Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Viết trong những mong manh

Đỗ bích Thuý - Phong Điệp
Thứ hai ngày 12 tháng 1 năm 2009 2:16 AM

Đỗ Bích Thúy sinh ngày 13-4-1975 tại Hà Giang. Sau khi đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, Đỗ Bích Thúy đã trở thành một thành viên của nhà số 4 Lý Nam Đế. Từng được chú ý qua những tác phẩm “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá”, “Bóng của cây sồi” và “Những buổi chiều đi ngang cuộc đời”, Đỗ Bích Thúy thổ lộ với Phong Điệp: “Riêng tôi thì những giờ phút dành cho văn chương ngày một bị khoanh lại, bé tí, nhưng như thế thì giống như kiểu một đứa bé được ăn một chiếc bánh ngon ấy, miếng còn lại bao giờ cũng là miếng ngon nhất
 
Phong Điệp: Dựng chân dung về một nhà văn luôn là điều hết sức khó khăn. Tuỳ vào sự cảm nhận của mỗi người, chân dung của một nhà văn hiện lên có thể rất khác nhau. Bản thân chính nhà văn đó – có khi cũng không hiểu được hết mình. Có khi nào chị băn khoăn tự hỏi: thực ra mình là người như thế nào? Và lời giải cho câu trả lời ấy- chị đã tìm được chưa?
Đỗ Bích Thuý: Tôi chỉ hay tự hỏi, hình như mình không giống một nhà văn ở cách sống, cách làm việc, cách chơi. Tôi thực tế quá, tỉnh táo quá. Và những âu lo của cuộc sống với gia đình và con cái gần như choán hết thời gian, tâm trí của tôi. Tôi chỉ còn một ít cho văn chương mà thôi. Trong khi tôi lại nghe nhiều người nói, văn chương mới chính là cuộc sống của họ. Chỉ khi đối diện với văn chương họ mới được sống cuộc sống thật của mình.

Phong Điệp: Tôi đã ngồi lặng đi rất lâu khi đọc những dòng tâm sự này của chị: "...Tại sao tôi cứ viết về đàn bà, với những cuộc đời rủi ro và số phận nghiệt ngã, với những cái bướu xấu xí và tấm lưng còng gập? Tại sao những người đàn bà của tôi khi nào cũng phải sống trong những nỗi khát khao lớn hơn dãy Tây Côn Lĩnh, sâu hơn đáy sông Lô - những nỗi khát khao không gì nhấn chìm được, cũng không cách gì đạt tới được? Những cuộc đời đầy âu lo, những năm tháng luôn phải đối mặt với thiên nhiên khốc liệt, cõi đời trắc trở, tình yêu mong manh... Tại sao vậy? Phải chăng vì, như một người đã nói với tôi: Cuộc đời đàn bà buồn nhiều hơn vui, lo âu nhiều hơn mãn nguyện? Phải chăng vì, trời sinh ra đàn bà để chẳng sống mấy cho mình? Cuốn sách này tôi vẫn dành cho những người đàn bà. Người đã án ngữ trong kí ức của tôi về vùng đất thân yêu bạt ngàn cây rừng, hoang vu gió, tầm tã mưa, sôi sùng sục nước dưới những dòng sông ngoằn ngoèo cuộn chảy…". Và tôi cũng nhận thấy một điều này nữa, dường như chúng ta - những người phụ nữ viết văn – đã trở nên rất khác khi chính chúng ta thực sự bước vào cuộc đời của một người đàn bà và trở thành một người mẹ…
Đỗ Bích Thuý: Tôi cho rằng, chẳng những phụ nữ viết văn, mà phụ nữ nào cũng thế thôi, họ đã bước vào một thế giới rất khác khi trở thành đàn bà, thành mẹ. Cuộc sống độc thân không còn nữa, sự tự do không còn nữa, sự tùy tiện, đôi khi phóng túng một chút cũng lặng lẽ ra đi, bọn trẻ khiến chúng ta quay như chong chóng, và mỗi khi chúng lớn lên một chút, thì ta lại khám phá được một chút những bí ẩn của cuộc sống, của sự hình thành và lớn lên, trưởng thành của một con người. Và với riêng tôi thì những giờ phút dành cho văn chương ngày một bị khoanh lại, bé tí, nhưng như thế thì giống như kiểu một đứa bé được ăn một chiếc bánh ngon ấy, miếng còn lại bao giờ cũng là miếng ngon nhất, thì thời gian bé tí còn lại đó với tôi cũng là thời gian quý nhất. Phải tận dụng và tiết kiệm nó. Và từng mẩu một, chữ nghĩa theo đó mà ra. Tất nhiên, cũng ít đi nhiều.

