Trang chủ » Truyện

THỜI CỦA ÔNG

Hoàng Thiềng
Thứ hai ngày 11 tháng 1 năm 2010 5:43 AM

Truyện ngắn

                Cả tháng nay ông như kẻ thất thần trước chồng giấy khổ A4. Nhiều lúc mắt ông như bị hút chặt vào trang giấy, tay ông hết cầm bút lên lại hạ bút xuống. Tờ giấy trắng có lúc như im lìm lặng lẽ ngó nghiêng, có lúc lại như nhảy múa khích lệ, có lúc như uốn cong chả khác nào một dấu hỏi chưa hoàn chỉnh hay như một dấu ngã nửa vời. Ông vật vã, bởi những ý nghĩ không rành rẽ về chuyện này chuyện kia trong trạng thái căng cứng nhìn vào chồng giấy mà gán ghép cho nó những dạng thức quái gở như đang trêu ngươi ông. Thực tâm ông chả biết làm gì trong căn nhà của mình, trong khi thời gian lại quá ư là dư dả. Với ông bây giờ ngày quá dài, và đêm cũng vậy. Có lúc ông đứng ở ban công tầng ba, làm ra vẻ đang chăm chút tỉa tót cây hoa Lộc Vừng, chế thêm chút nước cho con Hoạ Mi, nhưng kỳ thực ông đang ngẫm ngợi về hai ông ngồi ở vỉa hè trước cửa nhà ông. Hai ông kia chắc cũng sêm sêm tuổi ngoại lục tuần như ông. Cả hai ông đều thuộc loại người nhỏ thó, gương mặt sạm quắt, mái tóc ai nấy cũng bạc tới già nửa và khô sợi. Có lần ông chợt bắt gặp ánh mắt hai ông ngước nhìn lên khi con Hoạ Mi cất tiếng hót. Cả hai người đều có ánh mắt sáng trong, hồn nhiên đến độ vô tư. Hình như, với hai ông cuộc đời này chả có gì khiến họ phải quá bận tâm. ấy là theo thiển nghĩ của ông về họ. Mà suy ra, họ có muốn ngẫm ngợi, muốn đay đả, bon chen cũng chả được. Ông là người vô thần. Ông chả quan tâm tới chuyện tâm linh, thần thánh, nhưng ông ngẫm đời mình mà cảm câu của ai đó nói rằng, cái anh muốn chắc gì đã là của anh và ngược lại. Ông đâu có nghĩ mình sẽ là bí thư một tỉnh. Khi được giao trọng trách làm bí thư tỉnh uỷ, xong một nhiệm kỳ ông đã ao ước, đã hy vọng, thậm chí có nhiều đêm, nhiều tháng dằn vặt, ngấm ngầm chạy ngược chạy xuôi để được về một cơ quan nào đó ở Trung ương giữ phẩm hàm ngang chức bí thư cấp tỉnh. Nhưng mọi ao ước, mọi toan tính đều nằm lại trong khát vọng của ông. Và ông đâu có nghĩ tới chuyện mình sẽ làm bí thư tới mười tám năm, nghĩa là hơn ba nhiệm kỳ của hệ thống Đảng. May cho ông thời bấy giờ không có chuyện lật bài về nhân thân mỗi con người thuộc tầm nhạy cảm ra ngõ hầu giữa bàn dân thiên hạ. Thời bấy giờ, tổ chức đã đưa vào tầm ngắm, nghĩa là đã xếp vào diện được cơ cấu, là nguồn của hệ thống thì mọi nguồn tin về nhân thân của người trong diện cơ cấu đều bị xếp vào loại tin xấu, tin của kẻ địch nhằm phá hoại sự trong sạch của tổ chức. Phàm cái gì đã thuộc về của tổ chức đều là đúng. Như bây giờ, ông có nằm mơ, có ảo tưởng, có hão huyền đến mấy cũng  không bén chân được vào cung quan lộ. Nghĩ mà thương cho mấy người bạn cùng con chấy cắn đôi với ông ngày ấy đã bị tổ chức đì cho đến nỗi không ngóc đầu dậy được, chỉ vì hé ra chuyện ông uống dấm, rồi đeo đá vào dái cho sệ xuống y như người mắc bệnh sa đì, nhờ đó mà lần nào đi khám nghĩa vụ quân sự mặc cho ông nài nỉ, khóc lóc thê thảm, thậm chí cắn rách ngón tay để lấy máu ký vào đơn xung phong nhập ngũ cũng chả ai dám nhận người mang nhiều bệnh tật như ông vào lính. Nhờ cái chi tiết ông cắn ngón tay lấy máu ký vào đơn xin đi bộ đội mà ông được vinh danh. Tổ chức Đoàn Thanh niên coi ông là tấm gương mẫu mực về lý tưởng dân tộc, về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. ở