Trang chủ » Truyện

CHÚNG TA CẦN SUY NGHĨ VỀ CHUYỆN NÀY

Nguyễn Thị Thu Huệ
Thứ sáu ngày 13 tháng 8 năm 2010 8:24 AM

Truyện ngắn
 
Hân nói khi anh vắt vẻo ngang bậu cửa sổ, nhìn xuống đường “Em sẽ đến ở nhà Nhung một thời gian. Chúng ta cần suy nghĩ về chuyện này”. 
Bậu cửa sổ bằng gỗ. Thường khi năm mới đến, anh thuê người đến đánh lại vécni cho mới. Giống như khoác thêm tấm áo mỏng, đủ để đẹp mà không khác gì. Chính vì thế lớp gỗ ngày càng bóng và dày, có thể ngồi lên như trên một băng ghế dài chắc chắn.
Từ cửa sổ có thể nhìn thấy rất nhiều chuyện đang xảy ra dưới đường. Bà bán bún riêu cao hơn mét bảy mươi, nặng tám chục ký đang nhặt cho vào mồm những giò tai vụn đầu cuối mỗi khi cắt vào bát bún cho khách. Miệng nhai nhưng vẫn chửi ông chồng hôm qua cá độ bóng đá mất hơn ba trăm tiền lãi hai ngày gánh bún. Ông xe ôm không cần gương sờ sờ lần mò trên mặt nặn trứng cá. Lâu lâu, được viên nào, giơ lên nắng soi.
“Em mang máy tính, máy quay và ổ cứng phim đi”, Hân tháo cái ổ cứng chứa khoảng 200 phim kinh điển của thế giới chất lượng HD mới mua, cho vào cái túi cao thành. Máy quay phim, máy ảnh, máy tính xếp vào vali chuyên dụng của dân làm phim. Phim ảnh là nghề của Hân. Với một kỹ sư dựng phim, rồi chuyển sang quay phim nên phải mang vác những thiết bị máy móc là việc cô rất quen.
Dưới đường, hai cô gái nhảy từ một chiếc xe ôm xuống, chân dài, một cô có vài nốt muỗi đốt còn cô kia dính cái sẹo do bỏng pô xe máy. Cô bị muỗi đốt nói với cô bỏng pô, “Tám giờ tao có sâu, mày chiến đấu một mình, OK?”. “Vô tư đi, nàm bát bún đã, đói dã họng”. Hai chân dài nói ngọng hạ phịch mông xuống hai cái ghế nhựa vuông, quen thuộc nhìn bà béo chan chan múc múc không nói thêm một câu.
“Em nghĩ là em sẽ không nói chuyện của chúng ta với ai. Đề nghị anh cũng vậy. Thiên hạ đang nhạt mồm, có chuyện của mình, ít ra cũng mặn hai ngày”. 
Hai cô bỏng pô và muỗi đốt hoạt động ở quán gội đầu thư giãn trong ngõ bên kia đường khoảng ba tháng. Trước đây, đội ngũ này đông hơn, mỗi lần ăn ngồi quây kín bà bún riêu. Cho đến ngày, một khách hàng quen đang thư giãn dịch vụ trọn gói cùng lúc ngoáy tai kèm nặn trứng cá, thả cái phần con người mãn nguyện trong bàn tay và cái miệng xinh xinh của một em nói ngọng thì bà vợ cùng công an phường, trật tự viên hiện ra ân cần đứng quanh… Anh biết chuyện ấy là từ ông tổ trưởng, sau khi gõ cửa trịnh trọng vào nhà, hổn hển kể, lưu loát như thể đã kể đi kể lại ở nhiều nhà khác trước đấy. Mái tóc giả rẽ ngôi thẳng tắp vốn để che cái đầu hói trụi của ông, giờ lệch sang một bên lộ mảng hói bóng loáng như sơn vécni màu vàng. Anh nhón tay khẽ đẩy cho mớ tóc giả khớp lại vào khung đầu của vị quan quyền đang thao thao bất tuyệt với những cú nuốt nước bọt rồn rột. Cứ thế, anh ngồi nghe lúc được lúc không, mắt nhìn suốt vào cái ngõ tối và sâu ở bên kia đường, và nhận ra từ hôm đấy đội ngũ chân dài hết bao vây bà bún riêu mỗi chiều. Thời gian sau, xuất hiện hai em muỗi đốt và bỏng pô.
