Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ÂM VANG “DỊ THẢO” VÀ “KỲ HỒ” CỦA NHÀ THƠ PHẠM XUÂN TRƯỜNG

Nhà thơ Nguyễn Hưng Hải
Thứ tư ngày 7 tháng 8 năm 2019 5:54 PM





Đọc hai tập thơ “Dị thảo” và “Kỳ hồ” của Nhà thơ Phạm Xuân Trường (NXB Hội Nhà văn, 2019)

“Dị thảo” và “Kỳ hồ” là hai tập thơ mới nhất của nhà thờ Phạm Xuân Trường, như đôi anh em song sinh tháng 6/2019, sau 5 tập thơ đã xuất bản trước đó là minh chứng cho nhận định: Ông là một trong những nhà thơ sung mãn về trường văn, lực bút, nổi tiếng không chỉ ở Hải Phòng về thể thơ lục bát.

Lục bát của Phạm Xuân Trường đầy can dự vào thời thế và nhân thế. Cõi nhân sinh trong thơ ông như được viết bằng nước mắt. Ở hai tập thơ “Dị thảo” và “Kỳ hồ” có rất nhiều bài lục bát như cứa, như găm vào lòng bạn đọc. Bài nào cũng có những câu hay bật ra khỏi bài, có thể đứng độc lập, trở thành một thành ngữ, một tuyên ngôn, một thông điệp. Và thông điệp rõ nhất trong “Dị thảo” và “Kỳ hồ” là những dự báo, cảnh tỉnh và thức tỉnh về nhân cách, về đạo lý, về vẻ đẹp. Ông lên án cái xấu, cái băng hoại cũng là đứng ra để bảo vệ cái đẹp, cái thiện. Không có giải thiêng nào trong thơ ông khi ông chủ định nhóm nhen và tiếp lửa cho những niềm thiêng tỏa sáng.

Thành công lớn nhất của ông trong cả hai tập là sự độc đáo ở tính triết luận trong thơ lục bát thế sự. Đọc ông như nghe được tiếng vọng của tâm thế thời đại và những day dứt về thế phận người.

Tôi xin đi vào từng tập với những câu thơ mà tôi yêu thích, chả biết tác giả của nó có chủ đích như tôi không nhưng với những gì cảm nhận được, biết đâu chẳng có sự trùng hợp nào đó về thức ngộ gióng lên một hồi chuông báo động trước những sự băng hoại về đạo đức, lối sống và văn hoá ở đâu đó hôm nay?

Ở tập “Dị thảo” Phạm Xuân Trường đã kết hợp nhuần nhuyễn tính truyền thống và hiện đại trong thơ lục bát, đặc biệt là trong việc tìm tứ và xác lập những giá trị mới. Thơ ông nhiều đau đớn nhưng không bi lụy: “Rượu trong như nước mắt người/ Hai tay nâng chén con mời vĩ nhân” trong (Nhà tôi thành bảo tàng đêm) thể hiện rõ một tư cách, một tâm thế. Cúi đầu trước vĩ nhân cũng chính là một tự thức, không thấp xuống đâu mà mình đang cao lên đấy. Biết đâu trong “cạn ly dĩ vãng” mà lại đầy lên hy vọng ở ngày mai, dù “Có gì lạ quá đi thôi/ Sống ư? Không! Chết lâu rồi chưa chôn/ Chỉ còn cái xác không hồn/ Cây tương lai phía hoàng hôn đổ chiều/ Gieo vào đất hạt tin yêu/ Gặt về núi quả tín điều viển vông” (Hạt tình yêu). Đọc mà thấy xa xót trước những niềm tin bị đổ vỡ, xa xót cả cho em đã vì anh mà khổ cả một đời “Thương em thuở ấy trong veo/ Lấy anh nặng gánh bọt bèo trên vai” (Số em phải lấy dở hơi làm chồng”.

Anh đâu phải bọt bèo, tự giễu này của Phạm Xuân Trường cũng chính là tiếng nấc của cõi nhân sinh trước những gì trong veo đã và đang ngầu đục: “Một đời yêu đến xót xa/ Phải tin những thứ rõ là không tin”. Thế mà không phải thế cũng là một cách nói giầu ẩn dụ của Phạm Xuân Trường trong những câu thơ bạo liệt như sóng thần, bão chữ: “Dốc cho cạn chén vô thường/ Say ư? Chỉ tại thiên đường đảo điên” (Tạo ơi).

