Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VỚI ANH BA DŨNG

Xuân Ba
Chủ nhật ngày 3 tháng 4 năm 2016 6:57 AM




 

I

Chiều muộn ngày 8-3 năm 2016

Nhà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói đúng hơn là nhà công vụ, 55 Phan Đình Phùng.

Trước mấy ngày, tiếp được lời nhắn của trung tướng nhà văn Hữu Ước nội dung là Thủ tướng muốn mời mấy anh em nhà văn đến dự bữa cơm thân. Bắt đầu lúc 6 giờ hơn

Mưa lây rây bụi. Nồm ẩm.

Tôi và nhà văn Chu Lai bay từ Chu Lai ( sân bay) trong chuyến thực tế Quảng Ngãi từ Nội Bài đến thẳng nhà 55 Phan Đình Phùng.

Đến cổng đã thấy ông tướng nhà văn Hữu Ước, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và cô con gái đứng đợi. Chợt nhớ gia đình Hữu Ước vốn đi lại thân thiết với nhà này. Nhất hồi Lý vợ Hữu Ước còn sống. Lát sau thấy Nguyễn Thị Thu Huệ Nguyễn Như Phong đi ô tô tới.

Sĩ quan tiếp cận Hoàng Trọng Côi niềm nở đón vào. Thoáng dáng quen thuộc của Trương Quang Việt, BS riêng của Thủ tướng. Đốc tờ Việt cười Thủ tướng đang đợi các ông nhà văn. Hiếm có cuộc nào gặp riêng thế đâu nhé

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sơ mi trắng, áo khoác nhẹ màu sáng, từ nhà trong đi ra vui vẻ bắt tay khách văn cười rất tươi với Nguyễn Thị Thu Huệ chào Hậu thiên đường.

Đoạn ông mời tất cả vào phòng khách. Phòng trống trơn. Dường như là một phòng đợi? Khoảng non chục cái ghế liền kề với bàn nước. Hai bó hoa lớn hiện diện từ lúc nào? Thủ tướng tươi cười đến bên bàn, cầm lên một bó hoa với lời chúc 8-3 hậu thiên đường là hoa nhân ngày 8-3 tặng nữ nhà văn Thu Huệ. Bó hoa còn lại tặng Phương, con gái Hữu Ước cũng là một ký giả.

Một động thái hơi bất ngờ là ai cũng có quà. Quà là một chiếc bút màu đen bóng hiệu Parker. Trên thân bút lóng lánh hàng chữ khắc trước màu vàng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tặng nhà văn ( ghi tên cụ thẻ từng người) kèm chữ ký quen thuộc của Thủ tướng. Thủ tướng cười vẻ thoải mái ngồi xuống ghế hồi còn làm việc bận lu bu cũng rất muốn gặp các bạn lắm nhưng không hở ra được. Bây giờ sắp nghỉ mời các bạn đến chuyện trò và ăn với nhau một bữa cơm.

Để ý đám người viết, người gọi Thủ tướng. Người thì anh Ba. Nhưng một hồi, trong không khí thân mật, ai cũng Anh Ba thì phải.

Nhớ thêm, khi trao quà cho người nào, chủ nhà nói luôn đã từng đọc cái này thứ khác của họ. Với Nguyễn Quang Thiều, chủ nhà nhắc lại lần gặp ở nhà số 4 Lý Nam Đế nhân có cuộc trao Giải thưởng của Hội Nhà văn. Riêng tác giả truyện ngắn Hồi ức binh nhì, chủ nhà nhướng cặp mày về phía Thiều, tác giả ông gì ở Quảng Bình ấy nhỉ. Thiều đáp Dạ Nguyễn Thế Tường ạ. Bất ngờ, Thủ tướng ban đầu hơi ngập ngừng nhưng đọc một lèo, vâng đọc thuộc lòng đoạn gần cuối cái truyện ngắn Hồi ức binh nhì trong động thái sững sờ của đám viết… Thấy Thiều lẽ lưỡi, chủ nhân nói luôn mình từng là lính mà. Truyện ấy chắc những ai từng là lính nên khoái. Thiều thoắt giọng nghiêm trang hồi trước anh Ba khoái hồi ức binh nhì. Nhưng rồi sau này anh làm tướng, xin lỗi trên cả tướng là Thủ tướng thế mà vẫn nhớ lại thuộc cả một đoạn dài nữa… Giọng chủ nhà cũng nghiêm cái thuở ban đầu và đượm chất nhân văn ấy chẳng hề cũ với bất kỳ tuổi tác lẫn cương vị nào cả. Ngày trước, mình vốn khoái văn nhưng như các bạn biết, cuộc đời đã rẽ sang một hướng khác… Thu Huệ và Thiều tặng chủ nhà cuốn mới xuất bản. Bất ngờ anh Ba hướng về phía tôi rằng đã đọc cuốn phóng sự Đêm dài lắm mộng… Hơi giật mình và cảm động bởi cuốn ấy mới ra hôm 20 Tết, tôi chưa kịp tặng chủ nhà thì ông đã đọc ở đâu rồi?