Anh ngoảnh nhìn về phía cửa ra vào. Hân đã đi, cùng hai túi, một vali to.
Thở mạnh, quay nhìn xuống đường. Nếu ngồi ở đây với kiểu gù gù lưng, sẽ không thấy ai ra vào ở cổng ngõ. Thẳng lưng lên, sẽ thấy những cái đầu và chịu khó khoảng năm phút, thì thấy cả người. Anh thẳng lưng. Rồi đứng lên, chồm người qua lan can gỗ. Cuối cùng thì cũng thấy Hân. Vai một đeo túi, một túi móc vào vali kéo và dừng lại trước một chiếc xe bảy chỗ đen bóng. Cửa mở ra. Rồi tất cả biến mất.
*
“Chúng ta cần suy nghĩ về chuyện này” là câu anh thường nghe từ Hân khoảng ba đến bốn tháng một lần. Đến bây giờ.  Sau tám năm chung sống, không hôn thú, không đám cưới, không một bữa cơm thân mật với bạn bè thân hay họ hàng cũng chẳng sao. Lâu nay, họ là một cặp, trai tài gái sắc, có nhiều bạn và công việc ổn định. Tuần nào cũng có những chuyến đi xa, tháng nào cũng có những cuộc nhậu. Nhưng rồi sau mỗi “chúng ta cần suy nghĩ về chuyện này” Hân lại bỏ đi khoảng mười ngày.
Lần này, đã một tháng, Hân chưa về.
Có nghĩa, Hân vẫn đang suy nghĩ về chuyện này.
Không biết, đấy có phải là chuyện Hân nói khi hai người ngồi nhìn biển, trước ngày dọn dẹp ra đi. Lúc nào, sóng vào ra bờ cát cũng là điệp khúc: ầm ầm xông vào bờ, rồi lại rút từ từ đi, sủi bọt trắng cuồn cuộn lao đến rồi lại rút êm. Luôn hứa hẹn một ẩn số trong những con sóng, nhưng lại chẳng có gì xảy ra. Mùi tanh của những tàu bắt cá táp dọc bãi cũng quen. Tiếng gió rít qua tán phi lao bao giờ cũng vi vu réo rắt.
“Anh phải biết, bất cứ gì hở ra là mất. Tại sao anh không giữ?”
Đang vào mùa cá cơm. Ngư dân xối cá từ tàu vào những cái sọt và chất lên xe bò chở đi. Cá rơi vãi trắng đường như vảy bạc bắn ra dọc các lối. Cả anh và Hân luôn say đắm sự trẻ trung nhưng nhàm chán nơi bãi biển hoang sơ chưa khai thác du lịch này. Cũng có vài người tắm, nhưng không phải là khách mà là dân địa phương. Vì thế, họ có thể ngồi thật lâu, như hai kẻ rỗi việc nhất trần gian mà không ai nhòm ngó.
“Ai mà chẳng bị mất một cái gì trong đời. Của đi thay người”, anh trả lời cho có, và hình như nó là câu duy nhất về việc Hân hỏi “Tại sao anh không giữ”. Hôm qua, anh bị mất cái máy tính xách tay. Đơn giản là quên trên ghế một quán bia tươi. Quay đi mười phút, quay lại, máy tính bốc hơi như mùi bia tươi. 
