Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nhà văn NGUYỄN QUANG THÂN và niềm vui trần thế

Diễm Chi
Thứ năm ngày 8 tháng 1 năm 2009 4:47 AM

 
Nhà văn Nguyễn Quang Thân nói về nghiệp cầm bút: “Đó có thể là nhu cầu bức thiết của nội tâm, sự phát tiết của thiên năng hay mong muốn để lại một dấu ấn trong cuộc đời, tạo dựng một tên tuổi... Các nhà văn nói chung là thế, tôi cũng không ngoại lệ. Tôi chưa bao giờ xem viết văn là cuộc dạo chơi hay việc tầm phào, vui đâu chầu đấy. Viết văn - nhất là văn xuôi, là lao động khổ sai, đòi hỏi người viết phải có nghề và phải hao tốn nhiều tâm lực, thời gian...”
 
"...Cái cúc áo ấy vàng phải không em/ Nó không trắng, đen hay đỏ/ Nó màu vàng khoảnh khắc anh hôn em/ Nó vàng, nó không màu đỏ/ Phía trên chúng ta là tượng Phật ngồi/ Giữa anh và em là cái cúc áo/ Cột mốc biên giới mong manh mà anh đã dành trọn cuộc đời để vượt qua...", nhà văn Nguyễn Quang Thân đã viết những câu thơ nồng cháy như vậy khi yêu...
Nào phải chỉ riêng trong tình yêu, trong cuộc sống và với văn chương, anh luôn dấn thân, chấp nhận trả giá để đi đến cùng những khát vọng của mình. Anh không hề hối tiếc về thái độ sống đó, bởi vì: "Tôi là người coi trọng cuộc sống và khao khát được sống, được tự do sáng tạo, được hưởng mọi niềm vui và đau khổ của cuộc sống; niềm vui trần thế thường thú vị hơn thiên đường, sau khi mình đã thành cát bụi".
@: Không ít nhà văn quan niệm viết văn như một cuộc dạo chơi, còn anh?
Nguyễn Quang Thân: Tại sao người ta viết văn? Điều này rất khó lý giải rạch ròi, cũng như khó mà giải thích được tình yêu. Chỉ có thể nói, có rất nhiều thứ, vừa thiêng liêng lại vừa rất đời thường - thúc đẩy người ta cầm bút viết văn. Đó có thể là nhu cầu bức thiết của nội tâm, sự phát tiết của thiên năng hay mong muốn để lại một dấu ấn trong cuộc đời, tạo dựng một tên tuổi... Các nhà văn nói chung là thế, tôi cũng không ngoại lệ. Tôi chưa bao giờ xem viết văn là cuộc dạo chơi hay việc tầm phào, vui đâu chầu đấy. Viết văn - nhất là văn xuôi, là lao động khổ sai, đòi hỏi người viết phải có nghề và phải hao tốn nhiều tâm lực, thời gian... Dù có khả năng để chọn cho mình một vài ngành nghề khác nhưng tôi đã đánh đổi tất cả để viết văn, chung thân với nó, như thế cũng đủ thấy viết văn đối với tôi quan trọng đến dường nào.
 
@ Nguyễn Quang Thân trong cuộc đời và Nguyễn Quang Thân trong tác phẩm là hai con người đồng nhất hay khác biệt?
Nguyễn Quang Thân: Ở các ngành nghề khác, thường thấy con người của công việc khác xa con người của đời thường; bởi khi làm việc, mỗi người chỉ là một bộ phận của hệ thống và dù ít hay nhiều, người ta buộc đánh mất cái tôi của mình mới làm tròn chức năng. Viết văn lại khác, viết văn hoàn toàn là việc của cá nhân. Cái tôi của nhà văn thể hiện rõ trên từng chữ, từng dòng, từng trang viết. Nếu rời khỏi cái tôi thì không còn là nhà văn nữa. Ngoại trừ một số nhà văn cố ý dùng một ngòi bút khác vì lý do nào đó, thì những nhà văn chân thành sống như thế nào sẽ viết như thế ấy. Con người đời thường và con người trong tác phẩm của nhà văn là đồng nhất. Cũng như họa mi, nếu hót tiếng chim gáy, nó chỉ là con họa mi mồi.
Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là, nền văn học của chúng ta hiện nay không lớn, không hay cũng bởi vì các nhà văn đã tự đánh mất hoặc bị lấy mất khá nhiều cái tôi của mình. Không có dấu ấn cá nhân, giống nhau như cỏ thì đến đưa một cái tin trên báo cũng không ai đọc huống gì viết văn.
 
@ Vì sao nhân vật trí thức luôn chiếm một vị trí quan trọng trong tác phẩm của anh?
Nguyễn Quang Thân: Trí thức là những người có khả năng suy nghĩ một cách độc lập. "Thức ăn" duy nhất của người trí thức là tự do - như những câu thơ của nhà thơ nữ Anna Akhmatova: "Dù cái chết nhìn em tận mắt/ Em sẽ bỏ phiếu bầu như anh đã nhắc/ Cho cái cửa được là cái cửa/ Cho cái khóa được là cái khóa/ Cho con thú dữ dằn trong ngực em/ Được mãi là một trái tim".
Nhân vật trí thức xuất hiện trong nhiều tác phẩm của tôi, ở từng tác phẩm lại thể hiện những vấn đề, những mối quan hệ khác biệt. Ngay tiểu thuyết Hội thề sắp xuất bản (đã chuyển thể thành kịch bản phim) thực chất cũng đề cập đến những vấn đề của trí thức trong mối tương quan với nông dân và với nhiều mặt khác của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn...
 
