Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÂN VẬT TRUNG TÂM & QUYỀN SÁNG TẠO CỦA NHÀ VĂN TRONG TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ

Nguyễn Khắc Phê
Thứ ba ngày 26 tháng 12 năm 2017 8:03 AM





Tham luận của Nguyễn Khắc Phê tại Hội thảo “Các xu hướng vận động của VHNT Việt Nam hiện nay – Thực trạng & định hướng phát triển” do Hội đồng LLPBVHNT Trung ương tổ chức tại Quảng Ninh ngày 5/12/2017



Bản chất (hay đặc trưng) của hoạt động văn học nghệ thuật vốn đa dạng, luôn tồn tại nhiều khuynh hướng. Tuy vậy, trong tình hình trong nước cũng như thế giới đang có những biến động khó lường, nhiều giá trị được “cân đo” lại, thì sự du nhập các khuynh hướng ngoại, hoặc tìm kiếm/điều chỉnh một số khuynh hướng đã định hình trước đây xảy ra có phần “lung tung”, nên sự nhận diện, đánh giá và đề xuất những giải pháp để phát triển văn học nghệ thuật tốt đẹp hơn là điều cần thiết.
Từ góc độ một nhà văn viết tiểu thuyết, với tầm quan sát có hạn của một người đã cao tuổi ở một địa phương xa trung tâm, tôi xin được bàn đến vấn đề “Nhân vật trung tâm & quyền sáng tạo của nhà văn trong tiểu thuyết lịch sử” qua một số tác phẩm mà tôi được biết.

1.- Tiểu thuyết lịch sử có sự phát triển và được quan tâm hơn trước:
Tôi không có điều kiện để tổng hợp và so sánh số liệu tiểu thuyết lịch sử được xuất bản các thời kỳ trước và sau năm 2000 (nếu như lấy giai đoạn những năm đầu thế kỷ 21 để đánh giá), nhưng có thể dễ dàng thấy rằng, văn học tư liệu - trong đó có tiểu thuyết lịch sử - trong hơn chục năm qua đã có sự phát triển về nhiều mặt và được quan tâm hơn trước. Chỉ điểm qua một số tác phẩm gần đây gây được dư luận chú ý, đạt giải thưởng các cuộc thi, có tác phẩm có thể gọi là “đồ sộ”, chúng ta đã thấy rõ điều đó: “Hội thề” của Nguyễn Quang Thân, giải nhất cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 3 của Hội Nhà văn, “Thông reo Ngàn Hống” của Nguyễn Thế Quang, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2015 (trước đó, tiểu thuyết “Nguyễn Du” của cùng tác giả cũng đã đạt giải thưởng cao ở Hà Tĩnh và Nghệ An), bộ tiểu thuyết “Bão táp Triều Trần” 6 tập của Hoàng Quốc Hải được tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT 2017, bộ tiểu thuyết 3 tập về Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh của Hoàng Quảng Uyên (“Mặt trời Pác Bó”, “Giải Phóng”, “Trông vời cố quốc”), trong đó 2 tập đầu được tặng giải thưởng Sáng tác và quảng bá tác phẩm văn nghệ trong cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2010 và 2015, “Trong cơn lốc xoáy” của Trầm Hương, đạt giải A trong cuộc vận động sáng tác tiểu thuyết về đề tài Cách mạng và Kháng chiến (giai đoạn 1930-1975) do Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trao tặng năm 2015…
Những bộ tiểu thuyết lịch sử dày hàng ngàn trang liên tục xuất hiện, trong khi tiểu thuyết sử thi nhiều tập cỡ như “Vỡ bờ” của Nguyễn Đình Thi, “Cơn bão đã đến” của Nguyên Hồng, “Vùng trời” của Hữu Mai, ‘Đất trắng” của Nguyễn Trọng Oánh… thời gian gần đây hầu như vắng bóng trên văn đàn, chứng tỏ bạn đọc đang “khát” sự thật. Mặt khác, có thể thời của tiểu thuyết sử thi đã qua, các tác giả đang sung sức cũng như những cây bút trẻ hầu hết chỉ viết những tác phẩm có dung lượng vừa phải, không chỉ nhằm đáp ứng thị hiếu bạn đọc mà còn vì đó là một quan niệm nghệ thuật tiểu thuyết: không xem trọng nội dung tác phẩm, không lệ thuộc và “chạy theo” miêu tả các sự kiện, cho dù là sự kiện lớn.
