Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

QUÁI THAI "THẤU CẢM"

Đặng Văn Sinh
Thứ ba ngày 27 tháng 6 năm 2017 6:56 AM





Sau buổi thi môn văn THPT 2017, nhà thơ Hoàng Hưng gọi điện nhờ giải nghĩa từ "thấu cảm", tôi giở hết các loại: Từ điển Hán - Việt, Từ điển Trung - Việt, Đại từ điển Hán - Việt, Từ điển Tiếng Việt, Từ điển Chính tả (do Việt Nam xuất bản) đều không thấy bóng dáng từ này. Để cho chắc chắn, lại lục lọi trong "Từ hải" (biển từ), "Từ nguyên" (nguồn gốc từ) (do Trung Quốc xuất bản), rồi lại vào mạng tìm trong "Hán điển" (từ điển Hán - Hán trực tuyến) những đều không có kết quả. Từ đó có thể kết luận, "thấu cảm" là một từ được Đặng Hoàng Giang phịa ra.
Đến đây cần phải nói đôi chút về ngôn ngữ. Tiếng Việt là ngôn ngữ có hệ thống từ vựng phong phú có thể diễn đạt mọi khái niệm trong đời sống xã hội kể cả những khái niệm trừu tượng nhất. Tuy nhiên vì nó là sinh ngữ nên trong quá trình sử dụng sẽ có những từ bị đào thải và có những từ mới phát sinh. Những từ mới phát sinh, bước đầu chưa được cộng đồng chấp nhận, thậm chí phản bác, nhưng sau một thời gian sàng lọc, người ta cảm thấy hợp lý, dần dần gia nhập vào kho tàng từ vựng. Vì ngôn ngữ mang tính lịch sử nên việc sáng tạo ra những từ mới là đúng với quy luật. Vấn đề cần bàn ở đây là, "từ mới" ấy có "mới" hay chỉ là sự ngụy tạo bằng cách lắp ghép vô tội vạ như một kiểu làm dáng để ra vể ta đây uyên bác.
Chẳng phải mất công đi tìm ý nghĩa của từ "thấu cảm", mà chỉ cần đọc ngay những dòng đầu của đoạn văn trong đề thi là rõ: "Lòng trắc ẩn có nguồn gốc từ sự thấu cảm.
- Thấu cảm là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ. Giống như cái lạnh thấu tủy hay cái đau thấu xương,
- thấu cảm là sự hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn một ai đó, khiến ta hiểu được những suy nghĩ của họ, cảm được cảm xúc của họ, và tất cả xảy ra mà không có sự phán xét. Khả năng đọc được tâm trí và tâm hồn của người khác là một khả năng phát triển ở những người mẫn cảm.
- Thấu cảm khiến ta hồi hộp khi ta quan sát một người đi trên dây ở trên cao, làm chúng ta cùng vui buồn với một nhân vật trong truyện".
Rõ ràng đây là là đoạn văn lủng củng với cách giải thích tùy tiện bằng các khái niệm vô cùng mâu thuẫn. Cái gọi "thấu cảm" mà tác giả bịa ra được gán cho quá nhiều ý nghĩa, lúc là danh từ, lúc là động từ, lúc lại là tính từ để diến đạt một ý tưởng hết sức ngô nghê. Tôi ngờ rằng, đoạn văn trên được tác giả Đặng Hoàng Giang "dịch" từ một tác phẩm triết học "Hậu hiện đại" nào đó của Phương Tây rồi "Việt hóa" nó để khoe sự thông thái của mình. Có điều, khả năng "dịch" còn hạn chế, đồng thời không tìm được những từ tương ứng nên anh ta "phát minh" ra cái gọi là "thấu cảm" để lòe thiên hạ. Thật không may chính từ "mới" này đã báo hại tác giả, biến đoạn văn "hậu hiện đại" nước ngoài thành đoạn văn tiếng Việt giả cầy. Chỉ nhìn cái tựa đề "Thiện Ác và Smartphone" người đọc cũng đã ngửi thấy "mùi" triết học hiện sinh chi phối tinh thần đoạn văn đầu ngô mình sở trên. Cứ với các đặc trưng của chủ nghĩa "Hậu hiện đại", chúng ta có quyền sử dụng các tiêu đề một cách thoải mái mà chẳng cần phải lo bị phạt vạ bởi sử dụng ngôn ngữ thiếu trong sáng, ví dụ như "Thiện Ác và Kotex", "Thiện Ác và Diana", hay "Thiện Ác và Doctor Ruồi" chẳng hạn.
Chẳng ai cấm viết những đoạn văn thuộc dòng "Hậu hiện đại" của Đặng Hoàng Giang, cho dù nó là văn nhái của Phương Tây, lại qua mặt được cả những nhà biên tập mẫn cán của nhà xuất bản Hội Nhà văn, bởi đó là quyền của tác giả. Nhưng nhất thiết không được đánh đố học trò thứ văn chương lởm khởm mà chính người thầy cũng không hiểu là tác giả muốn nói gì. Đối với nhà trường ở cấp phổ thông, mọi sự thi cử đều phải được quy chuẩn hóa, không thể ra đề một cách tùy tiện. Cách làm này chẳng khác gì đầu độc các thế hệ tương lai, cho dù không ít nhà lãnh đạo quốc gia, mỗi khi đăng đều khẳng định "giáo dục là quốc sách!".
Chỉ riêng đề thi môn văn THPT năm 2017 vừa qua, chúng ta hiểu vì sao, nền giáo dục Việt Nam càng ngày càng nhếch nhác?
Đ.V.S.