nơi ông sống, ở nơi ông làm công nhân, các tổ chức Thanh niên, công đoàn, dân phố mở các buổi học tập tấm gương của ông. Có rất nhiều từ hoa mỹ, gợi cảm tán dương hành động của ông mà lần đầu tiên được nghe chính ông cũng thấy nổi gai ốc. Ông phải tập dượt nhiều lần, học thuộc các câu mà những người chịu trách nhiệm bồi dưỡng điển hình gợi ý. Đã không ít lần ông ớ người khi nhận ra mấy bài kể cho từng loại đối tượng nghe khác nhau chả hề giống những gì như ông đã nghĩ và làm. Bản chất thật của câu chuyện là ông nén đau để bày tỏ vỏ bọc nam nhi thời loạn. Chuyện ấy đương nhiên chả bao giờ ông kể, nó thuộc loại tuyệt mật, sống để dạ chết mang theo. Có điều người ta đã mượn hiện tượng việc làm của ông để khuếch trương, suy luận nhằm tạo liệu pháp tâm lý tích cực cho những đối tượng mà họ đang cần hướng tới. Ông như người đang bay trong những khúc thức của nghệ thuật biểu cảm giữa nghe và nhìn. Ông nhớ, năm một chín bảy hai trong một lần ngồi nói chuyện vui với mấy anh vừa ở chiến trường ra, nghe họ kể những khốc liệt của cuộc chiến mà ông thoáng rùng mình, giữa lúc vui chuyện ông nghe họ nói về trường hợp một cậu cán bộ trung đội báo cáo xạo lên cấp trên là đang ngồi trên chốt, đạn pháo của địch bắn dày đặc lên trận địa, có một vài toán lính lao lên hòng chiếm lại chốt nhưng đều bị tổ chốt do cậu ta chỉ huy đẩy bật xuống, cậu ấy còn nói một câu mà sẽ mãi mãi trở nên nổi tiếng “ Còn Miện còn trận địa”. Đương nhiên hành động của cậu cán bộ trung đội kia không thể qua mắt những người lính đã từng vào sinh ra tử, nhưng cấp trên cần ý nghĩa câu nói nảy sinh trong hoàn cảnh. Cậu cán bộ trung đội kia cũng không được trọng dụng, nhưng câu nói của cậu ta cứ lấp lánh bay cao và vang xa. Ông nghe chuyện ấy vừa tủm tỉm cười vừa cảm thấy như có muối sát vào lòng. Càng ngày ông càng ngẫm ra một điều, chả phải chuyện gì cũng có thể nói ra được, chuyện nó là vậy nhưng lại không phải là vậy, có thế mới là cuộc đời chứ!. Dấu ấn mở toang cánh cửa để ông dấn thân vào hệ nhất nguyên chính là máu từ ngón tay ông nhỏ vào trang giấy. Cho tới những ngày này, mỗi khi ngồi ngắm nhìn trang giấy tâm trạng của ông lại xáo trộn không biết phải tự tình thế nào trên trang giấy cho phải đạo làm người.
 

              Ông đã cố hạ nhiệt độ trong căn phòng xuống đến mức tối thiếu cho phép của chiếc máy điều hoà hiệu LG, nhưng nó chả làm sao xuống tới cái giới hạn của máy móc. Ngoài trời nhiệt độ lên trên bốn mươi đã hun nóng những bức tường nơi căn phòng ông trú ngụ. Nhiệt độ trong căn phòng xuống tới ngưỡng hai mươi hai độ là cực kỳ lý tưởng đối với tiết trời biến ảo khôn lường vào mùa hè năm nay. Ngẫm ra ông vẫn là ước vọng của chán vạn người về điều kiện sống trong thời buổi cái mới chưa kịp ổn định để phát triển, cái nếp cổ hủ chưa chịu rũ mình lẩn vào ký ức. Có chăng chỉ lòng ông đang nóng trước những trang giấy trắng. Kể ra đến hôm nay ông đã ngồi tròn ba tháng mười ngày với hy vọng viết được những câu chữ cho đàng hoàng, những câu chữ đúng với nghĩa làm người, nhưng chả biết sao viết được chữ nào ông lại cảm thấy mình mắc lỗi với chữ ấy, thế là ông đành phải vò đi lật tìm trang khác để được sống trong thắc thỏm và hy vọng. Vẫn chỉ là những thắc thỏm với hy vọng dày vò ông. Lòng dạ ông nóng ran là phải. Ông đưa tay cầm cái