Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CÔ ĐÀO CẦN VỚI DƯƠNG KHUÊ VÀ GIAI THOẠI

Phạm Ngọc Khảnh
Thứ hai ngày 13 tháng 3 năm 2017 3:32 PM


Ghi chép

Kết quả hình ảnh cho Cụ Dương Khuê



Tiến sỹ Dương Khuê người có công đưa thể loại hát nói và nghệ thuật ca trù đạt đến trình độ mẫu mực. Nhưng lại chính tác phẩm: “Hồng Hồng Tuyết Tuyết” ấy mà Dương Khuê đã mang tiếng xấu là những người ăn chơi hưởng lạc nhất trong số văn nhân tài tử cùng thời.
Có người minh oan cho ông với cái lý nhân vật Hồng Hồng Tuyết Tuyết là không có thật chỉ vì thất vọng về thời cuộc, Dương Khuê phải gửi vào sáng tác những phản ứng kín đáo đối với hành động nhu nhược của triều đình biện hộ cho thái độ thoát ly của mình mà thôi.


Tôi lại thấy tác phẩm Hồng Hồng Tuyết Tuyết là một thành công đóng góp không nhỏ vào giá trị thành quả của ca trù có hồn vía và chất nghệ thuật cao siêu. Nói như Nguyễn Bính n mọi sáng tác thường xuất phát từ sự việc, hoàn cảnh và nhân vật thực qua cái tài của người nghệ sỹ nâng lên thành tác phẩm. Vậy nếu không có cô Hồng cô Tuyết nào đó thì sau cái bóng những người ấy là ai? “Bà thứ tư húy là Cần sinh đứa con trai là Dương Tự Nhu”(Phả ký nhà họ Dương ở Vân Đình - Hà Đông). Trong hàng loạt tác phẩm văn thơ của ông, Dương Khuê có hẳn một bài: “Tặng Cô đầu Cần” thống thiết. Qua tác phẩm này làm ta suy nghĩ , trước nhất về cuộc tình sâu nặng giữa Dương Khuê và Đào Cần. Họ lấy nhau, mặc dù không ở được với nhau, Dương Khuê vẫn công nhận đứa con ấy là của chính mình. Khi chia tay Đào Cần không được đem con đi mà phải để lại trong nhà cho người cô ruột chăm bẵm, dạy dỗ học hành đỗ Cử nhân khoa Canh Tý(1900) sau được bổ làm quan Tri Phủ Vĩnh Tường (Sau ông phủ Vĩnh Tường Phạm Viết Ngạn - Hồ Xuân Hương mà nhiều người đã biết) cuộc chia tay ấy đã hé lộ vào thơ; có câu “Tiễn ai chi liễu Giang đình” (Thơ “Gửi cô Đầu Cần” của Dương Khuê), hiểu là bờ liễu ngôi đình bên sông. Khi chia tay có kỷ vật “Bức hồng cần” – khăn hồng, là lời “Cựu Minh” - lời thề sâu đậm theo cùng. Đến câu “Quân khứ tình chử nguyệt/ Khách quy tần vọng Nhĩ hà vân” thì đã rõ họ chia tay người đi để lại mối tình dưới trăng (Dương Khuê còn chú thêm ở bến sông Tô Lịch); khách về thường trông mây sông Nhĩ Hà mà ngậm ngùi xa xót. Cũng qua bài thơ chắt lọc này có câu “Chiêm bao lẩn khuất quế đình”, ông chú thích: …Làn thu quế ở huyện Bất Bạt – Hà Nội quê Cô Đào Cần. Bài thơ gói ghém bao tâm sự, qua đó sáng tỏ nhiều điều để ta cùng chia sẻ với kẻ ở người đi.Kết quả hình ảnh cho DƯƠNG THIỆU TƯỚC