… Hỏi thăm được biết bà vợ Thủ tướng đi vắng. Mới vào quê để chuẩn bị cho lễ ăn hỏi anh con trai út. Hỏi thêm được biết, ông bà thông gia quê ở Tây Ninh. Như Thủ tướng nói là nghề ruộng. Chu Lai cười với chất giọng bỗ bã quen thuộc hay đó anh Ba ơi. Cho lành. Đã có ông bà thông gia bên Mỹ, nay lại bên Việt. Chả ai cự nự được gì nữa. Mọi người cười rộ chợt nhớ một dạo từng sầm xì những lời đàm tiếu ngớ ngẩn, suy diễn lung tung về ông thông gia bên Mỹ của Thủ tướng, để cô con dâu- con gái Thủ tướng từng phản ứng lại trên mạng…

Thủ tướng niềm nở khoát tay mời sang phòng ăn gia đình qua một khoảng sân hẹp. Trên bàn đã bày sẵn những nem cuốn, thịt bò nướng và vài món tôi không nhớ chính xác. Ngoài rượu vang, tôi vinh dự được Thủ tướng hối đích danh việc chọn rượu mạnh trong mấy chai để bên kệ. Thoáng gặp ánh mắt Chu Lai nháy nháy ý chừng vừa phải thôi nhá hay ý gì chả rõ? Tán thưởng, khuyến khích hay ngăn cản? Kệ. Tôi cứ rinh ra chai rượu mạnh cao tuổi nhất mà Thủ tướng nói của anh em người ta cho, bày lên bàn. Hữu Ước lóng ngóng mở… Phải có Như Phong giúp sức để khéo léo kháy cái nút chai để lâu ngày đã mục. Chứng tỏ bên cái bàn này hiếm có cuộc nhậu. Bởi cái chai bắt mắt mắt kia mới thọ được đến lúc này?

Huệ nhấp vang. Chu Lai rượu mạnh nhưng hơi cầm chừng. Như Phong mới ly đầu mặt mũi đã đỏ khốn đỏ khổ nhưng vẫn hào hứng chịu trận. Thủ tướng cũng không chối từ nhưng tự tay với lon soda chế thêm vào. Ngó quanh không thấy bóng dáng BS riêng Trương Quang Việt đâu?

Nhà văn Chu Lai, năm nay lên lão 70 nhưng tóc với bộ ria cứ xanh rì được xếp ngồi gần Thủ tướng. Lão vốn hoạt ngôn, liên tục độc chiếm diễn đàn chỗ này nơi khác hoặc trên tivi chém gió rổn rảng… Nhưng bữa nay lão tự dưng kiệm lời hẳn. Lão đang chống đũa ngây sắc diện nghe câu chuyện Anh Ba được bạn chiến đấu cứu thoát trong một trận chiến… Cái điếu cày mini quen thuộc Chu Lai không vác theo đây nhưng may bù lại có mấy điếu xì gà khá nặng của chủ nhà. Thành thử ai cũng kéo một chút trừ Huệ.

Cảnh vệ Hoàng Trọng Côi hé cửa đưa một người sù sụ mũ cát két áo khoác ngoài, khệ nệ trên tay là bó hoa. Ngó ra thì là lão Khoa. Bộ dạng này lão nom già thật. Với lại Trần Đăng Khoa thích già. Có hẳn một blog mang dích danh Lão Khoa. Mấy tháng trước, tôi ngồi chung xe vào Quảng Bình với Chu Lai cùng lão Khoa. Lão rủ rỉ và than thở với một em trên xe rằng lão không có tuổi thơ vì tuổi thơ lão đã đại diện cho đất nước… Người đẹp trên xe há hốc mồm nhìn lão đăm đăm.

Thủ tướng thân giúp Khoa cởi áo khoác. Chắc chủ nhà với lão Khoa từng quen biết nên chuyện trò khá tự nhiên? Như cái cười không biết là thật hay hư của lão Nếu thật Anh Ba xin nghỉ như thế là thoái thác nhiệm vụ đấy nhé. Làm sao anh cứ khăng khăng dứt khoát ngay từ đầu là không tái cử nhỉ? Đằng sau các vị là vận mệnh của một dân tộc một quốc gia? Chủ nhà cười thôi nào đánh chén đã… Cả bọn hơi choáng khi Khoa rè trầm chất giọng quen thuộc bó hoa này em tặng chị Ba… Thế mà cả lũ này đến trước đều tay không cả? Nghe đến đó nét mặt hậu thiên đường Thu Huệ thoáng bối rối nói lảng Thế mà ai cũng bảo lão Khoa này đoảng.

Vào bữa một lúc lão Khoa bất ngờ nhắc lại chi tiết lão từng chứng kiến anh Ba đọc rất kỹ Hồi ức binh nhì… Những tiếng cười vui khi nhớ lại việc hồi nãy vừa chứng kiến. Nhân chi tiết này, tôi chợt nhớ đến chuyện BS riêng của Thủ tướng Trương Quang Việt kể cho nghe cũng lâu lâu.

