Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Ông "Tạch tạch sè" được tắm trong cái bể Dân

Dương Đức Quảng
Thứ bẩy ngày 24 tháng 1 năm 2009 10:06 AM
 Tôi mượn ba chữ “tạch tạch sè” (tiểu tư sản) của ông Hồ Nghinh, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh uỷ Quảng Đà nói vui về một người thầy, người anh của tôi và bẩy chữ còn lại là của nhà văn Nguyên Ngọc trong lời bạt cuốn sách “Ngày ấy” để mở đầu bài viết này.
Ông là Nguyễn Đình An, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, Chủ tịch Uỷ ban Mặt Trận Tổ quốc, Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị thành phố Đà Nẵng, một nhà giáo, nhà báo, một người nghiên cứu văn hoá tâm huyết của đất Quảng. 
 
 Nhất tự vi sư, bán tự vi sư  

Nhất tự vi sư, bán tự vi sư (một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy), theo cái nghĩa thông thường ấy, ông Nguyễn Đình An là thầy giáo của tôi ngày tôi đang học lớp 10/10 ở Trường Phổ thông cấp 3B Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Ngày ấy, cách đây đã 46 năm, tôi được trường cử đi học một trong những lớp bồi dưỡng năng khiếu về môn văn do Sở Giáo dục Hà Nội tổ chức để chuẩn bị đi thi học sinh giỏi cấp thành phố và miền Bắc. Lớp tôi học do thầy giáo Nguyễn Đình An, cán bộ phụ trách bộ môn văn học của Sở dạy. Phải nói thời gian học thầy An không nhiều, chỉ năm, ba buổi, nhưng ấn tượng mà thầy giáo để lại trong học sinh chúng tôi rất đậm. Đến nay, không chỉ có tôi mà nhiều người khác từng học thầy trong những lớp bồi dưỡng văn đó, như Nguyễn Phú Trọng, học sinh Trường Phổ thông cấp 3 Nguyễn Gia Thiều, Chủ tịch Quốc hội bây giờ, Lê Quốc Trung, học sinh Trường Phổ thông cấp 3 Chu Văn An, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam hiện nay, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam...vẫn còn nhớ tới thầy, tự hào từng được học thầy.
Năm 1971, tôi được cử làm Tổ trưởng Tổ phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng miền Trung Trung bộ (Khu V cũ) thường trú tại tỉnh Quảng Đà. Hôm khoác ba lô rời căn cứ của Ban Tuyên huấn Khu uỷ từ Trà My về đến Ban Tuyên huấn Quảng Đà, tôi thật bất ngờ khi thấy người thay mặt Ban Tuyên huấn tỉnh đón tôi lại là thầy Nguyễn Đình An. Từ năm 1965, chúng tôi đã nghe tin thầy Nguyễn Đình An cùng một số thầy giáo, cô giáo ở Hà Nội lên đường vào chiến trường miền Nam, nhưng không biết thầy ở chiến trường nào. Không ngờ nay lại được gặp thầy tại đây.
Tôi vui mừng và lễ phép chào thầy, không quên kể với mọi người chuyện được học thầy từ 8 năm trước. Thầy An rất vui vì gặp lại cậu học trò ngày nào, nhưng nói ngay với tôi:
- Từ nay ông không nên gọi tôi là thầy, mà nên gọi bằng anh cho thân mật và cho dễ làm việc. Ông kém tôi chưa đến chục tuổi, về với Quảng Đà ông là khách quý của chúng tôi. Chẳng những thế, ông còn là khách quý của tỉnh, được ông Hồ Nghinh giao cho chúng tôi chăm sóc, bảo vệ và giúp đỡ ông làm việc. Ông gọi tôi là thầy thì khó cho cả ông lẫn tôi trong quan hệ công việc...
Tôi thật khó nghĩ, không lẽ gọi thầy là anh! Những ngày sau đó tôi vẫn giữ cách xưng hô cũ, nhưng ông không chịu. Rồi cũng phải mất ít lâu sau tôi mới có thể chuyển được cách xưng hô, gọi ông bằng anh xưng em cho đến bây giờ. Còn ông, từ ngày đó đến nay, bao giờ cũng thân tình gọi tôi là ông đi liền với tên gọi của tôi, chưa một lần nào gọi khác đi hoặc có thái độ coi thường người học trò cũ của mình. Không chỉ đối với tôi, đối với tất cả những nhà văn, nhà báo làm việc cùng ông, ông đều có thái độ trân trọng như thế, không kiểu cách, khách sáo, luôn chân tình, tôn trọng mọi người, kể cả đối với những người dưới quyền, những người ít tuổi hơn mình, những người là học trò của mình!
 