Sau rồi Đào Cần trên bước đường gió bụi… bà đã gặp được một người để kết tóc xe tơ ấy là ông Trần Cơ Nguyễn Đại Bẩy quê xưa thuộc vùng đất Đông Đồ bên bờ sông Thiếp, Vân Trì nay là xã Nam Hồng, Đông Anh, Hà Nội ăn ở với nhau họ sinh được ba người con trai Nguyễn Văn The, Nguyễn Văn Tráng và Nguyễn Văn Đô. Tuy tạm an bề gia thất nhưng trong lòng bà thì vẫn chôn chặt mối tình xưa nhất là nhớ thương đứa con trai còn trứng nước. Một hôm bà được tin có ông Phủ Vĩnh Tường tên là Dương Tự Nhu không biết có phải con mình? Bà thu xếp mạnh dạn lần đến cổng phủ ngồi hát, hát mãi lính lệ ra xua mấy bà cũng không đi, bà nói quan ra đuổi tôi mới đi, lính vào bẩm quan sự tình, quan và bà cô ruột năm nào ra tận cổng xem sao. Nhưng bà cô ngay lập tức đã nhận ra bà một mực nói đây chính là người đẻ ra quan rồi. Khi ấy quan mời bà vào phủ đường mừng mừng tủi tủi dãi bầy những ngày tháng trôi dạt lênh đênh. Sau một hồi hàn huyên tâm sự quan mời mẹ ở lại. Bà nói mẹ đã có gia đình rồi, một mực đòi đi. Đành lòng chia tay mẫu tử, cũng từ đấy đều đặn tuần tuần tháng tháng quan lúc ngựa khi xe về Đông Đồ thăm và phụng dưỡng mẹ rất chu đáo, để bù lại phần nào những mất mát năm xưa. Tiếng lành đồn xa, Triều Đình biết tiếng có người con hiếu thảo, ông đã được vua Tự Đức ban tặng bốn chữ vàng “Nhị thập ngũ hiếu” là người thứ hai lăm trong nước có hiếu với cha mẹ.
Khi bà qua đời nghe nói đám tang đích thị có quan phủ về, cùng gia đình tổ chức rất long trọng. Từ nhà ra mộ chưa đầy một cây số mà đưa đám kèn trống mất đẫy nửa ngày trời. Thi thể bà đặt trong quan ngoài quách gỗ quí vàng tâm, có lá trầu quả cau bằng vàng chôn tiễn. Huyệt mộ đào sâu hai chiếc chạc, tới năm bẩy mét; mộ phần ấy yên vị đến giờ, ở phía đông nam thôn Đoài nhìn chếch về phía sông Thiếp, Vân Trì Hà Nội chừng non cây số.
Dưới đây yên nghỉ một người/ Bể trần chìm nổi số trời đa đoan (Vic-to Huy-go). Ngôi mộ ấy lúc đầu tấm bia đề: “ Đào Thị Hồng Ngần, mất ngày 28 tháng Chạp”. Sau con cháu dòng thứ từ Hải Phòng về tu sửa lại phần mộ không để nội dung bia như cũ mà đề là: “ Trần Thị Cần, ngày giỗ 6 tháng Giêng”. Giằng co mãi đành gắn bia mới đè lên bia cũ như hiện nay. vậy là cái tên húy của bà là đâu cũng lu mờ, lộn xôn…Thương thay!


Hiện nay dòng họ Nguyễn ở Đông Đồ, hậu duệ đời 5 đang thờ tự cụ Đào cần; do cụ Đại Bẩy hoạt động phong trào Cần Vương không còn tăm tích nên con cháu lấy ngày 28 tháng Chạp, ngày mất của cụ Đào Cần làm ngày giỗ tổ. Người cháu hậu duệ là ông Nguyễn Hạ gánh vác công việc hương khói đèn nhang.
Không biết địa danh Vân Trì có dính dáng duyên nợ gì với Dương Khuê người tận Vân Đình Hà Tây mà lấy hiệu Vân Trì và tác phẩm nổi tiếng của ông là Vân Trì thi lục thế không? Bây giờ người tình nặng nghĩa sâu ấy cũng nằm ở gần bờ sông Thiếp! Ta yêu quí Dương Khuê không chỉ ở tài học vấn mà còn nhớ một bậc quan trường có dũng khí dám kháng lại triều đình Tự Đức, đứng về phe chủ chiến để phải chịu lời phê “Bất thức thời vụ” và lĩnh án giáng chức quan trường.
Còn nếu có ai đó bênh vực Dương Khuê chỉ vì nhân vật Hồng Hồng Tuyết Tuyết mà mang tiếng oan, thì cũng không hẳn như vậy vì Dương Khuê là người “Năm thê bảy thiếp” đến thế cơ mà. Cũng không trách được, như lời một nữ thi sĩ Pháp Đơ-nơ-ai-ơ nói các nhà thơ là những người trót mang nặng “Trái tim vô số” như một căn bệnh mất rồi.

