Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nhà văn Lê Lựu: Nhắc đến Tết lại rơm rớm nước mắt

Như Bình
Chủ nhật ngày 18 tháng 1 năm 2009 7:50 AM
  
Nhà văn Lê Lựu thổ lộ: “Với người Việt mình, Tết là khoảng thời gian sum họp với gia đình, với cha mẹ họ hàng, với vợ con. Nếu có một gia đình riêng đầm ấm hạnh phúc, thì Tết là khoảnh khắc linh thiêng. Nhưng nếu cuộc sống riêng của mình không mấy hạnh phúc, thì Tết là một sự truy đuổi ám ảnh và đáng sợ nhất. Ngày các con còn bé, nhiều cái Tết tôi cùng với các anh em xuống đơn vị đón giao thừa, rồi lấy cớ này cớ nọ để ra khỏi nhà trong vài ngày Tết. Hàng chục năm nay, tôi sống ở Trung tâm Văn hóa doanh nhân, có các cháu chăm sóc giúp đỡ. Nhưng bây giờ các con đã lớn, chúng nó hiểu được hoàn cảnh và biết thương bố, thương mẹ, chúng nó lại là cầu nối để đưa mình về với gia đình mình”
 
Nhà văn Lê Lựu: Nhắc đến Tết lại rơm rớm nước mắt
 
Với tôi, những cái Tết hạnh phúc nhất trong cuộc đời mình là vào những năm tôi lên 9, lên 10 tuổi. Không thể không nhớ, không hoài niệm suốt cả cuộc đời, khi mà chiều 30, nhà bắt đầu dựng cây nêu trước ngõ và vẽ những vòng tròn bằng vôi trắng. Trong làng, nhà nào cũng làm vậy.Mẹ tôi rắc vôi bột lên những vòng tròn ấy để ngăn tà ma không bước được vào nhà mình. Mẹ làm việc này cẩn thận lắm, và tôi, cậu con trai út mà bà cưng chiều nhất lúc nào cũng được cầm liễn vôi bột đi theo sau chân mẹ để phụ giúp bà.
Chiều 30, cũng là lúc tôi chầu chực bên mẹ để canh nồi bánh chưng, chạy lăng xăng quanh bếp và cố chòi củi vào thật nhiều cho lửa đỏ rực lên, cho nồi bánh sôi ùng ục, và cháy bỏng một ham muốn làm sao để nồi bánh chưng chín thật nhanh. Khi bánh chín, mẹ vớt bánh ra, các anh các chị ép bánh vào khuôn cho vuông thành sắc cạnh để mẹ bày lên bàn thờ. Còn tôi thì bám gấu quần mẹ, thể nào cũng được người cho ăn những chiếc bánh ngụi, gọi là bánh ngụi nhưng thực tế là bánh chưng bé xíu, mỗi khi gói bánh, mẹ bao giờ cũng luộc riêng cho con trai út mấy chiếc bánh bé tí tẹo để khi chín, vớt ra là được ăn ngay.
Nhà nghèo vô cùng nhưng mẹ thương và cưng chiều các con lắm, nhất là út ít Lê Lựu. Cũng trong buổi chiều 30, tôi theo người lớn ra nghĩa địa làng để tảo mộ cho ông bà. Ở ngoài đồng, ngoài nghĩa địa, hồi đó mồ mả chưa xây như bây giờ, các nấm mộ toàn cỏ mọc xanh um, ở trên đó những màn sương giăng giăng mỏng như lụa, ánh mặt trời ngày đông giá không đủ để làm tan những màn lụa sương ấy. Tôi gọi đó là lụa sương. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không thể nào quên được cảm giác rưng rưng của chiều 30 Tết.
Cho đến lúc vào bộ đội, những cái Tết xa nhà, nhớ làng, nhớ mẹ, nhớ nồi bánh chưng quay quắt. Tôi nhớ như in có cái Tết đầu tiên đời bộ đội tôi được về nghỉ phép đúng vào dịp Tết. Mẹ tôi tự hào lắm, thằng Lê Lựu của mẹ bây giờ đã là nhân vật ghê gớm và quan trọng của bộ đội lắm rồi, vì từ ngày Lê Lựu của mẹ đi tòng quân, hôm nào mẹ cũng thấy con trai Lê Lựu của mẹ kể tin chiến thắng trên đài phát thanh. Lần nào cô phát thanh viên cũng đọc theo tin của đồng chí Lê Lựu, đoàn X… là mẹ sướng lắm, chạy khoe khắp làng, sướng đến phát khóc. Mẹ nghĩ, Lê Lựu của mẹ làm ở đoàn X chắc là giỏi lắm thì mới được đài phát thanh, rađiô họ lấy tin tức như thế chứ. Vậy là trong cái Tết đầu tiên được nghỉ phép, mẹ trịnh trọng dành công việc thiêng liêng nhất cho con trai Lê Lựu là mổ gà cúng năm mới. Của đáng tội, con trai Lê Lựu của mẹ từ xưa đến nay có phải làm việc bếp núc, việc nhà bao giờ đâu, lúc nào cũng được mẹ cưng chiều.