Tô mì Quảng và nỗi lo không là một với dân
 
Cho đến bây giờ, không phải ai ở Quảng Nam – Đà Nẵng gặp ông Nguyễn Đình An đều biết ông quê ở chính mảnh đất này, bởi vì ông không nói giọng địa phương. Nghe ông nói tiếng Bắc, lại là tiếng Hà Nội chuẩn, nhiều người nghĩ ông là cán bộ miền Bắc vào Nam chiến đấu rồi ở lại với Quảng Nam – Đà Nẵng. Năm 1980, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh trong một lần vào thăm Đà Nẵng, nghe ông báo cáo công tác văn hoá cũng nghĩ ông là người ngoài Bắc, được tăng cường vào đây!
Ông Nguyễn Đình An sinh năm 1934, tại thị xã Hội An, quê ở Điện Quang, Điện Bàn, Quảng Nam. Sau khi sinh, cha mẹ đã đưa ông ra sống ở Hải Phòng, nơi cha ông dạy học. Năm 31 tuổi ông mới trở về quê tham gia kháng chiến chống Mỹ. Trong kháng chiến chống Pháp, ông từng là giáo viên dạy tại Khu học xá Trung ương ở Nam Ninh, Trung Quốc, sau năm 1954 về Hà Nội dạy học và làm công tác quản lý giáo dục. Năm 1965, ông đi B, nhưng khi vào đến chiến trường lại không ở ngành giáo dục mà được phân công sang làm công tác báo chí. Ông trở thành phóng viên báo Cờ giải phóng Trung Trung bộ, thường trú tại tỉnh Quảng Đà, sau đó được điều hẳn về tỉnh, nhiều năm là Uỷ viên Ban Tuyên huấn tỉnh, phụ trách báo Cờ giải phóng của Đặc khu Quảng Đà.
Những năm làm báo trên chiến trường Quảng Đà, chiến trường nóng bỏng và rất ác liệt ở miền Trung, ông trí thức “tạch tạch sè” này đã “được tắm mình trong cái bể Dân”, mang ơn từng người dân đã cưu mang, đùm bọc, và làm thay đổi cả cuộc đời mình. Trong hai cuốn sách “Ngày ấy” và “Ký và Tuỳ bút” (đều do NXB Đà Nẵng in năm 2004 và 2008), những dòng tâm huyết nhất của ông Nguyễn Đình An là viết về dân, về những người mẹ, người chị, người em...đất Quảng, những người hy sinh cả cuộc đời cho cách mạng.
Ông viết về chị Ba bán cháo ở chợ Hàn, mở vung nồi cháo cho một chiến sĩ giải phóng bị địch truy đuổi thả khẩu súng lục của anh vào đó, cứu anh. Ông viết “Chuyện hai chị Bảy”, chị Bảy Dai bán quán ở Bảo An sau trận địch ném bom và bắn đại bác tung cả quán, từ dưới hầm chui lên gặp ông và nhà thơ Bùi Minh Quốc ở gần đó đang băng qua những đám tre, keo, chuối để đi công tác, hỏi ngay “Anh em cơ quan có hề hấn gì không?’, rồi tất tả sắp hai tô mì Quảng “mời hai chú ăn rồi hãy đi công tác kẻo đói”. Nhìn “hai chú” ăn chị Bảy Dai cứ áy náy, “mong hai chú thông cảm” vì rau sống, ớt, đậu phụng, bánh tráng... đã bị bom, pháo “bay tung hết cả!”. Còn chị Bảy Ngọng, vợ liệt sĩ ở Xuyên Thanh, không cần biết cơ quan gồm toàn các nhà văn, nhà báo là cơ quan gì, chỉ biết đó là cơ quan cách mạng nên đón về ở. Không những thế chị còn là “cấp dưỡng, quản lý và người bảo vệ” của cơ quan. Ông viết về Hoàng, chú bé 13 tuổi, hoạt bát, thông minh, theo cha lên núi “ngày ngày đến các trạm giao liên và các cơ quan giao và nhận công văn giấy tờ” được các cô, các chú trong cơ quan gọi vui là “Kít-xinh-gơ con”. Hôm theo ông An đi công tác, biết ý định các cô các chú sắp cho mình ra Bắc học, chú “Kít-xinh-gơ con” này vặn lại ông: “Các cô, các chú từ miền Bắc vào đây đánh giặc sao lại biểu con ra ngoài đó?”..
.
Và còn nhiều, nhiều nữa hình ảnh những người dân đất Quảng bình dị, chân chất, dũng cảm, hy sinh trong chiến tranh qua ngòi bút của ông. Vì thế, trong bài viết “Khi dân nói kháy” ông không ngần ngại kể lại chuyện bà Cộng, một bà mẹ nổi tiếng về nuôi giấu cán bộ qua các thời kỳ, kể cả những năm tháng đen tối nhất, sau Hiệp định Pa-ri bị địch lấn chiếm, đánh phá vùng giải phóng mà ta lại không đánh lại, đã phải kêu lên: “Trời ơi là trời! Mấy năm nay tui theo Đảng, chừ rứa là Đảng bỏ tui rồi!”. Ông xót xa, đau đớn trước câu nói đó, tự nhủ lòng mình: “Không cán bộ nào được bực bội vì dân nói kháy. Không ai được cho họ là sai trái, lạc hậu, mất lập trường. Họ nói đúng và họ thực hiện xuất sắc nhiệm vụ của mình. Cán bộ, người lãnh đạo lắng nghe họ. Dù họ nói động trời”. “Ngày ấy” là thế, còn “Bây giờ mặc dù có nhiều sinh hoạt dân chủ và nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, dân có nói, có góp ý đôi lúc cũng sòng phẳng, mạnh dạn, sao tôi cứ thèm được nghe giọng điệu giận thì giận mà thương thì thương của bà con ngày ấy đến thế”. Rồi ông “nghĩ hoài”: “Dân thì vẫn vậy...Có lẽ chính là tại mình. Mình không gần dân và nhiều khi không là một với dân như trước”.
Lời chào cao hơn mâm cỗ
 