Lần ấy trong chuyến công tác về Rạch Giá. Thày trò có một đoạn dài đường thủy. Ngắm đã nư cảnh trí sông nước vùng miền Tây từ Rạch Giá đi Hà Tiên, anh Ba thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng như đang chìm đắm vào một hồi ức nào đó? Rồi anh Ba đột ngột hỏi Việt đã đọc một truyện chép ở bệnh viện của Bùi Đức Ái chưa? May quá hồi đi học có biết. Anh Ba hỏi tiếp có biết Bùi Đức Ái là ai? Việt thưa không. Anh Ba cười thế đã đọc tiểu thuyết Hòn Đất ? Cũng may Việt biết… Anh Ba nói Bùi Đức Ái là nhà văn Anh Đức đó.

Cũng bất ngờ như chúng tôi bữa nay được chứng kiến anh Ba nhắc lại truyện ngắn của Nguyễn Thế Trường theo cái cách của mình, BS Việt ngạc nhiên khi trực tiếp nghe anh Ba thông làu một khúc ngắn đoạn mở đầu tiểu thuyết Hòn Đất…

Hóa ra có duyên do cả! Chuyện của anh Ba sau đó cho anh em cùng đi được tường thêm hoàn cảnh, địa bàn chiến trường mảnh đất Kiên Giang anh dũng một thuở một thời.

Đại hội thi đua tiên tiến của Kiên Giang năm ấy có một anh lính địa phương rất trẻ như một cậu bé nhưng có nhiều thành tích trong chiến đấu. Đặc biệt cậu từng tham gia chiến đấu bám trụ tại trận Hang Hòn ác liệt với đội du kích do Phan Thị Ràng phụ trách. Người quần bám điển hình ấy nhiều lúc, nhiều ngày là nhà văn Anh Đức.

Nhà văn khai thác rất kỹ hoàn cảnh tình huống chiến trường và con người ở Hang Hòn… Đặc biệt là tấm gương hy sinh anh dũng của Phan Thị Ràng.

Điển hình mà nhà văn Anh Đức đeo bám ấy là Nguyễn Tấn Dũng.

Một thời gian sau, cuốn tiểu thuyết Hòn Đất ra đời…

BS Việt nhớ cái hít hà cảm phục của anh Ba Dũng đại ý, nhà văn Anh Đức khi ấy chưa về Hang Hòn nhưng đã khai thác sao dó để làm nên một nhân vật Chị Sứ sống động. Người lẫn cảnh của Hòn Đất không khác Hang Hòn bao nhiêu. Tài năng và lao động của nhà văn là chỗ đó.

Trong câu chuyện anh Ba Dũng không nói mình là người đã góp sức để nhà văn Anh Đức làm nên Hòn Đất.

Có cảm giác không có khoảng trống, khoảng hở. Chuyện nối chuyện, Chuyện của chủ nhà. Của đám khách văn những là không tiền khoáng hậu

Nguyễn Quang Thiều, Như Phong kể lại chuyện hồi được tướng Ước cử đi Pakixtan hành nghề bên đó gian khó ra sao để lấy cớ liên tưởng đến những chuyến xuất ngoại gian nan của các VIP Việt. Sống và viết được ở ria biên giới với Apganixtan, nhờ có những gói mỳ ăn liền hãm vội và vớ được cây húng dại ở xứ người, cứ coi như những đại tiệc!

Các cung bậc cười vui chen vào câu chuyện của chủ nhà về những chuyến đối ngoại căng thẳng. Như anh Ba bộc bạch, chén cơm nóng, con khô hấp từ nồi cơm điện anh em cảnh vệ, tùy tùng mang theo cũng mang lại những bất ngờ làm ấm lòng khi công cán nơi đất khách.

Nói cho cùng, kinh tế là chính trị. Mình cứ nghĩ mãi cái câu của Thánh Mohamed đại ý, nếu Kinh thánh của ta ảnh hưởng, xúc phạm đến miếng bánh của các người thì ta sẵn sàng để các người dẫm lên kinh thánh của ta vậy. Tương tự như câu của phương Đông mình, dân dĩ thực vi thiên. Dân coi cái ăn như trời vậy… Khi gặp người đồng cấp Hàn Quốc, mình từng tranh thủ đem chuyện trái dừa ra tiếp thị. Còn khi trao đổi về Luật Nông trại của Mỹ với Tổng thống Obama, lại đưa câu chuyện về trái thanh long vào. Gặp Thủ tướng Australia thì nói chuyện quả vải, còn trao đổi với người đứng đầu Chính phủ Nhật thì lại nhắc chuyện trái xoài… Vậy mà trong một hội nghị thương mại gần đây, nghe anh em bộc bạch lại bao thứ nghe giật mình! Là cương vị Thủ tướng, còn lắm điều còn quan liêu về mảng này. Sơ suất một tý là có lỗi với nông dân mình đang đêm ngày bạc mặt với con tôm cùng cây trái xuất khẩu.

II

Anh Ba hối khách văn tăng tốc các món kẻo nguội.