Tiểu thuyết lịch sử có vẻ như đã thay thế tiểu thuyết sử thi làm nhiệm vụ đó một cách “xuất sắc” hơn do yếu tố ‘hư cấu” ít hơn và dù sao cũng phải bám sát sự kiện và tiểu sử nhân vật, nhiều khi đó là những “khoảng mờ” mà vì lẽ này, cớ khác, sách báo lịch sử “chính thống” chưa hoặc không tiện nói hết. Bạn đọc “khát” sự thật, tìm đến những tiểu thuyết lịch sử nhiều khi vì lẽ đó.
2.- Nhân vật trung tâm trong một số tiểu thuyết lịch sử:

Trừ những tác giả “cách tân” đặc biệt, quan niệm truyện không cần nhân vật, còn nữa, đã là tiểu thuyết, nhân vật luôn là yếu tố quan trọng làm nên chất lượng, giá trị tác phẩm. Một số tiểu thuyết (cả truyện ngắn) lịch sử trong thời gian qua gây dư luận trái chiều - nói thẳng ra là bị những cây bút phê bình theo quan điểm “chính thống” phê phán nhiều khi rất nặng nề như các truyện ngắn lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp, tiểu thuyết “Hội thề” của Nguyễn Quang Thân… đều xoay quanh cách đánh giá và miêu tả nhân vật lịch sử, nhất là các danh nhân.
Trước khi bàn về các cách đánh giá nhân vật lịch sử được thể hiện trong tiểu thuyết lịch sử, chúng ta thử xem các nhà văn đã lựa chọn nhân vật lịch sử như thế nào. Điều dễ thấy là hầu hết tiểu thuyết lịch sử đều dựa vào những nhân vật nổi tiếng, có công lao, đã được xã hội tôn vinh; ví như các tác phẩm đã dẫn ở trên thì đó là Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh… Trên thế giới thì đó là Na-pô-lê-ông, Pi-e Đại đế…Cũng có thể nói đây là một trong những “đặc trưng” của tiểu thuyết lịch sử. Chọn những nhân vật nổi tiếng để viết - chỉ riêng “tiểu sử đặc biệt” của những nhân vật đó đã khiến độc giả chú ý - xét về khía cạnh tư liệu, nội dung, rõ ràng các tác giả viết tiểu thuyết lịch sử có được chút thuận lợi ban đầu là cuộc đời thật của các nhân vật đó có thể giúp “dựng” nên một cốt truyện phong phú, thể hiện được những ý tưởng có tầm vóc lớn, có giá trị lâu dài. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng có thể nói đó là “bột” để nhà văn “gột” nên “hồ”. Nhưng mặt khác, chọn một tên tuổi nổi tiếng trong lịch sử làm nhân vật tiểu thuyết, tác giả phải có bản lĩnh mới dám đương đầu và vượt qua những thách thức. Trước hết, tác giả phải có tầm văn hoá nhất định, mới có thể miêu tả được những gì là đẹp đẽ, tinh túy nhất của nhân vật, gợi được những vấn đề có ý nghĩa nhất. Sau nữa, do nhân vật lịch sử đã quá “quen thuộc” với công chúng, nhà văn một mặt phải bảo đảm tính chân thật về tư liệu mới được độc giả tin cậy, nhưng đồng thời phải tạo ra (hay tìm ra) những điều mà các cuốn sách lịch sử hay chuyện danh nhân không có thì tiểu thuyết lịch sử mới có chỗ đứng, mới được người đọc tìm đến; như thế, tác giả phải có trí tưởng tượng, nhưng là một trí tưởng tượng có giới hạn, có mức độ. Đây chính là vấn đề thường đưa đến dư luận trái chiều và sẽ là nội dung được bàn đến ở phần sau.
Chưa bàn đến nghệ thuật thể hiện, những tiểu thuyết lịch sử dựa vào cuộc đời các anh hùng, danh nhân của dân tộc, dù chưa đạt đến giá trị cao về nghệ thuật, cũng rất nên khuyến khích, vì nó vừa bổ sung, làm sáng tỏ sự thật lịch sử, vừa khiến xã hội - nhất là lớp trẻ - quan tâm tìm hiểu lịch sử và thêm yêu đất nước nhờ tác dụng truyền dẫn của các nhân cách lớn được làm sống lại qua ngòi bút nhà văn.