Phong Điệp: Khi viết về số phận của những người phụ nữ khác, chị có lúc nào đó nhận ra rằng, chính cuộc đời của mình cũng rất đáng viết, và chị sẽ viết về nó?
Đỗ Bích Thuý: Cuộc đời của tôi thì bình thường thôi, như nhiều phụ nữ khác. Có lúc vui, lúc buồn, có lúc may mắn, cũng có lúc rủi ro… tuy nhiên, rồi mọi sự cũng lần lượt trôi qua hết. Những tổn thương nếu có đều đã lành dần. Cũng có thể vì tôi là một người dễ quên. Dễ quên và dễ bỏ qua. Tôi có thể giận một người lắm lắm, có thể to tiếng với họ, thậm chí có khi muốn vung dép lên với họ, nhưng một thời gian sau nhìn lại, lại thấy chả có gì phải giận nữa. Cuộc sống mà. Tuy nhiên, khi viết về phụ nữ, ít nhiều đều có hình ảnh tôi trong đó. Vì tôi tạo ra nhân vật kia mà, tôi tự cho mình cái quyền quyết định hành vi, suy nghĩ của nhân vật chứ. Thế thì đương nhiên, có tôi trong đó. Mặc dù xét chi li thì rõ ràng không phải tôi viết về chính tôi. Có vẻ như cái lập luận này lằng nhằng quá nhỉ, và chả giải quyết được gì (cười)

Phong Điệp: “Người đàn bà miền núi” là nhan đề tập truyện ngắn mới của chị. Và luôn có một sự thực thế này: rõ ràng chưa khi nào trang viết của chị thôi bị ám ảnh về “vùng đất thiêng” - với rất nhiều những tác phẩm được sinh ra từ đó như: “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá”; “Những buổi chiều ngang qua cuộc đời”; “Bóng của cây sồi”… Chị có khi nào quyết định sẽ chuyển vùng đất sáng tác của mình, giả dụ như một cách để "thay đổi hình ảnh"?
Đỗ Bích Thuý: Hình ảnh nhà văn không quan trọng bằng những gì họ viết ra, tôi quan niệm thế. Văn chương như bông hoa ấy, và nhà văn chỉ là gốc rễ đầy đất cát lặng lẽ chôn chân bên dưới mà thôi. Sở dĩ tôi không ngừng viết về miền núi vì đó là mảnh đất của tôi, mỗi khi viết về nó, đắm chìm trong thế giới ấy, tôi lại như người đi xa được trở về nhà, nhìn thấy đàn gà khi mình đi thì mới nở, và khi mình về thì chúng đã trở thành những chú gà trống sặc sỡ. Cái tâm trạng ấy, nói thực lòng, tôi chưa bao giờ cảm thấy khi viết về một đề tài khác, mảnh đất khác. Điều này một phần được chứng thực từ người đọc, họ cũng nói rằng, khi tôi viết về miền núi, tôi chính là mình.

Phong Điệp: Tại sao chị quyết định trở thành một nhà văn mặc áo lính trong khi hành trang những tác phẩm viết về người lính lại không thực sự là thế mạnh của chị?
Đỗ Bích Thuý: Tôi nghĩ nhà văn mặc áo lính, hay mặc sắc phục cảnh sát, hay nhà văn nông dân thì cũng đều là là người cầm bút cả. Cũng những đau đáu về cuộc đời, cũng những ước vọng muốn xẻ chia, cũng muốn dãi bày những quan niệm của mình trên giấy… Tuy nhiên, về nhà số 4 đối với tôi như cái số vậy. Lúc tôi đoạt giải ở đó (đoạt giải là một trong những tiêu chí để lấy người về VNQĐ – PĐ), cũng là lúc tạp chí muốn lấy thêm người bổ sung vào biên chế vì một số nhà văn có tuổi đã lác đác nghỉ hưu, cũng là lúc tôi học xong đại học, và quan trọng hơn cả, cũng là lúc tôi nhận ra mình có thể trở thành một người viết văn chuyên nghiệp chứ không chỉ xem nó như nghề tay trái nữa. Đồng thời, nhà số 4 vẫn là nơi có tiếng về việc phát hiện và ươm mầm các tài năng văn chương, với một người viết trẻ như tôi khi ấy, còn gì để bàn nữa về việc có làm việc ở VNQĐ hay không. Mặc dù vậy, đúng như chị nói, viết về người lính hoàn toàn không phải là thế mạnh của tôi. Thì biết làm sao. Nỗ lực để khẳng định ở một giọng điệu đã toát mồ hôi rồi. Nhưng tôi cũng hiểu rằng, về nhà số 4 thì viết về người lính và chiến tranh cách mạng, đặc biệt là viết về người lính hôm nay sẽ không chỉ là việc thích hay không thích, là sở trường hay sở đoản, mà là một nhiệm vụ. Đã là nhiệm vụ thì phải thực hiện. Chỉ có điều thực hiện có hiệu quả thế nào thì lệ thuộc vào kinh nghiệm và nội lực của mỗi người. Tôi cũng đang cố gắng tìm một lối đi riêng để có thể tiếp cận được với đề tài đó.

