Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Hẹn hò ở phố Hoa

Lê Phương Liên
Thứ bẩy ngày 24 tháng 1 năm 2009 4:35 AM
 
Đầu năm 2009 vừa qua ở Hà nội đã có Lễ hội phố Hoa được tổ chức ở đường Đinh Tiên Hoàng bên bờ phía đông hồ Gươm. Đã có nhiều bài vở trên báo chí phê phán về việc hái hoa, bẻ hoa, phá hoa trong Lễ hội. Nguời viết bài này do một việc riêng bỗng nhiên có mặt tại Bờ Hồ vào 6 giờ 45 phút ngày thứ bảy 3/1/2008. Câu chuyện mà tôi kể cho các bạn chắc sẽ có nhiều người không tin là có thật.
 
Lê Phương Liên
 
Đó là buổi sáng ngày thứ bảy , quanh Bờ Hồ rất vắng vẻ,trời lạnh buốt, người đi tập thể dục thưa thớt lắm.
 Một người đeo kính đổi mầu, mặt bịt kín trong chiếc khẩu trang, đội mũ bảo hiểm mầu nâu có kính chắn gió, đi chiếc xe máy “hon da” nữ kiểu 82-93, từ từ đến trước đài phun nước Bờ hồ, nơi cửa ngõ đi vào  phố Hàng Gai và phố Hàng Đào.
 Người đó đi gửi xe ở bến ô tô buýt nơi ngày xưa là bến tầu điện . Khi bỏ mũ và khẩu trang ra,hiện rõ là một phụ nữ đã đứng tuổi, tóc bạc, nét mặt bà ta lộ ra vẻ phấp phỏng như đang hò hẹn chờ đợi ai.Bà ta bước đến thềm đài phun nước, lặng lẽ nhìn như mong đợi một tia nước bất ngờ phun ra từ cái Đài đang khô cạn .Nhưng mọi vật trước mắt đều khô khốc.Gió lạnh ngăn ngắt, trời hanh khô như muốn bứt lá vàng rơi xuống, hoa héo đi …
 Bỗng chiếc điện thoại di động trong túi bà rung lên và tiếng chuông giống tiếng gà gáy kêu rối rít khiến bà vội vàng áp tai vào cái hộp máy nhỏ xíu.
Nét mặt bừng sáng, bà nói:
- Tôi đang đứng đợi đây, đúng chỗ hẹn, ô, hoá ra bạn đang ở rất gần đây à?
 Một chiếc ô tô mầu tím trông giống như một quả sim to tướng lăn trên đường nhựa tiến dần dần về phía người đàn bà,khi đến sát Đài phun nước, ô tô đỗ lại .
   Người đàn ông mở cửa xe bước ra, một người cao lớn , tóc hoa râm , vẻ mặt khắc khổ ,có vết thương cũ trên trán thì phải.
-Nếu chúng ta đi về “Bên kia sông Đuống”thì còn sớm.- Người đàn ông giơ tay xem đồng hồ và cười tủm tỉm khi trông thấy người đàn bà tóc bạc.
- Tôi e là mọi người đang chờ chúng ta.
- Thì cũng chúng ta cũng đã chờ hơn bốn mươi năm nay rồi, bây giờ chậm  nửa tiếng nữa cũng không sao. Ở bên phố Đinh Tiên Hoàng đang có Lễ hội hoa , chúng ta đi xem đi!
 Hoá ra lời rủ rê của một người bạn  từ thời học phổ thông, từ thời còn đội mũ rơm đi học ở những lớp như cái hầm tránh máy bay ,lại tỏ ra có hiệu lực ghê gớm, đủ để một trái tim luống tuổi tưng bừng lên như ngày niên thiếu sửa soạn đi thi bơi “Vượt sông Hồng”.
 Họ cùng đi ra phía đông hồ Hoàn Kiếm, nơi có những công trình nghệ thuật kết bằng hoa tươi đang run rảy đứng trong gió lạnh.
 Rảo bước đến trước cổng đền Ngọc Sơn, người đàn bà tóc bạc, cảm thấy ấm áp hơn.
Trên những luống hoa đã thấp thoáng một vài tia nắng. Nét mặt người đàn ông lộ ra một vẻ xúc động rõ rệt, ông đứng tần ngần nhìn những khóm hoa lau mầu trắng bên dãy phố cổ bằng gốm sứ trông như những thứ đồ chơi nhỏ nhoi và cô đơn đến đau lòng…Có cái gì cay cay đã tràn lên mắt ông rồi. Có thể ông nhớ đến những chuyện xẩy ra đã lâu có liên quan đến mầu trắng hoa lau ở một nơi rất xa phố cổ.Có thể là có những người khi nhắm mắt lại bên mầu trắng hoa lau ở một nơi rừng sâu , núi thẳm , họ đã nghĩ về phố cổ “Ngõ nhỏ, phố nhỏ nhà tôi ở đó …”Có thể mắt ông đã nhoè đi thật, khi ông thấy vẻ đẹp của những đoá hoa lúc hé ra chỗ này , lúc lộ ra chỗ khác…
Chợt đến lúc ông định thần lại để nhìn kỹ hơn một đoá hoa cúc đã hơi heo héo và trên cánh hoa đọng một, hai giọt nước trong…Ông bỗng đọc nho nhỏ:
  “Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ
      Cô chu nhất hệ cố viên tâm”
-Thơ Đỗ Phủ đấy, nghĩa là khóm cúc nở lần thứ hai mang giọt lệ cũ.Con thuyền cô đơn vẫn còn buộc mình với cảnh vườn xưa.
