Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VĂN HÓA VIỆT NAM – SỨC MẠNH DÂN TỘC VIỆT NAM

Hoàng Quốc Hải
Thứ hai ngày 23 tháng 11 năm 2020 8:55 AM


( GÓP Ý VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII )


Văn hóa của một quốc gia thuộc về sự sáng tạo trong trường kỳ lịch sử dân tộc của chính dân tộc đó. Trong “Dự thảo các văn kiện trình Đại hội Xlll của Đảng cộng sản Việt Nam”, mục 4 của phần XV viết: “Khơi dậy khát vọng phát triển Việt Nam cường thịnh, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế…”

Văn kiện nói “Khơi dậy”, có nghĩa là nói về cái mà ta đã có. Vậy ta đã có những gì trong hành trang của dân tộc để nâng khát vọng Việt Nam, sức mạnh văn hóa Việt Nam, tiến tới môt nước Việt Nam cường thịnh? Một nước Việt Nam có phẩm cách quốc gia, khiến Thế giới phải tôn trọng và ngưỡng mộ.

Thế nào gọi là phẩm cách quốc gia? Tốt nhất không sa vào các định nghĩa tranh cãi, mà hãy đưa ra các thí dụ mang tính mô hình.

- Mô hình nhà nước Thụy Điển là mơ ước chung của nhân loại. Và cũng là “Phẩm cách quốc gia của người Thụy Điển”. Bởi trên thế giới không một quốc gia nào có hệ số bảo hiểm xã hội và chăm sóc đời sống công dân chu đáo như nhà nước Thụy Điển.

- Còn như mỗi công dân đều biết giữ gìn phẩm chất cá nhân, giữ gìn đạo đức truyền thống của dân tộc như tự trọng, trung thực, dũng cảm, khoan dung, nhân ái, sả thân vì nghĩa lớn; có thể lao vào nơi nguy hiểm, cứu người không quen biết, thậm chí còn không phải là người cùng dân tộc với mình. Lại nữa, bất cứ ở đâu, bất cứ trong hoàn cảnh nào, đều sẵn sàng bảo vệ danh dự của Tổ quốc, dù có phải hy sinh tính mạng. Khắp thế giới, ai cũng biết, đó là “Phẩm cách quốc gia của người Nhật Bản.”

- Và nói đến Phẩm chất dân tộc Do Thái, người ta nghĩ ngay tới các thuộc tính đáng kính trọng của dân tộc này:

Người Do Thái cư trú tại bất cứ phương trời nào, nhưng cứ hễ bước chân vào ngôi nhà của mình, mọi thành viên đều nói theo ngôn ngữ của dân tộc mình (tiếng Hebrew).

Về tôn giáo, người Do Thái dù định cư ở bất cứ nơi nào trên thế giới, đều chỉ theo Do Thái giáo.

Về hôn nhân, con trai Do Thái có thể lấy vợ người dân tộc khác, nhưng con gái Do Thái, chỉ

kết hôn với người đồng tông (chống hỗn huyết).

Nghề nghiệp, người Do Thái thường chọn là: Thương mại, Tài chính – Ngân hàng và các nghề thuộc về khoa học tự nhiên. Tuyệt đối họ không làm các nghề lao động chân tay như kéo xe, bốc vác, dọn rác, xúc tuyết, đổ phân v. v…

Là một dân tộc bị trục xuất ra khỏi quê hương xứ sở, phải lưu đây khắp thế giới tới hơn 2000 năm; nhưng từ 14 / 5 / 1948 dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc, nhà nước Israen ra đời.

Trên cơ sở chia vùng đất mà nước Anh được quyền ủy trị, thành hai nhà nước Israen và Palestin.

Dân số của Israen chưa tới 6 triệu người, nhưng hiện nay đứng vững với tư thế một cường quốc cả về kinh tế và quân sự, ngay trong vòng vây của hơn 300 triệu người thuộc Liên đoàn các nước A-rập thù địch.

