Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Cái mới thật quan trọng, nhưng...

Hoài Phố
Chủ nhật ngày 11 tháng 1 năm 2009 6:49 PM
 
Nếu như các tập thơ của giải Bách Việt được sự đồng tình của hầu hết bạn đọc, thì riêng Đỗ Trí Vương, nhà thơ trẻ sinh năm 1990 tại TP HCM lại gây ra ít nhiều tranh cãi. Bởi Đỗ Trí Vương đã không mang đến một ngôn ngữ thơ đẹp giản dị theo phong cách truyền thống. Một số người cho rằng, đã là văn học hậu hiện đại chính là sự phá vỡ mọi quy tắc chuẩn mực của truyền thống để tìm lối đi mới. Nhưng, rất nhiều người lại cho rằng, dù hậu hiện đại hay không không quan trọng, thơ phải hay và có mỹ cảm.
 
Sáng 10/1, giải thưởng Thơ Bách Việt đã được trao cho tác giả Trần Tuấn với tập thơ Ma thuật ngón. Khép lại một năm theo đuổi giải thưởng thơ tư nhân, Bách Việt gần như người độc hành trong việc vinh danh thơ, một lĩnh vực mà không một doanh nghiệp nào tha thiết trong nhiều năm qua. Giải Thơ Bách Việt 2009 vẫn được tiếp tục duy trì và Bách Việt còn tiếp tục mở giải thưởng tiểu thuyết. Dường như Bách Việt đang muốn xây dựng hình ảnh của mình qua những giải thưởng văn chương hơn là đi vào kinh doanh thực chất. Dẫu vậy, nhiề u người vẫn hồ nghi về tính công bằng của những giải thưởng do doanh nghiệp tổ chức…
Giải thưởng Thơ Bách Việt và những tranh cãi xung quanh vẻ đẹp của ngôn ngữ
Như một kẻ trên đường, thơ Trần Tuấn khao khát một cuộc tạo sinh mới, bằng cách đi tìm những tương hợp mới, những tương hợp giữa thực với siêu thực, hữu thức và vô thức nhằm mở ra một dang dở kêu đòi chắp nối, một cũ càng đòi được thanh tân. Đọc Trần Tuấn, có lẽ người đọc ít nhiều chia sẻ nỗi khổ của người viết khi thường trực phải kêu lên đơn giản tôi là rối rắm, phức tạp, là hỗn độn mờ nhoè.... Khổ vì phải mang vác bao nhiêu nghĩa vụ bảo tồn với lớp người trước, khổ vì phải đắn đo trước hấp lực cần xác lập một trật tự mới - trật tự phi trật tự của lớp trẻ đương thời. Đọc Ma thuật ngón, vì thế ta thấy khi thì tác giả có vẻ như muốn giải tác giả, để sự vật, hiện tượng tự lên tiếng hòng phá vỡ giọng điệu cao đạo cũ, khi thì tác giả buộc phải lộ diện trong lớp áo cũ hòng thoát khỏi nguy cơ đồng nhất hoá bởi sự giễu nhại, sự tái chế văn bản được phổ cập hoá trong thời buổi tiêu dùng…
 
Ma thuật ngón có sự giễu nhại, sự tái chế ngôn ngữ vỉa hè nhưng hơn hết là sự hoán đổi các sự vật, hiện tượng, âm thanh, hình ảnh như những tác phẩm trừu tượng - biểu hiện của giới mỹ thuật. Ma thuật ngón mở ra những lo âu, những trạng thái nhân sinh dở cười dở khóc ít nhiều có giá trị thanh tẩy để mỗi người tự đọc theo cách của mình. Ma thuật ngón cũng nói về sự rỗng,  triết lý của cái nhạt, sự rỗng không để lấp đầy mà để cái đẹp vụt hiện, cái đẹp của sự bất định, bất toàn. Ma thuật ngón là sự làm mới tự bên trong - tạm gọi là nội dung thơ - dẫu tác giả đã cố đặt định cách thức làm mới ở một số dấu hiệu tân hình thức như in đậm, in rời, đóng khung các con chữ.... Ma thuật ngón tự thân cũng hàm chứa nhiều hạn chế như có lúc, có nhiều lúc tác giả làm người đọc mệt mỏi khi sa đà vào triết luận - tạm liên tưởng đến chữ nhà Phật gọi là cơ tâm,  rằng có lòng thành nhưng hơi trình diễn. Thơ Trần Tuấn không vui, đã đành nhưng một dư vang buồn cho cả tập thì quả nhọc lòng. Thơ cũng cần phải hân hoan, phải gọi mời mọi người vui sống chứ - Hội đồng thẩm định đã nhận xét về tập thơ đoạt giải nhất thơ Bách Việt 2008 như vậy.
Dẫu có nhiều hạn chế, nhưng đây được coi là tập thơ trọn vẹn hơn cả so với hơn 300 tập thơ được gửi về tham dự giải thưởng này. Nhà thơ Phùng Tấn Đông, thành viên Hội đồng thẩm định cho biết, dấu vết hậu hiện đại hiện rõ trong cả 5 tập thơ vào chung khảo của Bách Việt (Những ngọn triều nhục cảm - Đỗ Doãn Phương, Đêm và những khúc rời của Vũ - Lê Vĩnh Tài, Ma thuật ngón - Trần Tuấn, Mỗi quốc gia một thành phố của thế giới - Nguyễn Thế Hoàng Linh, Thức ăn của ngày hôm nay - Đỗ Trí Vương), điển hình nhất là yếu tố giễu nhại. Trần Tuấn là tác giả lớn tuổi nhất trong số 5 tác giả lần này, anh sinh năm 1967 tại Hà Nội, hiện đang làm đại diện cho một tờ báo tại Đà Nẵng. Đắm đuối với thơ khá nhiều năm và quá nửa thời gian trong ngày anh dành cho thơ. Giải Thơ Bách Việt 2008 là giải thưởng thơ lớn nhất của anh.
 
