Trang chủ » Truyện

TRONG GIÓ BỤI – Phần 3

Nghiêm Lương Thành
Thứ bẩy ngày 15 tháng 4 năm 2017 8:12 AM


Truyện 

Cùng trên một chuyến đò quê

Ai lên rừng trúc ai về bến mê 

  1. Gặp lại người thân

Mùa Xuân năm 1975, chiến tranh kết thúc.
Mùa Hè năm ấy, Xứng về làng.

Sau khi ra nghĩa trang thắp hương cho thày bu, Xứng về thẳng nhà Khánh. Trong bộ quân phục may bằng thứ vải Bắc Triều Tiên mỏng nhẹ mới coóng, một cái ba lô căng phồng trên lưng, gương mặt vàng võ hốc hác, Xứng tập tễnh bước vào sân nhà. Chẳng thay đổi gì, tính nào vẫn nết ấy, Xứng chụm chân nghiêm ngắn ngoài hiên, thẳng người, ưỡn ngực, đưa bàn tay lên thái dương, chào thày bu Khánh: “Báo cáo hai bác, con, quân nhân Đinh Văn Xứng đã về!”. Đang ngồi bên bàn uống nước, ngoảnh ra thì, như phải phép định thân, cả hai ông bà lập tức bị “đóng băng”. Xứng vào nhà, cứ để nguyên ba lô trên lưng, lặng lẽ ôm chặt lấy thày bu Khánh … Hai ông bà, sau khi được “rã đông” bởi cái ôm của “thằng bé”, đều không cất được nhời nào. Ông, như người mộng du, từ từ đứng dậy, lấy tay vỗ vỗ đập đập vào ngực Xứng, rồi nắm lấy hai vai nó mà lắc lắc, ngó ngó. Còn bà đứng một bên, Khánh đứng một bên, không ai bảo ai, cùng thảng thốt đưa tay rờ má rờ cổ rờ tai rờ tóc “hiện vật”, chừng như xem có phải “đồ xịn” không.

Sau một thôi quýnh quáng toàn những câu những ý chẳng đâu vào đâu, Xứng đặt cái ba lô xuống ghế, lôi ra một túi giấy bóng kính sột soạt trong suốt đựng những cuộn len màu gụ xuôn mượt, đưa cho Khánh: Em nhờ chị chịu khó đan thành áo để hai bác mặc. Quà của Khánh là hai cuốn tiểu thuyết Jane Eyre của Challote Bronté và Bác sỹ Zhivago của Boris Leonidovich Pasternak mà cô đang khát mong được đọc bởi nghe những lời trầm trồ xuýt xoa từ những người đã được xem. Còn lại trong ba lô là kẹo bánh, thuốc lá, hai chiếc ácmônica và một bộ quần áo lính sờn cũ. Nhìn thấy hai chiếc kèn, Xứng sực nhớ, cầm lên chiếc mới vẫn còn nguyên trong hộp, đi đến trước mặt thầy Khánh, hai tay cung kính: “Mừng quá, con quên mất, quà của bác còn cái kèn này nữa ạ”. Mắt ông sáng lên, tay run run đỡ lấy cái hộp, mở ra, ngắm nghía mãi không thôi.

Hay tin Xứng về, xóm giềng kéo đến chật nhà. Nhân lúc mọi người đông đủ, Xứng xụp người, trán chạm đất: “Cháu biết ơn các cụ, các ông, các bà, các bác, các chú thím đã nhớ đến ngày giỗ của thày bu cháu”. Một cụ bà nhỏ thó, ngồi lọt thỏm giữa mấy cụ trên tràng kỷ, miệng vẫn nhai trầu bỏm bẻm, một tay tỳ vào mặt bàn, tay kia vịn vào vai cụ ông ngồi bên cạnh, đứng dậy, rồi đưa bàn tay run run trỏ vào Xứng: “Ô hay, anh bộ đội kia, cả cái xã này, thôn nào người ta chẳng làm thế. Con ơi, xương máu con còn chẳng tiếc … Mà đứng ngay dậy, cậu làm thế, chúng ta tổn thọ thì …cứ rờ thần hồn … rồi no đòn”. Cả mấy gian nhà cùng rộ lên tiếng cười. Khánh đem bánh bích quy với thuốc lá ra mời người lớn, Xứng lấy kẹo Dừa chia cho trẻ nhỏ. Kẻ khóc người cười, chuyện nở như bỏng nếp rang. Phật ở ngay trong lồng ngực mỗi người, lọ phải hành hương xa ngái, cầu vái xuýt xoa.

