Trang chủ » Truyện

GIO LẠNH

Minh Nguyệt
Thứ năm ngày 11 tháng 2 năm 2010 9:24 PM

Truyện ngắn
 
   Gió mùa Đông Bắc ập đến bất ngờ. Tiếng gìó lùa qua khe cửa số vênh váo, rít lên nghe như tiếng hú gọi hồn đến sợ.  Cái lạnh len qua tấm chăn mỏng, thấm vào làn da, hai thân hình có quắp cựa quậy. Người bố lồm cồm bò qua bò lại, kéo chăn cho đắp hai con, thỉnh thoảng cất lên tiếng ho sù sụ, khiến ngôi nhà cấp 4 tuềnh toàng vùng ven đô nằm ngoài bãi sông như một nấm mồ hoang. Người bố khẽ rón rén đi lại bật công tắc đèn. Cái bóng đèn đỏ quạch loé sáng. Ông đi lại bên chiếc tủ cũ nát, mở cửa tủ, lấy ra một quyển số bìa màu hồng nhạt đã bạc thếch, nhưng còn nguyên nếp. Ông cẩn thận mở quyển sổ ra, lần qua những trang giấy chưa một lần có chữ bác sĩ, ông kiểm tra xem có chiếc thẻ bảo hiểm y tế cặp trong đó, rồi cất quyển sổ  lên mặt bàn, lên giưòng ngủ tiếp. Cơn ho làm ông tỉnh giấc. Nhìn đồng hồ đã 5 giờ sáng. Ông rời khỏi giường, khoác vội chiếc áo bông màu bộ đội cũ sờn vào người, đi lại cái bếp than mở lò. 30 phút sau nồi cháo ông nấu bắt đầu sôi sùng sục. Ông cho gia vị, thêm mấy cọng hành, rồi bắc ra đặt lên chiếc bàn ăn bằng gỗ xiêu vẹo. Nhìn đồng hồ đã 6 giờ 30. Ông vội lay đứa lớn dậy: “Cháo bố nấu rồi, lát nữa gọi em dậy bón cho nó nghe chưa?”. Đứa con lớn, trông có vẻ già dặn, nhưng đôi mắt thì bên to bên nhỏ và chắc nó hơi nghễnh ngãng nên người bố phải nói rất to. Nó ngồi dậy, miệng hơi méo xệch nói không rõ tiếng“Vâng…bố…đi đâu?’. “Tao đi khám bệnh tí nữa sẽ về’. Nếu quan sát kỹ thì biết người con trai lớn của ông năm nay cũng phải gần bốn mươi tuổi, và là một người tật nguyền.
    Khoá trái cửa lại, ông ra đầu ngõ gọi một anh xe ôm chở đến bệnh viện. Mới 7 giờ vậy mà ô xếp hàng sổ bảo hiểm đã chất cao. Mọi người nhắc ông để dưới cùng. Ông xếp sổ xong, đi tìm chỗ ngồi. Cũng may ông đi sớm nên còn vài cái ghế nhựa phía góc nhà. Ông ngồi xuống, kéo chiếc áo bông màu bộ đội đã cũ chùm kín đầu. Từ lúc ngồi xuống, người ông như bị lên cơn sốt rét năm nào. Chân tay cứ run lên bần bật, ông chỉ mong cho chóng đến giờ làm việc của bệnh viện ghi “Buổi sáng từ 8 giờ…”. Hừ “đau để chờ sáng trăng” vẫn cái thời bao cấp, khám bệnh mà cũng có giờ? Thế mà cứ ra rả, người cao tuổi cần thường xuyên đi khám định kỳ, đi khám mà xúm đông xúm đỏ thế này thì khéo ốm thêm. Nói dại, bị cúm A H1N1, chờ đến lượt thì nghẻo.   