Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

PHẬN NGƯỜI TRÔI NỔI

Vũ Từ Trang
Thứ năm ngày 31 tháng 3 năm 2016 6:40 AM




Chỉ còn ít ngày là đến tết Bính Thân, vậy mà họa sỹ Thế Hùng ra đi. Gia đình và bạn bè mong anh thêm một tuổi nữa, mà không được. Số phận buộc anh phải ra đi vào đúng năm tuổi bảy mươi ba. Sinh thời, Thế Hùng là người nhiều khát vọng, nhưng thực hiện khát vọng chả được bao nhiêu. Danh phận chưa được may mắn gì, vậy mà Thế Hùng ra đi, bạn bè văn nghệ vùng Kinh Bắc thấy thiếu hụt.
Tôi còn nhớ cái ngày hè cách đây đã hơn năm mươi năm. Thưở ấy, tôi là cậu học trò lễ mễ ôm giá vẽ, bột màu theo Thế Hùng và Minh Đạt vào thi trường Mỹ thuật công nghiệp. Tuy là hệ trung cấp, mà ngày đó thấy ghê gớm lắm. Cả vùng Kinh Bắc, dám thi trường mỹ thuật năm đó, dường chỉ có ba anh em chúng tôi. Minh Đạt và Thế Hùng sinh sống ở thị xã Bắc Ninh, có qua lớp học vẽ, chứ tôi ở làng quê vùng Từ Sơn, mộng thành họa sỹ là bột phát, bản năng, chứ nào được học hành kèm cặp gì. Khóa học năm đó, chỉ lấy vài chục người, trong số gần hai ngàn thí sinh. Rốt cuộc, cả ba chúng tôi đều trượt. Sau bữa cả ba ôm giấy vẽ, giá vẽ lỉnh kỉnh nhảy ô tô về quê. Tôi thì bỏ cuộc, chứ Thế Hùng và Minh Đạt vẫn quyết chí theo đuổi mộng làm họa sỹ. Số phận đã cột Thế Hùng và Minh Đạt mãi dính vào bút vẽ và màu sắc.
Cuộc thi lập nghiệp không thành, nhưng kỷ niệm về chuyến đi thi năm ấy, Thế Hùng và tôi không thể nào quên được. Thi thoảng gặp nhau, anh vẫn nhắc lại cái tiếng dương cầm trong đêm đầu tiên ngủ ở Hà Nội. Chả là, Thế Hùng và tôi cùng ở trọ nhà ông chú tôi, đầu phố Hàng Bột cũ (nay là phố Tôn Đức Thắng), sát Văn Miếu, để sớm sau cuốc bộ vào trường thi ở Đê La Thành cho gần. Gian buồng tầng trên căn buồng chúng tôi ở trọ, có cô gái chơi đàn pi-a-nô. Đêm đêm tiếng đàn thánh thót ngân lên, trong như tiếng suối, lấp lánh như những vì sao vời xa, làm hai chúng tôi xốn xang không ngủ được. Đấy là tiếng đàn trong trẻo mà da diết, vừa reo vang vừa nức nở, vừa xa xăm vừa gần gũi, làm tâm hồn cậu bé quê như tôi ngỡ lạc vào một thế giới huyền diệu, mà như tôi chưa bao giờ có được. Không chỉ riêng tôi, cả đêm ấy Thế Hùng bồn chồn. Tiếng đàn như bùa mê, lay động, đánh thức tâm trí, đưa chúng tôi vào một bầu trời cao sang và thánh thiện. Ngày ấy chúng tôi không rõ, sau này hồi ức lại, Thế Hùng và tôi bảo nhau, có thể là bản xô-nát của Mô-da hay Su-be chăng? Chả rõ. Nhưng sự huyền diệu, ngất ngây, nâng tâm hồn chúng tôi bay bổng khỏi mặt đất, là điều có thật, mãi mãi có thật trên đường đời sau này.