Cô Đào Cần - Suốt đời với nghiệp cầm ca:
Tuy Đào Cần “ở” với Dương Khuê không nhiều, nhưng đầy kỉ niệm và ý nghĩa bởi chính những năm tháng ấy bà đã cùng Dương Khuê góp phần nâng cao để lại cho đời thành quả: Điệu ca trù- di sản văn hóa phi vật thể đặc biệt của nhân loại.
Đoạn đời tiếp theo, sau khi chia tay với Dương Khuê còn nhiều điều muốn nói. Phần “Cô Đào Cần với Dương Khuê và giai thoại” nêu trên tôi đã cung cấp một phần, nhưng vẫn chưa yên. Việc tiếp tục làm rõ những điều có liên quan đến một nhân vật như Đào Cần là cần thiết.
Hôm rồi tôi lại tìm về “chốn cũ”, nơi những năm tháng cuối đời Đào Cần từng sinh sống.
Ngay cái tên vì sao trên mộ lại có sự gắn bia kép trái chiều như vậy. Khi Đào Cần về ở với ông Đại Bảy, cả nhà vẫn gọi tên bà là Cần, và rất tôn trọng đến nỗi trong nhà không ai được gọi rau cần là rau cần mà phải đổi thành “rau ao” sợ động đến tên húy của bà. Ngay đến Dương khuê cũng có bài viết đề “Tặng cô đầu Cần” cơ mà. Có lẽ mãi vào những giờ phút lâm chung bà mới gọi người con đầu dứt ruột: Dương Tự Nhu vào trăng trối tên cúng cơm của mình là Đào Thị Hồng Ngần, Để ngay sau đó khắc vào bia đá; và ngày giỗ thì đúng là 28 tháng Chạp rồi. Vì vậy tới nay những người thờ cúng bà vẫn còn ấm ức lắm. Việc lí giải cho cặn kẽ chắc vẫn phải chờ hạ hồi phân giải.

Đặc biệt ở Đông Đồ dân làng gọi ngôi mộ của bà là “Mộ tế bần” để ghi nhớ công ơn Đào Cần thời trẻ về đây đã truyền nghề canh cửi giúp nhiều người có cuộc sống bình an qua cơn hoạn nạn. Khi xây dựng nông thôn, con đường làng chạy qua đã dịch lên để chừa một lạch nước không lấn vào phần mộ, các mộ khác di rời, riêng mộ Đào Cần thì vẫn giữ nguyên, thể hiện sự đặc ân tôn trọng làng nước dành cho bà. Mộ lúc đầu có thành bao, bốn góc bốn trụ cao, trên ngọn mỗi trụ kết hình bông hoa dùng dành trắng-loài hoa đẹp, dân dã, hồn quê! Sau có người đã quá tay hạ trụ, nghe đâu người ấy đã vấp phải sự chẳng lành…
Trên bước đường long đong vì sao, trong trường hợp nào và ở đâu Đào Cần đã gặp ông Đại Bảy thì còn phải tiếp túc tìm tòi. Chỉ biết rằng Dương Khuê làm quan triều vua Tự Đức tới hàm Thượng Thư trong kinh thành Huế. Cuộc đời sự nghiệp lên thác xuống ghềnh có thời Đốc học Nam Định, rồi Tuần Phủ Nam Định, Ninh Bình. Còn những ngày ở đất Thăng Long chắc chỉ là nơi đàn hát giao du nên mới có buổi chia tay với Đào Cần ở chốn “Liễu Giàng đình”- sông Tô và nhìn mây Nhĩ Hà nhớ người tình cũ ấy. Từ Thăng Long- kẻ chợ đến nhà quê Đông Đồ nơi bà Cần gắn bó tử sinh, chỉ cách nhau đò giang hơn chục dặm đường…Chắc chẳng bao giờ còn có dịp họ gặp lại nhau được nữa.
Ngày xưa trên mảnh đất 2 sào 12 thước thổ cư ở thôn Đoài, chia ra hai sào phía Tây có ngôi nhà 3 gian 2 chái. Tất cả thời gian nay đã thay hình đổi dạng. Đặc biệt 12 thước đất liền kề phía đông, khi ông Đại Bảy lấy bà Đào Cần, ông bà đã cho xây 3 gian điện thờ có cây đèn, bát nhang, ngai ỷ, đại tự, câu đối vàng then rưng rức. Lối dâng hương nến xây bậc tam cấp. nhà điện hẹp lòng ngoài chỗ thờ tự, phía trước chỉ còn đủ trải tấm chiếu hoa, mỗi khi có bạn bè tụ tập về hát xướng phải trải chiếu ra thềm, ra sân dưới cây xấu đại thụ tán trùm rợp bóng. Ngoài vườn cây lựu đỏ hoa, vũng ao nông cá cảnh, cá cờ…
Trong nhà theo lời các cụ dặn là đất “đãi ngoại” con cháu muốn làm ăn phát đạt phải ra ngoài lập nghiệp sinh cơ. Do vậy toàn bộ khu thổ cư để lại cho người con trai út quản lí, khi ông Đại Bảy đi hoạt động xa nhà, bà Cần ở lại với người con ấy. Mãi đến cuối thập kỉ 70 thế kỉ XX các cụ qua đời cả. ngôi điện mới đập phá đi. Là nơi đất thiêng thờ tự có tiếng nên ai cũng “sợ”, đã già nửa thế kỉ mà nền đất vẫn bỏ hoang không ai dám ở, nay xây bao kín chỉ còn dấu tích bức tường nhà cũ long lở, nền thềm gạch trơ trọi, cây xấu già cũng hạ chặt từ lâu.
Đồ thờ bát nhang, ngai ỷ người nhà chuyển sang mãi Tằng Mi cho nhà cụ Doanh góp chung vào điện. nghe nói- có lẽ cũng là linh cảm mộng mỵ, có đêm trên bàn thờ nghe tiếng “cạch”, sáng ra cỗ ỷ đổ nghiêng long gẫy. Thấy vậy gia đình sợ quá bảo nhau chở xuống thả về song Thiếp Vân Trì mới yên…
Cuối đời bà Cần cũng vất vả lọm cọm lắm! bấm theo tuổi những người già kể lại thì Đào Cần mất vào quãng sau năm 1940-đến trước Cách mạng tháng 8.
Về quê quán của Đào Cần ngoài một chút hé lộ từ ghi chú bài thơ của Dương Khuê, thực hư về làng xã thế nào còn tịt mù tăm tích.

