Trang chủ » Truyện

TRONG GIÓ BỤI – Phần 2

Nghiêm Lương Thành
Thứ năm ngày 13 tháng 4 năm 2017 5:55 AM


Truyện 


 

Cùng trên một chuyến đò quê

Ai lên rừng trúc ai về bến mê ?

1. Chuyện cổ tích

Thực lòng, trong các câu chuyện giao tiếp hoặc tâm tình, Khánh không muốn nhắc lại chuyện cũ tí nào, bởi nếu làm việc đó, điều cô biết chắc là số đông những người của thế hệ sau mình sẽ nhăn mặt, chun mũi mà thở dài đánh phèo: Ôi, lại chuyện cổ tích gì nữa đây? Chị già à, làm ơn khẩn trương quên đi cho!

Quên đi ư? Phải, kiên định một lòng hận thù thiếu cơ sở khoa học nhân bản với những người đồng bào của mình đâu phải là cách hành xử biện chứng, đâu phải là thứ tình cảm trong lành, bởi nó rất có hại cho tâm hồn, đạo đức và sức khoẻ, ba thứ quý báu nhất và kém bền vững nhất trong giới chúng sinh cả tin, dễ xao xuyến và luôn có một bộ phận vô cùng không nhỏ chỉ nhăm nhăm hướng thiện. Khánh cũng đã nỗ lực rất nhiều để quên đi, những tưởng đã thành công tốt đẹp, nhưng chuyện Xứng phải ra hầu toà đã như một bó lửa rừng rực bay vèo vào đám bùi nhùi khô nỏ giữa tiết hanh heo, làm nhoàng lên những ký ức không mấy êm đềm, đã bị thời gian vô tư và con người không mấy vô tư phủ lên nhiều lớp bụi không thể nói là mỏng.

Giá thử những nông dân hiền lành đen đúa hốc hác không cần nhẫn cặm cụi trồng dâu, lấy gì cho tằm ăn? Bị đói, tằm chết lăn ra đấy, lấy đâu ra tơ vàng óng nuột để dệt lụa may áo cho các bác mặt nhớn mặt bé hồng hào núng nính oai phong lấy cái mà khoác lên mình? Không khoác áo lụa Hà Đông và hút thuốc lào Tiên Lãng thì đâu đến nỗi có chuyện đại hoả hoạn bùng phát trên phần da thịt tươi thắm, thoảng khét mùi chúng sinh ưu tú của các ngài ấy? Và, rút cục, nền văn học tiếu lâm khi trầm ngâm lúc phớ lớ, thứ hoà cảm nhuần quện nước mắt và tiếng cười của xứ Lạc Việt, không thể tránh được một sự khiếm khuyết thậm đáng tiếc về nghệ thuật tư duy chuỗi lôgic liên hoàn đậm đà bản sắc nhân quả dân gian trực tuyến.

*

Thuở bé, Khánh và Xứng học cùng lớp. Lớp học là một góc đình làng ẩm thấp, loang lổ rêu xanh, có cổ mà không được kính. Thỉnh thoảng, chen giữa bài giảng của ông giáo làng lưng còng vì bệnh hen xuyễn kinh niên là một đợt gáy ri rít liền mạch của mấy chú dế cõn trong góc tường hoặc bên dưới những viên gạch đỏ lát nền đã trở nên cập kênh bởi thời gian đã làm cho bong mạch long vữa.

Không được đồng đều như bây giờ, tuổi đi học của học trò ngày ấy lộ cộ lắm. Các trò trong lớp hơn kém nhau trên dưới dăm tuổi, thậm chí hơn, là chuyện không làm ai ngạc nhiên. Khánh hơn Xứng hai tuổi. Khi người ta còn ở tuổi thiếu nhi, hai tuổi là một khoảng cách đáng kể.

