Trang chủ » Tin văn và...

VỤ CHIẾM ĐẤT TẠI SỐ 9 NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU: BA VẤN BỀ CẦN PHẢI LÀM RÕ

PV
Thứ tư ngày 27 tháng 3 năm 2019 2:00 PM


Những chuyện còn khuất lấp phía sau chuyện “xẻ thịt” ngôi nhà số 9 Nguyễn Đình Chiểu

Trong số báo 11, ra ngày 16/3/2019, báo Văn nghệ có bài Những chuyện còn khuất lấp từ việc “xẻ thịt” ngôi nhà số 9 Nguyễn Đình Chiểu, phản ánh những sai phạm trong tiến trình làm thủ tục “cấp” đất, “cấp” sổ đỏ của các cơ quan là Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, và Ủy ban Nhân dân quận Hai Bà Trưng, cho gia đình bà Nguyễn Thị Nhị với diện tích 45m2 trên phần đất rộng 700m2 tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, là phần công sản do Hội Nhà văn Việt Nam đang quản lý, sử dụng. Liên quan đến vụ việc này, Hội Nhà văn Việt Nam đã khởi kiện ra Tòa án Nhân dân quận Hai Bà Trưng. Phiên tòa sơ thẩm đã diễn ra vào tháng 8 năm 2018 và tại phiên tòa này, Tòa án Nhân dân quận Hai Bà Trưng đã ra phán quyết công nhận quyết định hành chính của UBND quận Hai Bà Trưng cấp sổ đỏ cho đình bà Nguyễn Thị Nhị là đúng trình tự và đúng thủ tục, đồng thời bác đơn kiện của Hội Nhà văn Việt Nam. Phán quyết này có nhiều điểm khuất tất chưa được làm sáng tỏ, vì vậy Hội Nhà văn Việt Nam đã có đơn kháng án gửi lên tòa Phúc thẩm

Trong quá tình chuẩn bị cho phiên tòa Phúc thẩm, sáng ngày 19/3/2019, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, số 9 Nguyễn Đình Chiểu – Hà Nội, đã diễn ra buổi gặp mặt giữa lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam với một số cơ quan báo chí, với mục đích cung cấp thêm một số thông tin để rộng đường dư luận về vụ việc này. Tới dự buổi gặp gỡ, ngoài một số các cơ quan báo đài đóng trên địa bàn Hà Nội, còn có đại diện văn phòng luật sư đại diện cho quyền lợi của Hội Nhà văn Việt Nam trong vụ án này, cùng các cán bộ của Hội qua các thời kỳ, từng chứng kiến và tham gia giải quyết vụ việc này ở những góc độ và thời gian khác nhau. Trong quá trình trao đổi, Hội Nhà văn Việt Nam cùng luật sư đã đưa ra những văn bản, chứng cứ để chứng minh diện tích đất gia đình bà Nguyễn Thị Nhị đang ở là thuộc về quyền sở hữu của Hội, cùng nhiều vấn đề còn vướng mắc mà phiên tòa sơ thẩm chưa đề cập đến hặc chưa giải quyết thỏa đáng.


- Sau khi ông Huỳnh Tấn Phát nghỉ hưu chuyển vào nam sinh sống, Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng đã thu hồi căn nhà số 9 Nguyễn Đình Chiểu và giao cho Hội Nhà văn Việt Nam quản lý và sử dụng, cùng toàn bộ diện tích 700m
2này, theo quyết định 3379 do ông Nguyễn Quỳnh, Cục trưởng Cục quản trị 1, thuộc Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, ký ngày 15/10/1990.- Theo đó, ngôi nhà và khuôn viên khu đất tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu trước đây do Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng (nay là Văn phòng Chính phủ) đầu tư xây dựng và quản lý, được cấp cho ông Huỳnh Tấn Phát, khi đó là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Sau này ông Huỳnh Tấn Phát chuyển sang làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, nhưng vẫn ở tại ngôi nhà này. Trong thời gian này, để thuận tiện cho công việc của những người làm hậu cần chăm sóc, và sau khi được sự đồng ý của cá nhân ông Huỳnh Tấn Phát, ngày 15/2/1984, Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam đã ra quyết định 84, do bà Nguyễn Thị Bạch Yến, Trưởng phòng hành chính quản trị ký, về việc bố trí chỗ ở cho cán bộ nhân viên, đồng ý để gia đình bà Nguyễn Thị Nhị được phép ở một căn hộ có diện tích chính là 16m2 và diện tích phụ là 14m2 trên diện tích 700m2 tại ngôi nhà số 9 Nguyễn Đình Chiểu, khi đó vẫn là công sản thuộc quản lý của Hội đồng Bộ trưởng

- Sau khi tiếp quản 700m2 tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu, các cán bộ nhân viên là lái xe, bác sĩ, phục vụ cho ông Huỳnh Tấn Phát đang ở trên mảnh đất này đều đã di rời đi nơi khác để trả lại đất cho Hội Nhà văn Việt Nam, duy chỉ có gia đình bà Nguyễn Thị Nhị là không chịu di rời và ở cho đến hiện nay.

