Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Từ các giải thưởng văn chương, vài câu hỏi ngỏ

Nhã Thuyên
Chủ nhật ngày 11 tháng 1 năm 2009 9:55 AM

 

Cách đây hai năm, sự xuất hiện của giải thơ Lá Trầu nhằm tôn vinh thơ nữ đã ra mắt đẹp lòng người. Năm 2008, giải thơ và đến nay, giải văn xuôi Bách Việt đã/đang làm bận rộn hơn góc đời sống các giải thưởng văn chương ở Việt Nam. Vậy là bên cạnh giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam, Hội nhà văn Hà Nội, các cuộc thi trên báo chí trong nước theo từng giai đoạn, chủ đề như thi truyện ngắn báo Văn nghệ quân đội, thi thơ, tác phẩm tuổi xanh, bút mới.…có thêm các giải thưởng của nhà sách và tổ chức tư nhân, khiến cho nhiều người mừng lo về sự “xã hội hóa” “tư nhân hóa” các giải thưởng. Có thể quan sát thấy, nhìn ra thế giới với đủ loại giải thưởng lớn nhỏ khác nhau, giải thưởng văn chương ở Việt Nam chẳng thấm tháp vào đâu. Và càng nhiều giải thưởng, người viết càng nhiều khả năng được khuyến khích và cũng chứng tỏ hoạt động văn học đa dạng hơn, sống động hơn. Tuy nhiên, điều cần thiết không phải là ca ngợi/phê phán hay lo lắng mất công về những sự tồn tại của nó, mà công chúng muốn đặt ra những câu hỏi, để tìm hiểu những vấn đề cần thiết, cốt lõi là: giải thưởng có thể kích thích được sáng tạo văn chương hay sẽ làm láo nháo thêm đời sống vốn lùng bùng thật – giả? Giải thưởng thế nào để trở thành một nét đẹp văn hóa? 

Giải thưởng thơ và sự sống của thơ ca 

Câu hỏi cho giải thưởng tư nhân: Có nên lo chết yểu? Lá Trầu của quỹ Eva trao một lần rồi tuyên bố “tạm ngừng” khiến thơ nữ chưa kịp chín duyên đã hơi thấy…bẽ bàng. Nhưng thành quả in ấn hàng loạt tập thơ, trình bày và ra mắt đẹp đã đóng một con dấu đẹp không thể phủ nhận trong đời sống văn chương. Nhìn lại hơn chục năm trước, nhiều người còn nhớ đến những giải thưởng tư nhân đầu tiên, dù chỉ có tính tượng trưng, tinh thần và ngẫu hứng, đã từng xuất hiện: giải cho nhân vật đóng góp đáng kể trong hoạt động phê bình văn hóa văn học được trao cho Giáo sư Trần Đình Sử, các giải thơ như Hoa Lạ, Thanh Xuân do Nguyễn Quang Thiều tổ chức phát hiện ra một số cây bút như Ngân Hoa, Nguyễn Vĩnh Tiến, Tường Vân… Tuy nhiên, những giải này cũng chết yểu và chưa có hoạt động quy mô như bây giờ. 

Nguyên nhân chết yểu ư? Có thể nói đến lí do tài chính. Nhưng nó không phải là tất cả, hay đúng hơn, chỉ là một hệ quả. Hệ quả của việc chính bản thân nó chưa tạo ra hiệu ứng xã hội đủ mạnh. Tất nhiên, có thực tế là, trong đời sống biến đổi đa dạng và mạnh mẽ như hiện này, văn chương (và nhất là thơ ca) có vẻ chỉ canh tác trong khoảnh nhỏ. Nhưng cũng phải thấy nguyên nhân từ chính bản thân nó: Một cuộc sống thiếu văn chương và thơ ca có thể thiếu đi một chất kích thích, nhưng nói ngược lại, chính thơ ca/người làm thơ phải thách thức với khả năng bê tông hóa càng lúc càng cao của cảm xúc. Các tập thơ xuất hiện ào ạt, nhưng trung bình, nhàn nhạt, khiến người đọc thờ ơ. Có thể đợi những yếu tố bên ngoài chỉ đủ làm náo động bề mặt mà thay đổi được số phận của thơ ca không?  

Quan hệ giữa giải thưởng và việc thẩm định/phát hiện giá trị tác phẩm, cùng với sự quan tâm của công chúng là không thể không lưu tâm. Người ta thường kêu than rằng không có người còn đọc thơ. Tại sao liên tục có các giải thơ, các hoạt động về thơ mà thơ vẫn mất giá? Tại sao thơ in ra đều đều mà vẫn không thể thoát khỏi kiểu phát hành biếu - tặng – cho – xin hoặc nằm chờ, trong khi không thể phán quyết giá trị của nó là kém /không ngang bằng nhiều tác phẩm khác, ví dụ ở lĩnh vực văn xuôi? Có phải các nỗ lực cho thơ là công cốc? Là do tác giả? Là do độc giả thờ ơ? Là do chưa có sự phát hiện và ghi nhận thực sự? Người viết và độc giả đều biết rằng, thơ ca không bao giờ là của cả thế giới. Ngay cả các nhà phê bình cũng khó lên tiếng bênh vực cho thơ, bởi họ cũng chỉ là người đọc và thơ đến với họ trong những lúc nào đó. Đã qua thời Homere kể chuyện rong ruổi hay nhân dân cả nước Việt Nam cùng đọc thơ cổ động dân công hay hò kéo pháo. Thơ thuộc về các nhóm, các cá nhân, đó là một điều nằm ngay trong bản chất thơ. Thơ ca chỉ có thể đi qua “khung cửa hẹp”. Nó sẽ chẳng thuộc về ai hò hét rằng thơ cần được cả - xã – hội – lưu – tâm. 

