Trang chủ » Truyện

GIẢI CỨU NÀNG MA NƠ CANH

Nguyễn Hiếu
Thứ tư ngày 10 tháng 3 năm 2010 10:32 AM

Truyện ngắn
 
Lời bình :Người đàn ông, nhân vật chính, sao giống y chang cách kể chuyện của tác giả “vừa bình thường vừa không bình thường “. Song, đấy lại là cung cách đổi mới văn tự sự mà chính Nguyễn Hiếu chủ trương.
     Cả truyện cấu trúc xâu chuỗi năm trường đoạn, thì cả năm đều dày đặc chi tiết, chi chít chữ nghĩa, không xuống dòng, trừ phi cặp vợ chồng đối thoại. Nên đối thoại có vẻ đắt giá ?
     Về căn bản, Nguyễn Hiếu vẫn ưa lối văn tả thực, với cách dựng truyện truyền thống, dồn ép nhân vật hành động như một tên ngố hiện đại của xã hội nông nghiệpViệt vẫn còn nhiều bể dâu đầu thế kỉ 21. Thấy thương một kiếp đàn ông, cả đời “bỏ hình bắt bóng “và bỗng dưng nhớ cặp Thị Nở- Chí Phèo vĩnh cửu của Nam cao. Có thể Nguyễn Hiếu duyên may “bắt được”hai kẻ này, một lần nữa, trong khung cảnh hiện đại ( hay hậu hiện đại nhỉ?)của truyện ngắn Việt thập niên đầu thế kỉ thật khó lường này ?  
Nguyễn Thị Minh Thái
  
                  
1.
        Gã là một đàn ông vừa bình thường vừa không bình thường. Sự bình thường của gã ai cũng nhận thấy nếu nhìn hình thức bề ngoài . Cái bề ngoài ấy có thể làm mê đắm một người đàn bà đang cô đơn hay ít ra là đang độ và có nhu cầu đực cái. Mà hai yếu tố này thì cứ mười đàn bà thì lấy xác xuất nhỏ nhất cho đỡ phải mang tiếng nói phét cũng phải đến bẩy ả hội đủ .Kể cả những ả đàn bà có một gia đình đề huề gồm một ông chồng khỏe mạnh, mồm khi thở và nói không đến nỗi hôi hám trừ khi ăn tỏi và hành sống . Kiếm tiền không phải là nhiều nhưng có lương hàng tháng đưa cho vợ. Vào độ tuổi bốn chục thì một tuần đòi vợ từ hai đến ba lần và đến tuổi sáu mươi thì cứ mười ngày đến nửa tháng lại được một lần tình tang. Những đứa con học hành bình thường, không nghiện hút và biết sợ bố mẹ và không dám liều lĩnh, bất chấp tất cả để có tiền khi chơi gêm hay dự sinh nhật bạn. Bởi cái bề ngoài của gã có thể coi là trên mức trung bình của giống đàn ông. Gã cao một mét sáu tám. Nặng gần 70 kí vào mùa hè và nhỉnh 71 kí khi vào đông. Mắt to, lông mày, và râu độ ba ngày không cạo thì lộ ra màu hung hung của bộ râu hao hao hình quai mũ bảo hiểm. Đôi môi gọn như môi người Pháp. Đây chính là điều khiến người đang ở vị trí bố gã nổi giận vì môi ông này vừa dầy vừa to y như ông ta có gốc gác châu Phi. Nhưng chuyện này sẽ cắt nghĩa ngay sau một vài dòng nữa xin các bạn đừng nóng vội mặc dù thời buổi này người ta chỉ ưa sự sốt sột có tính cơ bắp, hiệu quả ngay về lợi nhuận chứ không thích chờ đợi một cách trữ tình cùng sự bền chặt lâu dài trong tình cảm và trí tuệ. Điều không bình thường ở gã bắt đầu từ sự không bình thường của gia cảnh. Mẹ gã thủa thiếu nữ thuộc diện xinh đẹp và phát dục sớm. Mười bốn tuổi thấy con trai, đàn ông đi qua cổng là phao câu đã nhấp nhổm. Giống con gái háo giai như vậy thì ngày một ngày hai thể nào cũng dính. Y như rằng. Ông ngoại gã rất dữ đòn mà cũng chỉ kìm được con gái cho đến khi mẹ gã chớm 17 tuổi thì đã có mang gã. Cái thai này ngay cả khi nếu áp dụng phương pháp phổ biến như hiện nay là