Chủ nhà bộc bạch, thành tựu kinh tế 5 năm qua, nổi bật là cải cách thể chế, hạ tầng giao thông và mở cửa thị trường. Trong ba trụ cột. thành tựu về mở cửa thị trường có sự giúp sức lớn của những người trực tiếp làm công tác kinh tế đối ngoại – là các tham tán thương mại. Mình cũng từng kiêm cả công việc của họ. Bây giờ Việt Nam đã tham gia ký kết 14 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó 2 FTA thế hệ mới là TPP với 12 nước khu vực Thái Bình Dương và hiệp định với EU là thành công nổi bật. Phía Mỹ nhận xét rằng đội ngũ cán bộ đàm phán của Việt Nam rất trẻ nhưng tầm cỡ. Như tôi và ông Vũ Huy Hoàng đàm phán kinh tế Á - Âu, Thủ tướng Armenia tặng 2 chai rượu ngon và nói Việt Nam cần mở cửa thị trường. Mình rinh về, mở mời Vũ Huy Hoàng uống. Kinh tế là chính trị. Kinh tế mà không phát triển đừng nói chuyện khác, nghèo khó nói chuyện lắm, nợ nần người ta đòi đủ thứ. Kinh tế tăng trưởng cao, làm ăn tốt, tướng đi cũng khác, nợ nần, tướng đi cóm róm nữa là Thủ tướng đi xuất ngoại!

Chu Lai dường như không mấy mặn mà đến mảng thương mại ( thoáng nhớ thời bao cấp xa lắc, từng cùng Chu Lai đi viết thuê cho ngành nội thương. Bữa ngồi cùng xe U oát với một quan chức của ngành, lão ngỏ thành thực là ông có cho mình vài trăm đồng ( khi ấy to lắm) cắp sách đi học một ngày để rành rẽ thông tỏ về hai chữ chiết khấu thì cũng xin chịu!) Vậy nên trong câu chuyện với chủ nhà thì rất khoát hoạt về địa bàn quê Thủ tướng ở Kiên Giang mà đơn vị đặc công của Chu Lai từng đứng chân. Lại đang nói dở cái đoạn nhà văn chăm chắm cái việc hỏi đi hỏi lại cặn kẽ cái chuyện từng nghe loáng thoáng về anh y tá Nguyễn Tấn Dũng từng được một đồng đội cứu thoát trong một trận chiến với tình huống cam go trên một cái cối giã gạo bằng gỗ bơi qua sông Tiền. Và sau này ở cương vị Thủ tướng, ông đã tìm đến bằng được ân nhân của mình đang cư trú ở một dịa phương vùng sâu vùng xa…

Nghe cặn kẽ, Chu Lai vẻ trầm ngâm, thốt lên, trời ơi các ông, không nhiều lắm trong hàng ngũ lãnh đạo những sự vụ quan chức thường nhật và những lời đàm tiếu ác độc, khi vô tình khi cố ý bảng lảng khuất lấp đi chất nhân văn lấp lánh hiếm hoi của giống người. Mà khi người đời đã thấy, cần phải thấy thì đã là giai đoạn cuối. Buồn nữa là khi chết rồi mới phát lộ ra!

Thu Huệ lúc đầu hơi rụt rè nhưng sau mấy ngụm vang cũng anh em xuôn xẻ với chủ nhàn chứ không một, hai Thủ tướng nữa. Nghe thêm chuyện của chủ nhà với Huệ, cả bọn mới biết ba Huệ, chồng nhà văn Ngọc Tú, vốn là dân tập kết có mối quan hệ khá thân gần với một người thân của Thủ tướng. Thu Huệ xẻ chia cái cảm giác dân văn nghệ sĩ ra sao khi lần đầu được chứng kiến hình ảnh, động thái Thủ tướng dõng dạc trên diễn đàn Quốc hội công khai thẳng đuột trước bàn dân thiên hạ việc Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa Trường Sa.

Rồi phát ngôn ấn tượng gì ở Manila, cái gì viễn vông nhỉ… Huệ còn đang ngập ngừng thì Nguyễn Như Phong đứng phắt dậy lườm Huệ có thế mà cùng chả nhớ. Là thế này- Như Phong đọc vanh vách… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong buổi họp báo chung tại Philippines chiều 21-5-2014 với sự có mặt của Tổng thống Philippines Benigno S. Aquino đã sòng phẳng trước câu hỏi của một nhà báo

“Chúng tôi đã hết sức chân thành, thực tâm, thiện chí và kiềm chế, nhưng câu trả lời hiện nay là Trung Quốc ngày càng gia tăng sức mạnh, các hành động uy hiếp và xâm phạm, rồi liên tục vu khống và đổ lỗi cho Việt Nam. Những gì mà Trung Quốc đang làm khác rất xa những gì mà Trung Quốc nói”.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: “Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”.

Phục Như Phong. Trong khi hầu hết cả bọn cũng mới đang mang máng nhớ…

Bị Như Phong lườm nhưng Thu Huệ vẫn cái mạch tò mò… Khẩu khí cứ như là phỏng vấn.

Thủ tướng khi tiếp cận với sự kiện đó, trước khi phát biểu thì tâm trạng của Thủ tướng như thế nào hay anh Ba đã nghĩ gì?

Chủ nhà cười, trả lời ngay với chất giọng bình thản Cứ gì một Thủ tướng mới phát biểu được như vậy? Và có gì mà phải nghĩ ngợi? Nó nằm lòng lâu nay rồi. Nó ở trong máu mình, trong máu của người Việt mình rồi…

Nguyễn Thị Thu Huệ không cười theo mọi người mà vẻ mặt nghiêm trang kèm cái thở dài- Nhưng thưa anh Ba tại sao nhiều người, người Việt mình lại không trả lời ngay tắp lự trong những diễn đàn và vị thế cũng như tình thế tương tự cái sự ai cũng nằm lòng đó?