Tại thời điểm này, việc tạm bố trí cho cán bộ ở và sinh hoạt trên đất công sản không phải là chuyện quá đặc biệt. Song điều bất thường là đất công sản do gia đình bà Nhị sử dụng vốn thuộc sự quản lý của Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, rồi sau đó giao cho Hội Nhà văn Việt Nam quản lý sử dụng từ năm 1990, nhưng đến tận năm 2007, Ủy ban Trung ương Mặt trận tỏ quốc Việt Nam vẫn có công văn số 2314 do ông Nguyễn Văn Pha, Chánh văn phòng ký ngày 11/7/2007, đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường Nhà đất Ban 61/CP “đề nghị chuyển giao căn hộ của bà Nhị làm thủ tục tiếp nhận quản lý và được ký hợp đồng thuê nhà, mua nhà theo Nghị định 61/CP”. Căn cứ để đưa ra công văn này, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam đã coi quyết định bố trí nhà ở cho người phục vụ cho gia đình ông Huỳnh Tấn Phát (Quyết định 84) là quyết định phân nhà, mặc dù nó chưa bao giờ thuộc quyền quản lý của cơ quan nói trên. Công văn này của Chánh Văn phòng Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam như vậy đã cố tình lẫn lộn giữa đất công sản (mà gia đình bà Nhị đang được bố trí ở tạm, trong khuôn viên trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam), là loại đất không được phép chuyển đổi mục đích sử dụng nếu không được sự đồng ý của Bộ Tài Chính; sang loại đất tự quản, nằm trong diện được hóa giá theo Nghị định 61/CP.

Điều bất thường tiếp theo, đó là mảnh đất bà Nguyễn Thị Nhị đang ở thuộc quản lý của Hội Nhà văn Việt Nam. tức là đang có tranh chấp, lại được Ủy ban Nhân dân quận Hai Bà Trưng cấp sổ đỏ. Trong khi Hội Nhà văn Việt Nam là cơ quan quản lý hợp pháp nhiều năm, đi làm sổ đỏ không được vì lý do đang có tranh chấp với bà Nguyễn Thị Nhị. Và càng vô lý hơn nữa khi diện tích trong sổ đỏ cấp cho gia đình bà Nguyễn Thị là 45m2 chứ không phải 30m2 như quyết định bố trí nhà, cũng như công văn đề nghị gửi Sở Tài Nguyên Môi trường và Nhà đất Ban 61/CP của Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam. Chưa bàn chuyện đúng sai của các quyết định và công văn trên, thì không hiểu Ủy ban Nhân dân quận Hai Bà Trưng đã căn cứ vào đâu để cấp thừa cho gia đình Bà Nguyễn Thị Nhị 15m2?...

Vậy là từ một loạt các văn bản và quyết định không đúng luật của hai cơ quan là Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, và Ủy ban Nhân dân quận Hai Bà Trưng, đã dẫn đến việc bà Nguyễn Thị Nhị có đầy đủ giấy tờ “hợp pháp” để xây nhà kiên cố trên một phần công sản của Nhà nước với diện tích 45m2 tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu

*

Ngoài một loạt các văn bản đã được dẫn ở trên, tại buổi làm việc, Hội Nhà văn Việt Nam cũng đưa ra nhiều tình tiết khác trong quá trình làm việc và xử lý các vấn đề liên quan giữa Hội với gia đình bà Nhị, trong suốt thời gian từ năm 1990, khi Hội tiếp quản trụ sở số 9 Nguyễn Đình Chiểu cho đến nay, thể hiện rõ vai trò, quyền lợi, trách nhiệm, cũng như thiện chí của Hội trong vấn đề này. Với quan điểm xử sự nhân văn, có tình nên nhiều lần Hội Nhà văn Việt Nam đã không làm quyết liệt để buộc gia đình bà Nhị phải di rời theo đúng quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn của cơ quan chức năng. Thậm chí năm 1991, khi có nhu cầu giải phóng mặt bằng để xây dựng bảo tàng, Hội Nhà văn Việt Nam cũng hết sức tạo điều kiện để gia đình bà Nhị được tiếp tục tạm cư tại một khu vực khác ngay tại khuôn viên của tòa nhà trụ sở Hội, với diện tích là 26m2. Sau này, khi căn nhà xuống cấp, mưa dột cần phải sửa chữa, gia đình bà Nhị cũng đã có xin phép Hội Nhà Văn Việt Nam để được sửa chữa (năm 2002). Điều đó chứng tỏ gia đình bà Nhị cũng coi đây là nhà đất thộc quyền sở hữu của Hội nhà văn Việt Nam.