điều khiển chỉ về phía cái quạt để mong có chút gió cho lòng bớt se sắt. Gió dìu dịu khẽ gẩy mấy tờ giấy lẩy bẩy va vào nhau. Ông chợt mỉm cười khi nhìn mấy tờ giấy lật bật. Ông nhớ tới hai lần khi ông nhận thấy trạng thái lật bật y như những tờ giấy ở trước mặt ông hôm nay. Lần thứ nhất cách đây mười ba năm. Bữa ấy trời cũng ngột ngạt, cái máy điều hoà ở phòng làm việc của ông lại hơi có vấn đề, ông bật quạt ở nấc mạnh. Giữa lúc ông đang đăm chiêu nghĩ về một vấn đề quan trọng thì cô nhân viên tạp dịch lặng lẽ bước vào. Một sự va chạm nhỏ giữa những cái chén do cô tạp dịch đang lau chùi gây ra khiến ông hơi thảng thốt ngước nhìn về phía bàn uống nước. Dáng cô tạp dịch hơi cúi tạo thành một đường cong mềm mại tựa như một phần cái cổng làng quê ông. Gió hăm hở khiến vạt áo bà ba mỏng tang của cô tạp dịch lật bật nhảy trên đường cong. Chỉ một thoáng thôi cũng khiến ông đỏ mặt mỉm cười. Một chút ao ước chộn rộn thoáng hiện lên trong ông. Ông liên tưởng tới những khúc cong của vợ. Hình như, ông chưa bao giờ cảm nhận được những khúc cong có ở vợ ông. Thực ra ông chả có thời giờ để cảm nhận việc ấy. Từ ngày ông bước vào vòng quay của luật đời, tâm trí ông bị cuốn hút vào những định đề của hệ thống, vào những ảo vọng do ông hào hển nghĩ ra. Những gì có được với vợ với ông đó là nghĩa vụ cần có của tạo hoá chứ đâu có sự rung động từ cảm nhận về giống. Nhìn tà áo lật bật vỗ vào đường cong của cô tạp dịch, một chút luyến tiếc gợn lên trong lòng đã khiến ông đỏ mặt mỉm cười. Đôi lần ông có nghe được những câu chuyện có thể là tếu táo, có thể là chuyện lượm lặt từ đâu đó rồi kể lại, có thể là chuyện của một vài người trong số họ được kể ra trong không khí hàn huyên chuyện giời chuyện bể của nhóm công chức dưới quyền, rặt chuyện đàn đúm với đàn bà. Có điều lạ, chí ít là với ông, họ kể về chuyện ấy một cách hào hứng, nét mặt anh nào anh nấy rạng nên niềm si mê, có vẻ như anh nào cũng thấy mình trẻ trung, yêu đời hơn mới lạ. Những lúc ấy ông chỉ còn biết lắc đầu, nhìn họ mà như không nhìn họ, nghe họ nói mà như không nghe thấy gì. Ông không có được tâm trạng đồng điệu như họ. Thú thực có lần nhìn thấy người đàn bà kiều diễm nào đó đi thoáng qua, hoặc như cái lần nhìn thấy đường cong với tà áo bà ba lất phất bên bàn nước ông vội tìm cách nuốt ao ước vào đáy ruột. Ông chợt nhớ lại những ký ức về lần thứ nhất. Còn lần thứ hai, chuyện cách nay đã hơn tám năm. Bữa ấy ông cùng đoàn cán bộ chủ chốt nhất của tỉnh xuống kiểm tra tiến độ xây dựng khu công nghiệp liên doanh với hãng Toyota. Khu công nghiệp rộng ngút tầm mắt. Những lô phân khu cho dự án mời gọi các nhà đầu tư đã cơ bản hoàn tất. Trong khi chờ đợi đối tác, Ban quản lý khu công nghiệp đã cho trồng cỏ ở các lô. Cỏ xanh mướt lặng lẽ nhô lên trong không gian đặc quánh của tiết đông hanh khô đến nao lòng. Bất chợt ông nhận thấy một vài ngọn cỏ lay động, rồi một vạt cỏ lay động. Một cảm giác khắc khoải len lén dâng lên trong lòng khi ông nhìn thấy mấy con chuột đang rúc rích đuổi nhau. Chúng là nguyên cớ để những ngọn cỏ rung rinh trong mắt ông. Thủa còn cưỡi trên lưng trâu, ông đã có không ít lần mải miết ngắm những ngọn cỏ rung rinh bởi những con châu chấu đang bỡn cợn đùa giỡn. Có lần ông lặng lẽ tụt khỏi lưng trâu rồi bất ngờ chạy ào trên bãi cỏ với hy vọng bắt kỳ được những con