Phong Điệp: Từng rẽ tay ngang sang lĩnh vực viết kịch bản, với vở kịch Diễm 500 đô khá gai góc, sắc sảo, thế nhưng đó có vẻ như chỉ là một lần “tình cờ”? Bằng chứng là từ đó đến nay, công chúng không thấy tên chị xuất hiện với tư cách một biên kịch nữa?
Đỗ Bích Thuý: Sân khấu nói chung, sân khấu kịch nói nói riêng đang phải tồn tại một cách chật vật, diễn viên phải xoay sở đủ đường để kiếm sống, nhu cầu thưởng thức của khán giả thì vô cùng đa dạng… cho nên, "Diễm 500 đô" của tôi mấy năm trước ra đời được cũng là một cái duyên đấy. Người viết kịch bản nhiều lắm chứ, nhưng mỗi năm, một nhà hát chỉ cho ra mắt khán giả được 1,2 vở là cùng, nhất là chính kịch thì càng khó kéo được khán giả tới rạp. Tôi biết, có những vở kịch kinh điển nổi tiếng thế giới, diễn viên tập vài tháng mới xong, nhưng khi công diễn, khán giả 100% được phát giấy mời cũng chỉ đến nhà hát được 70-80%. Trong hoàn cảnh đó, có 1 kịch bản (có thể hay) cũng chưa chắc có nhà hát nào dám nhận. Đó là chưa kể tới để có một tác phẩm sân khấu, thì kịch bản mới chỉ là dấu gạch đầu tiên, còn phía sau nó là hàng loạt yếu tố khác nữa đi kèm với kinh phí. Đương nhiên, không phải tôi nói như vậy là tìm cách ngụy biện cho sự chưa trở lại với vai trò biên kịch của mình, mà cá nhân tôi, cũng chưa bao giờ coi việc viết kịch bản là một ngả rẽ trên con đường văn chương. Nó đơn thuần chỉ là thử sức thôi, và tìm cảm giác mới lạ trong quá trình sáng tác, tôi không đề cao lắm vai trò đó. Mặc dù, nói một cách khách quan thì tác giả kịch bản được đối đãi (về vật chất) khá hơn tác giả viết truyện ngắn nhiều (cười).

Phong Điệp: Chị nghĩ sao trước ý kiến cho rằng: nhân vật của chị còn thiếu tính nổi loạn bởi vậy nhân vật chính trong các câu truyện ấy dù có khát vọng thay đổi cuộc đời mình nhưng thường là bị thất bại?
Đỗ Bích Thuý: Chắc là bởi nó được viết ra từ tôi đấy. Tôi cũng tự nhận thấy mình không có ‘tố chất” nổi loạn. Từ bé tôi là một đứa bé gái nhút nhát, sợ đám đông, đến nỗi mỗi khi nhà có khách tôi đều ngồi dưới bếp ăn cơm một mình. Bố tôi luôn động viên tôi phải mạnh dạn lên, nhưng tôi không cố được. Việc gì tôi cũng tìm cách làm cho nó có hậu. Việc gì tôi cũng phải tìm bằng được cách giải quyết. Còn trong văn chương, quả thực tôi cảm thấy nếu như các nhân vật của mình hễ cứ có khát vọng là đạt được thì cũng chán lắm, trong khi đó thì sự thất bại của họ lại dường như hợp với logic cuộc sống của chính nhân vật hơn. Dẫu sao, tôi cũng phải nói rằng, nổi loạn đâu phải là hành động dễ dàng đối với phụ nữ. Trước những người phụ nữ nổi loạn tôi vừa sợ họ, lại vừa nể họ.

