Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VẪN CÒN LÀ CHẶNG ĐƯỜNG GẬP GHỀNH PHÍA TRƯỚC…

Tô Hoàng chon và dịch
Thứ bẩy ngày 15 tháng 6 năm 2019 5:02 PM




Nước Nga bước vào Cải tổ từ cuối những năm 1980 đầu 1990. Khoảng giữa những năm 1990 tình hình kinh tế xã hội đã tạm ổn định. Tuy nhiên, cho đến gần cuối thập niên này người Nga vẫn đang đứng trước câu hỏi : “ Liệu chúng ta có quá quan tâm, quá dành nhiều gắng gỏi cho lĩnh vực kinh tế mà bỏ quên phương diện văn hóa tinh thần không?”

Bài trả lời phỏng vấn dưới đây của Nghệ sỹ Sân khấu-Màn ảnh Nga nổi tiếng Nicolai Burliaev

Ông đã từng được đạo diễn lừng danh Andrei Tarkovsky giao đảm nhiệm vai chú bé Ivan trong bộ phim “ Tuổi thơ Ivan”. Sau đó sắm vai chú bé đánh chuông trong bộ phim 3 tập mang tên danh họa Nga “ Angdrei Rubliov “. Tiếp nối, diễn viên này tham gia nhiều bộ phim khác như “ Tuần tra trên đường”, “ Tình ca chiến trường”, “ Thợ cả và Margarit “ và nhiều vở kịch gây tiếng vang …

-Hai mươi năm trước ông có lên tiếng về việc nhà nước Nga chưa có chiến lược văn hóa. Thưa ông, đến hôm nay đã có gì thay đổi ?

N.Burlaiev:

20 năm trước, quả là tôi trong số người đầu tiên có nêu lên câu hỏi này. Một hai chục năm về sau, câu hỏi đó vẫn nhức nhối trong nghĩ suy của nhiều người chúng ta. May sau, cuối cùng thắng lợi đã tới khi Tổng thống Vladimir Putin ký sắc lệnh về việc xây dựng nền văn hóa mới tại nước Nga. Dĩ nhiên cần lạc quan chứ, nhưng cũng còn đó rất nhiều vấn đề…

Tôi đã buộc phải lên tiếng với sự phân tích kỹ càng bản Dự thảo đề án những Sắc luật về Văn hóa trong cuộc Hội Nghị những người làm công tác văn hóa thuộc Hội đồng Nhà nước Nga, cũng như trực tiếp tại hội đồng công ích thuộc Bộ văn hóa Liên Bang Nga và một vài cuộc gặp gỡ khác. Bản Dự thảo này được soạn ra tại Hội đồng Quản trị của Tổng thống. Không ai biết tên tuổi tác giả của bản dự thảo đó. Nhưng số đông những tên tuổi có uy tín của giới văn học nghệ thuật nước Nga đã không được mời tham gia vào việc soạn thảo văn bản này: Không có đạo diễn điện ảnh gạo cội Nikita Mikhankov; không có những cái tên tương tự như thế nữa. Các tác giả của Bản dự thảo không phản đối những Sắc luật về Văn hóa, không phản đối việc những luật lệ ấy phải dựa trên chỉ thị của Tổng thống về đường lối văn hóa của quốc gia. Nhưng họ lại khẳng định rằng nhà nước không cần tham gia vào những vấn đề văn hóa mà chỉ cần cung cấp tiền cho lĩnh vực này. Cứ mặc để giới nghệ sỹ làm tất cả những gì họ thích. Như thế, một lần nữa bản dự thảo này sẽ không chịu trách nhiệm về những vấn đề thuộc gốc rễ của đường lối văn hóa của nước Nga.

-Nhưng nếu người ta cho phép những bộ phim, những vở diễn yếu kém như ngài vừa nêu được chiếu, được diễn nhằm thỏa mãn yêu cầu của người xem thì sao?