Nếu như các tập thơ của giải Bách Việt được sự đồng tình của hầu hết bạn đọc, thì riêng Đỗ Trí Vương, nhà thơ trẻ sinh năm 1990 tại TP HCM lại gây ra ít nhiều tranh cãi. Bởi Đỗ Trí Vương đã không mang đến một ngôn ngữ thơ đẹp giản dị theo phong cách truyền thống. Một số người cho rằng, đã là văn học hậu hiện đại chính là sự phá vỡ mọi quy tắc chuẩn mực của truyền thống để tìm lối đi mới. Nhưng, rất nhiều người lại cho rằng, dù hậu hiện đại hay không không quan trọng, thơ phải hay và có mỹ cảm.
Nhà báo Ngô Bá Lục (Báo VnMedia) tỏ ra băn khoăn với hội đồng thẩm định của giải thưởng này, vì đọc thơ của Đỗ Trí Vương, tần suất xuất hiện của những từ hơi cấm kỵ trong thơ ca Việt Nam xưa nay như tử cung, phân… quá nhiều. Nó gây cảm giác… không sạch sẽ, hơi thiếu mỹ cảm và dễ bị coi là dung tục. Và anh băn khoăn, vậy thì phải chăng đây đang là sự cổ xúy cho cách viết thơ như vậy? Nhà thơ Thy Hoàng cho rằng, ban thẩm định đã cân nhắc đến yếu tố đặc biệt này của Đỗ Trí Vương nhưng xét thấy đây là người có nội lực và hy vọng ở chặng tiếp theo trên con đường thi ca của anh.
Nhà thơ Giáng Vân thì cho rằng, Đỗ Trí Vương làm thơ từ năm 16 tuổi và chị liên tưởng tới hình ảnh nhà thơ Chế Lan Viên với tập Điêu tàn. Chị cũng khuyên người đọc nên bình tĩnh và mở rộng biên độ cảm nhận với thơ Đỗ Trí Vương để có được những góc nhìn mới hơn. Còn nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái thì lại cho rằng, việc ban thẩm định đã trao một giải thưởng cho tác phẩm nào đó thì phải biện minh cho giải thưởng đó một cách kỹ càng. Ban thẩm định có quyền trao giải theo cách của mình, thì bạn đọc cũng có quyền cảm nhận và phán xét theo cách của họ. Không thể bắt ép bạn đọc hiểu theo ý của ban thẩm định và không thể bắt tất cả mọi người phải yêu trọn vẹn một tác phẩm.
Nhưng có lẽ, ý kiến của nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến được nhiều người đồng tình nhất. Ông trích dẫn lời một nhà thơ nước ngoài: Với văn học hậu hiện đại hay hiện đại không quan trọng, phá cách cũng không quan trọng, mà điều cốt lõi là thơ phải có tính nhạc hiện đại, đó chính là sự khó khăn nhọc nhằn của thơ trẻ. Thêm nữa, thơ phải có được sự kết hợp giữa cái mơ hồ và cái chính xác. Đọc nhiều tập thơ bây giờ, ông không tìm được điều ấy, nhiều tập mơ hồ nhưng chưa chính xác, còn rất nhiều thứ chính xác nhưng lại chẳng mơ hồ. Một người viết chạm được cái đích của hậu hiện đại, chính là đưa được nhạc pop vào văn chương nhưng vẫn giữ được sự cao sang. Đó là điều đang khó kiếm trong các tác phẩm văn học thời gian gần đây
Xã hội hóa giải thưởng văn học- bước chân vào cánh cửa hẹp
Nếu như các giải thưởng tôn vinh các mặt hàng, doanh nghiệp, nghệ nhân, dịch vụ… còn được bầu chọn thông qua các hệ thống tin nhắn hay những chiếc cúp vàng, cúp bạc trao cho hàng trăm doanh nghiệp mỗi năm cho thấy hệ thống giải thưởng do các doanh nghiệp tư nhân tổ chức ngày càng rầm rộ (đến mức có những doanh nghiệp tỏ ra hoảng sợ với giải thưởng), thì giải thưởng tư nhân cho các lĩnh vực văn học nghệ thuật mới chỉ manh nha trong 3 năm trở lại đây.
