Trang chủ » Tin văn và...

NGÀY 10-7 HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM RA MẮT TẬP SÁCH ‘HOÀNG HỮU - TÁC PHẨM”

Phạm Tiến Duật - Trịnh Thanh Sơn
Thứ năm ngày 7 tháng 7 năm 2016 9:21 PM





 

VanVN.Net- Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam trân trọng kính mời các nhà thơ, nhà văn, bạn bè, độc giả văn chương và thân hữu tới dự lễ ra mắt tập sách Hoàng Hữu- Tác phẩm nhân kỷ niệm 70 năm sinh và 35 năm mất của nhà thơ, họa sĩ Hoàng Hữu (1945-1981).

Thời gian 9 h ngày 10-7-2016, địa điểm: Hội trường Hội Nhà văn VN số 9 Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ban tổ chức hân hạnh đón tiếp. Vanvn.net trân trọng giới thiệu bài viết của 2 cố nhà thơ Phạm Tiến Duật và Trịnh Thanh Sơn về cố nhà thơ, họa sĩ Hoàng Hữu in trong tập sách Hoàng Hữu-Tác phẩm.

VẦNG TRĂNG KHÔNG BỎ QUÊN

Phạm Tiến Duật (1941-2007)

Đọc tập thơ Hai nửa vầng trăng của Hoàng Hữu – Nxb Văn học, 1991

«Phần di cảo thơ (Hoàng Hữu) còn tập hợp được trên một trăm bài, trong đó có tập Khói ấm sau cây (43 bài) do Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Phú xuất bản 1984. Nhân mười năm ngày Hoàng Hữu vĩnh biệt bạn bè, chúng tôi chọn 36 bài để kỷ niệm 36 tuổi đời anh… » Chữ chúng tôi trong lời cuối sách mà tôi vừa trích là các nhà văn Nguyễn Hà, Nguyễn Bùi Vợi và Đăng Bẩy; có sự cộng tác của Vũ Đình Minh, Bằng Việt và Băng Sơn. Người viết lời giới thiệu và biên tập sách là nhà thơ Vũ Quần Phương. Tôi muốn ghi cả tên người sửa bản in là chị Thúy Mai. Tôi cảm động và trân trọng đọc tên một cơ quan tình nghĩa đã tài trợ cho tập sách là Liên hiệp các xí nghiệp Cà phê Việt Nam. Tất cả đều là tự nguyện. Tất cả đều là bạn bè yêu mến Hoàng Hữu và nghệ thuật Hoàng Hữu. Vào cái thời kinh tế thị trường này in thơ chẳng dễ. Các nhà thơ phải tự bỏ tiền ra in thơ. Hoàng Hữu đã mất sau nhiều năm đau ốm. Vợ nghèo, con dại không đủ sinh nhai trên đất quê hương, phải vào kiếm sống mãi trong Nam (Vũng Tàu). Hoàng Hữu lại không phải là người được liệt vào hạng phải ưu tiên, chiếu cố; quá khứ của anh ngắn ngủi và đơn giản, không có những tình tiết đặc biệt để cho ai đó cần tựa vào. Trọng vì đức, mến vì tài mà bạn bè gần xa xúm lại tần tảo. Các anh tự chạy vạy để tìm nguồn tài chính nhỏ nhoi, tự vẽ lấy bìa sách, tự lần mò sưu tầm di cảo… Chỉ riêng một điều này đã đủ để nâng tập sách bằng hai tay; một cuốn sách quý hiếm giữa cái biển sách khá hỗn tạp bây giờ.

Cách đây gần mười năm Hữu Thỉnh và tôi là hai nhà thơ lớp chống Mỹ được vinh dự mời tham gia Ban Chung khảo cuộc thi thơ của Tuần báo Văn nghệ. Khi bàn đến bài thơ Hai nửa vầng trăng của Hoàng Hữu, chánh chủ khảo Xuân Diệu muốn xếp Hoàng Hữu giải Nhất. Nhưng vì nể Ban Biên tập của tờ báo khi ấy, sợ rằng trao giải nhất cho một bài thơ buồn thì rất bất tiện, Xuân Diệu buộc phải nhượng bộ, hạ xuống giải Nhì. Xuân Diệu nói: «Đã có nhiều việc vô nguyên tắc, thôi thì thêm một việc vô nguyên tắc nữa. Tôi đồng ý». Sau mười năm, có một vài bài thơ giải Nhất hồi đó người ta quên, nhưng bài thơ giải Nhì Hai nửa vầng trăng thì thêm nhiều bạn đọc. Chỉ một bài thơ ấy Hoàng Hữu đã xứng đáng là một nhà thơ. Nhưng anh đâu chỉ có một bài thơ ấy.

