt, hỏi, thì ông xoa đầu cháu cười mà bảo rằng, hoa của ông đấy”.

Nối chí cha, trong kháng chiến chống Pháp nhà văn Phong Thu từ năm 13 tuổi đã xa nhà đi dạy bình dân học vụ rồi làm nhân viên văn phòng Ủy ban kháng chiến tỉnh Hòa Bình, sau đó được học sư phạm sơ cấp ở Khu học xá trung ương ở Nam Ninh, Trung Quốc. Cuối năm 1952 ông về nước, xung phong đi miền núi dạy học. Một mình thầy giáo trẻ Phong Thu lặn lội mang “con chữ” lên vùng cao huyện Mai Đà, tỉnh Hòa Bình, lương tháng chỉ được tính bằng chục cân gạo, ngoài ra không có chế độ đãi ngộ gì. Đến năm 1959-1961 thầy Phong Thu được cử đi học sư phạm trung cấp; 1961- 1964 về công tác ở Vụ Sư phạm, Bộ Giáo dục và trong thời gian này học xong hàm thụ Đại học sư phạm Hà Nội. Từ năm 1964 ông thôi dạy học chuyển hẳn sang một nghề mới là viết báo, viết văn; có gần 20 năm là phóng viên, trưởng ban văn nghệ báo Thiếu niên tiền phong. Năm 1983 ông chuyển sang Hội đồng lịch sử Đoàn-Đội thuộc Trung ương Đoàn và năm 1994 ông nghỉ hưu với chức danh chuyên viên cao cấp.

Giống như nhiều người viết khác, trời chỉ phú cho “năng khiếu” không nhiều, nhà văn Phong Thu cũng phải bù lại bằng tất cả nghị lực và tâm hồn, phấn đấu liên tục không ngừng nghỉ cho văn học thiếu nhi từ thuở đầu xanh tuổi trẻ đến khi mãn chiều xế bóng. Hiện trong “phòngvăn” chừng mươi mét vuông của ông trong căn hộ tầng 5 của khu tập thể ở phố Trương Hán Siêu, Hà Nội còn một hòm gỗ nhỏ cũ kỹ, đó là cái bàn viết, cái cháp văn, đã 65 tuổi. Ông thường ngồi xếp bằng, cúi mình hàng giờ, nhiều giờ cặm cụi viết bằng bút mực hay bút bi, bản thảo sạch sẽ, không tẩy xóa, tính từ truyện ngắn đầu tay Hoa mướp vàng (năm 1954) đến truyện ngắn cuối cùng Tình mẹ bao la (Năm 2019) ông đã cho ra mắt gần 80 đầu sách các thể loại truyện ngắn, truyện đồng thoại, kịch bản phim hoạt hình, bút ký, nghị luận... Gần đây, Tủ sách Vàng của nhà xuất bản Kim Đồng đã in tuyển tập Phong Thu gồm hơn 110 truyện ngắn chọn lọc, ngót 500 trang. Và năm 2018, nhà xuất bản này đã mua trọn bản quyền các tác phẩm viết cho thiếu nhi của ông. Như “con gà đẻ trứng vàng”, những sáng tác của nhà văn Phong Thu đã đoạt được tổng cộng 11 giải thưởng cao của Hội Nhà văn VN, Ủy ban toàn quốc thiếu nhiên nhi đồng, Nhà xuất bản Kim Đồng và Hãng phim Hoạt hình trung ương.Từ nhiều năm nay một số truyện ngắn, đoản văn của tác giả Phong Thu liên tục có mặt trong sách giáo khoa Tiếng Việt bậc tiểu học và trung học cơ sở, đó thực sự là những áng văn mẫu mực trong sáng, giản dị, sinh động. Sinh thời nhà văn Phong Thu làm thơ không nhiều, song thơ ông thường được các nhạc sĩ phổ nhạc, có những bài ca đi cùng năm tháng, như: Bác Hồ-Người cho em tất cả; Bàn tay mẹ; Ong vàng biết quý thời gian...

Tôi vốn là học trò ở trường cấp 1 Máng Nước, thị xã Hòa Bình những năm giữa 1950, được học thầy Phong Thu nửa học kỳ lớp 3. Đến giờ tôi vẫn nhớ hình ảnh thầy, nhỏ nhắn, nhanh nhẹn có đôi mắt tinh anh, miệng cười hóm, thầy giảng bài rất cuốn hút và tôi vẫn nhớ trong một buổi liên hoan văn nghệ của trường, thầy đóng vai “ông giáo còm bị cháy giáo án” rất vui nhộn. Rồi như một định mệnh tốt lành, từ những năm đầu 1970 tôi nhập ngũ, ở đơn vị chiến đấu trở về Hà Nội gặp lại thầy, còn là cộng tác viên của thầy ở báo Thiếu niên tiền phong. Những năm gần đây, thầy trò vẫn thường gặp nhau đàm đạo, trao đổi bình đẳng, thân tình về nghề văn, như việc thầy vẫn hay trao đổi, giúp đỡ các đồng nghiệp đàn em khác trong làng văn. Từ thời trẻ thầy đã bị “nặng” tai, về già càng nặng thêm, đến lúc máy trợ thính cũng bất lực và trong những năm cuối đời đàm đạo với ai thầy cũng phải bút đàm. Điện thoại thì chỉ dùng tin nhắn. Lại thêm mối nguy hại nữa, mắt thầy ngày càng mờ, đến lúc dùng kính lúp để đọc không được và cũng không tin nhắn, bút đàm được nữa. Ngày Nhà giáo VN(20 tháng 11) vừa rồi, tôi đến nhà thăm, thấy thầy xếp bằng ngồi ngẩn ngơ cạnh cái cháp văn, kính lúp, bút bi thì để đè lên trang giấy trắng bong chưa một dòng chữ nào. Hẳn thầy định viết gì đó mà không thể nữa rồi! Ôi, cái tuổi 87, hoàng hôn của cuộc đời thầy!

Trong Nhà văn hiện đại Việt Nam phát hành nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Nhà văn VN(năm 2007), nhà văn Phong Thu đã có lời tự bạch: “Đến tuổi 70 tôi tự tâm đắc hai điều. Một, càng viết, muốn viết cho tuổi thơ, thì càng phải chạy theo trẻ em. Hai, đã vương vào nghiệp viết/Là tự đọa đầy mình/Giống như cây nến ấy/Cháy, cháy...cháy!...Rồi tắt.” Cây nến mấy chục năm bền bỉ cháy làm nên sự nghiệp văn học thiếu nhi khá đồ sộ của nhà văn Phong Thu, đã vụt tắt vào hồi 12 giờ 52 phút ngày 30-12-2020 tại nhà riêng. Ông về trời nhẹ nhàng, thanh thản đúng như ý nguyện trước đấy của mình.

------------------------------

Ảnh theo bài: Nhà văn Phong Thu cặm cụi viết trên cái cháp văn tại nhà riêng (Năm 2015)