hội thảo cũng không thể tìm ra tác giả thực sự có đầy đủ tư cách pháp nhân để giữ bản quyền. Chính vì thế ông ngoại gã khi phát hiện bụng con gái lùm lùm thì đã quất cho cô nàng một trận ra trò. Nhưng may ông ngoại của gã là người biết giải phẫu học và ít nhiều còn sót con nên chỉ lấy cành dâu quất thật lực vào đôi mông mây mẩy rắn chắc đương thì, chứ tịnh không động chạm gì đến phần bụng đang chứa một sinh linh nào đó. Sau khi trừng phạt con gái, ông bèn gọi một tay thanh niên mồ côi cả cha lẫn mẹ đến. Sau một cuộc điều đình có lợi nhiều mặt về kinh tế cho tay thanh niên này thì đám cưới được tổ chức không linh đình lắm nhưng cũng không đến nỗi khiến nhà gái xấu hổ vì lộ ra vụ cưới chạy danh cho gia đình đã trót sinh ra đứa con gái chửa hoang. Sau đó gã thanh niên ở rể .Thoạt đầu tiên với chức phận “chó nằm gậm chạn” ông con rể này cũng tỏ an phận siêng năng trong công việc cho gia đình nhà vợ cả ngoài đồng và trên giường nhưng khi căp vợ chồng gá lắp này đã có bốn con kể cả đứa con tráng men kia thì gã con rể đã bán thửa ruộng được bố mẹ vợ kèm vào xuất vợ. Xẻ một nửa tiền tự nhiên có được để xây hẳn một tòa nhà ống như mọi kẻ bán đất ở làng ngoại ô trên mảnh đất của cha mẹ đẻ đã hơn chục năm nay bỏ hoang. ..Từ hồi ra ở riêng, cũng là khi đứa con tội nghiệp là gã đã loi thoi lớn. Nhìn vẻ ngoài chẳng có chút nào giống mình nhất là cặp môi người bố hờ bắt đầu cắn dứt mẹ gã và tỏ thái độ phân biệt chủng tộc với gã. Gã không biết bố mình là ai đã đành, nhưng gã lại thấy bất công trước thái độ mà các bậc trí nhân trong thế giới gọi là nạn Xê ô nít không hiểu sao lại rơi vào thân phận mình. Thế mới hay thế giới cũng như con người sự đối xử thế nào thì hậu quả sẽ như vậy. Vì thế nên chứng bất thường ở gã nẩy mầm và ngày càng phát triển. Được cái sự bất thường này nghiêng về tính âm. Con giai con đứa gì mà mới mười ba, mười bốn tuổi mà quá kiệm lời chứ đừng nói là bô lô ba la như những đứa trẻ cùng lứa. Còn khoản cười hiếm hoi lắm mới thấy gã tủm tỉm một cách vô cớ không rõ vì nguyên nhân gì. Mắt lúc nào cũng cụp xuống. Nhìn kĩ thì hình như đôi mắt trong veo đó lúc nào cũng rân rấn nước rình khóc. Ba đứa em hình như cũng vào hùa với bố thi nhau hành hạ gã. Những lúc đó chỉ thấy gã nhoẻn miệng một cách hiền lành, đai lượng tuy hơi ngơ ngác một chút rồi lại quần quật làm đủ thứ việc trong nhà. Những khi cả nhà đi cỗ bàn họ hàng, làng xóm thì gã lại len lén ra ngồi xuống mô đất bên bờ sông nhìn đám bèo trôi trên mặt nước đục ngầu trên đó có mấy con chuồn chuồn ớt rập rờn nửa bay nửa đậu. Hàng xóm bảo gã đần, người làng bảo đầu óc gã có vấn đề. Những đứa con gái mới lớn, hiền lành, đa cảm thì có vẻ thương hại gã. Đần hay đầu có vấn đề hay không thì không biết chỉ biết gã hiền lành và nhịn nhục. Nhịn người bố hờ từ lâu coi gã như một vết nhục khó xóa của kiếp nam nhi của ông đã đành mà gã nhịn cả ba đứa em lúc nào cũng tìm cớ để chòng chọe gã. Gã chả động chạm đến ai, vậy mà lần ấy ông bố hờ đã làm gã chỉ thiếu một chút nếu không nhìn thấy những giọt nước mắt chảy lướt thưót từ cặp mặt đỏ hoe của mẹ thì gã đã nhẩy xuống sông rồi …

2.
