Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VĂN MINH VĂN HÓA TRONG “HOA TAY ĐẤT VIỆT”

Nguyễn Thiết
Thứ sáu ngày 3 tháng 11 năm 2017 8:25 AM




(Đọc Hoa tay đất Việt của Vũ Từ Trang, NXB Kim Đồng, 2017)
Kết quả hình ảnh cho hoa tay đất Việt

 Tập sách được viết như rút ruột. Tỉ mỉ, chân thực, sống động và cả tình yêu ông dành cho những nghề, làng nghề, những người làm nghề mà ông gọi là “Tinh hoa nghề thủ công truyền thống”.

Vũ Từ Trang không chỉ được biết đến với căn cước là một nhà thơ, ông từng là nhà báo, viết văn. Ông đi nhiều, viết nhiều. Quá trình ấy, một sức hút kỳ lạ và sự bén duyên giữa ông với những làng nghề, như: nghề gốm, nghề làm đồ tre gia dụng, nghề làm trống, nghề làm guốc, nghề làm thuốc đông y, nghề đúc đồng, nghề chạm khắc đá, nghề làm muối, nghề làm nước mắm, nghề làm bún, nghề làm giò chả, nghề vẽ tranh trên kính, nghề chụp ảnh, nghề sơn son thiếp vàng, nghề làm tranh điệp Đông Hồ…

Tất cả nghề có trong “Hoa tay đất Việt” được mô tả hết sức cặn kẽ, tinh tế, không chỉ ở nguyên liệu, vật liệu, công cụ chế tác mà còn ở quá trình thao tác của những người thợ, những nghệ nhân. Có những nghề mà sản phẩm qua lửa, từ thời gian đến nhiệt lượng, mà có những sản phẩm bền, đẹp, tiện ích đều nhờ ở kinh nghiệm, tay nghề của những người thợ thủ công mà nên. “Từ lâu đã có biết bao con người biết sử dụng những vật dụng có sẵn trong tự nhiên để làm ra các sản phẩm. Dưới bàn tay khéo léo của họ, những vật liệu thô sơ trở nên tinh xảo và thành những đồ vật quen thuộc, thiết yếu trong cuộc sống thường ngày” (Lời Nhà xuất bản Kim Đồng, trang 3).

Qua những nghề, làng nghề có trong tập sách đồng nghĩa sự hiện hữu nền văn minh, văn hóa truyền thống của người Việt. Nó không chỉ phong phú, đa dạng mà còn có bản sắc riêng, một tinh hoa, tinh tế, đầy tính nghệ thuật với những giá trị mang tính bền vững. “Những trung tâm sứ gốm ở nước ta xuất hiện từ những Lý - Trần mà đến nay vẫn còn những hưng thịnh, đó là Bát Tràng (Hà Nội), Phù Lãng (Bắc Ninh), Hương Canh (Vĩnh Phúc), chum Thanh (Thanh Hóa)… mỗi vùng quê gốm, lại giữ kỹ nghệ riêng. Mỗi nơi lại có mặt hàng đặc trưng của riêng mình, tạo thêm sự đa dạng và phong phú của công nghiệp gốm Việt Nam” (Nghề gốm truyền thống, trang 11).

Vũ Từ Trang không chỉ thâm nhập, quan sát, tìm hiểu một cách kỹ lưỡng của mỗi nghề, làng nghề để khi viết ra vừa chính xác, vừa rất đặc trưng. Lung linh đẹp, gợi cảm mang tính thẩm mỹ cao. “Hình dáng người phụ nữ bán cốm, không thể lẫn với ai khác được. Đấy là đôi quang gánh được tết bằng mây, đòn gánh gánh cốm một đầu thẳng, một đầu cong vắt như mũi hài. Người gánh cốm thường vận áo mớ ba mớ bảy, thắt bao lưng cùng màu nâu trầm nhã nhặn, đầu đội nón lá ba tầm, nón thúng quai thao nom đến nền nã. Họ đi bán cốm với nhịp bước khoan thai, không rao ồn ã, cứ lặng lẽ đi, vậy mà không thể lẫn trong dòng người ồn ào xứ thị” (Nghề làm cốm, trang 107).

Mỗi trang viết về các nghề, làng nghề thủ công truyền thống như những âm thanh nối nhau ngân nga, ngợi ca những con người của bao thế hệ ngày đêm với công việc tạo ra những sản phẩm mang lại giá trị vật chất và tinh thần cho người làm nghề, làng nghề nói riêng và cho cả cộng đồng người Viêt nói chung. Nó góp sức không nhỏ vào công cuộc dựng nước của Người Việt trong suốt chiều dài lịch sử. “Nếu như những chiến công viết nên câu chuyện giữ nước, thì những nghề thủ công chính là những câu chuyện về dựng nước” (Bìa bốn của sách)

Những người thợ thủ công trên những làng nghề, họ đã đầu tư sức lực, trí tuệ, tâm huyết, vốn liếng và cả tình yêu lẫn khát vọng để làm ra sản phẩm mà giữ nghề, làng nghề với chất lượng sản phẩm ngày một tốt mà còn đẹp về mẫu mã, kiểu dáng. Họ thực sự có đức có tài, có tâm, giầu chất nhân văn và cũng vô cùng tài hoa lẫn chất nghệ sỹ.

Nhìn nhận một cách khách quan: Người làm nghề, làng nghề đã tạo ra những sản phẩm mang tính hàng hóa đa dạng về chủng loại, phong phú về mẫu mã, để trở thành vật trao đổi, mua bán mà tạo ra nền kinh tế thị trường bấy lâu nay. “Phường buôn đồ đồng ở Sặt Đồng ngày xưa tạo thành hệ thống phân phối hàng đồng cho khắp các tỉnh trong Nam ngoài Bắc” (trang 76) và “đường thốt nốt của An Giang và Kiên Giang đã có mặt trên thị trường toàn quốc, hơn thế còn là món hàng xuất khẩu có giá trị” (Nghề làm đường thốt nốt, trang 156).

Đọc “Hoa tay đất Việt” hấp dẫn bởi cả 48 bài viết về các nghề, làng nghề đất Việt, đã vượt ra khuôn khổ ghi chép của bài báo mà nó dáng dấp, hơi thở của một bài ký. Cách viết cách kể đan xen. Ngôn ngữ sử dụng phù hợp với từng nghề, thời gian, địa phương, giầu chất văn và thơ, giúp người đọc có cơ hội tìm hiểu về nghề, làng nghề, từ nguyên liệu, cách làm để có sản phẩm. Kỹ năng chế tác của các nghệ nhân và những làng nghề nổi tiếng khắp đất nước.

Đọc mỗi trang viết trong “Hoa tay đất Việt”, Vũ Từ Trang cho ta thấy một phần của văn minh Việt, văn hóa Việt phong phú đến ngần nào và cũng rất riêng, rất bản sắc. Ta còn thấy ở ông một tấm lòng, một tình yêu, trân trọng và khâm phục những bàn tay, khối óc tài hoa đã tạo ra những sản phẩm vô cùng tinh xảo giầu thẩm mỹ, tiện dụng và những món ngon hiện hữu hàng ngày trong đời sống của người Việt. “Hoa tay đất Việt ” là cuốn sách thứ 4 trong bộ sách khảo cứu về nghề thủ công cổ truyền, mà Vũ Từ Trang đã công bố.

Vũ Từ Trang gián tiếp góp sức mình vào gìn giữ những nghề truyền thống và văn minh, văn hóa Việt.