Nếu xem các tác phẩm “mượn” cuộc đời những anh hùng dân tộc, danh nhân làm nhân vật chính là dòng chủ lưu của tiểu thuyết lịch sử trong thời gian vừa qua thì tiểu thuyết “Trong cơn lốc xoáy” (TCLX) của Trầm Hương có thể gọi là “chi lưu” - nếu không muốn nói là cá biệt. Nếu tôi không nhầm thì có lẽ đây là tiểu thuyết lịch sử dày dặn nhất (gần ngàn trang khổ lớn) mà nhân vật chính là một con người chưa ai biết trước khi TCLX ra đời - bà Jeanne Anna Villarialle (JAV). Thậm chí, nếu “xếp hạng” theo quan niệm thông thường thì bà còn ở dưới mức “phó thường dân” - một người Việt lai Philippine, mang quốc tịch Pháp, rồi sau là Mỹ (cả hai, một thời đều bị xem là kẻ thù của Việt Nam), trừ giai đoạn bà hoạt động trong “Chi đội Tình báo số 12”, còn thì bà bị cả những người thân gọi là “con đĩ” hoặc là các “danh hiệu” thuộc loại bị khinh rẻ và ghê tởm. Đã đành, TCLX đạt được thành công nhất định, một phần nhờ nhân vật JAV có cuộc đời quá là đặc biệt và xoay quanh bà là hàng loạt nhân vật gắn với nhiều thế lực – Việt Minh, Hòa Hảo, rồi Pháp, Nhật, Mỹ… - trong suốt hai cuộc chiến, do đó đã góp phần tái hiện lịch sử với nhiều điểm nhìn khác nhau, tạo nên một bức tranh hiện thực vô cùng phức tạp và phong phú. Tôi đã có dịp viết về cuốn tiểu thuyết này, nhưng ở đây xin lưu ý hai điều:
+ Do hoàn cảnh lịch sử cụ thể, Việt Nam có rất nhiều con người không có vị thế nào trong xã hội - gần như là “vô danh” - nhưng lại có cuộc đời vô cùng phong phú, là nhân chứng của nhiều biến động lịch sử, chứ không chỉ JAV mới là nhân vật có số phận đặc biệt. Có thể dễ dàng dẫn ra ví dụ: Một bà mẹ miền Nam tập kết ra Bắc theo chồng, có con ở hai phía chiến tuyến, đứa là liệt sĩ Cổ Thành Quảng Trị, đứa là chỉ huy lính dù Sài Gòn, rồi vượt biên trở thành “Việt kiều”yêu nước… Chỉ sơ lược thế, đã thấy bao nhiêu là tấn bi hài kịch cũng không thiếu anh hùng ca…
+ Từ đó, có thể nêu vấn đề: Không nhất thiết tiểu thuyết lịch sử phải lấy anh hùng, danh nhân làm nhân vật trung tâm mới tạo nên được tác phẩm có tầm vóc. Mặt khác, việc chọn nhân vật trung tâm là con người bình thường, tác giả sẽ tránh được những e ngại khi muốn phóng trí tưởng tượng của mình, đồng thời có điều kiện để nhìn biến chuyển thời cuộc từ nhiều phía, đặc biệt là từ “dưới” lên - cũng có thể nói đây là góc nhìn của nhân dân, hàm chứa nhiều tiếng cười và minh triết dân gian… Nếu nói theo lý thuyết “hậu hiện đại” mà tôi không thật thông thuộc, thì đây có thể là điều kiện thích hợp để tác giả “giải đại tự sự’ hay “phi trung tâm” gì gì đó nữa… Mặt khác, chúng ta có thể hình dung, khi tiểu thuyết lịch sử không nhất thiết lấy anh hùng, danh nhân làm nhân vật trung tâm thì thể loại này rõ ràng có thêm điều kiện để phát triển, góp phần làm cho nền văn học chung càng phong phú - tất nhiên phải trên cơ sở nhà văn vừa có tài, vừa phải công phu, vì không có sẵn nội dung cốt truyện như với các danh nhân…
3.- Quyền sáng tạo của nhà văn trong tiểu thuyết lịch sử.