Nếu tính cả số người Do Thái sống rải rác trên toàn thế giới (chủ yếu là Hoa Kỳ: 5,6 tr người), với dân số Israen cộng lại có khoảng gần 15 triệu người, nhưng chiếm tới 30% giải Nobel về các lĩnh vực khoa học như Vật lý, Hóa học, Y tế, Kinh tế v. v …

Những tố chất trên hợp thành “Phẩm chất quốc gia của người Do Thái” ( Israen ).

Trở lại vấn đề “Khát vọng việt Nam”- “Văn hóa Việt Nam” – “Sức mạnh Việt Nam” như dự thảo báo cáo chính trị Đại hội XIII của đảng Cộng sản Việt Nam; ta thử xét nội hàm lịch sử Việt Nam hàm tàng những sức mạnh nào, khả dĩ đáp ứng các yêu cầu như Báo cáo đã chỉ ra, để Việt Nam có một Phẩm cách quốc gia được Thế giới ngưỡng mộ?

Phân khúc lịch sử Việt Nam từ thế kỷ thứ II trước Công nguyên, thì Việt Nam cũng trải hơn 2.000 năm gian nan như lịch sử người Do Thái. Tuy nhiên, nhân dân Việt Nam kiên quyết bám trụ chứ không chịu để cho kẻ thù đánh bật ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Trong khoảng 2000 năm đó, có non ngàn năm ta phải vật lộn, giằng co với kẻ xâm lược phương Bắc để giành lại đất nước, và từng giai đoạn đã chiến thắng kẻ thù, xác lập một quốc gia độc lập với phương Bắc. Do đó, tuyệt nhiên không có chuyện Một ngàn năm Bắc thuộc như người Trung Hoa ngộ nhận, hoặc lũ người Việt mất gốc tự nhận.

Truyền thống giữ nước của dân tộc ta không chỉ có chiến đấu chống lại quân xâm lược, mà còn thể hiện trên nhiều bình diện khác nữa như dân tộc học, ngôn ngữ học, tôn giáo học, phong tục học, xã hội học, lịch sử học v. v…

Về nguồn gốc dân tộc, người Việt Nam truyền miệng từ đời này qua đời khác thuộc dòng giống Cha Rồng – Mẹ Tiên.

Về ngôn ngữ, tất cả người Việt Nam chỉ nói tiếng Việt Nam từ thượng cổ tới nay.

Về huyết thống, người Việt Nam chỉ kết hôn với người Việt Nam (không kết hôn với kẻ thù dân tộc), để bảo lưu dòng giống. Việc chống hỗn huyết, cũng có nghĩa là chống âm mưu đồng hóa của kẻ thù.

Và để phân biệt với kẻ thống trị từ đời Hán, đời Đường người Việt Nam đã có tục nhuộm răng đen, nam nữ đều để tóc dài. Các nếp sống, phong tục từ ăn – mặc - ở cho đến ma chay, cưới hỏi v. v… hết thảy đều được nghiêm giữ khắp các làng quê như là bảo bối giữ nước. Chẳng thế mà khi hoàng đế Quang Trung phát hịch đánh quân xâm lược nhà Mãn Thanh, Ngài đã trịnh trọng tuyên cáo… “Đánh cho để răng đen. Đánh cho để tóc dài. Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ’’. Vậy là đánh đuổi quân xâm lược, không chỉ có mục đích duy nhất là làm chủ đất nước, giữ gìn độc lập và toàn vẹn lãnh thổ; mà còn để bảo vệ các phong tục tập quán, tức là bảo vệ nền văn hóa riêng của người mình.

Trên kia là nói về thời Cổ đại, nay thử xét sang thời Thời trung đại từ thế kỷ thứ X, với nhà Đinh, nhà Lê. Hai nhà này đặt nền móng vững chắc cho thời kỳ Việt Nam xây dựng nhà nước phong kiến tập quyền.