          Sự việc diễn ra thật kì quặc và cũng thật vu vơ. Số là hôm ấy, ngay từ sáng sớm bố mẹ gã và ba đứa em lên ăn cưới ở nhà người em thúc bá của ông bố hờ. Mẹ gã thương gã lắm định ở nhà cùng với con. Nhưng bố gã nhất quyết bắt bà lên. Bà đành phải nghe. Con người kể cũng lạ. Dạo mới ra giàng chưa vướng bận vào ai và nhất là ông ngoại còn sống thì mẹ gã chỉ cần ngúng nguẩy một chút là khối thằng con trai quỵ lụy, xun xoe, nịnh bợ làm vừa lòng cô ả. Vậy mà bây giờ … Thôi cũng là sự bù trừ cho lẽ đời. Cả nhà đi rồi. Nhà cửa vắng hoe làm gã thanh thản hơn. Gã loay hoay cho lợn  gà ăn rồi đi ra phía bờ sông. Gã ngồi thẫn thờ, đầu óc lơ mơ. Mùa này sông cạn, chuồn chuồn ớt không thấy rập rờn nửa bay nửa đậu trên những cánh bèo tây, chỉ thấy mấy con giang gầy nhom giang thẳng cảnh, thẳng chân như nhưng mũi tên bay qua sông. Đang ngồi bỗng gã giật mình khi thấy sát bờ sông ngay cạnh hòn đá mẹ gã hay ngồi rửa rau một vật gì màu hồng hồng đang nổi rập rờn. Gã rùng mình một chút rồi lao ào xuống. Khi gã vớt cái vật đó lên thì mắt gã rớm rớm nước mắt. Hóa ra đó con búp bê nhựa không biết từ đâu trôi đến. Chỉ có điều con búp bên này không hoàn chỉnh, ngoài thân mình cụt ngủn, chìa ra một cánh tay duy nhất quắp lại. Và một cái đầu mặc dù bị nứt toác nhưng ngay cả vết nứt rạch đôi khuôn mặt cũng không làm ánh mắt nhựa tươi cười của con búp bê rầu rĩ đi. Nụ cười ấy vẫn thật sư vô tư và vui vẻ một cách tội nghiệp khiến người bình thường nhất cũng mủi lòng, huống hồ một gã bất bình thường hơi nghiêng về tính âm như gã. Gã đưa cả hai tay ra nâng thân hình con búp bê lên mặt ngửa lên trời. Hôm đó cuội trời. Vậy mà hình như gã thấy chói mắt. Vừa leo lên giải dốc quen thuộc gã vừa thở vừa khóc. Rồi như một kẻ vụng trộm gã rón rén đặt thân con búp bê vỡ đầu, tàn phế vào một bụi cây dứa dại, rồi chạy thật nhanh về phía chuồng lợn cầm vội chiếc cuốc. Gã lao xồng xộc xuống vệ đê ven tường đình. Gã đào thật nhanh chiếc hố giống như lỗ huyệt rồi lom khom đi về bụi cây. Nâng thân hình của con búp bê nhựa lên, gã òa khóc nức nở. Mắt nhòe đi, mồm lắp bắp những câu không thành lời. Thổn thức một hồi lâu, gã xé một mảnh lá chuối gói thân hình nhựa bé bỏng lại rồi thận trọng đặt xuống lỗ huyệt xinh xinh. Gã vừa gạt nước mắt vừa cầm cuốc định lấp đất lên thì vừa lúc đó ông bố hờ của gã về. Ông cau mặt khi nhận ra thằng con thiên hạ mang danh con mình đang hí húi bên bờ tường. Sau cái nhíu mày đầy hoài nghi ông xồng xộc chạy xuống. Không nói một lời, ông gạt bắn gã ra, bới nhanh chỗ đất vừa lấp rồi moi lên cuộn lá chuối rách bươm. Khi nhận ra thân hình cụt lủn của con búp bê nhựa, ông bố hờ vừa nhìn gã chằm chằm vừa phá lên cười.
            - Thằng rồ. Thế mà làm tao phát hoảng lên lên tưởng mày giống lão ông ngoại nhà mày chuyên chôn rượu lậu. Hại tao. Hóa ra. Hừ hừ. Đồ dở người…Có thế này mà mày cũng đắp mả bố mày hay sao ?
            Khi gã chưa nhận ra điều gì thì tay bố hờ đã vung cao.Thân hình của con búp bê tội nghiệp đã tung lên, một cánh tay còn lại của con búp bê vì bị bàn tay thô bạo của người đàn ông làm rời khỏi thân hình bay lên một vòng cung mờ rồi cùng phần còn lại của con búp bê rơi xuống dòng nước đang mùa cạn. Một con thuyền sang ngang vô tình chà lên khiến nó chìm nghỉm.