Tôi đọc đi đọc lại 36 bài thơ trong tập mới, cố gắng gạt đi những tình cảm riêng tư của tôi và của bạn bè qua màu khói của 36 nén hương đang cháy kia để gặp lại thơ anh. Dường như câu nói của Lê-ô-na đờ Vanh-xi thủa xưa rất đúng với thơ Hoàng Hữu : «họa là thơ trông thấy, thơ là họa cảm thấy». Bởi vì anh là họa sỹ nên không lạ gì khi thấy anh tài hoa trong việc phác họa bằng chữ những bức phong cảnh màu xanh đen, màu thoáng trắng mờ nhòa sương khói trên tấm lụa phẳng của tâm hồn anh. Bởi vì thể chất anh nhỏ nhẹ, dịu dàng, giàu lòng quyến luyến với bạn bè nên dễ nhận thấy thơ anh mang những phẩm chất ấy. Ánh sáng trong thơ Hoàng Hữu không phải là ánh sáng gay gắt: Hương thầm thì mờ tỏ đêm sen; Thổi trắng chân đồi như khói pha; chiều xuống chạm ngọn cây thong thả; vườn thưa nắng rụng, sóng in đáy hồ… Cảm xúc trong các bài thơ anh dường như là cảm xúc lưỡng lự, trạng huống trong các bài thơ là các trạng huống mờ nhòe, dở dang: Dây leo nửa mái, Lúa cấy gần xanh, Chút buồn sâu kín mới phôi pha, Đường nghẽn thư nhà chửa thấy lên… Chủ thể và khách thể trong thơ Hoàng Hữu như đều đặt trong trạng thái tĩnh. Hàng loạt bài viết dưới dạng khiêm tốn là chép cảnh: Mỉm cười trên giấy điệp, Quê đồi trong ký họa, Ký họa sông Đà, Thơ đề tranh cá, Chiều hoa lau, Chiều trên bến Hạc, Đêm chót mũi Cà Mau…

Tất cả những điều ấy chỉ đúng với dáng vẻ bề ngoài thơ anh thôi. Hình như thế. Đằng sau cái bề ngoài mảnh dẻ, yếu đuối là một cái gì thầm lặng nhưng mạnh mẽ vô cùng, sôi sục mà không lên tiếng vang, thiêu đốt mà không bùng lên lửa ngọn, trằn trọc mà không gây va chạm, là từ trường bao quát, chi phối thơ anh.

Suốt một tháng ròng cơm ruốc mắm

Ruột như muối xót, cải đang tơ

Chẳng ai nỡ hái, chung nhau ngắm

Một chút làng xanh giữa đảo mờ

(Làng Đảo)

Người ta chỉ nói ngắm hoa thôi, chứ ai nói ngắm rau. Chỉ vì không nỡ hái, không nỡ ăn cái màu xanh quý hiếm ấy. Chữ xanh và chữ mờ ở dòng thứ tư đã nói ngọn cải kia đâu chỉ là rau. Hoàng Hữu chỉ họa ba chữ chung nhau ngắm đã làm cho mấy ngọn cải đang tơ thành một thoáng tượng trưng cho tình người đầy quý hóa, thật đáng trân trọng, nâng giấc. Cái thầm lặng mạnh mẽ ở đằng sau bài thơ đã tạo nên cái tinh tế ấy. Và nếu không có điều đó thì sao anh lại có thể nghe thấy tiếng cỏ, nghe thấy tiếng người trong những dòng thơ phong cảnh :

Nào thấy bò đi đã mõ khua

Âm âm núi vọng tưởng ai đùa

Bê con gọi mẹ quanh sườn dốc

Bụi quẩn sau chân đỏ gió lùa

Câu thơ không hề nói gì đến khung cảnh người viết mà ta như đang nhìn thấy nụ cười đôn hậu của tác giả.

Trước khi Hoàng Hữu vĩnh biệt chúng ta một tháng anh còn viết bài Khói ấm (11-1981). Cũng như bài Hai nửa vầng trăng (8-1981), bài thơ này cũng đượm một không khí biệt ly. Có lẽ anh cũng biết anh chẳng còn ở lại được bao lâu nữa.