“Hôm qua, hai đứa thanh niên đi vu vơ qua cửa hàng bán ga. Thấy không ai trông hàng, một đứa nhảy vào ôm một bình ga rồi nhảy lên xe đứa kia chở đi. Cả ga lẫn bình chỉ ba trăm ngàn. Thế là xã hội có thêm hai thằng cướp. Bình ga rất nặng, khả năng bị tóm rất cao. Nếu bị tóm, sẽ bị đánh, bị nhốt, có khi còn chết trong tù cũng nên”.
Ngoài bãi cá, ông chủ khách sạn nơi hai người ở, gọi váng lên từ một góc bãi cá, “Tối nay hai bác ăn gỏi cá song không? Có một con hơn hai cân đấy, đang giãy đành đạch”.
Anh gật. Hân cười. Ông chủ cao lớn, đen thui, luôn hét thay cho nói như thể xung quanh toàn người điếc, quay đi với con cá đang vẫy đuôi đen bóng trên tay.
“Anh có thấy hiếm khi nào phụ nữ ra đường đeo dây chuyền, hoa tai và túi như ngày xưa. Hở ra là bị giật ngay”
“Thì đói, chúng làm liều. Có của thì phải giữ thôi”.
“Mấy cái bóng đèn cao áp, cột đèn vừa bé vừa trơn, thế mà chúng nó cũng trèo lên tháo được. Hôm qua, bọn đồng nát cắt hết dây thép gai nhà bà bún riêu. Bà ấy đang bảo phải làm rọ sắt may ra không bị cắt”
Hân tiếp tục mạch chuyện về việc, cái gì bây giờ cứ hở ra là sẽ mất.
Hai người đã ngồi cạnh nhau khi cơn mưa đến, rồi đi. Ướt sũng. Chán chẳng ai nhấc người ra khỏi nơi họ đã ngồi xuống. Món gỏi cá song kiểu miền quê đầy ắp cá nhưng thiếu gia vị là thứ họ đã quen. Những chiếc cốc nhựa ố vàng để sẵn cạnh bia hơi đựng trong cái can nhựa giống những can xăng bán lẻ dọc hai bên đường quốc lộ. Chủ nhà cũng đi vào làng hát karaoke với mấy ông lính biển mới trúng đậm mẻ cá.
Khách sạn mini, còn có mâm đồ ăn khô dần vì gió biển và một cái tivi rỉ hoen những nút điều khiển vì muối khuyến mãi tiếng ca đau buồn về kiếp đỏ đen Duy Mạnh. Không một bóng người. Chỉ có những cơn gió lùa qua cửa chính, xuyên qua dãy hành lang dài và sâu rồi chạy ra phía sau, là một rừng phi lao.
Mưa ở biển, hạt to và thưa xối xả tuôn xuống nhưng lại không cảm thấy bị ướt đầm đìa. Chỉ rát dọc lưng. Đôi khi, có một hạt mưa rơi cái bộp giữa hai mắt, nước tràn ra nhoè không thấy gì. Đúng phải một hạt rất to.
*
Hân thường gọi điện hay nhắn tin cho anh sau mỗi lần bỏ đi. Cô nhắc anh những việc như trả tiền đổ rác, điện thoại hàng tháng.
Lần này thì không.
Anh cảm nhận điều khác lạ này sau gần hai tuần. Thường những ngày đầu tự do, anh thấy như vừa bắt được một cái gì đó không cụ thể. Không biết sẽ làm gì với cái mình đang có lúc này, chỉ cảm giác là rung động, chếnh choáng, và loay hoay vào ra vô định. Sau một ngày, khi bữa cơm chiều đến, cái bụng đói nhắc chuyện cần phải ăn, thì mọi thứ trở nên rõ ràng.
Tự do.