Những ai có hiểu biết về văn nghệ, đã gọi là tiểu thuyết thì tất phải hư cấu, nói nôm na là nhà văn có quyền tưởng tượng những điều chưa ai biết đến nhưng “có thể có thật”. Tiểu thuyết lịch sử cũng vậy, nếu không, đó chỉ là “chuyện danh nhân”. Xin nói thêm một chút, dù đây là điều sơ đẳng, nhưng hình như vẫn có một số người không tin cậy - thậm chí là xem khinh thủ pháp “hư cấu” (viết những chuyện “có thể có thật”): Với cuộc đời một nhân vật, hay một sự kiện dù lớn đến đâu, dù sử sách, báo chí viết nhiều đến cỡ nào, thì cũng chỉ mới phản ánh được một phần vạn, phần ngàn toàn bộ cuộc đời họ. (Ví như tổng cộng tư liệu về một anh hùng dày cỡ 600 trang, đọc liên tục thì khoảng 3 ngày xong; mà cuộc đời của họ cho là 60 tuổi, tức hoạt động diễn ra 60 x12 tháng x 30 ngày = 21.600 ngày! Đó là chưa kể phần “vô thức” đồng hành cùng hoạt động hàng ngày của họ.) Chính “khoảng trống” vô cùng lớn cuộc đời họ mà tư liệu không/chưa viết ra là “đất” dụng võ của các nhà tiểu thuyết với những chuyện “bịa y như thật”.
Nhà văn Nguyễn Thế Quang - tác giả hai tiểu thuyết lịch sử được chú ý là “Nguyễn Du” và “Thông reo Ngàn Hống” - đã có lần bày tỏ quan niệm như sau:
“…Tiểu thuyết chủ yếu là hư cấu, nhưng tiểu thuyết lịch sử bám vào hiện thực lúc bấy giờ, từ đó gửi vào cái nhìn, cái nghĩ của mình thì càng có sức thuyết phục người đọc nhờ tính chân thật cao của nó. Tác giả nhất trí theo cách nghĩ của nhà văn Trung quốc Nhị Nguyệt Hà (*): “Đại sự bất hư, tiểu sự bất câu” - “Bất cầu chân hữu, đản cầu hội hữu.” (Có nghĩa là “Sự việc lớn không thay đổi / Sự việc nhỏ không câu nê gò ép đúng sự thực” - “Không cần có thật / Chỉ cần có thể có thật”)
Nhà văn Hoàng Quảng Uyên – tác giả bộ ba tiểu thuyết về Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh – khi nói về việc sử dụng tư liệu của người viết tiểu thuyết lịch sử, đã cho biết: “…Vấn đề không phải “nhiều-ít” mà là sự lựa chọn dựng lại các tư liệu, sự kiện với cách lý giải riêng của tác giả; như Mắcxen Prút nói: "Tìm cái mới không phải là tìm vùng đất mới mà là nhìn bằng con mắt mới"...
Vấn đề thường gây tranh cãi, thậm chí “đối đầu” nhau là khi tiểu thuyết lịch sử viết về các anh hùng, danh nhân - những con người đã được lịch sử và công chúng tôn vinh, cuộc đời và sự nghiệp của họ (nhất là những điều tốt đẹp, đáng ca ngợi) thì hầu như mọi người đã biết, nhà văn không thể hoàn toàn tự do “sáng tạo” theo quan niệm của riêng mình, phải “cẩn thận trong khi “giải thiêng” nhân vật lịch sử”. Đây là nhan đề bài nghiên cứu của tác giả Phạm Thị Thanh Phượng vừa được đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội và cũng là “nguồn cơn” của những tranh luận, phê phán quanh một số cuốn tiểu thuyết đã dẫn ở trên. Thực ra, một số tác phẩm bị phê phán là do đã hư cấu những chi tiết thô tục, không đẹp về danh nhân; nói vậy vì hình như chưa có tác phẩm nào “tưởng tượng” thêm chuyện tốt đẹp, oai phong của danh nhân bị chê trách!