*

Xứng khẩn trương làm thủ tục rồi hối hả ôn bài để thi vào trường Đại học Bách Khoa. Bỏ sách bút đã lâu, trong bụng chẳng dám nghĩ mình sẽ lọt tuyển. Thế mà may, các cụ phù hộ cho thế nào mà đỗ tận những Á khoa.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Xứng về nhận công tác tại sở Đầu tư Địa phương Hồng Châu, một tỉnh giáp ranh với tỉnh nhà về phía nam, chỉ cách quê khoảng ba giờ đạp xe.

Rất tự nhiên, với Xứng, thày bu Khánh và Khánh từ lâu vẫn gần gũi, nay đã trở thành người nhà. Nhà của ông bà, mặc nhiên, cũng là nhà của Xứng. Từ khi về Hồng Châu, được gần quê, cứ độ vài tuần Xứng lại lóc cóc đạp xe về nhà một lần.

Mỗi bận Xứng về, nhà cửa dù vẫn không có gì thay đổi mà sao bỗng thấy quang thoáng, vẻ ủ dột ẩm mốc ngày thường của những thứ đồ đạc sơ sài cũ kỹ bỗng dưng biến đâu mất, ngọn đèn dầu ngày thường vốn le lói ủ ê bỗng toả ánh lóng lánh rạng ngời, vẫn nồi ấy gạo ấy nước ấy mà lúc bưng bát cơm lên sao thấy dẻo thơm lạ lùng. Thày bu Khánh cũng trở nên hoạt bát hẳn, mấy gian nhà gỗ xoan lợp rạ cũ kĩ thỉnh thoảng lại rộ lên tiếng cười đùa chọc ghẹo. Cái be rượu, thường ngày thày Khánh chẳng buồn động đến thì bây giờ, trong những ngày Xứng ở nhà, bữa cơm nào ông cũng cười khà khà, bảo Khánh đem ra mâm cơm. Vào những ngày như thế, nếu không có việc giỗ chạp, cưới hỏi trong vùng hoặc ông không bảo lấy xe đạp đưa ông đi chỗ này chỗ kia thì Xứng thường xoay trần ra làm mấy việc mà độ này già yếu, ông không làm được nữa, còn ông thì luôn ở bên, xăm xắn phụ giúp hoặc chỉ bảo cho cách làm. Thỉnh thoảng, có những buổi tối hứng lên, ông bảo Xứng lấy kèn ra, hai ông con cùng chơi vài bài gì đó. Những bài hát mới ông không biết hoặc chỉ biết lõm bõm, biết thế, Xứng thường chủ động chơi những bài như Làng tôi, Du kích Long Phú, Nhạc rừng, Bình Trị Thiên khói lửa, Quê em, Đường lên Tây bắc, Cùng nhau đi Hồng binh, Diệt phát xít… Một già một trẻ, chẳng ai biết gì về hoà âm, thế là họ thổi theo kiểu kèn này cách kèn kia một quãng tám. Hàng xóm láng giềng lắng nghe, ai cũng tấm tắc: Kèn thổi hay chẳng khác gì văn công. Chiều chủ nhật, bu thường bảo Khánh làm ít tôm rang, tép rang hay cá kho và chuẩn bị một túi gạo, buộc sẵn vào cái gácbaga xe đạp cho Xứng. Bà bảo, ăn tập thể thấy người ta bảo hay bị đói, để nó lấy cái mà ăn thêm. Khổ thân thằng bé, biết đến bao giờ mới hết vất vả. Nghe vậy, Khánh chỉ bấm bụng cười thầm: “Thằng bé” của bu cũng đã sở hữu một số lượng thẻ cử tri nhiều ngang với xấp thẻ của con gái nhà bu rồi đấy ạ.