Đấy là xem có ai gọi mình ra hàng bia cỏ vỉa hè chiều nay. Nếu không, anh sẽ tự gọi và chỉ ba mươi phút sau, là có bạn nhậu. Bia hoặc rượu trắng là thứ giúp anh quên hoàn cảnh thật, thời gian thật, cảm xúc thật để khi về đến nhà, cũng là khuya. Không có Hân, có nghĩa anh phải mở cửa, bật đèn, tự pha nước, và lại tự tắt đèn, đóng cửa. Thường thì đến ngày thứ ba của tự do, anh bắt đầu nghĩ xem Hân bây giờ đang thế nào. Ý nghĩ chạy qua rất nhanh, và trôi biến vào vô số những chuyện phải giải quyết hàng ngày. Một cán bộ phòng hành chính tổng hợp, rất nhiều việc, viết và ký rất nhiều giấy, đóng dấu và viết phong bì. Có lần, nằm gối đầu lên ngực anh, mắt nhìn qua khung cửa nhỏ để thấy mây đang quấn quanh sườn núi, Hân hỏi “Anh tốt nghiệp đại học Mỹ thuật, đã có tranh triển lãm, sao lại làm chủ tịch công đoàn và trưởng phòng hành chính?”. Anh vuốt tóc cô, dọc xuống sống lưng và dừng lại một bên ngực đầy, thở dài vì cũng không biết bắt đầu từ đâu và kết thúc thế nào để giải thích cho Hân hiểu tại sao anh chọn con đường đó. Hân lại hỏi “Là hoạ sĩ, sao anh không vẽ nữa?”. Cũng không biết tại sao mình không thể vẽ mỗi khi ngồi trước khung căng toan trắng, những týp màu Hân gửi người mang từ Anh hay Đức về.
Đúng là không phải cứ ai hỏi mình một điều gì của chính mình, mà mình đều trả lời được. 
Điệp khúc của những lần bỏ đi rồi về, việc quay lại thật đơn giản. Anh hỏi qua điện thoại “Tối nay đi ăn với nhà chị Thanh nhé, sinh nhật thằng Mít. Em về rồi đi luôn”. Và việc sinh nhật thằng Mít đó đã chôn vùi chuyện họ xa nhau mươi ngày. Lần khác thì, “Nhóm Long mèo đi Tam Đảo, đêm nay chúng mang dê lên núi nướng, em về sớm, khoảng 6 giờ xe chạy” và thế là xí xoá hết trong ánh lửa của những thanh củi phừng phừng cháy để thui vàng cái đùi dê bóng mật ong. 
Nhưng những người bạn của anh làm việc đúng chuyên môn với họ.
Anh thì đột nhiên rẽ ngang.
Không bao giờ anh trả lời được là tại sao anh lại rẽ ngang.
*
Sau rất nhiều lần sờ tay lên phím điện thoại gọi Hân, anh đều dừng lại.
Cần phải tính toán trước khi gọi cho Hân lần này. Không phải chuyện Hân có quay về không, mà là chuyện Hân sẽ về, rồi sẽ đi, rồi lại về, và lại đi.
Anh năm mươi ba. Hân bốn mươi. Hai người đều chưa có gia đình con cái trước khi sống tám năm với nhau. Anh cũng đã sống với vài cô trước khi gặp Hân. Hân cũng vậy. Mỗi cuộc tình của anh hay của Hân với ai đấy, thường kéo dài mấy năm. Dăm ba cuộc như vậy, bây giờ là ngần này tuổi, vẫn số không. Cũng chưa bao giờ anh phải nghĩ lâu thế về cuộc sống của chính mình. Anh luôn học giỏi, vào đại học điểm cao nhất khoá, ra trường vào ngay công chức nhà nước. Tám giờ ở cơ quan, anh luôn là người chăm chỉ, không đấu đá kèn cựa và vừa lòng tất cả mọi người cùng gia đình họ. Một ngày đẹp trời, hội diễn văn nghệ cơ quan, ai cũng hát, anh cũng nhảy lên hát cho vui và đoạt giải nhất. Anh tham gia làm kinh tế loanh quanh tăng thu nhập cho cán bộ, vài việc lặt vặt để rồi, khi đại hội công nhân viên chức, họ bầu anh làm chủ tịch công đoàn kiêm trưởng phòng hành chính. Cô bé văn thư tặng anh một biệt danh khá dài, nhưng dễ nhớ nên cả cơ quan gọi anh bằng tên đó: “Anh mayơ xích líp đường sữa xăng xe”.