Đến đây, chúng ta có thể thấy “nguồn cơn” của các cuộc “mổ xẻ” một số tác phẩm đã nêu thật ra không có gì mới, mà chỉ là một trường hợp đặc biệt thể hiện quan niệm ấu trĩ đã “xưa rồi”, tuy nhiên đến nay vẫn còn rơi rớt: đó là chiều hướng không thích, thậm chí là hạn chế tác phẩm văn nghệ phản ánh cái xấu, cái ác… Nói “xưa rồi”, vì từ 34 năm trước, tại đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 3 (Tháng 9/1983), tôi đã đọc tham luận “Tác dụng tích cực của “cái tiêu cực” trong tác phẩm văn nghệ” (đã in trong sách “Hiện thực & sáng tạo tác phẩm văn nghệ”, NXB Hội Nhà văn, năm 2006); tuy vậy, vấn đề còn “rơi rớt” vì gần đây, một số địa phương chỉ đạo phê phán bài thơ này, câu truyện kia, “nổi tiếng” hơn cả là vụ truyện “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư bị một số vị ở Cà Mâu lên án nặng nề, rồi tiểu thuyết 2 tập “”Đại gia” của Nguyễn Thiên Sơn bị cấm phát hành… Cũng cần chỉ ra rằng, khuynh hướng này là trái với đường lối văn nghệ Đổi Mới của Đảng, nên những năm gần đây, nhiều tác phẩm phản ánh “cái tiêu cực” khá đậm nét, được bạn đọc hoan nghênh và không bị ai chỉ trích. Riêng tiểu thuyết lịch sử viết về anh hùng, danh nhân thì sự nhắc nhở phải “cẩn thận” trong khi “giải thiêng”… là cần thiết, vì nếu “tùy tiện hư cấu” tất sẽ “gây ra cái nhìn méo mó, lệch lạc về các giá trị lịch sử và nhân cách văn hóa của nhân vật lịch sử vốn đã được định hình, được cộng đồng, dân tộc ngưỡng vọng, chiêm bái. (Bài đã dẫn - Theo vanvn.net, ngày 17/8/2017).
Tuy nhiên, theo tôi, ngay một đoạn đầu của bài viết, tác giả đã “kết hợp” hai lĩnh vực không “khéo”. Mở đầu, tác giả nêu vấn đề trên bình diện lý luận văn nghệ:
“…Công bằng mà nói, nếu hiểu theo nghĩa tích cực, thấu đáo, “giải thiêng” luôn gắn liền với cảm thức phân tích, luận giải, thụ hưởng lịch sử. Với hàm nghĩa này, lịch sử không chỉ thu gọn trong những biến cố, sự kiện, nhân vật qua cái nhìn ngưỡng vọng, chiêm bái, một chiều mà đã được mở rộng hơn, sâu hơn và “đời hơn”. Nhờ đó, văn xuôi hư cấu lịch sử đã đi vào bản chất: khám phá, phân tích, luận giải lịch sử, văn hóa và con người ở tầng vỉa sâu của những bí ẩn, khuất lấp. Đây là một trong những dấu hiệu thể hiện sự đổi mới trong tư duy, cảm thức, cách tiếp cận và phương thức tự sự lịch sử của các nhà văn khi sáng tạo về đề tài lịch sử đương đại…”
Liền ngay đó, tác giả lại chỉ ra mặt trái của với chủ yếu trên bình diện chính trị:
“Tuy nhiên bên cạnh những dấu ấn và thành tựu không thể phủ nhận của xu hướng này, vẫn còn đó không ít tác phẩm lợi dụng vấn đề “giải thiêng” để hạ bệ, bôi nhọ thần tượng, huyền thoại dân tộc. Nhân danh đổi mới, tinh thần dân chủ; tự khoác cho mình quyền năng sáng tạo, hư cấu, một số cây bút đã khai thác quá mức các yếu tố thuộc bản năng, đời tư; tô đậm những khuyết điểm, lỗi lầm nhỏ; tùy tiện hư cấu, bịa đặt, xuyên tạc hòng quy kết về tư cách đạo đức, hoài nghi nhân tính, phủ nhận giá trị lịch sử, văn hóa của nhân vật lịch sử trong đời sống tinh thần dân tộc, từ đó gây ra cái nhìn méo mó, lệch lạc về các giá trị lịch sử và nhân cách văn hóa của nhân vật lịch sử vốn đã được định hình, được cộng đồng, dân tộc ngưỡng vọng, chiêm bái. (Dẫn theo vanvn.net, ngày 17/8/2017)
Cách đặt vấn đề như vậy, khiến bạn đọc hiểu rằng tác giả chỉ nhằm những kẻ cơ hội chính trị “lợi dụng”, ‘nhân danh”, rồi “khoác áo” dân chủ, đổi mới để “xuyên tạc”, “phủ nhận giá trị lịch sử”… Điều này cũng rất cần thiết, nếu như có những kẻ như vậy. (Tôi dùng chữ “nếu như” vì không có điều kiện nắm chắc nhân sự loại này. Và có lẽ ngay cả tổ chức văn nghệ, nếu yêu cầu chỉ đích danh những kẻ đó, cũng không phải là việc dễ dàng…) Điều mà ai cũng biết, là loại “cơ hội” ấy (nếu có) chỉ là số ít - thậm chí rất ít - trong đội ngũ văn nghệ sĩ. Nói như vậy để thấy, xem xét vấn đề trên khía cạnh chính trị là cần thiết, nhưng sẽ có ý nghĩa hơn, khi nghiên cứu vấn đề trên bình diện thẩm mỹ và lý luận văn nghệ. Đây chính là nội dung tác giả đã nêu ngay đoạn mở đầu, nghĩa là cần xem xét các tác phẩm đã thể hiện nhân vật “sâu hơn, “đời” hơn” như thế nào? đã chạm đến “tầng vỉa sâu của những bí ẩn, khuất lấp” đến mức nào?....