Cả mâm thoát ắng lặng. Thu Huệ hỏi vậy. Nhưng hình như câu hỏi cũng là cái cách của một câu trả lời?

Cái tò mò của ông Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều như là kiểu tò mò có hệ thống và biên độ rộng của người thạo ngoại ngữ? Đầu tiên là Thiều dẫn ra sự kiện đối ngoại cũng là chuyến xuất ngoại đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ( năm 2006) với cung cách đặt vấn đề hơi bị hóc tỷ như tại sao anh Ba lại không thăm một nước láng giếng hay một quốc gia ASEAN nào đó mà lại đi ASEM-6 ở Hensinky? Có phải như BBC từng bình luận là Thủ tướng Việt Nam mới tái cử Nguyễn Tấn Dũng muốn trên cương vị Thủ tướng đầu tiên là người có xu hướng thực dụng hơn muốn dồn sức vào các quan hệ lớn hơn với mô hình vừa cởi mở vừa kiểm soát chặt? Để ý thấy chủ nhà thong thả mà rằng không nói và kể cụ thể nhưng thực tế gần 10 năm qua đường hướng chính sách đối ngoại của Việt Nam chắc nhà văn đã tường…

Tò mò mới hơn như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều rành rẽ là bức ảnh bốn nhà lãnh đạo ASEAN "chụp selfie" do chính Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long chụp gây sốt cộng đồng mạng. Thủ tướng Lý Hiển Long đã đăng trên trang Facebook của mình với dòng chia sẻ: "Chụp ảnh cùng Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Lào Thongloun Sisoulith. Bức ảnh do tôi (Thủ tướng Lý Hiển Long) chụp".

Sau khi bức ảnh được đăng khoảng hai giờ, đã có gần 16.000 lượt "thích" (like) và gần 3.000 lượt "chia sẻ" (share), hơn 200 lượt "bình luận" trên Facebook.

Bây giờ nghe Nguyễn Quang Thiều nói, chủ nhà mới biết việc ấy. Ông cố nhớ lại, hình như bên lề chương trình Hội nghị cấp cao Mỹ-ASEAN, đại diện Campuchia, Lào, Singapore, Việt Nam đã cùng tản bộ tại một khu vườn ở Sunnylands của bang California. Trong khu vườn, ông Lý Hiển Long có giơ máy lên như tụi trẻ bây giờ nói là chụp kiểu tự sướng…

Thiều bộc bạch thêm, độc đáo nhất là Thủ tướng Lý Hiển Long đã gõ đủ và đúng mẫu tự tiếng Việt họ tên của Thủ tướng Việt Nam.

Tò mò mới nhất, Thiều dẫn ra chuyện Đạo diễn phim Kong, Skull Island Jordan Vogt-Roberts tung trên mạng xã hội bức ảnh chụp chung với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Mà như ông Phó Chủ tịch Hội văn bút Việt bộc bạch là rất ngạc nhiên nói ngay lập tức có gần 500 người like và nhiều lời bình luận thú vị…

Chuyện thì biết thêm, trong chuyến công tác Ninh Bình, đoàn anh Ba có ghé thăm đoàn làm phim Kong đang có mặt tại Bái Đính Tràng An. Tại đây đoàn công tác của anh Ba cũng dùng bữa tối thân mật với đoàn làm phim. Ấn tượng sâu đậm là các thành viên đoàn phim rất cởi mở, chia xẻ tâm sự rằng được làm phim ở những địa danh lam sơn thủy tú và được gặp gỡ, tiếp xúc với những người Việt thân thiện nay lại được vinh dự đón người đứng đầu Chính phủ ghé thăm là những cơ may khó có được trong đời…

Nhà văn Chu Lai trầm ngâm, vậy là bao nhiêu năm anh Ba trên đất Bắc nhỉ? Chủ nhà cũng trầm ngâm, mới đó đã 22 năm…

Nhớ cái tối theo Hữu Ước lên cái ngách đường Nguyễn Quyền phỏng vấn thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Tấn Dũng một việc gì đấy quên rồi. Khi ấy mang máng biết Hữu Ước chắc chỗ thân mật đã mở cái nắp nồi cơm điện của chủ nhà. Mùi cá khô xộc lên. Cá hấp trên. Nồi cơm điện Thứ trưởng Nguyễn Tấn Dũng cắm cho ba bữa như khi ấy ông cười để tiện việc.

Chuyến thăm của TBT Lê Khả Phiêu mùa hè năm 2000 đến Pháp. Trên chuyên cơ có cuộc hội ý với báo chí. Vừa lên khoang các VIP, giật mình khi thấy một người nằm co ro đắp tấm mền kín mít. Hỏi ra thì được biết Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị sốt đột ngột. Vừa uống thuốc đã đỡ.

Rồi chức Thống Đốc NHNN một thời gian ngắn.