Với thơ, thì giải thơ nữ Lá trầu đã bắt đầu bằng tập Bay lặng im của Trang Thanh rồi đóng cửa với lý do không tìm được nhà tài trợ. Giải thưởng Thơ Bách Việt 2008 được một công ty xây dựng tài trợ với mức kinh phí khá khiêm tốn. Và năm 2009, giải thưởng này vẫn được duy trì nhưng nhà tài trợ vẫn còn bí mật. Nhưng Bách Việt tham vọng tổ chức giải thưởng tiểu thuyết năm 2009 với giải nhất lên tới 40 triệu đồng.
Ông Lê Thanh Huy, giám đốc Bách Việt Books cho biết, năm 2010 công ty sẽ tiếp tục tổ chức giải thưởng văn học dịch và năm 2011 sẽ là giải lý luận phê bình. Cho dù có tài trợ hay không, chúng tôi cũng cố gắng duy trì các giải thưởng này. Xét về góc độ kinh doanh và lợi nhuận thuần túy, đây không phải là các giải thưởng hấp dẫn các nhà tài trợ vì mức độ quảng bá không mạnh bằng các hoạt động biểu diễn. Nhưng có vẻ như Bách Việt đang muốn xây dựng thương hiệu bằng những giải thưởng văn học, song hành cùng mảng sách kinh doanh mà công ty này đã tạo được uy tín, có doanh thu tốt. Xét từ góc độ này, theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Minh Thái, thì các giải thưởng của Bách Việt là điều cần trân trọng. Nó sẽ thúc đẩy văn học Việt Nam. Và nếu nó được thực hiện tốt, sẽ tạo ra một điểm nhấn quan trọng trong thời buổi giải thưởng văn học nghệ thuật phát triển rất là hỗn loạn.
Không ai không mong chờ những giải thưởng của Bách Việt bội thu bằng những tác phẩm xứng đáng. Nó sẽ là một kênh quan trọng trong việc bình xét và đánh giá các tác phẩm văn chương bên cạnh các giải thưởng truyền thống của Hội Nhà văn. Nhưng, các giải thưởng này sẽ duy trì được phong độ trong bao lâu, đó lại là vấn đề cần phải cân nhắc và chờ đợi. Bởi, nói như nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, hội đồng thẩm định nào thì giải thưởng ấy. Nếu hội đồng làm việc nghiêm minh, sẽ cho những giải thưởng ý nghĩa và xứng đáng và ngược lại. Nhưng nghiêm minh hay không, công bằng hay không, với văn học nghệ thuật (vốn thiên về cảm nhận), là điều không thể đong đếm được.
Việc tranh cãi xung quanh tập thơ của Đỗ Trí Vương tại lễ trao giải Thơ Bách Việt 2008 cho thấy có sự khác biệt trong cảm nhận của Hội đồng thẩm định và một số bạn đọc và chắc chắn nó sẽ có những dư luận xung quanh. Điều này không có nghĩa là Hội đồng thẩm định quá ưu ái Đỗ Trí Vương, hay giải thưởng này thiếu công bằng. Nhưng nó đặt ra một vấn đề, khi các giải thưởng văn học xã hội hóa được hoàn toàn thoát khỏi cơ chế bao cấp và xóa đi những lùng nhùng của việc bè phái trong chấm và trao giải, thì nó đòi hỏi những người thẩm định phải có đôi mắt xanh và có trình độ cao hơn rất nhiều. Để làm sao chọn ra được cái mới (bởi đó là mấu chốt giúp thúc đẩy văn chương phát triển), nhưng cái mới ấy phải thực sự là sáng tạo và mang ý nghĩa bước ngoặt. Và cái mới ấy, chỉ mới không chưa đủ, nó có mang lại điều gì cho người đọc hay không, mới là việc sống còn…
 
Nguồn: CAND Chủ Nhật ngày 11-1-2009