Người đàn bà lặng thinh và biết rằng ông ấy nói về việc trông thấy lại đoá hoa đã nở từ ngày xưa rồi và việc trông thấy hoa hôm nay cũng là nghĩ cái vườn xưa lắm đã khắc sâu trong trí nhớ …
 Hoá ra hai người già đi trong lễ hội hoa hôm nay mà lòng chỉ nghĩ về ngày xưa.Thành ra khi bất chợt nhìn đám trẻ vịn vào hoa chụp ảnh , họ gần như lặng đi, không có biết nói sao nữa.
 Thấy một toán học sinh đùa nghịch suýt ngã đè lên một khóm hoa bắp cải, bà già tóc bạc đỡ lấy một cô bé và nói:
- Các cháu ơi , ngắm hoa có khi người ta còn phải nín thở e sợ mình thở mạnh cánh hoa mỏng sẽ rơi mất…
- Thế ạ.
Mấy cô học trò ngạc nhiên nhìn hai ông bà già, dù họ ăn mặc khá hiện đại như các cô bé vẫn ngờ ngợ như họ vừa từ truyện cổ tích bước ra.
Người đàn ông khẽ gật đầu nói tiếp lời bà già:
- Các cháu có biết câu thơ Xuân Diệu:
 “Ngừng hơi thở lại xem trong ấy.
  Hiển hiện hoa và phảng phất hương…”
Cả toán học trò ngạc nhiên , có lẽ lần đầu tiên các cô bé đó được nghe mấy câu thơ này.Mấy cô đưa mắt nhìn nhau tỏ ra không hiểu người đàn ông định nói gì, rồi có vẻ muốn trống lảng…
- Thôi đi chỗ khác đi.- Một cô kéo áo bạn.
   Cả toán rào rào bỏ đi.
Chỉ còn lại một cô người thanh mảnh có khuôn mặt tròn và đội mắt đen to rất sáng đứng im vẻ tò mò chăm chú nhìn hai ông bà nọ.Rồi rất nhanh nhẹn và mạnh bạo, cô bé giơ điện thoại di động bấm máy chụp hai ông bà.
 Hai người đứng tuổi  giật mình ngạc nhiên . Người đàn ông nói :
-Này cô bé, đáng lẽ trước khi chụp phải xin phép đấy.
Rồi , ông mỉm cười hóm hỉnh và hỏi
-Sao cô lại chụp chúng tôi? Trông hai người già này giống quái vật à?
Cô bé cười phá lên,và thật thà đáp, giọng nói của người miền trong không phải người “Bắc hà”:
- Dạ , không. Trông các bác có vẻ “ngày xửa ngày xưa…”.Cháu thấy rất thú vị.
- Cháu cũng có ý vị đấy- Người phụ nữ đầu bạc cười tủm tỉm –Cháu có thích nghe chuyện ngày xửa, ngày xưa nữa không?
- Có chứ ạ- Cô bé reo lên, vẻ mặt đầy tò mò.
  Phút chốc hai người già thấy trẻ lại và cô bé lại thấy mình chững chạc hơn. Họ cùng đi dạo ở phố Hoa.
Người đàn bà tóc bạc vừa nói vừa chỉ tay xuống những luống hoa.
- Đây, chỗ người ta bày hoa hôm nay, ngày xưa là đường tàu điện đấy cháu ạ.
- Thế à, đường tầu điện? Cháu chẳng biết gì về tầu điện, chỉ biết một câu hát “…tiếng leng keng tầu sớm khuya , hướng ra Đống Đa, Cầu Giấy…”
- Đúng , đó là bài hát”Nhớ về Hà Nội” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp.Bây giờ tầu điện chỉ còn ở bài hát thôi. Còn ngày xưa ở đây có đường tàu điện đi lên dốc Hàng Gai , qua Hàng Bông đến Cửa Nam , qua Văn Miếu thì rẽ thành hai ngả , một đường đi qua Kim Mã đến Cầu Giấy, một đường đi qua gò Đống Đa đến Hà Đông. Đó, cháu hiểu câu hát đó chưa?
- Dạ, cháu hiểu rồi.Thế chỗ bày hoa này là đường tầu điện nào ạ?