Nhớ lại chuyện hồi đi Pháp năm kia, Ngài Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Pháp ( IFRI) Thierry de Montbrial, Giám đốc điều hành thân đón đợi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đại biểu Việt Nam ngay cửa chính chỗ đỗ ô tô. Cung cách ông tự nhiên, thân tình cứ như từng quen biết nhau mặc dầu mới lần đầu gặp.

Tôi thấy ngài còn sung sức lắm. Trước khi làm việc trên hội trường, Ngài có vui lòng leo bộ với tôi lên tầng 3 phòng làm việc của tôi được không? Khách Việt Nam chừng như hơi bất ngờ với động thái của chủ nhà nhưng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn tùy tùng đều vui vẻ thong thả theo chân ông.

Phòng làm việc của ngài Viện trưởng IFRI là căn phòng rộng vừa phải chừng hơn ba chục mét vuông. Nội thất sơ sài, mỗi bộ salon tiếp khách.

Khi các thành viên chính phủ, các bộ trưởng Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Vũ Huy Hoàng, Đinh La Thăng… yên vị trên bộ salon thì liền xảy một trạng huống bất ngờ. Ấy là khi một thành viên thân mật hỏi về cái chữ Đờ (De) trong họ của chủ nhà, thì bất ngờ ông chủ, chất giọng ông vẫn sôi nổi vồn vã lúc khách mới tới nhưng bây giờ có phần nhỏ nhẹ, cảm động.

Dõi theo câu chuyện của ngài Giám đốc IFRI.

Những năm cuối thế kỷ XIX, có một viên chức trẻ nhà băng De Montbrial sang tòng sự ở xứ Đông Dương. Ông mang theo người vợ mới cưới. Sang Hà Nội vài năm, người vợ mang thai và đầu năm 1912 thì khai hoa mãn nguyệt. Cậu con trai cất tiếng khóc chào đời ở một biệt thự phố cổ Hà Thành!

III

Năm tháng dần qua… Cậu con trai ông nhân viên nhà băng ấy từng hít thở không khí xứ nhiệt đới đã trưởng thành. Cậu được bố rèn cặp nhiều thứ trong đó có việc dần dà nối được chí người cha ở ngạch ngân hàng.

Rồi một biến cố xảy ra khiến chàng trai De Montbrial phải rời Hà Thành và xứ Đông Dương. Chàng cưới vợ và có cuộc sống gia đình ấm êm. Và chàng cũng không quên kể lại với con trai mình gốc tích hàn vi thuở ấy của người ông nội bên xứ Đông Dương thuộc Pháp.

Cậu con trai sau này vào trường X. Bách khoa danh tiếng (Học giả Hoàng Xuân Hãn của Việt Nam từng được đào tạo ở trường này).

Tốt nghiệp xuất sắc về toán, nhưng cậu lại say mê và rất có năng khiếu về bộ môn nghiên cứu kinh tế chính trị. Say mê chính trị nhưng như ông nói ông không làm cái việc can dự vào những chức tước, quan trường mà đeo đuổi tới cùng mơ ước làm một chuyên gia nghiên cứu độc lập.

Dần dà ông phụ trách cái Viện IFRI danh tiếng này.

Chủ nhà hướng cái nhìn về Thủ tướng Việt Nam, giọng cảm động.

Như vậy gia đình tôi có thể nói đã gắn bó và có duyên với đất nước của ngài. Được biết có thời gian ngài là từng là Thống đốc NHNN Việt Nam. Đã từng ngồi ở cái nhà mà ông nội của tôi đã từng làm việc. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhã nhặn vui vẻ nhân đây tôi trân trọng mời ngài sang thăm Việt Nam và chính tôi sẽ dẫn ngài đến cái ngôi nhà mà ông nội ngài đã từng ngồi…

Hình như là Chu lai, Thu Huệ hay Như Phong, mà cả Nguyễn quang Thiều… và cả người viết bài này nữa, trong không khí hơi bị mềm, nghĩa là không cứng nhắc của một sự vụ phỏng vấn hay một cuộc gặp mang hơi hướng hành chính, như đã đủ một độ thân mật đã buông ra những câu hỏi khó thốt cũng như chả dễ đáp.

Đại loại ( hình như của Như Phong thì phải?) xin lỗi Thủ tướng, à quên anh Ba, trên các trang mạng xã hội trong thời gian trước và sau Đại hội XII từng phổ biến nội dung lá thư 9 trang của Thủ tướng về những vấn đề mà Ban kiểm tra Trung ương đã kết luận? Cả việc anh Ba thẳng thắn rằng tôi xin không tái cử. Việc đó thực hư thế nào?

Rồi nữa…

Cảm tưởng của Thủ tướng khi 35 đoàn đại biểu trong ĐH chính thức tiếp tục giới thiệu Thủ tướng ra ứng cử mặc dù trước đó ở những diễn đàn cần thiết, chính thức Thủ tướng đã thẳng thắn tuyên bố xin rút không ứng cử?

Nữa.

Các hãng thông tấn nước ngoài trước thời điểm Hội nghị Sunnylands đã loan tin rộng rãi là Thủ tướng không tham dự Hội nghị sau đó lại đưa tin Thủ tướng tham dự? Thực hư việc này thế nào anh Ba?