Là một nhà giáo, nhà báo, nhà nghiên cứu văn hoá, nhiều năm là một nhà quản lý lĩnh vực văn hoá xã hội rất nhạy cảm, ông Nguyễn Đình An đã để lại nhiều ấn tượng khó quên trong giới văn nghệ sĩ đất Quảng. Ông có nhiều bài viết về vùng đất văn hoá Hội An, về các học giả, danh nhân, danh nhân văn hoá của Quảng Nam, Đà Nẵng, như Hoàng Diệu, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh, Phan Thanh, Hoàng Châu Ký, Lâm Quang Thự...được nhiều người biết đến. Nhưng điều đọng lại sâu đậm trong tôi và nhiều người khác về ông là ở tấm lòng của ông đối với “kẻ sỹ”, những người từng gắn bó với đất Quảng trong chiến tranh cũng như sau này.
Ông An hiểu, đối với trí thức, văn nghệ sĩ thì “lời chào cao hơn mâm cỗ”, điều quan trọng không phải chỉ là ở vật chất mà còn là ở tinh thần, nhất là tôn trọng tinh thần sáng tạo của người nghệ sĩ. Vì thế, ông trân trọng từng ý tưởng sáng tạo, từng công việc của người nghệ sĩ, trong thẩm quyền trách nhiệm của mình ông hết sức tạo điều kiện để người nghệ sĩ phát huy hết sự sáng tạo nghệ thuật của họ.