Đúng 8 giờ, bệnh viện mở cửa và bắt đầu làm việc, bệnh nhân đứng ào cả dậy, tiến đến chỗ xếp sổ. Từ trong ô cửa số vuông 50x50 cm có tiếng vọng ra: “Từ từ, đừng chen lấn, rồi sẽ đến lượt. Ai chen lấn mất trật tự xin mời về”. Mọi người tản ra, ai lại về ngồi vào ghế, hoặc đứng từ xa cố lắng nghe gọi tên lên nhận số thứ tự. Ông xếp hàng sớm thế mà đã phải nhận số 21. Cầm số trên tay ông thở dài, cái số không may mắn. Ngày trước đi đánh Mỹ, 21 thằng cùng đại đội bị chết trong một trận, Ngày ông về gia đình, phải ba bảy 21 lần mới nhập được hộ khẩu… Thôi thì cũng đã có số để được khám rồi, còn may hơn mấy người phải chờ đến buổi chiều, vì buổi sáng phòng khám chỉ khám được tròn 30 bệnh nhân. Ông thở phào, lại tìm cái ghế ban nãy để ngồi. Một vài người thấy không được phát số, uể oải đứng dậy ra ô xếp sổ lật tìm sổ đem về chiều lại đến xếp tiếp, Có người phàn nàn: “Tao mà có tiền thì đếch phải đến đây”.  Mấy người thấy ông ngồi xuống liền đứng cả dậy, họ tránh xa ông một chút, mắt liếc nhìn ông có vể lo sợ. Ông đoán họ tưởng ông bị bệnh lao nên tránh là phải. Họ tránh xa càng tốt, người ông đang lên cơn sốt, nhiều người vây quanh thì ngột ngạt chắc ông ngất mất. “Số 16”…Ông mừng quá, sắp đến lượt mình rồi. Ông nhón chân đi lại gần chỗ cửa phòng khám hơn, chờ goị là vào ngay. Đứng chồn cả chân, mà chưa thấy gọi tiếp số 17. Một người từ trong bước ra, mấy người từ ngoài bước vào, chả biết họ là ai, nhưng có vẻ tự nhiên lắm. Ông tò mò ghé qua khe hở. Một nữ bác sĩ khuôn mặt vuông vức, phúc hậu đang tươi cười  khám cho một ông ăn mặc trông ra vẻ giám đốc lắm. Họ vừa khám, vừa trò chuyện vô tư. Ông sốt ruột quá ho lên sù sụ. Một nhân viên đi ra chẳng nói chẳng rằng, khép chặt cánh cửa lại, đánh rầm. Ông vội lùi lại, hai chân run run, mấy người ngồi bên đứng lên quát: “Đến lượt hãy vào, ngó ngó, nghiêng nghiêng, để người ta làm việc, đúng là thiếu văn hoá ”. Ông đi lại chiếc ghế gần đó ngồi xuống,  bụng réo lên ùng ục, đau nhói, từ tối hôm qua bụng ông chỉ có mấy hạt cơm cùng mấy cọng rau muống sào. “Số 20”…Ông mừng quá, sắp đến rồi…cố chờ tí nữa. Ông tự an ủi: Thằng này xưa đi đánh Mỹ bom đạn, sốt rét quật mấy lần chả sợ, chả chết, huống hồ nay ngồi đây, trong ngôi nhà đẹp như thế này, ngoài trời gió rét chả lùa vào được, nếu phải chờ có xá chi, miễn là khám được bệnh, được cấp thuốc về nhà uống là khỏi, mùi mẽ gì…  “Xin các bác thông cảm, do bác sĩ đi nhận nhiệm vụ trên giao, nên sáng hôm nay tạm nghỉ. Bác nào có số 21 trở lên chiều đến. ”. Nhìn đồng hồ treo trên tường mới 10 giờ 30 vậy