Bấy giờ Xứng là một thằng bé lách chách, nghịch như ranh, nhưng được cái sáng dạ, học đâu hiểu đấy. Không đứa nào nói ra nhưng Khánh biết, cả lớp ngấm ngầm phục nó. Phục, nhưng xa lánh. Xa lánh? Vâng, chỉ là một sự rối tinh đáng yêu mang tính đời mới ai ơi trong hoạt động tinh thần trẻ thơ vốn được thiên nhiên quy định là trong trẻo. Khánh cũng vậy, chỉ khác bọn trẻ cùng lớp là, không hiểu sao, vẫn kín đáo để mắt đến nó. Có lẽ bởi nó là đứa trẻ sớm mồ côi cha, còn Khánh là đứa con gái có thiên tính mẹ bộc lộ hơi sớm. Bọn trẻ trong lớp chụm đầu thì thầm bảo nhau: Cha nó là bóc lột đấy, chơi với nó là vào hùa với bọn bóc lột, là phản bội nhân dân. Có thể các bậc ông bà cha mẹ tỉnh táo đứng đắn đã dặn dò con cháu mình như vậy. Cuộc đời mà, nó tạo ra anh hùng nhưng cũng nhào nặn, làm biến dạng những người lớn ở nhiều tầng tuổi, một thứ biến dạng “nan khả đàn hồi”. Loại biến dạng này, các nhà vật lý chất rắn gạo cội thế giới đã đặt cho nó cái tên là biến dạng dư . Khi tư tưởng được chuyển hoá thành công tưởng, các nhà lý luận hàng đầu liền đanh thép khẳng định: Đó là tính phổ quát. Đến lượt mình, công tưởng, ngay tắp lự, liên sinh với các tân tín đồ chất phác, nhiệt thành và cả tin của mình, đẻ ra một nền văn hoá đồng tính với nó. Nền văn hoá này liền được ấn định là trường tồn bằng những thức văn thư đại chúng, được tạo ra trên nền tảng những tình cảm thuỷ chung trong sáng và chân thành. Oái oăm là ở chỗ, cái để cho các tín đồ thuỷ chung, chính bản thân nó cũng không tránh được sự chi phối của luật biện chứng, thành thử, rốt cuộc, nó cũng chỉ là một phạm trù lịch sử. Mà lịch sử thì, xét cho cùng, cũng là một tay chơi, đã nhung nhăng còn đa đoan và đam mê ní sự.

Như một sứ mệnh truyền đời, người lớn luôn có thiên hướng cao quý là bảo vệ con trẻ. Bảo vệ và gìn giữ toàn vẹn tính mạng cho con trẻ, dù chỉ ở mức bản năng, đã là cao quý. Bảo vệ sự đúng đắn, sáng suốt, tính nhân ái cho phần hồn mới thực là văn minh. Văn minh giúp cho loài vượn tách khỏi khối sinh vật hoang dã, tiến lên đẳng cấp chủ thể của cái hành tinh xanh rờn này. Uốn nắn theo lối bảo ban là một hình thái bảo vệ văn minh. Văn minh chủ trương một sự bảo vệ bất bạo lực nên quy trình của nó rất vệ sinh, hiền hậu và mang tính an sinh cao. Thật vô cùng chu đáo vì cái sự bảo vệ, uốn nắn này được tiến hành sát sao, bền bỉ, không ngơi nghỉ trên mọi hướng, từ ngoài vào, từ trong ra, từ trên xuống, từ dưới lên.

Trong cuộc đời con người ta, có lẽ thời làm trẻ con là đoạn đời hoặc là vui sướng nhất hoặc là đau khổ nhất. Cái sướng, có thể biến trẻ con thành kim đồng ngọc nữ, nhưng nó cũng có thể khiến bộ não và tứ chi của chúng trở nên gần như không cần dùng đến. Cái khổ, có thể mang chức năng tôi luyện, khiến đứa trẻ trở nên sớm vững vàng trong cuộc đời, nhưng nó lại cũng có thể làm cho chúng trở nên nhão nhoét, sau này không sao tự định hình được nữa. Tuy thế, so với những đứa trẻ loại nhão nhoét, loại không phải tiên đồng ngọc nữ, rô bốt của kỷ nguyên @ xem ra vẫn chỉ là thứ đồ chơi thô vụng, dù chúng có là một dạng máy được tích hợp từ các thành tựu mới nhất về các công nghệ luyện kim, cơ, điện, hoá, sinh, IT … đang được coi là những chỉ dấu của đỉnh cao trí tuệ loài người.

Trẻ con thì muôn đời vẫn thế, nghĩa là lúc vui lên hứng lên thì quên tiệt, thậm chí đôi khi, tạm thời, mất hẳn khả năng phân định tính khác biệt về chiều kích hình học giữa bầu trời xanh thắm mùa thu và cái vung nồi đen nhẻm trong cữ giáp hạt. Những lúc bay bổng như thế, gần như vô thức, lũ trẻ bị cuốn vào những trò do Xứng đầu têu và, còn hơn thế, chúng hồn nhiên bổ sung vào những trò đó nhiều sáng kiến bất ngờ, thậm chí quái gở, đẩy trò nghịch con trẻ lên những tầm cao tinh quái, khiến lũ con gái nhiều khi phải khóc dở mếu dở, hậm hực oán ghét, lụi hụi dắt díu nhau đi mách thày. Nhưng, thày thì hiền, những trò tinh quái kia thì không có hại gì cho hoà bình thế giới, không ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng đấu tranh giai cấp và nồi cơm nhà thày nên cũng không có chuyện gì nặng nề xảy ra. Lúc không có trò gì, chúng lại là những đứa bé ngoan, chẳng kém gì người lớn. Tuyệt đối tin tưởng, nhất nhất trung thành là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá chất lượng hạnh kiểm của một người trưởng thành. Vâng lời người trên, gọi dạ bảo vâng là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá chất lượng hạnh kiểm của một đứa bé. Chất lượng hạnh kiểm, đương nhiên, là chỉ dấu chí tử, quyết định tiền đồ tươi sáng Cao Cầu hoặc tối mò chị Dậu của những chúng sinh thời buổi hậu hiện đại.

