Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHẠC SĨ THẾ SONG VIẾT CA KHÚC “NƠI ĐẢO XA” TẠI QUẢNG NINH

Trần Nhuận Minh
Thứ bẩy ngày 26 tháng 5 năm 2018 1:23 PM




Kết quả hình ảnh cho Nhạc sĩ Thế Song

Nhạc sĩ Thế Song nghỉ tại nhà nghỉ Tập đoàn Than và khoảng sản Việt Nam, trên đường Lê Thánh Tông, cạnh nhà tôi. Ông sang nhà tôi chơi và nói rằng trong chuyến đi sáng tác lần này, ông đã được Lữ đoàn Hải quân đóng ở Cọc 8, thị xã Hòn Gai, giúp đỡ, lo toan cho chuyến đi của ông rất tận tình và ông vừa viết xong một ca khúc mới, vẫn còn đang sửa, vừa mới đưa cho cô Thanh Việt, giám đốc nhà nghỉ của Tập đoàn, hát thử xem có cần phải sửa thêm gì không? Ông bảo tôi sang phòng ông chơi để nghe thử. Tôi đi theo ông.

Xin phép được nói thêm một chút về mình mà tôi nghĩ là rất ít người biết. Tôi rất yêu thơ và âm nhạc, nhưng tôi thích hơn vẫn là nhạc không lời, nhất là các bản Sonata cổ điển. Tôi có tập thơ Bản Xônat hoang dã, được tặng Giải thưởng Nhà Nước đợt 2 từ năm 2007, chính là viết trong cảm quan nghệ thuật đó. Chỉ có thơ với âm nhạc mới có thể làm tôi phát khóc. Một lần đi nghe hát ở Nhà văn hóa Việt Nhật, khi ca sĩ Nga hát bài Bài ca du mục, tôi xúc động quá, tự nhiên khóc hu hu…Tôi phải đứng dậy bỏ ra về vì cảm thấy xấu hổ. Hai năm học tại trường Sư phạm Trung cấp Hải Dương, lúc đó còn thuộc Bộ giáo dục ( 1960 – 1962), mỗi tuần có 2 tiết âm nhạc, học suốt 2 năm và tôi học giỏi môn này về lí thuyết. Vì thế, ở Hội Văn nghệ Quảng Ninh, mới thành lập, có một nhiệm kì, ông Hội trưởng Ngô Lâm đã giao tôi làm Trưởng ban Thơ, kiêm âm nhạc, vì nhạc sĩ Đức Minh bên sở Văn hóa. Tôi thân với nhạc sĩ Hoàng Minh Kì, cũng bên sở Văn hóa, tác giả ca khúc Mời anh xơi miếng cơm lam hơn. Vì Đức Minh mới về. Tôi nói với ông Ngô Lâm, chức danh âm nhạc của tôi nên là phụ trách công tác “ Liên lạc âm nhạc” của Hội, như thế hợp lí hơn, Ông Lâm đồng ý. Tập ca khúc xuất bản đầu tiên của Hội Ngã ba biên giới do Hoàng Minh Kì và tôi biên tập. Khi sách ra được 1 thời gian thì Hoàng Minh Kì mất, có đêm còn về gặp tôi đòi nhuận bút. Tôi thấy mắt anh đeo kính râm, tôi hỏi vì sao thì anh bảo một cái rễ cây đâm vào mắt mình. Hôm sau, tôi xin ông Lâm ứng trước nhuận bút, tôi mang đến thắp hương cho anh ở gian nhà tranh vách đất tập thể tại Lán Bè, Hòn Gai và thông báo với vợ anh như thế. Sau này vợ anh gặp tôi xác nhận giấc mơ ấy là đúng. Điều này tôi đã viết thành một bài riêng đăng báo Tiền Phong.

Trở về với ca khúc của Thế Song. Sau khi uống một tuần nước và nói chuyện về biển đảo, Thế Song sang phòng Thanh Việt và đưa Thanh Việt về cùng. Việt bảo em còn đang tập, hát chưa đạt đâu. Ông bảo: “em cứ hát, bài của anh cũng còn đang sửa, cũng đã đạt đâu”. Tôi rất muốn ca sĩ Thanh Việt nhớ lại và viết đôi dòng về ca khúc này, vì cô là người hát đầu tiên, tôi là người nghe đầu tiên, khi ca khúc vẫn còn trong một bản nháp. Tôi thấy hay, giai điệụ mượt mà đằm thắm, rất giầu xúc cảm, ngôn ngữ âm nhạc đẹp và sang, trong lòng rất phục cảm quan chính trị của nhạc sĩ về biển đảo, mà chúng tôi hình dung sẽ là vấn đề lớn và có thể gay gắt của tương lại. Trước đó một vài tháng, tôi cũng vừa viết xong cuốn tiểu thuyết về biển đảo khoảng 150 trang in tại TP Nha Trang, trong cảm quan chính trị đó. Đó là cuốn Hòn đảo phía chân trời đã được giải 3 văn học viết cho thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam, đã được tái bản 7 lần và đưa vào sách giáo khoa lớp 5, tập 2, từ năm 2000 đến nay.

Tôi vẫn rất nhớ giọng ca của Thanh Việt và không khí đồng cảm của hai chúng tôi với tác giả. Tôi bảo Thế Song: “Hay lắm. Không phải sửa chữa gì đâu. Anh đã hoàn thành được 1 trong những việc lớn nhất của đời mình, tại đây, trong ngày hôm nay”.

Sau này có một vài lần tôi và Thế Song gặp nhau, nhắc lại kỉ niệm đó, ông chỉ mỉm cười, một nụ cười rất từ tốn, nhã nhặn và khiêm nhường, mà tôi không bao giờ quên được.

Cũng năm đó, ông viết tiếp ca khúc Bài ca trên đỉnh Pò Hèn về gương chiến đấu dũng cảm của các chiến sĩ biên phòng Quảng Ninh, trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc năm 1979. Trong 3 ca khúc được tặng Giải thưởng Nhà Nước đợt 4 năm 2017, của ông, thì 2 ca khúc: Nơi đảo xa, Bài ca trên đỉnh Pò Hèn ông đều viết về Quảng Ninh, đủ biết vùng đất này quan trong trong tâm hồn và trong sáng tác của ông là như thế nào.

Nghe tin nhạc sĩ Thế Song vừa mất, tôi rất buồn, nên viết mấy dòng này thay cho nén tâm hương kính viếng ông, vĩnh biệt ông.

Hạ Long, 21. 5. 2018