mà họ đã nghỉ. Đúng số ông là số cái con trâu trắng, thời bao cấp, cứ xếp hàng đến lượt mình thì hết hàng mới lạ. Nghĩ mình già cả, ốm yếu, hai đứa con đều bị di chứng chất độc da cam từ mình, nó ở nhà nhịn đói chờ bố. Ông liều mình đí lại bên cửa phòng khám thò đầu vào khẩn khoản: “Bác sĩ ơi! Thông cảm cho tôi, già cả, ốm quá, khám thêm một số 21 này nữa thôi”. Nữ bác sĩ có khuôn mặt vuông vức, đôn hậu, đôi môi quả tim thoa ít son, nhoẻn cười hai má hiện lên hai lúm đồng tiền, trông duyên dáng làm sao, đi đến gần ông xua tay: “Bác ơi! Chiều đến, bây giờ không ai khám nữa đâu, bác sĩ đi họp rồi’. Không thể về lúc này, không thể chờ đến chiều được, ông tiếp tục năn nỉ: “Sáng bác sĩ thông báo khám 30 số, sao bây  giờ mới có 20 số đã nghỉ? ”. “Ông già này định lý sự hả, thông  báo thế, nhưng bây giờ có việc đột xuất, không có bác sĩ ai khám?” “Tôi thấy ban nãy chính bác sĩ khám cho mấy người không có số mà’. Ông chưa nói dứt lời, chị này liền khoát tay, cho một nhân viên nữ chạy ra đóng rầm cánh cửa lại. Ông chán ngán, lắc đầu thở dài. Chiếc áo bông màu bộ đội sờn rách, bạc thếch rời khỏi vai lúc nào ông không biết. Ông thất thểu bước ra hành lang đi ra khỏi cổng bệnh viện, Aí ngại cho ông, có người bảo: “Khám bảo hiểm là thế đấy ông ạ. Ông ra quách mấy phòng khám đa khoa ngoài phố kia là nhanh nhất’.  “Ra phòng khám ngoài phố là nhanh nhất” Tiếng nói ấy cứ bám theo ông, nó như con đỉa bám lấy đôi chân gầy của ông cố hút lấy ít máu còn lại mà vẫn chưa no. Tao mà có tiền…hồi trước tao biết xum xoe, nịnh bợ như mấy thằng cùng đơn vị, chả phải đi chiến trường, giờ lên trung tá, đại tá, về hưu mỗi tháng lĩnh năm, sáu triệu, thì đếch cần chúng mày. Ông bước đi như người không hồn. Mình về nhà lại phải thuê xe ôm hết 20 nghìn đồng. Nếu ở lại, vào hàng quà ăn cái bánh mỳ chỉ hết 2 nghìn, chiều về còn có tiền mua mấy lạng thịt cho các con. Ông rẽ vào hàng cơm “bình dân’ đối diện với cổng bệnh viện. Mỗi xuất cơm ít cũng mười lăm nghìn, mua ít hơn người ta không bán. Ông đành đi ra, tìm hàng bánh mỳ, rồi mua một cái ngồi bệt bên vỉa hè uể oải nhai. “Thằng già này mù à mà ngồi ở đây, trước quán của tao bán cho ai. Đi chỗ khác ngay”. Ông bực quá. Vỉa hè là của chung, sao nó lại đuổi mình? Lúc mình đi đánh Mỹ nó chưa nứt mắt, bây gìơ đất nước hoà bình, độc lập tự do nó được hưởng cả cái nhà mặt phố, định chiếm luôn cái vỉa hè nữa, thật không công bằng…không công bằng…. Ông ngã vật xuống vỉa hè, nằm bất tỉnh.