@ Cơ chế thị trường hiện đang tác động và chi phối đến nhiều mặt, nhiều lĩnh vực. Nó có ảnh hưởng đến hoạt động sáng tác của các nhà văn?
Nguyễn Quang Thân: Cơ chế thị trường đã có từ lâu, khi người ta biết mua bán và xã hội có hàng hóa. Lịch sử cho thấy, biết bao nền văn học lớn đã phát triển rực rỡ ngay trong nền kinh tế thị trường. Xin đừng đổ lỗi cho cơ chế thị trường. Cơ chế thị trường không ảnh hưởng và cũng không gây hậu quả gì đối với hoạt động văn học.
@ Những năm gần đây, một số nhà văn nổi tiếng đã viết về "những sự thật đằng sau sự thật". Họ xoay chuyển ngòi bút 180 độ, tự phủ nhận chính mình... Anh nghĩ gì về hiện tượng này?
Nguyễn Quang Thân: Đó là hiện tượng có thật trong đời sống văn học. Các nhà văn trong quá trình nhận thức, khi nhận ra đã có lúc mình nghĩ sai, nói sai, viết sai (tự nguyện, a dua, hay cơ hội) thì bây giờ sửa sai bằng cách nói lại, viết lại... đúng với gì mình nghĩ. Nếu sự nói lại, viết lại này là chân thật và đàng hoàng, không vụ lợi thì chúng ta nên chấp nhận. Tôi đánh giá cao những nhà văn dám nói lại, viết lại một cách chân thật.
@ Anh nhận xét gì về lớp nhà văn trẻ hiện nay?
Nguyễn Quang Thân: Họ có nhiều ưu thế hơn so với lớp nhà văn đi trước. Những bài học trong quá khứ của thế hệ nhà văn đi trước không ảnh hưởng nhiều đến lớp nhà văn trẻ, có chăng chỉ khêu gợi ở họ khát vọng muốn viết hay hơn mà thôi. Những nhà văn trẻ sẽ giải quyết những vấn đề của họ bằng cách riêng của mình. Chỉ có một nỗi buồn chung cho các thế hệ nhà văn già cũng như trẻ là: cho đến hôm nay, họ vẫn phải đấu tranh để đi tìm cho mình một không gian sáng tạo cần thiết.
@ Người đọc nhận thấy chất erotic (tính dục) mãnh liệt trong nhiều tác phẩm của anh. Đó là sự thể hiện sức mạnh của khát vọng sống?
Nguyễn Quang Thân: Nếu nhà văn cố ý viết về tính dục với mục đích nào đó để câu khách... thì người đọc dễ dàng nhận ra ngay. Trái lại, khi viết về tính dục là yêu cầu của tự thân tác phẩm và của bản thân tác giả thì đó chính là nghệ thuật.
@ Ngoài viết văn, anh còn viết báo. Những bài báo của anh đầy tính phản biện trước những vấn đề thời sự. Anh có hứng thú và đam mê với việc viết báo như đã hứng thú và đam mê với viết văn?
Nguyễn Quang Thân: Vợ chồng tôi chỉ sống bằng ngòi bút với việc viết văn và viết báo. Tôi rất hứng thú với việc viết báo bởi tính năng động, thời sự của nó. Tôi là người viết báo tự do - một nhà văn viết báo. Tôi viết báo bằng cách nhìn riêng từ góc độ của tôi. Người ta có thể cho in hoặc không, chẳng có gì ràng buộc. Có thể tôi không viết hết được 100% những suy nghĩ của mình, nhưng tôi không bao giờ viết ngược lại những điều mình nghĩ.
@ Anh đã từng viết những câu thơ nồng nàn về tình yêu của anh với chị Dạ Ngân... Hình như dạo này anh không còn làm thơ nữa...?
Nguyễn Quang Thân: Đâu phải cứ muốn là làm thơ được... Tôi có làm thơ nhưng chưa in bao giờ. Tôi mê thơ của nhà thơ nữ Anna Akhmatova và đã dịch 40 bài thơ của bà. Sắp tới có thể tôi sẽ cho ra mắt một tuyển tập dịch thơ Anna Akhmatova.
@ Cuộc tình của anh và chị Dạ Ngân đã trải qua nhiều thử thách trước khi cả hai về được với nhau. Bây giờ, sau nhiều năm trong hôn nhân, tình yêu của anh chị có gì thay đổi so với một thời yêu mãnh liệt, bất chấp tất cả thuở ấy...?
Nguyễn Quang Thân: Chúng tôi bình thường như bao đôi vợ chồng khác. Tình yêu có thay đổi gì khi trải qua hôn nhân thì cũng theo quy luật bình thường. Có những khi chúng tôi thấy yêu nhau hơn cả thuở ban đầu, nhưng cũng có những lúc lại thấy phải chịu đựng, chấp nhận nhau... Điều quan trọng là chúng tôi không thể sống thiếu nhau và có lẽ đấy chính là tình yêu. Nó vượt qua mọi nhàm chán có thể có của hôn nhân.
@ Cám ơn anh đã dành cho PNCN cuộc trò chuyện này.

Nguồn: DIỄM CHI – Báo PNCN