Sự thật là, nên lo sống hơn lo chết yểu. Sự sáng tạo đa dạng, bề bộn hiện nay khiến người viết không tránh khỏi cảm giác mòn mỏi và bế tắc giải pháp bứt phá. Nhưng đâu phải có các giải thưởng sẽ có tác phẩm hay? Có người đã so sánh văn chương với không khí của đời sống âm nhạc: “Bài hát Việt” mở ra đã 4 năm nhưng chưa chắc năm nay đã có bài hay. Cũng không nên phàn nàn sao (thế mà) công chúng không biết, không quan tâm (đến giải thưởng/tác phẩm). Phải làm sao để những giải thưởng (dù là giải thường niên của nhà nước, hay giải tư nhân được lập ra với mục đích ban đầu là tìm bản thảo và quảng bá thương hiệu, hay bất cứ mục đích nào đi nữa) có thể góp phần kích thích không khí sáng tạo. Càng có nhiều giải thưởng cạnh tranh nhau (một cách vô tư, không eo sèo) thì sẽ càng kích thích. Có nhiều giải thưởng mở ra, đời sống văn học cũng thêm được phần nào náo động, trước hết, từ tâm lý người viết: sẽ bớt đi mặc cảm “văn chương hạ giới (Việt Nam) rẻ như bèo” mà chuyên tâm và vô tư sáng tạo hơn chăng? 

Giải thưởng, nên đợi gì? 

Chắc chắn rằng, giải thưởng nào cũng chỉ có tính tương đối. Và không ai kì vọng vào một giải thưởng át tiếng nói của những giải thưởng khác. Sự cạnh tranh chỉ nên được nhìn và được đối xử như một chất kích thích không – khí – sáng – tạo. Tôi nghĩ cũng là bất công nếu mỉa mai một tác phẩm được giải chưa đúng tầm hay chưa như người đọc trông đợi, bởi thực chất, các giải thưởng và các cuộc thi chỉ có ý nghĩa với chính những người tham gia nó, mọi eo sèo bên ngoài đều là cách nhìn thiếu hợp lý hợp tình với kẻ -(chịu)- chơi.  

Vậy, vấn đề là, làm thế nào để có những giải thưởng uy tín (chọn được và đưa được tác phẩm hay đến công chúng)? Hoặc lí giải xem, tại sao nó chưa chọn được tác phẩm hay?  

Nếu một cuộc thi không có tác phẩm dự thi nào khả dĩ thì đành chịu, lỗi chẳng phải chỉ ở giải thưởng. Tất nhiên, đó là một giải thưởng – thất bại. Nó không xứng tầm để người viết có hứng dự thi hoặc người viết quá dở để đạt giải. Và có lẽ, những người góp phần cầm cân nảy mực những mùa giải (nhà nước/tư nhân) đều cần công bằng với chính cảm nhận đọc của mình để trao giải/không trao giải/thậm chí không có bất cứ một giải thưởng nào…

Nhiều năm trước, giải thưởng Hội nhà văn vẫn là niềm mơ ước của bao nhiêu thế hệ cầm bút, vì lí do gì, đến nay, nhiều người viết thẳng thắn khẳng định không – hướng – đến nó, và nhiều người từ chối những tặng thưởng của Hội? Không thể phủ nhận nó đã mất đi ít nhiều sức hút. Giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội còn xôn xao được ít nhiều, mà giải của Hội to, thì đến cả năm sau, người ta mới biết/vẫn chẳng biết tác giả, tác phẩm được giải, cũng chẳng hề biết tiêu chí chấm giải ra sao, có đổi thay gì qua các năm, những tác phẩm cuối cùng lọt vào là như thế nào theo từng giai đoạn hay chỉ là những giải – an – toàn và mang tính giải pháp.v.v.  