Phong Điệp: Không trở thành một nhân vật "hot" được báo chí săn tìm. Không sở hữu một cuốn sách đứng trong Top bán chạy và gây ra những ý kiến tranh cãi nảy lửa. Khá ẩn mình và lặng lẽ viết. Chị nhìn mọi sự ồn ào trong đời sống văn chương đang diễn ra quanh mình như thế nào?
Đỗ Bích Thuý: Càng ngày tôi càng nhận ra sự cô đơn của người viết, anh có thể có nhiều bạn bè văn chương và ngoài văn chương, anh có thể đọc thơ, đọc hàng chương tiểu thuyết cho bạn bè thưởng thức, nhưng khi viết anh hoàn toàn cô đơn. Một sự cô đơn khủng khiếp. Có những lúc nhân vật của tôi khiến tôi như người phải cảm, mệt nhoài, vã mồ hôi. Mà tôi không chia xẻ với ai được, cũng không ai nâng đỡ cho nhân vật của tôi được. Sự ồn ào nếu có, theo tôi thực ra chỉ là bề ngoài, là cái vỏ thôi. Thậm chí một vài sự ồn ào, nhất là ồn ào trên mạng gần đây, mặc dù do các nhà văn tạo ra, do các website văn chương chuyển tải, nhưng nó lại là những câu chuyện liên quan rất ít, thậm chí là những câu chuyện ngoài văn chương. Chị có công nhận với tôi thế không? Tôi thì không thích sự ồn ào. Một người bạn văn đã đúc kết về tôi thế này: Là người luôn ngồi sau cùng, ở chỗ ít người nhìn thấy nhất trong đám đông. Tất nhiên nói như vậy thì cũng hơi cực đoan. Nhưng quả thực, tôi có ít bạn, tôi cũng ít giao du. Nhưng chẳng thể nhà văn nào cũng sống theo cách của tôi được, nếu vậy thì văn chương ở ta lại cứ như trời mưa phùn ấy.

Phong Điệp: Chị từng tâm sự : “Tôi đã viết "Ngải đắng ở trên núi", như đã viết nhiều cái khác, trên giường tầng, trong một căn phòng chật hẹp ở kí túc xá trường đại học. Tôi đã luôn phải ngồi khoanh chân trên giường, viết trên một cái mặt bàn rất bé, trước mặt luôn là bức tường có treo ảnh cha mẹ. Bên ngoài bức tường là Hà Nội nhộn nhịp và náo động. Tôi đã chỉ có một bức tường gạch để cách ly với phố xá - thế giới xa lạ với những trang viết của tôi, càng xa lạ với nỗi hoài niệm không bao giờ dứt trong tôi. Song hình như, chính trong bối cảnh bấp bênh, mong manh ấy tôi viết thuận hơn, xuôi hơn thì phải...". Tôi đặc biệt chú ý đến ý này “chính trong bối cảnh bấp bênh, mong manh ấy tôi viết thuận hơn, xuôi hơn thì phải” . Điều ấy giờ đây còn đúng với chị nữa không?
Đỗ Bích Thuý: Vẫn thế đấy chị ạ. Tôi thường viết được trong những lúc mong manh và bấp bênh nhất, trong những lúc bận rộn nhất, trong những lúc phải xoay như chong chóng vì cuộc sống. Lạ thế chứ. Còn những lúc rảnh rỗi, dư dả thời gian lại không viết được. Như kiểu cuối năm này này, trong lúc cuống cà kê lên với mấy số báo liền tù tì thì tôi lại viết như phát cuồng. Tất nhiên, không phải cái gì mình viết ra cũng hay cả. Cũng có những cái viết vì kiếm cho con hộp sữa thôi (cười). Nhưng viết được trong hoàn cảnh gạo châu củi quế này cũng là điều đáng mừng đúng không chị?

Phong Điệp: Với người viết chúng ta, mỗi khoảng lặng trốn mình vào một công việc thường ngày nào đó; hay những khi gò lưng ngồi viết trong những điều kiện thiếu thốn, giữa những thúc bách của công việc... đều rất có ý nghĩa. Bởi nó sẽ đều ghi những dấu ấn vào tác phẩm của chính họ. Tôi luôn chờ đợi những tác phẩm mới của chị. Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này.
 

Nguồn: Báo Văn Nghệ số 2-2009. Bản vi tính của phongdiep.net