Bây giờ muốn thể hiện người lớn với mẹ, mổ gà cúng mồng một tết, cúng xong xuôi mang gà ra chặt mới biết mình chưa mổ mề gà. Mề gà vẫn còn nguyên thóc và ngô. Mẹ nhìn thấy vậy, mặt mẹ tái dại đi. Nhưng mẹ không nhắc nhở hay mắng con trai một lời.
Từ đó trở đi, trên bước đường quân hành của mình, hay trong bất kỳ địa vị công tác nào, đi đến đâu tôi cũng học cách nấu ăn và làm những món ăn ngon. Tôi biết cách mổ gà, mổ lợn, làm thịt chó, đánh tiết canh, các loại nem v.v... từ những ngày tháng trong quân ngũ và trở thành tay đầu bếp cừ khôi cũng là từ kỷ niệm mổ gà cúng Tết năm ấy. Nhưng khi tuổi đã trưởng thành, lấy vợ, lập gia đình, không hiểu sao tôi sợ Tết đến thế. Tết giống như một sự truy đuổi của số phận tôi. Có lẽ những cuộc hôn nhân không may mắn của tôi đã làm cho tôi có cảm giác sợ hãi mỗi lần Tết đến.
Với người Việt mình, Tết là khoảng thời gian sum họp với gia đình, với cha mẹ họ hàng, với vợ con. Nếu có một gia đình riêng đầm ấm hạnh phúc, thì Tết là khoảnh khắc linh thiêng. Nhưng nếu cuộc sống riêng của mình không mấy hạnh phúc, thì Tết là một sự truy đuổi ám ảnh và đáng sợ nhất. Ngày các con còn bé, nhiều cái Tết tôi cùng với các anh em xuống đơn vị đón giao thừa, rồi lấy cớ này cớ nọ để ra khỏi nhà trong vài ngày Tết. Hàng chục năm nay, tôi sống ở Trung tâm Văn hóa doanh nhân, có các cháu chăm sóc giúp đỡ. Nhưng bây giờ các con đã lớn, chúng nó hiểu được hoàn cảnh và biết thương bố, thương mẹ, chúng nó lại là cầu nối để đưa mình về với gia đình mình.
Giao thừa nào, cái Lê cũng bảo tôi, bố về đón giao thừa với chúng con. Tôi có hai cô con gái tuyệt vời, hiếu thảo và thương bố mẹ. Cậu con trai thì vẫn đang ham chơi. Những năm gần đây, Tết nào tôi cũng đón giao thừa với gia đình ở số 8 Lý Nam Đế. Giờ đây, nhắc đến Tết không sợ nữa nhưng tôi lại đâm ra hay mủi lòng, không kiểm soát được xúc cảm của mình, tôi thành người hay khóc. Cứ giao thừa, nước mắt lại buột rơi, buồn cười thế đấy. Hôm trước, đội tuyển Việt Nam vô địch, tôi nằm trên giường, cứ thế là khóc nức lên vì sung sướng. Bây giờ, chị hỏi tôi chuyện tết nhất, lạ thế, nước mắt ở đâu lại cứ trào ra đến là nhiều.
Cũng những năm gần đây, dịp giáp Tết, tôi thường về quê. Quê tôi ở thôn nghèo nhất, xã nghèo nhất của một huyện nghèo nhất ở Hưng Yên. Thôn có 60 hộ thôi, nghèo đến nỗi không có đình làng để lễ, mà toàn phải đi lễ nhờ làng bên cạnh. Tôi đứng ra vận động để xây được cái đình làng cho thôn khang trang rộng rãi là một niềm hạnh phúc lớn nhất của đời tôi. Xây xong cái đình làng phải mất tới 10 năm, vì thôn nghèo quá, tiền không dư sẵn để xây ù một cái là xong được. Bây giờ, mỗi lần về quê, ra đình làng, thấy người già ngồi dưới gốc cây đa tôi bứng trong chậu về trồng, giờ cây đa đã cao vượt khỏi nóc đình làng rồi, tỏa bóng mát sum suê. Trẻ con thì chơi trên sân đình, người trung tuổi thì đi lại trên sân tập thể dục.
Tôi nhìn cảnh tượng đó mà sướng mắt sướng lòng. Ít nữa, trước Tết độ mươi hôm, tôi về quê làm lễ rước kiệu lên đình. Vậy đó, Tết của nhà văn già Lê Lựu bây giờ đơn giản chỉ có vậy. Về quê, đón giao thừa cùng các con, và khóc!
 
Nguồn: ANTG Cuối Tháng