( về câu hỏi này, tôi thấy chủ nhà cười nói luôn rằng có gì đâu. Mình nghĩ đã xin từ nhiệm đã và đang làm công việc bàn giao. Phó Thủ tướng, ủy viên Bộ chính trị Phạm Bình Minh gánh vác công việc ở Sunnyland cũng thích hợp. Vả lại vết thương cũ tái phát cái chân đau nên đi không tiện. Cũng nói thêm, đến đoạn này chủ nhà xin lỗi mọi người nhất là Thu Huệ, vén một bên áo để lộ một bên sườn chằng chịt những vết thương và đường khâu không được khéo thời trận mạc. Bỏ áo xuống chủ nhà lắc đầu với Chu Lai- thương tật hạng 2/4 đó nghe ông Phố nhà binh ạ. Với lại chủ nhà TT Obama mời nhiệt thành quá đi- Trong chuyện thấy Thủ tướng không nhắc lại thông tin mà truyền thông nước ngoài từng đưa là trực tiếp nhờ Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam mời đích danh Thủ tướng Việt Nam tới dự Hội nghị Sunnylands. Thủ tướng cười- sang đó công việc lu bu ấp tới, cái vết thương chân tự dưng không trở chứng nữa)

Và nữa.

Để ý thấy thủ tướng có thói quen và khẩu khí trong các hội nghị về đảm bảo nguyên tắc tự do hàng hải quốc tế và Chủ quyền chính đáng quốc gia, tại Sunnylands lần này, Thủ tướng đã chủ sộng đề nghị triển khai có hiệu quả Kế hoạch hành động ASEAN-Hoa Kỳ giai đoạn 2016-2020, gia tăng các hoạt động hợp tác, đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm. Trong cuộc gặp với Tổng thống Barack Obama, TT cũng đề nghị Mỹ có tiếng nói mạnh mẽ, hành động thiết thực hơn để chấm dứt mọi hành động thay đổi nguyên trạng Biển Đông... Xin Thủ tướng lý giải thêm những động thái được coi là quyết liệt của mình?

( Câu hỏi này hình như của Chu Lai hay Trần Đăng Khoa không nhớ nữa. Nhưng cái cười nhẹ của chủ nhà đại ý chủ quyền quốc gia lãnh thổ trong đó có Biển Đông luôn là cấp thiết là luôn mới không bao giờ cũ cũng như không được lơ là. Đã biết rồi cũng nhắc lại. Đã nói rồi nếu có cơ hội nên nói thêm. Dẫu riêng rẽ song phương hay đa phương hoặc tranh thủ song phương trong đa phương, trong công tác đối ngoại, chủ quyền quốc gia luôn luôn là nguyên tắc tối thượng. Bây giờ thế và sau này vẫn thế)

Vẫn chưa hết.

Xin Thủ tướng chia xẻ thông tin thêm về cuộc gặp riêng với Tổng thống Hoa kỳ Obama trong thời gian hơn 40 phút? Nhà trắng nhiều lần thông báo TT Obama sẽ đi thăm Việt Nam nhưng mãi đến thời điểm TT gặp Tổng thống, dư luận mới biết đích xác thời gian thăm Việt Nam chính thức là vào tháng 5 năm 2016?

vv…

Để ý hình như không có câu hỏi nào mà chủ nhà lảng sang chuyện khác việc khác hoặc thoái thác… Nhưng có những câu, có cách trả lời mà người trong bữa cơm mới hiểu, mới chợt nhận ra ngay hoặc sau đó? Có thể đọc được kết quả từ những cái cười đồng tình, xẻ chia cũng như cả thông cảm của chủ lẫn khách?

Cả những khoảng lặng mà chả nói ra, người trong cuộc cũng vỡ vạc ngay ra được?

Lại một tuần rượu mới…

Chớ nghĩ và tưởng cánh nhà văn vốn ngó lơ thời sự? Bằng cớ là cả đám tự dưng nhắc nhớ đến sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân tại La Hay Hà Lan năm 2014 xôm tụ lãnh đạo 53 quốc gia (trong đó có 14 Tổng thống và 1 Vua, 16 Thủ tướng, 4 Phó Tổng thống và 2 Phó Thủ tướng) Thời gian Hội nghị eo hẹp, nhưng chỉ trong một ngày tại diễn đàn đa phương ấy, TT Nguyễn Tấn Dũng đã tranh thủ các cuộc gặp với 20 nguyên thủ những Obama, Tập Cận Bình, Hollander, Shinzo Abe…

Nghe chủ nhà mới chỉ là dạng vắn tắt lại cuộc gặp và nói thêm chuyện các chuyên viên ngoại giao khi nhận lệnh của Thủ tướng phải khẩn trương tăng tốc cùng khôn khéo để kiến tạo thành công 20 cuộc gặp song phương ấy như thế nào… Chu Lai, Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa… đã vội chiếu cái nhìn về mấy nhà văn kiêm báo Hữu Ước, Như Phong… nói như chì chiết cái ý, rằng tại sao cánh nhà báo nhà văn ( nếu có) được phân công đưa tin về các vị lãnh đạo cùng những chuyến kinh lý đối ngoại ấy thì không hiểu sao toàn chỉ sản xuất ra những bài báo, tầm thường vô cảm.