           Gã mím chặt môi, thẫn thờ. Rồi quay lại nhìn thẳng vào ông bố hờ của gã bằng đôi mắt bất động như mắt thủy tinh khiến ông này rùng mình như trông thấy cặp mắt mở trừng trừng của người chết .

3
           Ngót chục năm sau gã lấy vợ. Chuyện gã lấy vợ cũng ly kì .Người thì bảo thánh nhân đãi khù khờ. Người thì bảo ông trời chả để ai thiệt. Theo lời đàm tiếu của người bình thường thì gã không có thể gọi là điên hay rồ vì gã hiền lành và chưa bao giờ làm hại ai hay có hành động có thể gọi là gây gổ. Nhưng thiên hạ có thể xếp gã vào hạng ngố. Gã có thân hình và khuôn mặt có thể coi là đẹp trai. Ở người bình thường, người ta có thể kiêu hãnh và tận dụng điểm mạnh đó. Với gã thì không, bởi gã quá lành và không ý thức được điều này. Rất may cái sự đàn ông không quyết định bởi hai đặc tính này. Trong hai mươi tư giờ của một ngày, một đêm sự đời đã có nhiều sự biến đổi bất ngờ khiến một tay viết văn có hạng chuyên nghĩ ra tình huống ly kì nhất cũng khó lường huống hồ gần chục năm, ngót ngét 3650 ngày, đêm. Sau cái lần an táng không thành công con búp bê vớt được trên sông cuộc đời gã dường như không mấy thay đổi trong khi đó làng của gã lại biến động ghê gớm. Đất cát ở cái làng này từ xưa đến nay là thứ vô tri vô giác chẳng mấy ai để ý. Đất ở ven sông Đào ai có sức thì cứ việc vỡ hoang muốn trồng trọt hay xây nhà xây cửa thì tùy không ai đả động. Đất trong vườn, ngay sát nách con cái lớn cứ việc chia. Kể cả đất hoang ở làng ai muốn làm gì cũng thoải mái. Người trong họ hay bạn bè thân thiết, cánh hẩu với nhau rẻo mồm còn xin được ít thì trăm mét nhiều thì hàng sào. Vậy mà mấy đận gần đây người từ thành phố ra, người tứ xứ ùn ùn đến làng mua đất. Thấy bảo gía đền bù đất của chính phủ để làm dự án gì gì ấy cao ngang với giá bán tự do. Thế là cái thứ tưởng như vô bổ, rẻ như cho ấy bỗng nhiên thành vàng, thành tiền. Đất ruộng vì thế teo lại. Ao chuôm bờ lũy cứ lấp, tre pheo, cây vối cây nhãn, cây bưởi cứ chặt để trơ đất ra chờ bán. Làng giầu lên trông thấy. Nhà ngói cây mít, cau liên phòng, bể nước, bụi nhài, dại nứa vắng dần để thay vào đó là nhà ống bê tông suốt ngày ì ùm tiếng nhạc tây, nhạc ỉ eo vẳng ra từ loa cùng tiếng xe máy phóng ào ào. Trong đám người có thể xem là phát đạt, biến đổi nhanh nhất từ đất ấy là nhà ông thợ may ở đầu dốc Đá. Nghề may là nghề gia truyền của nhà này. Dân làng thực mục sở thị ít nhất là ba đời gần đây. Trước khi có việc đất cát trở thành thứ quí giá thì nghề thợ may của ông này không thoát khỏi cảnh thâm đít gù lưng, sống lay lắt. Dân làng nghèo đến cái ăn chưa đủ nữa là nghĩ đến may vá. Họa có ai dạt đến cửa hàng của ông chỉ để bích kê lại cái quần, chữa lại cái áo hay mượn cớ hút ké thuốc lào. Đến khi đất cát lên ngôi thì ông chia phân miêng cho ba thằng con trai mỗi thằng gần ba trăm mét đều là đất do ông khai khẩn ở bờ sông Đào hồi tàu bay Mỹ đến bắn phá. Ba thằng con xẻo chỗ đất được chia bán cho thiên hạ. Thằng nào thằng nấy bộn tiền đủ xây nhà ống, mua xe máy. Còn đứa con gái út thì khổ nỗi lại không mấy ưa nhìn. Người thì thẳng đuột to xương hóp, da khô và nghe nói còn hôi nách. May bây giờ thời