Trang chủ » Tin văn và...

LUẬT VỀ HÔI “KHÔNG ĐÁP ỨNG ĐƯỢC YÊU CẦU ỔN ĐỊNH XÃ HỘI VÀ QUYỀN DÂN CHỦ CỦA NHÂN DÂN”, “VI PHẠM LUẬT BAN HÀNH VĂN BẢN PHÁP LUẬT”

Theo vanvn.net
Thứ tư ngày 26 tháng 10 năm 2016 8:44 AM



DỰ THẢO “LUẬT VỀ HỘI” ĐƯỢC ĐƯA RA TẠI QUỐC HỘI KỲ NÀY:
“KHÔNG ĐÁP ỨNG ĐƯỢC YÊU CẦU ỔN ĐỊNH XÃ HỘI VÀ QUYỀN DÂN CHỦ CỦA NHÂN DÂN”, “VI PHẠM LUẬT BAN HÀNH VĂN BẢN PHÁP LUẬT”

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam


Đó là một trong những quan điểm của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đưa ra trong công văn báo cáo số 375/CV-LH ngày 24/10/2016 của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam gửi đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam; các Chủ tịch, Phó chủ tịch Quốc hội và các UVBCT. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ đưa “Luật về hội” ra để các đại biểu Quốc hội thảo luận và thông qua.

Công văn 375/CV –LH nêu rõ: Sáng 24/10/2016, Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam do nhà thơ Hữu Thỉnh, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp Hội đã có buổi làm việc với “Câu lạc bộ cựu đại biểu Quốc hội” do đồng chí Vũ Mão (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng QH) phụ trách với sự tham gia của các cựu đại biểu Quốc hội như: Vũ Đức Khiển (nguyên Phó chủ tịch QH), Nguyễn Lân Dũng, Bùi Ngọc Thanh (nguyên Chủ nhiệm Văn phòng QH), Lê Như Tiến (Phó chủ nhiệm Ủy ban văn hóa xã hội của QH), trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Trần Thế Vượng (nguyên Phó chủ nhiệm UB Luật pháp của QH), các cựu đại biểu QH Chu Thúy Quỳnh, Đỗ Hồng Quân, Hữu Thỉnh…

Với tinh thần trách nhiệm cao đối với Đảng và Nhà nước, Quốc hội, các đại biểu tham gia Hội nghị nói trên đã nghiên cứu, thảo luận kỹ bản dự thảo “Luật về Hội” và báo cáo giải trình dự thảo “Luật về Hội” do Ủy ban Thường vụ QH trình. Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, xác đáng cho bản dự thảo “Luật về Hội”. Trong đó, một số đại biểu cho rằng dự thảo “Luật về Hội” đã không thể hiện được tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, văn học, nghệ thuật. Căn cứ vào các Nghị quyết của Đảng về văn hóa, văn học, nghệ thuật đều coi các Hội VHNT từ trung ương tới địa phương là các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp do Đảng lãnh đạo; Căn cứ vào tình hình hình chính trị, kinh tế, an ninh, xã hội của nước ta hiện nay và ý kiến bức xúc của đông đảo văn nghệ sĩ; Căn cứ vào quá trình phát triển của các Hội VHNT Việt Nam trong hơn 70 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng đã góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Các đại biểu tại buổi họp sáng 24/10/2016 đều thống nhất cho rằng: Dự thảo “Luật về Hội” chưa thể thông qua trong kỳ họp Quốc hội lần này với các lý do sau:

-Một là: Không đáp ứng được yêu cầu ổn định xã hội và quyền dân chủ của nhân dân. Mỗi Hội ra đời với chức năng, nhiệm vụ của mình được luật pháp cho phép đều nhằm góp phần ổn định xã hội, thực hiện những nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước giao cho góp phần thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ và văn minh” nhưng mục đích, ý nghĩa của bản dự thảo “Luật về Hội” đã không đạt được mục đích đó.

-Hai là: Vi phạm luật ban hành văn bản pháp luật. Các đối tượng trong phạm vi điều chỉnh không được hỏi ý kiến; mặt khác, luật sau luật lại luật hóa cái khác của luật trước, gây rối loạn và mâu thuẫn. Đáng lẽ ra phải làm luật khung rồi mới làm luật cụ thể nhưng đây lại làm ngược lại, không thể chấp nhận được. “Luật về Hội” lẽ ra cần ra đời sớm để định hướng, làm khung cho các luật khác nhưng sự có mặt của một số luật đã được Quốc hội các khóa trước thông qua, dẫn đến sự chồng chéo, mâu thuẫn, không phù hợp.

- Ba là: Kỹ thuật văn bản còn nhiều chỗ mâu thuẫn, thiếu chuẩn xác, không phù hợp với tình hình hiện nay.

-Bốn là: Can thiệp quá sâu vào điều lệ của Hội, gây rối loạn, không phù hợp.

-Năm là: Nhận thức của những thành viên tham gia soạn thảo dự thảo “Luật về Hội” chưa có thông tin đầy đủ, chưa hiểu biết cặn kẽ về chức năng, nhiệm vụ cũng như quá trình hình thành và phát triển của các hội, trong đó có Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam gắn với các giá trị văn hóa, truyền thống và lịch sử đất nước.

Trên đây là những kiến nghị tại công văn 375/CV-LH ngày 24/10/2016 của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam gửi tới các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội để có tiếng nói với kỳ họp Quốc hội lần này.

VANVN.NET