châu chấu. Ngày bấy giờ ông không nghĩ được như bây giờ về nguyên nhân để cho những ngọn cỏ lập bập khi trời không có gió. Nhớ về những ngọn cỏ thủa xa xưa, ông thảng thốt bừng tỉnh khoác tay vẽ một vòng vào khoảng không vô định mà nói bâng quơ, bằng mọi cách sớm lấp đầy khoảng trống để nó được sống động, rung ring như ngọn cỏ gặp gió. Ai nấy đi cùng ông bất chợt bừng tỉnh vừa gật đầu vừa dạ rối rít. Nhớ lại chuyện ấy ông tủm tỉm cười. Mấy tờ giấy lật bật mà sao thách đố ông ghê gớm đến vậy. Ngày ấy chỉ có vài ngọn cỏ lay động, ông giật mình khoác tay nói bâng quơ mà đâu vào đấy, mọi khoảng trống được lấp đầy, còn bây giờ mình ông độc thoại với chính ông sao mà khó thế.                                                
            Những trang giấy vẫn vô tư lật bật trước mắt đã khiến ông khó chịu. Ông giơ tay chĩa cái điều khiển yêu cầu quạt ngừng thổi. Như để yên tâm hơn ông lấy hộp đựng kính chặn lên để xem mấy tờ giấy có còn phách lối lật bật trước mắt ông nữa không. Nhìn thấy mấy tờ giấy nằm bất động, ông như trút được gánh nặng. Ông lặng lẽ ngước nhìn bức tượng Di Lặc đang trầm tư ngắm ông. Lòng ông cộn lên bao câu hỏi với mong manh hy vọng nhận được lời khuyên của Phật Di Lặc.
 
 
              Dằn vặt mãi rồi ông cũng viết được một câu mà đọc đi đọc lại dăm lần ông tạm gọi là yên tâm. Ông nhận ra tâm trạng mình có chút hứng khởi, lòng dạ ông đã bớt rối ren. ừ  nhỉ, không nhẽ một con người được coi là công thành danh toại, chỉnh chu với sự đời như ông đã quá hai trăm ngày ngồi bất lực trước trang giấy lại không thể nói ra được những điều của chính mình ư. Ông nhẩm đọc lại câu đã viết ra trên giấy Kể từ hôm nay tôi xin được sống thật với bản ngã của mình với mong muốn được làm người. Ông gật gù và nhận ra sống mũi cay cay. Sống thật và làm người vốn thuộc bản ngã của con người. Ông đã có vô vàn lần đứng trên bục răn dạy về điều đó, mà sao đến bây giờ ông mới cất lên lời thề với một hy vọng và ao ước cho chính mình. Ngẫm nghĩ cái câu mình viết được ra sau hơn hai trăm ngày ngồi chết lặng trước trang giấy, ông mới thấu thêm về sự sống. Cái khó nhất là đi tìm lại chính mình. Nếu đúng là ông đã đến được với chính ông trước khi làm ma, ông thấy mình còn hạnh phúc hơn chán vạn người. Quả là một cuộc trường chinh không hề đơn giản. Hơn hai trăm ngày ruột gan ông quặn thắt. Ông luôn sống trong tâm trạng thất thần, ăn mà không cảm nhận được mình đang ăn gì, uống mà chả hiểu dư vị của thứ nước đang chui qua miệng xuống ruột nó ra làm sao. Khắc khoải và đau khổ cứ trồi lên trụt xuống trong tâm trí của ông. Ông nhẩm đọc lại khúc chính của câu văn, hôm nay tôi xin được sống thật với bản ngã của mình. Chà, tận đến hôm nay ông mới được sống thật với chính mình. Vậy, còn cuộc đời trước đây của ông là thế nào?. Ông tự hỏi mình như vậy khi đọc lại cái câu đã viết ra trên trang giấy. Ông khẽ rướn người lên để cục tức trong ngực trôi xuống. Ông cảm thấy mắt mình ngấn nước. Vấn đề cốt tử mà ông phải đánh vật trên trang giấy chính là cái câu hỏi và dòng chữ ông cho là đắc địa nhất, là mạch nguồn tạo cảm hứng để ông bộc bạch mọi nhẽ trước lúc đi gặp tổ tông. Ông chợt nhớ tới câu nói, con chim cất tiếng hót hay nhất trong đời ấy là khi nó sắp lâm chung. Ông chắc chả được như vậy, nhưng ông tin rằng những gì ông viết ra nó chính là nhựa