buổi tân tiến sẵn ống lăn, ống xịt nên nách hôi mấy cũng không ảnh hưởng lắm. Nhìn con người ta ra giàng là tối, tối có con trai ra vào thậm thịch, hồi sau bố mẹ chúng đến bàn chuyện cưới xin, rồi trông đứa con gái lồng ngồng nhà mình mà sốt ruột. Thôi thì ba thằng anh nó đã đành một nhẽ còn đứa con gái duy nhất này trước khi là con người ta nó là con mình nhưng phải tính sao để nó trở thành con người ta. Thế là tuy nó chưa có gia đình nhưng ông thợ may đang sẵn có mảnh đất mặt đường bên trái nhà, ông làm cho nó cái cửa hàng may mặc sẵn. Ai ngờ nghề may gia truyền của ông có vẻ hãm ở ba đứa con trai mà phát ở đứa con gái út. Thế là cửa hàng may mặc và kinh doanh thời trang “ Kiều Nguyệt “ của cô ả ngày một phát đạt và có tiếng đến nửa huyện. Nom bề ngoài Kiều Nguyệt cũng chẳng thua mấy cửa hàng ở ngoài phố. Cũng tủ gương bầy áo cưới và thời trang mới nhất, cũng hàng dẫy ma nơ canh mặc đủ các mốt thời trang từ quấn áo lót đến quần áo dài, váy cưới. Khi vắng người cô chủ lênh khênh mặt mũi khó đăm đăm như mắc chứng đau bụng kinh niên, lúc có khách lại như phát hỏa cười nói thao thao về mọi thứ mốt đang sành điệu. Mọi chuyện lại bắt đầu từ buổi chiều mưa lướt thướt và gió ầm ĩ vào tiết cuối thu thì phải. Gã thanh niên có tiếng là ngố ở làng buổi sáng hôm đó lên trên nhà bà gì làm giúp. Nếu là đứa con bình thường thì gã đã được đi xe máy. Nhưng bố hờ của gã mặc dù có đến ba chiếc xe máy vừa của tầu vừa xe liên danh lắp ráp cũng chưa bao giờ cho gã động vào. Nên hôm đó cả đi lẫn về lên nhà bà gì gần chục cây số gã đi bộ là sự thường. Khi về đến đầu dốc kề ngay cửa hàng thời trang Kiều Nguyệt thì trời mưa nặng hạt, gã nhanh chân lao vào hiên cửa hàng trú nhờ. Đứng chưa được năm phút gã lại chạy bổ ra khi thấy một ma nơ canh đổ xập. Gã giơ cả hai tay nâng cỗ ma nơ canh đang mặc bộ đồ váy lửng. Khi dựng cỗ ma nơ canh lên rồi, gã giật mình khi thấy khuôn mặt của cô người nhựa quen quen. Gã rùng mình một lần nữa không biết vì ngấm nước mưa hay vì cái gì. Khuôn mặt của ả ma nơ canh giống như mặt con búp bê mà gã vớt được ở dưới sông hồi cách đây gần chục năm. Khuôn mặt trắng hồng của cô gái nhựa lại lấm lem vì bùn. Gã đưa tay áo chùi sạch vết bùn. Môi gã mím chặt. Vừa lúc đó đằng sau gã có tiếng cười lục khục. Gã giật mình quay lại thì thấy cô chủ cửa hàng thời trang Kiều Nguyệt đang đỏ mặt vì cười .
- Khiếp, mưa gió thế này đi đâu mà khổ thế
- Tôi lên nhà gì làm giúp.
       Mắt gã vẫn không rời cô ma nơ canh
         - Dựng nó như thế là được rồi. Vào uống nước cho ấm đã. Con ma nơ canh ấy là đẹp nhất cửa hàng này đấy .
- Thế à ? Dưng mà …
-   Dưng mà sao. Thôi cứ vào đây đã. Ướt hết cả rồi. Rõ người đời …
                        Chả biết sau đó câu chuyện diễn ra thế nào mà độ ba tháng sau ông thợ may đến thì thào với bố hờ của gã. Ông bố hờ cười phe phé, gật đầu lia lịa. Khi ông thợ may về thì lão đập mạnh vào vai gã bảo
        -  Tao cứ tưởng mày khù khờ. Hóa ra cũng là cái máu của con mẹ mày. Giả chết bắt quạ. Thôi được mày làm rể nhà ấy tao cũng yên tâm. Tao cũng đỡ mang tiếng với làng với nước mà mày cũng mở mày mở mặt với anh em .
4.