Vấn đề “giải thiêng” xem ra đang là chuyện thời sự, vì không hẹn mà cùng thời điểm, Tạp chí Sông Hương số tháng 8/2017 đăng bài dài 11 trang của Lê Quốc Hiếu “Khuynh hướng giải huyền thoại trong văn xuôi Việt Nam đương đại từ 1986 đến nay.” Khác với Phạm Thị Thanh Phượng, tác giả bài viết này không xem xét đến khía cạnh chính trị, mà đi sâu vào học thuật. “…Giễu nhại, giải thiêng lịch sử, huyền thoại đang trở thành cảm hứng mạnh mẽ của văn xuôi Việt Nam đương đại. Đây đồng thời cũng trở thành kỹ thuật tự sự nổi bật, tinh thần chủ lưu của chủ nghĩa hậu hiện đại… Tâm thế hậu hiện đại với thái độ “hoài nghi” sâu sắc những “đại tự sự”, đã “giải trung tâm”, “giải cấu trúc”, đồng thời “giải thiêng lịch sử, truất ngôi “đại tự sự” ra ngoại biên… Do vậy, có rất nhiều “tiểu tự sự về lịch sử, tôn giáo, chính trị , nghệ thuật… đồng thanh cất tiếng nói thay vì chỉ một “đại tự sự” được phép đăng đàn…”
Tôi kém lý luận, nên chỉ hiểu qua rất nhiều từ ngữ học thuật thời thượng này chính là nhu cầu dân chủ, được đối thoại bình đẳng trong cuộc sống…; nói cách khác, đó chính là xã hội “không có vua” như nhân dân ta đã đấu tranh để thực hiện trong hơn một thế kỷ vừa qua. Một số người đề cao truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp (trong đó có Lê Quốc Hiếu ) hẳn là vì thế. Có điều, nếu đó là “vua” do nhà văn hoàn toàn tạo ra, hoặc là vua có thật nhưng từng bị lên án (như Gia Long…) thì muốn “truất ngôi đại tự sự”, muốn viết sao cũng được, nhưng với các anh hùng dân tộc thì phải ‘cẩn thận”. Một số truyện lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp và một số tác giả khác bị phê phán có lẽ là vì thế.
Ở đây, xin dẫn thêm ý kiến của nhà văn Nguyễn Thế Quang: “Tôi thích viết những đề tài về Lịch sử, đi sâu vào khám phá số phận của Con Người. Viết là để khám phá bản chất đời sống đã qua nhằm đối thoại với thực tại, hướng đến sự tiến bộ. Người đọc tìm đến Văn chương không chỉ để nhận biết mà còn để thưởng thức. Vì vậy, nhà văn phải luôn nỗ lực đi tìm và tạo nên những vẻ Đẹp để bạn đọc hứng khởi và phấn chấn hơn”.