Sau cuộc ôm mộng trở thành họa sỹ không thành, Minh Đạt và Thế Hùng về Bắc Ninh lại cắp bút vẽ, giá vẽ đến họa sỹ già ở thị xã học kèm. Thầy Nguyễn Thuần, một họa sỹ kỳ cựu của Ty văn hóa, nhiệt thành kèm cặp một cách bài bản cho hai họa sỹ tương lai. Chính ông khuyên hai chàng trai nên đi học một nghề nào đó để có công ăn việc làm ổn định. Ông khuyên, việc theo đuổi hội họa, hãy coi như một nghiệp. Thế rồi, cả hai thi vào trường sư phạm. Học ra trường, cả hai không đi làm thầy giáo, mà nghiệp vẽ lại thôi thúc, lôi kéo cả hai đi một lối rẽ riêng.
Đận ấy, chiến tranh phá hoại vào kỳ căng thẳng. Đời sống thường nhật không cho phép ai sống mơ mộng hão huyền. Không được theo bạn bè khối phố khoác ba-lô ra trận, Minh Đạt quay về mở hiệu vẽ chân dung và truyền thần. Thế Hùng xin vào ngành giao thông, chuyên đi kẻ vẽ biển hiệu giao thông, tô vẽ các cột cây số trên các ngả đường rầm rập xe qua. Thế Hùng cảm thấy tự hào, vì được tham gia công việc nhỏ bé bên đường các chiến sỹ ra trận. Hàng trăm, hàng ngàn biển hiệu lệnh và các cột cây số giúp cho người tham gia giao thông đến đích, nhưng Thế Hùng lại không đến được đích của chính cuộc đời mình.
Sau giờ phút bận rộn với công việc ngành giao thông, Thế Hùng lại trần lưng vẽ. Ngoài việc vẽ ký họa các công nhân cầu đường, Thế Hùng vẽ những đoàn xe ra trận với lỉnh kỉnh súng đạn. Vẻ mặt các cô gái mở đường, duy tu cầu đường, các chàng lính trẻ bừng bừng khí thế. Một loạt ký họa này, đã đánh dấu tâm trạng và nhiệt huyết của Thế Hùng. Anh háo hức cùng bè bạn vẽ tranh áp phích, cổ động để phục vụ kịp thời. Rồi Thế Hùng vẽ rất nhiều tranh phong cảnh. Những xóm làng, dòng sông, triền núi nơi anh đã qua. Thế Hùng vẽ rất đẹp những nếp nhà sàn. Những nếp nhà sàn vừa hoang hoải vừa bình yên ở Yên Thế, Lục Nam, Lục Ngạn, đã cho Thế Hùng những cảm xúc dạt dào và ấm áp. Bạn bè tấm tắc khen những bức tranh nhà sàn mà Thế Hùng thể hiện. Đa phần là tranh thuốc nước, hiếm có tranh sơn dầu. Điều kiện kinh tế giai đoạn đó chỉ có thế thôi, nhưng cảm xúc trong tranh dào dạt, không lẫn được. Tiếc là những tranh vẽ ngày đó, không còn lưu giữ được. Thời điểm ấy, các họa sỹ vẽ tranh toàn tặng bạn bè, chưa có trào lưu bán cho các nhà sưu tập hay các bảo tàng mỹ thuật như bây giờ. Tôi chả hình dung mấy chục bức tranh nhà sàn Canh Nậu của Thế Hùng vẽ, bây giờ ở đâu? Còn hay mất? Số phận các bức tranh, như chính cuộc đời anh, mãi trôi nổi.