Giữa cuộc đời luôn phải tỉnh này, giả say cũng là một cách để giữ mình, để đối chiếu: “Lý luận đầy túi ba gang/ Một mồi lửa cứu cả ngàn năm sau/ Nhóm nào thì cũng như nhau/ Chỉ là quỷ khoác áo nâu trong chùa/ Bố giờ thương tiếc ngày xưa/ Cả tin mà để lọc lừa dẫn đi” (Cả tin).

Nói là nói vậy thôi, dù có cả tin đến mấy thì lọc lừa cũng chẳng dễ gì dẫn Phạm Xuân Trường đến mất hết được đâu. Tiếc thương của ông cũng là tiếc thương cho cả một thời cả tin: “Bạn bè một lứa phổ thông/ Đứa bỏ vợ, đứa theo chồng vào Nam/ Đứa đi tu, đứa bỏ làng/ Đứa vòng lao lý kêu oan trong tù/ Đứa móc cống, đứa gia sư/ Đứa sang Đài Bắc mịt mù áo cơm/ Đứa ra bể, đứa lên nguồn/ Đãi vàng đãi cả dúm xương bạn bè/ Đứa lên Hà Nội bưng bê/ Cuối năm họp lớp tái tê nụ cười” (Cháu chưa kịp trẻ đã già). Tâm sự của bạn thơ trẻ hay đấy là nỗi xót xa đau đớn của ông.

Còn bao nhiêu nỗi tái tê khác không tiện nói ra đây, nhưng chỉ chừng ấy thôi cũng đủ làm chúng ta khuỵu xuống. Cũng như nhà thơ Hữu Thỉnh, tôi có cảm giác, nhà thơ Phạm Xuân Trường đang vịn vào chính ông, lặng lẽ bước qua đường.

“Ba trăm đủ sáu lăm ngày/ Đều là tết thuở tao mày hưu non/ Buồn đem tiểu thuyết “sống mòn”/ Xem ra kiếp sống nay còn hơn xưa” (365 ngày đều là tết).

Cũng là người “hưu non” rời Đài PT-TH Phú Thọ khi mới 52 tuổi nên tôi thật nhiều cảm động với tâm trạng này của nhà thơ Phạm Xuân Trường. Có nhiều lý do để người ta đẩy những hiền tài, những cương trực ra lề đường, ra khỏi những nhóm lợi ích giầu lên bằng mồ hôi nước mắt, thậm chí cả xương máu của nhân dân. Và dù có đúng thế nào thì cũng cứ thành sai khi mà các giá trị đã bị đảo điên, cái đẹp đã bị băng hoại. Nghe có vẻ yếm thế nhưng không yếm thế đâu, bởi Phạm Xuân Trường là một tự trọng, một nhân cách. Trong những câu thơ lục bát có tiếng của đất Hải Phòng về sự thánh thiện không chỉ ở trong văn chương. Câu chữ gợi cho người đọc nhìn sâu hơn vào chốn “cửu trùng”: “Thâm cung một bãi chiến trường/ Bắt tay rút lại còn xương của mình/ Chẳng cần chờ đến bình minh/ Tôi nhìn rõ quỷ hiện hình trong thơ/ Tạ ơn trời sống đến giờ/ Tôi là con nợ đôi bờ âm dương/ Nợ bạn phơi xác dọc đường/ Nợ bao trinh nữ nắm xương ngả vàng/ Nợ quê hương, nợ xóm làng/ Không vay vẫn nợ dẫu ngàn năm sau” (Nợ).

Phải chăng chính vì thế mà sau hơn 30 năm bươn trải mưu sinh giữa chốn chợ đời, chợ người, ông đã tìm đến với thơ như là để trả ơn đời vậy? Và thơ ông cứ từng câu, từng chữ cứa vào tâm can, suy nghĩ của người đọc. Bám sát hiện thực đời sống trần trụi, đắng cay, ông viết bằng cả tấm lòng yêu thương con người, trân trọng con người và vẻ đẹp nhân cách, dù có lúc hơi to tiếng nhưng thơ ông vẫn thật ấn tượng, biến ảo và rất độc đáo cả về giọng điệu và thi pháp. Nhiều câu thơ của ông đã được dồn nén và có sức công phá lớn như ngàn tấn thuốc nổ ở Điện Biên Phủ năm nào.

Vẫn trường văn, lực bút như thế, tập “Kỳ hồ” của ông cũng đầy trăn trở, chiêm nghiệm và quyết liệt, chất chứa những đau đớn, phẫn nộ nhưng vẫn mang đến những tin yêu, hy vọng. Những địa danh ông đến, những vùng đất ông qua, ông “bút ký” bằng thơ.