được tinh chế từ sự quặn đau trong tâm thức, là khúc thức lần tìm trở về với bản ngã làm người của mình. Ông nhớ mãi lần nói chuyện với anh em làm báo, làm văn học nghệ thật ở tỉnh nhà. Mở đầu bài nói chuyện, ông nói: Hôm nay tôi và các bạn là những người cùng hoạt động trên lĩnh vực tinh thần luận bàn với nhau về nhân cách. Có nghĩa là sau khi tôi trình bày xong, mong anh chị em có  gì cần trao đổi xin cứ mạnh dạn đặt câu hỏi để cùng nhau giải đáp. Quả thực đó là buổi nói chuyện cởi mở và chân tình. Khoảng cách giữa ông, một bí thư tỉnh uỷ với anh chị em hành nghề bị thu hẹp lại. Những câu rào đón vừa khách khí vừa xã giao được khoả lấp. Có đoạn ông đưa ra ví dụ, một người cầm bút phê phán thói hư tật xấu của ai đó, diễn ra ở đâu đó, phải là người có lối sống lành mạnh và trong sáng thì ngòi bút mới trơn, văn phong mới khoáng đạt. Anh chị em diễn viên cũng vậy, trong cuộc sống đời thường mà kênh kiệu, nỏ mồm, đếm hạt muối đo lọ mắm, lúc sắm vai người trượng phu, đại nghĩa thì khó nhuyễn lắm. Những người đọc tác phẩm biết người cầm bút nọ, những người xem nhân vật biết người sắm vai đó là ai, chắc chắn thái độ đồng cảm sẽ khác đi. Như vậy hiệu quả xã hội của liệu pháp giá trị tinh thần sẽ tạo ra những biến thái tâm lý khác nhau. Sau buổi nói chuyện, ông  ngồi lại trò chuyện với mấy anh em làm báo. Ông nhớ, anh nhà báo tên là Trường Lý, bút danh Thuỷ Châm nói :
           - Bài nói chuyện của bí thư thật chí lý. Hoạt động trên lĩnh vực nào cũng cần phải có nhân cách. Nhưng định giá về nhân cách cũng phải thích ứng với hoàn cảnh chứ không nên cứng nhắc, anh nhỉ?.
           - Mình nghĩ, hiểu như thế cũng được nhưng chưa rõ. Cốt lõi để đánh giá nhân cách đó là bản chất chân thật, tính hướng thiện của con người. Con người mà không chân thật trước hết với chính mình sao có thể là người sống chân thật với mọi người được. Chú làm báo, do nghề nghiệp mà chú biết ối chuyện ở đời, có chuyện chú viết ra vì bức bối cá nhân chứ không phải do tự thân khách thể nghề nghiệp đòi hỏi.
              Trong lúc trò chuyện một cách cởi mở và thẳng thắn, ông nói về cuộc sống  không mấy mặn mà của gia đình Trường Lý do chính anh ta gây nên. Trường Lý vin cớ áp lực công việc làm báo nên mọi việc gia đình đổ hết lên vai vợ và các con. Trường Lý luôn tự cho mình cái quyền được phán xét, bình phẩm đủ thứ chuyện ở đời và coi đó như là trách nhiệm của báo chí là biết phản biện xã hội. Sau này nghĩ lại, cũng không hiểu sao lúc bấy giờ những gì ông nghe nói về nhà báo Trường Lý lại lần lượt hiện ra có lớp nang để ông nói năng vừa nhẹ nhàng vừa thanh thoát khiến Trường Lý không giật mình hoảng hốt, mọi người ngồi xung quanh cũng không cảm thấy bị đố kỵ, xăm soi. Ông cảm nhận rõ ánh mắt mọi người nhìn ông với vẻ cảm phục. Thực lòng hôm đó ông cũng chờ đợi xem mấy anh nhà báo này sẽ nói gì về ông. Với cánh báo chí ông biết họ cũng ngoa ngôn lắm. Đời người chả ai nắm tay được cả ngày. Chả cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nào không có chuyện. Chuyện không lớn nhưng được mấy anh làm báo luận giải, trong công chúng tiếp cận thông tin có người mắt tròn mắt dẹt nhìn bằng cảm thức cổ điển, báo chí đưa tin không phải chuyện đùa. Mọi chuyện khi đã được minh chứng thì má đã sưng vêu nên rồi. Chả thấy ai hỏi ông điều gì. Có thể anh em họ ngại. Tâm