Nikolai Burlaiev :

-Tôi được quyền nghi ngờ vào điều này. Số đông những người Nga có lương tri bình thường không tiếp nhận những sản phẩm văn hóa tầm thấp ấy. Tôi có dịp công du nhiều chuyến khắp đất nước, tiếp xúc với nhiều quan chức và nhiều người dân bình thường ở những nơi đó. Tất cả bọn họ từ Viễn Đông cho tới những vùng thuộc biên giới phía Tây nước Nga hầu như đều nói chung một điều : “ Các anh ở Moskva đang làm gì thế ? Đừng nghĩ chúng tôi là những kẻ dốt nát nhé ! “

-Andrey Contsalovsky có một lần nào đó đã nói rằng văn hóa chỉ cần xuất hiện ở những nơi thang máy bẩn thỉu; trong sân, trong toa lét ở các khu chung cư rác rến không được quét dọn. Phù hợp với ý kiến ấy, ở nước Nga không cần đến văn hóa nữa...

Nikolai Buliaev:

-Đạo diễn Andrei Contsalovsky là người cha đỡ đầu, người đã dắt dẫn tôi vào điện ảnh. Tôi rất kính trọng ông. Thang máy bẩn- đó là việc không thể bỏ qua, nhưng khái niệm “ văn hóa” từ thoạt kỳ thủy đã được xác lập trên nhiều ý nghĩa khác. Ở nước Nga hiện nay vẫn chưa được xác định thật rõ “ văn hóa” là như thế nào, gồm những lĩnh vực gì ? Tôi xin được phép thử nếu ý kiến của mình bổ xung cho Bản dự thảo Sắc luật như sau: Văn hóa đó là những gì phục vụ cho những lý tưởng cao cả, phục vụ cho việc nâng cao đời sống tinh thần của dân tộc Nga, nhân dân Nga.

- Ngài không có cảm giác, ngày hôm nay nhiều người trong xã hội tiêu dùng không muốn nghĩ đến những gì thuộc về tinh thần, về những lý tưởng thẩm mỹ trìu tượng nữa sao?

Nikolai Burlaiev:

-Điều đó không lấy gì làm lạ cả! Vì từ buổi khởi đầu cải tổ, tức cách nay hơn 30 năm người ta đã bị nhồi vào đầu chỉ độc một điều: Hãy nhanh chóng mà vồ lấy phần của mình! Hãy vơ vét, giằng cướp từ cuộc sống tất cả những gì có thể ! Điều chủ yếu là hãy mau mắn “ phất “ lên, tham gia vào mọi trò tiêu khiển tình dục và ráng giàu hơn càng tốt !..Những kẻ to mồm nói về luật lệ này, phép tắc nọ lại chính là những kẻ giũ tay khỏi mọi trách nhiệm…

-Ông vừa nói rằng cần có sự can thiệp của Nhà nước vào lĩnh vực văn hóa. Để làm gì nhỉ ? Để kiểm duyệt văn hóa sao ?

Nikolai Burlaiev:

-Không phải để can thiệp mà để kiểm tra. Bản thân tôi kịch liệt phản đối việc kiểm duyệt về phương diện chính trị. Hai mươi bộ phim, trong đó có tôi thủ vai đã nằm trên kệ tổng cộng số năm bị “ cầm tù “ là 250 năm ! Nhưng sự kiểm tra của xã hội lại là cần thiết. Hãy cùng nhớ lại xem Puskin vĩ đại đã nói gì trong trường hợp tương tự: “ Tôi tin tưởng ở sự cần thiết phải kiểm duyệt của một xã có văn hóa, đạo đức và các phép tắc của Chúa trời bằng những luật lệ, những quy định. Cũng là thứ đạo đức và phép tắc các nhà văn cùng những người làm nghệ thuật khác tôn trọng và đề cao. Những cuốn sách bẩn thỉu, làm vấy bẩn đạo đức sẽ phá hủy những nền tảng đầu tiên của xã hội công dân; sẽ truyền bá những điều xấu xa, gieo rắc mầm đọt của những sự lường gạt, gian dối…”. Xin đừng quên vị quan phụ trách cơ quan kiểm duyệt của nước Nga ngày xưa chính là nhà thơ kiêm nhà ngoại giao Nga F.I Chutchep. Ông và cơ quan kiểm duyệt của ông đã làm trọn sứ mệnh cao cả là bảo vệ đạo đức và văn hóa Nga.

- Hiện nay tại nước Nga quay rất nhiều bộ phim về chiến tranh, về thể thao..Nhưng phim về những con người giản dị, bình thường thì hầu như không ai thích quay và không quay. Hay là những bộ phim như vậy đang nằm trên giá của cơ quan kiểm duyệt thời kinh tế thị trường?