Ngày còn non trẻ Đào Cần “lọt” được vào chốn cửa quan hát xướng chắc phải là người tài sắc vẹn toàn. Chả vậy bà đi đã lâu rồi mà bây giờ về người già cả ở thôn Đoài vẫn bảo “bà ấy đẹp và hát hay lắm!”. Tài thì đã rõ, giọng điệu ấy bây giờ có chăng nghệ sĩ nhân dân Quách Thị Hồ mới sánh kịp…Còn nhan sắc thì sao? Chỉ tiếc bà không để lại một di ảnh nào cho hậu thế! Thử qua hình ảnh người cháu nội của bà-nhạc sĩ Dương Thiệu Tước tuấn tú, anh hoa đây, may ra phần nào giúp ta mường tượng dung nhan, sắc thái để lại chăng
Về tình cảm Dương Thiệu Tước chắc phải nặng lòng lắm với ông bà nội của mình mới tái hiện được tình cảm ngày xưa - “có ai nhớ ai thương Giang đầu” trong “Đêm tàn bến Ngự” sông Hương hay đến vậy!
Về tình cảm Dương Thiệu Tước chắc phải nặng lòng lắm với ông bà nội của mình: Dương Khuê và Đào Cần ca sỹ, mới tái hiện được tình cảm ngày xưa - “ Có ai nhớ ai thương Giang đầu có ai nhớ ai thương” trong “ Đêm tàn bến Ngự”, tác phẩm nổi tiếng sánh với những tình khúc thế kỷ “Giọt mưa thu” của Đặng Thế Phong, “Thiên Thai” của Văn Cao...

Công lớn của Dương Khuê - Đào Cần đã góp cho loài người nghệ thuật Ca trù - công trình văn hóa bất hủ của nhân loại và sinh hạ cho dân tộc Việt Nam một thế hệ trâm anh.

Tôi viết bài này cũng chỉ mong nhặt nhạn một vài tư liệu để may ra cùng lớp hậu duệ họ Dương, họ Đào và những ai có chút tình với các bậc tiên sinh đặng bồi đắp thêm làm phong phú tâm hồn của đất Việt mà thôi.

Giờ đây dạo gót Vân Trì - Đầm nước mây bay trong chiều xuân bóng ngả. Cảnh tình ấy, người đây mà “ Ngổn ngang trăm mối”....