           Thế là gã trở thành chồng của cô chủ cửa hàng may, thời trang Kiều Nguyệt. Nhưng người như gã học hành qua quít mặt chữ chỗ nhận được chỗ không. Lọt lòng mẹ cho đến khi thành thằng đàn ông chỉ biết cầm cuốc, cầm xẻng. Tóm lại là hạng cổ cầy vai bừa đơn giản nên khi thành ông chủ trong cửa hàng thênh thang, thơm nức mùi vải, mùi băng phiến và cả mùi mỹ phẩm gì gì ấy của vợ với hàng dẫy người nhựa thì gã quả là chả biết làm gì Cơm nước thì đã có cô vợ son rỗi đang muốn khoe tài nội trợ với thằng chồng u lì nhưng thực có ích khi đêm xuống. Tiếp khách hàng cũng lại là vợ vì lĩnh vực áo quần, mốt miếc này gã là chỉ là xẩm mù sờ voi. Rốt lại công việc chính của gã ban đêm không tính, còn ban ngày thì cứ tuần tự sáng, chiều khuân ra, khuân vào đám người nhựa. Vợ gã xem ra có vẻ chiều gã lắm vì dù sao gã cũng là tay chồng cao to, đẹp mã. Thằng đàn ông đáng mặt đàn ông khi trên giường và có công làm cái bụng của ả lùm lùm lên chứng chỉ cho sự bình thường của người đàn bà. Sự đó làm cho thân hình ả có vẻ phì nhiều, mập mạp, mềm mại hơn. Chỉ có điều gã ít nhời quá. Cả ngày ngay cả lúc ngồi ăn, có chén rượu ngâm đủ thứ thuốc, đủ thứ con vật mà gã vẫn chỉ lặng lẽ ngồi nhai, uống, lâu lâu len lén nhìn vợ tủm tỉm. Hình như hôm đó gã uống nhiều, nên đôi môi ướt gọn gàng xem chừng động đậy. Thấy thế vợ gã bảo :
- Anh định bảo gì hả ? Cứ nói đi có hai vợ chồng mình sợ gì
- À À . Này mấy người nhựa người ta làm tài nhỉ .
- Tài cái gì cơ ? Đôi lông mày tỉa gọn hơi hếch lên, động đậy.
        -  Tài chứ. Vì người nào cũng rõ là đẹp. Mà nom cứ hao hao nhau như anh em cùng một mẹ. Mặc quần áo vào mới thấy khác.
- Nỡm. Người ta làm bằng khuôn mà lại.
- Nhưng mà cái cô mặc váy có cái mặt thì có vẻ giống hệt …
        -  Cô nào ? Cô nào ?.Giống ai . Vợ gã hình như thoáng ghen. Đừng phắt dậy. Cầm tay hắn lôi lên. Con ấy ở đâu ? Chỉ tôi xem nào
        - Kìa bảo đấy. Là cái cô, cái cô …Gã vừa gỡ tay vợ ra vừa ngúc ngắc cần cổ tìm ra lời nói đúng ý của mình. Mặt gã đỏ bừng lên. Cô búp bê ngày xưa ở sông ý mà.     
              Gã ngoan ngoãn rụt rè chỉ tay vào cô người nhựa đổ xập vì gió gã từng dựng lên vào buổi chiều mưa gió cuối thu. Trong khi vợ gã vẫn chưa hiểu điều gã nói. Ả cau mày cố nghĩ. Gã vẫn lắp bắp muốn nói điều mình  cần nói . Cô vợ phưỡn cái bụng hết nhìn thằng chồng lại nhìn ả ma nơ canh. Ả mủi lòng như mọi người đàn bà chửa con so, lệ lưng tròng trong đôi mắt mở to của ả cùng tiếng thở than đầy oan trái .
       - Tôi, em, em ăn ở với anh có đến nỗi nào mà, mà anh nỡ… Con nó trong bụng …
Thấy vợ khóc, gã cảm thấy sợ hãi càng cuống lên
       -  Không. Không. Là cái cô búp bê, búp bê mặt bị vỡ tôi vớt ở dưới sông. Cô ấy chết rồi ,tôi định chôn cho cô ấy. Nhưng bố ,bố moi lên vứt , vứt đi.
          Tuy vẫn đang sụt sịt nhưng vợ vẫn đang cố dỏng tai nghe lời trần tình của thằng chồng ngốc nghếch. Hình như một lúc sau thì ả ta chợt hiểu điều gã nói. Nước mắt vẫn ngấn trên mi, vợ gã bật cười. Đưa tay cấu mạnh vào mạng sườn thằng chồng ả lầu bầu. Rõ khỉ. Búp bê thì kệ bố búp bê. Sắp làm bố rồi mà cứ như trẻ con ấy. Làm người ta cứ tưởng đang mê con nào. Này vớ vẩn, lơ tơ mơ là  là con này xẻo đấy. Hiểu chưa ?