    “Ông ơi! Cho cháu xin tiền xe cấp cứu hết năm mươi nghìn đồng”. Ông mở mắt ra, mình đang nằm trong bệnh viện ban nãy, nhưng ở phòng cấp cứu. Ông biết, mình bị ngất, họ gọi xe tắc xi chở vào viện cấp cứu. Ông moi trong túi ra chỉ còn bảy mươi hai nghìn. Người lái xe giật vội lấy tờ năm mươi nghìn rồi đi thẳng, để ông nằm còng queo trên chiếc giường gấp ngoài hành lang. “Bác sĩ ơi! Xem ông cụ này thế nào, kẻo ông ấy chết mất. Rõ khổ chả có người nhà nào đi cùng. Người lái xe tắc xi đưa ông ấy đến lấy được tiền là đi, bỏ mặc ông ấy…”. Ông ngước nhìn lên, một người phụ nữ tuổi chừng 60, mặc quần áo bệnh nhân đang keó tay một nhân viên mặc áo blu trắng mà bà nọ gọi là “bác sĩ” đến bên ông. Người nữ bác sĩ, đi đến bên hỏi ông: “Ông ở đâu đến?’. Ông phều phảo, nói giọng hắt ra: “Tôi ở tận…ngoại thành…sáng đi khám chưa được, ra đường…bị cảm…”. Người bác sĩ, vén áo ông lên, nắn bụng : “Đói…bụng chả có gì”. Nói xong bác sĩ đi vào phòng, bỏ mặc ông nằm lại một mình. Một lát sau, có hai nhân viên nữ đem chiếc cáng lại, khiêng ông lên cáng, đưa vào phòng cấp cứu. Ở đây họ bắt đầu chuyền nước và tiêm cho ông mấy mũi. Có thuốc, được chuyền nước ông tỉnh dần. Thấy các bác sĩ đi thay ca ông đoán khoảng đã 2 giờ chiều. Lát sau một bác sĩ nam đi đến bên ông xem bệnh án treo ở đầu giường: “Ông ơi! Bảo người nhà làm thủ tục nộp tiền nhập viện’. Ông khẩn khoản: “Gia đình tôi xa lắm. Vợ mất sớm, hai con bệnh tật, tôi không đem theo tiền, các bác sĩ cố gắng tiêm cho tôi mấy mũi khoẻ lên tôi phải về nhà, không thì các con nó đói mất…”. Nước mắt ông trào ra hai bên khoẻ mắt. Nếp da nhăn nheo, khuôn mặt gầy gò thảm hại, nhìn ông không ai không thương cảm. Người bác sĩ lắc đầu bỏ đi. Không thấy ai đoái hoài, ông gượng dậy và lê bước ra hành lang, rồi lẳng lặng đi ra phố, gọi xe ôm về nhà. Không biết vì đâu, tại sao, thế nào mà ông cảm giác khi về đến nhà khoẻ ra. Hai đứa con nhìn ông chừng chừng, mặt nó nhăn nhó. Ông biết chúng đói lắm rồi. Ông vội với lấy cái cạp lồng, chui ra khỏi nhà định đi mua cho chúng bát bún. Vừa bước ra cửa, bà hàng xóm đã đi tới: “Ông đi đâu mà khoá cửa để hai thằng bé trong nhà? Tôi không sợ nó đói, mà sợ nhỡ hoả hoạn xảy ra thì làm thế nào? Lần sau đi đâu nên nhờ hàng xóm. Có cơm đây, ba bố con ăn đi”. Bà lôi ông vào nhà. Ngọn đèn loé sáng, những hạt cơm trắng phau hiện ra. Mấy miếng  đậu phụ sốt cà chua thơm phức. Không thể từ chổi, ông xới cơm chia đều cho các con. Ngoàì trời vẫn rét căm căm, từng  cơn gió lạnh cố lùa vào căn nhà trống hoác. Ba bố con ông ăn đã no. Hai đứa nằm kềnh ra giường, chúng nó ngủ. Còn ông cất quyển số y bạ nhàu nát vào tủ, đi lại bên kệ thờ, nhìn người vợ quá cố trên ảnh lẩm bẩm: “Tôi xin bà tha lỗi, hai đứa con của chúng ta hôm  nay đói là vì tôi tất cả’. Ông ngồi xuống chiếc ghế xiêu vẹo, gạt nước mắt. Biết thế này ngày trước nó bắn bòm một cái ngã xuống thanh thản, còn hơn để hôm nay ba cái thân tàn ma dại này sống mà khổ hơn chết. Mẹ cha cái thằng Mỹ thế mà độc ác, hết đem bom, đem đạn đến tận nước khác giết người chưa đủ, còn  rải chất độc huỷ hoại con người, huỷ hoại thiên nhiên,  đúng là lũ súc sinh.
