Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LẠI TỰ HỌC

Vương Đình Trung
Thứ hai ngày 24 tháng 7 năm 2017 2:14 PM
Ra khỏi lớp học, lão không về nhà ngay mà dắt xe vào một quán cafe ngay cổng trường. Lão ngồi nhâm nhi ly cafe, nghĩ lại dư âm cuộc tranh luận vừa xảy ra trong buổi học giữa lão và thầy giáo.
Đã bảy mươi tuổi rồi, đây là lần đầu tiên lão đi học có trường lớp đàng hoàng, nhưng cũng chỉ là học buổi tối mà thôi.
Còn cả đời lão toàn là tự học. Hồi còn bé nhà lão nghèo lắm, hơn mười tuổi lão mới được đi học lớp I-tờ, rồi chuyển lên lớp tập chép mà toàn học ở Tả mạc đình, với sân chùa chứ có trường lớp gì đâu. Biết đọc, biết viết rồi là lão không được đi học nữa, phải về chăn trâu cắt cỏ, giúp bố mẹ làm việc đồng áng của hợp tác xã. Rồi lão được đi theo một hiệp thợ mộc chuyên cất nhà tre, nhà gỗ. Từ tay điếu đóm, bê vác, đến phụ việc, lão lần mò học lỏm các ngón của nghề. Vậy mà lão thành tài mới lạ chứ. Xưa những căn nhà ngói người ta có cái thước bằng tre trên ghi lại tất cả các kích thước của căn nhà từ độ lớn của vì kèo, khoảng cách đòn tay, diện tích từng gian, chiều cao của tường... đều được ghi cụ thể trên cái thước ấy. Nhà làm xong người ta trịnh trọng để thước trên thanh xà giữa nhà. Để khi nào có cần sửa chữa hay cơi nới gì thì đem xuống mà đọc mà làm theo chỉ dẫn rất chính xác. Nhưng cái thước ấy không phải ai cũng đọc được, chỉ những thợ cả, có đủ trình độ nghề nghiệp được chỉ dạy cẩn thận mới đọc được và làm theo được. Nhưng với lão, chả ai chỉ dạy lão tự mày mò học lỏm thế mà lão cũng làm được hết. Phải nói là lão tài và khéo. Nghề mộc giúp lão nuôi cả nhà, các con lão trưởng thành cũng nhờ tài nghệ thợ mộc của lão. Sau này lão chuyển sang kinh doanh đóng đồ mộc cao cấp, vì nhà ngói, nhà cổ giờ không ai làm nữa. Nghề mộc gia dụng lão cũng tự mày mò học hỏi và gây dựng lên một xưởng lớn, hàng chục thợ đến làm thuê cho lão. Lão thường nói với các con: "Cái gì cũng phải chịu khó học hỏi, chí thú, say mê là sẽ làm được tất".
Ngay cả làm thơ lão cũng tự học mà làm được. Ở làng lão có câu lạc bộ thơ rất sang trọng, hội viên của câu lạc bộ đều là những người lịch lãm có tài ,có học cả. Một hôm đi qua câu lạc bộ thơ lão thấy một bà đang ngâm:
Làng ta lắm mít, nhiều na
Vẫn còn giếng nước, cây đa, mái đình
Đám ma có hội cà rinh
Cưới cấm thuốc lá, cỗ xinh mười bàn...
Lão lẩm bẩm: "Làm thơ thế thì ai chả làm được, thế mà đã gọi là thơ".
Hôm ấy thấy lão hàng xóm say rượu bò lê bò càng ở ngoài đường, lão ta còn vục mặt xuống cống uống nước mới ghê chứ. Lão bèn vực lão hàng xóm dậy, nói: "Ông say quá rồi về nhà mà nghỉ đi chứ sao lại thế này". Lão say rượu lè nhè: "Tôi mà say à, còn lâu mới say nhé". Tự nhiên lão cao hứng sáng tác ngay bài thơ:
Ai bảo ông say, ông chửa say
Ông uống nữa đây, uống nữa này
Nước cống vục lên tu ừng ực
Ông khà vuốt mép, rượu có dây
Bài thơ của lão nhanh chóng được nhiều người đọc và biết đến, lão say rượu lúc tỉnh rượu xấu hổ quá định sang gây gổ với lão. Nhưng mọi người can ngăn, bảo lão ta rằng đọc thuộc bài thơ ấy mà chừa rượu đi. Thế là lão được mời vào sinh hoạt câu lạc bộ thơ của làng từ đấy.
Các cháu của lão, đứa học mẫu giáo, đứa vào lớp một, lạ cái lão kể chuyện cổ tích chúng nó không thích lắm, chúng cứ chúi đầu vào máy tính và máy điện thoài của bố mẹ chúng. Rồi thì ở lớp về chúng xì xồ với nhau bằng tiếng Anh lão chả hiểu gì cả. Thấy lão tỏ ra bức xúc, thằng con lão bảo: "Bây giờ khác xưa rồi bố ạ, thời đại của thông tin và công nghệ cao mà".
Thế là chả hiểu lão nghĩ ngợi tính toán thế nào, lão ghi tên theo học lớp tiếng anh buổi tối ở trung tâm ngoại ngữ. Những ngày đầu thầy giáo rất phấn khởi vì có cả một cụ lão theo học. Thầy thường nêu gương học tập của lão trước lớp. Trong các buổi học thầy quan tâm, chú đến đến lão đặc biệt, luôn gọi lão đọc bài, với mời lão lên bảng chữa bài, viết bài. Lão thì lại nghĩ khác, lão lại không cho là thầy giáo quan tâm đến lão mà cho rằng thầy hành lão. Hôm nay, không chịu nổi nữa khi thầy giáo gọi lão đứng dậy đọc bài, lão không đọc được. Lão bảo thầy giáo:
- Tôi đến đây để học chứ không phải để cho thầy hành
Thầy giáo bảo:
- Học phải đi đôi với hành chứ bác
- Hành của thầy đây là hành hạ tôi chứ không phải là thực hành. Người ta bảo dạy phải dỗ nữa chứ.
Thầy giáo cười nói:
- Tôi vẫn cùng bác thực hành đấy chứ, còn dạy dỗ thì chỉ áp dụng ở các lớp mẫu giáo với trẻ nhỏ thôi.
- Thầy nhầm rồi, lớp này còn lâu mới bằng lớp mẫu giáo nhé. Lớp mẫu giáo các cháu đã nói vanh vách, hát ầm ầm rồi, ở lớp này đã ai nói được câu nào cho ra hồn chưa mà đòi so với lớp mẫu giáo.
Cả lớp cười ầm lên khi nghe lão lý sự.
Lão bảo: Thôi tôi xin thầy cung cấp cho tôi giáo trình tự học tiếng anh, tôi lại về tự học vậy. Tôi hứa với thầy là sang năm sẽ đến đây nói thi với thầy. À quên xin thầy cho làm bài thi.
Dắt xe ra khỏi quán cafe, vừa đi được một đoạn, đèn đỏ ngã tư bật sáng, chữ stop nhấp nháy lão cười lẩm bẩm: "Stop là dừng lại chứ gì, thank you nhá, đây biết thừa rồi".
Vương Đình Trung