Nikolai Burlaiev:

-Bạn nói đúng ! Những bộ phim như thế đã không thể tìm ra và cũng sẽ không tìm ra được, chừng nào những luật lệ của một nền điện ảnh thương trường còn tác yêu tác quái. Nhiều rạp chiếu phim ở nước ta được xây cất nhờ tiền của Mỹ, bởi lẽ các bạn trẻ nước ta thích xem phim Mỹ. Về phương diện nào đó điện ảnh Nga bây giờ như một chi nhánh tiêu thụ sản phẩm điện ảnh của HYollywood. Cách đây chưa bao lâu chúng ta bắt đầu dàn dựng những bộ phim ca ngợi lòng yêu nước. Các quan chức của Bộ Văn hóa và những nhà phát hành phim tức những ai “ giàu bốc lên nhờ màn ảnh “ khẳng định rằng ở nước Nga đang diễn ra như bão tố “ sự chuyển động theo hướng tiến lên “. Không nghi ngờ gì, khi chúng ta cũng nhận ra được một số hiện tượng “ hồi sinh “ sau khi xuất hiện những chủ trương mới nhằm phục hưng nền điện ảnh dân tộc. Nhưng xét trên tổng thể vẫn có thể nói sự vận hành của phim ảnh theo yêu cầu của thương trường là biểu hiện theo hình sin đi xuống. Trình độ tay nghề cao, tinh thần sáng tạo và những chuẩn mực đạo đức đề cao sự cao thượng, khỏe khoắn; đề cao tính nhân văn của nền điện ảnh dưới thời Xô Viết xưa kia thấm đẫm trong các bộ phim đã được làm ra các nghệ sỹ bậc thày như Tarkovsky, Bondachuc, Suksil, Postovsky, Riazanov, Mikhalkov, Phanfilov..Bây giờ mà sáng tác theo phương thức cũ, lập tức đạo diễn Sergei Mikhalkov liền bị coi là đã “ lạc bày “. Sau cải tổ , xuất hiện thêm một số tên tuổi khác như Vladimir Khotinhenko,Aleksandr Sokurov và vài ba đạo diễn nữa. Nhưng về đại thể mọi sự vẫn vận hành theo cách cũ: những ý định phải tuân thủ nguyên tắc sinh lời, hiệu quả của phim đối với xã hội vẫn là con số không tròn trĩnh. Tôi tin rằng Vladimir Putin đang làm tất cả để cứu lấy nền văn hóa của nước Nga bằng chỉ thị mới “ Hãy tìm cách đưa mọi hoạt động văn hóa ra khỏi những yêu cầu của thương trường “. Đúng là văn hóa và thương trường không thể hòa nhập được !

- Nhưng nghệ sỹ và đồng tiền vẫn hòa nhập đó sao, thưa ông ?

Nikolai Buliaev :

-Andrei Tarkovsky thiên tài có lần nửa bông đùa, nửa nghiêm túc đã nói với tôi : nghệ sỹ luôn cần bị bỏ đói. Các đồng nghiệp của tôi khi làm ra những bộ phim tầm phào hoặc những bộ phim chạy theo doanh thu cao thường biện minh: “ Bỏ qua cho ! Không thì lấy gì nuôi đàn con? “. Có lẽ tòa án lương tâm sẽ không dung nạp những lời biện minh như vậy. Các diễn viên cũng thường buộc phải trả lời câu hỏi: “ Tại sao bạn lại trần như nhộng trên sân khấu hay trên màn ảnh ? Tại sao bạn lại quyến rũ và đầu độc khán giả bởi những thói hư tật xấu đầy độc tố như vậy ? “. Tôi bỗng chợt nhớ tới một lời trong Kinh thánh : “ Không thể không ra nhập thế giới bởi những gì quyến rũ ! Nhưng đau đớn sẽ nhất định sẽ tới với những ai bị quyến rũ “.

TÔ HOÀNG chọn dịch

GHI CHÚ ẢNH:

-Một cảnh từ phim “ Tuổi thơ Ivan “ của đạo diễn A.Tarkovsky

( Nguồn: Báo “ Nhân chứng và Sự kiện” LB Nga, đầu tháng 6 năm 2019 )