Công việc phục vụ giao thông lang bang nay đây mai đó, lại kèm máu nghệ sỹ tang bồng của Thế Hùng luôn trỗi dậy, bạn bè đã định cho anh cái tên “Hùng trôi” tự bao giờ. Thế Hùng mê rượu và dần nghiện rượu khi nào không hay. Có phải những ngả đường ngút ngát, cuộc sống xê dịch đó đây, hay sự cô đơn vui buồn thất thường, khiến Thế Hùng càng đắm mình vào rượu. Một dạo, bạn bè thấy vẻ mặt anh rã rượi, cặp mắt luôn đỏ ngầu. Rồi cái tính ngang tàng, bất cần thưở nào, dần biến mất. Thay vào đó là tính cách yếu đuối, tự ti trỗi dậy. Hễ gặp bạn bè, có chén rượu, anh lại khóc. Vừa khóc, vừa tự thán, chửa làm được gì xứng đáng. Lại hay nhắc chuyện ngày trước. Ngày trước, tuổi trẻ bồng bột và mộng mơ, ôm bút và giá vẽ đi thi mỹ thuật chả biết sợ gì. Lại nhớ tiếng đàn pi-a-nô thánh thót, cao sang thưở ấy. Cuộc đời trôi nhanh. Mọi kỷ niệm trôi nhanh. Tự anh thấy mình như cột cây số mà mình vừa tô vẽ, đứng ngẩn ngơ bên rìa đường nhìn dòng người trôi qua. Anh đã kẻ vẽ bao nhiêu biển hiệu để định hướng, chỉ dẫn cho bao người đi đúng hướng. Đã tô vẽ bao cột cây số, để bao người đi tới đích. Nhưng anh không chỉ được lối đi cho mình , không đến được cái đích khát vọng của mình.
Đời sống cơm áo cũng không coi nhẹ nữa. Bạn bè thấy bao năm Thế Hùng chả khá lên được, vẫn chiếc xe đạp tã, vẫn bộ quần áo bạc màu, vẫn cái mũ lá tuột vành, vẫn dáng đi xiêu vẹo, nhà cửa cho vợ con chưa lo được. Minh Đạt liền bày kế cho Thế Hùng mở quán vẽ sinh nhai. Độ ấy, việc vẽ cuốn thư, câu đối phục vụ bà con nông dân ngày tết còn dễ kiếm tiền, Minh Đạt sốt sắng mang tất cả dụng cụ hành nghề của mình nhường cho Thế Hùng. Thế Hùng vốn là tay hành nghề nhanh. Rồi cũng có được đôi đồng tiền giúp vợ con. Rồi một mái nhà lá dựng lên trên rẻo đất cơ quan vợ. Thế Hùng bớt mặc cảm mình là người vô tích sự. Anh trở lại giao du với bạn bè văn nghệ. Đám anh em làm thơ, viết văn, vẽ vời, nặn tượng ở cái vùng sông Cầu sông Thương quá thuộc nhau và cũng rất thương nhau, ai cũng cổ xúy Thế Hùng dốc sức làm vài bức tranh để đời. Thế Hùng lao vào vẽ ngày vẽ đêm. Anh đã có tranh treo trong các cuộc triển lãm của địa phương và khu vực. Nhưng Thế Hùng vẫn chưa dựng được những tác phẩm hội họa thực khao khát của mình. Hình như cuộc chơi lỡ nhịp. Hoặc có phải vì lao vào vẽ vời kiếm sống lâu quá, nay lấy lại sức dựng một vài tác phẩm theo ý tưởng hoành tráng, anh không còn đủ sức. Nghệ thuật, vốn là cuộc chơi vô cùng nghiệt ngã. Trong lúc bạn bè như Đỗ Chu đã nổi tiếng như sao băng trên văn đàn. Anh Vũ, Lê Liên, Nguyễn Thanh Kim, Trần Anh Trang, Duy Phi, Đỗ Nhật Minh…người này người kia mở triển lãm riêng, người dựng tượng đài đồ sộ, người xuất bản tập thơ này, tiểu thuyết kia, thì Thế Hùng chưa làm được gì thỏa khát vọng của mình. Anh em ai cũng bảo, Thế Hùng là người nhiều hoài bão, có năng lực, mà nội lực để đi đường dài, lại như người đuối hơi. Anh em tiếc cho Thế Hùng quá. Rồi Hùng lao vào với rượu nhiều hơn. Tưởng rằng rượu giải khuây, ngờ đâu, rượu đổ bệnh cho anh.