Mai em xa anh thức với màu xanh

Hàng ca-du khuất mờ, gió loàng lên ngọn khói

Ước gì nơi cuối trời

Em giữ được trên tay, anh sẽ gửi

Màu khói ấm qua mưa dầm tháng bảy…

Ở bài Hai nửa vầng trăng, Hoàng Hữu đã tự nói về trái tim anh «Bến bờ anh tim dội sóng không cùng», bài Khói ấm cũng nói «Nhịp tim dạo giữa phập phồng lau cỏ». Thương ôi trái tim ấy đau mà trái tim ấy tha thiết biết nhường nào với bạn bè, với cuộc sống. Anh gửi khói ấm từ cuối trời này đến cuối trời kia cho người anh thương quý. Để rồi đến lượt những người anh thương quý, nhìn một thoáng tơ trời, một sợi khói xanh hàng ngày có nhớ tới anh không?

Tên anh như nửa trăng mờ tỏ

Ai bỏ quên lặng lẽ sáng bên trời

Cái cảnh anh vẽ ra đẹp đẽ rợn người nhưng cũng buồn bã và cô đơn quá. Biết làm sao được. Chỉ có điều thơ anh sâu sắc và tinh tế sẽ mãi mãi để lại ấn tượng tốt đẹp cho tất cả những ai một lần mở đọc thơ anh. Nửa trăng thơ Hoàng Hữu lặng lẽ sáng. Nhưng đấy là vầng trăng nhớ, vầng trăng không bỏ quên.

9-1991



NHỚ NHÀ THƠ HOÀNG HỮU

Trịnh Thanh Sơn (1948 - 2007)

Năm 1975, tôi đang công tác tại phòng văn hóa khu gang thép Thái Nguyên. Một buổi chiều mùa đông, nhà thơ Vũ Duy Thông dẫn theo một người bạn đến thăm tôi. Đó là một chàng trai chừng 30 tuổi, gầy, xanh và mong manh như chỉ cần thổi khẽ là bay mất. Vũ Duy Thông chỉ vào người ấy và nói:

- Cậu biết ai đây không? Hoàng Hữu đấy!

Tôi reo lên và xiết chặt tay anh, một bàn tay thon nhỏ và lỏng lẻo như tay con gái. Hoàng Hữu giữ chặt tay tôi, nói thì thầm:

- Mình nghe Thông kể nhiều về bạn, nay mới được gặp, mừng quá! Thông về Việt Trì, mình đòi đi theo lên đây, mãi hắn mới cho đi.

Anh cười hiền, nụ cười của người không biết làm điều ác. Vũ Duy Thông hất cằm về phía Hoàng Hữu nói thêm:

- Hắn đã trốn bệnh viện đấy. Phải mổ tim! Ôi trái tim đã nếm mùi dao mổ. Nadim Hitmet thật là tài.

Chiều ấy, chúng tôi đưa Hoàng Hữu ra thăm lò cao. Cứ đi bộ chừng 100 mét, chúng tôi phải dừng lại để cho Hoàng Hữu… thở! Mặt anh tái nhợt trong cái áo bông to sù sụ, thỉnh thoảng anh lại thúc thắc ho. Tôi nhìn anh vừa thương vừa ái ngại, chiều đông Thái Nguyên lại rét căm căm. Tôi bảo:

- Hay là ta về nhà nghỉ, mai đỡ lạnh hãy đi thăm nhà máy?

Hoàng Hữu lắc đầu, ra hiệu cứ đi và anh hăng hái vượt lên trước chúng tôi. Nhìn những người thợ cao đón nước gang ra lò, Hoàng Hữu thực sự sửng sốt và bị kích động. Lửa gang đỏ chói hắt sáng lên gương mặt anh hồng lựng. Anh cứ xuýt xoa luôn miệng: “Ghê quá, ghê quá! Cứ như họ nhẩy thẳng vào lửa vậy! Ghê quá, đúng là những thần Promete”!

Buổi tối, chúng tôi kéo nhau về chỗ ở của Vũ Duy Thông, có kéo theo Chu Hồng Hải. Ngày ấy, Hải còn trẻ lắm, vừa in xong cuốn sách thiếu nhi Cuộc phiêu lưu của mèo con và chó con ở NXB Kim Đồng. Hai mươi tuổi mà đã có sách in, thời ấy hiếm lắm, chúng tôi coi Hải như một thần đồng, Chu Hồng Hải tặng Hoàng Hữu một cuốn sách còn thơm mùi mực in. Hoàng Hữu cứ mân mê cuốn sách hồi lâu, rồi chợt nói:

- Khi nào sách được tái bản, cậu nhắn mình vẽ cho cái bìa! Được vẽ bìa cho bạn bè mình thích lắm! Cái anh họa sĩ vẽ bìa, nó giống như anh thợ may vậy, may được bộ quần áo đẹp cho bạn, vui lắm!