Nguyễn Thế Quang không nói “lý thuyết” nhưng “đi sâu khám phá số phận… bản chất đời sống” thì cũng là “giải thiêng” theo nghĩa “tích cực, thấu đáo”. Nhà văn sáng tác theo tinh thần đó chính là để tránh tác phẩm sơ lược, ấu trĩ “một chiều”, để có thể tạo nên một thế giới nghệ thuật “được mở rộng hơn, sâu hơn và “đời hơn” như Phạm Thị Thanh Phượng đã viết. Đó cũng là “vẻ Đẹp” Nguyễn Thế Quang đi tìm khi viết về Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ. Nói “chữ” theo các nhà lý luận văn nghệ thì đó chính là CÁI ĐẸP của nghệ thuật. Tất nhiên là “Cái Đẹp” hiểu theo mỹ học chứ không phải là cái đẹp thông thường. Nói đơn giản, một nhân vật có bộ dạng và khuôn mặt xấu xí, nhưng vẫn có thể trở thành một hình tượng nghệ thuật đạt đến “Cái Đẹp” của nghệ thuật.
Theo GS. Phương Lựu trong “Từ điển văn học ”, quan niệm về “Cái Đẹp” “luôn phát triển và biến đổi trong lịch sử…”Cái Đẹp” chân chính trong nghệ thuật luôn gắn liền với cái thật, cái tốt…” nhưng Hêraclit thì cho “Cái Đẹp là biểu hiện công cuộc đấu tranh giữa các thế lực đối lập”; Điđờrô cho “đẹp gắn liền với cái thích hợp, cái toàn vẹn…” Suy cho cùng, thì cái toàn vẹn cũng chính là “cái thật”.
Vấn đề còn lại là “cái thật” (bao gồm cả “cái có thể có thật”) được lựa chọn đưa vào tác phẩm theo quan điểm như thế nào về “Cái Đẹp”, loại “cái thật” nào thì nên tạm “quên” đi? Đặt vấn đề như vậy là đã thừa nhận có sự hạn chế. Ở đây, không bàn đến những người cố ý “xuyên tạc… phủ nhận giá trị lịch sử, văn hóa của nhân vật lịch sử” vì nó không còn là chuyện văn nghệ, nhưng trong thực tế sáng tác tiểu thuyết lịch sử những năm qua, người viết vẫn bị “vấp” khi nêu ra những chuyện đời tư, nhất là các chi tiết “đời hơn” - mà cuộc đời thì vẫn luôn có những chuyện tầm thường, thô tục.
Thiết nghĩ ở đây, có 2 điều phải đặt ra:
+ Trong điều kiện cụ thể của Việt Nam hiện nay, người sáng tác không thể “bỏ qua” truyền thống, tâm lý dân tộc, phải chấp nhận một sự “hạn chế”: không nên tùy tiện đưa ra các chi tiết xúc phạm đến nhân cách nhân vật anh hùng; nói cách khác, với các nhân vật mà công chúng đã đặt lên bàn thờ “chiêm bái” thì nhà văn không thể vin vào quyền “hư cấu” mà đặt những thứ trái với con mắt và tâm lý của đại bộ phận nhân dân. Nếu đã chọn lựa như vậy, thì mặc nhiên phải chấp nhận nhân vật anh hùng sẽ ít “đời hơn”, cũng có nghĩa sẽ kém sinh động và khó có thể đạt đến Cái Đẹp của hình tượng nghệ thuật.