- Nơi chúng ta đang đứng đây là đường tầu Bạch Mai- Bưởi. Đường từ  Chợ Mơ qua Chợ Hôm , qua Chợ Đồng Xuân đến Chợ Bưởi.
- Ô hay nhỉ, nếu đi theo đường tàu này ta có thể đi được bốn chợ!Thế mà bây giờ chúng cháu không được đi tàu điện nữa, tiếc quá.
  Hai người già vẻ mặt lặng đi không giấu vẻ muối tiếc vì cuộc đời của họ chắc chưa dài lắm mà đã tận mắt nhìn thấy nhiều mất mát, rất nhiều mất mát, và ngay trước mắt đây phố Hoa đẹp đẽ vào buổi sáng sớm cũng đang mất đi dần dần…
 Họ cùng đứng lại bên khóm lau cuối cùng còn sót lại của phố Hoa.
 Người đàn ông cất tiếng hát : “Ước gì cho thời gian trở lại…”.
Ông hỏi cô bé : “Có phải đấy là bài hát của các cháu bây giờ không?”
- Vâng , đúng , bác cũng thích bài hát của giới trẻ à?
- Thích chứ! Cái gì hay , ai cũng thích , dù già hay trẻ.
- Dù xưa hay nay !
Cô bé nói tiếp và vẫn tỏ ra rất tò mò háo hức như một phóng viên nhà báo đang muốn khai thác tìm hiểu hai người già tình cờ gặp gỡ.
 Họ rảo bước về phía Đền Bà Kiệu, nơi có đồng hồ đếm ngược thời gian và cái quạt giấy rất lớn.
Người đàn bà tóc bạc nói:
- Nơi đây cũng đã từng có một di tích lịch sử và cũng đã bị mất, không phải vì chiến tranh…
- Thế ạ?
 Cô bé ngước mắt lên nhìn bà chờ đợi một lời kể.
- Ở vườn hoa Đền Bà Kiệu nhìn sang bên Tháp Bút kia, ngày xưa Hội truyền bá chữ Quốc ngữ do cụ Nguyễn Văn Tố đứng đầu đã từng đặt một tấm bia kỷ niệm ông Alexandre de Rhodes cũng là kỷ niệm việc nước ta có chữ quốc ngữ.
- Sao bây giờ không thấy nữa ạ?
- Di tích ấy bị biến mất vào khoảng những năm 8X…
Người đàn bà lộ rõ vẻ mặt buồn bã như nghĩ đến những người thân yêu , ruột thịt của mình đã không còn nữa…
 Cô bé học sinh cũng như  đang “lây” vẻ “mặc niệm” của ngưòi đàn bà , rồi em thốt lên một sự thật ngơ ngác:
- Còn cháu là thế hệ 9 X…
Lúc ấy cái điện thoại di động của người đàn bà tóc bạc lại kêu vang tiếng gà gáy…Bà ta rút điện thoại ra trò chuyện.
 Người đàn ông hỏi cô bé:
- Cháu năm nay học lớp mấy?
- Dạ , cháu học lớp 11 rồi ạ.
Người đàn ông gật đầu rồi bảo:
- Sang năm, học lớp 12, cháu sẽ học một bài thơ được mở đầu bằng những câu như thế này:
 “Em ơi, buồn làm chi.
Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lỳ
Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp loáng
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ…”
Người đàn ông nói tiếp:
- Bây giờ hai bác đã nói lời tạm biệt cháu rồi đấy! Hai bác đi về một đia danh gọi là “Bên kia sông Đuống”, nơi các bác họp bạn cựu học sinh những năm học 1965- 1968.
- Ồ, thế ạ.
Cô bé học sinh lớp 11 đưa mắt nhìn hai người già với một vẻ rất luyến tiếc, cô hỏi vẻ bâng khuâng :
- Không biết sang năm có Lễ hội phố Hoa nữa không và sang năm cháu có gặp hai bác nữa không?
    Hai người già nhìn nhau cười. Lát rồi người đàn bà tóc bạc nói:
- Thôi, cũng là chuyện tình cờ, ta cùng nhau có một cái hẹn. Hẹn gặp lại ở phố Hoa nhé.
 Họ giơ tay lên vẫy chào tạm biệt nhau. Hai người “cựu học sinh” lên chiếc xe ô tô mầu tím trông giống như một quả sim to tưóng lăn trên đường phố, dưới ánh nắng trông lại giống như một giọt mực tím rất lớn trôi đi về phía sông Hồng và biến mất.
 Cô bé học sinh lớp 11 nhìn theo và nghĩ rằng câu chuyện vừa xẩy ra có thể là một chuyện cổ tích, ở quanh Hô Gươm nhìn như vẫn thường xẩy ra những chuyện cổ tích có thật. 
     Tháng 1/2008
                                                                        L. P .L