               Gã gật đầu hiền lành. Đêm đó đang nằm cạnh vợ bất chợt gã choàng dậy. Khi nghe tiếng ngáy nhè nhẹ biết vợ ngủ say gã thấy mình tự do hơn. Trong ánh đèn lờ mờ của đèn ngủ, gã giật mình khi nhận ra cô ma nơ canh có khuôn mặt giống búp bê đang đứng im phăng phắc nhưng thân người lại nhẵn lỳ, trơ khấc một màu da hồng nhạt bởi vì không có mảnh quần áo nào. Gã dụi mắt. Rõ ràng buổi tối cô ấy vẫn còn mặc đủ quần áo. Từ ba hôm nay cô người nhựa mặc chiếc váy mỏng( vợ gã bảo là váy ngủ) có in hoa hồng rất to. Trời lạnh thế này mặc thế ấm sao được. Vậy mà mấy cô gái ở làng dưới lên bảo cái váy ấy đẹp lắm. Nhớ may cho mỗi cô một cái giống nhau chỉ khác hoa. Nhớ đấy. Nhớ đấy. Vợ gã gật đầu,cười bảo yên chí, yên chí .Vậy mà bây giờ cô ấy tồng ngồng đứng đấy. Trời lại rét như thế này. Vợ chồng gã nằm trên đệm, quấn thêm cái chán len dầy sụ mới ấm thế mà … Tặc lưỡi lần nữa gã lồm cồm ngồi dậy. Chắc cô ấy lạnh lắm. Gã nhìn nhanh vợ đang nằm rồi len lén đi đến tủ kính bầy quần áo. Đến chiếc ghế vợ gã hay ngồi gã đã trông thấy chiếc váy vẫn mặc cho cô người nhựa. Trời lạnh, cái váy mỏng, lại hở tay thế kia thì chịu sao được. Phải cho cô ấy mặc cái áo dạ may ra. Gã lẳng lặng đến bên người nhựa đàn ông có khuôn mặt và nhất là đôi mắt gã không ưa lắm đang mặc bộ quần áo vừa dài vừa ấm. Gã cúi đầu cố tránh đôi mắt trơ lỳ đang như nhìn xói gã gỡ chiếc áo. Gỡ xong, gã tiến sát cô người nhựa. Trong ánh sáng lờ mờ của đèn ngủ gã thấy ánh mắt của cô người nhựa chăm chú nhìn khiến gã lung túng. Gã vừa định kéo cánh tay nhựa để xỏ vào thì chiếc vạt áo vung lên làm cả thân mình cô đổ nghiêng về phía gã. Gã loạng choạng giơ tay ôm chòang lấy cô gái .Vợ gã nghe động hoảng hốt choàng dậy. Với tay lên đầu giường bật đèn. Trong ánh sáng của ánh đèn thấy chồng đang lồm cồm ôm cô người mẫu bằng nhựa .Vợ gã cau mày, đứng phắt dậy đi lại phía gã .
- Kìa làm gì thế. Đêm hôm thế này ? Thần kinh à? Vợ gã rít lên.
        -  Không. Không. Tôi, tôi sợ cô ấy lạnh. Gã lúng túng đỡ cô người mẫu lên. Bàn tay cầm chiếc áo giơ lên định khoác vào vai cô người nhựa.
Vợ gã tức điên lên giật phắt chiếc áo dạ trên tay gã vứt xuống ghế
        -  Rõ thật nợ đời. Nó bằng nhựa thì lạnh lẽo gì. Hay là, hay là anh…Rõ thật là dở hơi.
              Gã đần người ra, nuốt nước bọt một cái cố nói nốt.
        - Mà sao, mà sao lại không mặc áo quần gì cho cô ấy
        -  Úi giời ơi. Khổ lắm. Vợ con thì không lo, toàn lo chuyện trời ơi. Có đi ngủ không ? Chồng với con. Chả ra cái giống gì nữa .Khổ thân tôi chữa?
 
5.
             Hôm sau là ngày trời nổi gió to. Sai chồng chạy xuống chợ mua cái chân dò rồi cô ả ngồi thụp xuống chiếc ghế gườm gườm nhìn cỗ ma nơ canh trần truồng. Trong đầu ả những ý nghĩ loang loáng đảo nhau. Nhìn một lúc ả nhếch môi, rồi xầm xập nhấc cố ma nơ canh chuyên mặc váy lên. Cỗ ma nơ canh hơi nặng, quá sức của ả. Nhưng riêng con này… Tự nhiên ả thấy gét cay gét đắng Nhìn cái mặt nhựa trơ lỳ của nó có đáng ghét không. Mà cái thằng chồng cám hấp lại… Gì thì gì cũng không thể để lão dở hơi ấy hơi đụng vào. Đưa được cô người nhựa ra , ả thở dốc.