*

Dù đã hoà bình nhưng, oái oăm, nam thanh niên chưa vợ, thậm chí đã có vợ, vẫn tiếp tục được coi là mỳ chính cánh. Thậm chí, trước đó đã lâu lắm, trong dân gian vẫn thấy lưu truyền mấy câu thơ mà nguồn gốc có thể từ bọn Việt gian phản động: Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà / Đàn ông thì ít đàn bà thì đông / Bao giờ kháng chiến thành công / Chính phủ cho lấy một ông mười bà. Thực tế này đã khiến cho nhiều cô gái không khỏi lo lắng về chuyện chồng con của mình. Khánh thì may mắn hơn bởi nhờ có công ăn việc làm trong khối nhà nước nên được giao tiếp xã hội nhiều, có điều kiện gặp gỡ người khác giới thường xuyên. Ngoài nước da trắng hồng, cái sống mũi thanh thanh, khuôn mặt cân đối đầy đặn, cặp mắt đen láy, đôi môi đậm đà hồng tươi và vầng trán mịn màng sáng rỡ, một cô gái như Khánh khó có thể được xếp vào loại có lợi thế về nhan sắc. Vậy mà, khi ra đường, cũng thấy khối anh đã phải tự giác ngoái lại. Cái vườn hồng khiêm nhường của cô cũng có một hàng si tươi tốt như ai, được những “người ta” đem đến, trang trọng hạ đặt trước cổng. Hình như ông trời rất có cảm tình với những kẻ ngu ngơ. Vậy mà, như đứa trẻ được muông chiều, của ngon thức lạ đưa đến tận nơi mà cứ lắc đầu em chã. Buồn thay, nhiều lúc Khánh đã phải lo sợ với ý nghĩ, hay là mình mắc chứng lãnh cảm?

*

Dạo này, thày bu Khánh lắm lúc có những biểu hiện hơi khác thường. Cứ khoảng thời gian Xứng lên cơ quan được gần hai tuần thì bắt đầu có hiện tượng thỉnh thoảng lại đưa mắt nhìn ra cổng. Cảnh vật ngoài cổng thì vẫn thế, chẳng có công to việc lớn gì phải hẹn ai. Người làng thì ra thấy về gặp, muốn nói chuyện lúc nào chả được. Khánh cũng vậy, gần đây cứ thấy trong người bồn chồn không yên. Thế rồi một lần, vô tình nhận ra mình cũng đưa mắt ra cổng như vậy, Khánh bất giác khẽ bật cười. Thoáng nhận ra, thày Khánh, người lính trinh sát của Vệ quốc đoàn năm xưa ấy, mới è hèm lấy giọng, rồi khẽ nắn nót cái thanh quản đã héo vì khói thuốc lào: “… Có anh / chiến sỹ / đi qua khu rừng vắng / lắng nghe / nhạc rừng / tâm hồn vui phơi phới…” – bỗng ông chững lại, quay sang Khánh, rủ rỉ - “rồi cái gì nữa ấy, con nhỉ?”. “Dạ” – Cô đỏ mặt, thoáng nghĩ, con gái cha không giống cha thì giống ai? Khánh cũng lém lỉnh không kém, không cần lấy giọng, cô khe khẽ ngân nga – “ … anh cười / một mình / rồi cất tiếng hát vang / Chim rừng / cất tiếng / theo lời ca miên man …”. Hai cha con cùng rụt cổ, nhìn nhau rúc rích cười. Bu Khánh đang ngồi loay hoay bện mấy cái chổi rơm ở góc nhà ngước nhìn lên, chẳng hiểu mô tê gì, lẩm bẩm: Cha con nhà này hay nhỉ? Rồi cũng ngơ ngẩn cười theo.