Những cái khung đã căng toan khổ to khổ bé xếp dần vào góc. Những hộp màu mới nguyên mùi thơm ma quái được đậy nắp rất chặt chống khô cứng. Bút vẽ ngâm vào cái xô đựng xăng. Tranh trừu tượng là thứ có thể vẽ mãi không xong, mà không vẽ gì cũng được. Còn lại mấy cái dở dang, treo lên thấy ấn tượng. Bức tường nào có tranh, bất kể là tranh gì, đều đẹp.
“Chúng ta cần suy nghĩ về chuyện này”.
*
Một năm.
Hai năm.
Năm thứ ba.
Hân và anh ngồi đối diện nhau trong một quán
cà phê góc hồ Con Rùa. Hai người bây giờ đều ở Sài Gòn. Rất ít người Sài Gòn bị tuyệt vọng hay thất bại chuyện gì, bỏ ra Hà Nội sống. Nhưng người Hà Nội
bế tắc hay muốn thay đổi chính mình, thường vào Sài Gòn, và sống rất ổn.
Khuôn mặt Hân không nếp nhăn. Mái tóc tỉa gọn, Hân bảo để thích nghi với mùa khô đang đến. Anh mập hơn, không thay đổi gì, ngoài việc hút thuốc lá rất nhiều và uống cà phê đen rất ngọt.
Hẹn nhau ra đây, nhưng rồi cả hai ngồi yên. Ba năm đủ xa để không biết hỏi nhau chuyện gì trước, chuyện gì sau. Tám năm sống chung, từng có nhau trong mọi nơi mọi lúc. Thói quen cùng dậy muộn thức khuya những ngày cuối tuần vì một bộ phim mới. Thói quen ngồi cà phê nhìn mãi một ngã tư, có mấy cái đèn báo hiệu giao thông xanh đỏ, trời từ sáng sang tối không chán. Từng nghĩ, tất cả là vĩnh viễn. Từng lầm lũi ô tô chạy trong mưa hun hút đường dài những đêm mùa đông vắng miền Tây Bắc. Từng buộc hai thân xác vào nhau bằng một cái khăn choàng, trên mô tô phân khối lớn mò mẫm leo dốc Tam Đảo đêm mưa mùa đông chông chênh miệng vực.
Đã từng rất nhiều.
Bây giờ thì như hai người quen, không thân không sơ, biết là vẫn tốt với nhau, nhưng không thể hiểu là đây có phải cái người đã từng là máu thịt với mình tám năm.
“Anh vẫn không hiểu, sao ngày ấy em bỏ anh?”
“Em có bỏ anh đâu?”
Hai cốc cà phê đã cạn. Nước lá thơm đặc sản Sài Gòn được rót đầy. Anh gọi thêm hai ly kem cà phê Hân thích.
“Em yêu anh. Em từng muốn sống đến già với anh”.
Anh lại châm thuốc bằng bàn tay run run, vẫn còn một điếu đang cháy dở gài ở gạt tàn đầy những đầu lọc.
“Anh nghĩ ở tuổi bốn mươi, người phụ nữ muốn thay đổi cuộc sống lắm à?”
 Nước mắt lăn nhẹ trên má Hân. Một dòng nhỏ, gọn gàng. Hân là người đặc biệt. Có một cái lúm đồng tiền bên trái, và khi khóc nhẹ nhẹ, thì chỉ một mắt bên phải chảy nước.
Anh dụi điếu thuốc mới châm, hút tiếp điếu dở dang gần hết.
Hân nhìn ra ngoài. Trời chợt tối. Dự báo thời tiết báo có mưa trái mùa. Gió lay nghiêng những cây bạt che nắng. Lá me rụng vàng vỉa hè trước mặt, nhỏ và nhẹ nên không thể bay.
*
“Em không bỏ anh. Em đi vì có còn anh nữa đâu”.
        N.T.T.H