Những lúc bọn trẻ trở lại trạng thái hạnh kiểm lành mạnh, Xứng cảm thấy lẻ loi, hẫng hụt. Giờ ra chơi, vào những hôm lũ trẻ trong lớp nhớ ra chúng có bổn phận phải ngoan, Xứng thường lủi thủi, thơ thẩn bên gốc cây đa già xế trước sân đình, kề cái giếng làng. Người lớn đến gánh nước hoặc có việc qua đấy, trừ vài người liệng cho nó những ánh nhìn vô hồn hoặc khinh khỉnh, chẳng ai buồn trêu trọc, hỏi han gì đến nó. Mỗi khi trong lớp có đứa nào đấy kể chuyện cha nó, đại loại như vừa làm cho nó cái nơm nhỏ để đi úp cá hoặc sỹ diện khoe vì nhà nó rất nghèo nên cha nó đã được vào dân quân, khoác súng mútcơtông lắp đạn thật hẳn hoi, hoặc bác nó vừa được kết nạp vào nông hội hay gì gì đó, thường thấy Xứng lặng lẽ, lủi thủi lảng đi với bộ mặt vừa buồn thảm vừa ngác ngơ.

Khánh còn nhớ, trong một buổi họp thôn ở sân đình, cô phải chứng kiến cảnh tượng bà Cả Liếm đang nhảy dựng choi choi, tay vung lên, miệng xỉa xói vào mặt cha thằng Xứng; trong khi ông, người vốn gày gò do tham công tiếc việc mà làm quá sức, bị trói giật cách khuỷu, đứng trước ánh đèn măng sông sáng nhờ nhờ, thẳng người, ưỡn ngực, hàm răng nghiến chặt, không thèm để tâm đến bà Cả Liếm, trợn mắt trừng trừng nhìn mấy người ngồi sau bàn chủ toạ, rồi không biết làm sao, một giòng máu đỏ tươi chảy ra từ một bên mũi, rớt xuống ướt cả ngực áo và sau đó ông từ từ đổ gục xuống, nằm còng queo trên sân đình. Có lần Xứng nói với Khánh, dân quân với các ông đội vừa đông vừa có súng, thày em có một mình lại tay không, sao không đối xử cho đàng hoàng, mà cứ phải bảo mấy người dân quân luôn chĩa súng vào vào thày em, lại lấy dây thừng trói chặt đến nỗi phải chảy cả máu. Thày em hiền lắm mà, đến con ruồi cũng chỉ lấy tay xua mà không nỡ đập, có làm gì họ mà họ phải sợ hãi đến thế? Còn mấy người nông hội hễ lúc nào có việc nói với bu em là y như rằng không quát thì nạt, làm cho bu em cứ chúi mặt vào góc nhà mà khóc rấm rứt. Nghe thì nghe, Khánh chẳng nói gì, nhưng bụng thầm nghĩ, ai bảo thày mày lắm ruộng nhiều trâu, không áp bức bóc lột nông dân thì lấy đâu ra?

Nghịch ngợm rách trời thế thôi, chứ Khánh biết thằng Xứng thương bu nó lắm. Thỉnh thoảng, khi chăn trâu ngoài đồng, Khánh vẫn bắt gặp Xứng ngồi thu lu một mình bên mộ cha nó, tay đưa lên rờ rẫm vuốt ve mãi cái mảng cỏ gà mọc lởm chởm trên nấm đất đắp vội ấy. Có lẽ đấy cũng là điều khiến cô hay để mắt đến nó. Từ ngày thày nó qua đời, trông bu nó lúc nào cũng buồn bã u uất, người cứ xọm dần rồi sinh chứng ho, ho mãi thành kinh niên. Thuốc thang lúc có lúc không, ho mãi không khỏi, người cứ héo dần héo mòn, gầy rớt như cái dây mồng tơi mọc trên vạt đất cằn khô.