+ Mặt khác, cách nhìn nhận cũng như tâm lý công chúng trước một sự kiện, một nhân vật không phải là “nhất thành bất biến” mà nó thay đổi theo thời thế và nhất là khi lịch sử được “bạch hóa”. Ví như một thời, hầu như nhắc đến vua Gia Long là chỉ có sự miệt thị đó là kẻ “cõng rắn cắn gà nhà”, nhưng gần đây, đã có sự đánh giá khác, tuy cũng chưa hẳn đã tạo được sự thống nhất… Một khía cạnh cũng cần lưu ý là sự “hạn chế” có thể đặt ra do không thể “bỏ qua” cách nhìn nhận và tâm lý công chúng; nhưng “công chúng” ở đây là ai? Có thực sự đại diện cho đa số nhân dân và có hiểu biết đầy đủ về dặc trưng, chức năng của tác phẩm văn nghệ, phù hợp với xu thế tiến bộ của nhân loại hay không? Đặt vấn đề như vậy, vì như chúng ta đã biết, truyện “Cánh đồng bất tận” bị phê phán, cấm đoán chỉ do một số vị kém hiểu biết ở địa phương; trước đó, tiểu thuyết về danh nhân Hải Thượng Lãn Ông của nữ văn sĩ pháp Yveline Fray (cùng tác giả bộ tiểu thuyết đồ sộ “Vạn Xuân” viết về Nguyễn Trãi và Lê Lợi) đã bị một số người nhân danh hậu duệ họ Lê Hữu lên án, đòi kiện sang tận Pháp vì tác giả đã bịa ra chuyện cụ Hải Thượng ăn nằm với một nàng hầu. Cả hai “vụ” ồn ào một thời gian, nhưng rồi bị… “thiểu số” và “thất lý” nên rồi cũng yên. Chỉ cần hỏi: Cụ Nguyễn Công Trứ 7-8 vợ (có khi thực chất chỉ là nàng hầu nơi cụ đến làm quan), nhưng có vì thế mà uy tín của Cụ sứt mẻ đâu? và tiểu thuyết “Thông reo Ngàn Hống” vẫn được Hội Nhà văn trao giải thưởng; đủ thấy các tác giả viết chuyện “riêng tư” của nhân vật lịch sử không phải bao giờ cũng để “hạ bệ” anh hùng, danh nhân. Đáng tiếc là trong địa hạt này, vẫn có những ‘kiêng kị” không cần thiết. Xin nêu trường hợp “mới toanh”; đó là khi tôi giới thiệu tiểu thuyết “Trông vời cố quốc” của Hoàng Quảng Uyên viết về chặng đường 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc, tôi nhắc đến “sự cố” “tiểu thuyết nổi tiếng về Cụ Hồ thời trẻ - “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng - do miêu tả “đậm đà” một chút tình cảm giữa “anh Ba” và “Út Huệ” - cũng gây “ồn ào” một thời, thậm chí có nhà văn đã quyết liệt lên án… - mãi đến lúc Thủ tướng Phạm Văn Đồng tỏ ý hoan nghênh “Búp sen xanh”, dư luận mới tạm yên.” Từ đó, tôi nêu ‘thắc mắc” với tác giả: “Nhân nhắc đến mối tình của “anh Ba” trong “Búp sen xanh” và mặc dù đã biết “cái khó” của nhà văn Việt Nam khi viết về các vĩ nhân, vẫn cứ tiếc… và muốn được hỏi nhà văn HQU: chẳng lẽ suốt 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, một con người ưu tú, nổi tiếng với rất nhiều bí danh - từ Văn Ba, Nguyễn Ái Quốc, Tất Thành đến Lu, Thàu Chín, Lý Thụy, Tống Văn Sơ, Linốp, “Đồng chí Vương”, Hồ Quang… - lại không có một “mối tình vắt vai” nào?...”
Cả hai đoạn viết trên đều bị cắt khi in lên báo. Tôi là một ông già gần tám mươi, lại ở xa “mặt trời”, chỉ biết tự hỏi: “Sao thế nhỉ” Và nay thì xin đặt câu hỏi với các bậc thức giả và đồng chí chủ tịch Hội đồng LLPBVHNT Trung ương tại Hội thảo này.
Riêng tôi, nghĩ rằng các cơ quan quản lý, những người có chức năng hướng dẫn dư luận, cần có cách nhìn cởi mở hơn về quyền sáng tạo, “hư cấu” của tác giả viết tiểu thuyết lịch sử nói chung, và nói riêng khi các tác giả viết về đời tư các danh nhân, anh hùng - tất nhiên không phải để “xuyên tạc” lịch sử mà để lịch sử được “thật” hơn, “đời hơn”…; từ đó, sẽ có thêm điều kiện để tạo nên tác phẩm có chất lượng, dựng được hình tượng người anh hùng có sức lay động tâm hồn độc giả.
Về mặt tổ chức, để giúp cho sự phát triển tiểu thuyết lịch sử trong thời gian tới đem đến nhiều tác phẩm có chất lượng hơn, thiết nghĩ các cơ quan quản lý nên quan tâm hơn nữa đến các tác giả có xu hướng dành trọn đời cầm bút cho thể loại này như tạo điều kiện tiếp cận tư liệu, tổ chức Trại sáng tác dài ngày cho họ…



(*) Tác giả viết TTLS nổi tiếng ở Trung Quốc, được mệnh danh là “Nhà văn Hoàng Đế” do ông đã sáng tác 3 bộ tiểu thuyết: Khang Hy đại đế, Cung Chính Hoàng đế và Càn Long Hoàng Đế.