lý trật tự theo nếp ăn ở truyền thống bề dưới ngại nói về những điều chưa phải của quan trên. Ông thừa biết những gì họ đàm tiếu về ông là có. Là vị quan không có sở thích cá nhân, thậm chí đến mặt mũi của đồng tiền ông cũng chả rành rẽ nên ông chả mấy bận tâm chăm lo cho mọi người được đắm say với sở thích của mình. Vợ ông, người đầu ấp tay kề của ông mà ông còn chả rành rẽ cô ấy ham thích cái gì. Những chuyến đi công cán nước ngoài, anh em mua gì, đem đến nhà ông những gì ông còn chả cần biết. Với ông đó là chuyện vặt ở đời, mà chuyện vặt như thế sao có thể đưa vào chuẩn của nhân cách. Ngay trong sinh hoạt vợ chồng ông cũng đưa vào kế hoạch định kỳ. Mỗi tháng ông ái ân với vợ hai lần vào ngày mồng năm và ngày hai mươi. Có lúc vui nói chuyện ấy với anh em có quan hệ mật thiết trong công tác với nhau, ông bảo, làm gì cũng phải có nguyên tắc mà biểu hiện của nguyên tắc là tính kế hoạch ngay cả trong sinh hoạt. Lúc đầu cả hai vợ chồng đều cảm thấy khó chịu vì thiếu sự đồng cảm trong hưng phấn, sau rồi cũng đâu vào đấy. Tất cả đều là thói quen do chính mình tạo lập nên. Được cái, vợ mình là người đàn bà biết đặt sự nghiệp của chồng lên trên tất thảy. Cô ấy không có sở thích gì khác ngoài niềm đam mê gọn nhà, sạch bếp. Kể từ ngày ông lọt vào tốp thập tam đại lão gia của tỉnh, vợ xin nghỉ việc để chăm chút nhà cửa đợi tiếng còi xe đưa ông về để ra đỡ cặp, nâng áo, gỡ giày cho ông. Mấy chục năm ông quen được như thế, thành ra vài tháng đầu về nghỉ hưu ông cứ lúng ta lúng túng hết ra cửa lại quay vào nhà, vợ ông nhìn dáng vẻ ấy của ông mà cũng cảm thấy nhói lòng, chân tay bứt rứt. Có lần vợ ông nói, hay mình cứ hàng buổi đi đâu đó để đúng giấc tan tầm về nhà cho em có việc như dạo đón mình đi làm về. Ông ngước nhìn vợ mà thấy nhói lòng. Kể ra làm được như vậy vợ ông đỡ buồn mà ông lại được sống với nếp quen. Có điều khiến ông cân nhắc mãi, biết đi đâu vào cái khoảng thời gian một tiếng buổi sáng và một tiếng buổi chiều. Đi bộ thì ông ngại, đi xe đạp thì ông ngượng, đi xe máy thì ông không biết, mà cái khiến ông đớ nhất là ông không biết cách và có thói quen đi dạo phố. Nhiều thứ ngại lắm, thấy ai đó giơ tay chỉ về phía mình ông lại giật thột người vì nghĩ rằng họ đang nói về một bí thư hết việc. Tỷ như hai ông ngồi kiếm sống ở cửa nhà ông, mỗi lần nhìn thấy họ chỉ lên phía ban công nơi ông thường đứng chăm chút mấy cây cảnh, vài ba con chim cũng khiến ông giật mình vì sợ rằng họ đang nói về ông. Bởi luôn sống trong tâm trạng thất thần nên ông cảm thấy bị cô độc. Đã nhiều đêm ông vắt óc tìm xem ai là người có thể ngồi trò chuyện được với ông. Những người đồng học với ông một thời đã lâu rồi ông không đến với họ. Chắc họ vẫn nhận ra ông, cái thằng cu nhểu- theo cách gọi của những đứa cùng học cấp I, cấp II với nhau, anh bôn khệt- theo cách gọi của những người cùng học hệ chính trị hoặc cùng công tác với nhau, vì ông có vị trí được nhiều người biết đến. Còn ông, chắc khó nhận ra những đứa cùng học với mình ngày bé. Trong số tất cả những người ông biết, những người biết ông, ông chả rõ ai là bạn của mình với đúng nghĩa là bạn. Ông không sao tìm được bạn trong trí nhớ. Lúc này nếu nhớ ra ai là bạn nhất định ông sẽ tới thăm, nhất định ông sẽ làm theo lời khuyên của vợ để cả hai được sống theo thói quen khi ông còn đương chức.