Trong quá trình Hội Nhà văn Việt Nam giải quyết vấn đề này, liên quan đến trách nhiệm quản lý công sản của mình, Bộ Tài Chính đã có công văn số 15726 trả lời, trong đó khẳng định: “Cơ sở nhà đất tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng Hà Nội, do Hội Nhà Việt Nam đang quản lý, sử dụng hiện còn bà Nguyễn Thị Nhị lưu cư (do trước đây Hội Nhà văn Việt Nam tạm bố trí 01 gian nhà cấp 4, diện tích 26m2 trong khuôn viên cơ sở này) là cơ sở nhà đất thuộc sở hữu nhà nước. Hội Nhà văn Việt Nam phải thực hiện sắp xếp lại, xử lý theo quy định tại quyết định số 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước.

Bộ Tài chính đề nghị Hội Nhà văn Việt Nam thực hiện theo quy định tại quyết định nêu trên để Hội phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội, thực hiện di rời gia đình bà Nguyễn Thị Nhị ra khỏi khuôn viên cơ sở nhà đất tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội và có trách nhiệm hỗ trợ chi phí cho bà Nhị theo quy định của pháp luật hiện hành.

Công văn này do ông Lê Ngọc Khoa, Phó cục trưởng Cục quản lý công sản, Bộ Tài chính, ký ngày 18/11/2010.

*

Nhận định tại buổi làm việc với Hội Nhà văn Việt Nam, nhiều nhà báo đã thống nhất đánh giá có ba vấn đề cần phải được làm rõ, tương ứng với ba giai đoạn trong vụ việc này. Thứ Nhất là Vai trò và quyền hạn của Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam đối với các văn bản và quyết định liên quan đến diện tích công sản tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu mà bà Nhị đang sử dụng. Thứ Hai là Tính hợp pháp của những văn bản và căn cứ trong quá trình tiến hành Thủ tục bán nhà cho hộ gia đình bà Nguyễn Thị Nhị theo Nghị định 61/CP. Theo đánh giá của nhiều người thì đây là hành vi mang biểu hiện chiếm đoạt công sản của Nhà nước. Và Thứ Ba là Căn cứ nào dẫn đến phần diện tích chênh lệch từ 30m2 (theo Quyết định 84/QĐ-MTTW), hay 26m2 (theo Biên bản thỏa thuận với Hội Nhà văn Việt Nam/1991) lên thành 45m2 theo Giấy Chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và sử dụng đất, số 010701554000755, do ông Lâm Anh Tuấn, Phó chủ tịch quận Hai Bà Trưng ký cấp cho gia đình bà Nhị tháng 12 năm 2007. Một quyết định đầy giễu cợt và thách thức đối với Công văn 15726 của Bộ Tài Chính cũng như đối với công lý và công luận

Luật sư Quản Văn Minh, người đại diện cho quyền lợi của Hội Nhà văn Việt Nam trong vụ án này, cho biết: từ Quyết định 84/QĐ-MTTW (Bố trí chỗ ở) đến công văn 2314/MTTW-BBT (Bàn giao nhà tự quản), rồi đến Quyết định 649/QĐ-TNMTND-B61 (Quản lý và bán nhà theo nghị định 61) là cả một câu chuyện thú vị về mặt pháp lý mà ở góc độ luật sư, ông thấy cần hết sức lưu ý

Với tất cả những vấn đề chưa rõ ràng và thiếu thuyết phục của bản án sơ thẩm, và với tất cả quyền lợi cũng như trách nhiệm của mình, hiện tại Hội Nhà văn Việt Nam đã kháng án và kiến nghị tòa Phúc thẩm xem xét lại toàn bộ nội dung vụ án này. Đơn kháng án đã được Tòa Phúc thẩm Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội thụ lý. Dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra trong một ngày gần đây

Văn nghệ sẽ tiếp tục có những thông tin về nội dung này trong các số báo tiếp theo

Gặp mặt giữa lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam với một số cơ quan báo chí về các vấn đề liên quan đến ngôi nhà số 9 Nguyễn Đình Chiểu Ảnh Trần Nhương

PV