Năm 1980, báo Tuổi trẻ đưa tin nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, ở thành phố Hò Chí Minh, mới hoàn thành tác phẩm tượng Nguyễn Trãi và đang định xây dựng một khu vườn tượng các danh nhân nhưng chưa tìm được nơi thích hợp. Mặc dù chưa gặp nhà điêu khắc này lần nào, ông Nguyễn Đình An, khi đó là Giám đốc Sở Văn hoá Thông tin Quảng Nam – Đà Nẵng, đã viết một bức thư gửi ông Phạm Văn Hạng, mời ông trở về Quảng Nam – Đà Nẵng làm việc, để có thể làm vườn tượng ngay tại quê nhà.  Nhận được thư ông An, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng đã ra Đà Nẵng và sau đó ít lâu chuyển về quê hương sinh sống và sáng tác. Năm 1985 nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng đã dựng Tượng đài “Mẹ dũng sĩ”, tác phẩm nghệ thuật được tạo nên từ 10.000 vỏ đạn đồng pháo 105 ly, cao 15 mét đặt trên bệ xi măng cốt thép vững chắc ở Quảng trường 2-9. Bức tượng là biểu tượng của những người mẹ Quảng Nam – Đà Nẵng anh hùng.

Cũng chính từ tấm lòng “chiêu hiền đãi sĩ” như thế của ông An và nhiều nhà lãnh đạo Quảng Nam, Đà Nẵng khác mà nhà điêu khắc Lê Công Thành đã từ Hà Nội về quê dựng Tượng đài “Chiến thắng Núi Thành” (1985) và mới đây (2008) ông đã hoàn thành Tượng đài “Mẹ Âu Cơ” đặt ở vị trí “thuộc loại đẹp nhất” trong công viên- bãi tắm đường Phạm Văn Đồng, Đà Nẵng. Không phải ai cũng biết nhà điêu khắc Lê Công Thành đã được hoàn toàn tự do sáng tạo nên tác phẩm này. Không một vị lãnh đạo nào của thành phố Đà Nẵng trước đó đòi “duyệt” phác thảo hoặc “cho ý kiến” trong quá trình làm tượng. Chỉ khi đã hoàn thành tác phẩm, nhà điêu khắc Lê Công Thành mới mời Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh và sau đó ông Nguyễn Đình An đến xem tượng “Mẹ Âu Cơ” của mình!
Còn tôi, nhớ đến ông Nguyễn Đình An là nhớ đến tình cảm sâu đậm ông dành cho tôi trong những ngày ở Quảng Đà thời chống Mỹ. Năm 1972 địch càn vào căn cứ Hòn Tàu giữa lúc tôi đang lên cơn sốt rét li bì, không nhấc nổi mình, nhưng không chịu để mọi người giữa đêm cõng rút về phía sau. Ông Nguyễn Đình An cử một chiến sĩ cảnh vệ ở lại cùng tôi, chờ tôi giảm cơn sốt cùng đi. Sau trận càn, khi gặp lại, ông rưng rưng nước mắt ôm chầm lấy hai chúng tôi, không nói được thành lời. Tôi nhớ từng ly cà phê mà ông tự tay pha, mang đến cho chúng tôi: Hồ Hải Học, Hồ Duy Lệ, Vũ Thành Lê, Dương Đức Quảng..., những nhà văn, nhà báo ở cùng ông sau trận ném bom khủng khiếp vào cơ quan tháng 5-1972 làm 15 đồng chí, đồng nghiệp hy sinh mà vẫn trụ lại chỗ cũ để viết bài cho kịp ra số báo Cờ Giải phóng tiếp theo...       
Một ngày cuối năm 2008, gặp nhà điêu khắc Lê Công Thành ở Hà Nội, ông kể với tôi về tác phẩm “Mẹ Âu Cơ” và lần ông vào Đà Nẵng dựng tác phẩm này. Ông nghỉ ở nhà nghỉ Phương Tâm trên đường Bạch Đằng, được nhiều nhà lãnh đạo và bạn bè trong tỉnh đến thăm. Khi ông Nguyễn Đình An đến thăm ra về, nhìn thấy ông An, ông chủ nhà nghỉ nói với nhà điêu khắc Lê Công Thành: “Ông ấy được người dân Đà Nẵng quý mến”. Còn ông Lê Công Thành nói với tôi một câu thật ngắn gọn: “Ông An là một nhân cách”.
Tôi thầm cảm ơn người nghệ sĩ tài danh này đã nhận xét về người thầy, người anh của mình như thế!
Nguồn: CAND cuối tuần