Ngậm ngùi một niềm thương cảm về kiếp người và những va đập khôn cùng của thời thế và nhân thế. “Kỳ hồ” của nhà thơ Phạm Xuân Trường, đọc thấy gai người: “Thâm nghiêm vật đổi sao dời/ Mới hay dâu bể cuộc người nổi trôi/ Sau dinh Độc Lập ta ngồi/ Cà phê như giọt máu rơi chậm buồn” (Một thoáng Sài Gòn).

Nghe buốt nhói trong tim, còn hơn cả lúc ta ngồi sau dinh Độc Lập khi mà: “Yêu nửa vời, ghét nửa vời/ Nửa câu ai oán, nửa lời tung hô/ Bất ngờ gặp lại bạn xưa/ Bắt tay xong vội xuống hồ rửa tay” (Gặp một bạn thơ ở Hồ Gươm).

Biết mà đành bất lực, bất lực hay đây là cảnh tỉnh: ...“Viết câu thơ cởi trói/ Chữ tươi như máu hồng/ Chén tự do hết rượu/ Tôi ném vào thinh không”.

Và chốn thinh không ấy, dường như cũng đang bất lực: “Lên cao là Mẫu Thượng Ngàn/ Lên cao nữa Phật giải oan đang ngồi/ Mây mù phủ kín muôn nơi/ Mình chẳng thấy, nữa Phật ngồi trên cao”. (Chùa vàng Tam Đảo).

Trong rất nhiều dự báo, cảnh tình, có ai nghe thấy cảnh tỉnh này của Phạm Xuân Trường: “Đập cái cũ xây cái mới/ Cái mới hôm nay là cái cũ ngày mai/ Giá trị ảo phí bao xương máu/ Vui hay buồn nhìn tạm bợ lên ngôi” (Không gian Tam Đảo).

Con người công dân Phạm Xuân Trường thật trách nhiệm mỗi khi nhìn vào mặt trái của bất cứ sự vật hiện tượng nào, và ông luôn gióng lên hồi chuông báo động.

“Kỳ hồ” là tiếp nối của những “Dị thảo”, “Ở trọ hồn làng” “Bến chuồn chuồn”, “Thần dược” v.v... và v.v... ở những thông điệp mang tính thời đại và thời đại hiện lên rất rõ trong bất cứ bài thơ nào, tập thơ nào của Phạm Xuân Trường.

Thơ ông không dành cho những người yếu tim.

Thơ ông là thơ của một người lính xung trận trên tuyến đầu tấn công vào cái xấu, cái ác.

Dù vậy trong “Kỳ hồ” tôi vẫn gặp những câu thơ, bài thơ trữ tình đằm thắm, đầy mộng mơ: “Một vòng tay núi uốn cong/ Ôm cô đơn trọn vào lòng chiều thu/ Hồ như trinh nữ ngủ trưa/ Rừng vừa tắm gội cơn mưa của trời” (Tiếng ngỗng kêu trưa giữa chiều thu Đại Lải). Ông cũng đa tình chẳng kém ai ... “Chợt nhìn mắt ngọc chao ôi/ Rượu không say chỉ tại trời ngả nghiêng” (Mắt ngọc).

Và đọc ông, tôi luôn có cảm giác mình vừa thức ngộ ra một điều gì đó, có thể rất mơ hồ: “Hơn nghìn thước ở núi cao/ Thế mà bụi vẫn len vào tận đây/ Ẩn trong mây, ngủ trong mây/ Ô hay trời bẩn thế này sao em?” (Với các cô gái dọn phòng ở khách sạn Công đoàn Mộc Châu).

Viết cứ “chơi chơi”, tưng tửng vậy mà khiến ai cũng phải giật mình.

Tuy mức độ thành công ở mỗi tập khác nhau nhưng “Kỳ hồ” cũng như “Dị thảo” đều nhất quán ở thái độ không khoan nhượng với cái xấu, cái ác. Đứng ra bênh vực lẽ phải và cái đẹp. Nhà thơ Phạm Xuân Trường cũng như nhiều nhà thơ tên tuổi của thành phố Cảng, của đất nước, là con chim không sợ cành cong. Thông điệp mà ông gửi đến qua 2 tập thơ này cho chúng ta ý thức hơn về trách nhiệm trong cuộc chiến chống giặc nội xâm ngày hôm nay và chắc chắn nó sẽ còn vang vọng mãi trong những thức tỉnh về đạo lý, nhân cách và văn hoá.

Đồng Mạ, Việt Trì ngày 05/7/2019

Nguyễn Hưng Hải