              Về hưu ông mới ngấm sự cô độc. Ông muốn lẩn tránh sự cô độc bằng cách ngồi lần giở lại cuộc đời mình trên trang giấy. Ông hy vọng lòng mình sẽ khuây khoả, nào ngờ tâm trạng ông càng nhói buốt, quặn đau. Những trang giấy oằn mình thách đố, găn gợi ông đi tìm lại chính ông. Hơn hai trăm ngày ông mới viết được cái câu gợi mở ưng ý. Dẫu sao với ông, đó là câu dẫn lối đưa đường để ông được bộc bạch với đời về một thời của ông. Một thời của ông được đi nhiều nơi cả trong nước và ngoài nước, được tự do bày tỏ ý tưởng và những ham muốn rồi lặng lẽ chiêm nghiệm hoặc tận hưởng những gì mình nghĩ ra. Một thời mà đi đến đâu, làm việc gì ông cũng hỉ xả, ngấm ngáp sự chăm lo, tán dương đến ngập ngụa. Những lần ông có mặt ở đâu đó giời bất ưng đổ mưa hoặc bất ưng lộ nắng, đám người vây quanh ông hối hả che chắn. Ông chả cần phải mảy may cảm động bởi đó là lẽ đương nhiên như vốn vậy của hệ thống công quyền. Cái thời của ông hay thật. Cái thời ông không biết lựa chọn, không được lựa chọn cho riêng mình. Thực ra ông đâu được là mình  mà biết làm gì cho mình. Một lần cậu phóng viên Truyền hình hỏi sở thích riêng của ông là gì, ông chỉ còn biết lắc đầu cười trừ. Với ông, khái niệm sở thích riêng đồng nghĩa với lập dị, là tư lợi, là cá nhân chủ nghĩa. Hai vợ chồng sống với nhau đến nay ngót năm chục năm đã bao giờ ông cùng vợ sóng vai đi được một mét phố, bước vào một cửa hàng, nói trọn một câu chuyện về nhà cửa, về con cái. Ông không có thời gian dành cho việc ấy. Vợ ông cũng không muốn làm cho ông phải bận tâm về những việc mà bà hiểu đối với ông nó nhỏ nhặt, vớ vẩn. Thi thoảng ông ăn ở nhà, vợ ông phải tìm món ăn mà mọi người vẫn chăm chút cho ông để ông ngon miệng. Chả rõ ông có hiểu đã nhiều lần vợ ông thở dài với câu nói nhỏ nhẹ cho riêng mình, có chồng cũng như không. Bà sống cô quạnh, lẻ loi trong căn nhà đầy đủ những tiện nghi sang trọng. Trước năm ông nghỉ hưu, vợ chồng ông ngồi nói chuyện với nhau được trọn một buổi tối. Cả hai cùng ngượng ngịu không biết nên mở đầu bằng chuyện gì. Đã quá lâu rồi họ có chuyện gì để nói với nhau nên không có mạch chuyện. Bà thì lúng ta lúng túng hết đứng lên chạy xuống bếp làm như còn quên thứ gì đó, lại ngồi xuống mà tay lóng nga lóng ngóng cầm chén nước lên lại đặt xuống. Ông thì ngồi yên bất động như thói quen ở công sở đang đăm chiêu việc hệ trọng. Mắt ông nhìn khắp lượt căn phòng, thi thoảng ông có dừng mắt nhìn khi thì bức tranh khảm trai “Chùa Một Cột”, khi thì bức hoạ “Người đàn bà xa lạ”. Thảng có đôi lúc trong lòng ông gợn nên câu tự vấn, những thứ được bày biện trong phòng khách nhà mình có từ hồi nào nhỉ?. Thoáng có lần ông nhìn dáng bà đang tong tả đi xuống bếp, ông hơi giật mình vì nhận ra cánh lưng của bà phẳng lặng. Ông chợt se sẽ thở dài và cố lắc đầu xua đi hình ảnh về tấm lưng của bà hồi mới cưới đang trồi trụt cùng những tấm lưng của cô tạp dịch và lưng những người con gái mà ông phải gặp. Rồi rắng mãi rồi bà cùng đành cất nhời trước. Bà hỏi ông: “ Ông đã sắp bớt lo toan công việc được chưa?.”. “Chả biết nữa. Tôi không tự mình quyết định được cho mình”. “Đã lâu rồi tôi chưa về quê, tôi muốn vợ chồng mình cùng nhau về thăm quê một chuyến”. “Bữa lâu rồi tôi có nhờ anh em ở huyện cho chỉnh trang lại các con đường trong làng ở quê bà, nâng cấp con đường từ xã tôi xuống xã của bà. Anh em ở huyện có nói là mọi việc đã làm đúng ý tôi. Thực hư ra sao tôi cũng chưa có dịp về xem lại. Bà để tôi lựa dịp rồi tôi và bà cùng về thăm đôi quê luôn thể”. Bà nghĩ bụng, ông nói vậy thì biết vậy chứ còn cái dịp theo ông nói có đến mục thất cũng chả có. Chuyện của hai ông bà con cà con kê sang chuyện con chuyện cháu. Ông chả rành lũ cháu lớn bé thế nào, học lớp mấy rồi, sức học của từng đứa ra sao, sở thích của mỗi đứa. Bà chả lạ gì ông khi nói tới chuyện con, cháu. Đã đành là ông ù ù cạc cạc, nói về chuyện ấy bảo ngồi ngậm hột thị thì không đúng nhưng lúng búng như gà mắc tóc thì có. Bà đành nhắc tên từng đứa và kể về chúng nó cho ông nghe. Mỗi khi kể đến đứa nào bà lại nghe rõ tiếng ông rên hay reo gì đó, đại loại là vậy, hết ồ rồi ông lại à hay oà gì đó. Thi thoảng bà lại lấy tờ giấy châm chấm mi mắt mà nghĩ thương cho ông bởi cái khoảng cách giữa ông và những gì là của ông ngày mỗi ngày một doãng ra.