Thế Hùng sinh chán nản. Một dạo, thấy anh trần lưng xoay xuở vẽ kiếm sống. Có dạo, anh chịu khó thồ từng dây bát sứ, sản phẩm của xí nghiệp nơi vợ anh làm, đem bán cho bà con nông dân, kiếm đôi đồng tiền công mọn. Cái đận hàng hóa khan hiếm, phân phối tem phiếu ấy, thì những việc làm cần mẫn của Thế Hùng, cũng tạo thêm đồng tiền mua điếu thuốc lá, chén rượu đãi bạn, hoặc thêm tiền rau dưa giúp vợ con. Ấy rồi, Thế Hùng chán tất cả. Anh thành người phẫn trí. Một bữa, anh cùng mấy anh em văn nghệ Bắc Giang về Hà Nội tìm tôi. Gặp nhau, lại tâm sự dự định dựng vài tác phẩm hội họa lớn. Tôi hỏi anh, chúng tôi có thể giúp gì được? Anh bảo cơ sở vật chất thì lúc này không cần, đã lo đủ. Chỉ cần anh em cổ vũ tinh thần. Nghệ thuật, đôi khi là tiếng chim gọi bầy. Ai cũng động viên. Ai cũng tin những hoài bão của anh. Nhưng rồi anh lại xoa mặt khóc. Lại nhớ và tiếc nuối tuổi trẻ ngày nào. Nhớ tiếng đàn pi-a-nô được nghe mấy chục năm về trước, ngày đi thi mỹ thuật. Thời gian có quy luật riêng, cứ lặng lẽ trôi, chả chờ đợi ai. Thế Hùng đùng đùng bỏ về đêm ấy. Anh bảo rằng chả ai hiểu anh, Về ngay xứ Bắc để vẽ đây. Thế rồi anh về thật.
Mấy anh em mãi sau này mới rõ, bệnh trọng đã ủ trong người anh rồi. Căn bệnh quái ác hành hạ. Anh trở về ngôi nhà nhỏ ở bìa phố Bắc Ninh, căng toan, lấy màu ra vẽ. Nhưng cánh tay rã rời không cầm nổi bút vẽ nữa. Anh thấy mình bất lực với chính mình. Rồi anh chán nản, sống co mình lại. Một buổi chiều oi bức, mấy anh em chúng tôi về Bắc Ninh thăm anh. Ngôi nhà nhỏ chìm trong ngõ nhỏ. Thế Hùng ngồi lặng im. Một con người từng tung hoành xuôi ngược với nhiều ước vọng, nay đổ bóng bã bời nơi góc nhà. Rượu là ngôn ngữ thường nhật, rồi anh cũng chả thiết. Câu thơ mà anh thường ngâm nga “Sông Thương bên cạnh mà ta khát” cũng chẳng còn an ủi được anh nữa. Thế rồi anh ra đi trong sự lặng lẽ. Những người bạn chí cốt, tiếc cho khao khát cầm bút vẽ của anh, chưa bao giờ được trọn vẹn. Sinh thời, bạn bè vẫn qúy mà gọi anh là “Hùng trôi”. Nhưng trong giây phút anh trôi mãi vào cõi vô định, thì không ai nỡ nhắc lại cái tên “Hùng trôi” đã vận vào đời anh. Những người bạn lặng lẽ truyền tin nhau “Thế Hùng đã ra đi. Họa sỹ Thế Hùng đi rồi. Tiếc cho một phận người! ”
Trang Liệt, 1-3-2016
Chú thích ảnh 1: Chân dung Thế Hùng, do họa sỹ Minh Đat vẽ