Hôm ấy là ngày gần cuối tuần, thày bu Khánh đi đám ở thôn bên. Khánh được nghỉ bù, ở nhà một mình, ra ra vào vào, không hiểu sao thấy ruột cứ rối lên như canh hẹ, cả buổi sáng chẳng làm được việc gì cho nên hồn. Bực mình, cầm cái cuốc đi ra mảnh vườn trước nhà xới mấy luống cà xem có xua được cái cảm giác rầy rà phiền phức ấy đi không. Vừa xới được mấy gốc, chợt nghe có tiếng xe đạp lạch cạch trong sân, ngẩng lên thấy Xứng, mặt mũi hốc hác, nước da xanh xạm, đang loay hoay dựa xe vào bậc thềm. Khánh chột dạ, buông cuốc, chạy vào:

“Có việc gì à?”

Xứng lắc đầu:

“Không”

“Mới đi chưa được một tuần mà?”

Xứng vẫn lắc đầu.

“Đừng giấu chị … có chuyện gì cần kíp mà về bất thường thế này?”.

Xứng bối rối.

“Giời ạ, nói đi!”

Xứng run run:

“Vâng, nhưng không phải công việc …”

“Thế chuyện gì?”

“Em …”

“Làm sao?”

“Em … nhớ chị”

Hả? Mình nghe có nhầm không? – Khánh thót người, tự nhủ - Rõ ràng chỉ có ba chữ, nhầm làm sao được. Có thể Xứng bị hỏi dồn nên cuống lên, nói nhịu.

“Xứng vừa … bảo gì?” – Khánh ngập ngừng, hỏi lại.

“Em … thương chị” – Xứng nhắc lại.

Đất dưới chân Khánh dường như xụt lút. Lần đầu trong đời, Khánh biết thế nào là cảm giác ngợp thở, đôi chân chỉ chực khuỵu xuống. Giữa sân nhà trống trơ như thế mà Xứng liều lĩnh nắm lấy tay cô:

“Chị cũng … thương em …phải không, chị?”.

Vẫn cầm tay Khánh, tấm lưng như còng xuống, Xứng khổ sở, đau đáu ngóng câu trả lời. Khánh không còn sức để chống lại đôi bàn tay thô ráp ấm nóng ấy, tay cô vẫn nằm yên trong tay Xứng. Cả con người Khánh lúc ấy, chỉ cần một cử động nhỏ, có lẽ cô sẽ gục hẳn xuống. Xứng nhìn Khánh chăm chắm. Trong ánh mắt ấy, cô cảm nhận được nỗi nhớ thương trong ngần lẫn sự van vỉ vụng về của một gã trai ngô nghê khờ khạo. Khánh vẫn đứng yên, cố giữ để không bị khuỵu xuống. Cô đã là một chú lính bại trận. Bại trận thì còn biết nói gì?

Thế rồi, đột nhiên, không hiểu sao, Xứng nói: “Em xin lỗi chị”, rồi từ từ buông tay Khánh, lao đến chiếc xe đạp, lập cập dắt ra cổng, luống cuống nhảy lên yên và đạp quýnh lên. Còn chú lính bại trận, sau khi không còn gì để giữ nữa thì từ từ khuỵu xuống giữa sân, mặc cho hai hàng nước mắt cứ thoải mái trào ra. Lần đầu trong đời, Khánh đã khóc như một cô gái tuổi còn đôi tám.

Buổi chiều, về đến cổng, bu Khánh xững người khi nhìn cô đang thu áo quần ngoài dây phơi: “Con có làm sao không?”. Cô trả lời qua quýt: “Không. Con vẫn bình thường”. Bu bảo: “Thần sắc con trông kém lắm. Nước da con gái mà nom như người cớm nắng thế kia. Cẩn thận, không thì ốm to, chứ tưởng?”. “Vâng ạ” – Khánh trả lời bu mà như không nói gì. Thày Khánh đang bước lên hè nhà, dừng lại nghe chuyện hai mẹ con, rồi thủng thẳng bước vào nhà, các nếp nhăn trên mặt ông dường như có hơi dãn ra.