Một lần bị ốm, phải nghỉ học mấy buổi, Khánh sang nhà mượn vở của nó về chép bài. Chờ đến tối mịt mới dám rón rén, mắt trước mắt sau, mò sang. Sao phải thế? Xin đừng cật vấn, chuyện học trò thò lò mũi xanh, mí đồ đồ đồ mí mí rê ấy mà. Căn nhà ngói năm gian thấp tè của thày bu thằng Xứng bấy giờ được chia cho gia đình lão Chén và hai gia đình cố nông khác, mẹ con nó nước mắt ngắn nước mắt dài dọn đến ở trong cái túp gọi là nhà của lão Chén phía cuối làng. Qua cánh cửa liếp mở hé, Khánh thấy hai mẹ con đang ngồi ăn cơm dưới nền đất. Ăn cơm? Ấy là nói theo lệ, chứ thực ra, nhìn kỹ, chẳng có cơm, chỉ thấy giữa cái mẹt đã buột cạp là một cái bát chiết yêu mẻ miệng lõng bõng những gì không rõ. Nhìn hai mẹ con đùn đi đẩy lại cái bát đã vơi đi già nửa, nhất quyết nhường nhau bằng đủ thứ lý do, những giọt nước nóng hập không khiến mà sao cứ rịn ra đằng mắt. Thật quá sức với một đứa bé gái, Khánh khẽ bước lùi rồi quay đầu chạy ra đường làng, vừa chạy vừa nức lên như đứa bé mới bị mẹ mắng oan. Chẳng may, bất chợt gặp người làng giữa đường, bị hỏi tại sao khóc, cô bé đành nói bừa là cháu sợ ma.

Vào một buổi sớm, đang trên đường đi học, nghe có tiếng người gọi, Khánh ngoảnh lại, thấy bà vợ ông bí thơ thôn đứng cạnh bụi chuối phía trong bờ rào vườn nhà bà, đôi mắt rực lửa căm hờn đang trợn trừng, tay cầm một tờ giấy nhỏ, run run vẫy Khánh. Bà trỏ tay vào cái cuống buồng chuối tròn như ống điếu cày vẫn còn đang rỉ nhựa, mặt phừng phừng bốc hoả, hổn hển: “Đồ giời đánh thánh vật. Đêm qua nó lấy trộm của nhà tao cả một buồng chuối mẫm, lại còn lấy gai bồ kếp găm tờ giấy này vào cái cuống, mày bảo thế có lộn ruột không?”. Qua bờ rào, bà đưa cho Khánh tờ giấy, giọng vẫn chưa hết xúc động: “Mày học trò biết chữ, đọc xem nó viết gì trong í?”. Liếc nhìn, cô bé tái mặt vì nhận ra nét chữ rau muống như múa như chạy của thằng Xứng:

chính sách tôi học đã thông

nhưng vì đói quá xin ông một buồng

Tờ giấy này mà vào tay ông bí thơ, ông ấy đem đến lớp, so chữ truy ra, thằng ranh bị đuổi học là cầm chắc. Giời xui đất khiến thế nào, trong tích tắc, như có Mẫu nhập, khả năng ứng đối của cô bé bỗng thăng hoa, duyên dáng vỗ cánh: “Nó viết là cảm ơn ông bà bí thơ đã tử tế giúp đỡ người nghèo khó”. Nghe thế, bà ta liền nhảy ngược lên, vỗ đùi vỗ mông banh bách: “Tổ sư cha đứa nào lười làm tham của người đêm qua vào vườn nhà bà nẫng mất của bà cả một buồng chuối già nha ... á. Quả chuối ở nhà bà nó là quả chuối … cúng Phật nó về nhà mày nó hoá ra quả lựu đạn ăn vào nó nổ tan xác phanh thây cả lò cả ổ nhà mày ra nhá … Từ rày bà tiệt giống trái chăng hoa quả bà chỉ giồng rặt cây đại bác cây lựu đạn cây bom naban … cây mócchê để xem nhà mày còn dám bén mảng đến đây nữa khô … ông. Tao truyền hồn báo kiếp cho cả lò cả ổ nhà chúng mài … tiên nhân cha cái tông giống cả cái lò cái ổ lười làm tham của người nhà chúng ma …ài …”. Khánh run bắn người, nhưng vẫn còn đủ láu cá, lợi dụng tình thế khi dòng máu văn nghệ dân gian hoà tan thời sự của bà đang thăng, vội kín đáo vò dụi mảnh giấy trong lòng bàn tay, không ngoảnh đầu lại, bước thấp bước cao, ton tón đi thẳng. Khi ra đến mảnh rau cần nhà anh cu mõ, tiếng chửi của bà chỉ còn nghe văng vẳng, cô bé vội cho tờ giấy vào mồm, ngấu nghiến nghiền vụn cùng nước bọt rồi phì phì phun những hạt bụi giấy vào tận giữa một bụi tre cạnh đó. Thoát. Lúc gặp thằng Xứng ở lớp, Khánh kín đáo tủm tỉm. Nó nhìn Khánh, thoáng thảng thốt, mặt đỏ lựng rồi lảng đi.