- Sao không cho cô ta mặc quần áo thế ?
           Một giọng khan khàn bông lơn vọng từ phía sau đúng lúc làn gió mạnh vừa đến quật đổ cô ma nơ canh. Ả làm ra vẻ không nghe thấy bực tức cúi xuống dựng cô ta lên, và ngay lập tức lần lượt vặn ngéo hai tay vứt vào nhà. Ép người nhựa vào sát tường xong ả lật đật vào nhà lấy ra chiếc áo bu Jông định mặc vào. Gió làm cỗ ma nơ canh đổ một lần nữa như cố diễu ả. Ả vừa lầm bầm điều gì không rõ vừa lấy sợi giây thép quấn chằng vào cổ người nhựa kéo dịt vào thanh chấn song cửa sổ .”Thế này tha hồ đứng. Bây giờ bão cũng không đổ được“. Ả hể hả ra mặt khi nhìn cô người  nhựa bị buộc chặt trông tội nghiệp như một tội nhân dựa cột tử hình. Ả quầy quả vào nhà. Vừa định cầm chiếc váy mặc cho ma nơi canh bỗng nhớ ra điều gì, ả lạch bạch đi sang nhà bố. Trong khi ả mở tủ lạnh tìm thứ gì đó thì thằng chồng ả đi chợ về. Vừa đến cửa, mặt gã bỗng ngây ra khi nhìn thấy cô ma nơ canh bị trói ghì vào cửa sổ. Gã đặt vội chiếc làn xuống, lại gần. Môi gã hơi bậm lại khi nhìn thấy sợi dây thép buộc quanh cổ người nhựa. Thân hình cụt hai tay với đôi bầu vú phồng to cùng khuôn mặt giống cô búp bê ngày xưa hình như hơi nhăn lại vì đau thì phải làm gã thấy sống mũi gã cay cay. Gã mủi lòng vì thương cô người nhựa. Gã cập rập vào nhà. Tay nhặt đôi tay nhựa nằm chỏng chơ trền nền nhà, tay kia vơ vội chiếc áo bu giông. Cố tránh không nhìn vào đôi mắt nhựa, gã lồng chiếc áo vào thân hình cô gái. Chuẩn bị kéo khóa chiếc áo bỗng gã “à “to một tiếng. Gã đưa tay lên cố tháo sợi dây thép quàng trên cố người nhựa. Đang cố gỡ, gã chợt kêu ré lên .Một đầu giây thép đâm vào ngón tay cái của gã đang vung lên. Giọt máu nhỏ giọt loang đỏ trên mặt cô ma nơ canh. Bây giờ thì rõ ràng gã thấy đôi môi nhựa rớm máu nhuệc ra như cười. Sự hỉ hả làm gã quên đau, một tay gần như ôm thân hình nhựa ,một tay cố dứt mạnh sợi giây thép ra.Ngay sau đó gã ôm cặp tay ra, định lần lượt lắp vào. Dù là người gì mà không có tay cũng khổ. Một cánh tay được lắp nhanh chóng, gã thấy vui vui ,định vào sang bên lắp tiếp nốt thì vừa lúc đó lưng gã bỏng rát vì cái phát cùng lúc đó là tiếng chu chéo của vợ :
        - Nợ ơi là nợ. Ban ngày, ban mặt lại đi ôm con người nhựa để mèo tha bố nó mất chân giò kia kia. Ối giời ơi lại còn lắp tay cho nó .Rõ thật là .
               Liền sau đó gã bị hai cánh tay của vợ lôi bật lùi lại . Cái dát nơi lưng vì bị phát và cái kéo giật làm gã loạng choạng. Gã đứng thẳng lên .Mặt gã lỳ ra khi nhìn thấy vợ gã vặn ngoéo cánh tay nhựa vừa lắp vào thân hình cô ma nơ canh rồi giật mạnh cánh tay nhựa gã đang cầm vứt thia lia vào nhà. Môi mím chặt, mắt gã mở to hết cỡ bất động như mắt thủy tinh khiến ả này rùng mình như đang nhìn vào cặp mắt trừng trừng ,bất động của người chết .

 Quỳnh Mai tháng 1-2/ 2010. 29 tết canh dần