Ngày cuối của tuần tiếp theo, mới sáng bảnh mắt, ông đã pha ấm trà, ngồi uống một mình, chốc chốc đôi mắt lại ngóng ra cổng. Khánh không uống trà với cha như mọi khi, cô ngồi thái chuối ở góc sân, mặt xây ra phía cổng. Ông bảo: “Hãy còn bèo đã băm rồi, thái làm gì lắm nó khô đi”. Khánh, đã trở nên “khôn” hơn hơn sau vụ anh cười một mình, thì đủng đỉnh: “Ngày mai con có chút việc, sợ lỡ có về muộn, cứ thái trước cho chắc thày ạ”. Chiều hôm ấy Xứng không về. Tuần tiếp sau, cũng không về. Tuần sau nữa, cũng không thấy tăm hơi. Bu Khánh cuống lên: “Con đạp xe đi Hồng Châu xem nó thế nào. Không biết có ốm đau gì không, chứ bình thường, có sai bao giờ, thằng bé nó về đúng cữ lắm”. “Ừ, phải đấy, con chịu khó đi xem sao, thày cũng thấy rối ruột lắm”. Thực ra, ruột gan cô cũng đang rối bời, nhưng rối kiểu khác, kiểu kén tằm quá lửa, không sao lần ra mối.

Được lời như cởi tấm lòng, tối hôm ấy Khánh làm thịt một con gà tơ, đem rang nhạt, xé nhỏ rồi cho vào cặp lồng. Sáng hôm sau, không đợi trời sáng hẳn, cô đã dắt xe ra khỏi cổng. Đến Hồng Châu, chẳng khó khăn gì lắm, Khánh tìm được sở Đầu tư Địa phương ngay. Chàng trai trực phòng lễ tân chăm chú nhìn cô, cái nhìn không giấu được ánh hàn lâm khoa học nhân văn. Rồi cậu vui vẻ dẫn Khánh lên gác, đi hết hành lang thì dừng lại, lễ phép chỉ cho cô cánh cửa phòng rồi ý tứ trở lại ngay phòng trực. Ngước nhìn tấm biển nhỏ nhắn gắn trên cánh cửa, Khánh ngớ người: A, giám đốc cơ đấy! Cô gõ cửa. Có tiếng nói vọng ra: “Xin mời vào”. Xứng đang lúi húi viết mấy chữ gì đấy lên góc một bản vẽ kỹ thuật liền ngẩng lên. Nụ cười vồn vã trên khuôn mặt lập tức tắt ngấm, cái bút trên tay Xứng rớt xuống mặt giấy đánh cạch, cặp môi run run trên khuôn mặt hốc hác xanh xạm.

“Chị. Nhà … có chuyện gì hả chị?”.

Khánh lắc đầu:

“Cả nhà lo Xứng ốm. Thày bu bảo chị đến đây xem thế nào”.

Xứng rời bàn, hấp tấp lấy ghế cho Khánh ngồi, rồi cứ đứng thế mà hỏi:

“Thày bu có khoẻ không? Chị có làm sao không?”.

“Thày bu vẫn khoẻ”.

“Còn chị?”.

“Vẫn khoẻ. Chỉ buồn …”.

Xứng ngây mặt, rồi, với vẻ hối hận, khẽ nói:

“Em xin lỗi chị”

Khánh lắc đầu:

“Không phải …”

Xứng lại càng ngẩn mặt, rồi gấp gáp:

“Thế thì vì chuyện gì? Sao lại giấu em?”

“Không. Chỉ là …” - Khánh ngập ngừng giây lát, rồi nỗi ấm ức như dòng nước bị ứ lâu ngày, bỗng vỡ oà – “Sao nỡ cả tháng chẳng về lấy một lần. Tệ!”

Thế là nước mắt Khánh dàn ra. Xứng cuống lên, cứ loay hoay, vòng đi vòng lại quanh chỗ cô ngồi. Rồi, như một cái máy, Xứng hấp tấp chạy lại góc buồng lấy cái khăn mặt thấm nước mắt cho cô. Mặc kệ. Khánh vẫn ngồi yên. Xứng cầm lấy tay Khánh, quỳ xuống bên cạnh, ấp đôi bàn tay cô vào mặt mà hít hà, rồi ngẩng lên, ôm nhẹ vào đôi vai vẫn chưa hết run lên vì tấm tức: “Thế là chị cũng thương Xứng …”.