Mấy hôm sau, thấy Xứng nghỉ học, tưởng bị ốm. Tan học, trên đường về, Khánh rẽ vào nhà nó xem thế nào nhưng chỉ gặp bu nó. Dứt cơn ho rũ rượi, bà nhìn Khánh, cái nhìn trìu mến phảng phất chút gì đấy như lòng quý mến mà không được phép nói ra. Giọng lo lắng, bồn chồn, bà bảo: “Lạ. Hôm nay nó dậy nấu cháo cho tôi từ sớm lắm. Lúc nó cầm bút vở đi ra khỏi nhà, trời chưa sáng hẳn, không biết làm sao giờ này vẫn chưa thấy về. Hay có việc gì đấy nó mới về muộn cô ạ”. “Thế bác đã ăn cháo chưa ạ?”. “Tôi chờ nó về ăn một thể. Khổ thân thằng bé”. Đi về phía cái bếp ở góc nhà, mở nồi, thấy cháo vẫn còn nguyên, Khánh thổi lửa, đun lại cho nóng rồi múc ra bát cho bà. Nhận ra mắt Khánh ươn ướt, bà nắm lấy tay cô: “Cô còn bé mà đã phúc đức quá”.

Buổi chiều, đi chăn trâu muộn nên Khánh cố nán lại để trâu ăn thêm cho no, đến lúc trời nhá nhem mới lùa trâu về. Vốn nhát như cáy ngày, vừa đi Khánh vừa nhớn nhác ngoảnh lại đằng sau xem có con ma nào đi theo không. Khi đến gần cây si già mọc bên gò miễu, nhác thấy có bóng người thấp thoáng phía bên kia gò, cô bủn rủn hết chân tay, trống ngực đánh thùm thụp như trống hộ đê. Nhưng, ơn giời, nhờ đôi mắt tinh, nhận ra đó là thằng Xứng, tay cầm vở, tay toòng teng mấy thang thuốc, đang vừa chạy vừa nhảy chân sáo băng đồng tắt đường về nhà, Khánh mới thở phào.

Ngày ấy, ở nhiều vùng quê, nhà nào cũng vậy, có lệ ăn bữa chính vào buổi sáng sớm để đi làm đồng cho chắc dạ. Cứ khoảng ba bốn giờ sáng là cánh phụ nữ đã thức dậy băm bèo, cho lợn ăn rồi thổi cơm cho cả nhà. Khánh cũng thường dậy theo bu, không phải do chăm chỉ nết na mà vì bu bắt cô phải thế. Bu Khánh bảo, con gái mà lười chảy thây chảy xác, sáng bảnh mắt mới dậy, về sau đến tuổi lấy chồng có chó nó rước. Hôm ấy bu thấy mệt trong người, chỉ có mình Khánh dậy. Bên hàng xóm, thấy bà Thớt vợ ông tổ trưởng nông hội cũng đã dậy, đang lọ mọ sờ lần gì đấy bên cái chum nước phía đầu bếp. Bỗng nghe có tiếng động như tiếng vật gì va vào mâm đồng trong bếp nhà bà vọng ra. Chó với chả mèo - bà bực bội lẩm bẩm rồi đứng dậy vào bếp xem có đổ vỡ gì không. Liền sau đấy, Khánh trông thấy một bóng trẻ con đầu tóc bờm sờm, mặc chiếc quần đùi trễ xuống tận đầu gối, từ phía sau căn bếp nhà bà nhô ra, lom khom rón rén di chuyển về phía cái chum nước, hai tay bưng lấy vật gì đấy rồi, cũng bằng cách di chuyển ấy, lủi nhẹm về phía bờ rào cuối vườn, biến mất vào bóng tối. Lại đi lấy của người ta rồi! Khánh lặng người, nước mắt lại ứa ra. Đúng là đồ con gái ướt rượt, cô bé tự mắng mình và đi vào bếp. Đang vừa kéo vạt áo chùi nước mắt vừa phùng mang trợn mắt thổi con cúi rơm để lấy lửa, chưa kịp châm đèn thì đã nghe tiếng bà Thớt thất thanh: “Thày mày ơi, thày mày, dậy mà xem”. Có tiếng bước chân ông Thớt lật đật chạy từ nhà trên xuống. Bà Thớt không hãm được nỗi tam bành, liền xổ ra: “Tiên nhân cha nhà nó chứ. Nó ném đất vào bếp, lừa tôi vào bếp xem có chuyện gì, lúc quay ra, cái rá gạo đang định vo để bên chum nước đã không thấy đâu. Cha con mẹ nhà nó chứ, nhanh thế chứ. Thời mới buổi. Loạn!”. Tò mò, Khánh đứng sau cánh cửa bếp, thò đầu hóng sang đã thấy ông Thớt đang đứng bên vợ, cái lưng hơi khom khom, cái giọng thuốc lào gằn gừ trong cổ, chì chiết: “Ngu thì mất. Đừng có toang toác cái mồm lên như mẹ bổi mất váy như thế. Ngu lắm, làng nước người ta biết người ta chửi cho, phỏng tao còn lãnh đạo được ai? Khối nhà còn không có cả khoai kẹ mà ăn kia kìa. Rá mới chả gạo … cái giống nhà mày ăn gì mà ngu thế?”. Từ hôm đó, thỉnh thoảng, mỗi khi nhà xay lúa giã gạo, Khánh lại giấu thày bu, xúc vụng một ít, đùm vào mấy lớp lá chuối khô, buộc chặt, chờ đến khuya, len lén đem sang đặt ở bực cửa nhà thằng Xứng.