Nhà Lý tiếp thu sự nghiệp xây dựng đất nước từ hai nhà Đinh – Lê. Văn hiến hầu như chưa có; kinh tế, quân sự còn sơ lược, manh nha. Nhưng nhờ sự hỗ trợ tận lực của giới tinh hoa trong Gíao hội Phật giáo Việt Nam như Vạn Hạnh, Đa Bảo, Định Hương, Định Huệ, Lâm Huệ Sinh, Viên Chiếu v. v…

Vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn, nhà Lý đã vươn lên thành một nhà nước có tổ chức hết sức chặt chẽ từ kinh tế, văn hóa, giáo dục, pháp luật, quân sự, ngoại giao… mặt nào cũng vượt trội không chỉ so với khu vực mà trên tầm nhân loại.

Riêng việc tuyên cáo xây dựng quốc gia trên cơ sở Tam giáo đồng nguyên. Tức là tận dụng sự có mặt của 3 loại tôn giáo đang hiện hữu trong đời sống xã hội : – Nho – Phật - Lão với triết lý : Xã hội Nho – Tâm linh Phật – Thiên nhiên Đạo.

Trên thực tế, nhà Lý đã xây dựng thành công Đại Việt từ thế kỷ thứ 11 – 12 trở thành một nhà nước hùng cường; khiến nhà Tống vừa phải nể trọng ta, vừa phải học hỏi ta; đặc biệt là thuật dùng binh. Việc này được nhà bác học Lê Qúy Đôn chép khá chi tiết trong sách Vân Đài loại ngữ.

Vào năm 1075, nhà Tống tập trung quân ở hai thành Ung Châu (Quảng Tây) và Liêm Châu (Quảng Đông), mưu xâm lăng Đại Việt. Vua Lý Nhân tông sai Lý Thường Kiệt đem 10 vạn binh sang quét sạch hai căn cứ đó, tiêu diệt hơn 10 vạn quân Tống rồi rút về an toàn.

Khi nhà Tống đem 25 vạn quân sang báo thù, Lý Thường Kiệt hãm quân Tống tại bờ băc sông Như Nguyệt (sông Cầu ngày nay), tiêu diệt gần hết rồi mới cho chúng bàn hòa. Việc này sử nhà Tống chép: “Quân đi mười phần, lúc về không còn được một, hai. May mà Giao Chỉ nhận bàn hòa. Nếu không thì sự thể không biết như thế nào?”

Sẽ là thiếu sót lớn, nếu bỏ qua việc này. Đó là cùng thời điểm lịch sử vào thế kỷ 11 của nhân loại. Nước ta, cả 3 tôn giáo cùng chung sống trong an lạc. Nhưng tại Châu Âu, chỉ trong nội bộ một dòng đạo Ki tô mà chia rẽ trầm trọng, tới mức nổ ra chiến tranh tàn khốc, kéo dài tới cả trăm năm.

Vậy là trong cả hai châu lục Á – Âu, nhà Lý đã vượt lên, và bỏ xa họ về tầm cao trí tuệ. Thật sự đây là một khát vọng hiện tiền, mà Dự thảo báo cáo của Trung ương Đảng công sản đề cập để dân tộc ta vươn tới.

Tiếp sang thế kỷ XIII, đế quốc Mông Cổ đứng đầu là Jenjis Khan (Thành-cát Tư-hãn) nổi lên, là nỗi kinh hoàng cho cả hai châu lục Á – Âu. Đại Việt lúc đó là một trong những đầu cầu để quân Mông Cổ tiến vào chinh phục Trung Hoa, Champa, Chân Lạp. Do đó, sức ép từ Mông Cổ với triều đình nhà Trần là vô cùng lớn.

Quân Mông Cổ đi tới đâu là thành trì sụp đổ, vua chúa các nước quì gối đâu hàng. Chúng làm cỏ cả triều đình nước Nga, buộc Nga phải đầu hàng, và đặt nền thống trị tới mấy trăm năm. Trung Hoa cùng chung số phận với các nước khác, cũng bị Mông Cổ thống trị cả trăm năm.