Khi đang ngất ngây trên top of the world, đỉnh cao nhân thế, con người ta thường rơi vào tình trạng mụ mẫm. Thứ mụ mẫm khiến ngay cả những kẻ đạo hạnh lạnh lùng nhất khi chứng kiến cũng phải nở một nụ cười mà sắc thái của nụ cười đó rất có thể dẫn đến một vụ kiện về bản quyền. Trong vụ kiện lãng mạn này, bên nguyên là những thiên thần có cánh và bên bị là những kẻ đạo hạnh lạnh lùng đã can tội không hãm được nụ cười vốn thuộc quyền sở hữu của các thiên thần.

Buổi chiều, họ đưa nhau về nhà.

Từ tầng hai xuống nhà để xe, Xứng và Khánh sóng đôi đi bên nhau, tay nắm tay như những cặp trai gái tân thời đi trẩy hội mùa xuân chùa Thày. Chợt nhận ra chàng trai lễ tân vui tính ban sáng đứng trong nhà để xe đang trố mắt há mồm nhìn họ, Khánh giật mình choàng tỉnh, ngượng ngịu buông tay. Quay đầu nhìn quanh, thấy, từ đằng xa, phía góc sân đầu toà nhà chính, anh chị em trong sở cũng đang hướng những ánh mắt nụ cười về phía nhà xe. Chàng lễ tân, khuôn miệng đã kịp trở về trạng thái bình thường, lao về phía hai người, chộp lấy hai bàn tay vừa buông nhau ra, nhẹ nhàng đặt lại vào nhau giữa tiếng vỗ tay rộn rã của những ánh mắt lấp lánh, nụ cười ấm lành đang tiến lại bọc lấy họ, vòng trong vòng ngoài. Một cậu trai bỗng nhiên ngẫu hứng cất giọng. Và tất cả, người hát theo, kẻ đu đưa mái đầu, cùng vỗ tay nhịp theo một khúc hát đồng quê điệu đà, duyên dáng, say sưa, ngây ngất:

I'm on the top of the world lookin' down on creation
And the only explanation I can find
is the love that I've found ever since you've been around
Your love's put me at the top of the worl.

Trên đỉnh cao nhân thế, tôi trông xuống những tạo vật xiết bao đẹp đẽ

Và lời giải thích duy nhất tôi có thể tìm ra

là tình yêu tôi cảm nhận được từ khi có em ở bên

Tình yêu của em đã đưa tôi lên đỉnh chót vót của cuộc đời này.

Một tốp con gái gương mặt tươi tắn, đi đầu là một thiếu nữ duyên dáng trong tà áo dài màu thiên thanh, ôm đến một bó hoa tươi thắm, mỉm cười dịu dàng đặt vào lòng Khánh. Đầu óc trống rỗng, Khánh máy móc đưa đôi tay ngượng ngập đỡ lấy bó hoa. Chủ tịch công đoàn đĩnh đạc bước đến trước mặt họ, đôi bàn tay đan vào nhau, xúc động: “Thay mặt anh chị em trong cơ quan, tôi xin được gửi tới anh chị lời chúc mừng ấm áp nhất”. Đợi cho tiếng vỗ tay ngớt dần, ông nói tiếp: “Và, việc gì cũng có ngoại lệ của nó …” – Hơi nghiêng người, ông lịch lãm chìa tay về phía cậu lái xe. Mọi người nhẹ nhàng giãn sang hai bên, để lộ ra chiếc Land Cruiser cũ kỹ vừa được lau rửa sạch bong, đang chờ sẵn trong sân cơ quan mà ai đó đã kịp buộc hai chiếc xe đạp của họ lên phía sau - “Xin mời anh chị!”. Tiếng vỗ tay lại nổi lên. Xứng lúng túng. Chủ tịch công đoàn liền lặp lại động tác, mỉm cười lịch thiệp, nghiêng mình chìa tay: “Xin mời anh chị!”. Xứng đành cúi đầu: “Chúng tôi xin chân thành cảm ơn tấm tình của anh chị em”. Rồi, cứng đơ như hai khúc gỗ, Khánh cùng Xứng trôi về phía chiếc xe, giữa tiếng vỗ tay nồng nhiệt không dứt, trong tâm trạng ngập tràn phong vị dân gian thời @ sơ khởi.