Thời gian sau, chấp hành chủ trương hợp tác hoá nông nghiệp để xây dựng xã hội mới tươi đẹp, không kể một số gia đình “lạc hậu, chậm tiến” vẫn còn ngần ngừ hoặc chống đối, cả thôn đều góp ruộng góp trâu góp dụng cụ làm ruộng vào hợp tác xã để làm ăn tập thể. Thằng Xứng còn bé quá, chưa làm được những việc nặng nên hai mẹ con nhận chăn mấy con trâu cho hợp tác. Chăn trâu cắt cỏ công thấp, nhưng ngày nào cũng có điểm nên cũng gọi là đỡ phần khó khăn chút ít. Thêm nữa, được cái hợp tác xã là của chung, nên khi thu hoạch mùa màng chẳng ai để mắt sát sao đến khoai rơi lúa vãi hay bị bỏ sót như hồi còn làm ăn cá lẻ. Đây là cơ hội tốt cho thằng Xứng. Vụ nào thức ấy, vụ lúa nó đi mót lúa, đi tát cá ở những chân ruộng trũng đã gặt, đi quét lúa vãi trên sân hợp tác; vụ màu nó đi mót khoai ngô đỗ lạc … Khánh cũng theo nó đi mót. Những hôm được ít, Khánh trút tất cho nó, hôm được nhiều cô bớt lại một ít đem về nhà. Lần đầu, nó không nhận, hận quá, đỏ mặt tía tai, Khánh hét vào mặt nó: “Đồ bất hiếu!”. Xứng xững người, nhìn Khánh trân trân, rồi cặp mắt cụp xuống: “Em xin chị”. Đúng là cái đồ nhà giàu xấu xa, Khánh nghĩ, mất của cũng khóc, được của cũng khóc. Biết chuyện, bu Khánh chỉ mủm mỉm, không nói gì, còn thày thì cười khà khà, xoa đầu cô, bảo: “Đàn bà con gái quý ở cái nết thơm thảo con ạ”.

Học đến cuối lớp bảy, giọng nói thằng Xứng đã có lúc thấy ồ ồ. Nó nài nỉ các anh lớn dạy cho cách cày bừa. Được vài buổi, trông cái cách nó tay chão tay chuôi, bước chân dẻo chắc, nghe cái miệng vắt vắt diệc diệc, đã thấy ra dáng chững chạc. Ông đội trưởng đội sản xuất tình cờ đi qua, ngắm luống cày thẳng thớm, cuộn đều, vồng xốp thì lấy làm vừa lòng lắm, cười bảo: “Được đấy! Thanh niên ra trận vợi cả người, đang thiếu tay cày. Từ rày, thằng Xứng sẽ vào tổ thợ cày. Sáng mai đi học, chiều về đánh trâu ra tranh thủ cày cái mảnh cạnh gò mối nhá”.

Có công điểm cao hơn, cuộc sống trở nên dễ thở hơn một chút, những tưởng ông trời đã mở ra cho hai bu con những ngày bớt lo âu thiếu thốn, ai ngờ bu nó đột ngột lặng lẽ qua đời. Có phải bà đã cố sống cho đến ngày chú gà con đủ lông, nhú mào mới cam tâm ra đi? Khánh nhớ, đó là một đêm cuối năm, mưa phùn gió bấc căm căm, khoái chí chui vào ổ rơm, nằm vừa ấm chỗ thì nghe có tiếng gọi, giọng lạ lắm, vội châm đèn, chạy ra mở cửa, hoá ra thằng Xứng áo sống phong phanh hai má nhợt phếch ướt đầm: “Chị ơi, chị ơi …”. “chuyện gì thế?”. “bu em … bu em …”. “Làm sao?”. “Bu em …”. “Nói đi!” – Khánh cảm thấy có điều gì đó không hay, khẽ gắt. “… khô…ông thở nữa rồ … ồi … hờ, hờ …”. Cô cuống lên, không biết làm thế nào, vội chạy vào gọi thày bu, rồi lại chạy ra cửa, ôm chặt lấy vai thằng Xứng, hai đứa cứ đứng thế mà khóc. Thày Khánh khoác vội cái áo trấn thủ đã bị rách sã nách, cứ để chân đất mà thông thốc lao ra cổng. Người làng ùa đến chật nhà, bảo nhau gom góp, làm ma cho bu nó. Sau này, khi Khánh đã ra làm việc, nhớ lại, ngẫm ra, mới thấy văn hoá và tình người là hai thứ bền bỉ đến kinh ngạc. Thời thế có lúc lên bổng xuống trầm, lòng người cũng vậy, nhưng, như tính của nước, sau bão giông bao giờ cũng trở lại phẳng lặng an hoà. Phật là Phật, hà tất phải dụng đến những thức hương phẩm này nọ.