Vậy là, sự nhanh nhạy trong thông tin và truyền thông cùng với sự cởi mở, có những dấu hiệu trẻ trung của các giải tư nhân làm cho giải thưởng của họ “vui” và rộn ràng hơn nhiều, đến nỗi nó như thành sự kiện trên báo chí với đủ mừng lo. Dẫu chưa thể thấy được ở giải thơ văn Bách Việt và Lá Trầu một hiệu ứng được – lòng – công – chúng khi tác phẩm ra đời như giải thưởng văn học tuổi 20 của NXB Trẻ, chẳng hạn, nhưng nó đã là một sự kích thích quý. Tất nhiên, người ta còn chưa hết băn khoăn: ban thẩm định làm việc ra sao, có khiến người viết háo hức tham gia không? (Điều này sẽ liên quan đến việc ban thẩm định của các giải thưởng này có thể hiện vai trò chủ động khuyến khích người tham gia với sự tự tin khẳng định con – mắt – xanh của họ không, và đằng sau đó, là sự ứng xử của các công ty tư nhân dành cho lao động của họ như thế nào để có thể là một cuộc chơi vô tư, hết mình).Tiêu chí chấm giải cụ thể như thế nào? Mục đích của giải thưởng ra sao? Có tính đến thị hiếu của công chúng không? Độc giả tham gia như thế nào vào quá trình các tác phẩm dự giải đến lúc công bố giải thưởng? Hay chỉ là những bản thảo gửi đến, đôi ba cuốn sách được in, được thông báo sơ sài với những lời giới thiệu được cắt vừa các bài báo nhỏ, vài bài phỏng vấn nhạt nhẽo và kết thúc là một giải thưởng như phó mặc mọi sự rủi may? Các giải thưởng có giá trị vật chất và tinh thần tốt đẹp này lại chưa được công chúng chờ đợi, cùng nhìn nhận và đặc biệt là “săn lùng” tác phẩm sau giải thưởng một phần bởi thế? 

Tất nhiên, nguyên nhân gây hiệu ứng chưa rộng rãi (của các loại giải) cũng một phần từ bạn đọc. Bạn đọc chưa đủ công tâm và nhiệt tình. Bạn đọc chưa có thói quen quan tâm đến những vấn đề chung. Và nhất là chưa có một đời sống phê bình, thảo luận tác phẩm một cách thẳng thắn. Do đó, cái cảm giác giải thưởng và việc phát hiện/thẩm định giá trị tác phẩm nhiều khi vênh lệch rõ ràng, chẳng ăn nhập gì với nhau và với sự quan tâm của công chúng, nhất là công chúng thơ – vốn không nhiều lời.

***

Việc tạo ra uy tín cho một giải thưởng văn chương là rất khó. Bản thân nó (hay là ban tổ chức) phải tự đặt kì vọng cho chính giải thưởng thành một bà đỡ văn chương, thì tự nó mới đem lại vẻ đẹp và sức hút. Việc này càng khó hơn với các công ty tư nhân, chính họ phải bằng cách của mình, xóa đi cảm giác làm - ăn xổi và trở thành những giải thưởng có ý nghĩa phát hiện thực sự (chứ không phải chăm chăm tìm kiếm những tác phẩm “vừa phải” có thể in ấn, v.v.). Nhìn ra và tự đặt kì vọng này, họ mới có thể chiếm được cảm tình và sự ủng hộ hết mình của độc giả. Cũng như người viết sẵn sàng gửi gắm tác phẩm cho họ, chứ không phải chỉ để thiết lập một quan hệ (người viết) được in – (nhà sách) phát hành không chia sẻ một sự hợp tác nào thực sự và dài lâu. Và nếu làm được điều đó, phê bình cũng không thể ngoảnh mặt hoặc tỏ ra không thích quan tâm tới họ, dù là giải thưởng nhà nước hay tư nhân. Công nghệ quảng cáo không dựa trên sự xây dựng “quan hệ công chúng” thực sự, sẽ không thể làm mụ mị được bạn đọc vốn tỉnh táo và …rất tiết kiệm tiền mua sách, thậm chí không khéo có thể gây hiệu ứng ngược với độc giả. Ranh giới giữa việc tạo thành một “sự kiện” “hiện tượng” và “trò vui” là rất mong manh khi không có những phản tư cần thiết. 

Hàng loạt các câu hỏi của độc giả đang đợi cả các giải thưởng tư nhân lẫn nhà nước cùng trao đổi lại: những ban thẩm định mắt xanh, làm việc nghiêm túc, những tiêu chí xét giải cụ thể và cởi mở, sự phê bình không mang tính quảng cáo lòe bịp, sự duy trì bền bỉ… Để các cuộc thi trở thành một sân chơi kích thích sáng tạo và giải thưởng là sự khuyến khích quý báu cả về tinh thần và vật chất – sáng tạo. Để người viết tự tin tham dự các giải thưởng và tự tin khi được trao giải. Hóa ra, giải thưởng nhà nước hay tư nhân, tưởng cạnh tranh nhau quyết liệt lại chỉ là nhiều phương tiện để đi trên một con đường; tưởng các vấn đề phải đối mặt khác nhau mà có thể lại chính là cần đến sự - cùng – nhau. Mà chính sự cạnh tranh này sẽ làm cho các giải thưởng nhà nước/tư nhân buộc phải nâng cấp mình một cách chuyên nghiệp hơn, từ tổ chức chọn lọc đến quảng bá tác phẩm tới độc giả, để trở thành một nét đẹp ứng xử trong văn chương. 

Bởi dù thế nào, từ “giải thưởng” cũng bao hàm một sự vinh danh giá trị. (À, cho đến khi có một giải thưởng, như giải Bad Sex, dành cho những kẻ viết về Sex tồi nhất, chẳng hạn). 

10.01.09

Nguồn: Nhã Thuyên