    Rửa xong mấy cái bát, vừa mở cửa ra ngoài đem trả bát đĩa cho bà hàng xóm, ông gặp ngay một người xa lạ hỏi: “Bác có phải là ông Thiện không?”. Nhìn người đàn ông khoẻ mạnh, nét mặt đôn hậu, tay dắt chiếc xe máy, ông gật đầu: “Bác hỏi gì?’. “Được tin của ông báo cho gia đình biết về ngôi mộ của anh trai tôi . Ngay lập tức tôi đi  về đây tìm, may quá đã gặp được ông”. Hiểu ra chuyện, ông mời người đàn ông vào nhà. Người đàn ông biếu ông hai con gà mái tơ, một yến gạo tám thơm. Ông cuồi cuội không nhận: “Tôi nghèo thật, nhưng chưa nhận của ai cái gì nhiều như thế này’. Người đàn ông phải thuyết phục mãi ông mới nhận và nhờ luôn ông bạn đi thịt gà. Biết ông chủ quá ốm yếu, người khách thay chủ đi thịt gà, thổi cơm.  Bữa cơm chiều hôm ấy thật ngon, ông và hai người con ăn căng cả bụng. Ông khách có vẻ hả hê lắm: “Ba bố con hôm nay thấy tôi nấu nướng ra sao? Đêm nay ngủ kỹ đi, mai tôi đưa ông vào bệnh viện khám. Trong bệnh viện có đứa con gái của ông anh trai tôi làm mà, đố nó dám đối đãi như mấy đứa hôm qua”. Ông cố từ chối, nhưng ông khách bảo: “Tôi sợ ông bị bệnh phổi nên đi khám sớm thì hơn”. “Thôi, làm phiền ông, tôi có sao đâu’. “Ông mà ốm hai đứa con ai nuôi? Có thương chúng không?. Ông sống còn được thêm mấy đồng lương, chứ mấy đồng trợ cấp chất độc hoá học của chúng nó chả bõ bèm”. Ngay đêm ấy, ông cứ thao thức và kể cho ông bạn nghe về trận đánh trên đồi không tên ở Quảng Trị. Anh trai ông là tiểu đội trưởng của tôi. Lúc xung phong ông bị đạn vào vai, vào ngực, tôi lao lên cõng ông chuyển về tuyến sau. Lúc đánh xong trận, về bệnh xá tiền phương thì anh trai ông đã chết. Chúng tôi chôn cất cho ông trên triền đồi gần đường Chín.  Cứ nghĩ gia đình đã tìm thấy mộ ông ấy, nên mấy chục năm nay tôi cứ thờ ơ. Nào ngờ hôm xem ti vi biết gia đình ông nhắn tin tìm, nên tôi vội bán mấy thứ lấy tiền mãi lộ, đi vào trong đó tìm kiếm xem mộ ông ấy còn hay mất. Hoá ra mộ ông ấy vẫn còn, nên tôi gửi ngay địa chỉ cho gia đình biết…
     Tờ mờ sáng. Trời còn đầy sương. Người khách bảo ông ngồi lên sau xe máy của mình, đưa vào viện khám bệnh. Hoá ra cháu gái ông khách cũng làm ở bệnh viện hôm qua ông đến khám mà không khám được. Ông khách kéo tay ông đi quanh co mấy dãy hành lang, cuối cùng vào đúng chỗ phòng khám BHYT hôm qua. Người khách gõ cửa, nữ bác sĩ xinh xắn trực hôm qua thò đầu ra: “Ôi chú! Chú ra khi nào mà không cho cháu biết?’. Ông khách chỉ tay về phía ông:  “Tao ra để đến nhờ ông này đi tìm mộ bố mày đây. Ông này cùng đơn vị bố mày, từng chôn cất bố mày…”. Nhìn người đàn ông khoác chiếc áo bông màu bộ đội cũ mèm, người nữ bác sĩ mặt đỏ bừng, cúi gằm xuống. Một cơn gió lạnh thổi tới, mái tóc vừa ép óng mượt,  thoang thỏang mùi thơm của cô bác sĩ vuột khỏi đầu, che kín khuôn mặt trái soan, đôn hậu…
Tháng 11-2009
Minh Nguyệt