*

Hai đứa, vẫn thế, lẽo đẽo theo nhau đi học trên trường huyện cho đến hết cấp 3. Thời gian trôi đi, những chuyện không ai muốn nhớ rồi cũng nhạt dần. Người làng, sắp thanh niên mới lớn cùng trạc tuổi, không thấy còn ai có ý xa lánh thằng Xứng nữa. Vào cấp ba, nửa ngày lao động kiếm công điểm, nửa ngày đi học, tối về mặt mũi bơ phờ, thế mà lạ, Xứng học ngày càng giỏi. Nhưng giỏi thì cũng chỉ để thầy khen cô ngợi, bạn học quý mến, để cuối năm học nhận cái mảnh giấy khen có dòng chữ “Đạt danh hiệu Dũng sỹ điểm 5 thắng Mỹ” in bằng mấy màu vàng đỏ đen nhí nhót vậy thôi.

Đầu học kỳ hai năm lớp mười, theo thủ tục ngày ấy, cả lớp làm hồ sơ lý lịch gửi ban tuyển sinh tỉnh để được xét vào đại học. Nghĩ đến Xứng, Khánh thấy lo quá chừng. Với cái thành phần gia đình như thế, giỏi lắm thì người ta cũng chỉ nhận vào trường công nhân kỹ thuật, còn không, suốt đời chỉ cầm vô lăng dây , hoài cả cái tài.

Thi cuối cấp xong, dù được dù không, cả lớp cùng buông sách vở, ngủ vùi xả hơi. Đầu tháng 8, Khánh nhận được cái giấy gọi nhập học của trường Đại học Khí tượng – Thuỷ văn. Xứng cũng có giấy gọi vào trường Sơ cấp Thú y, nhưng cái giấy của nó đã bị người trong chính quyền xã giữ lại. Chuyện này ở nông thôn vẫn xảy ra thế, người làng chẳng ai lấy làm lạ; chuyên chính í mà. Chính Xứng cũng không ngạc nhiên. Nhưng nó buồn ngác ngơ. Vui chuyện lắm mới thấy nó khẽ mỉm cười, nhưng cái cười vẫn chẳng che nổi nỗi tái tê tủi hờn của một đứa trẻ mới lớn.

Trước ngày khăn gói quả mướp đi tựu trường mới, Khánh buồn đến hụt hơi. Cô bảo Xứng: “Cậu em họ của chị ngoài tỉnh, gia đình cũng thuộc diện bị tịch thu tài sản, phải đi học tập cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, đã nhận được giấy triệu tập nhập học của trường Mỏ- Địa chất, vừa đi hôm qua”. “Thế hả chị? Thích quá nhỉ. Chắc có người nhà làm to lo cho?”. “Chẳng có người nhà nào sất. Nó tự làm đấy. Chị em mình ngu quá, nghĩ mãi không ra …”. “Thế anh ấy làm cách gì?”. “Khi làm lý lịch, nó vẫn ghi vào mục Thành phần gia đình là Tư sản, nhưng hai chữ Tư sản thì ghi cách dấu hai chấm sau chữ cụm chữ Thành phần gia đình chừng một nửa đốt ngón tay. Sau khi nhận được chứng thực và con dấu của Uỷ ban Hành chính Khu phố, về nhà, nó chỉ thêm một chữ Tiểu vào đúng cái khoảng trống nửa đốt ngón tay ấy thôi. Tiểu tư sản thì cũng cùng hạng với các thày cô giáo hay viên chức làm công ăn lương thôi. Giá kể chị em mình nghĩ ra cách gì đấy na ná như thế thì có phải hay không”. Xứng phì cười, nghiêng mặt, xua tay. Khánh tự ái: “Biết ngay mà. Em cho đấy là chuyện gian dối, mất đạo đức chứ gì?”. Nó thôi cười, nét mặt trở nên nghiêm trang: “Nếu anh ấy là người có khả năng học tập, thì đấy chỉ là việc không thể đừng, là thứ gian dối ngay thẳng chính đáng để giành lại cái quyền được học những điều hay lẽ phải. Trong ngần ấy năm học, chị thấy đấy, thày cô nào chả khinh ghét cái xấu xa hèn hạ, thày cô nào chả dạy chúng mình làm điều hay điều tốt; các thày còn bảo cho chúng mình biết nếu dùng hệ ròng rọc, khi muốn, một cô bé con cũng nâng bổng được một cái ôtô ... Còn em, thú thực, cũng đã bổ sung hai chữ kháng chiến sau chữ Địa chủ trong lý lịch. Chị xem, em vẫn có giấy triệu tập của trường Sơ cấp Thú y đấy thôi, nhưng ở nông thôn, bưu điện đưa thơ từ về phải qua xã, mà con người ta thì … nhớ lâu với lại kiên định lắm. Còn ngoài tỉnh, bưu điện lại chuyển trực tiếp về số nhà mình ở. Thôi, nghĩ làm gì, đằng nào cũng vậy, chỉ mong đến đời sau, người ta nhạt quên được những cái thành phần giai cấp ấy đi thì may cho lũ trẻ quá. Mà không biết ông nảo bà nào đã ngồi nghĩ ra mấy cái chữ tội nợ đó để chia con người ta thành quá nhiều hạng thế nhỉ? Nghĩ mà kinh. Học tập là việc đưa vào đầu mình những điều tốt đẹp, người xấu bớt xấu, người tốt tốt hơn, là lao động cật lực để hiểu được điều hay lẽ phải, chứ đâu phải đi nhận phần chia xôi thịt ngoài đình ... chị nhỉ”. Khánh cười: “Nhưng đây là học bằng tiền nhà nước nuôi”. Xứng nghiêng đầu, cười buồn: “Ô hay, tiền nhà nước thì cũng từ dân đóng góp mà có chứ ở đâu ra. Nhà nước được dân cho quản lý thứ tiền đó, muốn nuôi học ai thì nuôi, còn những người không được nuôi thì cứ để người ta được ngồi nghe giảng. Cùng một bài học, thêm người nghe sẽ đỡ lãng phí cái công giảng giải của thày đi. Những người không được nuôi học sẽ vừa học vừa làm để có tiền đóng học phí và tự nuôi thân. Vất vả thì đã đành, nhưng họ lại được học tập. Nhà nước đâu phải bỏ tiền công quỹ nuôi họ học mà, ngược lại, còn được thu học phí, thêm vào cho công quỹ, rồi lại được thêm những người dân hiểu biết để xây dựng đất nước cho chóng giàu mạnh”.