Vũ Duy Thông nuôi một bọng ong mật ngay ở vườn cơ quan. Mỗi lần vắt mật, anh đem mật ong về nhà cho bố mẹ già, còn ong non anh đem ngâm rượu uống rất ngon và bổ. Hoàng Hữu bệnh tim không dám uống rượu vậy mà cứ đòi thử xem sao. Vũ Duy Thông không cho Hoàng Hữu uống, Hoàng Hữu buồn lắm, giơ tay lên trời than:

- Trái tim ơi, mi hại ta rồi!

Tất cả chúng tôi cùng cười, chúng tôi đề nghị Hoàng Hữu đọc thơ, và anh đã đọc bài thơ vừa viết :

… Tam Đảo mờ xa ướt chân mây

Sỏi kêu buồn, chiếc xe đường ngoặt khúc

Con tàu gọi Hữu đi. Còi thét

Khúc sông Vàng cứ lở mãi không thôi

(Con đường cũ – bạn về đâu – 1975)

Những câu thơ linh ứng cho một định mệnh, nghe mà lạnh sống lưng. Tôi nghĩ vậy, nhưng ngồi lặng không nói gì, còn Chu Hồng Hải chồm lên :

- Ông viết cái gì, kinh bỏ mẹ! Cứ như là lời trăng trối vậy! Hoàng Hữu ơi, anh đọc thơ tình đi !

Hoàng Hữu trầm ngâm giây lát rồi đọc :

… Em khác xưa, nhưng em vẫn là em

Thêm gắng gỏi lặn sâu trong gương mặt

Cho anh đọc những gì không thể mất

Thơ một thời hoa phượng đã đi qua!

(Mùa hạ đi qua – 1975)

Đêm ấy chúng tôi nghe Hoàng Hữu đọc thơ cho đến khuya, Vũ Duy Thông mấy lần giục Hoàng Hữu đi ngủ, sợ anh mệt, nhưng Hoàng Hữu vẫn ngồi và đọc nữa. Sau này, nghĩa là chỉ sáu năm sau cái đêm thơ ấy, Hoàng Hữu mất. Vũ Duy Thông đã khóc và viết :

…Hoàng Hữu ơi!

Thế là hết nhung nhăng rồi nhé

Hết cãi vã lôi thôi

Hết giục nhau đi ngủ…

Cái chén màu anh đang pha dở

đã khô queo

bụi phủ lên rồi!...

nghe mà buốt cả ruột gan!

Mấy năm ấy, ngoài những cơn đau phải vào bệnh viện Việt Trì, Hoàng Hữu thường xuyên đi về Hà Nội, nhận công việc vẽ bìa cho các nhà xuất bản, nhiều nhất là cho NXB Văn học. Có lần gặp anh ở cổng NXB Văn học, anh chìa cho tôi xem hai cái bìa cho cuốn Kiều sắp in và bìa cho cuốn Khu trại trong thảo nguyên của Kataiep. Cả hai bìa đều rất đẹp, tôi khen anh và nói:

- Chúng tôi đang chuẩn bị in cuốn sách tuyển tập truyện ngắn khu Gang thép, dày 350 trang. Anh Xuân Cang nhờ anh vẽ cho cái bìa được không?

- Được quá chứ ! Bảo với anh Xuân Cang là mình nhận lời. Bao giờ thì lấy?

- Chừng nửa tháng nữa, được không?

- Được, cậu về Việt Trì chơi với mình rồi lấy bìa luôn!

Nửa tháng sau, tôi từ Thái Nguyên về Việt Trì tìm Hoàng Hữu. Đến hội Văn nghệ thì nhà thơ Vũ Đình Minh cho biết Hoàng Hữu đã vào viện một tuần rồi. Tôi cùng Vũ Đình Minh vội vã đạp xe vào viện thăm Hoàng Hữu. Anh đang nằm trên giường, trắng toát, trắng đến nỗi da xanh trong như một tờ pơluya. Nhìn thấy tôi, mắt anh sáng rực, định nhổm ngồi lên, nhưng tôi vội nói :

- Anh cứ nằm im. Đừng cựa quậy ! Bác sĩ cấm anh hoạt động cơ mà !