Khỏi phải nói, thày bu Khánh mừng líu lưỡi khi thấy hai đứa đi vào sân, theo sau là chàng tài xế với bó hoa rực rỡ trên tay. Người già thường nghĩ chậm, phản ứng chậm, ấy vậy mà những việc có liên quan đến con cái, đến tình cảm con người dường như lại nhanh nhạy hơn cả những người trẻ tuổi.

Cơm nước xong, giữ thế nào cũng không được, chàng lái xe chào tạm biệt rồi vội vã lên xe quay về Hồng Châu. Rất có thể cậu ta cũng đang có một bông hoa đương độ ngậm hương cần trao tận tay một cô gái xinh xắn dễ thương nào đó ngay buổi tối hôm ấy.

Khánh bưng mâm bát xuống bếp, Xứng pha ấm trà mới rồi đem lại bàn. Thày bu Khánh vẫn ngồi cạnh nhau. Hơi khác thường, từ lúc chàng lái xe quay về Hồng Châu, chả thấy ông bà nói gì. Xứng đi xuống bếp, bảo Khánh cứ để các thứ bát đĩa đấy, rồi nhất định kéo cô lên nhà. Khánh, nửa muốn, nửa ngại ngùng nên chân bước dùng dằng theo lối “bán phần bị động”. Họ dẫn nhau đến trước mặt ông bà. Bây giờ thì đến lượt Xứng lúng túng. Thày Khánh mỉm cười, giọng thong thả trầm ấm: “Ý tới thì nói. Việc tới thì làm. Nào, trang nam tử, nói cho chúng ta cùng nghe”. Xứng, như được tiếp đà: “Là … là con xin hai bác cho chúng con lấy nhau”. “Ai là hai bác? – Ông dướn thẳng lưng, nghiêm mặt, vỗ tay xuống mặt bàn đánh chát, khiến mấy cái chén rung lên, sánh cả nước ra ngoài - Từ rày phải gọi chúng ta là thày bu mới được!”. Mặt Khánh đỏ dừ, không biết giấu vào đâu, chúi vào lưng Xứng. Còn Xứng thì lắp bắp, gập người: “Chúng con biết ơn thày bu ạ”. “Phải!” – Giọng dài như tiếng thở của người vừa nín hơi hồi lâu. Hai ông bà, không hẹn mà cùng nhau thốt ra cái chữ rất kẻ cả nhưng đầy ắp yêu thương và vô cùng lấp lánh ấy, rồi quay sang nhìn nhau mà cười, nụ cười ngàn lần lấp lánh hơn cái chữ “Phải!” vừa thốt ra.

Thế là, theo kế hoạch của thày Khánh đưa ra, sau đấy cả nhà cùng lặng lẽ chuẩn bị cho lễ cưới. Thời gian ấy, đối với cái gia đình này, mỗi ngày là một ngày hội, mỗi việc làm là một niềm vui. Nếu bảo mỗi người hạnh phúc là một bông hoa đẹp thì cả bốn người họ là một khóm hoa còn hơn cả đẹp. Lễ cưới của hai kẻ muộn mằn tưởng nhạt tênh mà hoá thắm đượm, tưởng buồn tẻ mà hoá vui tươi, vui tươi chẳng khác gì một lễ hội cười dân gian vào năm được mùa. Những nụ cười, những đoá cười của cả chủ lẫn khách, tưởng không dễ gì quên được.


  1. Kỳ sau: Quả tim vàng cũng không thể phớt lờ thực phẩm, dược phẩm