*

Học gần hết học kỳ một, Khánh nhận được thư nhà. Qua thư, thày Khánh báo tin Xứng vừa đi bộ đội, đang đóng quân ở Thanh Hoá để huấn luyện trước khi đi B. Hồi ấy, ở những vùng nông thôn miền Bắc, trai trẻ đã trở nên hiếm hoi, dân chúng gọi họ là mỳ chính cánh. Trong xã hội, đám thanh niên chậm tiến thường truyền miệng mấy câu nhảm nhí: Hà chuồn, Nam lủi, Thái bình bay / Hà Tây anh dũng trốn giữa ban ngày / Thanh hoá mất mùa xin ở lại … Thế mà việc tình nguyện vào bộ đội xông pha nơi trận mạc hiểm nguy của nó xem ra cũng chả xuôn xẻ gì. Người ta bảo chính sách nghĩa vụ quân sự không lấy đối tượng con một như nó. Đợt tuyển quân tiếp sau, người ta vẫn không cho nó vào khám sức khoẻ. Nó lên uỷ ban hành chính xã, gặp chủ tịch và xã đội trưởng, kiên nhẫn đấu lý với họ về quyền lợi và nghĩa vụ của thanh niên. Dằng dai mãi, đấu không lại, mệt, chịu không nổi, họ bảo: vậy thì cậu phải có đơn tình nguyện. Tưởng thế là rảnh, họ nghĩ nó có về nhà loay hoay viết cho xong cái đơn, ba chân bốn cẳng đem được đến thì buổi khám cũng đã kết thúc, ai dè, nó chìa ngay cái Đơn tình nguyện ra. Bị đặt vào tình thế “Lãnh đạo không nói chơi”, mấy vị đành phải đồng ý. Thì ra thằng ông mãnh đã viết cái đơn ấy từ bao giờ, thủ sẵn trong người.

Hôm Xứng lên đường, bu Khánh mua cho nó cái áo sợi dệt kim Đông xuân màu xanh sẫm có phéc mơ tuya đóng mở ở cổ và ngực, nắm cho nó một nắm xôi gấc rõ to, còn thày Khánh đặt vào tay nó cái ácmônica ông đã dùng từ hồi chiến dịch Cao - Bắc - Lạng mà bấy lâu nay vẫn khư khư cất giữ như của gia bảo. Từ nơi giao quân, trên đường về, bu Khánh lẽo đẽo sau lưng thày, đôi mắt đỏ hoe, vừa đi vừa tụng mãi một câu: “Khổ thân thằng bé …”. Cái nết chẳng thể nào sửa được, Khánh cũng khóc, nước mắt làm nhoè cả một góc lá thư.

Từ khi Xứng theo quân vào Nam, xóm giềng vẫn nhớ ngày giỗ của thày bu nó. Chẳng có gì nhiều, bát cơm với quả trứng luộc, chén nước mưa với mấy nén hương cũng đủ làm ấm lòng người đi xa, yên lòng người ở lại.

Kỳ sau: Gặp lại người thân