             Ông nhớ lại những chuyện ấy và quyết định trước hết sẽ kể về cuộc sống gia đình. Chỉ nội chuyện gia đình ông sẽ tìm gặp được mình một cách thấu đáo nhất. Ông bắt đầu kể từ chuyện quên quê. Ông kể ngày bé, chả phải ông mà cả gia đình ông, thậm chí cả làng ông mỗi lần đi ỉa đều phải lấy que chùi đít. Ngày ấy lấy đâu ra những vật dụng khác để thay thế que. Chỉ nội chuyện ỉa ông cũng phóng bút viết gần trọn trang giấy. Bởi chuyện ấy có ối kỷ niệm để minh chứng về một thời khốn khó. Sau này mỗi ngày dấn thân vào cuộc đời mới, sống cuộc sống mới ông chả còn thiết đến quê. Ai đó kể về quê, ông chợt thấy lợm giọng bởi mùi cầu tiêu và cảm giác về cái que gại vào đít gợn lên.
            Những trang giấy đầy ắp chữ đi từ tâm trạng viết về mình, viết cho mình, được sống là mình, sống đúng với mình nối nhau chồng lên trên bàn. Sau những mạch viết đầy hăm hở, không toan tính, ông đọc lại những trang đã ra lò. Máu trong người ông rần rật chảy. Đôi lần ông muốn gọi vợ lên để đọc cho bà nghe, nhưng nghĩ hãy để đến đoạn nói về cô ấy sẽ có nhiều ý nghĩa hơn. Ông đã trù liệu đoạn kể với bà, ông sẽ kể thật hơn những gì đang có. Khi ấy, chắc chắn bà sẽ yêu ông như ngày nào hai đứa rủ nhau chui vào bụi khoai ngứa cùng ngoắc tay thề chả bao giờ bỏ nhau. Ông tin là bà chưa đọc những trang mà ông đã viết, nhưng ông chắc chắn bà đã cảm nhận được sự thay đổi quan trọng trong con người ông, bằng cớ để ông chắc chắn như vậy là qua từng cử chỉ mà bà chăm sóc ông những ngày gần đây. Có ngày bà nhắc ông nhớ ăn khoai luộc với mấy củ lạc. Có ngày bà mời ông xơi khúc sắn bở còn nóng. Có ngày bà lựa mấy ngọn rau muống non luộc vừa tới, chăm chút bát mắm cáy có vài giọt chanh và mấy lát ớt tươi. Có bữa, nhìn ông đưa tay dấp chút nước, bới chút cơm nóng cho vào lòng bàn tay nắm cho vừa nhuyễn tới, chấm vào đĩa muối vừng, từ tốn đưa lên miệng cùng với ánh mắt hấp háy nhìn bà khiến bà đỏ mặt quay đi. Khi ấy bà cố nuốt nước mắt vào lòng, nhớ lại hình ảnh ngày hai người về ở với nhau cũng diễn ra y chang như vậy. Bà không uổng công chờ đợi và hy vọng. Con người ta ai chả có lúc mê muội. Bà nghĩ vậy và ao ước sẽ được nằm lọt thỏm trong lòng ông như ngày nào.
            Những trang viết thật lòng nối nhau chồng trên bàn đã khiến ông bớt nguôi ngoai. Cuộc sống rồi có lúc cũng phải vậy!. Ông nghĩ thế nên hăm hở kiếm tìm những gì mình đã bỏ quên.   
             Con người rồi cũng phải bới lật về một thời để tìm lại chính mình. Ông rung đùi, tự thưởng cho mình ngụm nước khi nghĩ ra một lời khuyên đắc địa, chí ít là cho riêng ông.
                                                                                                  25-11-2008