Chu Lai vung tay chắc nịch. Lại trỗi lên chất giọng rổn rảng, cố hữu.

Phải là một nhà báo theo cái nghĩa mà ở các nước hiện đại người ta vẫn hiểu. Nhờ làm báo anh biết rất nhiều và có nhiều điều về chính mình không đợi khi về già mới chia sẻ với bạn đọc. Và rộng ra, chia sẻ với thời đại. Mà phải ngay bây giờ.

Giọng Thiều nối theo như rên.

Cũng khó nói lắm bởi ở đây bặt vắng đi lao động của một nhà văn…

Lao động của nhà văn? Chợt nhớ lần ấy ngồi với Vương Trí Nhàn, một ma xó của giới phê bình. Giọng lão Vương nhẹ mà nghe nặng nghư đá, đại ý thế này. Ngó ra thiên hạ, chung quanh các nhân vật quan trọng – các VIP - bao gồm từ các chính khách các nghệ sĩ lớn, các cầu thủ bóng đá, luôn luôn có những người đi kèm để viết tiểu sử của họ.

Nếu cắt riêng các đoạn viết về từng người, rồi gộp lại, và bổ sung như thế nào đó làm nên một chỉnh thể hợp lý, ta sẽ có một cuốn sách riêng, với giá trị riêng.

Nhưng ở ta, tình hình có khác? Các VIP càng ngày càng sống trong bí mật không muốn ai biết về cuộc sống riêng của mình?

Thiếu vắng hẳn lao động và kinh lịch của một nhà văn? Những kinh lịch đó phải được đưa, phải nhuyễn trong tác phẩm. Phải quán triệt một định đề rằng, giới nhà văn nhà báo phải coi việc viết về các VIP là nghĩa vụ trước lịch sử vậy!

Chung quanh các lãnh đạo của VN, cũng có bao nhiêu người từng là bác sĩ là thư ký riêng, là dân tay hòm chìa khóa luôn luôn phải lo phục vụ từ việc công tới việc tư. Nếu những người đó có cách nhìn riêng bản lĩnh riêng thu thập những hiểu biết về các vị VIP ấy, ngay từ trong chốn riêng tư thì chúng ta sẽ có bao nhiêu trang sách thú vị?

Cố nhiên, ở xứ mình điều đó không đơn giản? Thậm chí nguy hiểm? Nguyễn Khải từng kể với Vương Trí Nhàn là hồi hòa đàm ở Yalta sau Đại chiến thứ hai, sau khi họp kín với Churchill, Roosevelt, Stalin có nói với người phiên dịch của mình:

- Mày biết nhiều quá, tao muốn mượn luôn cái đầu của mày quá!

Người trong cuộc dễ chuốc lấy tai vạ khi viết. Nhưng công chúng thì hưởng lợi.

Nhớ lâu cái thở dài của lão Vương, một xã hội hiện đại là một xã hội trong đó người làm chính trị dù ở cấp nào cũng là một thứ công chức và cũng phải chịu sự quản lý của pháp luật.

Chợt nhớ cái câu hình như của Hải thượng Lãn ông thượng uyển oanh kiều đa đố sắc ( cái giống chim trong vườn thượng uyển là hay ghen ghét nhau về màu lông và giọng hót của nhau) Cũng nói cho ngay cho vuông, các nhà văn đây nói bạo mồm tí nhé, họ đâu phải là cái giống chỉ có hót? Mà khó có cái lồng hoặc khu vườn dẫu địa đàng nào đó nhốt được họ?

Nhưng hình như cái chân thành của chủ nhân, dường như với tư cách là một thủ lĩnh với mọi cung bậc khi là chủ chăn đàn chiên , khi anh em bàu bạn đã lan tỏa gắn kết họ một cách tự nhiên? Và qua cung cách chuyện trò cùng chủ nhân suốt mấy tiếng đồng hồ ở nhà 55 Phan Đình Phùng tôi thấy hết thảy chân thành. Âm hưởng là cầu thị và chan hòa, bao dung.

Lẩn thẩn nghĩ thêm, tôi chẳng dám cam đoan rằng hơi bị khó đấy nếu suốt mấy tiếng đồng hồ chỉ họ với nhau và với ai đó dẫu thức ngon rượu tốt thì khó mà có sự thành thực bao dung như mình vừa chứng kiến?

Có lẽ là lần cuối, cả bọn khi đã lên xe đều ngoái lại nhà 55 Phan Đình Phùng một lần nữa. Bởi hồi nãy trong bữa cơm, anh Ba có nói khi làm xong thủ tục bàn giao và được Quốc hội phê chuẩn thì trong tháng 4 cả gia đình anh Ba sẽ trở về Nam sau 22 phục vụ trên đất Bắc.

Ngôi nhà này nghe anh Ba nói sẽ có chủ mới.

Cũng là một người Nam.

Ông Võ Văn Thưởng.

Tiết Kinh trập ( sâu nở)

năm Thân

X.B

*Ảnh: Xuân Ba, Hữu Ước, Chu Lai, không biết ai, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thu Huệ, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Như Phong, Trần Đăng Khoa (trái sang)