Vào thời điểm đó, đế quốc Mông Cổ đã chiếm gần hết Châu Á, quá nửa Châu Âu, từ bờ Hắc Hải tới Thái Bình Dương, trải dài một dải liên tục gần 10.000 km, với diện tích trên 24 triệu km2, là một đế quốc lớn nhất mọi thời đại.

Đế quốc Mông Cổ là nỗi kinh hoàng cho mọi quốc gia khắp hai lục địa Âu – Á. Nhưng tại sao cả ba lần xâm lược Việt Nam, Mông Cổ đều đại bại?

Rõ ràng nhà Trần trước sau, tiềm lực quân sự, kinh tế, nhân lực không có gì để so sánh được với giặc Mông-Nguyên. Nhưng tại sao cả ba lần Đại Việt đều chiến thắng?

Đây là bài học cực lớn, là tài sản trí tuệ do tiền nhân để lại, hậu thế chớ xem thường .

Thắng lợi của nhà nước Đại Việt thế kỷ XIII có thể qui về mấy điểm:

1/ Nhà Trần xây dựng xã hội trền nền tảng các thành tựu của nhà Lý- Những thành tựu nhà Lý đã đạt đều trên tầm cao của thời đại. Nhà Trần dũng cảm tiếp nhận thành quả của triều trước, chứ không hẹp hòi gạt bỏ. Vì vậy mà sức mạnh được nhân lên.

2/ Nhà Trần xây dựng một chính sách thân dân sâu rộng, hết sức chăm lo cho cuộc sống của người dân; cố kết được toàn dân chung lo việc nước. Do vậy, nhà nước tận dụng được mọi nguồn lực và biến nó thành sức mạnh.

3/ Nhà Trần tận dụng triệt để việc sử dụng nhân tài, và không phân biệt nguồn gốc xuất thân.

4/ Ngoài chính sách Ngụ binh ư nông có từ thời nhà Lý, nhà Trần còn khuyến khích các vương, hầu xây dựng lực lượng phủ binh tinh nhuệ. Vì vậy số tinh binh gia tăng đáng kể. Tinh binh của phủ binh Trần Hưng Đạo là nòng cốt trên mọi mặt trận kháng giặc.

5/ Nhà Trần làm rất tốt việc giáo dục lòng tự tôn dân tộc, khích lệ lòng yêu nước không chỉ trong binh lính mà phổ cập tới toàn dân.

6/ Đánh giá đúng sức mạnh của đối phương, tôn trọng đối phương để tìm ra đối sách triệt tiêu nó, chứ không mất bình tĩnh tới run sợ.

7/ Đánh giá đúng tư duy chiến lược của của đối phương. Tìm ra đúng yếu huyệt của kẻ thù. Chấp nhận cuộc đối đầu lịch sử không cân sức với gã khổng lồ thời đại. Lấy tư duy minh triết của dân tộc làm sức mạnh đối kháng với tư duy cơ bắp của đối phương. Vì vậy, nhà Trần khai thác được tối đa sức mạnh của toàn dân tộc vào công cuộc chống xâm lăng, bảo vệ Tổ quốc.

Vậy là cả nhà Lý và nhà Trần đều thành công trong việc nâng tầm vóc quốc gia vượt lên tầm cao thời đại, khiến nhiều quốc gia , nhiều dân tộc một thời mơ ước về PHẨM CÁCH QUỐC GIA ĐẠI VIỆT !

Và đúng như nhà sử học Pháp, ông Fernand Braudel từng viết: ‘’Suy cho cùng, dân tộc nào học hỏi được kinh nghiệm từ lịch sử của chính dân tộc mình thì sẽ có trí khôn và sức mạnh gấp đôi’’.

Phải chăng ta đang học hỏi kinh nghiệm từ lịch sử, để xây dựng một đất nước tương ứng như thời Lý – Trần? Và ta đang: “Khơi dậy khát vọng phát triển Việt Nam cường thịnh, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế…” như Dự thảo báo cáo chính trị của Đáng cộng sán Việt Nam đã đề cập.

Hà Nội ngày 30 /10 / 2020

H Q H