Hoàng Hữu nắm tay tôi nói rất khẽ :

- Mình vẽ xong cái bìa cho cậu rồi, đang để ở ngăn kéo bàn trong cơ quan, bảo Vũ Đình Minh lấy cho!

Tôi nắm chặt tay anh, bàn tay xanh gầy, lỏng lẻo và rất lạnh. Tự nhiên nước mắt ứa ra. Nhìn trên nền nhà, la liệt những sơn màu và những tấm biển gỗ nhỏ. Thì ra, ở bệnh viện nhưng Hoàng Hữu vẫn làm việc. Anh vẽ, kẻ lại tất cả các tấm biển của các khoa trong bệnh viện, những tấm đẹp đến nỗi cả bệnh viện như sáng bừng hẳn lên. Anh đùa:

- Mình được kết nạp vào làm nhân viên của bệnh viện rồi! Các anh chị ở đây tốt lắm, cậu yên tâm!

- Đêm ấy tôi ngồi lại bên anh trong bệnh viện. Anh đưa cho tôi bản thảo chùm thơ ba bài, anh dự định gửi thi cuộc thi thơ báo Văn nghệ (1981-1982). Trong chùm thơ đó có bài thơ Hai nửa vầng trăng mà tôi rất thích, đọc thuộc ngay từ ngày ấy :

… Ơi vầng trăng theo con nước đầy vơi

Trăng say đắm dào trên cỏ ướt

Trăng đầu tháng như đời anh chẳng thể nào khác được

Trăng cuối tháng như đời anh hao khuyết

Em đã khóc

Trăng từng giọt tan vào anh mặn chát

Em đã khóc

Nhưng làm sao tới được

Bến bờ anh tim dội sóng không cùng.

Nước mắt tôi nhòa đi trên những dòng thơ ấy !

Hoàng Hữu đã ra đi trước khi công bố bài Hai nửa vầng trăng đoạt giải Nhì cuộc thi thơ báo Văn nghệ. Chính nhà thơ Xuân Diệu đã đề nghị tặng giải cho bài thơ này. Bài thơ đã được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc, đã được đưa vào nhiều tuyển tập thơ, được nhiều nhà thơ và người yêu thơ bình luận. Và tôi tin Hai nửa vầng trăng sẽ còn sống mãi trong lòng bạn đọc.

Hoàng Hữu ơi! Anh đã đi xa trọn 20 năm rồi mà sao tôi vẫn như còn ngồi bên anh, trong căn phòng bệnh viện Việt Trì đêm ấy. Anh đọc cho tôi nghe những câu thơ trong suốt như tâm hồn anh :

Người xa phơ phất hồn lau gió

Thổi trắng chân đồi như khói pha.

Hà Nội, một đêm nhớ Hoàng Hữu 2001.

LỜI NGƯỜI LÀM SÁCH
Trang Minh Chi Đăng Bẩy

Cuốn sách này được xin phép ấn hành đón ngày kỷ niệm 70 năm sinh Hoàng Hữu (24.9.1945 – 29.12.1981) Họa sĩ – Nhà thơ gạo cội của các Nhà Xuất bản Văn học, Tác phẩm mới, tạp chí Văn nghệ Quân đội và báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam.

Sách gồm 4 phần (Thơ trữ tình, Thơ cho thiếu nhi, Truyện ngắn của tác giả và Bài viết của bạn bè, độc giả), cộng với ảnh chụp một số di bút (in song song với từng bài thơ), sinh hoạt và nét vẽ của Hoàng Hữu (in điểm xuyết).

Mỗi phần đều được cấu trúc theo trình tự thời gian (khi Hoàng Hữu sáng tác, khi người viết về Hoàng Hữu qua đời) để giúp người đọc hình dung về lộ trình sáng tạo của tác giả.

Với mong muốn tái hiện đầy đủ và chân thực hơn cả về con người – sáng tạo của Hoàng Hữu trong một cuốn sách khiêm cung, xin tạm gác những đoạn hoặc bài đã có trên báo chí truyền thông, nhưng trùng lặp so với những điều đã được công bố trước đó hoặc thiếu chân xác so với thực tế được kiểm chứng bởi các thân nhân của Hoàng Hữu.

Rẩ mong, kể từ ngày được phép ấn hành, Hoàng Hữu tác phẩm là căn cứ chính thức để tránh mọi dị bản.

TRA